Header Ads

Tản Mạn Về Xà Bông


Nguyễn Ngọc Duy Hân

Từ khi bắt đầu nạn dịch COVID-19, việc rửa tay bằng xà bông (xà phòng) hoặc thuốc sát trùng được luôn luôn nhắc tới. Thế nhưng xà phòng là gì, các loại đặc, lỏng ra sao? Hôm nay trong khi rửa tay, mời bạn cùng chúng tôi tản mạn đôi chút về xà phòng nhé.

Xà phòng hay xà bông là chữ được phiên âm từ tiếng Pháp: Savon, là chất tẩy rửa các vết bẩn, đặc biệt khi có dầu mỡ và để diệt vi khuẩn. Ngày xưa, người ta chỉ biết dùng nước để giặt rửa, nhưng nếu tay chân, quần áo có dính chất béo, vết bẩn sẽ không tan trong nước. Vì thế nhu cầu tìm ra chất nào có thể tẩy rửa được những chất dơ chứa dầu mỡ này lên thật cao. Từ từ, xà bông được khám phá và sử dụng, rồi trở thành sản phẩm không thể thiếu trong đời sống hằng ngày.

Thành phần chính của xà phòng là muối natri hoặc kali của acid béo. Xà phòng được dùng dưới dạng đặc thường gọi là bánh (bánh xà phòng đẹp, thơm, nhưng đừng ăn bánh này nhé!) Xà phòng cũng có dạng bột như loại bột giặt quần áo, hoặc chất lỏng như loại để rửa chén, rửa tay hoặc cũng để giặt giũ. Ngoài ra xà phòng cũng có dạng bọt, tức là loại foam mềm xịt ra từ các lọ nhờ chất ga.

Xà phòng trước kia được làm bằng cách cho chất béo tác dụng với kiềm bằng phản ứng “xà phòng hóa”. Sau này, xà phòng được sản xuất từ dầu mỏ rồi pha trộn với nhiều hóa chất cho có nhiều bọt hơn, thơm hơn, nhiều hình thức nhìn bắt mắt hơn.

Lịch sử xà bông bắt đầu từ trước công nguyên, khi người tiền sử dọc bờ sông Nile nướng thịt thú rừng trên lửa, vô tình thấy những giọt mỡ rơi xuống đống tro tàn, sau khi nguội lại vón thành cục cứng có màu xám của tro. Các cục này kết hợp với nước lại tạo ra bọt, nếu dùng để tẩy rửa vết bẩn thì rất hiệu nghiệm. Từ đó người ta chủ động để chế tạo ra sản phẩm tẩy rửa đầu tiên của loài người.

Cũng có giả thiết cho rằng người cổ đại từ lâu đã biết tẩy rửa vệt bẩn trên cơ thể bằng cách bôi dầu tràm lên da, sau đó dùng nước hoa quả trộn với tro, rửa lại cho sạch. Nhưng giả thiết có độ tin cậy cao nhất vẫn là câu chuyện 600 năm trước công nguyên, ở La Mã cổ đại, có nhóm phụ nữ tình cờ phát hiện rằng giặt quần áo trên sông Tiber - dưới chân thành Sapo - lại sạch sẽ hơn so với các dòng sông khác. Họ cũng tìm ra sự khác biệt là do lớp tro và mỡ động vật đổ ra từ các miếu thờ Thần Linh nằm trên đỉnh đồi. Cũng có sách viết rằng những người đi biển từ Tây Ban Nha ngày xưa đã làm ra loại “đặc sản” tương tự như xà phòng hiện nay. Họ sử dụng tro của thân cây hòa với mỡ dê và đun sôi. Hỗn hợp này trở thành một chất rắn giống như sáp, đó chính là xà phòng nguyên thủy rồi đem bán cho người Hy Lạp và người La Mã. Người Celt ở nước Anh thời cổ xưa cũng biết làm ra xà phòng. Họ gọi sản phẩm này là ‘Saipo”, đó chính là nguồn gốc của chữ ‘soap’ trong tiếng Anh ngày nay.

Sách vở cũng ghi lại rằng mãi đến năm 300 sau Công nguyên, Zosimos - một nhà hóa học người Ai Cập - mới chính thức viết về phương pháp nấu xà phòng. Từ đó tại Naples vào thế kỷ VI và ở Tây Ban Nha vào thế kỷ VIII, mới bắt đầu có nhóm sản xuất xà phòng quy mô. Cũng vào thế kỷ VIII, ông Jabir Hayyan, một trí thức người Ả Rập, mới chính thức viết về việc sử dụng xà phòng để tắm rửa.

Trong cuốn sách “Home Life in Colonial Days”, tạm dịch là “Cuộc sống gia đình trong những ngày thuộc địa” - xuất bản năm 1893, tác giả Alice Morse Earle cho biết phụ nữ thời đó tích trữ chất béo từ việc giết mổ động vật, dầu mỡ nấu ăn và tro củi trong những tháng mùa đông. Đến mùa xuân, họ tạo ra dung dịch kiềm từ tro, sau đó đun nấu dung dịch này với mỡ trong một cái ấm khổng lồ. Sản phẩm cuối cùng là một loại xà phòng mềm mà phụ nữ thường dùng để giặt những chiếc áo lạnh mùa đông.

Nablus là một trong những thành phố cổ nhất ở Palestine, và cũng là quê hương của những bánh xà phòng đầu tiên trên thế giới. Xà phòng làm tại đây chỉ gồm 3 nguyên liệu: dầu olive, baking soda và nước. Nó không chứa hương liệu nhân tạo, nên chỉ để lại mùi hương olive thoang thoảng trên da rất tinh tuyền.

Ngày nay, mình có thể tự làm xà phòng “handmade” tại nhà để tăng cường sức khỏe, tránh bớt hóa chất, có hương thơm theo ý mình muốn mà lại tiết kiệm được tiền và thân thiện với môi trường hơn. Bạn chỉ cần mua phôi xà phòng, rồi nấu và pha chế theo ý mình muốn. Để chắc ăn bạn cứ hỏi ông Google, vào Youtube thì sẽ tìm thấy đầy đủ các hướng dẫn. Tuy thế, tôi cũng xin “thành thật khai báo” là chưa hề tự làm xà bông bao giờ và cũng chưa có ý định đó. Sách báo nói có thể tự làm chứ tôi không dám xúi đâu nhé!

Trương Văn Bền
Riêng tại Việt Nam, nói về lịch sử của xà bông thì phải kể tới hãng xà bông Trương Văn Bền, thành lập năm 1932. Lúc bấy giờ, trên thị trường cũng có nhiều loại xà bông của Pháp làm nhưng giá thành quá mắc, rồi cũng có loại rẻ do các lò nấu nhỏ ở Chợ Lớn sản xuất nhưng chất lượng kém. Ông Bền khéo léo làm được sản phẩm tốt nhưng giá thành phải chăng. Ban đầu ông chỉ cho ra loại xà bông đá để thăm dò thị trường, sau đó xà bông thơm hiệu cô Ba ra đời. Không lâu sau, xà bông thơm cô Ba nhanh chóng được biết tới trên toàn Đông Dương, thậm chí còn xuất cảng sang Hương Cảng, châu Phi và Tân Đảo. Ngoài biết sáng chế, ông Bền còn biết cách làm quảng cáo, có chiến dịch phổ biến xà bông rất tốt đẹp. Chẳng hạn ông cho người hàng ngày đi hết các tiệm tạp hóa thời đó hỏi có bán xà bông Việt Nam không. Nếu có thì mua chút chút chiếu lệ, vì không lẽ hỏi rồi lại đi ra tay không! Còn nếu tiệm không có bán thì người của ông Bền sẽ hỏi chủ tiệm sao không mua xà bông Việt Nam về bán. Nhờ thế mỗi tháng, hãng của ông Bền đã cho ra 600 tấn xà bông, điều này chứng minh thành công không phải là do ngẫu nhiên, mà là do trí tuệ, sức lực và sự siêng năng mới đạt được.

Thời đó cũng có một vị kỹ sư hóa học khác tên là Nguyễn Thành Nam, tức là ông Đạo Dừa khi chưa đi tu. Ông Nam khi du học ở Pháp về Bến Tre cũng mở hãng xà bông Thiên Nam để cạnh tranh với xà bông cô Ba của ông Bền, nhưng sau cùng phải chịu thua.

Trong chuyện Kiều của cố thi hào Nguyễn Du, chắc chắn không có nói tới xà-bông, nhưng cũng có vài câu nói về việc rửa, đó là các câu:

Tấm son gột rửa bao giờ cho phai.

Hoặc:

Quét sân, đặt trác, rửa bình, thắp nhang

Hay:

Túc khiên đã rửa lâng lâng sạch rồi!

Trong văn chương Việt Nam, có một câu chuyện về xà bông của tác giả Sơn Nam mà tôi đã đọc từ lúc bé và suy nghĩ mãi về câu chuyện này. Sơn Nam sinh năm 1926 và mất năm 2008, hưởng thọ 82 tuổi. Ông là một nhà văn, nhà báo và cũng là người nghiên cứu văn hóa Việt Nam nổi tiếng. Truyện ngắn Bác Vật Xà Bông, trích trong tập chuyện Hương rừng Cà Mau của nhà văn Sơn Nam nói về một nhân vật giỏi về khoa học, kiến thức uyên bác mà chữ thời đó gọi là “bác vật”. Bác vật tức là kỹ sư, nhà thông thái kỹ thuật. Chuyện xảy ra vào năm 1945, ông Hai được cả xóm Xẽo Bần vùng U Minh Hạ quý trọng, vì ông Hai học ở bên Pháp về, chọn xây nhà lập nghiệp tại khu Xẽo Bần. Tuy thế ông Hai cũng không tránh được việc bị dân làng dè bỉu, nghi ngờ vì sự hiểu biết của người dân quê lúc đó khá thấp. Một hôm ông biểu diễn cho dân xem cách ông nấu xà bông bằng dầu dừa và tro, dự định sẽ mở một xưởng sản xuất xà bông lớn tại đây. Bà con sau hôm đó học lóm được cách nấu xà bông, nghĩ là mình tự làm được rồi, đâu cần phải làm công cho ông Hai nữa. Bác vật xà bông là ông Hai phải thất bại vì người dân làm ngang, thiếu suy nghĩ. Việc “bản quyền” ngày ấy chưa có, nhưng ngày nay việc bản quyền cũng thường bị vi phạm. Hàng giả, hàng nhái khắp mọi nơi, đặc biệt từ phía Tàu Cộng. Biết bao “bác vật” đã phải thất bại, chịu mất mát thành quả do công trình sáng tác từ tim óc của mình bị bắt chước. Hằng ngày, nhiều người vô tình chuyển bài viết, nhạc phẩm thiếu tên tác giả, cũng là một thiếu sót trong việc tôn trọng bản quyền. Thậm chí có người cố ý sao chép, sửa nhạc, đánh cắp bản quyền rất đáng trách.

Cô Ba
Bây giờ xin nói về “Cô Ba xà bông”, là người đăng quang hoa hậu trong cuộc thi người đẹp đầu tiên ở SàiGòn vào năm 1865, có tên gọi Miss SàiGòn, gồm nhiều mỹ nhân từ khắp các vùng Đông Nam Á tham dự. Cô Ba đã chiến thắng gần 100 cô gái, sau đó cô được làm người mẫu có hình in trên cục xà bông. Nói về tiểu sử, "Cô Ba Bà bông" là con gái của thầy Thông Chánh, quê gốc Trà Vinh, đẹp người đẹp nết nhưng số phận không may mắn. Người Pháp lúc đó đã trả tiền cao đề nghị cô chụp ảnh mặc áo tắm, nhưng cô không đồng ý vì nghĩ là không thích hợp với thuần phong mỹ tục Việt Nam. Cô Ba cũng là phụ nữ đầu tiên ở Việt Nam xuất hiện trên con tem của Bưu Điện và là đại diện cho một hãng mỹ phẩm nổi tiếng lúc đó. Nhưng hồng nhan bạc phận, theo một câu chuyện ghi lại thì mẹ của cô Ba bị tên biện lý người Pháp tên là Jaboin ỷ thế làm càn, thường xuyên tán tỉnh, trêu ghẹo. Thầy Thông Chánh cha của cô Ba không chịu được cảnh đó, nên trong lúc nóng giận đã rút súng bắn chết Jaboin. Cô Ba Thiệu bị họa lây, bị bắt giam rồi tự tử chết trong tù. Nghĩ thật buồn cho thân phận nhược tiểu, bị đô hộ, hà hiếp và thương cho cô Ba vắn số.

Tôi đã kể trước đây mấy lần chuyện ông Đồ Nguyễn Đình Chiểu, bây giờ cũng xin nhắc lại là ông Đồ đã rất khẳng khái bài chống Pháp, không chịu xài các sản phẩm của Pháp. Biết xà bông là tốt, có ích lợi thực dụng nhưng ông Đồ Chiểu nhất định không thèm xài. Điều này làm chúng ta suy nghĩ về lòng ái quốc, về việc ủng hộ các sản phẩm nội hóa, không nên đua đòi theo ngoại quốc một cách mù quáng.

Bây giờ mời bạn cũng tôi đọc lại một câu chuyện cười thời bao cấp. Ngày ấy, có loại xà bông Liên Xô được đóng thành từng bánh, ở miền Bắc hay gọi là “bánh xà phòng”. Có một anh người thiểu số vùng cao nguyên lần đầu xuống thành phố, thấy bảng đề là bánh, nhìn lại đẹp nên tò mò mua ăn thử. Ăn xong có người hỏi “Sao lại ăn xà bông, thấy thế nào?” Anh trả lời “Đắng lắm, nhưng xếp hàng chen lấn mãi mới mua được 1 bánh, bằng giá tiền bán một thúng bắp, bỏ thì tiếc, nên phải ráng ăn hết thôi”! Nghe chuyện thì chúng ta cười anh chàng người Thượng quê mùa này, nhưng biết đâu chính mình cũng từng có lúc lầm lẫn, tiếc của và vẫn cứ cố mà “ăn” những thứ mà không nên ăn chút nào, nhất là các vấn đề liên quan đến danh lợi, hạnh phúc.

Liên hệ tới xà bông thì dầu dừa ở Việt Nam được đánh giá là loại dầu lý tưởng nhất cho xà phòng. Có người sợ là dầu dừa dễ làm da bị mọc mụn, nhưng khoa học đã chứng minh sau khi có phản ứng xà phòng hóa, thì dầu dừa đã biến chất và không làm các loại mụn trên người phát triển được nữa.

Ở ngoại quốc thì Black soap là loại xà phòng được coi là 100% thiên nhiên. Giống xà phòng đen này được cho là sáng tạo của những người dân Ghana ở Châu Phi. Black soap không được làm từ kiềm tổng hợp, mà từ dầu cọ và tro đốt của các loại cây.

Bây giờ mời bạn cùng trở lại thời sau 1975, khi cái gì cũng quý, cũng khó khăn, nên xà bông thơm từ ngoại quốc gởi về cũng trở thành một loại xa xí phẩm. Nếu nghe lại bài hát Món Quà cho Quê hương của cố nhạc sĩ Việt Dzũng thì bạn sẽ hình dung được ngay. Hồi đó người nhà bên Mỹ gởi về Việt Nam mấy cục xà bông, chúng tôi quý lắm hít hà mãi. Khi thấy giá in trên cục xà bông là vài chục cents, tôi thắc mắc ghê lắm không hiểu sao mà xà bông thơm ở Mỹ lại rẻ thế. Nếu tính một giờ làm việc lúc ấy được trả lương khoảng 4 đô một giờ, thế thì mỗi giờ có thể mua được cả chục cục xà bông, sao mà sướng vậy! (Hồi ấy không biết ở Mỹ đi làm phải đóng thuế). Nhưng dù sao thì xà bông hải ngoại cũng rất rẻ so với giá ở Việt Nam thời “bao cấp”. Quả thế, khi thiếu thốn thì cái gì cũng thấy quý, khi mất đi thì mới thấy tiếc. Bạn tôi kể chuyện chị không dám đem xà bông “ngoại” ra tắm mà phải cắt thành những miếng mỏng, bỏ trong túi áo hoặc tủ quần áo để giữ mùi thơm. Một người bạn khác sau 1975 không làm cô giáo dạy học được nữa mà phải ra bán cá ở ngoài chợ nuôi gia đình, cả người và quần áo bị nhuốm mùi tanh. Chiều về bị ông chồng chê hôi, chị phải dành dụm để mua được bánh xà bông tắm cho bay mùi cá. Bạn nghĩ sao về ông chồng này? Bây giờ tôi già rồi nên cũng thông cảm vì có những người rất nhạy cảm với mùi hôi tanh của cá, nhưng hồi đó còn trẻ tôi ghét ông này lắm, muốn bảo anh ta giỏi thì thay chị ra chợ bán cá đi rồi biết!

Tản mạn về soap thì cũng không quên nhắc chuyện trên các trang mạng, người ta cũng hay quảng cáo rầm rộ loại xà phòng làm tại Thái Lan, đặc biệt có thể giúp tăng vòng ngực một cách nhanh chóng. Bạn có mua thử chưa? Không nên đâu nhé vì các chuyên viên cho biết không có loại xà bông nào như thế. Muốn tăng vòng ngực chỉ có cách xoa bóp, tập thể dục là hiệu nghiệm thôi. Không thể xức cái gì bên ngoài mà có kết quả cả, đừng tốn tiền vô ích. Một loại xà bông “xạo” khác là xà bông được quảng cáo sẽ làm giảm béo, xuống cân, cũng làm tại Thái Lan. Xà phòng này được nói là khi tắm xong sẽ làm tự động tan mỡ, vóc dáng thanh tao, nghe khó tin quá nên dĩ nhiên là không có thật.

Hiện nay, người ta trộn nhiều hóa chất tạo ra nhiều bọt trong xà bông để thu hút khách hàng, nhưng không phải bột giặt, xà bông nào càng nhiều bọt thì chất lượng càng tốt. Vì thế bạn đừng tính tiêu chuẩn nhiều bọt khi mua xà bông về xài nhé. Theo báo cáo của viện Nghiên cứu Sức khỏe và An toàn Lao động Hoa Kỳ, trong các loại xà phòng công nghiệp có hằng trăm chất độc hại - Một thực tế mà các nhà sản xuất xà phòng công nghiệp đều muốn giữ kín. Tuy nhiên cũng may các chất độc này không vượt quá con số cho phép. Từ đó các loại xà bông Sinh Dược, với dầu dừa hữu cơ và tinh dầu thiên nhiên nguyên chất là sản phẩm được ưa chuộng hơn. Chẳng hạn loại xà phòng làm từ phân con tằm được cho là rất tốt. Chất thải từ con tằm - loại tằm nuôi để lấy tơ dệt vải - nếu lấy phân của chúng trong khoảng mùa xuân đến mùa hạ, là thời điểm lá dâu có nhiều dưỡng chất nhất, đem pha vào làm xà bông thì xà bông này sẽ làm sáng da, giúp làm mờ các vết tàn nhang, cân bằng độ dầu cho da. Ngoài ra cũng có loại xà phòng làm từ trái khổ qua cũng làm giảm viêm mụn, se mát da tốt hơn. Những trái ổi ruột đỏ thơm ngon cũng từng được sử dụng làm xà bông ổi, cho ra loại xà bông có mùi ngọt ngào, thơm phức như trái ổi.

Ngoài công dụng tắm giặt, xà bông còn có thể dùng để loại bỏ âm thanh khó chịu của cánh cửa kêu cọt kẹt. Bánh xà phòng lúc này hữu ích như loại dầu mỡ bôi trơn máy, giúp giải quyết tiếng kêu khó chịu của bản lề cửa cách nhanh chóng. Nếu dây kéo, tức là zipper của quần áo bạn bị kẹt, bôi trơn bằng chút xà bông cũng rất hiệu quả. Bôi trơn này hiểu theo đúng nghĩa đen, không phải là hối lộ các quan chức như ở Việt Nam đâu!

Xà phòng có khả năng tiêu diệt và xua đuổi các loài côn trùng gây hại phổ biến trên các loại cây trồng trong nhà và ngoài vườn. Hãy pha khoảng 4 lít nước với một muỗng canh xà phòng lỏng với một muỗng dầu thực vật, lắc đều và phun dung dịch lên cây, lũ côn trùng sẽ không dám bén mảng đến cây cối trong nhà nữa.

Xà bông cũng có thể dùng để lấp đầy các lỗ đinh trên tường, lỗ thủng sẽ được vá một cách tốt đẹp. Nên chọn loại xà phòng trùng với màu tường để “che dấu tội lỗi” nhé.

Các mẹo vặt cũng bảo rằng hãy để cục xà phòng có mùi hương yêu thích trong phòng, nhất là các tủ quần áo. Hương thơm tỏa ra từ xà phòng sẽ đánh bay các mùi hôi, làm quần áo thơm tho. Mùi thơm của xà bông sẽ phai nhạt dần theo thời gian, nên bạn đừng mua về để lâu quá. Chúng tôi có người bạn khi thấy xà bông đại hạ giá rất rẻ, mua về hằng mấy trăm cục, chai lọ để dành, nhìn “kho” xà bông của chị mà phải phì cười, nhưng chắc chắn sẽ không xài kịp rồi bị mất phẩm chất.

Một loại dị ứng gây ra từ xà phòng cũng thường được nhắc tới. Số người dị ứng với xà bông có thể chiếm hơn 5% dân số thế giới vì các sản phẩm tẩy rửa đều chứa một lượng nhỏ các chất hóa học, dù không gây hại cho cơ thể nhưng cũng có người bị ngứa, nổi mụn, cần tìm hiểu nguyên do và tránh.

Nước rửa chén đĩa, nồi niêu là một hợp chất xà phòng có nhiều bọt, giúp loại bỏ dầu mỡ, vết bẩn, vi khuẩn trên chén dĩa rất hiệu quả. Tuy nhiên, nếu dùng nước rửa chén để giặt quần áo thì trước là tốn nước nhiều, vì nó có bọt nhiều phải xả nước nhiều lần. Sau là nó sẽ dễ làm bạc màu hư hại chất vải. Cũng có người hòa tan nước rửa chén cùng thuốc tẩy quần áo, điều này mang lại nguy hiểm cho sức khỏe vì nước rửa chén và thuốc tẩy quần áo khi hòa chung có thể thành một hợp chất độc hại. Các hoá chất đều có phản ứng khác nhau khi pha trộn, có người không biết đã trộn các chất thuốc tẩy, hóa chất để rửa hồ tắm chung với nhau, ngửi phải và ngất xỉu, phải nằm “cô-ma” bất động thời gian dài mới tỉnh lại được. Vậy nên mình phải rất cẩn thận khi xài các chất tẩy rửa, nên đeo bao tay và bịt mũi khi sử dụng.

Xà bông dạng lỏng không được đem lên máy bay. Nếu có phải gửi trong valy hành lý, không được để trong xách tay vì luật an toàn hàng không chỉ cho mang theo một lượng chất lỏng rất nhỏ, vì sợ không tặc mang theo vũ khí hóa học gây xáo trộn trên chuyến bay.

Gold and Diamond Infused Soap

Trên thế giới ngày nay có đủ loại xà bông, mắc nhất là Gold and Diamond Infused Soap, giá lên tới $2,800 đô Mỹ một cục vì làm bằng bột vàng và kim cương, Kim cương này chắc chắn phải xay mịn nếu không sẽ làm rách da người dùng. Với riêng tôi, giá $2800 đô thì dù mịn màng cỡ nào vẫn làm tôi rách da, xót dạ vì tiếc tiền! Xà bông để tắm chó cũng có nhiều loại giá rất cao, mắc hơn loại để tắm người rất nhiều. Bản thân tôi không thích nuôi chó lắm, lại bận rộn không có thời gian chăm sóc, nay biết xà bông tắm chó khá mắc tiền, nên càng không dám làm chủ loại thú cưng này.

Người ta liệt kê một số nhãn hiệu xà bông hiện đang nổi tiếng trên thế giới là Dove, Olay, Dial, Irish Spring, Aveeno, Ivory, Cetaphil, Caress… Bạn đang xài và thích loại nào, tôi thì rất dễ tính, loại nào sales hạ giá thì mua, không kén chọn mấy.

Hình dáng, màu sắc của xà bông cũng rất khác nhau. Nhiều hãng làm cục xà bông với hình dáng bàn tay, cây súng, bông hoa, chim bướm, cá, sò, các loại trái cây …. đủ hình đủ dạng. Ngoài sản xuất xà bông, người ta còn cạnh tranh làm ra nhiều phụ kiện để đựng xà bông rất đặc biệt. Hộp thì có nắp, hộp thì tròn, hộp thì méo, các chai có đồ bơm với nhiều hình dạng khác nhau, đặc biệt trong mùa dịch Covid để tránh đụng chạm lây lan, người ta để ở các nơi công cộng loại xà bông nước không cần ống bơm, chỉ cần đưa tay ra thì xà bông tự động rót xuống tay. Các hệ thống tự động ô-tô-ma-lắc này văn minh thật, nhưng đôi khi hiện đại thì hại điện. Có lần tôi đang lay hoay trong toilet, chưa kịp làm gì thì máy tự động giật nước hết cả hồn, may mà chưa “giật’ mất cái bóp nhỏ tôi để gần đó. Có khi hệ thống tự động bị chạm, không làm sao giật nước được thật là khổ. Cũng có lần vừa hứng xà bông vào tay, thì cái “sensor” lấy nước tự động bị hư, không có nước rửa xà bông. Thế nên cái gì cũng có mặt trái của nó, khó mà có được sự hoàn hảo. Dù sao thì tôi cũng rất thích các phòng vệ sinh của phi trường, của hall (phòng lớn ở khách sạn) đám cưới, rộng rãi đẹp đẽ thơm tho, bông hoa trang trí sang trọng, hi-tech, có khi còn có để ghế cho nằm nghỉ ngơi. Sao lại nằm nghỉ trong phòng vệ sinh, tôi không hiểu được và cũng may mắn chưa bao giờ mệt đến độ phải nằm trên ghế này.

Xà bông cục cũng được các nghệ nhân khéo léo cắt gọt thành nhiều hình dáng khác nhau, từ bông hoa tới thú vật, đẹp như một bức tranh điêu khắc. Tôi rất thích các hình thức nghệ thuật thủ công bằng tay này, mấy năm nữa về hưu không phải làm việc nữa, chắc là sẽ tha hồ thêu thùa, làm thủ công, cắt gọt cho vui.

Một chuyện lạ khác liên hệ tới soap là có một bà bầu, được lên báo vì bà khác hẳn với những phụ nữ có thai khác thèm ăn chua, thèm chocolate hoặc thứ gì đó trong thời kỳ ốm nghén. Riêng bà bầu này có sở thích kỳ lạ là thèm ăn xà phòng. Cô người nước Anh, tên là Jess Gayford, 26 tuổi. Từ khi mang thai ở tháng thứ 8, tự nhiên cô bắt đầu nghiện ăn xà phòng và dung dịch rửa tay. Em bé sanh ra chắc là rất sạch sẽ, thơm tho và nhất là khi sanh nở sẽ rất trơn tru, dễ dàng! Cũng xin mở ngoặc là tại Việt Nam cũng có bà bầu ghiền ăn ngói suốt thời kỳ mang thai. Ngói vừa khô, vừa cứng, mà sao lại thèm và nuốt được, chẳng biết giải thích cách nào đây.

Báo chí Việt Nam cũng từng đăng tin một bà cụ hơn 80 tuổi, được giảm án từ tử hình xuống tù chung thân vì tuổi cao, sức yếu và trí nhớ không còn minh mẫn. Chuyện xảy ra vào tháng 12, 2014, khi bà Hương bị hải quan tại sân bay Tân Sơn Nhất phát hiện giấu 36 cục xà phòng có ma túy bên trong, được gói cẩn thận trong 2 va-li hành lý chuẩn bị gởi sang Úc. Khi bị thẫm vấn, bà Hương lú lẫn nói lung tung, người ta tình nghi bà nhận lời ai đó làm chuyện này để kiếm tiền, nhưng chủ nhân thật của 36 cục xà bông này vẫn được gói trong vòng bí mật.


Chuyện lạ thế giới về xà bông là Chang Yu-Te, người thổi bong bóng xà phòng ở Đài Loan đã phá kỷ lục Guinness thế giới bằng cách thổi 738 quả bóng vào bên trong một quả bóng lớn trong thời gian 2 phút. Với thành tích này, Chang trở thành nổi tiếng. Hôm nào rảnh, bạn thử thổi bong bóng xem sao nhé. Bong bóng xà phòng rất dễ vỡ, thế nhưng người đàn ông Đài Loan này đã vô cùng khéo léo và tập luyện thường xuyên mới đạt được kỷ lục. Người ta cũng ghi nhận kỷ lục những cục xà bông to nhất hoặc nhỏ nhất trên thế giới, hình thù kỳ lạ nhất.

Có lẽ vì bong bóng rất mong manh, dễ vỡ nên người ta ví von tình yêu và hạnh phúc cũng giống như bong bóng xà phòng. Quả thế, bong bóng rất đẹp, mới đầu thì nhỏ, sau khi thổi hơi to lên sẽ lóng lánh màu sắc của cầu vòng, nhưng sau khi to tới mức nào đó, chắc chắn nó sẽ bể tan tành, cũng như niềm vui và hạnh phúc tình yêu cũng rất dễ tan vỡ.

Riêng tôi, hồi ở trại tị nạn Galang, Nam Dương, không có tiền mua xà bông thơm gội đầu, tôi đã từng phải dùng xà bông bột giặt quần áo để gội đầu, có lẽ vì thế tóc đã ít ngày càng ít, càng rụng. Những cảnh nghèo khổ phải trải qua nhắc tôi luôn nhớ về quá khứ của mình, nhủ lòng nên thông cảm với người kém may mắn và mong được góp phần giúp đỡ người gặp khó khăn trong mọi hoàn cảnh một cách hữu hiệu hơn. Người ta cần xà bông trong đời sống hằng ngày để rửa ráy, tắm giặt, các hãng sản xuất thi nhau làm các loại sản phẩm để cạnh tranh, riêng tâm hồn, đời sống tinh thần cũng rất cần bồi dưỡng, làm cho sạch trong thăng tiến, không biết chúng ta có cần đặt quan trọng việc thanh tẩy tâm hồn, đời sống tinh thần không? Nếu có thì cách nào, làm sao. Câu hỏi này mong bạn trả lời dùm nhé.

Câu chuyện về xà bông xin tạm kết thúc ở đây. Chúc bạn luôn thanh thản, trong sạch, thơm tho từ thể xác tới tinh thần

Nguyễn Ngọc Duy Hân



No comments

Powered by Blogger.