Phạm Văn Tuấn
Friedrich Nietzsche là nhà triết học người Đức, sinh sống trong hậu bán thế kỷ
19, là nhân vật đã làm lung lay các nền móng của nền luân lý theo truyền thống
và của đạo Thiên Chúa.
Nền triết học của Friedrich Nietzsche
đặt trọng tâm vào ý tưởng "xác nhận về đời sống" (life-affirmation) qua
đó đặt câu hỏi liên quan tới mọi chủ thuyết (doctrines) đã lấy đi các năng lực
của đời người, bởi vì nhà triết học tin tưởng vào đời sống, sức khỏe, sự sáng
tạo, vào các hiện thực (realities) của thế giới mà chúng ta đang sống, hơn là
vào một thế giới "bên kia".
Mọi người đã coi Friedrich Nietzsche là
một trong các nhà triết học hiện sinh (existentialist philosophers) đầu tiên,
bởi vì ông đã gây ảnh hưởng tới các nhân vật hàng đầu trong mọi lãnh vực, gồm
các nhà thơ, nhà văn, họa sĩ, triết gia, tâm lý gia, nhà xã hội học... và tới
cả các vũ sư (dancers).
1/ Cuộc đời của Friedrich Nietzsche (1844-1900).
Friedrich Wilhelm Nietzsche chào đời ngày 15/10/1844 tại Rocken bei Lutzen,
một tỉnh nhỏ nằm về phía tây nam của thành phố Leipzig, nước Đức. Bởi vì ngày
sinh này trùng với sinh nhật thứ 49 của Vua Friedrich Whilhelm IV của nước Phổ
(Prussia) nên cậu bé này được đặt tên như vậy. Cha của cậu bé là ông Karl
Ludwig Nietzsche (1813-1849) đã được Vua Phổ bổ nhiệm làm mục sư của tỉnh
Rocken. Ông nội của cậu bé là một học giả Tin Lành (a Protestant scholar) mà
trong một cuốn sách xuất bản năm 1796, ông cụ đã xác nhận
"đạo Thiên Chúa sẽ mãi mãi trường tồn".
Khi cậu bé Friedrich lên 4 tuổi, người
cha qua đời vì bệnh não rồi người anh Joseph lớn hơn 2 tuổi cũng chết 6 tháng
sau đó. Gia đình này đã sống trong một căn nhà dành cho ông mục sư, rất gần
nhà thờ Rocken, nhưng khi ông Karl mất đi, bà mẹ Franziska (1826-1897) đã đưa
các con về bên ngoại, sống gần Naumburg am der Saale. Tại nơi này có bà ngoại
Erdmuthe, 2 bà cô Auguste, Rosalie và Therese Elisabeth Alexandra (1846-1935)
là em gái của Friedrich.
Vào tuổi từ 14 tới 19, Friedrich theo
học trường trung học hạng nhất Schulpforta, không xa Naumburg, và chính tại
nơi này, Friedrich đã quen thân với Paul Deussen, người mà về sau trở nên một
nhà sử học của triết học (historian of philosophy), một nhà Đông Phương học
rồi tới năm 1911, là nhà sáng lập của Hội Schopenhauer (the Schopenhauer
Society). Cho tới tuổi 18, Friedrich đã tỏ ra là một học sinh giỏi, nhưng sau
đó đã thường xuyên say sưa trong các quán rượu, sự việc này đã làm hư hỏng
công việc học hành nhưng dù vậy, Friedrich cũng tốt nghiệp trung học.
Trong các mùa hè sinh sống tại
Naumburg, Friedrich đã đứng đầu một câu lạc bộ nhỏ chuyên về âm nhạc và văn
chương có tên là "Germania" nên từ đây, quen thuộc với loại âm nhạc của
Richard Wagner do câu lạc bộ này đặt mua tạp chí âm nhạc Zeitschrift fur
Music. Friedrich cũng đọc các tiểu thuyết Đức của Friedrich Holderlin, Jean
Paul Richter cũng như theo dõi cuốn sách gây tranh luận và phản bác thần thoại
có tên là
"Đời Sống của Chúa Jesus, phê phán khắt khe" (Life of Jesus Critically
Examined = Das Leben Jesu kritsch bearbeitet, 1848).
Sau khi tốt nghiệp từ trường trung học
Schulpforta năm 1864, Friedrich Nietzsche vào trường đại học Bonn, và vẫn tiếp
tục các thói quen xấu cũ gồm cả việc uống rượu và giao du với các bạn gái.
Nietzsche theo học môn Thần Học và Triết Học, nhưng ưa thích hướng về môn Ngữ
Văn (philology), một ngành học tìm cách trình bày các văn bản cổ điển và Thánh
Kinh. Vì là một sinh viên ngữ văn, Friedrich tham dự các bài thuyết giảng của
các giáo sư Otto Jahn và Friedrich Wilhelm Ritschl. Ông Jahn là một nhà ngữ
văn chuyên khảo cứu về nhà triết học La Mã Lucretus, còn ông Ritschl là một
học giả cổ điển có công trình nghiên cứu về nhà thơ La Mã Plautus.
Friedrich Nietzsche đã theo ông Ritschl
tới đại học Leipzig vào năm 1865 và tại nơi này, Nietzsche đã nổi tiếng do các
bài khảo luận về Aristotle, Theognis và Simonides. Cũng tại Leipzig, Friedrich
quen thân với Erwin Rohde, đây là một người mà Friedrich Nietzsche đã trao đổi
rất nhiều thư từ trong các năm về sau.
Năm 1865 khi được 21 tuổi, Nietzsche
tình cờ đọc cuốn sách của Arthur Schopenhauer có tên là
"Thế Giới xét về lòng Mong Muốn và cách Trình Bày" (The World as Will and
Representation). Schopenhauer là nhà triết học vô thần, là nhà tư tưởng bi quan
(pessimistic), xác định rằng mục đích của con người là trống không (nothing),
đã nhìn thế giới giao động, nhưng đánh giá rất cao nền âm nhạc như là một nghệ
thuật, các tư tưởng này của Schopenhauer đã hấp dẫn trí tưởng tượng của
Nietzsche rồi sau đó, Nietzsche còn đọc cuốn sách mới được xuất bản của F.A.
Lange:
"Lịch Sử của Chủ Nghĩa Vật Chất và Phê Bình Ý Nghĩa Hiện Tại của Chủ Nghĩa
này" (History of Materialism and Critique of its Present Significance,
1866).
Đây là tác phẩm chỉ trích các lý thuyết siêu hình vật chất (materialist
metaphysical theories) đứng trên quan điểm của Kant. Cuốn sách này đã hấp dẫn
Nietzsche rất nhiều.
|
Richard Wagner |
Vào năm 1867 và ở tuổi 23, Friedrich Nietzsche bị gọi vào quân ngũ, phục vụ
trong một lữ đoàn pháo binh đóng gần Naumburg. Trong một lần luyện tập nhẩy
lên lưng một con ngựa bất kham, Friedrich bị ngã, bị thương nặng ở ngực và vì
vết thương không khỏi nên được giải ngũ. Sau đó không lâu, Friedrich trở về
trường đại học Leipzig và vào tháng 11/1868, đã gặp nhà soạn nhac Richard
Wagner (1813-1883) tại nhà của Hermann Brockhouse, ông này là một nhà Đông
Phương học (Orientalist), đã kết hôn với cô Ottilie, em gái của Wagner.
Wagner và Nietzsche có cùng sở thích là
đam mê triết học của Schopenhauer và bởi vì Nietzsche đã từng học dương cầm,
sáng tác âm nhạc và nhạc hòa tấu, nên Nietzsche rất ngưỡng mộ Wagner vì thiên
tài âm nhạc và cá tính hấp dẫn của vị nhạc sĩ này. Wagner cùng lứa tuổi với
cha của Nietzsche và đã từng theo đại học Leizig nhiều năm về trước, vì thế
tình cảm giữa hai người này rất là sâu đậm và 20 năm sau, Nietzsche vẫn còn đề
cao ảnh hưởng văn hóa của Wagner.
Do đã viết ra các bài khảo luận rất
xuất sắc, đăng trên các tạp chí và đã được giới trí thức chú ý, Friedrich
Nietzsche được trường đại học Leipzig cấp văn bằng Tiến Sĩ Triết Học mà không
phải đệ trình luận án theo cách thông thường.
Vào lúc bắt đầu quen nhạc sĩ Wagner thì
Giáo Sư Ritschl khuyên Friedrich Nietzsche nên nhận chức vụ giảng dạy môn ngữ
văn cổ điển tại đại học Basel, Thụy Sĩ và Nietzsche bắt đầu dạy học tại đây từ
tháng 5/1869 ở tuổi 24. Tại Basel, Nietzsche thường hay liên lạc với hai nhà
sử học Franz Overbeck và Jacob Burkhart, hoặc tới thăm Wagner tại nhà ở
Tribschen, một tỉnh nhỏ gần Lucerne.
Trong trận chiến tranh Pháp-Phổ (the
Franco-Prussian War, 1870-71), Nietzsche chăm sóc các thương bệnh binh trong
bệnh viện trong các tháng từ tháng 8 tới tháng 10 năm 1870, nên đã chứng kiến
các hậu quả tàn khốc của chiến tranh và đã mắc bệnh bạch hầu (diptheria) và
kiết lỵ (dysentery) vì vậy sức khỏe của Nietzsche càng về sau càng kém đi.
Do nghiên cứu các tác phẩm cổ điển, do
cảm phục Schopenhauer, do các cảm hứng từ Wagner, do đọc tác phẩm của F.A.
Lange và cũng do nỗi thất vọng trước nền văn hóa hiện thời của nước Đức,
Friedrich Nietzsche đã viết ra tác phẩm đầu tiên có tên là "Khai Sinh của Bi Kịch từ Tinh Thần Âm Nhạc" (The Birth of Tragedy from the
Spirit of Music, 1872)
và cuốn này được phổ biến năm Nietzche 28 tuổi.
Trong các năm từ 1872 tới 1879, khi
sinh sống tại Thụy Sĩ, Nietzsche thường thăm viếng Wagner khi vị nhạc sĩ này
dọn qua nhà mới ở Bayreuth, nước Đức. Năm 1876 và ở tuổi 32, Friedrich
Nietzsche đã xin cưới cô sinh viên dương cầm người Hòa Lan, đang học tại
Geneva, tên là Mathilde Trampedach, nhưng không thành. Trong thời gian này,
Nietzsche viết xong tác phẩm
"Các Nhận Xét Không Hợp Thời" (The Unfashionable Observations, 1873-76).
Vào gần cuối của thời kỳ giảng dạy tại
đại học, Nietzsche đã viết ra cuốn
"Người, tất cả- quá Người" (Human, All-Too-Human, 1878) và cuốn này
đánh dấu sự chấm dứt tình bạn với Richard Wagner.
Tại Basel, Friedrich Nietzsche vẫn được
nhiều người khác kính trọng nhưng tình trạng sức khỏe suy kém, bệnh nhức đầu
và mắt kém khiến cho nhà triết học này phải xin từ chức vào tháng 6 năm 1879.
Trong các năm từ 1888 tới khi bị suy
sụp tinh thần vào tháng 1/1889, Friedrich Nietzsche đã sống một cuộc đời lang
thang, không có quốc tịch bởi vì ông đã từ bỏ quốc tịch Đức mà không xin quốc
tịch Thụy Sĩ. Nietzsche sống tại căn nhà của mẹ ở Naumburg, rồi du lịch qua
Nice vào mùa đông, tới làng Sils-Maria thuộc răng núi Alps, Thụy Sĩ, vào mùa
hè, cư ngụ tại Leipzig, Turin, Genoa, Recoaro, Messina, Rappallo, Florence,
Venice, Rome... và không bao giờ ở đâu lâu hơn vài tháng.
Khi tới thành phố Rome vào năm 1882,
Nietzsche vào tuổi 37, đã gặp cô Lou Salomé, một phụ nữ người Nga 21 tuổi,
đang theo học triết học và thần học tại Zurich. Friedrich Nietzsche đã cầu hôn
với cô Salomé nhưng dù coi Nietzsche là một thiên tài, cô Salomé này đã từ
chối cuộc hôn nhân bởi vì tính khí bất thường của nhà triết học.
Trong những năm sống lang thang như
vậy, Nietzsche đã viết ra nhiều tác phẩm, trong đó phải kể tới các tác phẩm
chính:
- Rạng Đông (Daybreak, 1881).
- Sự hiểu biết vui vẻ (The Gay Science
= Le Gai Savoir = Die frolieche Wissenschaf, 1881-82).
- Zarathustra đã nói như thế (Thus
Spoke Zarathustra, 1883-85).
- Bên kia điều tốt và điều xấu (Beyond
Good and Evil, 1886).
- Về phả hệ học của luân lý (On the
Genealogy of Morals, 1887).
1888 là năm sáng tác nhiều nhất của
Friedrich Nietzsche với các tác phẩm sau:
- Trường hợp Wagner (The Case of
Wagner, tháng 5-8/1888).
- Hoàng Hôn của các Thần Tượng
(Twilight of the Idols, tháng 8-9/1888).
- Kẻ chống Chúa (The Antichrist, tháng
9/1888).
- Hãy nhìn Người này (Ecce Homo =
Behold the Man, lời của Pilate khi đưa Chúa Jesus ra trước công chúng, tháng
10-11/1888).
- Nietzsche chống lại Wagner
(Nietzsche contra Wagner, tháng 12/1888).
Và tác phẩm chính cuối cùng của
Nietzsche là cuốn "Lòng Ham Muốn Quyền Lực" (The Will to Power, 1901).
Vào buổi sáng ngày 3/01/1889, trong khi đang sống tại Turin, Friedrich
Nietzsche bị suy sụp tinh thần, trở thành tàn tật suốt đời. Có người kể lại
rằng nhà triết học này đã nhìn thấy một con ngựa bị người lái xe đánh đập, nên
tới ôm cổ con ngựa, rồi bị ngã quỵ. Người khác lại cho rằng Nietzsche mắc bệnh
giang mai (syphilitic infection) khi còn là sinh viên hay khi đang phục vụ
trong bệnh viện, lại có người tin rằng nhà triết học này đã dùng nhiều chất
choral hydrate để làm dịu thần kinh..., nhưng lý do chính đáng của sự mất khả
năng tinh thần đã không đươc xác định rõ ràng.
Sau khi bị bệnh nặng, Friedrich
Nietzsche được điều trị trong một thời gian ngắn tại Basel rồi qua năm 1889,
nằm trong bệnh viện Binswanger tại Jena. Vào tháng 3 năm 1890, ông được bà mẹ
đưa về Naumburg và được người em gái Elisabeth chăm sóc.
Friedrich Nietzsch qua đời vào ngày
25/8/1900 khi gần 56 tuổi vì bệnh sưng phổi và đột quỵ (stroke). Thi hài của
ông được chôn trong sân nhà thờ ở Rocken bei Lutzen.
2/ Về các tác phẩm của Friedrich Nietzsche.
Tác phẩm đầu tiên của Friedrich Nietzsche là cuốn
"Khai Sinh của Bi Kịch" (The Birth of Tragedy). Qua tác phẩm này,
Nietzsche đã trình bày một lý thuyết mới về các nguồn gốc của nền văn hóa Hy
Lạp cổ điển (classical Greek culture). Nietzsche tin rằng có thể hiểu rõ nền
văn hóa này là kết quả của sự tương khắc giữa hai động lực căn bản của con
người (basic human drives), đó là các yếu tố Apollonian và Dionysian.
Yếu tố Apollonian tạo nên sự rõ ràng và trật tự, khiến cho mọi thứ có thể
phân biệt rõ ràng, trong khi đó yếu tố Dionysian giúp cho con người khám phá
được sự thật nằm sâu ở đằng sau, và sự mặc khải này chỉ có trong các hoàn
cảnh say đắm hay cuồng nhiệt tôn giáo (religious frenzy), do uống rượu, hay
nghe nhạc bốc đồng (wild music) hoặc tình dục tự do.
Bi kịch của Hy Lạp là sự pha trộn các yếu tố Apollonian và Dionysian và chủ
thuyết thuần lý và lạc quan Socratic (Socratic rationalism and optimism) đã
cắt nghĩa sự suy tàn của ngành bi kịch này. 10 đoạn sau của cuốn sách nói về
sự khai sinh trở lại (rebirth) của bi kịch do tinh thần âm nhạc của
Wagner.
Tác phẩm này lúc đầu chỉ được giới trí thức đón nhận một cách lạnh nhạt nhưng
thực ra, đây là một sự cứu xét sâu xa, theo ý của nhà cổ điển học người Anh F.
M. Cornford viết vào năm 1912. Cho tới ngày nay, tác phẩm này vẫn được coi là
một cuốn sách cổ điển trong lịch sử của thẩm mỹ học (aesthetics).
Trong tác phẩm
"Các Nhận Xét không hợp thời" (The Unfashionable Observations, 1873-76), Friedrich Nietzsche đã nghiên cứu phẩm chất của nền văn hóa của châu Âu,
đặc biệt của nước Đức, đứng trên các quan điểm không hợp thời (unfashionable)
và không theo lề thói (nonconformist) và tác giả cho rằng nguyên tắc của đời
sống (life) thì cần quan tâm đến, hơn là kiến thức (knowledge) bởi vì kiến
thức phải phục vụ các quyền lợi của đời sống.
Trong cuốn "Sự hiểu biết vui vẻ" (The Gay Science = Le Gai Savoir), với
tên cuốn sách do các bài hát dạo (troubadour songs) của miền Provence, nước
Pháp, Friedrich Niezsche nhấn mạnh vào các ý tưởng hiện sinh và tuyên bố
"Thượng Đế đã chết" (God is dead). Chủ thuyết vô thần (atheism) của
Nietzsche có mục đích hướng con người vào sự tự do cố hữu (inherent freedom),
vào thế giới hiện đang sống (the present existing world) và quên đi các thế
giới khác xa vời.
"Zarathustra đã nói như thế" (Thus Spoke Zarathustra) là một trong các
tác phẩm nổi tiếng nhất của Friedrich Nietzsche. Đây là bản tuyên ngôn về cách
chiến thắng chính mình. 30 năm sau lần xuất bản đầu tiên, chính quyền Đức đã
cho in 150,000 ấn bản, cùng với các cuốn Thánh Kinh, để phát không cho binh
lính trẻ trong Thế Chiến Thứ Nhất.
"Zarathustra đã nói như thế" là tác phẩm chống đối quan điểm của thế
giới Do Thái Giáo và Thiên Chúa Giáo, với lời văn vừa mang vẻ thơ phú, vừa
mang tính chất tiên tri, giống như lời văn của các kinh Cựu Ước và Tân Ước.
Tác phẩm này dùng tên của một nhân vật lãnh đạo tôn giáo bí ẩn, gốc người Ba
Tư, là người đã sống trước Chúa Jesus hơn 500 năm. Nietzsche đã dùng tên
Zarathustra này để tăng thêm phần huyền bí. Tác phẩm này đã tạo ra khá nhiều
tranh luận. Có người bảo vệ tác phẩm, cho rằng đây chỉ là một cuốn sách thuộc
loại nghệ thuật (a work of art), không nên đọc để tìm hiểu một chủ thuyết
(doctrine), trong khi các kẻ khác, gồm cả các đảng viên Quốc Xã Nazis, đã đòi
hỏi mọi người phải đọc tác phẩm này vì tính cách giáo dục triết lý, và các kẻ
Tân Quốc Xã đã dùng câu nói của Nietzsche sau đây:
"Những thứ gì không giết nổi chúng ta, sẽ chỉ làm cho chúng ta mạnh mẽ hơn"
(That does not kill us can only make us stronger).
Khi viết ra tác phẩm kể trên, một trong các ý định căn bản của Friedrich
Nietzsche là muốn chứng minh rằng các giá trị truyền thống mà đại diện là đạo
Thiên Chúa, đã mất đi sức mạnh trong các đời sống cá nhân mà chỉ trình bày một
thứ "luân lý nô lệ" (a slave morality), thứ luân lý tạo bởi các cá nhân
yếu hèn và bực tức, những người này khuyến khích các hành vi như dịu dàng, tử
tế, bởi vì thứ hành vi này phục vụ các quyền lợi của họ.
Trái với tôn giáo hứa hẹn các phần thưởng ở thế giới kế tới, siêu nhân xác
nhận đời sống gồm cả đau đớn.
- Friedrich Nietzsche
Friedrich Nietzsche đề cập tới các giá trị mới có thể tạo ra được, để thay thế
các giá trị cổ truyền và các thảo luận của Nietzsche đã dẫn tới quan niệm về
một thứ "siêu nhân" (overman or superman). Theo Nietzsche, khối đông
hay tập thể làm theo tập quán, trong khi siêu nhân thì độc lập, vững tâm và
rất cá nhân. Siêu nhân cảm xúc sâu xa nhưng các đam mê được kiểm soát một cách
hữu lý. Trái với tôn giáo hứa hẹn các phần thưởng ở thế giới kế tới, siêu nhân
xác nhận đời sống gồm cả đau đớn. Siêu nhân theo Nietzsche, là người sáng tạo
ra các giá trị, là chủ của luân lý, là phản ảnh của sức mạnh và tính độc lập.
Friedrich Nietzsche cho rằng tất cả các hành vi của con người bị thúc động
(motivated) do lòng ham muốn quyền lực (the will to power), đây không phải là
quyền lực đối với các kẻ khác mà là đối với chính mình, đây là điều cần thiết
để sáng tạo. Nietzsche đã nói tới nhiều nhân vật được coi như kiểu mẫu của
"siêu nhân", trong đó có Chúa Jesus, triết gia Hy Lạp Socrates, nhà cai
trị La Mã Julius Caesar, nhà khoa học xứ Florence Leonardo da Vinci, họa sĩ
người Ý Michelangelo, nhà viết kịch người Anh William Shakespeare, nhà triết
học người Đức Johannn Wolfgang von Goethe và Hoàng Đế Pháp Napoléon I.
Friedrich Nietzsche đã có thể sáng tác phong phú ra nhiều tác phẩm sâu xa và
xuất sắc trong một số năm trường trong khi thân thể ở trong tình trạng bệnh
hoạn, đau đớn, đây là lời xác định về các khả năng tinh thần đặc biệt và một ý
chí mãnh liệt của tác giả.
Tư tưởng của Friedrich Nietzsche đã gây nên ảnh hưởng sâu đậm trong thế kỷ
20, nhất là tại lục địa châu Âu. Tư tưởng này đã hấp dẫn các nghệ sĩ tiền
phong (avant-garde artists) là những người tự coi mình ở bên bờ của thứ xã
hội thời trang, bởi vì Nietzsche đã kêu gọi mọi người phải bắt đầu bằng thứ
mới, lành mạnh và sáng tạo...
Trong thập niên 1930, tư tưởng của Friedrich Nietzsche đã được các đảng Quốc
Xã Đức và Phát Xít Ý xử dụng, họ đã dùng nhiều đoạn văn trích dẫn trong các
tác phẩm của Nietzsche để biện minh cho chiến tranh, xâm lược và thống trị.
Friedrich Nietzsche cũng đặc biệt gây ảnh hưởng tới giới triết học Pháp trong
các thập niên 1960 – 1980 do lời tuyên bố
"Thượng Đế đã chết" (God is dead), do thuyết bi quan, do nhấn mạnh vào
quyền lực (power) như là một thứ thúc động thực sự để đối đầu với thẩm quyền
đã được thiết lập và để phát động các chỉ trích xã hội.
Các nhân vật danh tiếng trong thế kỷ 20 chịu ảnh hưởng của Friedrich Nietzsche
dù ít hay nhiều, gồm các họa sĩ, vũ sư, nhạc sĩ, thi sĩ, tiểu thuyết gia, sử
gia, triết gia... với danh sách như sau: Alfred Adler, Georges Bataille,
Martin Buber, Albert Camus, E.M. Cioran, Jacques Derrida, Gilles Deleuze,
Isadora Duncan, Michel Foucault, Sigmund Freud, Stefan George, André Gide,
Hermann Hess, Carl Jung, Martin Heidegger, Gustav Mahler, André Malraux,
Thomas Mann, Rainer Maria Rilke, Jean-Paul Sartre, Max Scheler, Giovanni
Segantini, George Bernard Shaw, Lev Shestov, Georg Simmel, Oswald Spengler,
Richard Strauss, Paul Tillich, Ferdinand Tonnies, Mary Wigman, William Butler
Yeats và Stefan Zweig.
Phạm Văn Tuấn
Tài liệu tham khảo: Wikipedia.org., Britannica Encyclopedia.
https://en.wikipedia.org/wiki/Friedrich_Nietzsche
Post a Comment