Header Ads

Màu Sắc


Nguyễn Ngọc Duy Hân
 
Cuộc sống hằng ngày luôn liên hệ tới màu sắc. Khi mặc quần áo, đội nón, đeo nữ trang thì cần có sự hài hòa màu sắc để nhìn cho thanh lịch. Nếu ăn diện sặc sỡ thì sẽ bị chê là “màu mè” quá. Còn khi không mặc quần áo thì cũng có màu da thịt con người: da vàng, da trắng, da đen. Tôi rất thích câu chuyện ngụ ngôn sau đây về màu sắc như sau:

Một ngày, các màu sắc tranh luận với nhau xem ai là màu đẹp nhất.
Màu xanh lục nói: Tôi quan trọng nhất. tôi là dấu hiệu của sự sống và hy vọng.
Xanh dương chen vào: Tôi là màu của mây và đại dương.
Màu vàng cười: Tôi đem lại sự ấm áp, hãy nhìn đóa hướng dương, mặt trăng, ngôi sao…
Màu cam lên tiếng: Tôi là màu của sức mạnh, mang đến hầu hết các vitamin như cà rốt, cam...
Màu đỏ cũng nhảy vào cuộc: Tôi là máu, là lửa - là hoa hồng tình yêu.
Màu tím góp tiếng: Tôi tượng trưng cho sự mơ mộng và lòng trung thành.
Cuối cùng, màu chàm lên tiếng: Tôi là màu của đáy biển, là vẻ đẹp của bên trong. 

Và các sắc màu cứ tiếp tục tranh luận, bỗng sấm sét và mưa bắt đầu nặng hạt.
Các màu phải nép sát vào nhau để bớt sợ hãi.

Mưa nói: Các bạn thật là ngớ ngẩn.
Mỗi người đều được tạo ra với những mục đích đặc biệt. Thế giới này không thể thiếu một trong các bạn, nào, bây giờ hãy nắm lấy tay nhau. Khi đó, các màu sắc hòa hợp bên nhau và đã tạo thành một cầu vồng tuyệt đẹp. Cầu vồng nhắc nhở chúng ta luôn tôn trọng lẫn nhau và đoàn kết.

Vâng, bây giờ mời bạn cũng tôi tản mạn chi tiết hơn về các sắc màu nhé.

Quả thế, trên trời thì có mây trắng, dưới biển lại có nước xanh, vô hình như thời gian mà cũng được diễn tả là “màu thời gian thanh thanh”. Đất cũng cần phải được “màu mỡ” thì mới trồng cây tốt được Màu sắc có một vai trò rất tuyệt vời và có thể tìm được khắp nơi trong thiên nhiên như hoa phượng đỏ, hoa mai vàng. Sắc màu cũng thường được dùng đặt tên cho con như Hồng, Thanh, Dương…. Khi bó tay thì người ta mong có phép “màu” để qua khỏi vấn nạn đó. Ngay cả trong thức ăn cũng cần có nhiều sắc màu để trang trí cho dĩa đồ ăn nhìn ngon mắt hơn. Các bà nội trợ cũng hay bỏ nước màu tức là nước đường thắng cho thành màu nâu để thịt kho, cá kho được đậm đà, thơm ngon.
 
Tại sao áo cưới của cô dâu màu trắng, trái tim được vẽ màu đỏ, còn màu tím được sử dụng cho nỗi buồn? Tất cả những thói quen, quy luật trên đều được dựa trên ý nghĩa màu sắc được lưu truyền từ nhiều thế hệ. Màu sắc ảnh hưởng tới tâm trạng của con người. Tùy thuộc vào nền văn hóa khác nhau mà mỗi màu sắc lại có những ý nghĩa khác nhau, thể hiện ngôn ngữ riêng. Thậm chí người ta còn biết được tính cách của một người qua màu sắc mà người đó yêu thích. Có bao giờ bạn tự hỏi, bộ quần áo mình đang mặc trên người có ý nghĩa gì không, có hợp với hoàn cảnh không? Hiểu rõ về màu sắc, phong thủy, bạn sẽ chọn cho mình một bộ trang phục hoặc căn phòng trang trí vừa ý nhất.

Người ta nghiên cứu thấy màu sắc có tác động đặc biệt đến tâm lý, suy nghĩ, sức khỏe của từng người. Sắc màu có hàng ngàn loại khác nhau, tùy theo đậm, lợt, pha trộn theo tỷ lệ nào.

Đầu tiên hãy tìm hiểu về màu đậm nhất, đó là màu đen tượng trưng cho sự bí ẩn và chiều sâu. Có nhiều người đã thích màu đen vì thấy nó thanh lịch và trang trọng. Người hơi tròn trịa mặc đồ đen, màu tối sẽ nhìn ốm đi. Một số người khác lại cho rằng màu đen đại diện cho cái ác, sự chết chóc hoặc thế lực xấu xa đen tối. Về tâm lý, màu đen thể hiện sự bế tắc hoặc tâm trạng cô độc. Tùy vào văn hóa khác nhau mà màu đen được hiểu khác nhau. Như ở Âu Tây đi đám tang người ta mặc đồ đen, trong khi tại Việt Nam màu trắng là màu tang chế. Những nhà nghiên cứu tâm lý thấy người thích màu đen thường sống nội tâm, họ ít chia sẻ cảm xúc của mình với người  khác, vì vậy họ hay bị “stress” khi gặp vấn đề. Về hội họa, các hoạ sĩ luôn cần màu tối, màu đen để làm nổi bức tranh vẽ của mình. Trong thức ăn cũng có chè đậu đen, mè đen, tóc tiên, gà ác da đen rất được ưa chuộng.
 
Ngược lại với đen là màu trắng, biểu tượng của sự thuần khiết và thánh thiện. Những người thích màu trắng thường là những người có nội tâm phức tạp. Trắng là màu đồng phục của học trò trên ghế nhà trường, đồng thời nó cùng biểu thị cho sự trung lập, hòa giải. Lá cờ đầu hàng thường là màu trắng. Màu trắng sạch sẽ nên được sử dụng trong các dịch vụ y tế, nó cũng là một màu tuyệt vời để sử dụng trong phòng tắm. Ở nhiều nước châu Á, màu trắng xuất hiện trong các đám tang nhưng các cô dâu lại cũng mặc áo trắng trong lễ cưới, có lẽ không chõi nhau đâu vì chất liệu vải trắng của đám tang thì đơn sơ, trong khi hàng vải cho áo cưới thì phải sang trọng, kết hợp với ren, hột cườm, bông hoa tô điểm. Áo sơ-mi trắng cho quý ông luôn sang, đẹp và hợp trong mọi trường hợp.
 
Màu tím thường được ví như màu của thủy chung và mơ mộng. Đây là màu đại diện cho sự cổ xưa, hoài niệm đầy huyền bí. Những người yêu màu tím sẽ là những người thành thật, có tư duy nghệ thuật và óc sáng tạo tuyệt vời. Trong tình yêu họ được xem là những người thủy chung. Ở Thái Lan và Brazil, theo phong tục thì màu tím được mặc với màu đen trong khi để tang người thân đã khuất. Màu tím không thuộc gam màu cơ bản trong hệ thống màu sắc, nên trong công nghệ, sắc tím khá hiếm và mắc tiền hơn. Bạn có để ý không, các loại xe hơi bán ngoài thị trường có nhiều màu, trừ màu tím. Thỉnh thoảng có xe tím là do chủ nhân tự sơn lại sau này thôi, không phải là màu “original”. 

Màu tím là sự pha trộn giữa màu xanh và màu đỏ. Kết quả khảo sát cho thấy gần 75% trẻ nhỏ thích màu tím hơn các màu khác. Trong kiến trúc người ta thường chọn màu tím nhạt cho phòng ngủ, giúp mang đến những giây phút thư giãn. Bạn có thể dùng thêm loại tinh dầu nhẹ của hoa oải hương tím để giúp cho phòng ngủ thêm lãng mạn.
 
Tiếp theo là ý nghĩa của màu đỏ trong cuộc sống cũng như trong kiến trúc. Màu đỏ thể hiện quyền lực trong văn hóa của người Ấn Độ, nhưng tại Nam Phi màu đỏ làm liên tưởng đến sự chết chóc. Ở Trung Quốc và Ấn Độ, màu đỏ là màu sắc của sự thịnh vượng và hạnh phúc, nên cô dâu luôn mặc áo đỏ. Màu đỏ đậm tượng trưng cho sức sống, sự giận dữ và lòng can đảm. Màu đỏ cũng gợi nhớ một tình yêu nồng cháy, cuồng nhiệt giữa các đôi tình nhân, được sử dụng trong nhiều đám cưới. Trong tâm lý, màu đỏ kích thích đam mê, mạnh mẽ và mở rộng. Trong phong thủy, màu đỏ đại diện cho ánh lửa ấm áp, làm tim tăng nhịp đập. Màu đỏ có thể tiếp thêm năng lượng cho trẻ em, tạo cho bé sự thèm ăn. Thế nhưng cần tránh sử dụng màu đỏ trong văn phòng làm việc, vì có thể làm mất tập trung và tăng áp lực trong công việc. Riêng đối với châu Âu thì đây là màu của sự nguy hiểm và vỡ nợ. Hãng nước ngọt Coca Cola sử dụng màu đỏ làm màu chính. Ngày Noel thường có màu đỏ để biểu lộ sự vui mừng chào đón Chúa Giêsu ra đời. Vậy hãy nên cẩn trọng khi sử dụng màu sắc tùy theo địa danh, trường hợp nhé. Khi đi gần đàn bò dữ, đừng mặc áo đỏ vì chúng sẽ trở nên hung hãn. Các anh đấu bò luôn tung miếng vải đỏ để khiêu khích bò tót.
 
Trong văn hóa phương Tây, màu xanh da trời tượng trưng cho sự tin tưởng và trách nhiệm. Tuy nhiên, tiếng Anh lại có chữ "having the blues" để thể hiện cảm giác buồn bã, chán nản. Ở Thổ Nhĩ Kỳ, Hy Lạp, Iran hoặc Albania, màu xanh da trời là màu để chống lại quỷ dữ nên những tấm bùa thường vẽ đôi mắt màu xanh. Màu xanh lơ nhẹ nhàng là một trong những màu phong thủy tốt nhất được sử dụng trong phòng tắm. Ở một vài nước phương Đông, xanh da trời biểu tượng cho sự bất tử. Trong đạo Hindu, màu này có liên hệ với thần tình yêu Krishna. Nói chung màu của biển giúp ta cảm nhận được sự yên bình và tin cậy.
Màu xanh dương, đậm hơn màu xanh da trời là màu Liên Hiệp Quốc và nhiều hội đoàn, công ty đã chọn để làm màu đại diện, vì cho rằng màu này mang đến những lớp sóng đầy cảm hứng. Đối với người theo đạo Do Thái, màu xanh nước biển là màu sắc thiêng liêng, đại diện cho các vị thần. Những người thích màu xanh dương được đánh giá là đáng tin cậy, yêu thích sự bình yên, nhẹ nhàng.
 
Tiếp tới là màu vàng, đại diện cho ánh nắng nên được xem là màu thể hiện sự lạc quan, ấm áp và tâm lý tích cực. Ngoài ra, chúng luôn tạo được sức hút mạnh mẽ nên được tận dụng để đánh vào tâm lý người mua hàng. Màu vàng gắn liền với niềm vui, sự hiểu biết và năng lượng. Thế nhưng người Pháp lại cho rằng màu vàng là màu của sự lừa dối. Ở Trung Quốc, màu vàng bị kết tội làm liên tưởng đến hành động khiêu dâm, ngược lại người Nhật Bản lại bảo màu vàng đại diện cho lòng dũng cảm, sự giàu có và tinh tế. Ở một số quốc gia, treo dải ruy-băng màu vàng được hiểu là trong gia đình đang có người thân tử nạn vì chiến tranh. Ở Ai Cập, người ta mặc màu vàng là vì để tang người thân qua đời. Về mặt cảm xúc, màu vàng giúp kích thích con người để có những quyết định, thúc đẩy sự sáng tạo. Màu vàng có thể dùng trong nhà bếp, phòng ăn bởi vì nó ấm áp và hòa đồng. Ở Trung Quốc, màu vàng tượng trưng cho hoàng gia trong khi ở Đức, màu vàng thể hiện sự ghen tỵ.

Những người yêu thích màu vàng là những người có đầu óc tính toán, phong cách làm việc khoa học và rõ ràng. Họ cũng được nhận xét là khá bướng bỉnh, rất mạnh mẽ trong việc bảo vệ ý kiến mình.

 


Còn màu hồng được cho là màu của hạnh phúc, đầy nữ tính và đại diện cho các bé gái ở Tây Phương. Thế mà ngược lại, người Nhật lại cho là màu hồng liên hệ tới nam tính. Ở Hàn Quốc, màu hồng tượng trưng cho sự trung thực nhưng đối với người Trung Quốc, màu hồng là màu ngoại lai, vì thuở xưa màu hồng không được xác định trong văn hóa của người Trung Hoa. Người thích màu hồng được cho là người mỏng manh, yếu đuối nhưng cũng dễ tha thứ cho người khác.

Trong tâm lý, màu hồng được cho là giúp giảm những hành vi bạo lực. Đó là lý do nhiều nhà tù được sơn màu hồng. Đó cũng là lý do mà công nương Kate của Hoàng gia Anh mới đây trong vụ lùm xùm với vợ chồng Harry & Meghan, Kate đã mặc áo đầm hồng khi xuất hiện trên báo chí. Các nhà trang trí trong nhà cũng khuyên nên sử dụng màu hồng trong phòng ngủ để tâm trạng an bình, dễ có giấc ngủ ngon.
 
Tiếp tới thì không thể không nhắc tới màu xanh, là màu của lá cây và cũng là biểu tượng cho hy vọng. Trong tâm lý học, xanh ngọc là gam màu được sử dụng để phát triển khả năng giao tiếp, giảm căng thẳng. Trong văn hóa phương Tây, màu xanh lá cây đại diện cho sự may mắn, tươi mới. Màu xanh lá sậm tượng trưng cho tham vọng và ghen tuông. Ở Trung Đông, màu xanh lá được coi là màu sắc truyền thống của Hồi giáo. Tuy nhiên, màu này lại cũng bị cho là màu của phản bội, chẳng hạn người Tàu cho là khi nam giới đội mũ xanh lá cây, là khi người đàn ông đó đang bị vợ "cắm sừng". Nếu du lịch sang Tàu, quý anh tránh đừng đội mũ xanh lá nhé. Về tâm lý, những người yêu thích màu lá cây được xem là người chín chắn, biết lắng nghe và rất kiên trì.
 
Có một màu bị xem là màu phụ, nhưng là màu của thiên nhiên, của đất và sự mộc mạc, được sử dụng rất nhiều trong kiến trúc. Bạn biết đó là màu nào không? Câu trả lời là màu nâu tiêu biểu cho sự bền bỉ và an toàn. Về tâm lý, sắc nâu giúp con người dễ dàng bình tâm sau những khoảnh khắc bùng nổ của cảm xúc. Trong phong thủy, màu nâu liên kết giữa đất và gỗ nên được sử dụng rất nhiều.
 
Còn một màu phụ khác là màu cam, cũng là màu tượng trưng cho mùa thu. Màu cam là gam màu tạo cảm giác nóng. Tại Hòa Lan nó là màu của Hoàng gia. Màu cam là sự kết hợp giữa đỏ và vàng. Nó có thể làm tăng oxy trong não để người ta có thêm sinh lực, kích thích ăn được ngon miệng. Thế nhưng ở Trung Đông, màu cam lại liên hệ đến sự tang tóc. Amazon là thương hiệu sử dụng màu cam để truyền đạt thông điệp vui nhộn, tươi mới hấp dẫn. Trong đạo Hindu, màu cam nhạt như cây nghệ tây tượng trưng cho những triển vọng tốt và sự linh thiêng.
 
Màu xám được tạo thành khi kết hợp giữa trắng và đen. Là hai gam màu đối lập hoàn toàn với nhau, màu xám được tạo ra thể hiện sự trung lập hoặc thiếu quyết đoán. Thậm chí nó còn được cho là màu không cảm xúc. Đứng trước một background nền màu xám, cảm xúc của con người gần như bị ngưng đọng .
 
Nói chung quan niệm, ý nghĩa của màu sắc rất khác nhau trên thế giới. Có người cho là thời gian mang màu hồng, vì khi bình minh thức dậy có mặt trời đỏ chói làm ửng hồng khuôn mặt. Có người lại diễn tả thời gian mang màu xanh, với ý muốn hy vọng được vươn lên. Lại có người bi quan cho là thời gian mang màu bạc, tượng trưng cho màu tóc của cha mẹ đã bạc trắng khi tuổi già. Rõ ràng không màu nào đẹp hơn màu nào, chỉ là thích màu nào hơn và sử dụng ở đâu, trong hoàn cảnh nào thôi. Từ đó, ta nên thực hành thật nhiều việc tôn trọng sự khác biệt và sở thích của người khác.
 
Sự phát minh ra hình màu, phim có màu thay vì đen trắng là một thành công rất hữu ích trong sinh hoạt phim ảnh. Hồi xưa phim Sặc-lô chỉ có màu đen trắng.
 
Trong Phật giáo, màu sắc được gắn với năm loại trí tuệ đối ứng với ngũ độc là: tham, sân, si, kiêu mạn, tật đố:

  • A Di Đà Phật (Amitabha) sắc đỏ tượng trưng cho giáo pháp chuyển hóa lòng tham dục.
  • Bất Động Phật (Aksobya) sắc xanh dương tượng trưng cho giáo pháp chuyển hóa tâm sân giận.
  • Đại Nhật Phật (Vairocana) sắc trắng nêu biểu cho năng lực chuyển hóa vô minh.
  • Bảo Sinh Phật (Ratnasambhava) sắc vàng tượng trưng cho chuyển hóa tâm kiêu mạn.
  • Bất Không Thành Tựu Phật (Amoghasiddhi) sắc xanh lục tượng trưng cho chuyển hóa tâm tật đố.

Như thế qua việc thiền quán về màu sắc, để có được hạnh phúc, mình cần chuyển hóa những phiền não này.

Áo nâu sòng, màu vàng cũng là sắc màu chính của Ni Sư, Phật tử. Ngoài ra, màu sắc của hoa sen trong Phật giáo cũng có những ý nghĩa đặc biệt:

  • Sen trắng: Tượng trưng cho sự tinh khiết trong cơ thể và tinh thần.
  • Sen đỏ: Tượng trưng cho sự gắn bó tình cảm, khi những cánh hoa sen đỏ nở rộ, là khi trái tim rộng mở tràn đầy yêu thương.
  • Sen xanh: Là đại diện của trí tuệ và ý thức, tượng trưng cho kiến thức, học tập và trí thông minh.
  • Sen Hồng: Đại diện cho lịch sử và truyền thuyết của Đức Phật.
  • Sen tím: Đây là màu của sự thần bí và tâm linh.
  • Sen vàng: Biểu tượng của sự giác ngộ, sen vàng thường đại diện cho Phật.
 


Trong kinh thánh Công giáo, khi đọc sách Khải Huyền, ta sẽ thấy xuất hiện nhiều màu sắc như trắng, đỏ, đen…. Tiếp tới là các loại đá quý với nhiều sắc màu như cẩm thạch, bích ngọc, ngọc trai rồi tới các kim loại quý như vàng, bạc. Ngoài ra ngựa đen, mặt trời tối đen, mãng xà đỏ như lửa cũng nhiều lần được diễn tả trong Kinh Thánh. Đặc biệt việc Chúa Giêsu biến hình trên núi Tabo đã được miêu tả rất chi tiết: Khi cầu nguyện, diện mạo Chúa Giêsu biến đổi khác thường và áo Người trở nên trắng tinh sáng láng.



Trong thánh lễ của đạo Công Giáo, các giám mục, linh mục tế lễ cần mặc phẩm phục với màu sắc quy định tùy theo thời điểm, ý nghĩa của lễ Misa đó. Thí dụ màu trắng được mặc trong mùa Giáng Sinh, mùa Phục Sinh, các thánh lễ về Đức Mẹ, thiên thần, các thánh không tử đạo. Áo lễ màu trắng này cũng có thể được thay thế bằng màu vàng. Áo lễ màu đỏ được dùng trong các Chúa nhật Lễ Lá, Thứ Sáu Tuần Thánh, lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống. Áo lễ màu xanh lá cây được mặc trong mùa Thường Niên, riêng màu tím dùng trong Mùa Vọng, Mùa Chay và các lễ cầu hồn.
 
Ngoài những sắc màu thật, trong ngôn ngữ Việt Nam người ta cũng ví von, dùng nhiều loại màu không thuộc về hệ thống màu sắc thông thường. Thí dụ người ta nói những ô cửa nhuốm màu thời gian, chiếc áo cũ kỹ màu cháo lòng (không biết màu cháo lòng dịch ra tiếng Anh làm sao!!?). Các văn nhân thường hay ca ngợi màu kỷ niệm khó phai. Màu kỷ niệm là cái chi chi? Đoàn Phú Tứ trong bài thơ "Màu thời gian" đã diễn tả: "Hương thời gian thanh thanh, Màu thời gian tím ngát, Mầu thời gian thanh thanh" Bài thơ này đã được Phạm Duy phổ nhạc và phổ biến khá rộng rãi.

Giống như âm nhạc, màu sắc cũng có những tác động nhất định đến trí óc, tình cảm, nên trong ngành Tâm lý học, người ta dùng ứng dụng của màu sắc rất nhiều để trị bệnh.

Nếu bàn về âm nhạc, thì rất nhiều người biết bài “Hoa trắng thôi cài trên áo tím” phải không? Đây là bài thơ do Kiên Giang sáng tác năm 1957 rồi được nhạc sĩ Huỳnh Anh phổ nhạc. Tác phẩm nói lên tâm tình của người con trai ngoại đạo đối với cô gái xứ đạo, một cuộc tình buồn, nhiều trái ngang nhưng thánh thiện vô cùng:

“Lâu quá không về thăm xóm đạo
Từ ngày binh lửa xóa không gian
Khói bom che lấp chân trời cũ
Che cả người thương, nóc giáo đường”…
 
Bài hát “Căn nhà màu tím” cũng rất nổi tiếng. Trong bài “Chiều Tím” của nhạc sĩ Đan Thọ, lời thơ từ thi sĩ Đinh Hùng, màu tím đã trở nên hết sức thơ mộng:

“Chiều tím, chiều nhớ thương ai, người em tóc dài
Sầu trên phím đàn, tình vương không gian, mây bay quan san, có hay?”

Trong bài Chiều một mình qua phố của Trịnh Công Sơn, điệu nhạc đã rất tha thiết:

“Có khi nắng khuya chưa lên, mà một loài hoa chợt tím…”

Người ta còn chia âm nhạc ra thành nhạc vàng, tức là nhạc mùi bolero, nhạc tình cảm. Loại nhạc này từng bị Việt Cộng cấm vì họ thích nhạc đỏ, tức là nhạc hùng mạnh kêu gọi “thu đua, phấn đấu”.
 
Trong Cung Oán Ngâm Khúc, Nguyễn Gia Thiều đã miêu tả: “Muôn hồng nghìn tía đua tươi”. Trong Chinh Phụ Ngâm, tác phẩm do Đặng Trần Côn soạn, nhiều màu sắc như xanh, trắng, vàng, hồng đã được nhắc tới, đặc biệt ông cũng nói đến màu tía: “Trước gió xuân vàng tía sánh nhau”. Màu tía là màu đỏ thắm, có lẽ vì thế mà một loại rau thơm lá đỏ được đặt tên là tía tô.

Bạn có hay đọc chuyện của Hồ Trường An không, tôi rất thích việc ông miêu tả màu sắc. Hồ Trường An tả cô gái đeo miếng ngọc bích màu xanh lặt lìa, rồi màu phí thúy, thú thật tới giờ tôi cũng không hiểu ông “mean” màu gì khi dùng chữ “lặt lìa, phí thúy”, nhưng vẫn hiểu là đẹp lắm.

Trong Truyện Kiều, với hơn 3000 câu thơ, nhưng người ta thấy cố Thi Hào Nguyễn Du chưa lần nào dùng đến màu tím, đỏ. Ông lại hay nhắc tới màu xanh:

(0006) Trời xanh quen thói má hồng đánh ghen.

(0026) Hoa ghen thua thắm, liễu hờn kém xanh.

(0041) Cỏ non xanh tận chân trời

(0086) Ngày xanh mòn mỏi má hồng phôi pha.

Rồi cũng có màu trắng: 

(0042) Cành lê trắng điểm một vài bông hoa.

Và tới màu vàng:

(0190) Sen vàng lãng đãng như gần như xa

hoặc: 

(0239) Ngoài song thỏ thẻ oanh vàng

Tiếp theo là: 

(0690) Dầu lòng đổi trắng thay đen khó gì!

(1538) Trách người đen bạc ra lòng trăng hoa

Tác phẩm Kiều cũng nhắc tới màu nâu:

(1933) Sồng nâu từ trở màu thiền,

Hoặc khi không thể diễn tả được, Nguyễn Du phải viết: 

(2628) Trời cao bể rộng một màu bao la.
 
Trong thơ hiện đại, phải nhắc tới cố thi sĩ Nguyễn Bính với nét tím rất Huế:

“Tim tím rừng chiều tim tím núi
Tim tím chiều hôm, tim tím mai”

Hồi trước 1975, đồng phục của trường trung học Đồng Khánh là màu tím đậm.
Về phương diện hội họa, màu tím là sự pha trộn của màu xanh và đỏ, nếu tím hoa cà thì cần cho thêm chút màu trắng, để diễn đạt những khung trời nhớ nhung, hoài cảm.
 
Màu sắc cũng được dung trong thuyết Âm Dương – Ngũ Hành, ra đời vào khoảng thời Xuân Thu Chiến Quốc. Đại khái Kim tức kim loại, biểu tượng bằng màu trắng, và theo phong thủy chỉ hướng Tây. Mộc là gỗ, mang màu xanh, đứng về hướng Đông. Nước biểu tượng màu đen, đi về hướng Bắc. Lửa mang màu đỏ, biểu hiệu bằng hướng Nam.
 
Trong chuyện chưởng Kim Dung, cô Long - Tiểu Long Nữ - mặc bộ đồ lụa màu trắng, trông cô Long như đang được bao bọc trong một lớp sương mù. Tây Độc Âu Dương Phong và cháu là Âu Dương Cơ cũng chuyên môn mặc đồ trắng,  Hoàng Dược Sư lại thích mặc áo màu xanh.
 
Theo nhiều nghiên cứu đã được công bố, có hằng triệu màu sắc mà con người có thể nhận biết được bằng mắt thường, màu nào cũng gây ra những tác động tâm lý. Chính điều này làm nên điều kỳ diệu của màu sắc. Màu sắc là ánh sáng, ánh sáng là năng lượng. Khi bạn nhìn vào màu sắc tức là ánh sáng đã đập vào mắt bạn, nó được chuyển đổi thành xung điện, và các xung điện này truyền qua phần não xử lý cảm xúc. Thế nên mới thương cho những người khiếm thị, không thể thật sự nhìn được các sắc màu này.
 
Nhiều người nổi tiếng đã bỏ công nghiên cứu, viết về màu sắc. Đặc biệt có Karen Haller trong cuốn sách “Ứng dụng màu sắc để thay đổi cuộc sống của mình” đã cho rằng màu sắc không thể chỉ phân tích trong phòng thí nghiệm, mà màu sắc là nền tảng cho sự tồn tại hàng ngày của chúng ta. Karen Haller khẳng định: “Khi bạn yêu màu sắc, nó sẽ yêu lại bạn. Hãy lưu ý đến việc phối màu trang phục; quan tâm đến màu sắc trong nhà; nơi làm việc”.
 
Có nghiên cứu khác cho rằng con người có thể cảm nhận và “thấy” được màu sắc trong khi đang nghe một bản nhạc. Để hiểu rõ hơn về hiện tượng này, tiến sĩ Stephen Palmer tại Đại học California, Berkeley đã đưa ra các bài kiểm tra về âm thanh. Kết quả là những bài hát đem đến cho người nghe niềm hạnh phúc thường có màu sắc tươi sáng và ấm áp như màu vàng. Ngược lại khi người nghệ sĩ độc tấu kèn hoặc vĩ cầm với nhịp độ chậm, người nghe sẽ cảm nhận âm thanh ảm đạm và yếu ớt, là khi màu của âm thanh có màu sắc đậm như xanh hoặc xám.

Lại cũng có người biết “nghe” màu sắc và “nếm” âm thanh, như nhạc sĩ Olivier Messiaen (1908-1992) từng miêu tả mỗi khi ông nghe nhạc hay đọc nốt nhạc, ông nhìn thấy được các loại màu sắc trong đó. Điều này thì tôi đành nhận mình thuộc loại “đàn khẩy tai trâu”, nên xin lướt qua thôi và xin kết thúc bài phiếm luận ở đây. Rõ khổ, lần nào cũng định viết ngắn vì sợ bạn đọc mệt, nhưng linh tinh lang tang rồi cũng thành dài, bạn ráng đọc nhé.
 
Vâng, hiểu được ý nghĩa của các loại màu sắc, từ đó áp dụng một cách hài hòa là một nghệ thuật. Dù sắc màu thời gian có thể làm phai mờ tình yêu, nhưng ta vẫn có thể tô điểm lên đó những mảng màu mới, chắc là tối hơn nhưng vẫn cần thiết trong hoàn cảnh mới. Chúc bạn thành công và nhất là mong bạn luôn còn giữ mãi màu cờ Vàng trong tim, màu cờ của chánh thể Việt Nam Cộng Hòa nay đã không còn, chỉ hi vọng mãi còn trong chính trái tim của bạn.
 
Nguyễn Ngọc Duy Hân



No comments

Powered by Blogger.