Header Ads

Tác Phẩm "Vẫn Yên Tĩnh Trên Mặt Trận Miền Tây" của Nhà Văn Erich Maria Remarque (1898 – 1970)


Phạm Văn Tuấn

Nhà văn Erich Maria Remarque đã nói trong cuốn tiểu thuyết của ông rằng sự chết không phải là một cuộc phiêu lưu (death is not an adventure) và chiến tranh đã tàn phá con người ngay cả khi nó không giết người, và cuốn tiểu thuyết của ông dùng để lột trần chiến tranh, các người có thế lực (powerful men) và các kẻ ái quốc dốt nát.

Nhà văn Erich Maria Remarque viết ra tác phẩm “Vẫn Yên Tĩnh trên Mặt Trận Miền Tây” (All Quiet on the Western Front - 1928) mở đầu cho công việc tiểu thuyết hóa chống chiến tranh. Từ trước, có rất ít các tiểu thuyết khai thác sự hung ác và tàn phá của chiến tranh theo thực tế, ngoại trừ tác phẩm “Biểu Hiệu Đỏ của Lòng Can Đảm” (A Red Badge of Courage) của Stephen Crane.

Tác phẩm “Vẫn Yên Tĩnh trên Mặt Trận Miền Tây” của Eric Maria Remarque không trình bầy tính lãng mạn cố hữu trong cách mô tả chiến tranh mà chỉ diễn tả thực trạng ảm đạm do nhiều kinh nghiệm của các người lính ngoài mặt trận.

Tác phẩm “Vẫn Yên Tĩnh trên Mặt Trận Miền Tây” với phần điện ảnh phỏng tác, cho tới ngày nay đều là các tài liệu chống lại Cuộc Thế Chiến Thứ Nhất, đặc biệt là tác phẩm này đã nói về các người lính Đức, tức là các kẻ thù của người Anh và người Mỹ trong Thế Chiến I và Thế Chiến II.

Nhà văn Eric Maria Remarque đã nói lên các kinh nghiệm thay cho các chiến binh là những người phải chịu đựng các nỗi kinh hoàng của Thế Chiến Thứ Nhất. 

Cùng với tác phẩm “Giã Từ Vũ Khí” (A Farewell to Arms, 1929) của Đại Văn Hào Ernest Hemingway, cuốn tiểu thuyết “Vẫn Yên Tĩnh trên Mặt Trận Miền Tây” là 2 tác phẩm nổi danh nhất về loại văn chương chống chiến tranh.

I/ Các chi tiết.

    • Thời gian và nơi viết của tác phẩm: cuối thập niên 1920, tại Berlin, nước Đức.
    • Năm phổ biến đầu tiên: 1928.
    • Nhà xuất bản: A.G. Ullstein tại nước Đức, Little Brown tại Hoa Kỳ.
    • Loại tác phẩm: tiểu thuyết về chiến tranh, về lịch sử và phản kháng xã hội.
    • Ngôn ngữ: tiếng Đức.
    • Bối cảnh (thời gian): thời kỳ cuối Thế Chiến Thứ Nhất 1917- 18.
    • Bối cảnh (địa điểm): mặt trận Đức/Pháp.
    • Thể của lời văn: hiện tại, đôi khi dùng thể quá khứ. Vào cuối cuốn truyện, người kể chuyện dùng thể quá khứ.
    • Giọng văn: đồng cảm, buồn thảm và không ảo tưởng.
    • Người kể chuyện: ngôi thứ nhất, ngôi thứ ba sau phần viết về cái chết của Paul.
    • Quan điểm: của Paul Baumer.
    • Nhân vật chính: Paul Baumer.
    • Kẻ bị chống đối: chiến tranh, lòng yêu nước.

II/ Các nhân vật trong truyện.

    1. Paul Baumer: là một người lính Đức trẻ tuổi, chiến đấu trong các chiến hào trong thời kỳ Thế Chiến Thứ Nhất. Paul là nhân vật chính và là người kể chuyện trong tác phẩm. Anh ta là một người tử tế, có lòng thương người và nhậy cảm, nhưng sự tàn nhẫn của chiến tranh đã khiến cho Paul xét lại các nhận thức của mình. Những cách mô tả về chiến tranh của Paul đã là các lời công kích các ý tưởng tình cảm hay lãng mạn đối với chiến tranh.

    2. Joseph Behm: là người bạn học đầu tiên của Paul bị chết trong chiến tranh. Behm đã không muốn ghi tên đi lính nhưng đã bị áp lực của ông thầy giáo Kantorek. Cảnh chết đau đớn và đáng thương của Behm đã làm mất niềm tin nơi các bạn học cũ trước nhà cầm quyền đã cố khuyên nhủ Behm tham dự vào chiến tranh.

    3. Detering: một trong các bạn thân của Paul trong Đại Đội Thứ Hai. Anh này là một người trẻ tuổi, luôn luôn nhớ tới người vợ và nông trại tại quê nhà.

    4. Gérard Duval: người lính Pháp bị Paul giết trong Miền Đất Không Người (No Man Land). Duval là một người thợ in có vợ và con ở quê nhà. Anh ta là người đầu tiên bị Paul giết chết trong trận chiến tay đôi.

    5. Hạ sĩ Himmelstoss: là một hạ sĩ quan lo công việc huấn luyện binh sĩ. Trước thời kỳ chiến tranh, anh ta là một người đưa thư. Anh ta là một con người nhỏ mọn, ham quyền lực, đã hành hạ Paul và các bạn khác trong khi huấn luyện. Sau khi trải qua các kinh nghiệm hãi hùng do chiến tranh, anh ta đã cố gắng sửa đổi tính nết đối với các người khác.

    6. Stanislaus Katezinsky: thường được gọi là Kat, là một người lính trong Đại Đội của Paul và cũng là bạn thân nhất của Paul trong Quân Đội. Vào phần đầu của cuốn truyện, Kat là một người 40 tuổi và có gia đình. Anh ta là con người có nhiều sáng kiến, luôn luôn tìm kiếm các đồ ăn, quần áo và chăn mền cho người khác.

    7. Kantorek: là một thầy giáo tự cao, dốt nát, ưa thích uy quyền. Trong trường học của Paul, Kantorek thường làm áp lực đối với Paul và các bạn học khác, đòi hỏi họ phải làm bổn phận ái quốc bằng cách ghi tên vào lính.

    8. Franz Kemnmerich: là một bạn học cùng lớp với Paul và là bạn lính trong chiến tranh. Sau khi bị thương nhẹ, Franz mắc bệnh hoại tử (grangrene) và bị cắt đi một chân. Cái chết của Kemmerich trong chương 2 đã là một hình ảnh bi thương đầu tiên của cảnh chết vô nghĩa và của cái giá rẻ mạt về đời sống trong thời kỳ chiến tranh.

    9. Kindervater: là một người lính thuộc đơn vị bên cạnh, anh ta là một con người ủy mị, giống như Tjaden.

    10. Albert Kropp: là bạn cùng lớp cũ của Paul, phục vụ trong Đại Đội Thứ Hai với Paul. Là một người trẻ thông minh, hay lý luận, anh ta ưa phân tích các lý do của chiến tranh rồi dẫn tới các tình cảm phản chiến.

    11. Leer: là một trong các bạn thân của Paul trong chiến tranh, anh ta cùng phục vụ với Paul trong Đại Đội Thứ Hai.

    12. Mittelstaedt: một trong các bạn cùng lớp của Paul, anh ta trở nên một sĩ quan huấn luyện và ưa thích hành hạ ông Kantorek, vị thầy cũ của anh ta khi ông Kantorek bị nhập ngũ.

    13. Muller: một trong các bạn học cũ của Paul, là một người trẻ thực tế, thường hỏi các bạn bè trong Đại Đội Thứ Hai các câu hỏi về các chương trình sinh sống sau chiến tranh.

    14. Tjaden: một trong các bạn của Paul trong Đại Đội Thứ Hai, là một người trẻ không biết mệt mỏi và tham ăn, anh ta rất thù hằn Hạ Sĩ Himmelstoss.

    15. Haie Westhus: là một trong các bạn của Paul trong Đại Đội Thứ Hai, anh ta là một con người to lớn, vạm vỡ, trước chiến tranh anh ta là một người đào than bùn và vẫn muốn phục vụ Quân Đội sau khi chiến tranh chấm dứt, bởi vì anh ta nhận thấy nghề đào than bùn không hấp dẫn.

III/ Cốt Truyện.

Paul Baumer là một thanh niên Đức 19 tuổi, cũng là một người lính trong Quân Đội Đức, chiến đấu trên mặt trận Pháp trong thời kỳ Thế Chiến Thứ Nhất. Paul tình nguyện gia nhập Quân Đội cùng với các bạn sau khi nghe các lời khuyến khích về lòng yêu nước của ông thầy giáo Kantorek.

Paul và các bạn phải chịu đựng 10 tuần lễ huấn luyện tàn nhẫn dưới quyền của một hạ sĩ quan nhỏ mọn và tàn ác tên là Himmelstoss. Sau này họ nhận ra rằng các lý tưởng về tinh thần quốc gia và lòng yêu nước mà đã lôi cuốn họ đầu quân, tất cả chỉ là những lời tuyên truyền trống rỗng. Họ đã không còn tin tưởng rằng chiến tranh thì rực rỡ và cao quý, và họ đã sinh sống trong các hoàn cảnh kinh sợ thường xuyên.

Đại Đội của Paul được hưởng một kỳ nghỉ phép ngắn sau 2 tuần lễ chiến đấu. Với 150 người lính lúc ban đầu, nay chỉ còn 8 người sống sót. Paul và các bạn thăm viếng Kammerich, một người bạn cùng lớp cũ mới bị cưa một chân bởi vì bệnh hoại tử (gangrene). Kammerich sau đó đã chết từ từ. Muller, một người bạn cũ, thèm muốn đôi giầy lính của Kammerich. Paul cho rằng lời yêu cầu này thì đáng cứu xét. Giống như các người lính khác, Muller có óc thực tế, cho rằng người chết không cần tới đôi giầy lính.

Do được sống sót sau trận chiến, Paul nghĩ rằng không nên quan tâm tới các tình cảm như sợ hãi, đau buồn, cảm thông... Sau đó Paul đã đến bên giường bệnh của Kammerich. Kammerich yêu cầu Paul mang đôi giầy lính cho Muller. Paul đi tìm kiếm một bác sĩ rồi khi trở lại thì Kammerich đã chết.

Một nhóm lính mới đến doanh trại để bổ sung cho Đại Đội. Bạn của Paul là Kat đã nấu thịt bò với đậu cho mọi người, điều này làm cho tất cả vui mừng. Kat nói rằng nếu tất cả mọi người trong Quân Đội, kể cả các sĩ quan, đều được trả lương giống nhau và ăn cùng một thứ thực phẩm thì các cuộc chiến tranh sẽ chấm dứt ngay lập tức.

Kropp, một người bạn cùng lớp cũ của Paul, nói rằng các lãnh tụ của các quốc gia nên đánh nhau vì các bất đồng tại các câu lạc bộ. Tất cả mọi người đã thảo luận các cách thức của các con người nhỏ mọn và vô nghĩa khi họ trở nên có quyền lực và kiêu căng trong chiến tranh.

Tjaden, một người trong Đại Đội của Paul, đã thông báo cho mọi người biết rằng Hạ Sĩ tàn ác Himmelstoss đã bị tống đi chiến đấu ngoài mặt trận bởi vì đã hành hạ các binh lính mới.

Vào buổi tối, các người lính trẻ đi đặt hàng rào dây kẽm gai ở ngoài mặt trận. Khi bị Pháo Binh bắn tới, họ đã ẩn trốn trong một nghĩa địa, tại nơi này, đạn Pháo Binh đã khiến cho các xác chết văng ra khỏi các nấm mồ.

Các người lính trẻ trở về doanh trại, tại nơi này họ đã nghĩ về những gì họ sẽ làm vào cuối thời chiến. Paul thắc mắc nếu chiến tranh chấm dứt, anh ta không biết phải làm gì.

Đại Đội bị vướng vào một trận chiến đẫm máu với các lính bộ binh của phe Đồng Minh. Cơ thể của con người bị văng ra từng mảnh, máu thịt rơi vãi khắp nơi. Các con chuột thật lớn đã ăn các xác chết và cắn các người bị thương. Paul cảm thấy mình như một con thú vật ở ngoài mặt trận và chỉ biết tin tưởng vào các bản năng của mình. 

Chỉ có 32 người trong số 80 lính là sống còn sau trận chiến. Các người này được nghỉ một thời gian ngắn tại một khu vực. Paul và vài người bạn đi bơi và gặp gỡ vài cô gái người Pháp. Paul ước mong có được một người đàn bà không thuộc về bọn gái điếm của Quân Đội.

Paul nhận được 17 ngày nghỉ phép để về thăm gia đình. Anh ta cảm thấy vụng về và trầm cảm tại thành phố quê nhà và không thể thảo luận các kinh nghiệm đau thương với bất cứ ai. Anh ta được tin mẹ đã chết vì ung thư và ông thầy giáo ái quốc Kantorek đã bị gọi nhập ngũ như một người lính. Sự biết tin tức về số phận của ông thầy giáo cũ đã cho Paul một cảm giác lạnh lùng nào đó. Paul đến thăm mẹ của Kammerich và nói dối rằng Kammerich đã chết một cách nhanh chóng và không đau đớn.

Vào cuối kỳ nghỉ phép, Paul trải qua một thời gian ngắn tại một trại huấn luyện gần với một nhóm các tù binh người Nga. Paul cảm thấy rằng họ cũng giống như chính anh ta vậy.

Paul bị gửi trở về Đại Đội cũ và gặp lại các bạn bè. Hoàng Đế Đức (Kaiser) đến thăm mặt trận, sự kiện này làm cho nhiều người thất vọng bởi vì Vị Hoàng Đế này chỉ là một người nhỏ con với giọng nói yếu đuối.

Tại mặt trận, Paul ở cách xa Đại Đội của mình và phải trú ẩn trong một cái hố sâu. Bỗng một người lính Pháp nhẩy vào cái hố này rồi do bản năng, Paul đã đâm anh ta. Khi người lính Pháp bị chết từ từ và đau đớn, Paul đã cảm thấy hối hận.

Paul đã băng bó các vết thương cho người lính đó và nói rằng mình không có chủ đích giết anh ta. Thời giờ trôi qua và sau khi người lính Pháp đã chết, Paul nhìn lại chung quanh và nhận thấy tên của người lính Pháp là Gérard Duval. Duval có vợ và con tại quê nhà. Khi Paul trở về Đại Đội, anh ta đã kể lại các sự việc cho các bạn nghe và họ đã cố gắng an ủi anh ta.

Khi các lực lượng Đức bắt đầu tấn công các lực lượng Đồng Minh, các bạn bè của Paul đã bị chết dần từng người một. Detering, một người bạn của Paul, định đào ngũ nhưng đã bị bắt và bị đưa ra tòa án quân sự. Kat bị chết vì một mảnh đạn chém vào đầu anh ta trong khi Paul đang cõng anh ta tới chỗ an toàn. 

Vào mua thu năm 1918, Paul là người duy nhất còn sống sót trong số các bạn hữu. Các người lính ở khắp nơi đồn đoán với nhau rằng lính Đức sắp đầu hàng và hòa bình sẽ trở lại.

Paul bị nhiễm độc trong trận tấn công bằng hóa chất nên được nghỉ phép ngắn hạn. Anh ta cho rằng sau khi chiến tranh chấm dứt, anh ta sẽ tàn tạ trong cảnh hòa bình. Tất cả những gì mà anh ta hiểu biết chỉ là chiến tranh.

Vào tháng 10 năm 1918 và vào một ngày có rất ít trận chiến, Paul đã bị giết chết. Quân Đội đã báo cáo về ngày hôm đó một cách đơn giản rằng: "Vẫn Yên Tĩnh trên Mặt Trận Miền Tây" (All Quiet on the Western Front). Cái xác chết của Paul đã mang theo lời phát biểu yên tĩnh và cuối cùng là sự chấm dứt.

IV/ Cuộc đời của Nhà Văn Erich Maria Remarque.

Nhà văn Erich Maria Remarque có tên thật là Erich Paul Remark, ra đời vào ngày 22 tháng 6 năm 1898 tại Osnabruck, nước Đức, có cha là ông Peter Franz Remark và bà mẹ tên là Anna Maria, đây là một gia đình lao động theo Thiên Chúa Giáo La Mã.

Erich không thân thiết với người cha là một người đóng sách (a bookbinder) nhưng lại gần gũi với bà mẹ, vì vậy nhà văn này đã dùng tên giữa Maria của người mẹ sau Thế Chiến Thứ Nhất.

Erich là người con thứ ba trong bốn người con của gia đình, với người chị tên là Erna, người anh là Theodor Arthur (qua đời khi được 5 hay 6 tuổi) và người em gái Elfriede.

Vào thời gian Thế Chiến Thứ Nhất, Remarque ở tuổi 19, bị động viên vào Quân Đội Hoàng Gia Đức (The German Imperial Army) rồi vào ngày 12/6/1917, bị thuyên chuyển về Mặt Trận Miền Tây (the Western Front), thuộc Đại Đội Thứ Hai Trừ Bị (Second Company Reserves) và chiến đấu trong các chiến hào giữa 2 địa điểm là Torhut và Houthulst.

Vào ngày 31/7/1917, ông Remarque bị thương vì các mảnh đạn bắn vào chân trái, tay phải và vào cổ, nên được tản thương về bệnh viện, điều trị cho đến khi chiến tranh kết thúc rồi được giải ngũ khỏi Quân Đội Đức.

Sau Thế Chiến, ông Remarque làm nhiều công việc như nhà giáo, quản thủ thư viện, thương gia nhỏ và nhà biên tập (editor). Ông Remarque bắt đầu viết văn vào tuổi 16, với các bài viết như luận đề, thơ và một cuốn tiểu thuyết được xuất bản vào năm 1920 với tên là Die Traumbude (The Dream Room = Phòng Mơ Mộng).

Sau khi Thế Chiến Thứ Nhất chấm dứt, nhà văn Remarque bị ám ảnh bởi các cảnh tàn phá của chiến tranh, sự qua đời của bà mẹ, cho nên ông ta bắt đầu dùng tên giữa “Maria” thay cho tên “Paul” để tưởng nhớ bà mẹ thân yêu, rồi khi cho xuất bản cuốn tiểu thuyết “Vẫn Yên Tĩnh trên Mặt Trận Miền Tây” (All Quiet on the Western Front), nhà văn Remarque cũng đổi họ của mình từ chữ Remark thành Remarque.
Năm 1927, nhà văn Remarque cho phổ biến cuốn tiểu thuyết “Station am Horizont” (Station at the Horizon = Bến Xe tại Chân Trời).

Tới năm 1929, cuốn tiểu thuyết “Vẫn Yên Tĩnh trên Mặt Trận Miền Tây” đã trở nên một tác phẩm quốc tế bán chạy nhất (an international best seller) và là một tiểu thuyết đặc sắc của Thế Kỷ 20, bởi vì sáng tác này đã mở đầu cho loại truyện của các cựu quân nhân viết về các kỷ niệm chiến tranh khác nhau. Tác phẩm này cũng được phỏng tác trên sân khấu và điện ảnh, nhất là tại các quốc gia có xung đột với Đế Quốc Đức là Anh Quốc và Hoa Kỳ.

Sau khi cho xuất bản tác phẩm “Der Weg zuruck” (The Road Back = Con Đường Trở Về) vào năm 1931, do các tác quyền mang lại, nhà văn Remarque đã mua một villa tại Ronco, nước Thụy Sỹ.

Vào ngày 10 tháng 5 năm 1933, dưới quyền lực của Bộ Trưởng Tuyên Truyền Đức Quốc Xã là Joseph Goebbels, các tác phẩm của nhà văn Eric Maria Remarque bị coi là “không ái quốc” (unpatriotic) nên đã bị cấm đoán tại nước Đức, bị cấm bán và bị loại ra khỏi các thư viện. Nhà văn Remarque vì vậy phải chạy khỏi nước Đức, sang sinh sống tại nước Thụy Sỹ.

Trước khi Thế Chiến Thứ Hai bùng nổ tại châu Âu, nhà văn Remarque rời Thụy Sỹ sang Hoa Kỳ rồi trở nên công dân Hoa Kỳ vào năm 1947.

Nhà văn Remarque tiếp tục viết văn. Cuốn tiểu thuyết kế tiếp là “Drei Kameraden” (Three Comrades = Ba Đồng Đội) và tác phẩm thứ tư là cuốn tiểu thuyết “Liebe deinen Nachsten” (Love Thy Neighbour = Hãy yêu người Hàng Xóm), xuất bản năm 1941, cả bằng tiếng Đức lẫn tiếng Anh.

Tác phẩm tiếp theo phổ biến vào năm 1945 là cuốn tiểu thuyết “Arch of Triumph” (Khải Hoàn Môn) rồi cuốn cuối cùng có tên là “Shadows in Paradise” (Các Bóng Tối của Thiên Đường), được nhà văn Remarque viết ra khi ông sinh sống tại địa chỉ 320 East 57th Street, thành phố New York.

Bẩy năm yên lặng sau tác phẩm “Khải Hoàn Môn”, nhà văn Remarque cho xuất bản cuốn truyện “Spark of Life” (Der Funde Leben = Tia Lửa của Đời Sống), bằng cả tiếng Anh lẫn tiếng Đức vào năm 1952.

Nhà văn Erich Maria Remarque qua đời vì bị liệt tim (heart failure) vào ngày 25 tháng 9 năm 1970, ở tuổi 72. Ông được chôn cất trong Nghĩa Trang Ronco, Ticino, nước Thụy Sỹ.

V/ Ý Nghĩa của Tác Phẩm.

Các binh lính chiến đấu ngoài mặt trận luôn luôn gặp các nguy hiểm. Đời sống trong các hầm hố trong thời gian Thế Chiến Thứ Nhất thì rất dơ bẩn, thiếu nước sạch, chất đầy các xác chết, các con chuột và sâu bọ... Các người lính thường xuyên thiếu thức ăn và giấc ngủ, thiếu quần áo và sự chăm sóc y tế. Họ phải chứng kiền các cảnh chết chóc của các bạn bè.

Theo nhà văn Remarque, các cảnh tàn sát đã phá hủy lòng nhân đạo của các binh lính. Họ đều bị đau khổ bởi vì các chiến hữu đã ngã gục ngoài chiến địa và các chiến binh đang còn sống phải có lòng trung thành và tình bạn sau các kinh nghiệm chiến tranh.

Thế Chiến Thứ Nhất là kết quả của chủ nghĩa quốc gia (nationalism). Đây là chủ trương đòi hỏi mọi người dân phải trung thành với đất nước. Tác phẩm “Vẫn Yên Tĩnh trên Mặt Trận Miền Tây” đã chỉ trích chủ nghĩa quốc gia này, coi đây là ý thức trống rỗng, đạo đức giả, một công cụ được dùng trong chính quyền để kiểm soát đa số dân chúng (the masses).

Chủ nghĩa quốc gia đã thuyết phục Paul và các bạn bè của anh ta tham gia vào Quân Đội, nhưng các kinh nghiệm ngoài mặt trận đã dạy cho họ rằng chủ nghĩa quốc gia là một quan niệm ảo tưởng (an imaginary concept), là giấc mơ dùng để lừa dối các kẻ lý tưởng. Các người ái quốc như Kantorek và Himmelstoss thì vô dụng ngoài mặt trận và các binh lính thành công không phải là chiến đấu cho sự vinh quang của quốc gia mà vì sự sống còn của chính họ.

Paul và các bạn bè của anh ta đã nhận ra sự thực rằng các kẻ thù chính là những người đã hy sinh quân đội để làm thăng tiến quyền lực và vinh quang của họ. 

Trong tác phẩm “Vẫn Yên Tĩnh trên Mặt Trận Miền Tây”, Kantorek đã ca ngợi lòng trung thành với quốc gia và sự vinh quang của đất nước, nhưng Paul và các bạn bè càng trở nên chán ghét các lời khuyên của Kantorek bởi vì các lý tưởng cao cả, đưa đẩy các thanh niên ra mặt trận, sẽ trở nên vô nghĩa khi mà trận chiến đã bắt đầu.

Cuốn tiểu thuyết kể trên còn dùng một biểu tượng, đó là đôi giầy lính của Kemmerich. Đây là vật tượng trưng cho một thứ rẻ tiền của đời sống con người trong chiến tranh. Đôi giầy lính được chuyền từ người này qua người khác mỗi khi có một người lính bị chết trận và đôi giầy này đã được coi là có giá trị cao hơn mạng sống của con người.

Nhà văn Erich Maria Remarque đã nói trong cuốn tiểu thuyết của ông rằng sự chết không phải là một cuộc phiêu lưu (death is not an adventure) và chiến tranh đã tàn phá con người ngay cả khi nó không giết người, và cuốn tiểu thuyết của ông dùng để lột trần chiến tranh, các người có thế lực (powerful men) và các kẻ ái quốc dốt nát.

Phạm Văn Tuấn


Tài liệu tham khảo: Wikipedia. org.; Britannica Encyclopedia.

No comments

Powered by Blogger.