Header Ads

Bản Lĩnh Chính Trị Của Một Người Không Biết Chữ


Bùi Quý Chiến

Ông tổ nhà Trần là Trần Lý có 3 người con: Trần Thừa, Trần Tự Khánh và Trần thị (sử không chép tên) .
Vua Lý Huệ Tông lập Trần thị làm hoàng hậu, phong Tự Khánh làm Phụ chính (số 2 sau vua) và phong Trần Thừa làm Nội thị phán thủ (quản trị cung cấm).

Người em họ của anh em Trần Thừa là Trần Thủ Độ được phong làm Điện tiền chỉ huy sứ (coi việc quân bị).

Thủ Độ công nhận mình không biết chữ.

Tuy chức vụ chỉ thuần về quân sự nhưng Thủ Độ tỏ ra có bản lĩnh về chính trị. Điều đáng kể là Thủ Độ hành động không vì cá nhân mình nhưng vì tiền đồ nhà Trần.

Dùng hôn nhân để đảo chính

Hoàng hậu Trần thị chỉ sinh được 2 công chúa là Thuận Thiên và Chiêu Thánh. Công chúa Thuận Thiên được gả cho Trần Liễu (con trưởng của Trần Thừa; con cô lấy con cậu).
 
Công chúa Chiêu Thánh rất được vua cha yêu quý.

Vì không có con trai, năm 1224 Huệ Tông nhường ngôi cho Chiêu Thánh rồi ra tu ở chùa Chân giáo. Chiêu Thánh lên ngôi tức Chiêu Hoàng, nữ hoàng thứ nhì trong lịch sử sau Trưng Vương.

Trần thị được tôn là Thái hậu. Thủ Độ và Thái hậu tư thông với nhau.

Người con thứ của Trần Thừa là Trần Cảnh mới 8 tuổi được đưa vào cung cấm làm Nội chính thủ (phục dịch trong cung cấm). Chiêu Hoàng bấy giờ tuy chưa trưởng thành nhưng sớm dậy thì nên thấy Trần Cảnh thì động lòng yêu. Để tỏ tình, Chiêu Hoàng thường vui đùa khi gặp Trần Cảnh.

Hiểu tình ý của Chiêu Hoàng, Trần Cảnh chỉ tường trình với Thủ Độ chứ không dám vượt qua khuôn phép .
Nắm bắt cơ hội, Thủ Độ bàn với Trần thị gả Chiêu Hoàng cho Trần Cảnh.
 
Năm 1225, trước văn võ bá quan, Thủ Độ dàn cảnh Chiêu Hoàng như một người đã trưởng thành tự nguyện nhường ngôi cho chồng vì không đủ tài đức trị nước.
 
Thật đúng là cuộc đảo chính không bạo lực và không cưỡng bức, nhưng triều thần đều hiểu ngầm có sự sắp đặt kín đáo và khôn khéo từ trong cung cấm.

Bức tử vua Lý Huệ Tông 

Chùa Chân Giáo - nơi tu hành của vua Huệ Tông - nằm ngoài cung cấm nhưng trong hoàng thành.
 
Tuy vua đã nhường ngôi cho con và chọn đường tu hành để xa lánh trần thế nhưng Thủ Độ vẫn chưa yên tâm.

Vua thường ngồi nhổ cỏ trước chùa, một hôm Thủ Độ đi qua nói với vua: "Nhổ cỏ phải nhổ cả rễ". 

Vua đứng lên phủi tay đáp: "Nhà ngươi nói ta hiểu rồi".

Nhân một buổi vua ra chơi chợ Đông ở ngoài hoàng thành, dân kinh thành kéo tới xem, có người động lòng thương khóc cho số phận của vua.

Biết chuyện này, Thủ Độ lo ngại sẽ có biến loạn vì lòng dân còn thương nhớ nhà Lý. Từ đó việc canh giữ chùa càng nghiêm ngặt hơn.

Cuối cùng, một ngày định mệnh vào mùa thu năm 1226, Thủ Độ cho người mang hương hoa tới dâng vua và nói "Thượng phụ có lời trần thỉnh". Vua hiểu Thủ Độ mời tới nhằm hãm hại mình nên quyết định tự tử. Sau khi tụng kinh, vua ra vườn sau chùa thắt cổ chết.
 
Thủ Độ cho các quan tới khóc viếng (!). Tường thành phía nam được khoét cửa để đưa linh cữu vua ra thiêu (sau này người kinh thành gọi cửa này là "cửa khoét").
 
Tro cốt của vua được táng vào tháp chùa Bảo Quang. 

Trước khi tự tử vua nguyền rằng "Thiên hạ nhà ta mày đã cướp mất, nay còn hãm hại ta; mai sau con cháu nhà mày cũng phải chịu như thế."

(Cuối đời nhà Trần,  Hồ Quý Ly ép vua Trần Thuận Tông - cũng là con rể của Qúy Ly - phải nhường ngôi cho con mới 3 tuổi. Sau đó Qúy Ly cho người giết Thuận Tông. Người con của Thuận Tông - cũng là cháu ngoại của Qúy Ly - lên ngôi tức Thiếu Đế. Qúy Ly dàn cảnh cháu ngoại nhường ngôi cho mình. Sự kiện lịch sử này ngẫu nhiên tương tự với trường hợp cuối đời nhà Lý nhưng các sử gia xưa cho là ứng với lời nguyền của vua Lý Huệ Tông).

Xóa bỏ tông tích nhà Lý 

Sau khi Huệ Tông bị bức tử, các cung nhân và con gái của các tôn thất nhà Lý bị gả cho các tù trưởng miền thượng du.

Năm 1232 triều đình bố cáo danh sách tên húy của tổ tiên nhà Trần đang thờ ở thái miếu và các địa phương để toàn dân phải kiêng tên húy. Nhân dịp này, tên húy của nội tổ vua Thái Tông là Lý trùng với họ Lý nên Thủ Độ buộc những người mang họ Lý phải đổi sang họ Nguyễn.

Mùa đông năm 1232 các tôn thất nhà Lý họp nhau làm lễ tế các vua triều Lý tại thôn Thái đường xã Hoa lâm (nay thuộc Nam ninh, Ninh Bình).

Thủ Độ cho đào hầm dưới nền nhà, đợi sau cuộc tế lễ khi mọi người ăn uống say sưa, giật sập hầm chôn sống.

Áp chế vua Thái tông

Thường thường vị vua đầu tiên của một triều đại được tôn là Thái Tổ, như Lý Thái Tổ (Lý Công Uẩn), Lê Thái Tổ (Lê Lợi)... tiếp theo là Thái Tông, Thánh Tông, Nhân Tông ...

Nhưng vua đầu tiên của nhà Trần chỉ được tôn là Thái tông, ngôi Thái Tổ bỏ trống. Khi Trần Thừa là Thượng hoàng mất, triều đình tôn là Huy Tông. Cho tới năm 1248 Thái Tông mới truy tôn cha là Thái Tổ.

Thủ Độ chỉ được chính thức phong chức Thái Sư Thống Quốc Hành Quân Vụ Chính Thảo Sư (tương đương Tổng Tham Mưu Trưởng) nhưng quyền hành lấn át vua Thái Tông.

Có một người gặp vua Thái Tông, xúc động chảy nước mắt hạch tội Thủ Độ rằng:

"Bệ hạ còn thơ ấu mà quyền bính của Thủ Độ to lớn quá, như thế xã tắc ra sao ?" . 

Nghe lời hạch tội hợp ý mình, Thái Tông liền đưa người ấy tới phủ của Thủ Độ để thuật lại như cách gián tiếp phàn nàn với Thủ Độ. Không ngờ phản ứng của Thủ Độ như thùng nước lạnh xối lên đầu Thái Tông, Thủ Độ đáp rằng:

"Câu nói ấy đúng sự thật"

Rồi lấy vàng và lụa thưởng cho người hạch tội mình.

Lời nói và hành động của Thủ Độ có ý khẳng định với Thái Tông và dân trong nước (qua người hạch tội) rằng vua còn thơ ấu nên cần có người phụ chính.

Khi Chiêu Hoàng nhường ngôi cho chồng, Thái hậu Trần thị bị giáng xuống là Thiên Cực công chúa và trở thành vợ của Thủ Độ (chị em họ lấy nhau).

Hoàng hậu Chiêu Thánh hiếm muộn, Thủ Độ lo ngại không có người nối ngôi Thái Tông. Nhân Thuận Thiên công chúa là vợ Trần Liễu có thai được 3 tháng, Thủ Độ bàn với vợ - mẹ của Thuận thiên và Chiêu Thánh - giáng hoàng hậu Chiêu Thánh xuống làm công chúa và đưa Thuận Thiên lên thay thế hoàng hậu. 

Trần Liễu - anh ruột của Thái Tông - do đó căm thù Thủ Độ và em, bèn chiêu mộ thuộc hạ nổi loạn trên sông Hồng.

Miễn cưỡng chấp nhận hôn nhân áp đặt, Thái Tông cảm thấy bất nhẫn, đang đêm bỏ kinh thành về ẩn náu ở chùa Phù Vân Quốc Tự trên núi Yên Tử (ngày nay thuộc Hải Dương).

Vua và Quốc Sư trụ trì vốn là bạn thời thơ ấu.

Biết nơi ẩn náu của vua, Thủ Độ dẫn quần thần tới mời vua hồi kinh. Vua từ chối:

- Trẫm còn thơ ấu chưa đảm đương được việc trọng đại. Thượng hoàng lại vừa tử trần, trẫm mất người nương tựa, không dám giữ ngôi vua khiến nhơ nhuốc đến xã tắc.

Thủ Độ cố thuyết phục nhưng không lay chuyển được vua.
 
Chuyển mục tiêu chính sang mục tiêu phụ, Thủ Độ "bắt bí" (blackmail) quốc sư trụ trì bằng cách giả tạo kế hoạch thiên đô về Yên Tử. Thủ Độ nói với quần thần rằng:
 
- Xa giá vua ở đâu là triều đình ở đó.

Thủ Độ cho cắm tiêu mốc: "chỗ này là điện Thiên An, chỗ kia là các Đoan Minh ..."

Quốc sư trụ trì tưởng thật vội nài nỉ Thái Tông:

- Bệ hạ nên sớm quay loan giá về kinh, đừng để họ làm hại tới núi rừng của đệ tử .

Vua đành phải quay về vì người cho mình ẩn náu nay "mời khéo" mình ra khỏi chùa.

Tuy vậy Thủ Độ cũng có một lần lùi bước trước tình huynh đệ.
 
Thủ Độ đưa vua Thái Tông đi dẹp loạn Trần Liễu trên sông Hồng. Trần Liễu tự xét mình chống lại không nổi nên nửa đêm chèo thuyền nhỏ áp vào thuyền của Thái Tông xin hàng. Hai anh em ôm nhau khóc. Thủ Độ  thấy Trần Liễu liền rút kiếm toan chém, Thái Tông lấy thân mình che chở cho anh. Thủ Độ đành quăng kiếm xuống sông than rằng:

- Ta chỉ là chó săn, đâu biết anh em các người thuận nghịch ra sao.

Sau đó Trần Liễu được phong vương và cấp đất làm thái ấp.

Phép nước trên tình thân

Vợ của Thủ Độ là Thiên Cực công chúa, tức Trần thị, được Thái Tông phong là Linh Từ Quốc Mẫu vì là mẹ vợ.

Trong hoàng thành có một thềm dùng để tế lễ nên bất kể ai cũng bị cấm đi qua. Một hôm Quốc Mẫu đi kiệu qua thềm ấy bị người quân hiệu chặn lại không cho đi. Trở về dinh, Quốc Mẫu than phiền với chồng:

- Mụ này là vợ ông mà bọn quân hiệu khinh thường đến thế.

Thủ Độ cho bắt người quân hiệu ấy để hỏi tội. Người quân hiệu tuy biết mình phạm thượng nhưng thành thật thuật lại sự việc. Thủ Độ nói:

- Ngươi ở chức thấp mà giữ được luật pháp, ta còn trách gì nữa.

Sau đó người quân hiệu ấy được thưởng vàng và lụa .

Thủ Độ thường đi kiểm tra hộ khẩu. Một người thân của Quốc Mẫu ở dưới quê muốn được bổ nhiệm chức Câu Đương (đảm nhiệm việc an ninh trong xã) nên nhờ Quốc Mẫu nói giúp với Thủ Độ. Làm bộ chiều lòng vợ, Thủ Độ ghi tên và quê quán của người ấy.

Khi tới kiểm tra nơi vợ nhờ giúp, Thủ Độ gọi người ấy ra trao cho chức Câu Đương rồi nói:

- Ngươi vì có Quốc mẫu xin riêng cho làm Câu Đương nên chức này không thể sánh với các chức Câu Đương khác. Vậy để phân biệt với các Câu Đương khác, ta chặt một ngón chân của ngươi.

Người kia khiếp sợ, van lạy xin thôi mãi mới được tha.

Từ đó không ai dám "đi cửa sau" xin ân huệ.

Độc tôn nhà Trần

Nhằm lưu truyền ngai vàng đời đời cho nhà Trần, Thủ Độ cho những người tinh thông nghề phong thủy đi khắp nước, thấy nơi nào có vượng khí có thể phát đế vương thì trù yểm.
 
Ở Thanh hóa, núi Chiêu Bạc bị đục phá; sông Bà, sông Lễ và các khe cừa bị lấp bằng và đắp đường ngang dọc để cắt đứt long mạch.

Trần Thủ Độ tuy không có học nhưng có tài thao lược và là cột trụ cho nhà Trần.
 
Khi làm quan dưới đời nhà Lý, Thủ Độ đã được các đồng liêu kính nể.

Năm 1257, lần thứ nhất, Hốt Tất Liệt sai Ngột Lương Hợp Thai đem quân Mông cổ sang đánh nước ta. Vì thế yếu vua Thái Tông phải bỏ Thăng Long và tỏ ra nao núng. Vua ngự thuyền tới vấn kế Thái Úy Trần Nhật Hiệu; quan Thái Úy - em của vua - dùng sào viết xuống nước 2 chữ "nhập Tống" (khi đó Mông Cổ chưa đánh chiếm hết nhà Tống bên Tàu).

Cho rằng kế nhập Tống của Nhật Hiệu là làm tôi cho nhà Tống, vua phản bác rồi tới hỏi Thái Sư Thủ Độ.
 Thái sư khẳng khái đáp:

- Đầu thần chưa rơi xuống đất, xin Bệ Hạ đừng lo.
 
Từ đó 3 đời vua từ Thái Tông tới Thánh Tông và Nhân Tông cùng Hưng Đạo Vương đã lãnh đạo 3 cuộc kháng chiến chống Mông Cổ tới thành công hiển hách.

Bùi Quý Chiến

-------------------------------------

Tham khảo:

- Đại Việt sử ký toàn thư của Ngô Sĩ Liên do Viện sử học Hà nội dịch.
- Khâm định Việt sử thông giám cương mục của Quốc sử quán triều Nguyễn do Viện sử học Hà nội dịch.




No comments

Powered by Blogger.