Header Ads

Chiến Trường Đông Dương 1950 -1965 Viết Bởi Nhà Sử Học Michael Lind


Phạm Văn Tuấn 
chuyển ngữ

Vào mùa đông năm 1950, thành phố Moscow lạnh như cắt da. Vào buổi tối ngày 14 tháng 2 năm 1950 trong một phòng đại tiệc thuộc Điện Kremlin, có ba nhân vật với các kế hoạch sắp làm cho Đông Dương chìm đắm vào chiến tranh, vào chế độ tàn bạo và nền kinh tế trì trệ trong nửa thế kỷ và sẽ gây nên các xáo trộn chính trị tại Hoa Kỳ và châu Âu, ba nhân vật kể trên đứng cạnh nhau là Joseph Stalin, Mao Trạch Đông và Hồ Chí Minh. 

Trong thập niên 1960 khi Hoa Kỳ gửi quân vào trận mạc để cố gắng không cho đệ tử của Xô Viết và Trung Cộng chinh phục Đông Dương, nhiều người chống đối chính sách can thiệp của Hoa Kỳ cãi rằng cái gốc cộng sản của lãnh tụ Bắc Việt Hồ Chí Minh chỉ là hời hợt (superficial) so với chủ nghĩa dân tộc (nationalism) của ông ta. Thực ra đã có một âm mưu cộng sản quốc tế và Hồ Chí Minh là một thành phần của âm mưu này. 

Kể từ đầu thập niên 1920, Hồ là đảng viên sáng lập của Đảng Cộng Sản Pháp, đã từng là một nhân viên của Đệ Tam Quốc Tế (Comintern), đây là một mạng lưới gồm các nhân viên và gián điệp do nền độc tài Xô Viết kiểm soát. Trong thập niên 1930, Hồ đã sinh sống tại Liên Xô, đã chấp nhận làm kẻ nô lệ tuân theo mọi chính sách của Stalin. Vào thập niên 1940, ông ta là đảng viên của Đảng Cộng Sản Trung Hoa, thời đó còn hạ mình theo Liên Xô. Hồ Chí Minh không chỉ nhờ danh tiếng mà cả cuộc sống vào hệ thống Cộng Sản ở bên ngoài quê hương, bởi vì ông ta đã sống sót do không ở trong nước trong nhiều năm, trong khi nhiều người quốc gia và cộng sản khác đã bị người Pháp hay người Nhật cầm tù hay hành quyết trong thời kỳ Thế Chiến Thứ Hai.

Từ thập niên 1940 tới thập niên 1990, chế độ mà Hồ lập nên đã lệ thuộc vào sự trợ giúp xã hội và kinh tế của một hoặc cả hai cường quốc của khối Cộng Sản. Nhờ ân sủng của Stalin và sự trợ giúp tối cần về võ khí và cố vấn Trung Cộng, mặt trận Việt Minh của Hồ đã có thể đẩy người Pháp ra khỏi Đông Dương vào giữa thập niên 1950; nhờ sự giúp đỡ của các đạo quân tiếp vận Trung Cộng, nhờ nhân viên phòng không Xô Viết và Trung Cộng và ngay cả các phi công chiến đấu Liên Xô, miền Bắc Việt Nam của Hồ có thể chịu đựng được cuộc oanh tạc của Mỹ trong khi họ chỉ đạo của nổi dậy trong miền Nam Việt Nam vào giữa thập niên 1960; với sự giúp đỡ của Xô Viết và Trung Cộng, võ khí và cố vấn Xô Viết, các kẻ thừa kế của Hồ vào giữa thập niên 1970 mới có thể chinh phục miền Nam Việt Nam và Lào, xâm lăng Cam Bốt và biến đổi Đông Dương thành miền đất vệ tinh của Liên Xô lớn nhất bên ngoài miền Đông Âu.

Hồ Chí Minh làm theo rất ít các truyền thống Việt Nam và bắt chước mọi thứ của những nhân vật kiểu mẫu ngoại quốc: Lenin, Stalin và Mao Trạch Đông. Giống như Lenin và Stalin, Nguyễn Ái Quốc đã đổi tên mình thành Hồ Chí Minh. Hồ muốn mình là trung tâm sùng bái, giống như Lenin, Stalin và Mao đã làm. Lenin có thành phố Leningrad, Stalin có thành phố Stalingrad, vì vậy sau cuộc chiến thắng của cộng sản, Saigon đã trở nên thành phố Hồ Chí Minh. Cái lăng ảm đạm của Hồ tại Hà Nội được vẽ theo kiểu của lăng Lenin tại Moscow. 

Dù cho đã chết hay còn sống, Hồ đã là kẻ dập khuôn hạng kém (a minor clone) của các bạo chúa cộng sản hàng đầu (major communist tyrants). Ngay cả các chi tiết nhỏ nhất của chính quyền của Hồ đều bắt chước từ Liên Xô hay do cách tuân theo Mao khi Mao theo gương mẫu của Xô Viết. Vào thập niên 1950, Mao đã cóp theo cách chiến tranh của Stalin chống lại giới nông dân Nga; và Hồ, với các cố vấn cộng sản Trung Cộng do Mao phái đi, đã khủng bố tương tự giới dân chúng miền Bắc Việt Nam khiến họ phải khuất phục nhà cầm quyền toàn trị mới. 

Trong thập niên tiếp theo, tập đoàn hoạt đầu Cộng Sản Bắc Việt đã hành hạ và thanh trừng các nhà trí thức Bắc Việt, theo đúng các thí dụ cách thanh trừng của Mao đối với các nhà trí thức Trung Hoa, và cách thanh trừng sau này cũng dập khuôn theo các chiến dịch của Stalin đối với các người bất đồng chính kiến. Nền văn hóa chính thức của miền Bắc Việt Nam và sau này của nước Việt Nam bị cộng sản thống nhất, đã là cách sao chép thô sơ của các thứ văn hóa chính thức của Liên Xô và Trung Cộng. Các người cộng sản Việt Nam cũng lập nên các “trại học tập cải tạo” (reeducation camps) theo kiểu mẫu các trại “lao cải” (laogai) của Trung Cộng và các “quần đảo ngục tù” (gulag) của Liên Xô. Vào thập niên 1980, các du khách thăm viếng xứ Việt Nam cộng sản đã nhìn thấy các chân dung của ông thầy của Hồ là Stalin treo trên các bức tường trong văn phòng.

Cả ba nhân vật Stalin, Mao và Hồ có các cá tính khác nhau: Stalin âm mưu, Mao bộc trực bốc đồng còn Hồ yên lặng, khắc khổ, nhưng cả ba đều là những tín đồ thuần thành của thứ tôn giáo chính trị (the political religion) là chủ nghĩa Mác Xít- Lênin-nít, mà nhà tiên tri là Lenin với bức chân dung nhìn xuống ba người này trong phòng đại tiệc của Điện Kremlin. Chính phần giáo phái Lenin nằm trong tôn giáo của Mác, mà không phải do các nhược điểm của các cá nhân này, đã gây ra các nguy hại lớn lao nhất cho các dân tộc đau khổ của Liên Xô, Trung Quốc, Bắc Triều Tiên và Đông Dương. 

Không phải do chế độ ăn cướp (gansterism) của Stalin hay chứng loạn trí tự tôn (egomania) của Mao Trạch Đông, mà do các chủ nghĩa của Lenin đã gây nên các nạn đói giết chết hàng triệu người tại Liên Xô trong thập niên 1930 và giết nhiều triệu người hơn nữa tại Trung Hoa trong công tác Bước Tiến Nhẩy Vọt (the Great Leap Forward) từ năm 1958 tới năm 1962.

Phong trào khủng bố, gồm có các cách làm nhục công cộng, cầm tù, tra tấn và hành quyết các “địa chủ” và các “phú nông, trung nông”, của chính quyền, áp dụng cho những dân làng bất hạnh của miền Bắc Việt Nam vào giữa thập niên 1950 và tại Cam Bốt vào giữa thập niên 1970, đã không phải là do các tham vọng hay độc ác cá nhân của Hồ hay Pol Pot, mà là do chương trình điên rồ Mác Xít Lênin-nít đã muốn tán nhỏ các xã hội hiện tại để tạo nên các con người của xã hội mới. Stalin đã từng xác nhận là người kế nghiệp đích thực của Lenin nên sử gia Martin Malia đã nói: “Vì thế trong dự án Mác Xít, sự thật đáng sợ của cách thí nghiệm Xô Viết chỉ có thể thực hiện bằng phương tiện Lênin-nít, và phương tiện Lênin-nít chỉ tới được mục tiêu xã hội bằng phương pháp Stalin-nít”.

Các tàn bạo lớn lao nhất của Mao Trạch Đông và Hồ Chí Minh đến sau buổi chiều mùa đông năm 1950. Sau khi đã qua Bắc Kinh, Hồ đi hành hương về Moscow để hỏi xin các giúp đỡ của Liên Xô và Trung Cộng ngõ hầu có thể đuổi người Pháp và bắt toàn thể Đông Dương nằm dưới luật lệ toàn trị. Khi Mao tới Moscow 2 tháng trước đó vào ngày 16/12/1949, ông ta đã xin diện kiến Stalin. Buổi họp đã diễn ra căng thẳng, Stalin sợ rằng Mao có thể bất trung giống như Tito của Nam Tư mà mới đây Stalin đã tống cổ khỏi khu vực cộng sản vì không theo đúng các mệnh lệnh của Moscow. 

Về phần mình, Mao muốn thay đổi hiệp ước Trung-Xô của năm 1945 mà Stalin đã thương thuyết với nhà độc tài Quốc Dân Đảng bị hạ bệ là Tưởng Giới Thạch, bằng một hiệp ước mới, thuận lợi hơn cho quốc gia cộng sản đông dân nhất trên thế giới. Khi Stalin hỏi Mao muốn gì, Mao đã trả lời lảng tránh rằng muốn phái đi bộ trưởng ngoại giao Chu Ân Lai, một ám chỉ về một hiệp ước mới. Stalin đã ép Mao bắt đầu ngay các thương lượng: “Nếu chúng ta không thể lập ra những gì chúng ta phải làm xong, tại sao phải gọi tới Chu Ận Lai?”. Mao đã trả lời với sự hợp lý không thuyết phục được bởi vì Mao thiếu thẩm quyền trong khi Stalin là chủ tịch của Hội Đồng Bộ Trưởng nên ở đẳng cấp cao hơn.

Stalin, người ưa thích chủ động hơn là bị động, đã xúc phạm vào cách lảng tránh của Mao. Về sau này, Chu Ân Lai đã tới và hiệp ước được xét lại cùng với các nghi thức bí mật, đã được ký kết vào sớm ngày 14 tháng 2. Tại bữa đại tiệc để khoản đãi các người đồng minh Trung Cộng mới, Stalin đã cho thấy rằng ông ta không quên biến cố của ngày 16 tháng 12. Khi Hồ Chí Minh muốn xin thứ hiệp ước tương tự như hiệp ước Trung Xô, ông ta đã lấy cam đảm tới gần vị lãnh tụ của khối cộng sản và hỏi xin “huấn lệnh” (instructions). Stalin đã chờ tới khi chắc chắn rằng Mao và các người thông dịch đủ gần để nghe được câu trả lời cho Hồ. Bằng giọng nói của miền Georgia pha tính châm biếm, Stalin đã bảo chủ tịch của nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa rằng: “Làm sao mà ông xin được chỉ thị của tôi? Tôi là chủ tịch của Hội Đồng Bộ Trưởng còn ông là chủ tịch Nước. Cấp bậc của ông cao hơn của tôi, tôi phải xin chỉ thị của ông”

Hồ Chí Minh có thể đã trông đợi một số câu trả lời cho việc xin một hòa ước với Liên Xô nhưng ông ta không biết trước rằng lời cầu xin trịnh trọng này đã giúp cho một trong các bậc anh hùng của Hồ là Stalin cái cơ hội chế riễu một thân chủ khác là Mao.

1/ Chiến Tranh Lạnh tại mặt trận châu Á.

Chiến Tranh Lạnh là Thế Chiến Thứ Ba trong thế kỷ 20. Đây là cuộc ganh đua về ưu thế quân sự và ngoại giao giữa Hoa Kỳ và Liên Xô, hai thế lực này đã xuất hiện thành hai lực lượng quân sự mạnh nhất sau Thế Chiến Thứ Hai. Do bởi sự đe dọa về leo thang nguyên tử giữa hai siêu cường có thể dẫn tới cuộc chiến tranh quy ước hết mức, nên cuộc đọ sức Liên Xô- Hoa Kỳ đã bị đối đầu theo các hình thức như chạy đua võ khí, hành động che dấu, chiến dịch ý thức hệ, phong tỏa kinh tế và các cuộc chiến tranh ủy nhiệm (proxy wars) tại các vùng ngoại vi. Tại ba trong các vùng ngoại vi này là Triều Tiên, Đông Dương và A Phú Hãn (Afghanistan), một trong hai siêu cường đã gửi hàng trăm ngàn quân của chính mình vào trận chiến để chống lại đồng minh của phe kia.

Trong cuộc Thế Chiến Thứ Ba, Đông Dương là vùng đất bị chiến tranh tàn phá nhiều nhất. Miền này chịu đựng như vậy không phải vì tính quan trọng cơ hữu mà do bởi nếu đối đầu tại nơi khác thì hai siêu cường sẽ lâm vào tình trạng bế tắc mà chỉ giải quyết được bằng cuộc chiến tổng quát. Liên Xô và Hoa Kỳ đã thực hiện chiến tranh ủy nhiệm tại Đông Dương bởi vì họ không dám trắc nghiệm sức mạnh tại miền trung tâm của châu Âu hay miền đông bắc của châu Á (sau năm 1953) hoặc ngay cả tại Trung Đông. Đông Dương là địa điểm chiến lược bởi vì nằm ở ngoại vi.

Trong suốt cuộc Chiến Tranh Lạnh, các xung đột quân sự đẫm máu tại chiến trường Đông Dương đã được hình thành một cách gián tiếp bởi các xung đột ngoại giao căng thẳng nhưng không đẫm máu trên chính trường của châu Âu. Do tham gia vào cuộc chiến tại Triều Tiên đồng thời nới rộng nền bảo hộ quân sự của Mỹ trên đảo Đài Loan và xứ Đông Dương, chính quyền Truman đã cho thấy quyết tâm bảo vệ các nước đồng minh tại châu Âu. Các giới chức Mỹ đã quên chế độ thuộc địa của Pháp và đã trả tiền cho các cố gắng của Pháp khi tiếp tục chiến tranh tại Đông Dương từ năm 1950 tới năm 1954, với hy vọng rằng nước Pháp sẽ ủng hộ việc tái võ trang nước Đức. 

Việc làm nhục Hoa Kỳ của Krushchev trong vụ khủng hoảng Bá Linh (Berlin) vào năm 1961 đã khiến cho chính quyền Kennedy nhận ra rằng việc tỏ ra cương quyết tại mặt trận Đông Dương còn quan trọng hơn. Vào năm 1968, các nhân viên trong giới ưu tú của chính sách ngoại giao của Hoa Kỳ lại quan niệm rằng việc leo thang hơn nữa tại Đông Dương sẽ làm nguy hại cho các cam kết khác của Hoa Kỳ, đặc biệt là tại chính trường châu Âu, đây là một trong các yếu tố đã khiến cho chính quyền Johnson bắt đầu bớt ràng buộc vào cuộc chiến tranh Việt Nam. Các cuộc cách mạng tại Đông Âu vào năm 1989 đã dẫn tới sự sụp đổ của chính Liên Xô vào năm 1991 và làm cho phe Cộng Sản Việt Nam mất đi một siêu cường bảo hộ và một kiểu mẫu ý thức hệ.

Mặc dù Đông Dương là địa điểm có con số lớn nhất các trận chiến ủy nhiệm, bán đảo Triều Tiên giữa năm 1950 và năm 1953 mới là nơi đổ máu nhiều nhất trong trận Chiến Tranh Lạnh, tính theo cả số tử vong lẫn về cường độ đối chọi. Tuy nhiên, trong số các miền có chiến tranh ủy nhiệm, Đông Dương chịu số tử vong trong thời bình cao nhất, do kết quả của hành động của nhà nước cộng sản (state) trong thời Khmer Đỏ với phong trào thanh trừng tập thể vào giữa thập niên 1970, bởi vì người cộng sản Khmer Đỏ đã theo chủ thuyết Mao-ít nằm trong chủ nghĩa Mác Xít- Lênin-nít, và trước cuộc thanh trừng này đã có một cuộc khủng bố nhỏ hơn vào giữa thập niên 1950 của các người cộng sản Bắc Việt bị ảnh hưởng của Trung Cộng.

Vào năm 1950 mà Stalin gặp Mao và Hồ tại Moscow, cuộc Chiến Tranh Lạnh đã diễn tiến được 4 năm. Năm 1946, Stalin đã xiết chặt các quốc gia tại Đông Âu nằm vào phạm vi ảnh hưởng của Xô Viết. Nước Đức bị thất trận đã bị chia thành các miền chiếm đóng do Liên Xô và các nước Tây Phương để rồi sau này trở thành các khu vực phân rõ. Đồng thời Triều Tiên bị chia ra làm miền Xô Viết và miền Mỹ. Nước Nhật toàn bộ dưới quyền hành chánh của Hoa Kỳ.

Chính sách của Hoa Kỳ là yểm trợ các dân tộc tự do chống lại các mưu toan áp đặt bởi các thiểu số võ trang hay các áp lực bên ngoài
-- Chủ thuyết Truman
Mặc dù nhiều người đã trông đợi sự xuất hiện của thế giới ba cực là Washington, Moscow và London, Thế Chiến Thứ Hai đã làm  nước Anh suy yếu thảm hại. Vào tháng 2/1947, nước Anh đã thông báo cho chính quyền Truman rằng Hoa Kỳ phải lãnh gánh nặng yểm trợ các lực lượng thân Tây Phương tại Thổ Nhĩ Kỳ và Hy Lạp vì tại hai nơi này Stalin đang hậu thuẫn các kẻ nổi dậy cộng sản. Qua ngày 12/3, tổng thống Truman công bố chính sách được gọi là chủ thuyết Truman: “chính sách của Hoa Kỳ là yểm trợ các dân tộc tự do chống lại các mưu toan áp đặt bởi các thiểu số võ trang hay các áp lực bên ngoài”. 

Vào tháng 6, Kế Hoạch Marshall để tái thiết châu Âu được công bố trong bài diễn văn do bộ trưởng ngoại giao George Marshall đọc tại trường Đại Học Harvard. Stalin đã coi sự trợ giúp kinh tế của Hoa Kỳ là một mối đe dọa, nên đã ngăn cản các nước Đông Âu dưới quyền kiểm soát của Xô Viết không được phép nhận lời đề nghị. Chủ thuyết Truman đã nhận được câu trả lời vào tháng 9/1947 khi Andrei Zhdanov, một người phát ngôn của Stalin, đã công bố rằng thế giới bị chia làm hai khối, xã hội chủ nghĩa (socialism) và đế quốc chủ nghĩa (imperialism). 

Phong trào quốc gia không cộng sản trong các miền đất thuộc địa và cựu thuộc địa tới lúc này bị bao gồm trong khối đế quốc dù cho trước kia mạng lưới cộng sản quốc tế vào các ngày của Mặt Trận Bình Dân đã từng ve vãn các miền đất này để trở thành các đồng minh. Ngược lại trước cuộc chiến tranh của phong trào Việt Minh do các người cộng sản của Hồ Chí Minh kiểm soát, Zhdanov đã hoan hô cuộc chiến này chống lại người Pháp tại Đông Dương là một thí dụ của “một phong trào mạnh vì công việc giải phóng quốc gia tại các xứ thuộc địa và các vùng đất lệ thuộc”.

Stalin đã ra lệnh cho các người cộng sản trong miền Tây Âu phát động một làn sóng đình công. Hoa Kỳ phản ứng lại bằng các chuyến hàng trợ giúp kinh tế. Sau khi các phương kế của Stalin thất bại tại Tây Âu, ông ta đã điều khiển một cuộc đảo chánh tại Tiệp Khắc, tại đây chính quyền đã được dân bầu ra bị thay thế bằng nền độc tài cộng sản do Moscow kiểm soát. Hoa Kỳ cũng tung ra một chương trình được che dấu để yểm trợ các đảng phái thân Mỹ trong các cuộc bầu cử toàn quốc tại nước Ý và đã cứu xét việc can thiệp quân sự nếu một chính phủ liên hiệp do cộng sản dẫn đầu chiếm quyền lực tại đó. 

Đồng thời trên ngoại vi của châu Âu, các cố vấn Mỹ đã giúp đỡ nền độc tài tại Hy Lạp chống một cuộc nổi dậy cộng sản được yểm trợ do khối Xô Viết trong cuộc chiến tranh ủy nhiệm chính đầu tiên của cuộc Chiến Tranh Lạnh. Cuộc nổi dậy tại Hy Lạp đã bị đánh bại, một phần bởi vì nhà độc tài cộng sản Nam Tư là Tito đã lo sợ bị Stalin thanh trừng, nên đã tách ra khỏi khối Xô Viết để đảm đương một vị thế trung lập không dễ dàng giữa hai khối đông và tây.

Mặc dù chính trường quan trọng trong thời gian đầu của cuộc Chiến Tranh Lạnh là châu Âu, Hoa Kỳ và Liên Xô cũng đã vẽ ra các chiến tuyến tại châu Á. Vào tháng 2 năm 1948, trong một hội nghị tại Calcutta do cộng sản bảo trợ dành cho giới trẻ cấp tiến, các người cộng sản Trung Hoa và Việt Nam đã kêu gọi cuộc đấu tranh võ trang chống lại các chính quyền Tây Phương và thân Tây Phương. Tiếp theo buổi họp mặt tại Calcutta, một loạt các nổi loạn do cộng sản giật dây đã bùng ra trong khắp vùng. 

Vào tháng ba, các người cộng sản Miến Điện nổi dậy chống lại chính quyền mới độc lập; vào tháng 6, đảng cộng sản Mã Lai đã cầm võ khí; và vào tháng 8, các người nổi loạn Hukbalahap do cộng sản dẫn đầu tại Phi Luật Tân đã tiếp tục cuộc chiến tranh chống lại chính quyền Phi Luật Tân thân Mỹ. Tới tháng 9 năm 1948, các người cộng sản Indonesia đã đụng độ với chức quyền của xứ này theo sau cuộc trở về từ Liên Xô của ông Musso, nhà lãnh đạo cộng sản, và ông này đã tuyên bố rằng phong trào của ông theo sau “chương trình Gottwald” (the Gottwald Plan) (một ám chỉ việc cộng sản chiếm quyền trong cuộc đảo chính mới đây tại Tiệp Khắc). Cuộc nổi loạn cộng sản tại Indonesia bị dập tắt trong vòng một tháng nhưng các cuộc nổi dậy tại Miến Điện, Mã Lai và Phi Luật Tân còn tiếp tục trong nhiều năm.

Tại Đông Dương, mặt trận Việt Minh của Hồ Chí Minh do cộng sản kiểm soát, đã chiếm chính quyền vào tháng 8 năm 1945 khi sự việc người Nhật chiếm đóng Đông Dương thuộc Pháp đã chấm dứt cùng với cuộc Thế Chiến Thứ Hai. Để che dấu các mục tiêu thực sự, Hồ giả vờ giải tán đảng Cộng Sản Đông Dương. Vào mùa hè năm 1946, trong khi Hồ qua Paris hy vọng thuyết phục người Pháp nhường quyền lực một cách hòa bình cho chế độ của ông ta, thì người phụ tá chính của Hồ là Võ Nguyên Giáp đã giám sát một cuộc phá hủy theo phương pháp tất cả thành phần đối lập bằng cách cầm tù, đầy ải hay giết chết hàng chục ngàn các người quốc gia không cộng sản hay tả khuynh. 

Sau các cuộc thương thuyết của Hồ tại Pháp gặp thất bại, các thù nghịch bắt đầu vào cuối năm 1946. Nước Pháp đã gửi quân đi trong cố gắng đặt lại thẩm quyền của Pháp tại Đông Dương. Bị ép giữa các sức mạnh của Pháp và của Trung Hoa Quốc Gia do Tưởng Giới Thạch (không chống lại việc đẩy người Pháp ra khỏi vùng), các người cộng sản Việt Nam đã cố gắng sống còn cho tới khi đảng Cộng Sản Trung Hoa thắng được cuộc nội chiến vào năm 1949 nhờ có Liên Xô và Bắc Triều Tiên yểm trợ quân sự và tiếp liệu.

Các nhà báo cựu Hồng Quân là tướng Oleg Sarin và đại tá Lev Dvoretsky đã viết: 

“Tại miền Viễn Đông, Trung Hoa, Bắc Triều Tiên và Bắc Việt đã trở nên các đồng minh chắc chắn của Stalin. Trong hai xứ sau này, Kim Il Sung và Hồ Chí Minh là các nhà độc tài với quyền lực vô biên, đã theo mệnh lệnh nghiêm ngặt của Kremlin và đổi lại, họ được ủng hộ hết lòng bằng võ khí, hàng hóa và dịch vụ của Xô Viết. Stalin rất suy nghĩ và chú ý tới họ, thường xuyên nghiền ngẫm các kế hoạch để kết nối hai quốc gia này dưới lá cờ đỏ và như vậy đang tạo ra các cơ hội mới để phổ biến chế độ cộng sản Xô Viết xa hơn vào châu Á. Stalin đang ở vào vị trí tốt nhất để thực hiện phần chót của các giấc mộng của ông ta”.

Stalin là người có thể hy vọng rằng một chính phủ liên hiệp trong đó có các người cộng sản, có thể nắm quyền tại Paris, nên ông ta cẩn thận giữ khoảng cách giữa chế độ của ông ta và của Hồ. Ông ta ra lệnh cho Mao phải lãnh trách nhiệm giúp đỡ các đồng chí Đông Dương. Các nhà lãnh đạo cộng sản Trung Hoa đã coi Đông Dương là một trong “ba trận tuyến” đối đầu với khối đế quốc do Mỹ dẫn đầu, hai trận tuyến kia là Triều Tiên và Đài Loan, tại nơi sau này chế độ quốc gia của Tưởng Giới Thạch vẫn sống sót sau khi bị thất bại trên lục địa. Khi trông đợi một cuộc xung đột với Hoa Kỳ về Đài Loan, Mao được biết vào mùa xuân năm 1950 rằng Stalin đã cho phép Kim Il Sung thống nhất bán đảo Triều Tiên bị chia cắt bằng sức mạnh, theo sau một âm mưu dùng chiến tranh du kích với tổn phí vào khoảng 100 ngàn mạng sống của xứ Triều Tiên.

Nhờ sự hậu thuẫn của Stalin và Mao, Kim đã phát động một cuộc xâm lăng Nam Triều Tiên vào ngày 24/6/1950. Coi cuộc khủng hoảng này là một trắc nghiệm về uy tín của Hoa Kỳ trong cuộc Chiến Tranh Lạnh, Hoa Kỳ cùng với Anh Quốc và hàng chục đồng minh đã phái đi các đạo quân dưới danh nghĩa của Liên Hiệp Quốc để cứu nguy chế độ Nam Triều Tiên của ông Lý Thừa Vãn (Syngman Rhee). 

Bằng cuộc đổ bộ táo bạo từ biển vào Inchon vào tháng 9, tướng Douglas MacArthur đã lật lại tình thế có lợi cho Hoa Kỳ. Trong vòng vài tuần lễ, các người cộng sản Triều Tiên đã bị đẩy trở lại về biên giới Trung Hoa tại con sông Áp Lục (Yalu river). Cùng với sự thúc dục của Stalin và trái với lời khuyên của giới lãnh đạo quân sự cộng sản Trung Hoa, Mao đã đưa Trung Hoa vào chiến tranh. Các lực lượng Trung Cộng đã vượt qua sông Áp Lục vào tháng 11. Nhân viên quân sự Xô Viết cũng đóng một phần giới hạn trong chiến tranh trên không (the air war), một sự kiện mà chính quyền Hoa Kỳ đã giữ bí mật vì đây là một phần chiến thuật để giới hạn cuộc chiến tranh ủy nhiệm (the proxy war) tại Triều Tiên.

Ảnh hưởng của cuộc chiến tranh Triều Tiên là Hoa Kỳ củng cố sự cam kết với Đài Loan và Đông Dương, là hai mặt trận khác tại Đông Nam Á, không nhường đất cho khối Trung Cộng-Xô Viết. Tổng thống Truman gửi Hạm Đội thứ Bẩy tới kiểm soát eo biển Đài Loan và phái đi một phái đoàn quân sự để giúp đỡ người Pháp tại Đông Dương. Vào năm 1954, Hoa Kỳ đã chi trả phần lớn các phí tổn cho các cố gắng của người Pháp để đánh bại Hồ Chí Minh. Trung Cộng cũng thế, đã coi các cuộc chiến tranh tại Triều Tiên và Đông Dương là các phần của cuộc đấu tranh đơn giản Đông-Tây. Tướng Trần Cảnh (Chen Geng), một sĩ quan hàng đầu của Trung Cộng, đã giúp đỡ việc tổ chức cuộc chiến tranh của Việt Minh chống người Pháp trước khi ông ta rời Việt Nam vào tháng 11/1950 để chỉ huy tại Triều Tiên.

Cuôc Chiến Tranh Triều Tiên, giống như cuộc Chiến Tranh Việt Nam sau này, đã tạo nên sự rối loạn chính trị tại Hoa Kỳ. Tuy nhiên, trong thời kỳ của cuộc Chiến Tranh Triều Tiên, sự chống đối chính quyền về cơ bản tới từ phía hữu. Thượng nghị sĩ miền Wisconsin Joseph McCarthy là người săn lùng cộng sản và mị dân, đã tố cáo tổng thống Truman là dung thứ các kẻ phản bội cộng sản nằm trong chính quyền và dèm pha tổng thống khi ông cách chức tướng MacArthur vì bất phục tùng, khiến cho ông Truman đã chọn lựa không ra tranh cử tổng thống nữa. Ông Dwight Eisenhower, được bầu làm tổng thống vào năm 1952, đã đe dọa dùng các võ khí nguyên tử chống lại Bắc Triều Tiên và Trung Cộng. Các đe dọa này, phối hợp với cái chết của Stalin vào ngày 4/3/1953, đã khiến cho có cuộc đình chiến vào tháng 7 năm đó.

Trong khi đó tại Đông Dương, cuộc chiến trở nên xấu hơn cho người Pháp và người bảo trợ Mỹ. Khối Trung Cộng-Xô Viết đã dùng cuộc đình chiến Triều Tiên làm cơ hội để phát động một cuộc “tấn công hòa bình” trên toàn thế giới: các người kế nghiệp của Stalin trong điện Kremlin đã đề nghị một cuộc hội nghị 5 cường quốc để thảo luận các tranh chấp quốc tế. Để củng cố vị trí thương thuyết, Việt Minh, với vũ khí và sự cố vấn của Trung Cộng, bắt đầu cuộc bao vây quân đội Pháp tại Điện Biên Phủ, một làng quan trọng về chiến lược. Bị báo động do viễn ảnh của sự sụp đổ của một tiền đồn Pháp, bộ trưởng ngoại giao Hoa Kỳ John Foster Dulles đã đe dọa bằng sự can thiệp của Mỹ và kêu gọi tới “hành động hợp sức” của các nước dân chủ phương tây. Tuy nhiên Quốc Hội Hoa Kỳ không muốn ủng hộ một cuộc chiến tranh Mỹ tại Đông Dương quá sớm sau khi bị tổn thất 56,000 binh sĩ Mỹ tại Triều Tiên. Việt Minh chiếm được Điện Biên Phủ vào ngày 7/5/1954, một ngày trước khi bắt đầu cuộc thảo luận về Đông Dương tại Geneva.

Do quyết tâm không dành Đông Dương cho các người cộng sản của Hồ được Xô Viết-Trung Cộng hậu thuẫn, Hoa Kỳ đã nhận được rất ít ủng hộ từ nước Pháp khi chính quyền của nước này đang muốn có một lối ra không mất mặt khỏi vùng tranh chấp. Nước Anh cũng phải đối đầu với cuộc nổi dậy cộng sản trong vùng như Mã Lai, đã đóng vai trò trung gian giữa Hoa Kỳ và Xô Viết. 

Dưới áp lực của Xô Viết và Trung Cộng đang muốn nghỉ thở sau cuộc chiến tranh ủy nhiệm Triều Tiên, các người cộng sản Việt Nam miễn cưỡng phải chấp nhận việc phân chia Đông Dương thuộc Pháp thành ba xứ: Việt Nam, Lào và Cam Pu Chia, và việc chia đôi Việt Nam thành các miền cộng sản và không cộng sản tại vĩ tuyến 17. Hiệp ước Geneva đã trù liệu các cuộc bầu cử toàn quốc nhưng vì chính quyền Nam Việt Nam phủ nhận hiệp ước và Hoa Kỳ không ký tên vào bản hiệp ước, nên ngay từ đầu bản trù liệu này chỉ là một bức thư chết. Trong thời gian tự nguyện hồi hương dưới sự bảo trợ quốc tế vào các năm 1954-55, các người lo sợ bị cộng sản ngược đãi, với nhiều người theo đạo Cơ Đốc, đã bỏ chạy từ miền Bắc vào miền Nam với con số gấp mười lần hơn số người từ miền Nam đi ra miền Bắc.

2/ Giữa hai cuộc chiến.

Vào giữa thâp niên 1950, sự tương quan về sức mạnh trên trường chính trị thế giới đã nghiêng về phía Hoa Kỳ nhờ sự tăng cường nhanh chóng của quân lực Mỹ trong thời gian chiến tranh Triều Tiên và nhờ sự tái thiết kinh tế của Tây Âu và Nhật Bản. Các cuộc nổi dậy cộng sản tại Miến Điện, Phi Luật Tân và Mã Lai đã bị đánh bại hay đang suy thoái.

Tại miền Bắc Việt Nam, chế độ Hồ Chí Minh đã theo lời khuyên của chính quyền Mao và đã tập trung vào việc củng cố nền cai trị của họ hơn là bảo trợ cách mạng tại miền Nam Việt Nam. Trung Cộng đã đổ qua Bắc Việt các trợ giúp quân sự từ năm 1956 tới năm 1963 gồm 270,000 súng, 200 triệu đạn dược, hơn 10,000 khẩu đại bác cùng với hơn 2 triệu viên đạn, 15,000 máy truyền tin, 28 tầu chiến, 15 máy bay và hơn 1,000 xe tải (tr. 359, đặc san Trung Hoa số 142, Chen Jian, “Tham dự của Trung Cộng vào chiến tranh Việt Nam”, 1964-69). 

Các cố vấn quân sự Trung Cộng trước kia đã giúp đỡ đồng minh Việt Nam đánh bại người Pháp, thì nay được thay thế bằng các cố vấn chính trị cộng sản Trung Hoa, những người này điều khiển một phong trào tập thể hóa tại Việt Nam theo kiểu mẫu của các “cải cách ruộng đất” (land reforms) trước kia tại Trung Hoa và Liên Xô. Tối thiểu có 10,000 nông dân Việt Nam bị lọc ra và bị tố cáo là kẻ thù của giai cấp, họ bị hành quyết sau các phiên tòa bịp bợm tổ chức do các người cộng sản Viêt Nam với sự trợ giúp của các cố vấn Trung Cộng. Khi các nông dân Bắc Việt cuối cùng nổi loạn chống lại sự khủng bố của chính quyền (state terrorism), Hồ Chí Minh đã dùng quân lực để đàn áp họ.  Sau đợt khủng bố nông thôn theo chủ nghĩa Mao-ít tại Bắc Việt là cuộc thanh trừng các nhà trí thức Bắc Việt dập khuôn theo mẫu của cuộc thanh trừng trước kia tại xứ cộng sản Trung Hoa.


Trong khi Hồ khủng bố dân chúng miền Bắc Việt Nam thì ông Ngô Đình Diệm dùng sức mạnh và mánh lới để kết nối sơ sài nửa phía Nam của Việt Nam thành một quốc gia. Ông Diệm là một người quốc gia được kính trọng, thuộc giai cấp thượng lưu, là người không bị ô danh do cộng tác với các người Pháp thuộc địa hay các người Nhật Bản chiếm đóng quê hương của ông. Hồ đã mời ông Diệm phục vụ trong chính phủ liên hiệp Việt Minh thời kỳ ban đầu nhưng ông Diệm đã từ chối không là một quân cờ trong một chế độ do cộng sản thống trị, chính quyền Hồ đã hành quyết một trong các người anh em của ông Diệm. Ông Diệm đã truất phế hoàng đế Bảo Đại do người Pháp dựng nên và tự mình làm Tổng Thống của chính quyền của Nam Việt Nam sau một cuộc trưng cầu dân ý có dàn xếp. Trong công cuộc củng cố nền độc tài của ông ta, ông Diệm đã được sự giúp đỡ của các cố vấn Hoa Kỳ, gồm cả đại tá Edward G. Lansdale và thiếu tá Lucien Conein, cả hai là các chuyên viên về hành động che dấu của Hoa Kỳ. 

Vào phần cuối của thập niên 1950, ông Diệm tiến hành một cuộc chiến tranh chống các tàn dư của Việt Minh tại miền Nam và chống các giáo phái bán quân sự giống như mafia, là Cao Đài, Hòa Hảo và Bình Xuyên. Giống như nhiều nhà cai trị trong Thế Giới Thứ Ba, ông Diệm củng cố quyền lực bằng gia đình trị, thiên vị những người cùng theo đạo Cơ Đốc với ông, bằng hối lộ và sự tàn nhẫn nên đã làm mất lòng nhiều người Nam Việt Nam, mặc dù sự tàn nhẫn này kém tàn bạo hơn nạn khủng bố kiểu Stalinnít tại miền Bắc Việt Nam.

Vào cuối thập niên 1950, các bước đầu của nền chính trị toàn cầu đã được chuyển từ Hoa Kỳ qua Liên Xô. Tổng thống Eisenhower đã thất bại trong việc tìm ra một chiến thuật quân sự đáng tin cậy để tiến hành cuộc Chiến Tranh Lạnh. Chính sách “đánh trả hàng loạt” (massive retaliation) của ông Eisenhower bị Mao và các nhà lãnh tụ trong khối cộng sản coi là sự lừa gạt, ngay cả trước khi kho võ khí hạt nhân của Liên Xô được thiết lập để tạo thành sự cân bằng đe dọa giữa hai khối. Ông Eisenhower cũng tin cậy nhiều hơn vào loại hành động che dấu (covert action) như là một dụng cụ của chính sách ngoại giao Hoa Kỳ. Vào thời gian mà ông Eisenhower rời chức vụ, đã xuất hiện sự đồng ý giữa các nhà trí thức lo về an ninh quốc gia và các nhà quân sự bất đồng ý kiến, rằng các điều kiện của cuộc Chiến Tranh Lạnh đòi hỏi tới “phản ứng uyển chuyển”, tức là khả năng dùng sức mạnh quân sự Mỹ một cách hữu hiệu trước các xung đột, dùng phương cách giữa việc đe dọa dùng chiến tranh nguyên tử và hành động che dấu.

Trong khi Hoa Kỳ trôi dạt dưới thời tổng thống Eisenhower, ông Nikita Khrushchev lên nắm quyền, đã khiến cho đế quốc Liên Xô có được một nhà lãnh đạo năng động và phô trương. Vào năm 1956, ông Krushchev lợi dụng sự việc các nước Anh, Pháp và Do Thái định chiếm đóng kênh đào Suez của Ai Cập nhưng không thành, đã xâm lăng Hungary, phóng đi vệ tinh Sputnik vào cùng một năm để bắt đầu cuộc chạy đua không gian và cho thế giới cảm giác rằng Xô Viết là một cường quốc kỹ thuật năng động. Việc giải thể các đế quốc của châu Âu tại châu Á, châu Phi và miền Trung Đông, đã tạo nên hàng chục quốc gia mới, không vững vàng, cạnh tranh nhau theo phe Hoa Kỳ hay phe Liên Xô. Trong cuộc cạnh tranh này, các lời hùng biện chống kỳ thị chủng tộc của Liên Xô và việc thiếu đi một lịch sử của chế độ thực dân Nga bên ngoài châu Á và châu Âu, đã làm lợi cho Moscow, và thời gian mà người da trắng chống lại phong trào Nhân Quyền đã cho thế giới thấy rõ mặt trái xấu xa của xã hội Mỹ.

Tại vùng Đông Nam Á, sự xung đột nóng bỏng giữa hai khối trở lại vào cuối thập niên 1950. Trong xứ Lào, cuộc chiến tranh ủy nhiệm không tuyên bố đã diễn ra giữa các lực lượng hoàng gia được Hoa Kỳ hậu thuẫn và lực lượng cộng sản Pathet Lào, yểm trợ do quân lực Bắc Việt với sự khuyến khích của Xô Viết và Trung Cộng. Trong khi đó Hà Nội cho phép một cuộc nổi dậy cộng sản tại miền Nam Việt Nam chống lại chế độ của ông Diệm. 

Vào tháng 5/1959, Hà Nội thành lập Cục 559 (Group 559) nhận trách nhiệm xâm nhập các toán quân và võ khí vào Miền Nam qua đường mòn Hồ Chí Minh ở Lào và Cam Bốt, và Cục 759 chịu trách nhiệm xâm nhập bằng đường biển. (Các xâm nhập tương tự của chế độ Bắc Triều Tiên vào Nam Triều Tiên được lập lại nhiều lần mà không thành công đáng kể). Thời gian giữa năm 1959 và 1961, số viên chức của Nam Việt Nam bị cộng sản ám sát tăng từ 1,200 người lên tới 4,000 người một năm. Khi cuộc nổi loạn tại miền Nam Việt Nam trở nên mạnh mẽ hơn, Hoa Kỳ đã trang bị cho quân lực của ông Diệm và đã cung cấp vài ngàn cố vấn, những người này đã huấn luyện quân lực Nam Việt Nam theo các chiến thuật chiến tranh quy ước thường bị coi là không áp dụng được. Vào ngày 8/7/1959, trong cuộc đánh du kích vào một bộ chỉ huy quân sự của miền Nam tại Biên Hòa, gần Saigon, các binh sĩ Hoa Kỳ lần đầu tiên bị giết chết tại Đông Dương cùng với nhiều binh sĩ Việt Nam.

Vào ngày 6/01/1961, hai tuần lễ trước khi ông John F. Kennedy nhận chức Tổng Thống Hoa Kỳ, ông Krushchev cho phổ biến một bài diễn văn kêu gọi sự yểm trợ của Xô Viết dành cho “các cuộc chiến tranh giải phóng” như là một cách thay thế cho cuộc chiến tranh hạt nhân đe dọa thế giới. Kennedy đã gửi cho các phụ tá của ông ta các bản sao của bài diễn văn, thúc dục họ “đọc, học tập và tiêu hóa”. Ông Kennedy đã được ông Eisenhower cảnh cáo rằng cuộc chiến tranh ủy nhiệm cấp thấp tại Lào giữa các phe phái được Hoa Kỳ yểm trợ và đối thủ lệ thuộc vào Bắc Việt, thì đang tiến tới điểm hệ trọng. Vào ngày 9 tháng 3, ông Kennedy đã xét lại các kế hoạch chi tiết lo việc đưa các lực lượng Mỹ vào xứ Lào.

Sự chú ý của thế giới bị chuyển từ Đông Dương sang vùng biển Caribbean vào ngày 12/4/1961 khi các người Cuba lưu vong được Hoa Kỳ hậu thuẫn đã đổ bộ vào Cuba tại Vịnh Con Heo (the Bay of Pigs). Cuộc xâm lăng được phác họa trong thời chính quyền Eisenhower và được ông Kennedy chấp thuận, đã thất bại, không tạo nên một cuộc nổi dậy của dân chúng chống lại nhà độc tài Fidel Castro thân Liên Xô. Vào mùa hè năm 1961, hai ông Kennedy và Krushchev đã đối đầu nhau về vụ thành phố Berlin. Do phải chấp nhận việc xây dựng Bức Tường Bá Linh, Hoa Kỳ đã cam chịu một thất bại nhục nhã khác bởi vì bức tường này có mục đích ngăn cản các công dân thuộc miền Đông Đức cộng sản không chạy được sang phía Tây.

Sau các vụ mất thể diện tại Cuba và Đức, chính quyền Kennedy cảm thấy cần phải chứng tỏ sự quyết tâm của Hoa Kỳ tại chiến trường Đông Dương. Vào mùa thu năm 1961, ông Kennedy bác bỏ lời khuyên của giới quân sự Mỹ rằng bất cứ một can thiệp nào của Hoa Kỳ phải mạnh mẽ, và ông ta đã ưng thuận việc “trung lập hóa” xứ Lào trong các thương lượng tại Geneva, đây là một dàn hòa không làm cho cuộc chiến tranh ủy nhiệm chấm dứt. Cuộc thoái lui sau cùng này của chính quyền Kennedy đã làm cho công việc bảo vệ miền Nam Việt Nam trở nên cần thiết.

Bị báo động vì một báo cáo của ông Edward Lansdale về tình trạng của Nam Việt Nam, vào tháng 5 năm 1961, ông Kennedy cử phó tổng thống Lyndon Johnson qua miền Nam Việt Nam tìm sự thật. Ông Diệm khi đó bác bỏ đề nghị gửi quân Hoa Kỳ, thay bằng đòi hỏi các ngân khoản của Mỹ để bành trướng quân lực và tăng thêm số cố vấn Mỹ. Vào tháng 8/1961, tướng Maxwell Taylor, tham mưu trưởng, đã thăm viếng miền Nam Việt Nam và khuyên Hoa Kỳ nên gửi quân sĩ tới đây. Ông Kennedy đã bác bỏ lời khuyên này nhưng thiết lập Cơ Quan Trợ Giúp Quân Sự MACV (the Military Assistance Command, Vietnam) và đã gia tăng đáng kể con số cố vấn quân sự tại miền Nam Việt Nam.

Trong khối cộng sản, sự rạn nứt gia tăng giữa Liên Xô của Krushchev và Trung Cộng của Mao đã tạo nên một chướng ngại mới cho Hoa Kỳ và các nước đồng minh. Hai xứ cộng sản khổng lồ này đã cạnh tranh nhau về quyền lãnh đạo thế giới chống phương tây do cố gắng vượt nhau trong việc yểm trợ cho Bắc Việt. Khi bác bỏ những lời khuyên phải cẩn thận lúc đối đầu với Hoa Kỳ là những kẻ “xét lại” (revisionist), Mao đã gửi các phái đoàn cao cấp tới Hà Nội vào mùa xuân năm 1961 để thảo luận việc cộng tác trong trường hợp chiến tranh với Hoa Kỳ.

Chương trình bình định của chính phủ Diệm gặp các kết quả trái ngược khi di chuyển một phần tư dân số nông thôn, tạo nên sự thù ghét mới đối với chế độ.
Cùng vào lúc này, các quân du kích Việt Cộng do Hà Nội điều khiển tại miền Nam Việt Nam tiếp tục tiến bộ, thúc đẩy lòng bất mãn của dân chúng trong khi tiếp tục ám sát một số lớn các viên chức chính phủ và các người ủng hộ chế độ miền Nam. Chương trình bình định của chính phủ Diệm gặp các kết quả trái ngược khi di chuyển một phần tư dân số nông thôn, tạo nên sự thù ghét mới đối với chế độ. Vào ngày 22/2/1962, hai phi công của miền Nam mưu toan ám sát ông Diệm bằng cách ném bom dinh tổng thống. Không lâu sau đó, người ta thấy rõ khả năng quân sự giới hạn của chế độ Diệm, gồm binh lính miền Nam và các cố vấn Mỹ, sau một cuộc hành quân không thành tại làng Ấp Bắc chống lại Việt Cộng.

Ngày 8/5/1962 tại thành phố Huế, nhiều người bị giết khi một phó tỉnh trưởng theo đạo Cơ Đốc đã phái quân lính không cho các Phật tử treo cờ để kỷ niệm ngày Phật Đản. Ngày 11/6, các Phật tử đã xếp đặt trước cho giới truyền thông phương tây được theo dõi cách tự thiêu của một nhà sư Phật Giáo. Các bức ảnh ghê rợn đã đóng góp vào công việc bêu xấu ông Diệm tại Hoa Kỳ (không cần phải nói, các nhà báo phương tây đã không được phép thu hình các phản đối và các đàn áp nặng nề hơn của chính quyền Bắc Việt).

Vào mùa hè năm 1962, Hồ Chí Minh đã dẫn một phái đoàn sang Bắc Kinh và thành công khi được Trung Cộng trang bị 230 tiểu đoàn quân Bắc Việt mới. Qua mùa xuân năm sau, các phái đoàn Trung Cộng tới Hà Nội đã hứa hẹn rằng Trung Cộng sẽ giúp đỡ Bắc Việt nếu Hoa Kỳ tấn công và bảo đảm với các nhà lãnh đạo Bắc Việt rằng họ có thể “mãi mãi trông cậy vào Trung Hoa như là một hậu phương chiến lược”. 

Tại Washington, chính quyền Kennedy bị phân đôi giữa những người cộng tác với các tướng lãnh miền Nam Việt Nam trong âm mưu lật đổ tổng thống Diệm vì sự không được lòng dân và sự bất lực trong chiến tranh chống lại cuộc nổi dậy cộng sản, và những người phản kháng âm mưu kể trên. Sau khi nhóm ủng hộ đảo chánh thành công tại Washington, vào ngày 1/11/1963 ông Diệm bị hạ bệ bởi các tướng lãnh nổi loạn, rồi những người này đã giết ông ta và người em Ngô Đình Nhu sau khi đề nghị họ được ra khỏi xứ an toàn. Theo sau các vụ ám sát tại Saigon vài tuần lễ là vụ giết Tổng Thống Kennedy tại Dallas, Texas, do Lee Harvey Oswald, một kẻ đào ngũ qua Liên Xô trước kia và cũng là người tôn sùng Castro. Vào thời gian ông Kennedy chết, Hoa Kỳ đã chi tiêu 500 triệu Mỹ kim mỗi năm tại miền Nam Việt Nam, đã có 15,000 cố vấn Mỹ hiện diện trong xứ này và 50 binh sĩ Mỹ đã bị giết.

Người kế tiếp ông Kennedy là Lyndon Johnson, đã chống đối việc lật đổ ông Diệm. Ông Diệm đã được minh oan sau cuộc đảo chánh, khi một loạt các chính phủ nhất thời được thành lập rồi bị giải tán do các sĩ quan miền Nam tranh giành quyền lực. Sự hỗn loạn chính trị này đã giúp cho các kẻ nổi loạn do Hà Nội kiểm soát các cơ hội thắng lợi chính. Trước cuộc đảo chính ông Diệm, Việt Cộng kiểm soát ít hơn 30 phần trăm lãnh thổ của miền Nam, vào tháng 3/1964, họ kiểm soát từ 40 tới 45 phần trăm.

Hoàn cảnh tuyệt vọng của miền Nam Việt Nam đã xẩy ra cùng với các xáo trộn trong khắp miền Đông Nam Á. Bắt đầu vào năm 1962, nhà độc tài của Indonesia là Sukarno đã về phe Mao và đảng cộng sản Indonesia là đảng lớn thứ ba trên thế giới. Do đã chiếm giữ phần đất phía tây của hòn đảo New Guinea trước kia thuộc Hòa Lan vào năm 1962, ông Sukarno khởi đầu một cuộc chiến tranh du kích chống lại Mã Lai. Để giúp đỡ các người Mã Lai đánh trả các lực lượng của ông Sukarno và đồng minh, người Anh đã phái đi các đơn vị tinh nhuệ SAS (Special Air Services units). 

Trong xứ Cambốt gần đó, Thái Tử Norodom Sihanouk do trông đợi cuộc chiến thắng của cộng sản tại miền Nam Việt Nam, đã cho phép quân Việt Cộng và quân chính quy Bắc Việt dùng lãnh thổ Cambốt để xâm nhập Nam Việt Nam. Từ đầu năm 1964, Sihanouk bí mật đồng ý để Trung Cộng dùng hải cảng Sihanoukville làm địa điểm chuyên chở các tiếp liệu quân sự cho Việt Cộng. Sihanouk cũng ra lệnh cho các băng nhóm biểu tình tấn công các tòa đại sứ Mỹ và Anh, và khi nhà độc tài của Thái Lan là Thống Chế Sarit qua đời không lâu sau các vụ giết hại ông Diệm và ông Kennedy, thì ông Sihanouk đã vui mừng trên đài phát thanh trước sự qua đời của cả ba nhân vật kể trên.

Trong các hoàn cảnh này, chính quyền Johnson quyết định gia tăng các cuộc oanh tạc bí mật chống lại Bắc Việt. Phần lớn các biệt kích của miền Nam Việt Nam xâm nhập vào miền Bắc đã bị giết hay bị bắt. Dùng các máy bay của không quân hoàng gia Lào, các phi công Mỹ và Thái cũng bắt đầu dội bom các đoàn quân Bắc Việt và Pathet Lào. Thêm vào đó, Hoa Kỳ khởi đầu các vụ tuần tiễu tình báo dọc theo bờ biển Bắc Việt. Một cuộc đột kích của quân Nam Việt Nam do Hoa Kỳ yểm trợ tấn công vào hai hòn đảo nhỏ của Bắc Việt vào ngày 31/7, theo sau là vụ đụng độ vào ngày 3/8 trong Vịnh Bắc Việt giữa tầu chiến Mỹ Maddox và các thuyền thủy lôi của Miền Bắc. Tới ngày 4/8, các nhân viên rađa của con tầu khác, C. Turner Joy, đã xác nhận rằng bị phóng thủy lôi. 

Chính quyền Johnson lấy cớ rằng các con tầu chiến Mỹ đang là mục tiêu của các vụ tấn công không khiêu khích, đã dùng biến cố Vịnh Bắc Việt làm cơ hội để Quốc Hội Hoa Kỳ thông qua Nghị Quyết Đông Nam Á (the Southeast Asia Resolution), một cách tuyên chiến theo điều kiện, dập khuôn theo các Nghị Quyết Đài Loan và Trung Đông trong các năm của ông Eisenhower. Ông Johnson đã nói với công chúng Mỹ trong bài diễn văn được truyền hình: “Thách đố mà chúng ta phải đương đầu ngày hôm nay tại Đông Nam Á thì cũng giống như thách đố mà chúng ta đối diện với lòng can đảm và sức mạnh tại Hy Lạp và Thổ Nhĩ Kỳ, tại Bá Linh và Triều Tiên, tại Lebanon và Cuba”. Bài diễn văn này đã đặt cuộc khủng hoảng tại Đông Dương vào nội dung của cuộc Chiến Tranh Lạnh. Vào ngày 7/8/1964, Nghị Quyết Đông Nam Á được Hạ Viện  Hoa Kỳ thông qua bằng 416 phiếu thuận, 0 phiếu chống và tại Thượng Viện là 98 đối 2.

Phản ứng của Trung Cộng là bài bác Hoa Kỳ, xác nhận công khai sự ủng hộ dành cho Bắc Việt và huy động hơn 20 triệu người trong các vụ biểu tình chống Mỹ. Bắt đầu vào giữa tháng 8, các đơn vị không quân Trung Cộng di chuyển về biên giới Việt Trung. Trung Cộng bắt đầu xây dựng hai phi trường mới gần biên giới. Trung Cộng cũng đã hứa sẽ gửi quân lính nếu Hoa Kỳ xâm lăng Bắc Việt.

Khi năm 1965 bắt đầu, tình hình tại miền Nam Việt Nam tiếp tục xấu đi. Vào ngày 7 tháng 2, trong khi cố vấn an ninh quốc gia là ông McGeorge Bundy ở Saigon thì Việt Cộng giết 8 cố vấn Mỹ trong một cuộc tấn công một căn cứ quân sự của miền Nam Việt Nam tại Pleiku. Trong cuộc hành quân Flaming Dart, 49 oanh tạc cơ của Hải Quân Mỹ đã tấn công một địa điểm quân sự Bắc Việt tại Đồng Hới. Việt Cộng phản ứng lại bằng cách giết chết 23 binh lính Mỹ khi họ cho nổ một khách sạn tại Quy Nhơn.

Tổng thống Johnson và các cố vấn của ông hy vọng rằng các cuộc không kích chống lại Bắc Việt sẽ khiến cho Hà Nội chấm dứt yểm trợ các vụ nổi loạn tại miền Nam Việt Nam, nhờ đó việc dàn ra các lực lượng bộ binh Mỹ sẽ không cần thiết. Cuộc hành quân Rolling Thunder là chiến dịch thả bom miền bắc bắt đầu vào ngày 2/3/1965 đã không mang lại kết quả kể trên. Vào ngày 8/3, 2 tiểu đoàn thủy quân lục chiến tới bảo vệ căn cứ Mỹ tại Đà Nẵng. Vài tuần lễ sau, tổng thống Johnson bác bỏ các ngăn cản của tướng Maxwell Taylor, khi đó làm đại sứ Hoa Kỳ tại Saigon, đã gửi thêm 2 tiểu đoàn và 18,000 quân tiếp liệu. Binh lính Hoa Kỳ bắt đầu tham dự vào các cuộc hành quân tìm và diệt địch. Đồng thời vào tháng 4/1965, ông Johnson phái 28,000 quân tới Cộng Hòa Dominican để chắc chắn rằng cuộc nội chiến tại nơi này không cung cấp cho Liên Xô và xứ Cuba vệ tinh một cơ hội tạo ra một tiền đồn mới trong vùng biển Caribbean.

Sau một thời gian tạm ngưng oanh tạc để khiến cho Hà Nội phải thương thuyết nhưng thất bại, cuộc dội bom tiếp tục vào ngày 13/5. Các lời yêu cầu khẩn cấp của tướng William Westmoreland tại miền Nam Việt Nam đã bắt buộc Tòa Nhà Trắng phải quyết định gay go. Thứ trưởng ngoại giao George Ball đã cảnh cáo về các khó khăn khi chiến đấu chống du kích, ông Ball là người từ lâu chỉ trích các cam kết của Hoa Kỳ trong cuộc Chiến Tranh Lạnh tại châu Á. Phần lớn các cố vấn mà ông Johnson thừa hưởng từ chính quyền Kennedy, gồm cả ông Bundy và bộ trưởng quốc phòng Robert McNamara, đều không muốn rời bỏ các nước đồng minh Đông Dương của Mỹ cho khối cộng sản mà không chiến đấu.

Không phải chỉ có Việt Nam là bị hiểm nguy. Phần lớn hay tất cả miền Đông Nam Châu Á đang trên ven bờ của khối các nước cấp tiến chống phương tây, dẫn dắt do Trung Cộng và Indonesia. Với sự khuyến khích của Mao, ông Sukarno đã chấp nhận khẩu hiệu “Đè bẹp Hoa Kỳ” (Crush America), đã rút tên Indonesia ra khỏi Liên Hiệp Quốc và công bố việc thành lập một khối chống đối, là Hội Đồng Các Lực Lượng Đang Xuất Hiện (the Conference of the New Emerging Forces). Vào năm 1965 khi nói về “Trục Djakarta- Phnom Penh- Hà Nội- Bắc Kinh- Bình Nhưỡng”, ông Sukarno tiên đoán rằng Trung Cộng sẽ “giáng một cú mạnh vào quân đội Mỹ tại Việt Nam từ miền bắc trong khi Indonesia sẽ đánh từ miền nam”. Tương lai việc các người cộng sản chiếm chính quyền tại Indonesia, liên kết với Trung Cộng của Mao, cùng với sự khả hữu nước Indonesia thành cộng sản, đã là mối lo sợ của Hoa Kỳ, Anh Quốc và các đồng minh trong vùng, như Mã Lai, Singapore, Thái Lan và Úc. Quan trọng hơn sự sụp đổ của các “quân bài dominoes”, là uy tín của Hoa Kỳ như là một siêu cường cùng với các cam kết quân sự trên toàn thế giới đối với các nước đồng minh yếu hơn hoặc đang gặp nguy hiểm. Hoa Kỳ đã bị làm nhục bởi khối Xô Viết tại Bá Linh, Cu Ba và Lào, một cuộc rút lui nữa sẽ khuyến khích Liên Xô và Trung Cộng, và làm mất tinh thần các nước đồng minh của Mỹ. Bằng lý do vững chắc, ông Sukarno đã tuyên bố rằng năm 1965 là “năm sinh sống trong nguy hiểm” (the year of living dangerously).


Vào ngày 28 tháng 7 năm 1965, sau một cuộc tranh luận nội bộ về các ý kiến đối với chính trường Đông Dương, chính quyền Johnson công bố gửi thêm 125,000 quân tới miền Nam Việt Nam. Trong nội dung của cuộc Chiến Tranh Lạnh tại miền Đông Nam Á, việc dàn quân kể trên không bị coi là quá mức. Vào cuối năm 1964, nước Anh là cường quốc hạng thứ hai, đã đặt nhiều quân lính tại miền đông của kênh đào Suez hơn là tại châu Âu như là một phần của các lực lượng NATO. Để bảo vệ Mã Lai khỏi bị lật đổ do Indonesia, nước Anh đã phái đi 30,000 quân. Vào năm 1964, nước Anh có 54,000 quân tại Đông Nam Á, nhiều hơn số quân của Hoa Kỳ tại miền Nam Việt Nam vào thời bấy giờ. Cuộc chiến tranh biên giới của ông Sukarno với Mã Lai đã khiến cho Anh Quốc phải dàn ra 80 tầu chiến. 
(Kỳ tới: Chiến Trường Đông Dương 1965-1975).

Phạm Văn Tuấn

(Chuyển ngữ từ tác phẩm “Vietnam, The Necessary War”, của Nhà Sử Học Michael Lind, The Free Press, N.Y.1999).

Tiểu sử tác giả Michael Lind: 


In a very opinionated and sharply reasoned attempt to debunk three decades of conventional wisdom about Vietnam, Lind (The Next American Nation), the Washington, D.C., editor of Harper's, attacks both the right-wing contention that the U.S. could have won the war if only the politicians hadn't interfered with the military and the leftist orthodoxy that maintains the U.S. should never have become involved in the first place. Lind treats Vietnam as simply another battle in the Cold War, no different in principle from Korea or Afghanistan or any other Cold War confrontation. As such, it was both necessary and proper to intervene in Vietnam; a failure to do so, he asserts, would have permitted the Soviet Union and China to tighten their grip on the Third World. But once the U.S. committed itself, Lind argues, presidents Johnson and Nixon were obliged to fight a limited war in order to avoid the very real possibility of China entering the fray (just as it had done in Korea). If anything, Lind says, ""the Vietnam War was not limited enough."" Johnson allowed the U.S. military commanders to wage an expensive war of attrition that killed too many U.S. soldiers too fast and eroded public support for both the conflict in Vietnam and for the Cold War in general. The principal culprits in Lind's analysis are Johnson, General Westmoreland and other U.S. military commanders for their misguided tactics; Nixon, for his quixotic attempt to salvage ""peace with honor,"" during which an additional 24,000 soldiers died needlessly; and the antiwar left, which swallowed much of Ho Chi Minh's propaganda. Lind's arguments, if not always persuasive, are always provocative. His book, with its intelligent analysis of U.S. intervention in Kosovo and other current foreign policy quandaries, is likely to shift the debate on Vietnam and to color future debates about U.S. military intervention abroad. (Oct.)

No comments

Powered by Blogger.