Phạm Văn Tuấn
"Đỉnh Gió Hú" (Wuthering Heights) là tên nơi ở của ông Heathcliff, nhân vật
chính trong tác phẩm văn chương lừng danh của Nữ Văn Sĩ Emily Bronte, xuất bản
vào năm 1847, vài tháng sau khi xuất hiện tác phẩm danh tiếng "Kiều Giang"
(tên do nhà văn Hoàng Hải Thủy đặt) hay "Jane Eyre" của người chị ruột là Nữ
Văn Sĩ Charlotte Bronte. "Đỉnh Gió Hú" là câu chuyện tình lãng mạn, mãnh liệt,
xẩy ra nơi miền đồng hoang Haworth, thuộc West Yorkshire, nước Anh, mô tả thứ
tâm hồn ảm đạm nhất trong loại chuyện hư cấu.
Vào cuối thế kỷ 18, trào lưu lãng mạn
(romanticism) đã tràn vào nước Anh và nền Văn Học Anh có bộ môn hùng mạnh nhất
là Thơ Phú (poetry). Khi nghĩ tới phong trào này của nước Anh, người ta liên
tưởng tới các danh tài như Robert Burns, William Blake, William Wordsworth,
Samuel Taylor Coleridge, John Keats, Percy Bysshe Shelley và Lord Byron.
Về bộ môn tiểu thuyết, ngoài Sir Walter Scott và một số tiểu thuyết gia loại
Gothic hạng trung (minor Gothic novelists), còn có Jane Austen, nữ văn sĩ
thuộc trường phái lãng mạn cổ điển. Tới cuối phong trào là ba chị em văn sĩ
Nhà Bronte với các tác phẩm "Kiều Giang" (Jane Eyre), "Villette" và "Đỉnh Gió
Hú".
1/ Cuộc đời của 3 chị em Nhà Bronte.
Vào ngày 17 tháng 3 năm 1777, tức là ngày Thánh Patrick, ông bà Hugh và
Eleanor Brunty đã có người con trai đầu lòng trong số 10 người con, được đặt
tên là Patrick, chào đời trong làng Emdale, hạt Down, thuộc vùng Bắc Ái Nhĩ
Lan. Ông Hugh Brunty là một nông dân vô học, nguồn gốc có lẽ từ xứ Tô Cách
Lan, theo đạo Tin Lành. Bà vợ Eleanor, đôi khi được gọi bằng tên Alice, gốc
miền Nam Ái Nhĩ Lan và có lẽ theo đạo Cơ Đốc (Catholic).
|
Mục sư Patrick Bronte (1777-1861)
|
Patrick Brunty là một thanh niên cao, tóc đen, mắt xanh, có tâm hồn cương
quyết, đã tự học nhờ ba hay bốn cuốn sách mà cha mẹ mang về, rồi theo nghề thợ
rèn, thợ dệt. Năm 16 tuổi, Patrick đã được mục sư Thomas Tighe mời dạy kèm cho
hai đứa con nhỏ rồi do sự giúp đỡ về tài chính của vị mục sư này, Patrick đã
theo bậc đại học. Năm 1802 vào tuổi 25, Patrick Brunty vào Đại Học St. John's,
Cambridge, với tư cách một sinh viên nhận trợ cấp tài chính vì lợi tức thấp.
Không rõ có phải vì giọng nói Ái Nhĩ Lan của Patrick hay vì sự nhần lẫn nào
khác của phòng ghi danh, hay do Đô Đốc lừng danh Lord Nelson, nên tên của
Patrick được ghi là Hầu Tước Bronte (Duke of Bronte) vào năm 1799, họ của
Patrick đã đổi từ Brunty sang Branty, rồi Bronte.
Ông Patrick Bronte đã tốt nghiệp đại
học vào năm 1806, được phong chức mục sư và đi rao giảng tại các địa hạt
Wethersfield (Essex), Wellington (Shropshire) và cuối cùng dọn về West Riding
của vùng Yorkshire. Năm 1809, ông Patrick Bronte làm mục sư tại làng Hartshead
rồi lập gia đình với cô Maria Branwell vào tháng 12 năm 1812.
Ông Patrick Bronte là một người sùng
đạo, hay nói, hơi khác thường, một nhà thuyết giảng giỏi và cũng là tác giả
của hai tập thơ với tên là Cottage Poems, xuất bản năm 1811 và The Rural
Minstrel, 1813, hai tiểu truyện, ba tập sách mỏng và hai bài giảng với nhiều
bài báo và bài thơ đăng trên tờ báo địa phương. Tác phẩm cuối cùng của ông
Patrick là cuốn "The Maid of Killarney", xuất bản tại thành phố London
vào năm 1818. Bà Maria Branwell cũng là một người có học, đã viết bài bình
luận về tôn giáo. Các hoạt động văn học của ông bà Bronte tuy không thành công
nhưng đã ảnh hưởng tới thế hệ sau.
Vào thời gian ông bà Bronte cư ngụ tại
làng Hartshead, hai người con gái chào đời tên là Maria sinh năm 1813 và
Elizabeth sinh năm 1815. Tới khi đổi sang làng Thornton, gia đình này lại có
thêm bốn người con nữa: Charlotte sinh năm 1816, Patrick Branwell là con trai
duy nhất, sinh năm 1817, Emily năm 1818 và Anne năm 1820. Vào năm sau này, mục
sư Patrick Bronte di chuyển tới làng Haworth rồi vào mùa thu năm sau, bà Maria
đã qua đời vì bệnh ung thư. Người em gái của bà Maria là cô Elizabeth
Branwell, tới chăm sóc 6 đứa trẻ mồ côi. Cô Elizabeth này là một người đàn bà
thông minh, có học, giỏi về may vá nhưng lại là một con người thiếu tình cảm.
Các đứa trẻ trong nhà không hề yêu mến bà dì Elizabeth.
Từ ngày bà Maria Bronte qua đời, làng
Haworth trở thành nơi cư ngụ vĩnh viễn của gia đình này. Đây là ngôi làng hẻo
lánh gần rặng núi Pennine, muốn đi tới thành phố gần nhất là Keighley, người
dân làng phải đi bộ, còn kẻ có tiền thì đi ngựa. Ngôi nhà của mục sư Patrick
tọa lạc gần cánh đồng hoang, từ tháng 8 hay tháng 9, gió lạnh thổi tới, bầu
trời u ám. Trời mưa thường xuyên, sương lạnh bao phủ khắp nơi rồi tuyết trắng
khiến cho kẻ lữ hành khó nhận ra những nơi quen thuộc.
Người dân miền Haworth này thô sơ, thực tế, bướng bỉnh, ít nói và cứng dắn tới
độ tàn nhẫn. Đặc điểm của họ là
"nghe tất cả, nhìn tất cả và không nói gì; ăn tất cả, uống tất cả mà không
trả gì và nếu có ai làm việc gì mà không được trả công, thì chỉ làm cho
chính mình". Đây là những người của miền đồng hoang (moors), một giải đất toàn sỏi đá,
và bốn mùa khắc nghiệt của nơi này đã ảnh hưởng tới tâm hồn của chị em gia
đình Bronte, đặc biệt tới Emily Bronte. Các chị em nhà Bronte đã vui sống
trong cảnh trí này, đã tìm thấy trong cảnh cô đơn, lạnh lẽo, nhiều điều thú
vị.
Vào năm 1824, bốn người con gái lớn của
gia đình Bronte được gửi tới trường Cowan Bridge tại Casterton, đây là trường
học dành cho các con gái của giới tu sĩ nghèo. Điều kiện sinh sống và lối giáo
dục của ngôi trường nội trú này rất khắc khổ khiến cho Maria 12 tuổi và
Elizabeth 11 tuổi đã qua đời, với Charlotte gần kề cõi chết. Những đứa trẻ này
đều mảnh mai, yếu đuối, làm sao chịu được cảnh sống khổ hạnh. Sau đó ông
Patrick đành phải mang hai đứa con là Charlotte và Emily về nhà.
Sau một chuyến đi tới thành phố Leeds, một hôm mục sư Bronte đã trở về với một
món quà dành cho các con, đó là một hộp đồ chơi gồm 12 người lính bằng gỗ và
ông Patrick đâu có ngờ món quà nhỏ mọn này đã ảnh hưởng lớn lao tới lịch sử
của Nền Văn Học Anh. Bộ đồ chơi đã gây cảm hứng, gợi trí tưởng tượng của các
đứa trẻ thuộc gia đình Bronte: bốn chị em bèn tạo dựng nên hai vương quốc hư
cấu là Angria và Gondal. Charlotte và Branwell từ nay trở thành hai sử gia của
triều đại vương quốc Angria, còn Emily và Anne sáng tác ra Gondal, một vương
quốc bí ẩn, ở phía bắc của nước Anh và vài bài thơ hay nhất của Emily Bronte
được phối hợp với câu chuyện.
Sau đó vào tuổi 15, Charlotte được gửi tới ngôi trường hẻo lánh tại Roe Head,
rồi sau thời gian huấn luyện Charlotte trở về quê để dạy kèm hai em nhỏ. Năm
1835, Charlotte trở lại Roe Head, mang theo Emily và Anne. Nhưng Emily rất nhớ
gia đình và không thể sống xa ngôi nhà thân yêu, xa cánh đồng hoang quen
thuộc, nên đã trở về Haworth. Rồi do tìm cách giúp đỡ gia đình, Emily và
Charlotte qua thành phố Brussels, xứ Hòa Lan, để học hỏi về tiếng Pháp, tiếng
Đức và âm nhạc, hai chị em cư ngụ trong ký túc xá Heger trong 8 tháng, từ năm
1842 tới 1843.
Vào năm 1845, cả ba cô gái nhà Bronte lại đoàn tụ tại Haworth, vào lúc này
người dì đã qua đời và cậu em trai Branwell trở nên tàn tạ vì nghiện rượu và
hút thuốc. Emily bây giờ là một thiếu nữ cao nhưng gầy gò, sắc da xanh xao, có
đôi mắt màu hạt dẻ, tóc dài và đen, miệng rộng với dáng vẻ của một đứa con
trai hơn là điệu bộ thùy mị của một người con gái. Emily thường hay chống lại
các ý tưởng tôn giáo, ít khi đi lễ nhà thờ, một phần do quen cách phản đối
người dì nghiêm khắc, và lúc rảnh rỗi hay làm một số bài thơ một cách kín đáo.
Nhưng rồi vào một ngày trong năm 1845, Charlotte đã khám phá thấy vài bài thơ
xuất sắc của người em gái, như bài "Hồi Tưởng" (Remembrance), bài "Các Giòng Cuối" (Last Lines)… và sự thật là cả ba chị em đều đã làm thơ và hiện có đủ số
bài thơ để xuất bản thành một tập.
Do e ngại thành kiến của người đương thời đối với phụ nữ viết văn, làm thơ,
chị em nhà Bronte đã chung tiền, góp sức vào việc cho chào đời tập thơ có tên
là "Thơ của Currer, Ellis và Acton Bell". Thực ra đây là ba tên của
Charlotte, Emily và Anne. Ba chị em này chỉ bán được hai ấn bản. Trước thất
bại ban đầu, các nhà thơ trẻ đã quay sang việc viết tiểu thuyết: Emily viết
truyện "Đỉnh Gió Hú", Charlotte bắt đầu truyện "Kiều Giang"
(Jane Eyre) còn "Agnes Grey" là truyện của Anne Bronte. Khác với các
nhà văn Gothic đương thời, thường tạo ra các cốt truyện rùng rợn, hồi hộp,
Emily Bronte đã dùng khung cảnh thiên nhiên của miền Yorkshire cằn cỗi với các
đầm lầy hoang vu. Các nhân vật trong truyện của Emily được mô tả sát với thực
tế, họ có các thói xấu, các đức tính tốt, đã yêu và ghét với cường độ thường
thấy ở nhiều người.
Năm 1847, cuốn truyện "Kiều Giang" được xuất bản và được nhiều người
cho là hay và tìm đọc nên cũng vào năm này, xuất hiện thêm cuốn "Đỉnh Gió Hú" và "Agnes Grey", in ấn do một nhà xuất bản khác với tên tác giả là
Currer, Ellis và Acton Bell, giống như các tập thơ trước kia. "Đỉnh Gió Hú" đã ra đời mà không được nhiều độc giả chú ý. Một số người đọc tác phẩm này
và thấy rằng cuốn truyện có các nhân vật với tính tàn nhẫn, hung bạo, khác hẳn
với các tiểu thuyết lãng mạn đương thời. Họ không ưa lối mô tả hiện thực của
Emily Bronte, không ưa thứ anh hùng mới, mang tính chất của quỷ Sa Tăng
(Satanic hero) như nhân vật Heathcliff trong truyện. Trước các tên giả, vài
nhà phê bình văn học cho rằng ba cuốn truyện kể trên đều do một người sáng
tác.
Năm 1848, Branwell, Emily và Anne Bronte cùng qua đời. Emily không biết rằng
chính mình sẽ trở thành một nhà văn danh tiếng sau này, và vì độc giả thời đó
chưa biết rõ về tác giả thực sự của các cuốn tiểu thuyết cho tới khi cuốn
truyện "Đỉnh Gió Hú" được tái bản vào năm 1850, khi đó Charlotte Bronte
viết bài "Thông báo về tiểu sử của Ellis và Acton Bell" (Biographical
Notice of Ellis and Acton Bell), và bài này được dùng như bài điếu văn dành
cho tác giả của tác phẩm lừng danh "Đỉnh Gió Hú".
2/ Charlotte Bronte (21/4/1816 – 31/3/1855).
Charlotte là chị lớn nhất trong ba chị em viết văn và các sáng tác của ba chị
em Nhà Bronte này đã là các cuốn tiểu thuyết tiêu chuẩn của nền Văn Chương
Anh.
|
Chalotte Bronte vẽ bởi by George Richmond (1850)
|
Charlotte Bronte sinh tại Thornton, miền Yorkshire nước Anh, là người thứ ba
trong sáu người con của ông bà Patrick Bronte. Vào tháng 4/1820, gia đình này
dọn nhà tới Haworth, cách nơi ở cũ vài dặm đường. Tới tháng 8/1824, Charlotte
cùng với hai chị Maria và Elizabeth và em Emily được gửi tới trường học dành
cho con gái của các mục sư tại Cowan Bridge trong miền Lancashire nhưng vì
hoàn cảnh sinh sống nghèo nàn của trường đã khiến cho 2 người chị của
Charlotte là Maria và Elizabeth qua đời vào năm 1825, vì vậy Charlotte và
Emily được đưa về nhà tại Haworth.
Tại gia đình, các chị em còn lại này đã tưởng tưởng ra các thế giới ảo là
Angria và Gondal. Trong hai năm từ 1831 tới 1832, Charlotte đã theo học tại
trường Roe Head ở Mirfield, rồi qua năm sau, đã viết xong dưới bút hiệu
Wellesley cuốn tiểu thuyết ngắn (novella) có tên là “Người Lùn màu lục”
(The Green Dwarf, 1933).
Charlotte trở lại trường học kể trên, làm giáo viên từ năm 1835 tới năm 1838
rồi qua năm 1839, cô giáo trẻ này làm gia sư cho nhiều gia đình tại Yorkshire,
cho tới năm 1841. Vào năm 1842, Charlotte cùng Emily đã du lịch qua thành phố
Brussels, ở nội trú trong ngôi trường của ông bà Constantin Heger. Để có tiền
ăn và ở, Charlotte đã dạy tiếng Anh còn Emily dạy âm nhạc. Thời gian sinh sống
tại nơi này không kéo dài được lâu vì bà dì Elizabeth Branwell qua đời vào
tháng 10/1842.
Qua tháng 1/ 1843, chỉ một mình
Charlotte trở lại Brussels để dạy học tại trường nội trú nhưng vào thời gian
này, cô không được hạnh phúc, thường bị cô đơn, nhớ nhà và đây là lúc
Charlotte khởi sự viết hai cuốn tiểu thuyết “Giáo Sư” (The Professor)
và “Villette”.
Charlotte trở lại Haworth vào tháng
1/1844 rồi qua tháng 5/1846, ba chị em Charlotte, Emily và Anne cùng xuất bản
một tập thơ với tên nam giới là Currer, Ellis và Acton Bell. Bằng tên “Currer Bell”, Charlotte đã cho xuất bản hai cuốn tiểu thuyết đầu tiên trong đó cuốn “Kiều Giang” (Jane Eyre), được phổ biến vào năm 1847.
|
Branwell Bronte tranh tự hoạ
|
Sang năm 1848, người em trai Branwell của gia đình này đã qua đời, có lẽ vì
bệnh phổi rồi Emily chết vào tháng 12/1848 và Anne chết vào tháng 5/1849. Như
vậy gia đình Bronte chỉ còn lại người cha già và Charlotte. Vào thời gian này,
cuốn tiểu thuyết
“Kiều Giang” đã nổi tiếng và nhà xuất bản đã yêu cầu
Charlotte tới thành phố London.
Tới tháng 6/1854, Charlotte kết hôn với
ông Arthur Bell Nicholls, ông mục sư phó, nhưng không lâu sau đó, sức khỏe của
Charlotte đột nhiên suy giảm và nhà văn nữ Charlotte cùng đứa bé chưa sinh, đã
qua đời vào ngày 31/3/1855 cũng vì bệnh phổi.
Các tác phẩm của Charlotte Bronte gồm:
- Kiều Giang (Jane Eyre, xuất bản 1847),
- Shirley (xuất bản 1849),
- Villette (xuất bản 1853),
- Giáo Sư (The Professor, xuất bản 1857, sau khi tác giả đã qua đời).
3/ Emily Jane Bronte (30/7/1818 – 19/12/1848).
|
Emily Bronte |
Emily Bronte là nhà thơ, nhà văn viết tiểu thuyết người Anh, với bút hiệu nam
giới là Ellis Bell, rất nổi tiếng vì tác phẩm “
Đỉnh Gió Hú” (Wuthering
Heights). Emily là em gái của Charlotte và là chị của Anne.
Emily sinh tại Thornton trong miền
Yorkshire, là người con thứ năm của gia đình Bronte. Vào năm 1842, Emily là
gia sư cho gia đình cô Patchell, ở gần Halifax, nhưng 6 tháng sau vì nhớ nhà,
Emily đã thôi dạy học và cùng với chị Charlotte qua thành phố Brussels.
Emily là người có tài làm thơ, nên được
gia đình khuyến khích và ba chị em nhà Bronte này đã cùng nhau xuất bản một
tập thơ vào năm 1848, có tên là “Thơ của Currer, Ellis và Acton Bell”.
Họ đã phải dùng ba tên nam giới để tránh các thành kiến đối với phụ nữ.
Charlotte là Currer, Emily là Ellis còn Anne là Acton Bell.
Vào năm 1847, Emily cho xuất bản cuốn
“Đỉnh Gió Hú” (Wuthering Heights), đây là cuốn tiểu thuyết duy nhất của
tác giả. Emily Bronte qua đời vào ngày 19/12/1848, vì bệnh phổi.
3/ Anne Bronte (17/1/1820 – 28/5/1849).
|
Anne Bronte phác hoạ bởi người chị Charlotte
khoảng năm 1834 |
Anne Bronte là nhà văn và nhà thơ trẻ nhất của gia đình Bronte. Anne cũng chào
đời tại làng Thornton, là người con út. Cô được đi học tại trường ở Roe Head,
Mirfield. Từ năm 1839 tới năm 1845, Anne làm nghề gia sư (governess) nhưng
trong lúc rảnh rỗi, đã cùng các chị tập làm thơ và viết truyện. Một năm sau
khi tập thơ chung được in ấn năm 1848, Anne Bronte bắt đầu viết cuốn tiểu
thuyết đầu tiên Agnes Grey và cuốn này được xuất bản cùng một tháng với tác
phẩm “
Kiều Giang”, và được đóng thành tập 3 cuốn, cùng với tác phẩm “
Đỉnh Gió
Hú” (2 tập).
Cuốn tiểu thuyết thứ hai và cũng là cuốn chót của Anne Bronte, có tên là
“Người Tá Điền của Wildfell Hall” (The Tenant of Wildfell Hall) được xuất bản
vào năm 1848 sau khi anh trai Brandwell và chị gái Emily qua đời cũng vào năm
1848.
Anne Bronte chết vì bệnh phổi vào ngày 28/5/1849 tại khu vực bờ biển
Scarborough, nước Anh, và được chôn cất trong nghĩa trang của nhà thờ Saint
Mary.
4/ Cốt truyện của tác phẩm "Đỉnh Gió Hú".
Lockwood là người tá điền mới của miền
Thrushcross Grange, khi đến thăm ông địa chủ Heathcliff, đã thấy mình bị đối
xử tàn tệ bởi chính ông chủ, các người làm công và bị cả chó sua đuổi. Ông
Heathcliff có vẻ là một nhân vật đầy tương phản. Ông ta có làn da ngăm ngăm
đen, đẹp trai, chải chuốt, có dáng điệu của một công tử nhà quê. Tên căn nhà
của ông địa chủ này là "Đỉnh Gió Hú", một danh từ đủ sức mô tả sự khắc nghiệt
về thời tiết của địa phương. Khi đi thăm ông địa chủ lần thứ hai, Lockwood bất
đắc dĩ phải ngủ lại trong căn nhà của nông trại đó và nhờ vậy, được gặp mặt
người con dâu góa chồng của ông địa chủ, bà này có vẻ nhìn đầy khinh người và
ác cảm. Khi ngồi gần cửa sổ đêm hôm đó, Lockwood bất ngờ gặp một cuốn nhật ký,
ghi lại các cách đối xử tàn nhẫn của Hindley đối với Heathcliff.
Heathcliff là tên của một đứa trẻ bơ
vơ, do ông Earnshaw mang về nhà từ thành phố Liverpool. Earnshaw là một nông
dân cục mịch của miền Yorkshire và là chủ nhân của căn nhà "Đỉnh Gió Hú".
Heathcliff được nuôi dạy cùng với hai người con của gia đình Earnshaw là
Catherine và Hindley. Catherine yêu Heathcliff nhưng Hindley lại căm thù đứa
con nuôi đó vì là người đã chiếm được tình thương yêu của cha. Sau khi ông bà
Earnshaw qua đời, Hindley đã hành hạ Heathcliff một cách tàn nhẫn và
Heathcliff đem lòng căm hận từ lúc này.
Mặc dù vẫn còn yêu Heathcliff,
Catherine ngả sang yêu Edgar Linton, một chàng công tử sống tại Thrushcross
Grange, trong thung lũng, rồi về sau lập gia đình với anh chàng Edgar này. Đây
cũng là lúc Heathcliff rời Đỉnh Gió Hú, ra đi. Sau khi đã trở thành giàu có,
Heathcliff quay về nơi cũ và đã khiến cho Edgar ghen tuông, nhất là khi
Catherine và Heathcliff trở lại yêu thương nhau. Catherine sinh với Edgar một
đứa con gái, đặt tên là Cathy rồi qua đời. Tới lúc này Heathcliff quyết định
báo thù Hindley Earnshaw và Edgar Linton. Heathcliff lập gia đình với người em
gái của Edgar là Isabella rồi chiếm hết tài sản của Hindley, khiến cho Hindley
trở thành một gã nghiện ngập và cờ bạc, đồng thời đứa con trai Hareton của
Hindley cũng lâm cảnh bần cùng. Isabella có một đứa con trai rất yếu đuối, đặt
tên là Linton. Sau khi Isabella qua đời, Heathcliff muốn Linton lấy Cathy
nhưng dự tính này đã thất bại, Linton chết non nên Cathy đã yêu và lập gia
đình với Hareton.
5/ Nhận xét về Tác Phẩm “Đỉnh Gió Hú”.
Chủ đề chính của cuốn truyện “Đỉnh Gió
Hú" là sự báo thù, dù cho vào chương cuối, Heathcliff đã bỏ kế hoạch trả thù.
Cuốn truyện đã mô tả các tội lỗi của mọi nhân vật và tất cả đều bị trừng phạt,
ngoại trừ Catherine và Hareton bởi vì trong cuộc đời, hai người này đã tìm
cách làm điều lành, tránh điều dữ. "Đỉnh Gió Hú" trình bày sự tương phản giữa
điều tốt và điều xấu, như tình yêu và sự thù hận. Catherine đã có cảm tình với
Edgar nhưng tình cảm này nông cạn, bề ngoài, trong khi mối tình sâu đậm hơn,
thuộc loại tinh thần đã được giành cho Heathcliff. Vì đi ngược với thực tâm,
đã lập gia đình với Edgar, Catherine đã gặp các xáo trộn và biết rằng chỉ khi
về cõi chết thì Catherine mới được đoàn tụ với Heathcliff, trong khi đó
Heathcliff tìm cách trả thù, và lòng căm hận của Heathcliff đã cạn dần tới lúc
cảm thấy thương yêu người con của kẻ thù khi trước. Mọi tình cảm như lòng tham
vọng, ghen ghét, căm hờn đều mất dần, chỉ có tình yêu thương (love) là trường
cửu và tình yêu đã chinh phục được tất cả.
Một sự tương phản nữa trong cuốn
truyện là cảnh bão tố đối với cảnh thanh bình. Đây là hai cực trong cuộc đời.
Đỉnh Gió Hú là địa điểm trên đồi, thường gặp các cơn giông tố trong khi
Thrushcross Grange là khu nhà yên lành, được chăm sóc, với kiểu nhà và đồ đạc
theo kiểu cách, với các người cư ngụ dịu dàng hơn, nhậy cảm hơn với tình
thương.
Không rõ Emily Bronte viết ra cuốn truyện "Đỉnh Gió Hú" với chủ đích
gì nhưng có vẻ như tác giả muốn trình bày hai điều: tất cả các cố gắng của
người đời trên trái đất này đều không đưa tới đâu, và chỉ khi nào con người
qua đời, về với Thượng Đế Tối Cao, con người mới thấy rằng điều tốt lành có
sức mạnh hơn điều ác.
"Đỉnh Gió Hú" xuất hiện trên Văn Đàn nước Anh một thập niên sau khi Nữ Hoàng
Victoria lên ngôi, nhưng cuốn tiểu thuyết này không thuộc về Thời Đại Victoria
mà được xếp cùng thời với các nhà thơ lãng mạn danh tiếng, có giá trị ngang
hàng với tác phẩm kịch "Vua Lear" của Shakespeare.
Nữ Văn Sĩ Emily Bronte đã xếp đặt một cách hoàn hảo các tình cảm đầy xúc động
của các nhân vật và giải quyết câu chuyện thành công một cách rực rỡ. Kỹ năng
xuất sắc về phương pháp thuật truyện bằng cách kể lại câu truyện do một số
người khác nhau, đã đi trước thời gian, đi trước các tiểu thuyết của Henry
James và Joseph Conrad, và về sau chỉ có tác phẩm "Gatsby Anh Hùng” (The Great
Gatsby) của F. Scott Fitzgerald mới thể hiện được thứ kỹ năng tương đương.
Phạm Văn Tuấn
Tài liệu tham khảo: Wikipedia.org.; Britannica Encyclopedia.
https://en.wikipedia.org/wiki/Bront%C3%AB_family
Post a Comment