1/ Leo thang chiến tranh.
Các lực lượng bộ binh Hoa Kỳ bắt đầu giao chiến với các đơn vị Việt Cộng từ
cuối mùa hè và đầu mùa thu năm 1965. Khi quân đội Hoa Kỳ đổ vào miền Nam
Việt Nam, các rối loạn chính trị tại Saigon chấm dứt. Một cuộc đảo chính đã
đưa hai sĩ quan là Nguyễn Cao Kỳ và Nguyễn Văn Thiệu lên nắm quyền, và là
những người cai trị miền Nam trong một thập niên cho tới lúc cáo chung.
Trong cuộc tranh luận giữa chính quyền và giới quân sự Mỹ về chiến thuật
và chiến lược, phe thắng thế là những người nhấn mạnh vào kiểu chiến tranh
quy ước, hơn là dùng chiến lược bình định hay chống nổi loạn.
Bắt đầu từ ngày Giáng Sinh năm 1965, chính quyền Johnson ngưng ném bom Bắc
Việt trong 37 ngày. Không lực Hoa Kỳ đã bay 55,000 lần, tấn công các mục
tiêu trong miền Bắc. Trong cuộc tranh luận giữa chính quyền và giới quân sự
Mỹ về chiến thuật và chiến lược, phe thắng thế là những người nhấn mạnh vào
kiểu chiến tranh quy ước, hơn là dùng chiến lược bình định hay chống nổi
loạn. Tham gia lực lượng Hoa Kỳ tại Việt Nam còn có các nước đồng minh trong
vùng, gồm cả Nam Triều Tiên, Úc, Tân Tây Lan và Phi Luật Tân.
Tại Indonesia, hai triệu đảng viên
cộng sản, rõ ràng là do sự khuyến khích của Sukarno và Mao, đã phát động một
cuộc đảo chánh nhắm vào các nhà lãnh đạo quân sự chống cộng. Một cuộc phản
đảo chánh do phe quân đội đã trở thành cuộc tàn sát trong đó từ 12 tới 100
ngàn người bị giết hại. Sukarno bị tước quyền, thay thế bởi Suharto, một
tướng lãnh cai trị Indonesia tới năm 1998. Dưới thời Suharto, Indonesia cắt
đứt liên lạc với Trung Cộng và theo đuổi một chính sách trung lập ngả về Hoa
Kỳ.
Giấc mộng của Mao về một phần đối trọng với Liên Hiệp Quốc và về một trục
Bắc Kinh- Jakarta đã bị thu nhỏ lại. Tới lúc này, Mao hướng về trong nước,
phát động cuộc Cách Mạng Văn Hóa, một cuộc thanh trừng cực đoan kiểu
Stalinnít, khiến cho tình trạng của nước Trung Hoa giống như gặp nội chiến.
Một năm sinh sống trong nguy hiểm đã trở thành “một năm ghê sợ” (annus
horribilis) cho Bắc Kinh.
Tới lúc này, Hoa Kỳ, Trung Cộng và
Liên Xô tham dự vào cuộc xung đột ủy nhiệm cao nhất trong cuộc Chiến Tranh
Lạnh kể từ cuộc Chiến Tranh Triều Tiên. Trong khi Hoa Kỳ chống cự để không
bị làm nhục khi bảo vệ các nước nhỏ, Trung Cộng và Liên Xô cạnh tranh với
nhau vì uy tín trong khối cộng sản và trong thế giới đang phát triển.
Trong các năm từ 1965 tới 1968, Trung
Cộng cung cấp yểm trợ lớn lao cho Bắc Việt. Ngoài việc tiếp tế cho Hà Nội
các dụng cụ quân sự và đồ dùng dân sự, chính quyền Mao đã phái các toán pháo
binh phòng không qua miền Bắc Việt Nam. Quan trọng hơn nữa theo lời yêu cầu
của Hà Nội, Trung Cộng gửi qua các toán công binh để sửa chữa và nới rộng hệ
thống xe lửa của Bắc Việt để cho hệ thống này không bị bất khả dụng do việc
oanh tạc của Hoa Kỳ. Các toán quân Trung Cộng cũng giúp cho Bắc Việt rảnh
tay để họ qua đồn trú tại Lào và chuyển các tiếp liệu xuống đường mòn Hồ Chí
Minh.
Từ tháng 6 năm 1965 tới cuối năm 1969, các đạo quân tiếp liệu Trung Cộng đã
xây dựng xong 20 nhà ga xe lửa mới, 39 cây cầu mới, 14 đường hầm, 117 cây số
đường sắt mới và đã sửa chữa xong 362 cây số các đường xe lửa cũ. Tổng cộng,
Trung Cộng đã gửi đi 327,000 quân tới Bắc Việt. Theo như nhà sử học Trần
Kiến (Chen Jian) nhận xét: “mặc dù sự yểm trợ của Bắc Kinh không đúng theo
các mong đợi của Hà Nội, nhưng nếu không có yểm trợ này, lịch sử và ngay cả
các thành quả của cuộc Chiến Tranh Việt Nam sẽ khác đi”. (Chen Jian,
“China’s Involvement,” pp. 372-380).
Vào tháng 10 và tháng 11 năm 1966, nhân vật thứ hai trong chế độ Hồ Chí
Minh là Lê Duẩn đã hội đàm với các nhà lãnh đạo Trung Cộng tại Bắc Kinh.
Chu Ân Lai thúc dục Bắc Việt tiếp tục chiến tranh tối thiểu tới năm 1968.
Sáu tháng sau đó, do còn e ngại rằng Bắc Việt sẽ thương thuyết với Hoa Kỳ,
các viên chức Trung Cộng bắt Võ Nguyên Giáp và Phạm Văn Đồng phải hứa với
họ “một cách nghiêm chỉnh” rằng Bắc Việt sẽ không chấm dứt chiến tranh.
Tuy nhiên để có thể tiếp tục chiến
tranh, Bắc Việt cần các võ khí và trang bị mà Trung Cộng không thể cung cấp.
Vì thế Đồng và Giáp đã dẫn một phái đoàn khác qua Moscow vào tháng 4 năm
1967. Mặc dù các mối nghi ngờ, Liên Xô đã chọn việc tiếp tế lại cho Bắc Việt
vì e sợ rằng việc từ chối sẽ dẫn tới sự gia tăng ảnh hưởng của Trung Cộng
lên Hà Nội. Quả vậy, Liên Xô đã từng vượt hơn Trung Cộng như là nhà cung cấp
trợ giúp quân sự lớn nhất cho Bắc Việt. Thời gian giữa các năm từ 1964 tới
1974, số lượng trợ giúp cho Bắc Việt lên tới 50 phần trăm trong tổng số trợ
giúp của Liên Xô cho các chế độ cộng sản vệ tinh (số còn lại chia nhiều hơn
cho Cuba và Bắc Triều Tiên).
Từ năm 1965 tới 1968, có tới 3,000 cố
vấn Liên Xô tham dự vào cuộc Chiến Tranh Việt Nam (Ramesh Thakur and Carlyle
A. Thayer, Soviet Relations with India and Vietnam (London:Macmillan, 1992),
p.117). Họ dạy cho binh lính Bắc Việt cách dùng các dụng cụ do Liên Xô cung
cấp, điều hành hệ thống phòng không ở dưới đất và cũng tham dự vào các chiến
trận chống lại người Mỹ và người miền Nam Việt Nam. Chính quyền Xô Việt cẩn
thận che dấu cách bành trướng tham gia vào Đông Dương, ngăn cấm các nhân
viên và gia đình Xô Viết nói về địa chỉ của các đơn vị. Binh lính Liên Xô
qua Việt Nam phải mặc y phục dân sự và khi tới nơi, mặc quân phục Bắc Việt
(Trong cuộc Chiến Tranh Triều Tiên, phi công Xô Viết và các “người tình
nguyện” quân sự đã mặc binh phục của Trung Cộng và Bắc Triều Tiên).
Cựu đại tá Xô Viết Alexei Vinogradov đã viết rằng:
“người Mỹ đã biết rõ rằng các máy bay Bắc Việt kiểu Xô Viết thường do
các phi công Xô Viết lái”. Trong suốt thời gian của cuộc Chiến Tranh Việt Nam, và cả vào thời
Chiến Tranh Triều Tiên, chính quyền Hoa Kỳ đã giữ bí mật mức độ tham dự
của lực lượng quân sự Xô Viết để khiến cho áp lực dân chúng không làm khó
khăn khi giới hạn cuộc chiến tranh ủy nhiệm này.
Cuộc chiến tranh giữa Do Thái và các
nước láng giềng bộc phát vào ngày 5/6/1967 đã làm gia tăng hơn nữa các căng
thẳng Hoa Kỳ – Liên Xô. Tại cuộc họp thượng đỉnh cỡ nhỏ ở Glassboro, New
Jersey, vào ngày 23/6/1967, Thủ Tướng Xô Viết Aleksei Kosygin đã truyền đạt
lời đề nghị của Hà Nội muốn trở lại bàn thương thuyết nếu cuộc oanh tạc Bắc
Việt chấm dứt (nhiều gợi ý ngoại giao Hoa Kỳ, mang tên “Mayflower”,
“Marigold” và “Sunflower” đã thất bại). Qua các người Xô Viết, chính quyền
Johnson trả lời rằng Hoa Kỳ sẽ cứu xét việc ngưng oanh tạc, nhưng lại tiếp
tục nếu các đàm phán thất bại.
Vào mùa thu năm 1967, sự ủng hộ của
dân chúng Hoa Kỳ dành cho cuộc chiến Việt Nam xuống tới mức thấp nguy hiểm.
Phong trào chống chiến tranh nhỏ, dẫn đầu bởi các người cấp tiến khuynh tả
và các người vận động hòa bình, đã thất bại trong việc thuyết phục dân chúng
rằng cuộc chiến này thì vô nhân đạo, quả vậy các lời hùng biện chống Mỹ của
nhiều nhà hoạt động chống chiến tranh đã tạo nên phản ứng cực đoan mà các
nhà chính trị bảo thủ có thể lợi dụng trong nhiều chục năm. Sự yểm trợ cho
chiến tranh bị giảm đi khi số thiệt hại gia tăng giống như trong cuộc Chiến
Tranh Triều Tiên. Phải đương đầu với sự ủng hộ của dân chúng suy giảm và gặp
thử thách từ cánh tả của đảng Dân Chủ, tổng thống Johnson trong bài diễn văn
đọc tại San Antonio vào ngày 27/9/1967, đã không còn nhấn mạnh như trước kia
rằng ông chỉ ngưng cuộc oanh tạc để đổi lấy các thương thuyết và để đòi hỏi
rằng Bắc Việt phải ngưng xâm nhập vào miền Nam Viêt Nam.
Nhưng Hà Nội đã trù liệu một cuộc tấn
công và nổi dậy tại miền nam. Kế hoạch này đi ngược với chủ trương ưa thích
hơn của Trung Cộng là cuộc chiến tranh du kích cấp thấp, kéo dài, trong khi
đó Hà Nội đã thành công khi kiếm được trợ giúp quân sự và một tuyên bố yểm
trợ từ Moscow. Nhà sử học Ilya V. Gaiduk viết rằng:
“lần đầu tiên kể từ sự giúp đỡ đầy đủ của Xô Việt cho Hà Nội, một thông
cáo đã chỉ rõ loại yểm trợ quân sự nào đã được cung cấp... Cách tuyên bố
rõ ràng như vậy dành cho sự trợ giúp toàn bộ thì chưa hề có đối với Moscow
trong các liên hệ của nước này với các đồng minh và các cuộc chiến ủy
nhiệm”.
Vào ngày 30/1/1968, trong dịp Tết là ngày đầu năm âm lịch Việt Cộng đã phát
động một làn sóng tấn công và đột kích trong khắp miền Nam Việt Nam, tấn
công Dinh Tổng Thống và ngay cả bộ Tổng Tham Mưu tại Saigon. Lực lượng Hoa
Kỳ và đồng minh Viêt Nam đã phối hợp và tận diệt các kẻ nổi dậy. Tại thành
phố Huế, các người cộng sản chỉ bị đánh bại sau 3 tuần lễ tàn phá nơi này.
Sau ngày sụp đổ của thành phố Huế, các tử thi của gần 3,000 dân sự Nam Việt
Nam đã bị tra tấn và hành quyết bởi Việt Cộng, được tìm thấy trong các mồ
chôn tập thể.
Sự thất bại trong cuộc tấn công Tết là một bước thụt lùi tàn hại về quân sự
của các người cộng sản. Tuy nhiên, cuộc tấn công Tết này được coi là một
thất bại dành cho Hoa Kỳ. Một lý do là vì tính cảm nhận của các nhà báo
phương tây đã cho dân chúng Mỹ một cảm tưởng sai nhầm về sức mạnh và sự ủng
hộ của Việt Cộng. Nhưng một lý do quan trọng hơn là sự kiện liên quan tới
các báo cáo lạc quan của tướng Westmoreland từ Nam Việt Nam, các báo cáo này
đã bị mất uy tín. Cuộc chiến tranh có thể thắng được – nhưng nếu có thắng
thì còn xa cách cái giá mà dân chúng Hoa Kỳ có thể chấp nhận được.
2/ Đông Dương bị mất quyền quyết định.
Cuộc tấn công Tết Mậu Thân đã tạo nên sự rối loạn chính trị tại Hoa Kỳ.
Thượng nghị sĩ Eugene McCathy, người chỉ trích chiến tranh, gần như đánh bại
tổng thống Johnson trong cuộc bầu cử sơ bộ của đảng Dân Chủ vào ngày 12/3
tại New Hampshire. Cũng trong tháng 8/1968, Clark Clifford là người bi
quan từ lâu về cuộc chiến, đã thay thế Robert McNamara làm bộ trưởng quốc
phòng và tướng Westmoreland được chỉ định lại làm tham mưu trưởng lục quân.
Vào ngày 31/3, sau khi được “các vị khôn ngoan” (the Wise Men) (đây là một
nhóm các chính khách thâm niên gồm cả cựu ngoại trưởng Dean Acheson), cố vấn
rằng cuộc chiến phải giảm bớt xuống, tổng thống Johnson xác nhận rằng ông
không ra tái tranh cử và công bố việc ngưng oanh tạc. Vào ngày 10/5, các đàm
phán hòa bình bắt đầu tại Paris.
Vào mùa thu, do mệt mỏi vì chiến tranh nhưng cũng chán ghét chính sách chống
Mỹ của những kẻ cấp tiến phản chiến đã gây nên cuộc bạo loạn chống cảnh sát
tại Đại Hội Dân Chủ năm 1968 ở Chicago, cử tri Hoa Kỳ đã bầu ông Richard
Nixon làm Tổng Thống. (Giới lãnh đạo Xô Viết do e sợ kết quả này, đã khuyên
Bắc Việt vì quyền lợi của họ mà nên giúp công vào cuộc bầu phiếu cho ông
Hubert Humphrey bằng cách tỏ ra rằng hòa bình đang gần tới).
|
Tổng thống Nixon
|
Từ khi lãnh chức vụ, ông Nixon bắt đầu tìm kiếm
“nền hòa bình trong danh dự” tại Đông Dương. Chiến thuật của ông ta
là phối hợp các áp lực quân sự đặt lên Hà Nội và các cố gắng làm cho Moscow
và Bắc Kinh xa bớt thân chủ của họ. Hai tháng sau khi ngồi vào Tòa Nhà
Trắng, Nixon đã ra lệnh oanh tạc các sào huyệt cộng sản bên trong xứ Cambốt.
Thái tử Sihanouk đã bí mật chấp nhận sự việc này với điều kiện là các vùng
đông dân của Cambốt không bị ảnh hưởng. Vào năm 1970, Sihanouk bị hạ bệ và
chế độ mới, thân Mỹ của Tướng Lon Nol đã ra lệnh cho các kẻ chiếm đóng Bắc
Việt phải ra khỏi xứ sở này. Nixon đã lợi dụng cơ hội này để ra lệnh cho lực
lượng Mỹ tiến vào Cambốt trong hai tháng, tìm kiếm các bộ chỉ huy của cộng
sản và phân tán mỏng quân đội Bắc Việt. Bắc Việt phản ứng lại bằng cách
chiếm đóng phần lớn đất đai Cambốt và giúp cho lực lượng Khmer Đỏ của Pol
Pot đánh lại các lực lượng của Lon Nol.
Chiến dịch oanh tạc của Nixon tại Cambốt và miền Nam Việt Nam đã che đậy
việc rút quân đội Mỹ và việc “Việt Nam hóa” chiến tranh. Vào cuối năm 1970,
280,000 quân Mỹ đã ra đi và chỉ còn 140,000 quân ở lại miền Nam Việt Nam vào
cuối năm 1971. Tinh thần chiến đấu của binh lính Mỹ giảm xuống, không ai
muốn là các thiệt hại sau cùng. Đồng thời công tác Việt Nam hóa đã bị nghi
ngờ khi vào tháng 2/1971, quân lực Nam Việt Nam gặp thất bại trong việc cắt
ngang đường mòn Hồ Chí Minh tại Lào.
Quốc Hội Hoa Kỳ, trước kia đã từng do dự khi đối đầu với các Tổng Thống
Johnson và Nixon trong khi quân đội Mỹ còn đang ở ngoài mặt trận, nay trở
nên cứng dắn hơn trong các giới hạn lập pháp khi mà quân số giảm dần. Vào
ngày 12/1/1971, Quốc Hội xét lại Nghị Quyết Đông Nam Á (the Southeast Asia
Resolution), cùng ngày hôm đó Tổng Thống Nixon ký Tu Chính Án Cooper-Church
(the Cooper-Church Amendment), sắc lệnh này cấm dùng lực lượng bộ binh Mỹ
trên miền đất Cambốt. Các nhà chính trị “diều hâu” loại ôn hòa (moderate
owls) với con số đang lên, bị báo động bởi các phí tổn vì sự tham dự quân sự
của Mỹ vào chiến tranh Việt Nam, cũng như do nền kinh tế, đã tham gia cùng
với các người “bồ câu” chống chiến tranh để nghiêng về chủ trương rút nhanh
sự tham dự của Mỹ ra khỏi Việt Nam.
Chính quyền Nixon đã cố gắng làm cân bằng công tác Việt Nam hóa với công
việc thử khai thác các chia rẽ giữa các ông chủ của Hà Nội là Moscow và Bắc
Kinh. Cuộc xâm lăng của Xô Viết vào xứ Tiệp Khắc vào năm 1968 đã không gây
phản ứng dữ dội nào tại phương tây, nên đã bị Mao coi là cách xác nhận lại
chủ quyền của Moscow trong khối cộng sản. Vào tháng 9/1971, sau nhiều năm e
ngại chiến tranh Trung Xô, người được chỉ định kế nghiệp của Mao là Lâm Bưu
(Lin Piao) đã chết trong một tai nạn máy bay phản lực bí ẩn khi ông này tìm
cách trốn sang Liên Xô sau khi âm mưu với giới quân sự của Trung Cộng để lật
đổ Mao.
Những khai triển này đã khiến cho Nixon có thể cởi mở với Trung Cộng và đi
qua Bắc Kinh vào tháng 2 năm 1972. Tuy nhiên viêc sát gần Mỹ Trung đã không
khiến cho Trung Cộng chấm dứt yểm trợ Bắc Việt. Sự ve vãn của Nixon đối với
các nhà lãnh đạo Xô Viết cũng thất bại trong việc mang lại kết quả trên
chiến trường Đông Dương. Thực vậy, vào tháng 10/1971, do e ngại sự thông
đồng Mỹ Trung, Xô Viết đã phái Nikolai Podgorny tới Hà Nội, tại nơi đây ông
ta đã đề nghị sự liên kết Xô Viết với Bắc Việt chống lại Trung Cộng. Vào mùa
xuân năm 1971, Moscow gia tăng các trợ giúp quân sự của họ, gửi qua Bắc Việt
các chiến xa T-54 và đại bác tầm xa trong số các võ khí chuyển qua hải cảng
Hải Phòng.Vài tháng sau, số lượng chuyển giao võ khí lên cao tới bậc thứ hai
trong suốt cuộc chiến (cao điểm là vào năm 1967).
Do được Moscow khuyến khích và trang bị võ khí, Bắc Việt phát động cuộc tấn
công vào tháng 4, chiếm tỉnh Quảng Trị của miền nam Việt Nam và đe dọa các
miền quan trọng khác. Nixon đã ngăn trở cuộc xâm lăng bằng cuộc hành quân
Linebacker, đây là lần oanh tạc đầu tiên chống lại quân Bắc Việt kể từ khi
Johnson ngưng ném bom vào năm 1968. Cách ngoại giao khéo léo của Nixon đã
làm im lặng phản ứng của Trung Cộng và hứa hẹn cuộc họp thượng đỉnh giữa
Nixon và nhà lãnh đạo Liên Xô Leonid Brezhnev.
|
Lê Đức Thọ và Henry Kissinger trong Hội Nghị Đàm Phán Paris
|
Vào tháng 10/1972, cố vấn an ninh quốc gia Henry Kissinger và Lê Đức Thọ,
người cầm đầu phái đoàn Bắc Việt tại cuộc hòa đàm Paris, đã đạt tới một sự
đồng ý sơ khởi. Mặc dù Kissinger đã tuyên bố rằng hòa bình đang trong tầm
tay, Tổng Thống Thiệu tại Saigon phản đối và Bắc Việt đã ngưng các buổi họp.
Nixon bèn ra lệnh 11 ngày oanh tạc mạnh miền Bắc, nên đã mang Bắc Việt trở
lại bàn hội nghị nhưng cũng đã khiến cho các kẻ khuynh tả và các kẻ cấp tiến
chống đối trong ngành truyền thông và Quốc Hội coi ông ta là phạm nhân chiến
tranh. Vào ngày 27/1/1973, một hiệp ước hòa bình chấm dứt chiến tranh đã
được ký kết tại Paris.
Vào ngày 29/3/1973, các đơn vị Mỹ cuối cùng rời khỏi Việt Nam. Trong cuộc
chiến tranh ủy nhiệm thứ hai của Hoa Kỳ tại châu Á vào thời gian Chiến Tranh
Lạnh, Hoa Kỳ bị tổn thất 58,000 binh lính, hơn số lính chết tại Triều Tiên
(56,000). Nhưng Hoa Kỳ đã để lại 10,000 quân canh giữ Nam Triều Tiên ngăn
chặn Cộng Sản miền Bắc trái với việc Hoa Kỳ bỏ mặc kẻ đồng minh yếu đuối là
Nam Việt Nam phải bảo vệ chính mình.
Những gì Nixon gọi là “hòa bình trong danh dự” đã trở thành không có hòa
bình mà chẳng có danh dự. Thỏa ước Paris là một cách đầu hàng Hà Nội được
che dấu sơ sài. Quân đội chính quy Bắc Việt được phép lưu lại các khu vực
của Miền Nam mà họ đã kiểm soát. Đầu tiên bị làm yếu đi và bị loại ra khỏi
văn phòng bởi vụ tai tiếng Watergate, Nixon không thể làm tròn lời hứa với
Tổng Thống Thiệu rằng Hoa Kỳ sẽ cứu nguy chế độ này bằng cách dùng không lực
khi cần thiết.
Trong khi phe đa số Dân Chủ trong Quốc Hội Hoa Kỳ từ chối cung cấp các yểm
trợ yêu cầu do Nixon và do chính quyền Ford, Xô Viết gia tăng sự trợ giúp
của họ cho Bắc Việt, bằng cách cung cấp các võ khí cao cấp hơn, gồm cả chiến
xa hiện đại và súng phòng không. Vào cuối năm 1974, Hà Nội bắt đầu đánh phá
để chuẩn bị cho cuộc tấn công cuối cùng. Hà Nội đã ngạc nhiên thấy rằng sự
chống cự suy sụp nhanh chóng và trong khi tổng thống Thiệu cùng các nhà lãnh
đạo khác của miền Nam bỏ chạy khỏi quê hương một cách nhục nhã, quân đội Bắc
Việt đã nhanh chóng tràn chiếm miền Nam.
Ngày 17/4/1975, Khmer Đỏ là kẻ hưởng lợi của quân đội Bắc Việt chống lưc
lượng quân sự Cambốt, đã nắm chính quyền tại xứ này. Hai tuần lễ sau, vào
ngày 30 tháng 4, Saigon sụp đổ trước lực lượng quân sự Bắc Việt và nhân viên
Mỹ cùng với các người Việt Nam tuyệt vọng hoảng sợ di tản.
Miền Nam Việt Nam bị thua vì thiếu nhân lực, thiếu súng đạn, đã sụp đổ
không phải vì cuộc nổi dậy của dân chúng, nhưng vì một trong các quân lực
mạnh nhất và kinh nghiệm nhất trên thế giới, quân lực này được trang bị
bởi hai nước toàn trị hùng mạnh nhất kể từ thời Đức Quốc Xã.
3/ Hoa Kỳ trên đường rút lui.
Theo sau sự sụp đổ tàn nhẫn của miền Nam Việt Nam là cách kết hợp toàn trị
về mọi phương diện chính trị, văn hóa và đời sống xã hội. Hàng trăm ngàn
người Miền Nam bị gom lại và bị nhốt vào các “trại giáo dục cải tạo”
(reeducation camps), số người bị hành quyết không được biết rõ. Các thành
phần của Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam (the National Liberation Front) bị
người cộng sản của miền Bắc đẩy ra ngoài, những người này chiếm đoạt các tòa
nhà lớn và các động sản của giới cao cấp Saigon và họ trở thành một giai cấp
cai trị mới vừa độc tài, vừa tham nhũng.
Tại các nước Đức, Trung Hoa và Cuba
cũng như tại các quốc gia khác mà người cộng sản nắm được chính quyền, hàng
ngàn người dân đã bỏ phiếu bằng chân, họ là các kẻ tỵ nạn bỏ chạy. Tại Đông
Đức đã có bức tường ngăn cản dân chúng không bỏ chạy được. Vào thập niên
1950, hơn một triệu người Việt Nam đã bỏ chạy chế độ đàn áp của Hồ Chí Minh
qua miền Nam tương đối tự do hơn. Ngày này, khi mà các người kế tục của Hồ
củng cố quyền kiểm soát của họ trên toàn đất nước thì đã bắt đầu một trong
các cuộc bỏ xứ ra đi lớn lao nhất trong cuối thế kỷ 20.
The United States has no obligation to evacuate one, or 100,001, South
Vietnamese.
-- Senator Joe Biden
Hoa Kỳ không có nhiệm vụ di tản một hay một trăm ngàn lẻ một người dân
miền Nam Việt Nam.
-- TNS Joe Biden
Vào giữa thập niên 1970, hơn 750,000 người Việt Nam đã bỏ chạy qua Hoa Kỳ và
hơn một triệu người đã sinh sống trong các quốc gia tây phương khác (*). Số
đông khác cũng vượt thoát qua Trung Hoa và các quốc gia khác trong vùng.
Không có một cuộc chiến tranh Đông Dương nào đã khiến cho có số người tỵ nạn
đông đảo như thế tại ngoại quốc bằng nền hòa bình dưới quyền cai trị cộng
sản. Một thảm họa lớn hơn cũng xẩy ra tại xứ Cambốt khi phe Khmer Đỏ, theo
đúng văn bản cực tả của Mao rút từ chủ nghĩa Mác Xít- Lênin-nít, đã thực
hiện một chiến dịch tập trung tàn nhẫn rồi một phần tám tới một phần tư dân
số Cambốt đã bị hành quyết hay bỏ mặc cho chết đói.
Sự thắng lợi của nước ủy nhiệm của Liên Xô là Bắc Việt, và sự làm mất uy tín
cùng với tình trạng tê liệt của Hoa Kỳ trong chính sách ngoại giao theo sau
cuộc sụp đổ của Saigon, đã làm vững mạnh thành phần lãnh đạo Xô Viết trong
các ảnh hưởng tại châu Á, châu Phi, miền Trung Đông và miền châu Mỹ La Tinh.
Sau khi đã thừa hưởng Đông Dương là phần đất trước kia của đế quốc Pháp,
Liên Xô ngày nay lại chiếm cứ các phần của đế quốc Bồ Đào Nha tại châu
Phi.
Vào cuối thời kỳ của chính quyền Carter, Liên Xô đã phái đi vào khoảng
50,000 cố vấn quân sự tới các quốc gia thuộc Thế Giới Thứ Ba. Trong thập
niên 1960, các nước nằm bên ngoài Đông Âu và Trung Hoa lãnh đạo do
“đảng tiên tiến Mác Xít Lênin-nít”, chỉ gồm có Mông Cổ, Bắc Việt Nam,
Bắc Triều Tiên và Cuba. Qua thập niên 1980, tham gia vào chế độ kể trên là
các chính quyền thân Xô Viết tại Afghanistan, Angola, Ethiopia, Mozambique,
Nam Yemen, Benin và Congo-Brazzaville, cùng với các chế độ theo cộng sản
lỏng lẻo tại các xứ Zaire, Guinea-Bissau, Cape Verde và Madagascar.
Trong công việc bành trướng ảnh hưởng qua Thế Giới Thứ Ba, các người Xô Viết
trông cậy vào các nước phụ trong đế quốc cộng sản. Ngành Công An của Đông
Đức đã giúp đỡ các chính quyền thân Xô Viết như Angola, Ethiopia, Libya,
Mozambique, Zambia và Nam Yemen để thiết lập các hệ thống an ninh nội địa.
Các chuyên viên Cuba đã huấn luyện các vệ sĩ cho các nhà độc tài và các sĩ
quan công an cho một số nước thuộc Thế Giới Thứ Ba, gồm cả Angola, Nicaragua
và Ethiopia. Trong khi đó vẫn tiếp tục sự tăng cường quân sự Xô Viết, bắt
đầu sau cuộc khủng hoảng tên lửa Cuba. Trong hai thập niên 1960 và 1970, CIA
của Hoa Kỳ ước lượng rằng từ 12 tới 16 phần trăm của tổng sản lượng quốc nội
(GDP) của Liên Xô được dành cho quân sự và nhiều người đã chỉ trích rằng tỉ
lệ kể trên là quá đáng. Sau Cuộc Chiến Tranh Lạnh kết thúc, mọi người được
biết rằng CIA đã ước lượng quá thấp các chi phí quân sự của Liên Xô và chi
phí này cao tới 25 phần trăm của GDP.
Vào giữa thập niên 1970, vị trí của Hoa Kỳ trên thế giới bị suy đồi rất
nhiều. Sự yếu kém của Hoa Kỳ, rõ ràng trong cách bỏ rơi Đông Dương, còn được
làm sáng tỏ thêm vào tháng 10 năm 1973 khi tất cả các quốc gia đồng minh của
Hoa Kỳ tại châu Âu ngoại trừ Bồ Đào Nha, đã từ chối không cho phép Hoa Kỳ
dùng các phi trường của họ để tiếp tế trở lại cho nước Do Thái trong cuộc
Chiến Tranh Ả Rập-Do Thái. Chính quyền Nixon đã từ bỏ hệ thống hối đoái cố
định Bretton Woods khiến cho Hoa Kỳ không theo bản vị bằng vàng (gold
standard). Cuộc cấm vận dầu lửa của khối OPEC, thực hiện mà không e sợ sự
trừng phạt của Hoa Kỳ, đã làm tổn hại nền kinh tế của Hoa Kỳ và các nền dân
chủ kỹ nghệ khác. Hiệp Ước Helsinki phê chuẩn tính hợp pháp của đế quốc cộng
sản Đông Âu mà Stalin đã tạo nên, và đế quốc này chỉ được duy trì bằng các
cuộc xâm lăng của Xô Viết vào các năm 1953, 1956 và 1968. Khối đa số thân
Liên Xô đã được thành lập trong Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc.
Chính quyền Carter bị chia rẽ thành khối thiểu số gồm những nhân vật cứng
dắn chống Liên Xô như cố vấn an ninh quốc gia Zbigniew Brzezinski, và khối
đa số gồm những người cấp tiến chống Chiến Tranh Lạnh như bộ trưởng ngoại
giao Cyrus Vance, là người đã bỏ qua cách bành trướng đế quốc Xô Viết
trong Thế Giới Thứ Ba bằng phương tiện nước ủy nhiệm Cuba, và sau này ông
Vance cũng từ chức để phản đối khi tổng thống Carter dùng sức mạnh trong
công cuộc giải cứu các con tin Mỹ tại Iran nhưng cố gắng kể trên đã gặp thất
bại. Ngay cả Đại sứ Hoa Kỳ tại Liên Hiệp Quốc của ông Carter là ông Andrew
Young, đã mô tả nước phụ thuộc Cuba của Moscow tại châu Phi là một
“ảnh hưởng làm ổn định” (a stabilizing influence).
Cựu tổng thống Lyndon Johnson chết vì bệnh tim vào năm 1973, đã không sống
lâu để nhìn thấy các cơn ác mộng của ông thành sự thật: Hoa Kỳ đang rút lui
trên thế giới trước đế quốc Xô Viết đang tiến tới, sự gần sụp đổ của đồng
minh NATO trước các nghi ngờ về uy tín của Hoa Kỳ và cuộc chiến tranh ủy
nhiệm giữa Hoa Kỳ và các thân chủ của Liên Xô và Cuba tại Nicaragua, với
Cuba là một xứ vệ tinh của Xô Viết trên miền lục địa Bắc Mỹ.
Trong khi Liên Xô bành trướng sức mạnh và ảnh hưởng của họ trên toàn thế
giới sau cuộc sụp đổ của Saigon; tại Đông Dương, tình hình vẫn biến động. Vì
bị mất ảnh hưởng tới các người Bắc Việt, Trung Cộng đã bảo trợ Khmer Đỏ
trong các vụ xung đột biên giới với Việt Nam. Sau một thời gian ngắn suy
thoái về ngoại giao, cách thức đồng minh Xô -Việt được làm sống lại bằng các
buổi họp tại Moscow vào tháng 5 và tháng 6 năm 1977. Vào đầu năm 1978, tướng
Giáp bí mật qua Lào, tại nơi này ông ta đã hỏi tướng G. Pavlovsky, tư lệnh
các lực lượng Xô Viết trên bộ rằng Việt Nam phải làm gì đối với Cambốt.
Pavlovsky đã khuyên bảo Hà Nội nên “làm ra một xứ Tiệp Khắc” (do a
Czechoslovakia). Vào tháng 8 năm 1978, Xô Viết bắt đầu cung cấp cho Việt Nam
các quân dụng để xâm lăng Cambốt và đã gia tăng con số cố vấn Xô Viết tại
Đông Dương từ 2,000 lên tới 3,500 người.
Vào ngày 3/11/1978, Hà Nội đã ký một hiệp ước 25 năm Thân Hữu và Cộng Tác
với Liên Xô (a 25-year Treaty of Friendship and Cooperation). Với sự ủng hộ
Xô Viết đã được bảo đảm như vậy, Việt Nam xâm lăng Cambốt vào ngày
15/12/1978 và chiếm thủ đô Phnom Penh chưa tới một tháng sau. Phe Khmer Đỏ
bỏ chạy về phía biên giới Thái Lan, tại nơi này họ và các nhóm chống cự các
kẻ chiếm đóng Việt Nam, đã nhận được sự trợ giúp của Trung Cộng, Hoa Kỳ và
Thái Lan.
|
|
Vào ngày 17/2/1979, Trung Cộng xâm lăng các tỉnh biên giới phía bắc của Việt
Nam và đã chịu thiệt hại lớn lao trước khi rút quân sau 16 ngày. Vụ xung đột
Hoa-Việt và cuộc chiếm đóng Cambốt của Việt Nam đã làm leo thang cách trợ
giúp quân sự đồ sộ của Xô Viết tới bậc cao nhất. Tại cao điểm, sự trợ giúp
này vượt trội mức độ giúp đỡ của Xô Viết cho Bắc Việt khi chiến tranh với
Hoa Kỳ. Ngoài ra, để hiện đại hóa không quân và hải quân của Việt Nam,
Moscow đã cung cấp nhân viên và yểm trợ tiếp liệu để Việt Nam chiếm đóng
Cambốt. Các cuộc hành quân của Việt Nam tại Cambốt lệ thuộc vào các phi công
Xô Viết và hàng trăm binh lính và dân sự Xô Viết đã dỡ các khối hàng tiếp
liệu của Liên Xô tại các hải cảng của Việt Nam. Để đền đáp lại công ơn đã
giúp sức vào công cuộc thống trị cộng sản của Bắc Việt trên toàn cõi Đông
Dương, Liên Xô được phép dùng các phương tiện quân sự tại đây. Căn cứ Xô
Viết tại Vịnh Cam Ranh đã trở thành căn cứ quân sự rộng lớn nhất và quan
trọng nhất của Liên Xô nằm bên ngoài Đông Âu.
Vào giữa thập niên 1980, quân đội
Việt Nam được Liên Xô bao cấp, với hơn 1 triệu lính chính quy và 2 triệu
lính phụ thêm, đã trở nên lực lượng quân sự lớn thứ ba trên thế giới, đứng
sau quân đội Nhân Dân Giải Phóng của Trung Cộng và quân lực Xô Viết. Nhân
dân Việt Nam đã phải trả một giả khủng khiếp cho chế độ quân phiệt của các
nhà cai trị toàn trị của họ. Vào cuối thập niên 1970, hệ thống nông nghiệp
xã hội chủ nghĩa của Việt Nam đang trên bờ sụp đổ. Mặc dù các cải cách nhỏ
hướng về thị trường vào năm 1979 và 1980, chỉ nhờ vào sự trợ giúp đồ sộ của
Liên Xô mới tránh cho Việt Nam khỏi bị nạn đói giống như hai nước thân chủ
khác của Liên Xô là xứ Ethiopia theo Mác Xít- Lênin-nít của ông Mengistu,
chịu nạn đói vào thập niên 1980, và xứ Bắc Triều Tiên bị chết đói trong thập
niên 1990.
4/ Cuộc Chiến Tranh Lạnh thứ hai.
Tại nước Afghanistan, nhờ cuộc đảo chánh năm 1978 chế độ thân Xô Viết đã nắm
quyền rồi tiếp theo là một cuộc nội chiến và cuộc xâm lăng của Liên Xô vào
ngày 27/12/1979. Vào thời gian này, khối Xô Viết đang ở đỉnh quyền lực cao
nhất trên thế giới. Trong khi Liên Xô đang tham dự vào cuộc chiến tranh toàn
diện đầu tiên bên ngoài đế quốc Đông Âu kể từ năm 1945, các phó vương người
Việt của Liên Xô cũng chinh phục Đông Dương; và xứ ủy nhiệm Cuba đang đánh
nhau tại châu Phi, giúp đỡ các nổi loạn trong miền Trung Mỹ và giúp vào sự
liên kết với khối Xô Viết của nền độc tài Sandinista tại Nicaragua.
Cuộc xâm lăng Afghanistan của Liên Xô cùng với cách đàn áp phong trào lao
động Đoàn Kết chống cộng sản (Solidarity) bằng chế độ thiết quân luật tại
nước Ba Lan vào năm 1981, đã giúp công vào việc củng cố quan điểm chống Xô
Viết tại phương tây. Các nhà bảo thủ chống cộng đã lên nắm quyền tại các
quốc gia chính trong Cộng Đồng Đại Tây Dương: Magaret Thatcher tại nước Anh
(1979), Ronald Reagan tại Hoa Kỳ (1981) và Helmut Kohl tại Tây Đức (1983).
Đối đầu với sự phản đối hàng loạt của các người khuynh tả, các nhà lãnh đạo
phương tây, kể cả tổng thống thiên xã hội của nước Pháp là Francois
Mitterrand, đã cho dàn ra các tên lửa NATO để phản ứng lại mối đe dọa của
các tên lửa tầm trung của Liên Xô.
Dưới thời Reagan, Hoa Kỳ loại bỏ tình trạng bớt căng thẳng của thời kỳ
Nixon-Kissinger và chính sách giao động cùng dịu hòa của Carter, mà quay về
với chính sách giống như của Truman-Kennedy-Johnson, tức là chính sách ngăn
chặn toàn cầu đối với Liên Xô. Cách tăng cường quân sự của Reagan, yểm trợ
các cuộc nổi dậy chống cộng sản tại Afghanistan, Nicaragua, Angola và các
nơi khác, và cuộc chiến tranh ý thức hệ không nhân nhượng (gồm cả cách chế
diễu nhưng mô tả đúng Liên Xô là một đế quốc của tội ác) đã thành công trong
việc đánh thuế hệ thống Xô Viết tới độ các nhà lãnh đạo Liên Xô phải chọn
giữa cách rút lui hay phá sản. Nhà lãnh đạo Xô Viết Mikhail Gorbachev đã
chọn chính sách rút lui vào thập niên 1980 nhưng đã không tránh cho Liên Xô
khỏi bị sụp đổ vì kinh tế.
Vào năm 1989, do áp lực của Moscow, Hà Nội tuyên bố rút lui khỏi Cambốt. Bị
hoảng sợ vì các cuộc cách mạng dân chủ thổi qua miền Đông Âu, các nhà lãnh
đạo già nua theo Stalin tại Hà Nội đã dập tắt các bất đồng chính kiến trong
nước của họ. Là nước đã từng được Trung Cộng gọi là
“nước Cuba của châu Á” (the Asian Cuba) và sau khi Liên Xô tan rã vào
năm 1991, Việt Nam lúc này nhận thấy mình bị trôi dạt khi không còn lệ thuộc
vào Moscow. Nhưng các nhà lãnh đạo theo chủ nghĩa Mác Xít-Lênin-nít tiếp tục
nắm quyền tại Việt Nam cũng như tại Trung Quốc, Bắc Triều Tiên, Lào và Cuba.
Chế độ Cộng Sản, trước kia là niềm tin để tranh đấu, nay đang hấp hối. Và
cuộc Chiến Tranh Thứ Ba cuối cùng đã chấm dứt.
5/ Kẻ thắng người bại tại Việt Nam.
Ai là người đã chiến thắng, ai là kẻ bị thất bại trong cuộc chiến tranh Việt
Nam? Các kẻ bị hoàn toàn thất bại là các viên chức của miền Nam Việt Nam,
quốc gia của họ bị xóa bỏ trên bản đồ. Các người cộng sản Bắc Việt đã chiến
thắng nhưng với giá của sự phá sản và cô lập khi sự bảo trợ của Liên Xô sụp
đổ.
Toàn thể dân tộc Việt Nam cũng là kẻ bại. Cả hai phía người Việt bị
thiệt hại mất 2 triệu người và sự tàn phá phần lớn đất đai, theo sau là hệ
thống Stalin-nít tàn bạo và vô lý (irrational) của miền Bắc áp dụng cho toàn
thể đất nước vào năm 1975. Mọi người dân Việt Nam đã chịu đau khổ do cuộc
chiến thắng cộng sản, đây là những người còn ở lại trong nước, và gần hai
triệu người đã bỏ chạy ra khỏi nước. Dân tộc Lào cũng chịu đau khổ tương tự.
Cơn hấp hối lớn nhất xẩy đến cho dân tộc Cambốt, họ đã phải chịu đựng cuộc
tàn sát tập thể và nạn đói khát trầm trọng dưới quyền cai trị của những
người cộng sản Cambốt.
Trong số các siêu cường đã tham dự vào cuộc Chiến Tranh Lạnh tại Đông
Dương, các nước Pháp, Trung Cộng và Hoa Kỳ đều là các kẻ bại.
Nước Pháp đã hy sinh gần 100 ngàn quân và còn đang bị mất đế quốc Đông Nam
Á, trên thứ nền móng này mà nước Pháp tự coi là siêu cường sau Thế Chiến Thứ
Hai. Trung Cộng đã khám phá quá trễ rằng do giúp đỡ Hà Nội, họ cũng tạo nên
một đồng minh của Liên Xô đáng ghét tại biên giới của họ.
Hoa Kỳ chịu sự thất bại mang tính cách tàn phá (devastating).Trong
cuộc chơi kẻ thắng ăn cả người bại mất hết (zero-sum) của nền trật tự thế
giới hai cực, sự thất bại của Washington là sự thắng lợi của Moscow. Đồng
thời cái giá về số người chết và người bị thương của Mỹ tạm thời phá hủy sự
nhất trí trong nước trước cuộc Chiến Tranh Lạnh. Hoa Kỳ đã thương lượng với
đế quốc Liên Xô về một cuộc đình chiến không thuận lợi và đã từ bỏ chính
sách ngăn chặn trong một thập niên, chỉ trở lại chính sách quân sự chống Xô
Viết vào cuối thập niên 1970. Vào thời kỳ đó, cuộc Chiến Tranh Việt Nam là
cuộc thất bại lớn lao xếp hàng thứ hai mà Hoa Kỳ phải chịu đựng trong cuộc
Chiến Tranh Lạnh.
Cuộc thất bại lớn lao nhất của chính sách Chiến Tranh Lạnh của Hoa Kỳ, dù
không dùng quân lực, là sự chiến thắng của các người cộng sản Trung Quốc
được Xô Viết bảo trợ vào năm 1949- một chiến thắng mà nếu không có, sẽ
không xẩy ra các cuộc chiến tranh Triều Tiên và Việt Nam.
Người ta thường nói rằng Hoa Kỳ là một cường quốc kiêu ngạo, đã bị thất bại
trước các cố gắng anh hùng của một nước nhỏ và yếu hèn của châu Á. Điều này
không đúng. Yếu tố can thiệp do Liên Xô và Trung Cộng cung cấp,
đặc biệt là mối đe dọa bởi Trung Cộng sẽ can thiệp bằng quân tham chiến,
như họ đã từng làm tại Triều Tiên, đã cản trở Hoa Kỳ xâm lăng hay tham dự
vào một cuộc chiến toàn diện chống Bắc Việt.
Và khối hỗn hợp quân sự Liên Xô và Trung Cộng đã giúp cho quân Bắc Việt tiếp
tục cho tới khi họ thành công vào năm 1975, rồi sau năm này, sự trợ giúp còn
cao hơn nữa của Liên Xô đã làm cho đế quốc Việt Nam được thực hiện tại Lào
và Cambốt.
Không thể có được sự thành công của Hà Nội nếu không có sự yểm trợ của hai
trong số ba nước hùng mạnh nhất theo chế độ toàn trị sát nhân trong lịch
sử.
Cuộc Chiến Tranh Việt Nam khởi đầu một thời đại gồm các thành công Xô Viết
lớn lao nhất trong cuộc Chiến Tranh Lạnh. Nếu các áp đặt của các chế độ cộng
sản do Hồng Quân và các nhân viên Xô Viết tại Đông Âu không được kể là các
cuộc cách mạng thực sự, thì vào thập niên 1970 là các chiến thắng của Liên
Xô khi bảo trợ các chế độ theo chủ nghĩa Mác Xít- Lênin-nít, khi mà Hoa Kỳ
bị đẫm máu tại Đông Dương, đã tạm thời từ bỏ chiến thuật ngăn chặn và bắt
đầu rút lui vào chủ nghĩa cô lập (isolationism).
Do yểm trợ đệ tử của Stalin là Hồ Chí Minh và những người kế tiếp ông ta
trong cuộc chiến tranh ủy nhiệm, các nhà lãnh đạo Xô Viết đã lấy lại được
quyền lãnh đạo cách mạng thế giới từ Trung Cộng của Mao, chặn đứng Trung
Cộng tại biên giới phía nam, làm nhục và tạm thời làm tê liệt Hoa Kỳ.
Vào thời gian đó, kẻ chiến thắng rõ ràng trong cuộc Chiến Tranh Việt Nam
là Liên Xô.
(Chuyển ngữ từ tác phẩm “Vietnam, The Necessary War”, của Nhà Sử Học
Michael Lind, The Free Press, N.Y.1999).
Post a Comment