Phạm Văn Tuấn
Khi Thế Chiến Thứ Nhất bùng nổ, Frederic Henry đang du học tại nước Ý. Chàng
tình nguyện làm tài xế lái xe cứu thương của quân đội, được phong cấp bậc
Thiếu Úy rồi được gửi tới miền núi phía bắc, nơi mà quân Ý đang giao tranh
với quân Áo.
Vào mùa Thu năm 1916, tuyết rơi sớm
nên quân đội Ý hoãn các cuộc tấn công qua năm sau. Henry vì thế được nghỉ
phép. Vị tuyên úy thúc dục chàng về miền quê thăm gia đình nhưng Henry đã đi
tới hai thành phố Rome và Naples, tại hai nơi này chàng chỉ uống rượu và
theo đuổi phụ nữ. Sau kỳ nghỉ phép, Henry trở lại đơn vị, lòng đầy bất mãn
và cảm thấy tội lỗi vì đã phí phạn thời giờ và tiền bạc.
Tại đơn vị, một người bạn cùng phòng
của Henry tên là Rinaldi cho chàng biết rằng các nữ y tá người Anh mới tới
phục vụ tại bệnh viện và Rinaldi đã để ý tới một cô, tên là Catherine
Barkley. Rinaldi kéo Henry tới thăm các cô y tá rồi ngay sau đó, Henry và
Catherine đã chú ý tới nhau. Khi không bận việc lái xe cứu thương, Henry
thường tới thăm Catherine. Chàng coi sự giao du này là cách tán tỉnh trong
thời chiến, một mối liên lạc tốt đẹp hơn là tìm cách yêu đương một trong các
nàng kiều nữ tại Villa Rossa, một ổ điếm dành cho các sĩ quan. Tuy nhiên,
Henry thú nhận rằng chàng cảm thấy "cô đơn và trống rỗng" sau mỗi lần
say sưa, và chàng nhớ nhung nàng Catherine.
Về phía Catherine, thái độ của nàng
phức tạp hơn. Nàng có vẻ cần tình yêu và đã từng bị tổn thương vì người yêu
mà nàng đã đính hôn, một cậu trai người Anh, đã bị chết vì mìn nổ tại nước
Pháp. Nàng giúp đỡ Henry và trước khi chàng ra trận, nàng đã tặng cho chàng
chiếc mề đay Saint Anthony để hộ mệnh cho chàng.
Tại mặt trận, quân đội Ý bắt đầu tấn
công. Khi bị quân Áo oanh tạc, Henry cùng bốn người tài xế khác trú ẩn trong
một hầm hố nhưng một quả đạn đại bác đã nổ rất gần, khiến cho Henry bị
thương nặng ở chân. Một người tài xế khác bị chết do không cầm được máu.
Henry được đưa về trạm y tế rồi được chuyển sang bệnh viện. Tại nơi này, vị
linh mục và Rinaldi đã tới thăm Henry. Chàng lại nhận được một tin mừng là
sẽ được chuyển sang điều trị tại một bệnh viện Hoa Kỳ ở Milan, nơi mà nàng
Catherine đã được thuyên chuyển tới làm việc.
Tại Milan, Henry phục hồi dần và
Catherine thường viếng thăm chàng. Mỗi lần nàng bước vào phòng, chàng thấy
rung cảm, thấy yêu nàng. Và nàng Catherine cũng tình nguyện làm ca đêm để
hai người có thể ở bên nhau nhiều thời giờ hơn.
Sau đó, cuộc giải phẫu chân của Henry
đã thành công. Chàng có thể đi đứng bình thường và cùng với nàng Catherine,
họ tới quán ăn, cùng ngồi xe ngắm cảnh và cưỡi ngựa. Henry muốn kết hôn với
Catherine nhưng nàng còn lưỡng lự. Thế rồi vào một đêm, Catherine cho chàng
biết nàng đã mang thai.
Ngày hôm sau, Henry tỉnh dậy và được
chẩn bệnh là mắc bệnh vàng da. Người trưởng y tá đã báo cáo với cấp trên là
Henry tìm cách trốn tránh ra mặt trận bằng cách uống rượu say sưa. Giấy nghỉ
phép của Henry vì thế bị từ chối và chàng được lệnh ra mặt trận ngay sau khi
bình phục.
Frederic Henry trở lại mặt trận. Tới
lúc này, quân đội Ý đang gặp thất bại. Quân Đức đã tăng cường giúp quân Áo
khiến cho quân Ý phải bỏ chạy tán loạn. Henry đã lái xe cứu thương rút lui
trước khi quân Đức tiến tới. Để tránh lối bế tắc trước mặt, Henry dùng con
đường bên. Xe cứu thương bị xa lầy. Các tài xế đã bỏ xe, chạy lấy người.
Trong cuộc bỏ chạy này, họ suýt gặp các toán quân tuần tiễu Đức. Có người
trong nhóm bị chết vì bị bắn xẻ, cũng có người phải đầu hàng quân địch.
Henry và nhiều người khác đi theo
dòng người rút lui, tới được cây cầu bắc qua dòng sông Tagliamento. Tại phía
bên kia của cây cầu, các quân cảnh người Ý đang lùng bắt các sĩ quan cao
cấp, xét xử họ một cách sơ sài rồi đem ra xử bắn vì tội đào ngũ. Do nói
tiếng Ý với giọng ngoại quốc, Henry bị bắt vì bị tình nghi là một kẻ gián
điệp Đức. Chàng đã tìm cách lấn trốn, nhẩy xuống sông, bơi ra xa ngoài tầm
đạn bắn tới. Chàng trú ẩn trong cánh đồng miền Venetian rồi theo xe tải, đi
tới Milan. Trở lại bệnh viện, chàng được tin nàng Catherine đang nghỉ phép
tại Stresa, một tỉnh nằm trên bờ hồ gần biên giới Thụy Sĩ.
Henry bèn dùng quần áo dân sự, đi tới
Stresa để gặp Catherine. Tại khách sạn, người pha rượu cho Henry biết chàng
đang bị truy nã và rồi hai người đã tìm cách trốn qua nước Thụy sĩ trung
lập. Tối hôm đó, Henry chèo thuyền suốt đêm. Chàng lẩn tránh được các toán
tuần phòng người Ý và cuối cùng đã tới được đất Thụy Sĩ. Tại nơi này, hai
người đã bị cảnh sát bắt giữ nhưng nhờ có đủ thông hành hợp lệ, họ được trả
tự do.
Henry và Catherine mướn phòng khách
sạn và trải qua nhiều thời giờ yên vui, chờ đợi đứa con chào đời. Họ bàn
chuyện sẽ làm gì khi chiến tranh chấm dứt. Sau đó, họ dời về Lausanne, gần
một bệnh viện.
Trong lần sinh con, Catherine đã gặp
khó khăn. Bác sĩ chăm sóc nàng đã phải dùng thuốc mê và đứa con đã chết sau
lần giải phẫu. Henry tới thăm viếng Catherine trong bệnh viện. Nàng bị xuất
huyết và ít có hy vọng sống sót. Henry đã nhìn thấy nàng chết dần dần. Chàng
đã cố gắng ngỏ lời từ biệt với người chết và thấy rằng cách bày tỏ tâm sự
này giống như nói với một pho tượng. Chàng từ biệt và trở về khách sạn trong
cơn mưa.
Ernest Miller Hemingway để lại một số lượng lớn bản thảo, một số đã được
xuất bản trước khi ông qua đời. Các nhân vật trong truyện của Hemingway là
biểu hiện của các cách nhìn cuộc đời và các giá trị thực của nhà văn. Các
nhân vật chính trong các cuốn "Mặt Trời vẫn còn mọc",
"Giã Từ Vũ Khí" hay "Vì ai, hồi chuông báo tử" là những thanh
niên có sức mạnh, tự tin nhưng đã gặp các vết thương vì chiến tranh.
Chiến Tranh đối với Hemingway là một biểu tượng mạnh của thế gian qua đó nhà
văn đã nhìn thấy hầu như chứa đầy các khó hiểu về luân lý, các tàn phá, các
đau đớn không tránh khỏi và để vượt qua thứ thế giới như vậy, con người phải
hành động bằng danh dự, can đảm, chịu đựng, phẩm cách, và toàn bộ các nguyên
tắc này được gọi là
"quy luật của Hemingway" (the Hemingway code).
Ernest Hemingway đã viết về các phấn đấu can trường, thường khi không mang
lại kết quả, để chống chọi với cuộc đời. Về sau, Hemingway đã chuyển hướng,
quay sang các vấn đề xã hội. Bằng các tiểu thuyết, Hemingway đã mạnh mẽ lên
án các bất công về kinh tế và chính trị và trong cuộc Nội Chiến Tây Ban Nha,
ông đã viết rằng việc mất tự do đang lan tràn tại khắp nơi.
Ernest Hemingway là một con người
sống trong tương phản. Danh tiếng của ông gắn liền với chiến tranh và lòng
cam đảm, với tình yêu và bạo lực, với vẻ đẹp và cõi chết. Hemingway đã trải
qua nhiều năm trường tại các thành phố lớn của châu Âu cũng như trong các
làng mạc bán nhiệt đới của xứ Cuba, từ các đấu trường với bò rừng của xứ Tây
Ban Nha tới miền rừng cây vắng vẻ trên lãnh thổ Canada, và cuộc đời của ông
mang nhiều màu sắc, nhiều kinh nghiệm của người lính, người thợ săn, kẻ đấu
bò rừng, của con người đam mê tình yêu, của con người thực tế đã tỉnh ngộ
cũng như của một tiểu thuyết gia bị định mệnh đưa đẩy vào cõi sống và cõi
chết. Chính vì vậy, các tác phẩm của ông là thể hiện một cuộc đời phiêu lưu
nhiều kinh nghiệm và cả tài năng của một nhà văn xuất sắc.
Các sáng tác của Ernest Hemingway là
các phản ảnh cuộc đời của tác giả bởi vì theo như một câu nói cổ điển
"trong mỗi tác phẩm có một phần nào tiểu sử tác giả" và người ta đã
thấy ở ông hai con người, một là nhà mạo hiểm, phiêu lưu, thường đi gần cõi
chết và con người thứ hai là nhà văn có biệt tài nhận xét, quan sát, nhậy
cảm với nhiều lối sống xã hội, viết ra các kinh nghiệm thành những câu
chuyện, đồng thời phân tích tư tưởng của các nhân vật và những người trong
chuyện này đã hành động theo bản năng hay do suy nghĩ chín chắn? Trước nhiều
thử thách cam go, nhiều đau khổ, con người đã chịu đựng và đối phó ra
sao?
"Giã Từ Vũ Khí" (A Farewell to Arms) là một câu chuyện của hai người
nam nữ gặp nhau và yêu nhau tại một nơi xa lạ, nhưng đây không hẳn là một
câu chuyện tình và các chủ đề của tác phẩm gồm có tình yêu, chiến tranh, các
giá trị của con người và sự tỉnh ngộ.
Với "Giã Từ Vũ Khí" là câu
chuyện tình, mục đích của tác giả là cho thấy, ngay cả khi thế giới lâm vào
hoàn cảnh chiến tranh, tình yêu vẫn nẩy nở giữa hai người. Nhưng tình yêu đã
có các giới hạn. Frederic Henry khởi đầu là một con người thơ ngây, muốn tìm
cảm giác mạnh nên đã đầu quân. Nhưng kinh nghiệm đã chuyển hướng Henry thành
con người nếm mùi cay đắng. Chàng đã lẩn trốn vì cảnh chết chóc và vì tình
yêu. Henry cảm thấy bị mắc bẫy theo sinh lý học bởi sự mang thai của
Catherine cũng như tình yêu bị mắc bẫy vào vòng tử vong, cuộc tình chấm dứt
khi Catherine qua đời.
Henry là con người nhận thức được rằng các giá trị cổ truyền theo Thiên Chúa
Giáo không còn hoạt động hữu hiệu trong thế giới mới vì vậy chàng là người
cô đơn, bối rối, tâm chưa yên. Điều mỉa mai đối với Henry là tình yêu không
thể thắng được số mệnh và không có giá trị nào trường tồn. Henry cho rằng
khi con người được ban cho các ân huệ của đời sống, thì cũng phải trả giá.
Sự chết là đoạn cuối của mọi người và mỗi người phải học đối phó với sự việc
này. Người ta không những phải học cách sống cho tốt đẹp mà con phải học cả
cách chết. Con người vì thế là một hình ảnh bi thương, bị kết án bởi định
mệnh hay thay đổi, trong khi đó tình yêu là chất keo, kết nối con người lại
với nhau.
Ngoài câu chuyện tình yêu,
"Giã Từ Vũ Khí" còn là một tác phẩm khảo sát chiến tranh. Hemingway
viết rõ ràng và hiện thực về chiến tranh. Đây là mối tranh chấp chứa đựng
sức mạnh không thuộc về cá nhân, đã tàn phá sự hữu lý (rationality). Tác giả
đã có cảm tình với các người lính tầm thường, không phải với các ông tướng
chỉ huy. Tác giả không thảo luận về các chiến thuật mà nói về các cá nhân bị
mắc vào cạm bẫy đau khổ và chết chóc bởi tay của các kẻ khác.
Chiến tranh làm thể hiện các bản năng sơ khai của con người và chiến tranh
đã làm áp lực lên con người. Các phản ứng của con người trước cái chết là
lòng can đảm hay tính hèn nhát và tác giả đã mô tả rõ ràng các giá trị của
con người thời chiến và con người thời bình, đồng thời con người thời bình
không thể hiểu nổi các vấn đề của trận mạc.
"Giã Từ Vũ Khí" vừa là cuốn
tiểu thuyết về chiến tranh, vừa là chuyện tình của hai người cần có nhau
trong một thời kỳ biến động, một loại truyện "Roméo và Juliet" mới,
chứa bên trong cường độ và bi kịch, diễn ra với hậu cảnh là chiến tranh, với
nhịp độ thay đổi theo vui - buồn, theo cảnh sống và cảnh chết.
Ernest Miller Hemingway (1899-1961) là người con thứ hai trong số 6 người
con của bác sĩ Clarence Edmonds Hemingway và bà Grace Hall Hemingway, chào
đời vào ngày 21 tháng 7 năm 1899 tại Oak Park, gần thành phố Chicago, thuộc
tiểu bang Illinois. Mẹ của Ernest là bà Grace, là một người ngoan đạo, có
tài về âm nhạc nên đã muốn cho Ernest phát triển năng khiếu này nhưng đối
với bà Grace, Ernest Hemingway là một nỗi thất vọng.
Cậu thiếu niên này được học âm nhạc, tập hát và tập đàn hồ cầm (cello) nhưng
mỗi khi mẹ đi vắng, Hemingway đã cùng các bạn chuyển căn phòng tập nhạc
thành võ đài đấu quyền Anh. Bản tính ưa chuộng chủ nghĩa cá nhân đã thể hiện
nơi con người của Hemingway bằng các phản kháng nhỏ nhặt, để rồi trong cuộc
đời sau này, đã hiện ra bằng các hành động trên tầm vóc lớn hơn.
Ernest Hemingway theo học trường
trung học Oak Park và trong thời gian còn đi học, đã bắt đầu viết văn và
tham gia vào các hoạt động báo chí của trường. Cuộc sống thời trẻ tuổi này
đáng nhớ vì Ernest cùng với gia đình trải qua những mùa hè tại miền bắc của
tiểu bang Michigan, bên hồ Walloon. Chính tại nơi thiên nhiên này, Ernest
Hemingway đã thừa hưởng ở cha hai thú vui là săn bắn và câu cá, và những kỷ
niệm thời thơ ấu đã tạo nên các ấn tượng trong Ernest và phản ánh sau này
qua nhân vật Nick Adams như trong hai truyện ngắn
"Trại Mọi Da Đỏ "(Indian Camp) và
"Giòng sông đôi đường" (Big Two-Hearted River).
Tại trường trung học, Ernest Hemingway tham gia môn bóng bầu dục và quyền
Anh và cũng do môn thể thao sau này mà Hemingway bị thương tại mắt trái. Đây
là lý do mà Ernest Hemingway bị quân đội Hoa Kỳ từ chối, không nhận nhập
ngũ. Môn quyền Anh đã là một sở thích lâu dài của Hemingway, là chất liệu để
ông viết ra các truyện ngắn với những danh từ trong nghề.
Năm 1917, Ernest Hemingway tốt nghiệp
trung học và vì không muốn bước lên đại học, nên tới thành phố Kansas, làm
phóng viên cho tờ báo "Ngôi Sao" (Star). Cuộc đời phóng viên trong
nước đã không hấp dẫn Ernest Hemingway được lâu, bởi vì ông đang hướng về
châu Âu là nơi đang xẩy ra cuộc Thế Chiến Thứ Nhất. Do ưa thích mạo hiểm,
Ernest Hemingway đã tình nguyện tham gia vào Hội Hồng Thập Tự Hoa Kỳ và qua
miền bắc nước Ý, làm tài xế xe cứu thương.
Vì Hội Hồng Thập Tự đã đặt các trạm cấp cứu gần nơi trận tuyến, công việc
của Hemingway là lái xe và phân phối cho binh lính các gói kẹo và thuốc lá.
Hemingway đã ghi lại như sau:
"mỗi buổi chiều và buổi sáng, tôi bỏ đầy đồ vật vào túi đeo và mang theo
hộp đồ ăn cùng mặt nạ hơi ngạt rồi chạy ra chiến hào, như thế là đủ vui
rồi".
Vào ngày 18-7-1918, khi chưa tròn 19
tuổi, Ernest Hemingway đã bị thương vì các mảnh đạn trái phá tại mặt trận
Fossalta thuộc miền Piave nước Ý, giáp với nước Áo. Mặc dù các vết thương,
Hemingway còn cõng một binh lính người Ý, mang tới địa điểm chỉ huy. Trên
đường đi, Hemingway lại bị quân địch bắn hai tràng đạn liên thanh, vào đầu
gối và vào chân. Hemingway được chữa trị tại bệnh viện Milan, được tưởng
thưởng huy chương anh dũng.
Các kinh nghiệm trên chiến trường, những đau khổ do các cuộc tàn sát gây nên
đã cung cấp cho Ernest Hemingway những hiểu biết để sau này viết ra tác phẩm
"Giã Từ Vũ Khí" (A Farewell to Arms, 1929), một tiểu thuyết nổi danh
nhất đề cập tới chiến tranh. Trong thời gian nằm dưỡng bệnh, Hemingway đã
đam mê cô y tá người Mỹ tên là Hannah Agnes von Kurowsky. Hai người đã trao
đổi với nhau một số thư từ nhưng vì cô Agnes cao tuổi hơn và muốn tận tụy
với nghề y tá, nên mối tình của hai người dần dần phai lạt. Hemingway trở về
Hoa Kỳ và nàng Agnes ở lại. Sau khi đã yêu một người Ý, nàng Agnes biên thư
cho Hemingway, yêu cầu ông hãy quên đi những gì đã xẩy ra, thế nhưng
Hemingway vẫn giữ mãi các bức thư tình trong suốt cuộc đời.
Sau Thế Chiến Thứ Nhất, Ernest
Hemingway trở về Hoa Kỳ và sinh sống tại miền bắc của tiểu bang Michigan.
Ông bắt đầu đọc sách, câu cá và viết truyện. Hemingway đã làm một số công
việc bình thường tại Chicago và nhờ nơi này, làm quen với nhà văn Sherwood
Anderson.
Năm 1921, Hemingway kết hôn với cô Hadley Richardson rồi hai người dọn qua
thành phố Paris vì Hemingway nhận chân phóng viên cho tờ báo Ngôi Sao
Toronto (the Toronto Star). Do bức thư giới thiệu của Sherwood Anderson,
Hemingway làm quen với các nhà văn lưu lạc người Mỹ như F. Scott Fitzgerald,
Ezra Pound và Gertrude Stein. Cũng tại nhà của nữ văn sĩ Gertrude Stein mà
Hemingway quen biết nhiều tác giả và nghệ sĩ, và cũng chính Gertrude Stein
bình phẩm về giới nhà văn trẻ là một
"thế hệ lạc lõng" (the lost generation).
Đây là lời nhận xét đặc biệt mà về sau, Hemingway đã dùng trong cuốn tiểu
thuyết chính đầu tiên, cuốn
"Mặt Trời vẫn còn mọc" (The Sun also rises), xuất bản năm 1926. Danh
từ "thế hệ lạc lõng" đã mang một ý nghĩa đối với các độc giả của
Hemingway. Đó là các thái độ của thế hệ sau chiến tranh, đặc biệt của các
nhà văn trẻ bởi vì cuộc sống và niềm tin của họ đã bị tổn thương vì chiến
cuộc, vì các tham lam vật chất đang dần dần trở nên một thực tại khiến cho
đời sống hóa thành vô nghĩa.
Trong thời gian làm phóng viên tại
Paris, Ernest Hemingway đã đi khắp châu Âu, phỏng vấn các nhân vật danh
tiếng như Lloyd George, Clemenceau và Mussolini… rồi vào năm 1925, cuốn tiểu
thuyết quan trọng đầu tiên của Hemingway được xuất bản tại New York với tên
là "Trong thời đại của chúng ta" (In Our Time). Cũng vào thời gian
này, nhiều thú vui như trượt tuyết, coi đấu bò rừng, đi câu cá và đi săn… đã
là từng phần của cuộc sống của ông và từ đó tạo nên nền móng của các cuốn
tiểu thuyết sau này.
Vào năm 1927, Ernest Hemingway ly dị
với người vợ thứ nhất, rồi cùng vào năm này, lại kết hôn với cô Pauline
Pfeiffer, một nhà văn nữ của tạp chí Vogue. Hai người dọn nhà qua Key West,
thuộc tiểu bang Florida vào năm 1928. Một sự việc gây chấn động tới
Hemingway vào năm này là cuộc tự sát của người cha, bởi vì ông Clarence
Hemingway đã tuyệt vọng vì bệnh cao huyết áp và bệnh tiểu đường. Ý tưởng về
tự sát đã phản ánh qua các bài viết của Hemingway, qua tư tưởng của nhân vật
Robert Jordan trong cuốn tiểu thuyết
"Vì ai, hồi chuông báo tử" (For Whom the Bell Tolls) xuất bản vào năm
1940. Hãng Phim Paramount Pictures đã mua bản quyền của cuốn truyện này với
giá cao kỷ lục vào thời bấy giờ là 150,000 mỹ kim cộng thêm điều kiện do
Hemingway đặt ra, là các tài tử chính trong phim phải do Gary Cooper và
Ingrid Bergman phụ trách.
Trong thời gian còn làm phóng viên
nước ngoài tại thành phố Paris, Ernest Hemingway đã lưu tâm tới tình hình
chính trị của nước Tây Ban Nha dưới triều đại Vua Alfonso-12. Hemingway đã
thăm viếng xứ này vào mùa hè năm 1931 sau khi chế độ quân chủ bị lật đổ và
ông đã tiên đoán rằng cuộc nội chiến sẽ xẩy ra vào năm 1935.
Tới khi cuộc nội chiến bùng nổ thực sự, Ernest Hemingway bắt đầu viết và đọc
các bài diễn văn từ năm 1936 để gây quỹ cho phe Cộng Hòa Tây Ban Nha. Năm
1937, Hemingway qua nước Tây Ban Nha để tường thuật về cuộc chiến bằng các
bài viết cho Liên Hiệp các tờ báo Bắc Mỹ. Nhiều người trẻ từ Hoa Kỳ và từ
các quốc gia khác cũng tham gia vào lực lượng Trung Thành (the Loyalists) để
bảo vệ các lý tưởng dân chủ, nhưng cuối cùng nhà độc tài Francisco Franco đã
thắng cuộc chiến.
Vào năm 1940, Hemingway và Pauline đã
ly dị nhau và Hemingway cưới nhà văn Martha Gelhorn. Hai người đi du lịch
vòng quanh Trung Hoa rồi tới xứ Cuba định cư. Khi Thế Chiến Thứ Hai bùng nổ,
Ernest Hemingway đã tình nguyện đóng góp với Hải Quân Hoa Kỳ bằng con thuyền
đánh cá "Pilar" với công tác canh chừng các tầu ngầm Đức xuất hiện trong
vùng biển Caribbean.
Thế Chiến Thứ Hai diễn ra tại châu Âu đã lôi cuốn Ernest Hemingway, khiến
ông trở thành một thông tín viên và trưởng ban châu Âu của Tạp Chí Collier.
Do muốn tường thuật về cuộc chiến, Hemingway đã nhiều lần bay theo lực lượng
Không Quân Hoàng Gia Anh trong các cuộc oanh tạc trên miền đất Pháp bị quân
đội Đức chiếm đóng.
Vào ngày 6-6-1944, Ernest Hemingway tham dự cuộc đổ bộ của quân đội Đồng
Minh lên bờ biển Bắc Âu và có mặt khi thành phố Paris được giải phóng khỏi
quân đội Đức Quốc Xã. Người ta còn kể lại rằng khi quân Đồng Minh tiến vào
khách sạn Ritz tại Paris, họ đã thấy có tấm bảng ghi câu viết:
"Ba đã chiếm khách sạn. Nhiều đồ uống dưới hầm rượu". "Ba" (Papa) là
tên gọi vui đùa dành cho Ernest Hemingway.
Sau một lần ly dị nữa vào năm 1944,
Ernest Hemingway lại cưới cô thông tín viên của Tạp Chí Time tên là Mary
Welsh. Sau chiến tranh, họ sống với nhau tại Venice rồi cuối cùng, quay về
cư ngụ trong một nông trại gần Havana, thuộc xứ Cuba.
Năm 1950, Ernest Hemingway cho xuất
bản cuốn truyện
"Qua sông và vào trong rừng" (Across the River and into the Trees)
nhưng sáng tác này đã không thành công. Tới năm 1952, một tác phẩm khác của
Hemingway đã mang lại ngôi vị cho ông trên văn đàn, đó là cuốn
"Ông Già và Biển Cả" (The Old Man and the Sea) và nhờ cuốn tiểu
thuyết ngắn này, Ernest Hemingway được tặng giải thưởng văn học Pulitzer năm
1953.
Vào tháng 1 năm 1954, Hemingway qua
châu Phi để săn thú rừng và người ta đã loan tin ông bị tử nạn máy bay trong
chuyến đi đó. Nhưng Hemingway đã sống sót, chỉ bị thương nặng về cột sống và
nội tạng nhưng cũng nhân dịp này, ông được đọc những lời chia buồn thiện
cảm. Cũng vào năm 1954, Ernest Hemingway nhận được Giải Thưởng Nobel về Văn
Chương mà Hàn Lâm Viện Thụy điển đã trao tặng
"vì thể văn mạnh mẽ dùng trong nghệ thuật kể chuyện mới lạ và thể hiện
gần đây nhất qua tác phẩm "Ông Già và Biển Cả".
Vào buổi sáng Chủ Nhật, 2 tháng 7 năm 1961, Ernest Hemingway thức dậy sớm
trong ngôi nhà tọa lạc tại một nơi vắng vẻ của thị trấn Ketchum, Idaho, đã
nạp đạn vào khẩu súng săn hai nòng, đặt báng súng trên sàn nhà và đưa nòng
súng vào đầu mình rồi bóp cò. Nhiều người danh tiếng trên thế giới đã tự
sát, để lại mẩu giấy ghi rõ lý do, nhưng đối với Ernest Hemingway, đã không
có lời trối trăn nào ngoài hình ảnh của các nhân vật trong nhiều cuốn tiểu
thuyết mà ông đã sáng tạo ra. Ernest Hemingway đã lập gia đình bốn lần, khi
qua đời để lại ba người con trai.
Ernest Hemingway dùng thể văn trong sáng, rõ ràng, với các câu văn phần lớn
gồm danh từ và động từ, rất ít tính từ và trạng từ, lại dựa trên sự lặp lại
và nhịp điệu để gây ra ấn tượng tác dụng. Hemingway đã mô tả một loạt các
hành động bằng các câu văn ngắn, đơn giản, không dùng tới các lời phê bình
theo tình cảm hay mang tính tu từ, ông tránh mô tả trực tiếp các cảm giác và
tư tưởng của các nhân vật trong truyện và như vậy, tác giả chỉ cung cấp cho
độc giả các sơ liệu của kinh nghiệm mà không đề cập tới quan điểm của người
viết. Độc giả được cung cấp các tiếp xúc sát với thực tế.
Hemingway đã quan niệm rằng nhà văn phải trình bày đề tài một cách chân thật
do chính mình tham dự hay quan sát đề tài thật gần và cách làm như vậy mới
chứng tỏ được hiểu biết chuyên môn của tác giả. Ông cũng dùng thể văn đối
thoại đơn giản, tự nhiên và thể văn đặc sắc của Hemingway đã được nhiều nhà
văn bắt chước trong Thế Kỷ 20.
Phạm Văn Tuấn
Tài liệu tham khảo: Wikipedia.org.; Britannica Encyclopedia.
Subscribe to:
Post Comments
(
Atom
)
Post a Comment