Header Ads

Thư Viết Từ KBC 4506


Lê Tấn Dương

Đêm nay sương lạnh mờ Hậu Nghĩa
Cũng một màu sương của đất trời
Theo quân di tản, lòng tan nát
Hẹn một ngày về Hậu Nghĩa ơi!

Ph. thân yêu,

Mặc dù chúng ta đã xa nhau ngàn trùng kể từ lần cuối em lên thăm anh ngày 20/4/1975, mười ngày trước khi miền Nam bị cộng sản xâm chiếm. Gần hai tháng sau đó, anh bắt đầu biền biệt trong các trại tù cộng sản và em thì biệt xứ mãi tận trời xa. Chúng ta chưa một lần gặp lại kể từ ngày ấy. Mong rằng ở một phương trời xa xôi nào đó, em sẽ không buồn trách nếu có dịp phải đọc lại những kỷ niệm cũ anh đang viết. Xin em cho anh được gọi lại tên em một lần như những ngày xưa cũ. 

Không biết em có còn nhớ hay đã quên. Sau hơn một năm dưỡng thương ở Tổng Y viện Cộng Hòa, anh rời chiến trường, trở lại ngành và về Đại Đội CTCT Tiểu Khu Hậu Nghĩa cho đến ngày mất miền Nam 1975. Những ngày cuối tháng 4, lãnh thổ miền Nam thân yêu mỗi ngày một co cụm dần trước sự tấn công hung hãn của cộng sản miền Bắc. Đồng minh Hoa Kỳ không hiểu đã đi đêm như thế nào trong ván cờ chính trị với cộng sản quốc tế, đã đơn phương rút quân ra khỏi miền Nam và cắt toàn bộ viện trợ dân sự lẫn quân sự vốn dành cho chính quyền Việt Nam Cộng Hòa. Sự phủi tay của chính phủ Hoa Kỳ đã làm cho chính quyền và quân đội miền Nam dần dần bị thất thế trước cộng sản phương Bắc. Thủ Đô Sàigòn nóng như cận kề cơn bão lửa. Tin tức thất lợi về quân sự dồn dập đến với mọi người từng giờ, qua tin tức truyền thông ngoại quốc vả truyền hình trong nước. 

Buổi trưa, dưới cái nắng như thiêu đốt của đất trời Hậu Nghĩa, anh đang cùng anh em trong đơn vị sửa sang hệ thống phòng thủ thì nghe người lính thân cận báo tin có em lên thăm. Mừng vui nhưng kinh ngạc, lo âu và thắc mắc. Đó là tâm trạng của anh lúc ấy. Anh ngạc nhiên hỏi em, đường đi rất nguy hiểm sao em lên mà không báo trước. Em trả lời. Em nghe Ba nói Sài Gòn có thể sắp mất, cả nhà chuẩn bị rời đất nước để sang Hoa Kỳ trong vài ngày tới. Nghĩ đến anh, em lo quá nên nói dối Ba Mẹ sang chơi nhà bạn rồi thuê xe lên đây. Chỉ có mình anh Khánh biết là em đi lên tìm anh. Em muốn anh về với em hôm nay để cùng đi với gia đình. Em không muốn xa anh, cũng không muốn đi một mình nếu không có anh. Mà nếu trốn Ba Mẹ để ở lại với anh thì em cũng không đành lòng. Nhất là Mẹ em mấy tuần nay không được khoẻ, Mẹ đang cần em săn sóc.  Anh nói đi, em biết làm sao bây giờ. 

Ph. ơi ! Anh nhớ lúc đó, anh chỉ biết thở dài, đánh trống lãng và tìm cách an ủi em mà thôi. Anh biết em lo lắng cho anh nên em mới liều lĩnh lên đây, bất chấp những nguy hiểm dọc đường. Nhưng em biết không? Những chuyện em kể càng làm anh thêm phân vân và khó xử vô cùng. Cho đến hôm nay, chuyện đã qua hơn ba mươi năm. Chúng ta đủ tỉnh táo để nhìn lại dòng trôi của lịch sử và việc chúng ta làm. Nếu như bây giờ có người hỏi anh, giả sử cho anh quay lại sống với quá khứ hơn ba mươi năm về trước, anh có ước muốn gì.? Anh sẽ trả lời ngay không một chút đắn đo, không một chút suy nghĩ. Anh vẫn muốn làm người lính trận của năm xưa. Thế thôi. Rất đơn giản. Người khác có thể trả lời cách khác tùy theo nhận định và cảm tính của mỗi người. Nhưng anh thì chỉ đơn giản có vậy.

Cuối tháng tư, Hậu Nghĩa nắng nóng như thiêu đốt vạn vật. Nhìn đồng đội đang nhể nhại mồ hôi ôm từng bao cát chất thêm cho chắc các lô cốt phòng thủ. Anh thương em, anh thương đồng đội và thương từng tấc đất miền Nam đang bị đối phương cấu xé, giành giật từng ngày. Làm sao anh có thể bỏ đồng đội, làm sao anh có thể bỏ anh em giữa lúc tình thế nghiêng ngã như thế nầy để tìm sự an toàn cho riêng mình. Bởi vì cho đến giờ phút ấy, họ vẫn tin tưởng vào anh, trông chờ vào anh và chưa một người lính nào bỏ đơn vị, ngoại trừ những anh em đang nhận sự vụ lệnh đi công tác chưa về. Anh thương em nhưng không thể bỏ đồng đội, bỏ đơn vị được Phượng ơi. Anh không thể sống hèn và tự làm hoen ố màu áo trận mà anh đã thề nguyện dưới cờ. Mất em là điều anh chưa từng nghĩ đến bao giờ. Nhưng nếu mất nước thì đó là điều bất hạnh lớn nhất của cả một dân tộc. Một dân tộc có lịch sử chống ngoại xâm bền bỉ và ngoan cường. Nhất là với giới sĩ phu, một khi mất nước thì còn gì để nói, còn gì để biện minh cho thất bại.

Thực sự anh chưa xứng tầm với ý nghĩa đích thực của hai tiếng sĩ phu, nhưng ít nhất anh cũng là một sĩ quan hiện dịch được đào luyện nhiều năm trong Trường Đại học CTCT Đà Lạt của chính quyền Quốc gia thì làm sao anh dám nghĩ đến việc bỏ đơn vị, bỏ anh em. Nếu thương anh, em hãy cầu nguyện cho đất nước được bình yên. Em nên đi cùng gia đình để săn sóc cho Bác gái. Anh sẽ luôn cầu nguyện cho em an lành, may mắn và bình yên. Nếu duyên phận chúng ta còn gắn bó với nhau thì chúng ta sẽ còn gặp lại nhau dù bất cứ nơi đâu. Đừng khóc em ạ, mấy chú lính đang nhìn chúng ta kìa.

Suốt một tuần, sau ngày em về. Cả tỉnh lỵ Khiêm Cương oằn mình chịu pháo dưới áp lực bao vây ngày càng nặng nề của địch quân. Đại đội CTCT của anh đóng ở trại Phạm Như Ấn nằm sát ngã tư chính của tỉnh lỵ Hậu Nghĩa trên tỉnh lộ số 8 dẫn về Củ Chi cũng chịu chung số phận. Ngày 23/4 anh nhận được tin từ một người bạn ở Trung tâm hành quân báo qua điện thoại là Tiểu đoàn 2/46 thuộc SĐ25/BB cùng với Chi đoàn Chiến Xa 3/10 được Quân Đoàn tăng phái để bảo vệ vành đai Bộ Chỉ Huy Tiểu Khu Hậu Nghĩa. Anh rất mừng vì sắp gặp lại bạn cũ cùng khoá Phạm Đức Thắng sau nhiều năm xa cách. Tiểu Đoàn 2/46/SĐ25 được tăng phái cho Hậu Nghĩa với trách nhiệm án ngữ vành đai phía Đông Bắc BCH/Tiểu Khu, trong đó có Đại Đội 3 của Phạm Đức Thắng cùng với các Đơn vị ĐPQ cấp Tiểu Đoàn và Đại Đội Trinh sát là Đơn vị đầu tiên của anh lúc mới ra trường.

Từ ngày rời quân trường Đà Lạt, anh và Thắng chưa gặp lại bao giờ. Chỉ nghe các bạn nói, Thắng cũng về SĐ25/BB nhưng mỗi đứa một Tiểu đoàn khác nhau nên thỉnh thoảng mới gặp lại nhau. Thắng đã xin xuất ngành, nhận ám số chuyên nghiệp 240 và nắm Đaị đội trưởng tác chiến từ lâu. Lần nầy nghe tin đơn vị Thắng về tăng phái cho Hậu Nghĩa, anh rất vui và háo hức chờ bạn. Tuy thế, anh và Thắng chỉ liên lạc được vài lần qua điện thoại mà chưa gặp mặt nhau để uống cà phê như lời hẹn vì sáng 25/4/1975, kho đạn chính của Tiểu Khu đặt trong căn cứ Phạm Như Ấn, là nơi đồn trú của đơn vi anh, bị pháo địch đánh trúng, nổ tung suốt hai ngày đêm. Các loại đạn dược nổ văng loạn xạ trong căn cứ, phá hủy khu gia binh, đánh sập 2 lô cốt phòng thủ của đại đội CTCT nằm phía Nam gần kho đạn. Thắng nghe tin, gọi anh nhiều lần qua điện thoại nhưng không liên lạc được vì đường điện thoại hữu tuyến bị cắt đứt sau vụ nổ. Cả hai chỉ còn biết hỏi tin tức nhau qua Trung tâm Hành quân. 

Địch gia tăng cường độ pháo kích khắp nơi và suốt ngày đêm để uy hiếp, cầm chân các đơn vị phòng ngự. Khuya 27/4 rạng ngày 28, một người bạn đang trực ở Trung Tâm Hành Quân báo tin cho anh biết là lực lượng án ngữ phia Bắc hướng ngã tư Tân Mỹ đang bị Việt cộng pháo hỏa tập nặng nề. Binh sĩ thương vong nhiều và Đại Đội Trưởng Tango của ĐĐ3/2 đơn vị tăng phái bị tử thương vì một trái hỏa tiễn của Cộng quân đánh trúng hầm chỉ huy. Anh sửng sờ cả người. Tango là tên gọi của Thắng trong liên lạc truyền tin nội bộ. Sáng 28/4, anh nghe tin, xác của Thắng được đưa tạm về Bệnh viện Tiểu Khu chờ thân nhân đến nhận. 

Cuối tháng Tư, cuộc chiến trong cơn khốc liệt một mất một còn nên Quân Đội đã không còn đủ phương tiện để đưa thi hài tử sĩ về tẩn liệm ở quê nhà theo đúng Lễ nghi Quân cách như thời gian trước được nữa. Bệnh viện nơi đang quàng thi hài Đại úy Phạm ĐứcThắng chỉ cách đơn vị anh chừng 400 mét, khoảng cách còn trong tầm nhìn mà không thể nào vượt qua hỏa lực của địch để vào thăm và chào vĩnh biệt bằng hữu lần cuối được. Trước đó mấy ngày, Việt cộng đã tràn qua căn cứ Trà Cú, uy hiếp Giang Đoàn 54 của Hải quân Thiếu Tá Nguyễn Thìn (Nhạc sĩ Trường Sa) và áp sát vành đai Hậu Nghĩa, uy hiếp các đơn vị đồn trú. Sơn pháo của địch đặt ngay sát ngã tư Bàu Trai, trục lộ huyết mạch của tỉnh lỵ Khiêm Cương và chúng bắn trực xạ vào bất kể mục tiêu nghi ngờ nào. Con lộ lúc đó là ranh giới của tử thần.

Chiến sự bùng nổ dữ dội và khốc liệt. Quân ta và việt cộng vờn nhau trong thế trận cài răng lược, ghìm nhau từng mô đất, từng căn nhà. Đến chiều 28/4, hầu như tất cả các lô cốt và công sự phòng thủ nổi trong đơn vị của anh đều bị sơn pháo trực xạ của địch đánh sập, chỉ còn lại hệ thống giao thông hào quanh trại. Mặc dầu địch chưa thể tràn ngập doanh trại vì nhiều lớp hàng rào phòng thủ được gài mìn dày đặc, nhưng tình thế lúc ấy đã trở nên vô cùng nguy hiểm. Hệ thống liên lạc điện thoại hữu tuyến đã vị cắt đứt hoàn toàn.

Sáu giờ sáng ngày 29/4, anh và Đại Úy Thịnh đang bàn thảo kế hoạch phòng thủ đơn vị trong căn hầm nhỏ xíu sát bên văn phòng BCH/ĐĐ. Tự dưng anh cảm thấy có điều gì rất kỳ lạ. Tiếng pháo địch bỗng dưng im lặng hoàn toàn, gần như ngưng hẳn. Mười lăm phút sau, Đại đội nhận lệnh từ Trung Tá TMT/TK qua hệ thống điện đàm nội bộ. Giọng nói mệt mỏi có lẽ do thức trắng nhiều đêm, ông ra lệnh cho Đại đội tiêu hủy ngay hồ sơ đơn vị, hồ sơ cá nhân và chuẩn bị nhận lệnh mới. Anh linh cảm ngay đến những cuộc hành quân di tản chiến thuật từng xảy ra mấy tuần nay từ miền Trung nên ra lệnh cho 2 trung đội Chính Huấn và Tâm Lý Chiến Dân Sự Vụ chuẩn bị chờ lệnh và sẳn sàng tác chiến. 

Sáu giờ rưỡi sáng 29/4, Trung tâm Hành Quân ra lệnh lần cuối cho các Đơn vị trực thuộc thiêu hủy toàn bộ hồ sơ đơn vị, phá nổ các hệ thống điện đài truyền tin. Các đơn vị cuối cùng còn lại tại Tiểu Khu Hậu Nghĩa nhận lệnh mở cuộc hành quân băng qua Đức Hạnh, Đức Lập để tiến về Tân Phú Trung và Hóc Môn. Đó là lệnh hành quân cuối cùng mà anh nhận được trong cuộc đời binh nghiệp. Anh dẫn Trung đội Chính huấn và một toán Dân sự vụ rút quân mà lòng quặn thắt khi nghĩ đến thân xác của người bạn cùng khóa Phạm Đức Thắng đang quàn tại Bệnh viện Tiểu khu. Không biết gia đình Thắng đã kịp hay tin để lên nhận xác đưa về Long An chôn cất hay chưa? Còn ai ở đó để chăm sóc cho thương binh và còn ai để giữ gìn thân xác tử sĩ. Ôi chiến tranh, đau đớn và tàn nhẫn.

Trên tỉnh lộ số 8 hướng về Củ Chi và BTL/SĐ25 Bộ Binh có Chi đoàn chiến xa 3/10 mở đường và yểm trợ hỏa lực. Buổi trưa, dưới ánh nắng thiêu đốt của tháng Tư, các đơn vị hành quân băng đồng, vượt Bưng Mũi Lớn, vượt kênh An Hạ để về Hóc Môn trong đêm trước khi rút quân về Sài Gòn. Tối 29/4, khi anh cập bờ Hóc Môn thì được tin toàn bộ Hóc Môn, Bà Điểm, Thành Ông Năm, Trung Chánh đã mất về phía Cộng quân. Riêng Chi Đoàn Chiến xa 3/10 do Trung Uý Đoàn Kim Bảng tạm quyền chỉ huy, đã cố đưa Chi Đoàn bẻ tắt qua Tân Thông để tránh đụng độ trực tiếp với đoàn Chiến xa T54 của Việt cộng đang vượt qua Củ Chi tiến về SG. Qua Tân Phú Trung, Chi Đoàn 3 cố vượt qua Cầu Bông trên QL 22 và kênh An Hạ để về Hóc Môn theo lệnh của BCH/Thiết Đoàn 10 nhưng không thành vì bị bao vây bởi trận địa pháo của địch ngay sát bờ kênh. Đó là một trong những trận đánh oai hùng của Thiết Kỵ Việt Nam Cộng Hòa trong ngày cuối cùng ở mặt trận Đông Bắc. Chi đoàn 3/10 Thiết Kỵ tả xung hữu đột trong vòng vây hãm của địch và bị tan rã chiều 29/4/1975

Sáng 30/4/1975, toàn bộ các đơn vị nhận lệnh tan hàng trong nước mắt tức tưởi sau lệnh ngưng bắn và lệnh bàn giao vũ khí cho đối phương của Tuớng Dương Văn Minh, Tổng Thống kiêm Tổng tư lệnh cuối cùng của Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa, phát qua hệ thống truyền thanh Quốc gia lần cuối tại Đài Phát thanh Sài Gòn. Muời ngày sau, kể từ ngày mất miền Nam. Nghĩ rằng không còn gì để mất, với một căn cước dân sự, anh trở lại Hậu Nghĩa để tìm lại cảnh cũ, người quen. Tất cả đã trở thành xa lạ. Chỉ mới mười ngày, mọi sinh hoạt của người dân đã bị đảo lộn hoàn toàn. Cuộc sống bắt đầu đi xuống một cách thê thảm. Đi ngang cầu Bông, thấy những chiến xa M41, M113 một thời oanh liệt của Thiết Đoàn 10 Kỵ Binh vẫn còn nằm rãi rác im lìm, cô đơn và buồn bã trong ruộng lúa hai bên bờ Tân Phú Trung mới thấy thấm thía nỗi đau của kẻ bại trận sau ngày tàn chinh chiến.

Mười ngày sau cuộc chiến, anh trở về chốn cũ để nhận diện một cuộc đổi đời quá sức cay đắng và ngoài sự tưởng tượng. Tà áo trắng nữ sinh vẫn thường tung tăng trên phố nhỏ mỗi sáng mỗi chiều với mắt biếc môi cười đã không còn nữa. Thay vào đó là ánh mắt ngại ngùng, sợ sệt, nghi kỵ và tiếc nhớ. Điều an ủi đầu tiên cho anh trong ngày đầu trở lại chốn cũ là nhận được tin thi hài của Thắng, người bạn cùng khóa đã được gia đình đưa về chôn cất ở quê nhà. Còn lại toàn là những tin tức đau xót bàng hoàng. Anh sửng sờ khi biết tin một số bạn bè, chiến hữu quen thân đã vĩnh viễn ra đi ngay trong ngày cuối cùng của cuộc chiến bi thương trên đất Hậu Nghĩa. Chết trong giờ thứ 25 là nỗi chết oan nghiệt và cay đắng. Bên BCH/TK có Trung Tá TMT Trần Văn Chín. Phía Đại đôi CTCT của anh có Đại Úy Thịnh và 2 Thượng sĩ thường vụ, tiếp liệu vẫn làm việc với anh hàng ngày tại trại Phạm Như Ấn bị CS bắt và bắn chết ngay trong buổi sáng 29/4. 

Cho đến bây giờ, anh vẫn còn bàng hoàng về cái chết tức tưởi của Thịnh và 2 Thượng sĩ thuộc quyền. Buổi sáng 29/4, trước khi cắt rào phòng thủ để rút quân theo lệnh BCH Tiểu Khu. Đại úy Thịnh và anh còn chia quân số Đại đội làm 2 cánh để dễ yểm trợ nhau trong lúc di tản và cũng tránh tình trạng co cụm nhằm giảm bớt thương vong nếu có đụng độ với địch. Lúc thoát ra, quay lại nhìn căn cứ lần cuối, anh vẫn còn thấy bóng Đại úy Thịnh dẫn anh em đang cắt rào phía sau khu gia binh nên vẫn đinh ninh anh ấy cũng vượt thoát bình yên.  Mười ngày sau khi mất Sài Gòn, anh trở lại Hậu Nghĩa để dò tìm tin tức anh em chiến hữu, anh mới thực sự biết tin Đại uý Thịnh cùng hai thuộc cấp bị cộng quân bắn chết. Đến tận giờ nầy, anh vẫn không hiểu anh ấy quay lại căn cứ vào lúc nào để bị cộng quân sát hại. Anh thực sự không thể nào hình dung nổi sự hoảng loạn của chị Thịnh và hai đứa con nhỏ của Thịnh khi nghe tin chồng và cha bị thảm sát trong ngày cuối cùng của cuộc chiến. Vô lý và oan nghiệt. Không, nó còn cao hơn sự vô lý và vượt trên cả sự oan nghiệt của đời người.

Còn biết bao nhiêu chiến hữu thân quen, cả bên quân đội lẫn dân sự ở 4 quận và Chi Khu trực thuộc Hậu Nghĩa đã ra đi vĩnh viễn trong ngày cuối đầy oan nghiệt đó. Nếu chết giữa chiến trường, trong lúc hai bên đang giao tranh thì đâu có gì để nói vì đó là qui luật của chiến tranh. Điều đau đớn là đa số các chiến hữu và viên chức chính quyền VNCH bị giết chết trong ngày cuối cùng của cuộc chiến là do bị du kích cộng sản địa phương và một số ít cá nhân quá khích, lợi dụng cơ hội hổn loạn vô pháp luật, đã trả thù một cách hèn hạ.

Ph. thân yêu,

Anh kể vài chi tiết có liên quan đến anh trong tuần lễ cuối cùng của tháng 4/1975 vì biết trước thế nào em cũng sẽ hỏi nếu có dịp. Và rồi em sẽ hỏi tiếp anh đã làm gì, sống như thế nào sau ngày toàn quân miền Nam tan hàng và Sài Gòn bị thất thủ trước Hà Nội. Nói thêm một chút về ông bạn nhà báo họ Đoàn ở Portland. Anh và Đoàn Kim Bảng không quen nhau trước 1975 mặc dù tuần lễ cuối của tháng tư oan nghiệt, anh và Bảng ờ hai đơn vị khác nhau nhưng chịu chung một chảo lửa Bàu Trai, Hậu Nghĩa. Sau ngày anh qua Hoa Kỳ theo diện HO, lại biết nhau trong những lần anh từ Seattle về Thành phố Portland tham dự các dịp lễ ở đó. Hơn nữa, mấy năm trước, thỉnh thoảng anh cũng có viết bài cho tờ Thời Báo Oregon qua sự giới thiệu của người bạn thơ quê quán Hậu Nghĩa là thi sĩ Hàn Thiên Lương (Cựu Đốc sự Quốc Gia Hành Chánh) trong thời gian Đoàn Kim Bảng làm Chủ Bút. Vả lại, anh Đoàn Kim Bảng cũng từng viết bài cho Đặc San Hậu Nghĩa nên tụi anh lại biết nhau trong một hoàn cảnh không ai nghĩ tới bao giờ. 

Ph. ơi ! Chắc em không thể hình dung được một Sài Gòn tháng tư câm nín ra sao. Một Sài Gòn vật vã thương đau. Nước mắt Sài Gòn đã đổ như chưa bao giờ. Chỉ sau một đêm mất nước, Sài Gòn hoang tàn, lạ lẫm và thê thảm đổi đời. 

Tháng tư có kẻ âm thầm bước.
Ngõ vắng đèn vàng mưa nửa đêm. 
Con phố thân quen thành xa lạ. 
Sài Gòn ơi, em đã mất tên.


Sài Gòn yêu dấu đã mất tên, thơ anh đã nhỏ máu lệ và anh đã nhập vai một lữ hành cô đơn, nhẫn nhục trong nhiều đêm mưa giữa phố Sài Gòn. Suốt một tuần lang thang từ Bình Hòa xuống Bà Chiểu. Từ Tân Định qua Đa Kao rồi xuống Bến Thành. Mỗi bước đi trong đêm lại nghe vang vang bên tai mấy câu thơ Trần Dần hơn hai thập niên trước. Chỉ khác một điều là anh đang đi giữa lòng Sài Gòn hoang tàn “…không thấy phố, không thấy nhà. Chỉ thấy mưa sa trên màu cờ đỏ…” (Thơ Trần Dần).  Đó chỉ là một ít hình ảnh đổi thay của một Sài Gòn sau ngày mất nước. Còn biết bao đổi thay có thể một đời chưa kể hết. Một Sài Gòn của Em, của Anh một thời kỷ niệm đã vĩnh viễn mất hút theo dòng đời nghiệt ngã. Sài Gòn đã đổi đời và đã mất tên. Không có gì đau đớn và xót xa cho bằng.

Sau tháng tư đau thương và mùa Xuân oan nghiệt, cả miền Nam trở thành một nhà tù khổng lồ. Anh mừng cho em và gia đình đã thoát khỏi nhà tù khổng lồ đó. Nếu còn ở lại, tất cả chúng ta đều trở thành tù nhân của chế độ cộng sản dưới nhiều hình thức khác nhau. Trong con mắt tham lam và hận thù của những người cộng sản, tất cả người dân miền Nam đều có tội không nhiều thì ít. Họ sử dụng nhà tù để đe dọa quần chúng. Dùng độc tài chuyên chính để trấn áp tiếng nói tự do và đòi hỏi dân chủ của người dân. Họ thủ đoạn và giảo hoạt vô cùng. Hình ảnh mới của miền Nam là một bức họa khổng lồ, được vẽ bằng máu và nước mắt của toàn dân miền Nam. Anh ở tù trong các trại tập trung CS hơn sáu năm, tuy có đói khổ nhưng không có gì đặc biệt để kể lể, vì còn rất nhiều người ở tù lâu hơn anh gấp bội. Chỉ thương cho Ba anh, đã hơn 70 tuổi, thỉnh thoảng ông cụ vẫn phải vác ba lô đi thăm các con ở các trại giam tận núi rừng xa thẳm.

Tháng tư có cha gầy tóc bạc
Lặn lội thăm con khắp rừng già.
Trời có gì buồn mà mưa mãi
Giọt rớt thương đời, giọt thươngcha.

(Lê Tấn Dương)

Cuối năm 1981, anh được ra tù với một bản án đi kèm cũng thê thảm không kém. Hai năm quản chế tại địa phương. Ra tù, về lại căn nhà xưa để đau xót thấy Cha Mẹ già thêm với mái tóc bạc phơ, suốt ngày ngồi lượm bông cỏ trong mấy ký gạo quốc doanh ẩm mốc mà trước đó phải xếp hàng chầu chực cả ngày để mua bằng tem phiếu. Sau nhiều tháng lang thang dọ hỏi, cuối cùng thì anh cũng được biết ít nhiều tin tức về em. Một người quen thân trong gia đình em còn ở lại Việt Nam cho anh biết em đã lập gia đình một năm trước, sau gần 6 năm chờ đợi, dò tìm tin tức của anh trong vô vọng vì bặt vô âm tín. 

Thoạt đầu nghe tin, anh buồn lắm vì thương nhớ kỷ niệm và cuộc tình ngày tháng cũ. Nhưng nhìn cuộc sống vật vã đau thương của người dân Sài Gòn sau hơn mười năm đổi đời và nhìn sự thất thế của chính mình, anh mới thấy việc em lập gia đình là đúng và anh thật lòng cầu mong cho em hạnh phúc. Anh chỉ buồn cho riêng mình mà tuyệt nhiên không hờn trách em bao giờ. Mãi mãi anh vẫn cầu mong cho em hạnh phúc và an bình.

Anh đã về lại Sài Gòn và đã sống nhiều năm âm thầm, lặng lẽ trong chính thành phố thân quen của mình giờ đã thành xa lạ. Thành phố ấy, với anh, đã ghi dấu biết bao kỷ niệm tuổi thanh xuân. Kỷ niệm đã theo con sông buồn trôi về biển cả và rồi vĩnh viễn mình sẽ không bao giờ tìm lại được dòng nước mát của bến sông xưa. Sài Gòn những năm đầu sau ngày đổi tên đã tàn tạ trong tay những gã đồ tể. Sài Gòn sống nhọc nhằn, nhịn nhục giữa một đám chủ mới thâm độc, gian tham và đầy thói cướp giựt. Chúng được giáo dục một thứ triết lý cực đoan và phản đạo đức. Em sẽ hỏi sao anh không liên lạc với em dù em đã bao lần nhắn tin về qua địa chỉ người thân của em còn ở lại. Không, “Ta về như bóng chim qua trễ. Cho vội vàng thêm gió cuối mùa. Ai đứng trông vời mây nước đó. Ngàn năm râu tóc bạc phơ phơ” (Thơ Tô Thùy Yên) nên anh đã quên và cố tình quên. Đừng trách anh và đừng hỏi vì sao. !

Ngày xưa em là nguồn hạnh phúc của anh, bây giờ biết em có cuộc sống hạnh phúc là anh vui và mãn nguyện. Em đã sống gần 6 năm chờ đợi một người tù chưa biết khi nào trở về. Cũng không có bất cứ tin tức nào, không biết sống chết ra sao thì đã là một chịu đựng và thử thách quá lớn rồi. Nhất là giữa anh và em chưa có một sự ràng buộc nào thì chờ đợi nhau đến bạc đầu để làm gì. Khi nghe tin em có gia đình, dĩ nhiên là anh rất buồn, nhưng anh nghĩ mình càng nên sống yên lặng và kín đáo. Đừng để viên sỏi rơi vào mặt hồ tĩnh lặng vì gợn sóng sẽ làm giao động tất cả hình ảnh yên bình.  Đó cũng là lý do tại sao anh đã không liên lạc với em.

Hơn mười năm sống vật vờ trong thành phố đầy dẫy kỷ niệm tàn phai. Rồi anh cũng có gia đình riêng cho Ba Má anh yên lòng. Mấy lần vượt biên đều không thành. Lần vượt biên cuối năm 1987, anh bị bắt tại Nhà Bè, bị nhốt ở trại giam Tân Quy với bản án 2 năm tội danh vượt biên trái phép. Mấy năm sau, vận may rồi cũng đến với anh. Tháng 5/1994 anh cùng gia đình sang Hoa Kỳ theo chương trình H.O dưới sự bảo trợ của Chính phủ Hoa Kỳ.

Rồi chúng ta có gặp nhau lần nữa không em? Anh nghĩ là có, mặc dù hoàn cảnh chúng ta đã đổi thay sau ngày sụp đổ của miền Nam. Quả đất vẫn mãi tròn, phương tiện liên lạc và gặp gỡ ngày càng dễ dàng và thuận lợi, thì chuyện gặp lại nhau không phải là khó. Nhưng nhiều khi anh vẫn tự hỏi, có nên gặp nhau không và gặp nhau để làm gì? Em đã yên bề gia thất với cuộc sống gia đình hạnh phúc, yên bình. Anh cũng đã có gia đình riêng. Sau mấy năm theo đuổi chương trình Đại học ở Hoa Kỳ, anh ra trường và rồi cũng tạo dựng cho mình một cuộc sống riêng như bao người khác. Câu hỏi đã có câu trả lời nhưng sao lòng vẫn mãi phân vân. Không biết tại sao. Thôi thì cứ để mọi việc diễn tiến theo lẽ tự nhiên. Chúng ta chưa từng nghi ngờ có cuộc chia ly đẫm nước mắt mùa xuân năm nào, thì ai biết được sẽ còn một lần gặp gỡ bất ngờ trong tương lai phải không em?

Lê Tấn Dương



No comments

Powered by Blogger.