Header Ads

Nhà Văn Stephen Crane (1871 - 1900) Và Tác Phẩm "Biểu Hiệu Đỏ Của Lòng Can Đảm"


Phạm Văn Tuấn

1/ Cuộc Đời Văn Chương của Stephen Crane.

Vào thập niên 1890 tức là khoảng 30 năm sau khi Cuộc Nội Chiến Hoa Kỳ chấm dứt, người Mỹ vẫn không quên cuộc chiến này, họ đã dựng nên các đài tưởng nhớ các tử sĩ tại miền Tân Anh Cát Lợi và miền Trung Tây. Tác giả Stephen Crane khi đó mới 24 tuổi, đã dùng đề tài là Cuộc Nội Chiến để viết thành các bài văn xuất hiện trên mặt báo in tại Philadelphia vào cuối năm 1894 rồi sáng tác này trở thành tác phẩm "Biểu Hiệu Đỏ của Lòng Can Đảm" (The Red Badge of Courage) xuất bản vào 1895.

Làm sao một nhà báo trẻ, chưa từng có kinh nghiệm chiến trường, có thể viết ra một cuốn tiểu thuyết chiến tranh? Câu trả lời có thể là tác giả đã bắt chước các nhà văn châu Âu. Lối văn của thập niên 1890 đã thay đổi. 

Gustave Flaubert và Emile Zola là hai nhà văn người Pháp, đã cho in các tiểu thuyết làm dân chúng Pháp bất mãn. Họ đã viết về các cô gái điếm và các thợ mỏ là hai loại người chưa từng xuất hiện trong tiểu thuyết vào các thời đại trước. Vài nhà văn Pháp cũng mô tả các hoàn cảnh qua đó con người bị trói buộc vì các thứ lực mà con người không kiểm soát được: di truyền, bản năng, hoàn cảnh… 

Trong khung cảnh văn học này, Stephen Crane có lẽ đã đọc cuốn "Bỏ chạy tán loạn" (La Débacle) của Emile Zola bằng bản dịch ra tiếng Anh và hai tác phẩm gợi hứng khác là "Chiến Tranh và Hòa Bình" (War and Peace) và "Sebastopol" của Đại Văn Hào người Nga Leo Tolstoy.

Stephen Crane cũng ưa thích đọc truyện, đọc các tiểu thuyết Anh thuộc thế kỷ 19 và các tác phẩm cổ điển Hy Lạp và La Mã. Đây là các cuốn sách nói về các con người tốt, có nhiều đức tính, sinh sống trong khung cảnh dễ chịu, lý tưởng. Stephan Crane đã lớn lên trong một gia đình sùng đạo và khắc khổ. Cha của Stephen là mục sư Jonathan Townley Crane thuộc hệ phái Tin Lành Methodist, đã dạy cho các con lòng khiếp sợ cảnh trừng phạt kẻ ác nơi hỏa ngục, còn bà mẹ là Mary Helen Peck, là con gái của một ông mục sư khác, bà sùng đạo hơn chồng, thường giúp việc cho nhà thờ khi không phải chăm sóc gia đình. Bà Mary sau này cũng trở thành một nhà văn viết về các hoạt động tôn giáo của Hiệp Hội Điều Độ của Phụ Nữ Thiên Chúa Giáo (the Women's Christian Temperance Union) là tổ chức tôn giáo coi là có tội các việc hút thuốc, uống rượu và khiêu vũ.

Stephen Crane chào đời ngày 1 tháng 11 năm 1871 tại Newark, tiểu bang New Jersey, là người con thứ 14 và cũng là một đứa trẻ yếu đuối, thường bị đau bệnh nên chỉ đi tới trường khi lên 7 tuổi. Stephen được người chị ruột Agnes chăm sóc khi mẹ mắc bận, vì vậy khi Agnes qua đời vào tuổi 28, Stephen đã mất đi một người thân thương như mẹ ruột.

Mục sư Jonathan Crane là một con người chăm làm, lo lắng cho giáo dân và cũng bận tâm vì các vấn đề tài chính của gia đình đông con. Gia đình Crane này đã phải dọn nhà nhiều lần, từ Newark tới Bloomington rồi Paterson và cuối cùng ổn định tại Port Jervis, gần Hartwood. Port Jervis là miền tiếp giáp của ba tiểu bang New York, New Jersey và Pennsylvania. Đây là một vùng nhiều đồi, có các cánh đồng, nhiều ao hồ, có giòng sông và khí hậu dễ chịu cho một cậu trai hay đau ốm, ham thích cuộc sống tự do ngoài trời. Về sau Stephen Crane đã mô tả miền đất xanh tươi này trong các câu truyện "Whilomville ".

Tại Port Jervis, Stephen lần đầu tiên đi tới trường. Đây là một học sinh xuất sắc, đã học hết hai chương trình trong 6 tuần lễ và đã bắt kịp khoảng thời gian đã mất. Nhưng tuổi trẻ vô tư và hạnh phúc của Stephen Crane bất ngờ bị chấm dứt khi người cha qua đời vào năm 1880 và bà mẹ phải dời gia đình về ngoại ô của thành phố Newark. Tới khi Stephen bị sốt ban đỏ vào năm 1882 thì gia đình này lại dọn về Asbury Park, trên bờ biển của tiểu bang New Jersey, nơi đây người con gái Mary Helen dạy ngành nghệ thuật và người con trai Jonathan Townley lãnh công việc thông tấn cho tờ báo New York Tribune. Jonathan cũng giúp mẹ, các em trai Wilbur và Stephen có công việc làm.

Sống trong một khung cảnh mới gần bờ biển với cảnh thiên nhiên rực rỡ, Stephen Crane thường đạo chơi, đi bơi, đi câu và cũng theo học tại một ngôi trường địa phương. Do ham thích dã cầu (baseball), Stephen đã tham gia đội dã cầu Asbury Park, ngoài ra cậu thiếu niên này còn hay chửi thề, uống bia, khiêu vũ, chơi bài và sống buông thả.

Stephen đã theo học vài trường học, kể cả trường Hudson River Institute vào năm 1888, thời đó được gọi là Claverack College. Tại ngôi trường bán quân sự này, Stephen Crane được học về căn bản quân sự và làm quen với một số cựu quân nhân là những người còn hồi tưởng tới những kỷ niệm trong thời Nội Chiến. Vị giáo sư mà Stephen ưa thích là Tướng John Bullock Van Petten, người đã từng tham dự trận đánh Antietam và có lẽ do các câu chuyện kể về chiến tranh mà sau này, Stephen viết ra tác phẩm "Biểu Hiệu Đỏ của Lòng Can Đảm".

Năm 1890, Stephen Crane chuyển tới đại học Lafayette tại Easton, tiểu bang Pennsylvania nhưng tại nơi học mới, chàng thanh niên này ít dự lớp mà tiếp tục uống rượu, chơi bài, chơi quyền Anh, chơi dã cầu …ngoài ra vào thời giờ rảnh thì đọc truyện, đọc say mê các tác phẩm của Leo Tolstoy và của Gustave Flaubert. Do điểm học quá thấp, Stephen phải đổi qua học tại đại học Syracuse nhưng cuối cùng vẫn không tiến bộ. Stephen Crane là một con người bướng bỉnh, chống đối các điều cấm đoán của người cha theo cổ tục, một nhà giảng đạo nghiêm khắc.

Học qua hai trường đại học mà không đạt điểm trung bình và bị loại, Stephen Crane đành tới thành phố New York, làm việc cho một văn phòng thương mại nhưng rồi cũng sớm chán nản, thôi việc và trở nên phóng viên cho hai tờ báo của thành phố này. Stephen đã viết nhiều bài theo thể tự do (free-lance) và người anh Townley quá ngạc nhiên về tài viết văn của cậu em trai, nên đã yêu cầu chủ bút tờ báo Diễn Đàn (Tribune) đọc vài bài phác thảo của Stephen Crane. Do cảm phục các bài viết này, viên chủ bút đã cho xuất bản 10 bài thành tập "Các phác thảo về Hạt Sullivan" (the Sullivan County Sketches). Giống như Allan Edgar Poe, Stephen Crane biết trình bày cho độc giả thứ thế giới bí ẩn, kinh dị, bao gồm bên trong nhiều điều không đo lường nổi.

Stephen Crane bắt đầu viết một tiểu thuyết ngắn có tên là "Maggie, gái đứng đường" (Maggie, A Girl of the Streets, 1893) kể về một gái mại dâm trẻ, đã tự sát vì cuộc đời xấu xa, chìm đắm trong khu vực đen tối Bowery của thành phố New York. Loại đề tài quá mới, quá khác thường này đã không được các nhà xuất bản chấp nhận. Stephen Crane bèn mượn tiền và in cuốn truyện nhưng chỉ bán được hai ấn bản. Dù cho cuốn tiểu thuyết chưa khiến cho độc giả chú ý, Stephen Crane vẫn tiếp tục tìm kiếm các kinh nghiệm sống bằng cách hòa mình vào đám dân nghèo, đám người xếp hàng chờ đợi thứ bánh mì, thứ súp phát không. Đây là quãng đời nghèo túng nhất của Stephen với sức khỏe bắt đầu suy yếu bởi vì nhà văn trẻ này hút thuốc lá liên tục, lại quá nghèo khó nên ăn không đủ no. Nhưng đây lại là thời kỳ sáng tác phong phú nhất của Stephen Crane.

Vào gần cuối năm 1894, Stephen Crane hoàn thành cuốn tiểu thuyết thứ hai "Biểu Hiệu Đỏ của Lòng Can Đảm". Người ta đã kể lại rằng tác giả này đã viết bản chính gồm 50,000 chữ chỉ trong 10 ngày nhưng rồi tác phẩm được sửa chữa, giảm đi còn 18,000 chữ, xuất hiện theo một loạt bài đăng trên tạp chí tại Philadelphia rồi trên các nhật báo khác, trong đó có tờ Lincoln (the Lincoln State Journal) vào tháng 12-1894,  khi đó đã được đọc bởi nữ phóng viên Willa Cather. Khi gặp Stephen Crane vào tháng 2-1895, Willa Cather nhận thấy nhà văn trẻ này, với đôi mắt lớn, long lanh nhưng u buồn, đang đọc tác phẩm của Allen Edgar Poe.

"Biểu Hiệu Đỏù của Lòng Can Đảm" được xuất bản thành sách vào mùa thu năm 1895 và mặc dù Trận Nội Chiến đã kết thúc khoảng 30 năm về trước, cuốn truyện dùng cuộc chiến này làm đề tài, đã nhận được các lời điểm sách tốt đẹp. Tờ báo Boston Transcript đã viết rằng "trong tất cả các tiểu thuyết chiến tranh của Mỹ, cuốn truyện này đứng riêng một bên". 

Danh tiếng về văn chương của Stephen Crane đã thành hình bởi vì các nhà phê bình, các độc giả tại Hoa Kỳ cũng như tại nước Anh đã khen ngợi tính hiện thực về vật lý và cảm xúc (physical and emotional realism) của cuốn truyện và không ai ngờ rằng nhà văn mới chỉ 24 tuổi, chưa từng tham dự trận chiến. 

Thực sự, Stephen Crane chưa từng sống trên bãi chiến trường mà chỉ được nghe kể về Trận Nội Chiến Nam Bắc Mỹ khi còn theo học tại trường trung học Claverack. Trí tưởng tượng thiên phú của tác giả đã khiến cho cuốn truyện "Biểu Hiệu Đỏ của Lòng Can Đảm" trở nên một tác phẩm văn chương và tâm lý của nền Văn Học Hoa Kỳ. 

Nhờ cuốn truyện "Biểu Hiệu", Stephen Crane đã tham gia vào những câu lạc bộ danh tiếng, gặp gỡ nhiều nhân vật uy tín khác. Vào năm 1896 sau khi tái bản cuốn truyện "Maggie", Stephen Crane còn cho xuất hiện các cuốn "Mẹ của George" (George 's Mother), "Trung Đoàn Nhỏ" (The Little Regiment) và "Màu tím thứ ba" (The Third Violet).

Sau nhiều truyện ngắn liên quan tới quân đội, Stephen Crane bị ám ảnh bởi chiến tranh và vì muốn coi tận mắt cuộc chiến diễn ra như thế nào, nhà văn này nhận $700 Mỹ kim của Irving Bacheller để tường thuật về cuộc nổi loạn tại hòn đảo Cuba. Stephen đi Jacksonville, Florida, vào tháng 11-1896 mà không thông báo cho gia đình và bạn bè biết. 

Phải chờ tầu tại nơi này tới tháng giêng năm sau và trong thời gian hai tháng này, Stephen Crane thấy rằng thành phố Jacksonville có dân số vào khoảng 28,000, có đủ hạng người, nào nhà báo, nào kẻ mạo hiểm và các loại người khác mong đi Cuba vì lý do này hay lý do nọ. Thành phố này cũng có nhiều khách sạn, quán rượu, sòng bài và nhà chứa. Khi tới khách sạn "Giấc Mơ" (Hotel de Dream), Stephen Crane đã gặp cô chủ tóc vàng tên là "Cora Taylor" và cơ sở này là nơi hẹn hò "loại A". 

Cora là một phụ nữ lịch thiệp, thông minh và có học vấn, thuộc gia đình gốc miền Boston và cha là John Howorth, một họa sĩ. Cora đã lấy một người chồng có tên là Thomas Murphy, ly dị rồi lập gia đình với Đại Tá Donald W. Stewart, nhưng không chịu ra nước ngoài với người chồng quân nhân và ông Stewart cũng không chịu ký giấy ly dị vợ. Stephen và Cora đã thảo luận với nhau về văn chương và họ đã say mê nhau.

Ngày 31-12-1896, Stephen Crane xuống tầu cùng với 12 quân du kích Cuba, tất cả gần 30 người và con tầu Commodore rời bến cảng Jacksonville vào lúc chập tối trong khi trên bờ các người Cuba ca hát các bài chúc lành và từ biệt. Tầu Commodore này chở đầy đạn dược và vũ khí cho quân nổi dậy Cuba để chống lại người Tây Ban Nha. Đây là lần đầu tiên Stephen Crane biết thế nào là sự nguy hiểm bởi vì quanh đảo Cuba có các con tầu tuần tiễu Tây Ban Nha và khi một người Mỹ bị bắt, người đó sẽ ở tù mọt gông. Đã có một nhà báo bị bắt, bị chói chặt và bị chém thành từng mảnh bằng mã tấu.

Con tầu ra khơi, nhưng vào đêm thứ hai, nước bắt đầu tràn vào tầu mà không thể nào cứu chữa được. Các phao cấp cứu được thả xuống nước và Stephen Crane cùng với viên thuyền trưởng và ba thủy thủ xuống một phao dài 3 thước. Họ bắt đầu chèo vào bờ nhưng sóng lớn đã đẩy chiếc phao trở ra biển. Sau 36 giờ, chấm dứt cuộc gian nan và Stephen Crane lên bờ tại Daytona Beach rồi trở về Jacksonville, sống với Cora Taylor. Vài ngày sau Stephen Crane được đọc trên tờ báo The London Academy và trên vài tờ báo khác lời chia buồn vì tin nhà văn Crane bị tử nạn.

Sau một tuần lễ dưỡng sức tại Jacksonville, Stephen Crane lại tìm cách đi xa, lần này tới xứ Hy Lạp vì chiến tranh với người Thổ Nhĩ Kỳ sắp bùng nổ trong khi Hoa Kỳ lại muốn đứng trung lập trong cuộc chiến tại Cuba. Nguyên do của cuộc chiến tranh Hy-Thổ khá phức tạp. Máu đã đổ trên đảo Crete trong 12 năm trường khi Hội Nghị họp tại Berlin vào năm 1878 đã từ chối không cho hòn đảo này độc lập khỏi chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ. Người Hy Lạp vì thế bèn giúp đỡ người dân đảo Crete.

Khi thấy Stephen Crane quyết định đi Hy Lạp, Cora Taylor không chịu bị bỏ lại phía sau nên đã bán khách sạn "Giấc Mơ" và thu gom công việc để ra đi cùng Stephen. Stephen Crane tới thành phố London vào ngày 29-3-1897, thăm viếng nhà xuất bản Heineman Ltd, gặp nhà văn và nhà báo người Mỹ Harold Frederic là người đã khen ngợi và điểm cuốn truyện "Biểu Hiệu", rồi ký một giao kèo với William Randolph Hearst nhận làm thông tín viên tại Hy Lạp. Stephen Crane đã chứng kiến chiến dịch Yanina vào tháng 4-1897 và dự trận đánh thứ hai trong ba trận tại Velestino vào tháng 5 tới khi bị mắc bệnh tiêu chảy nặng, đành phải trở về nước Anh nhưng cũng thu thập đủ tư liệu để sau này sáng tác ra các cuốn tiểu thuyết và các bài báo.

Trở lại nước Anh, Stephen Crane và Cora Taylor sinh sống với nhau như đôi vợ chồng, theo cách sang trọng ngoài khả năng tài chính của họ tại Ravensbrook. Nhà văn trẻ này đã viết với tốc độ tối đa và hoàn tất cuốn tiểu thuyết "Dịch Vụ Tích Cực" (Active Service) vào tháng 1-1899. Vài truyện ngắn cũng ra đời như "Khách sạn màu xanh" (the Blue Hotel), "Cõi chết và đứa trẻ" (Death and the Child)… 

Stephen Crane cũng được mời nói chuyện tại "Tổ chức xã hội Fabian" (the Socialist Fabian Society) nhờ đó quen Madox Hueffer, người mà sau này được gọi bằng tên Ford Madox Ford và đây là nhân vật trước kia coi Stephen Crane là kiêu ngạo nhưng về sau lại có cảm tình và kính trọng bởi vì nhà văn trẻ có một thứ gì "siêu nhiên" (supernatural). Stephen Crane cũng làm bạn với vài nhà văn danh tiếng khác như Edmund Gosse, Joseph Conrad và H.G. Wells.

Ngày 15-2-1898, con tầu Maine của Hoa Kỳ bỏ neo trong hải cảng Havana, Cuba, bị nổ tung vì phá hoại. Tổng Thống McKinley tuyên bố vào ngày 11-4-1898, xác nhận Cuba độc lập khỏi Tây Ban Nha. Stephen Crane muốn trở về Hoa Kỳ nhưng không đủ tiền. Joseph Conrad và vài người bạn khác đã phải giúp đỡ Stephen Crane, sự việc này sẽ khiến cho nhà văn trẻ này sớm về cõi chết và đây là điều ân hận của Văn Hào Joseph Conrad. 

Khi về tới New York, Stephen Crane tình nguyện gia nhập Hải Quân nhưng bị từ chối: ứng viên đang mắc bệnh ho lao. Ngày 23-4-1898, Stephen Crane nhận được đề nghị của Joseph Pulitzer làm thông tín viên chiến tranh cho tờ báo "Thế Giới New York" (the New York World). 

Ngày 24-4-1898, Tây Ban Nha tuyên chiến với Hoa Kỳ. Stephen Crane tới Key West, viết một loạt bài tường thuật rồi đến thị trấn Mariel, phía tây của Havana, Cuba, viết báo cáo về cuộc dội bom thị xã Matanzas, chứng kiến các trận hải chiến, đi tới Porto Rico, Haiti, Jamaica và mắc bệnh sốt rét cũng như hàng ngàn quân nhân Mỹ tại vùng nhiệt đới. Do phải uống nhiều thuốc quinine, Stephen Crane không ăn nổi các thứ thức ăn thông thường. Nhà văn này sống bằng cà phê, rượu, thuốc lá và trái cây. 

Ngày 7-7, Stephen Crane bị ngất sỉu và mê sảng, rồi vào tháng 12 bị ho ra máu, được đưa về nước Anh vào ngày 11-1-1899 và các người bạn cũ như Conrad và Wells đã không tin rằng Stephen Crane còn sống sót.

Trong thời gian Stephen Crane đi xa, nàng Cora Taylor đã thuê mướn một tòa nhà lớn, cũ kỹ tại Brede Place, Sussex. Cô nàng này đang bị dị nghị là một bà chủ chứa. Tới khi Stephen Crane về đến nơi, các chủ nợ của Cora bèn tìm kiếm nhà văn trẻ. Stephen Crane phải viết thật nhiều truyện ngắn trong một căn phòng không sưởi ấm. Tập thơ thứ hai của Stephen Crane có tên là "Chiến Tranh thì tử tế" (War is kind). Ngoài ra còn có "Các câu chuyện Whilomville" (Whilomville Stories), "Các người bị thương trong mưa" (Wounds in the Rain) và nhà văn bắt đầu viết cuốn tiểu thuyết "The O 'Ruddy".

Vào mùa Giáng Sinh 1899, trong khi Stephen Crane mảnh mai và bệnh hoạn thì Cora Taylor lại tổ chức một đại tiệc cuối năm, mời tới 40 quan khách. Nhà văn trẻ cũng muốn nhân dịp này trình bày vở kịch "Con Ma" (The Ghost) trước các người bạn và các nhà văn như Joseph Conrad, H.G. Wells, George Gissing, Rider Haggard, Henry James… Sáng ngày Tết Dương Lịch năm 1900, một người bạn khi xuống tầng dưới, đã thấy nhà văn trẻ nằm bất tỉnh, trong tay còn cầm cây đàn ghi-ta. Vài giờ sau, Stephen Crane bị trào máu miệng. Ngày 3-4-1900, nhà văn trẻ lại bị xuất huyết. Các bạn bè thúc dục Cora đưa Stephen đi nghỉ ngơi tại Badenweiler, khu rừng đen của nước Đức. Nhiều người bạn và người ngưỡng mộ, kể cả Andrew Carnegie, đã chung tiền cho chuyến đi này biết đâu rằng đây là chuyến đi vĩnh biệt! 

Stephen Crane được chở tới nước Đức nhưng không tránh khỏi những cơn bệnh nên qua đời vào ngày 5 tháng 6 năm 1900, ở tuổi 28. Cora mang thi hài nhà văn trở về New York. Lễ cầu hồn được làm tại Giáo Đường Metropolitan trên đường thứ 17, gần đường 14. Stephen Crane được an táng trong nghĩa trang Evergreen tại Hillside, New Jersey và trên mộ chí có khắc hàng chữ: "Stephen Crane - Tác Giả - 1871-1900".

2/ Cuốn Truyện "Biểu Hiệu Đỏ của Lòng Can Đảm".

Stephen Crane không phải là một học giả nhưng đã viết ra được một trong các tiểu thuyết kể về Cuộc Nội Chiến, được ca ngợi nhất trong nền Văn Chương Hoa Kỳ. Nhiều cuốn truyện ngắn và tập thơ của nhà văn này được coi là các tác phẩm nhờ khả năng tưởng tượng đặc biệt của tác giả, nhờ cách nhìn sự vật khác biệt với những nhà văn khác, nhờ tác giả đi theo con đường mà những người khác chưa biết. Stephen Crane đã không dùng quan niệm đương thời quy định rằng văn chương phải như thế nào và phải làm gì, nhà văn là thiên tài trong cách chọn lựa đề tài, trong cách dùng ngôn ngữ vừa mới, vừa sáng tạo, đã không chú ý tới giai cấp giàu có hay trung lưu. 

Các nhân vật trong các truyện của Stephen Crane là những cư dân hạng thấp tại khu vực nghèo nàn Bowery của thành phố New York, đó là những kẻ đứng đường, vô gia cư, không nghề nghiệp, các gái điếm …

Bức tranh "Battle of Chancellorsville" của by Kurz and Allison

Cuốn truyện "Biểu Hiệu Đỏ của Lòng Can Đảm" mô tả người lính trẻ Henry Fleming từ tiểu bang New York, đã gặp kinh nghiệm ra sao sau trận đánh đầu tiên tại mặt trận Chancellorsville trong thời kỳ Nội Chiến Nam Bắc Mỹ. Trái với ý muốn của mẹ, Henry đã đầu quân vào Trung Đoàn 304 của đội quân tình nguyện New York, đã trải qua vài tháng luyện tập và chờ đợi buồn tẻ. Giống như các tân binh không kinh nghiệm khác, Henry tự hỏi sẽ phải hành động ra sao khi đối đầu với lửa đạn của địch quân lần thứ nhất, sẽ đứng lại và chiến đấu một cách can đảm hay sẽ bỏ chạy? 

Henry đã dãi bày tâm sự với vài người bạn nhưng vì không biết cách cắt nghĩa, không hiểu phương pháp diễn tả, Henry càng cảm thấy cô đơn. Jim Conklin là một người bạn cùng quê, nghĩ rằng anh ta sẽ làm giống như những người khác, còn Wilson, người lính to mồm, lại tuyên bố khoác lác. Lần đụng trận thứ nhất thật là ghê sợ, Henry cảm thấy thất vọng và lo âu nhiều hơn và ngay cả anh lính to mồm cũng cho rằng mình sẽ bị giết nên đã đưa cho Henry cất dùm vài lá thư của gia đình. Nhưng Henry đã chiến đấu khá can đảm và còn có cảm giác rằng chính mình là một bộ phận của trung đoàn như thể một ngón tay trong một bàn tay. 

Đội quân của Henry đã ngăn chặn được địch quân nhưng trong khi họ đang nghỉ ngơi, địch quân tấn công lần thứ hai. Tới lúc này, Henry bị quá mệt và hoảng sợ. Trong khi trên chiến trường còn đầy khói súng và vang rền tiếng la hét, Henry gặp cảnh chiến tranh ngay trong tâm hồn của mình: anh đang đứng trước tử thần khi đợt tấn công thứ hai diễn ra. Hai người bạn ở gần Henry đã đổi hướng và bỏ chạy. Henry cũng ném súng xuống đất và bỏ chạy theo họ. Henry tự an ủi rằng trung đoàn của mình sắp bị quét sạch và việc trốn chạy là một hành động trách nhiệm nhưng rồi lại thấy có bạn đồng đội vẫn còn cầm cự và hành động bỏ chạy làm cho chính mình trở nên một kẻ hèn nhát, trong khi đang tự cho rằng mình có lý.

Henry đi lang thang vào rừng vừa tìm cách lẩn trốn, vừa để cho tâm hồn lắng dịu. Anh ta dùng một quả thông ném một con sóc, con vật bỏ trốn ngay, sự việc này khiến Henry nghĩ về mình: "việc gì ta đã làm chỉ là một định luật của tự nhiên, các con vật còn tìm cách tự bảo vệ". Nhưng ở sâu trong rừng, trong lùm cây cong lại như một giáo đường, Henry đã nhìn thấy một cảnh dễ sợ: một người lính bị giết đang thối rữa với bộ mặt phủ đầy kiến càng.

Khi ra khỏi khu rừng, Henry đi cùng với vài người lính bị thương khác. Anh ta thèm muốn số phận của họ, muốn bị thương như họ bởi vì vết thương là một "biểu hiệu của lòng can đảm". Một trong các người lính này là Jim Conklin đang sắp chết. Henry và một người lính khác, một người rách rưới tả tơi, đi theo Jim vào cánh rừng và anh chàng này chạy từ bụi cây này qua bụi cây khác, tìm một chỗ chết. Rồi bỗng nhiên thân thể của Jim giật mạnh, anh ta ngã xuống.

Người lính rách rưới tả tơi tiếp tục hỏi Henry xem đã bị thương ở nơi nào. Câu hỏi này làm cho Henry rất lúng túng nên Henry đã lẩn tránh anh lính bị thương nặng đó và đây cũng là người đang cần giúp đỡ. Henry đi một mình, gặp vài người lính khác trông có vẻ tìm đường rút lui. Vì muốn hỏi rõ sự việc, Henry đã nắm tay một người lính thì bị anh chàng này hoảng hốt nên đánh bằng báng súng. Henry bị thương vào đầu và bây giờ có được một "biểu hiệu của lòng can đảm", không phải từ phía địch quân mà từ phía bạn! 
Rồi một người lính khác với giọng nói vui vẻ, đã giúp đỡ Henry trở về Trung Đoàn, tại nơi này Henry được các bạn hoan hô, họ không hỏi vì sao mà bị thương, họ tin rằng vết thương trên đầu của Henry là do một quả đạn đại bác. Anh lính to mồm Wilson vào lúc này đã bớt nói lớn, cùng với Henry trở nên đôi bạn. Henry trả lại các thư cho Wilson và cảm thấy mình hơn Wilson bởi vì anh này đã cho rằng mình sẽ chết trong đợt tấn công đầu tiên.

Henry vẫn còn bị dày vò trong lòng, lo sợ rằng hành động yếu hèn của mình sẽ bị khám phá và tự an ủi rằng chính mình đã bỏ chạy một cách can đảm! Vào ngày hôm sau, khi trận chiến diễn ra, Henry đã lăn xả vào chiến đấu. Trong đợt tấn công thứ hai khi vài người lính bạn còn đang do dự, Henry đã giúp viên sĩ quan thúc dục họ xung phong, và khi nhìn thấy lá cờ của đội quân Miền Bắc sắp ngả xuống, Henry và Wilson bèn xông tới, giành lấy lá cờ từ tay người lính cầm cờ đang sắp chết. Trong trận chiến, Henry hành động theo bản năng, đã cảm thấy mình như một con vật hay một con người hoang dã, đã cùng với đồng đội điên cuồng tiến tới phía trước mà không nghĩ đến nguy hiểm.

Vào cuối trận chiến, Wilson đã giật được lá cờ của đội quân Miền Nam và quân Miền Bắc bắt được nhiều tù binh. Họ đã chiến thắng. Các sĩ quan và đồng đội của Henry công bố Henry là một anh hùng. Henry Fleming đi thảnh thơi, mơ về những điều tốt lành mà hòa bình sẽ mang lại trong khi đó mặt trời ló ra khỏi các đám mây sám dày đặc.

3/ Nhận xét về Tác Phẩm.

Qua cuốn truyện "Biểu Hiệu Đỏ của Lòng Can Đảm", Stephen Crane mô tả bước đầu của một chàng thanh niên gia nhập quân đội Miền Bắc trong Cuộc Nội Chiến. Henry Fleming đã hoảng sợ sau trận đụng độ đầu tiên nhưng dần dần, đã chinh phục được nỗi sợ hãi. Anh ta đã có kinh nghiệm với môi trường mới, đã quen với các mùi lạ, các âm thanh lạ và các cảm xúc xa lạ. Giống như một đứa trẻ thu mình trong bóng tối, Henry đã chứng kiến các nguy hiểm và chỉ khi  nào tiếp xúc với cảnh chết chóc, anh ta mới nhận ra sự cao cả.

Cuốn truyện "Biểu Hiệu Đỏ của Lòng Can Đảm" trình bày các tư tưởng, các mối sợ hãi, các điều tưởng tượng đã diễn ra như thế nào và tác giả đã kể lại các câu hỏi có vẻ trẻ con, các lời đối thoại vụng về ngay cả khi con người ở vào hoàn cảnh căng thẳng nhất, gần kề cõi chết, và tác giả cho biết các tư tưởng và cảm xúc của người lính trẻ ra sao.

Henry Fleming là nhân vật chính trong truyện nhưng tác giả không mô tả anh ta trông ra sao, bao nhiêu tuổi, từ đâu tới, mà chỉ là một thanh niên lần đầu tiên có kinh nghiệm binh lính. Độc giả chỉ biết rằng Henry lớn lên trong một nông trại thuộc tiểu bang New York, có người cha qua đời, được nuôi dạy do bà mẹ và Henry đầu quân vì muốn trở nên một anh hùng. Nhưng sự thực hành về lòng cam đảm và cách trưởng thành không phải là một việc dễ dàng. Henry Fleming chỉ có thể chiến đấu anh dũng khi ngừng nghĩ về bản thân mình, quên đi tính ích kỷ và hành động theo bản năng.

Chủ đề chính của tác phẩm "Biểu Hiệu Đỏ của Lòng Can Đảm""lòng can đảm". Đức tính này là gì và làm sao có được? Cuốn truyện cũng cho thấy nhiều loại can đảm. Hasbrouck là một trung úy trẻ, luôn luôn can đảm, thường đi kèm với binh lính và thúc dục họ tiến tới. Jim Conklin, bạn của Henry, là người trầm tĩnh, can đảm, nhận lệnh và đối đầu với cõi chết trong danh dự. Mẹ của Henry cũng can đảm khi cho con ra đi dù rằng bà đang cần người con giúp việc nơi nông trại. Người lính rách rưới tả tơi cũng can đảm khi không than vãn về vết thương …

Một chủ đề khác của cuốn truyện là "chiến tranh". Đề tài chiến tranh liên hệ gần với lòng can đảm và tác giả đã mô tả chiến tranh bằng đường lối hiện thực khác với các nhà văn đương thời. Tác giả trình bày sự buồn tẻ trong đời sống doanh trại, sự lặp lại trong các đối thoại của các người lính, sự kiêu căng của các sĩ quan, tiếng nổ đều đều của các súng đại bác. Nhiều cảnh chết chóc đã diễn ra, nhiều thân người quằn quại vì các viên đạn vô tình nhưng ác độc. 

Chiến tranh đã mang lại hình ảnh đen tối dần, hơn là thứ Henry đã tưởng tượng và lòng can đảm trở thành một thứ bản năng của một con thú hơn là một đức tính của một con người và tác giả có vẻ như chấp nhận với Henry rằng chiến tranh đã đo lường con người. Con người trong chiến tranh không còn là một cá nhân bởi vì khi nghĩ tới lòng ích kỷ cá nhân, Henry đã bỏ chạy trong khi nếu là một thành phần của một toán quân, người lính làm theo mệnh lệnh mà không than vãn, đã chiến đấu bởi vì "anh không đánh trận một mình được". Cuốn tiểu thuyết còn mô tả cách Henry chế ngự nỗi sợ hãi ra sao, học tập hành động anh hùng ra sao và đây là một câu chuyện về cách trưởng thành trong tư tưởng.

Stephen Crane đã dùng thể văn hiện thực (realistic) trong việc mô tả, trong cách đối thoại. Phần lớn các nhân vật trong truyện nói năng giống như người miền quê và tác giả thường dùng các từ vựng đơn giản, các câu văn và đoạn văn ngắn với người kể truyện thuộc ngôi thứ ba nhưng quan điểm của Henry Fleming vẫn là quan điểm của cuốn truyện.

"Biểu Hiệu Đỏ của Lòng Can Đảm" là cuốn tiểu thuyết trình bày ba điểm: bản năng, lý tưởng và hoàn cảnh, đã mô tả bản chất và giá trị của lòng can đảm với ý tưởng anh hùng là sản phẩm của các phản ứng theo bản năng phối hợp với các sức mạnh sinh lý và truyền thống. Stephen Crane đã không nói tới nguyên do và các động lực gây ra chiến tranh mà giới hạn cuốn truyện vào tác động của chiến tranh đối với người anh hùng qua đó ý thức và trách nhiệm xã hội phát triển ra sao. Tác giả đã dùng chiến tranh để mô tả trạng thái rất căng thẳng của tâm hồn và tinh thần (mind and spirit).

Trước Stephen Crane, Cuộc Nội Chiến Nam Bắc Mỹ được ba nhà văn mô tả: Joseph Kirkland, John William De Forest và Ambrose Bierce và sau Stephen Crane, một nhà văn nữ danh tiếng cũng trình bày các thái độ của những người lính Miền Nam và các hoàn cảnh sau chiến tranh, đó là Margaret Mitchell với tác phẩm quen thuộc "Cuốn Theo Chiều Gió" (Gone with the Wind)./.    

Phạm Văn Tuấn

Tài liệu tham khảo: Wikipedia.org.; Britannica Encyclopedia.



No comments

Powered by Blogger.