Nguyễn Ngọc Duy Hân
"Chiều nay em đi câu cá và mang giỏ theo bắt cua,
Làm sao cho được kha khá về cho má nấu canh chua.
Ô kìa con cua, Ô kìa con cua
Mình đừng la lớn nó chui xuống hang…"
Đây là bài hát nhắc tới con cua mà có lẽ khá nhiều người đã hát khi còn là
thiếu nhi. Ngoài ra liên hệ đến cua cũng có nhiều bài vè, câu ca dao như:
"Con cua tám cẳng hai càng
Một mai, hai mắt rõ ràng con cua".
Hoặc:
"Rủ nhau xuống biển bắt cua,
Bắt cua cua kẹp, bắt rùa rùa bơi".
Hay là câu hò miền Nam:
"Ù ơ ví dầu cầu ván đóng đinh …
Về sông ăn cá, về đồng ăn cua
Bắt cua cua kẹp, bắt rùa rùa bơi."
Như vậy con cua rất gần trong đời sống của người dân quê Việt Nam. Còn con cua
trong khoa học, con cua trong văn chương thì sao? Ngoài ra còn có các chữ
phiên âm giống như chữ cua, nhưng nghĩa lại khác hẳn, như cách cua gái, cúp
cua không đi học. Rau càng cua cũng là một loại rau có cái tên rất đặc biệt
dính líu tới con cua. Vậy bây giờ mời bạn cùng tôi nói chuyện về cua cho dzui
nhé.
Đầu tiên, theo định nghĩa khoa học, cua thuộc nhóm động vật không xương sống,
thuộc bộ giáp xác với mười chân. Cái chân thứ nhất gọi là càng. Cua cái đẻ
nhiều, từ 3 tới 5 triệu trứng. Sau khi thụ tinh xong, cua cái sẽ giữ trứng
trong khoảng 1 năm nhằm bảo đảm nhiều trứng được nở thành ấu trùng. Tuy nhiên
trên thực tế, khả năng nở thành ấu trùng còn tùy thuộc nhiều yếu tố. Sau đó ấu
trùng còn phải qua nhiều lần biến thể và lột xác mới thành cua con. Cua ăn
tạp, chủ yếu ăn các động vật không xương sống khác, cá nhỏ là món khoái khẩu
của cua. Ngoài ra cua còn ăn cả bùn hữu cơ, xác động vật chết. Phần bụng ở
dưới mai con cua được gọi là yếm (Có giống cái yếm thắm của cô gái quê không
nhỉ?) Với tám chân và hai càng, chúng thường bò ngang nên người ta mới có
thành ngữ "Ngang như cua".
Bây giờ mời bạn cùng đọc lại câu chuyện cổ tích về lý do của việc ngang như
cua nhé. Rằng thì là ngày xửa ngày xưa, có 2 cô gái, một cô ngoan hiền, còn cô
kia đỏng đảnh lười biếng. Dĩ nhiên cô hiền là con của người vợ trước luôn bị
mẹ ghẻ hành hạ. Còn cô con ruột xấu nết kia lại luôn được nuông chìu. Một ngày
cô bé hiền ra sông giặt giũ thì được tiên hiện ra cho quần áo đẹp, vòng vàng.
Cô dữ thấy vậy cũng dành phần ra sông giặt đồ để mong gặp được tiên. Bà Tiên
cũng hiện ra và thử lòng, nhưng cô dữ luôn ngang ngạnh hỗn láo nên bị tiên
phạt hóa thành con vật xấu xí, thân mình phải cõng một tảng đá, chân cẳng tua
tủa đầy gai ngạnh, có 2 càng luôn rình rập cắn phá. Đó chính là con cua ngày
nay. Cô gái xấu nết lúc là người thì ngang ngược chẳng nghe lời ai, nên khi
biến thành con cua, nó phải bò ngang chẳng được đi thẳng. Ấy chết, thế thì đọc
xong chuyện cổ tích này, mình cũng phải bỏ bớt đi tánh ngang bướng luôn cho
mình là đúng, kẻo bị mắng là “
ngang như cua” nhé.
Tiếp theo là một câu chuyện về Hòa Thượng Cua xảy ra ở miền Bắc Việt Nam.
Tương truyền thuở ấy có một chú bé mồ côi cha, sống với mẹ rất cực khổ. Năm
chú được 12 tuổi, mẹ chú trao cho một giỏ cua đồng, bảo giã ra nấu canh cho
bữa cơm trưa. Chú bé nghe lời mẹ, nhưng khi vừa giáng chày đập con cua đầu
tiên, thấy con vật quýnh quáng tìm đường bỏ chạy, chú bé động lòng, không nỡ
tiếp tục ra tay sát sanh, nên đem giỏ cua thả xuống ruộng.
Khi bà mẹ làm việc cực nhọc về, thấy mâm cơm không có canh cua, vừa đói, vừa
giận, bà mẹ vơ lấy cây đũa bếp đánh con một cái. Chú bé hoảng sợ chạy đi xa
rồi lạc đường, sau đó được một vị sư nhận nuôi và chính chú được trở thành vị
sư rất nhân từ, thông hiểu Phật pháp. Do duyên may đưa đẩy, hòa thượng tìm
được đường về quê mẹ vào đúng ngày bà mẹ qua đời. Sau khi khấn tạ lỗi xong, lạ
thay chiếc quan tài đựng thân xác bà mẹ bay lên, rồi hạ xuống vỡ làm ba mảnh.
Người ta gọi vị sư này là Hòa Thượng Cua. Được biết ba mảnh vỡ của chiếc quan
tài hiện vẫn còn tồn tại ở một ngôi chùa tại miền Bắc.
Còn trong kinh thánh Công giáo, hình như không có câu nào nhắc tới cua, nhưng
trong lịch sử Thiên Chúa tạo thành trời đất, thì có nhắc tới tôm cá, cùng dòng
họ với cua còng: Sách Sáng Thế ghi rằng: Ngày xưa khi chưa có trời và đất,
bóng tối bao trùm vực thẳm, Thiên Chúa phán: "Hãy có ánh sáng". Liền có
như vậy. Thiên Chúa tách ánh sáng ra khỏi bóng tối. Ánh sáng là ban ngày, và
bóng tối là ban đêm, đó là ngày thứ nhất.....Thiên Chúa lại phán: "Nước phải sinh ra nhiều loài tôm cá, và trên trời phải có nhiều chim cò bay
lượn". Chúa chúc phúc cho chúng sinh sản thật nhiều. Tức thì liền có như vậy. Đó
là ngày thứ năm. Tức là “hải sản” được tạo ra vào ngày thứ Năm. Vào
ngày cuối tức là Chúa Nhật thì Chúa nghỉ ngơi.
Trong ca dao ta thì có khá nhiều câu nhắc tới loài bò ngang này, chẳng
hạn:
"Cua nhà nọ, rọ nhà kia"
"Gái nữ nhi nhà nghèo lấy chi nuôi mẹ,
Em bắt đỡ cua còng nấu hẹ mẹ ăn".
"Nắng lên cho mối bắt gà
Một trăm đàn bà đánh giặc cho vua
Con tép nó kẹp con cua"
"Con vua thì lại làm vua,
Con nhà kẻ khó bắt cua cả ngày."
"Ve vẻ vè ve
Cái vè loài vật
Trên lưng cõng gạch
Là họ nhà cua"
"Con cua mà có hai càng
Đầu, tai không có bò ngang cả đời"
"Con cua hai càng
Con cua bò ngang
Nó đi rềnh ràng
Nó đi lang thang
Nó đi vô hang
Tìm đâu cho thấy".
"Chèo ghe xuống biển bắt cua
Bắt cua cua kẹp, bắt rùa rùa bơi"
"Con cua không sợ, anh sợ con còng
Dao phay anh không sợ, chỉ sợ gái hai lòng hại anh"
"Gió đưa gió đẩy về rẫy ăn còng
Về sông ăn cá, về đồng ăn cua
Bắt cua làm mắm cho chua
Gởi về quê nội khỏi mua tốn tiền".
Người dân quê nghèo ngày xưa phải sống bằng nghề “mò cua bắt ốc” cực
nhọc rất đáng thương.
Riêng tôi cũng ráng tìm trong chuyện Kiều của thi hào Nguyễn Du, thì không
thấy câu nào nhắc tới cua cả. Tính tới trong chuyện Chưởng cũng thế, không
thấy có môn võ công hoặc bí kíp nào liên hệ tới con cua, ngoại trừ câu nói
đánh “võ cua” để chỉ người không biết võ mà lại hay múa máy giả bộ trổ
tài. Bạn nào biết về việc này thì xin mách dùm để bổ túc nhá.
Cua là loài động vật rất đa dạng với nhiều giống nhiều loại, kích thước khác
nhau. Loài cua lớn nhất thế giới được cho là cua nhện Nhật Bản có chiều dài
lên tới 3,7 mét, cỡ một chiếc xe hơi nhỏ, nhưng chúng sống ở vùng nước sâu và
không bao giờ bò lên bờ. Có lần người ta tung lên trang mạng Weird Whistable
tấm ảnh chụp con cua khổng lồ dài 15 mét, nhưng đây là chuyện cá tháng Tư xạo
cho vui mà thôi.
Tại Việt Nam, con cua nặng 7 kg ở Móng Cái đã khiến dân mạng xôn xao, liên tục
chia sẻ hình ảnh, có thể đây là con cua lớn nhất Việt Nam.
Cua đá Canada hay Dungeness - xuất phát từ cảng Dungeness, Washington, là loại
hải sản bán chạy và thường xuất hiện vào lễ hội hải sản hàng năm. Cua này vỏ
cứng, với các cặp chân rất dài (chẳng biết có được đem đi thi hoa hậu chân dài
không?!). Chúng có thể chôn mình hoàn toàn trong cát nếu bị đe dọa. Đây là một
trong các loại cua ngon nhất thế giới.
Bây giờ xin nói chuyện về các giấc mơ dính líu tới con cua - Mơ thật chứ không
phải mơ theo kiểu bà Nguyễn Phương Hằng, bà chủ Đại Nam đang náo động mạng xã
hội thời gian gần đây - Nếu nằm mộng thấy bị cua kẹp vào tay, thì giấc mơ này
nhắn nhủ bạn nên đề cao cảnh giác vì có người sẽ nói xấu bạn. Ủa, mà biết bao
nhiêu lần mình đâu có nằm mơ thấy bị cua kẹp, mà thiên hạ cũng đã nói xấu mình
hà rầm rồi! Còn nếu nằm mơ thấy cua bò vào nhà, thì điềm báo sắp có chuyện
không hay xảy ra với gia đình bạn. Chỉ khi nào có cua thật bò cả đàn vào nhà,
thì mới thật sự là hên vì bạn sẽ có cua ăn hoặc đem bán kiếm tiền. Còn mơ thấy
cua bò lên chân, bạn nên đề phòng vì sẽ có người gây sự với mình. Nếu mơ thấy
một con cua thì đánh đề số 18 - 25, mơ thấy 2 con cua thì nên đánh số 26 - 81.
Người ta bàn đề như thế, nhưng theo tôi đánh số nào thì cũng sẽ thua, trở nên
bác thằng Bần cả.
Trên ruộng đồng, sau những trận mưa lớn thì cua đồng xuất hiện nhiều. Cua đồng
có các tên: cua đá, cua sẫm, cua hương… tùy theo loại, màu sắc mà người ta đặt
tên cho chúng.
Cua là thức ăn ngon, bổ, thành phần dinh dưỡng phong phú, có nhiều vitamin
nhất là vitamin B. Ngoài ra thịt cua có nhiều khoáng chất như can-xi, phố-pho,
sắt, kẽm. Cua biển có chứa acid béo Omega 3 rất tốt cho sự phát triển của não
bộ, tim mạch. Hàm lượng cholesterol trong cua cũng ít nếu so sánh với thịt gà
và thịt heo, nên mình không cần lo lắng nhiều nếu ăn thịt cua. Ông xã tôi thì
lo lắm khi ăn cua, tôm hùm, vì cứ sợ ít không đủ!
Khi mua cua, bạn cần chọn những con còn sống, nếu cua có yếm to, bám
chắc vào thân cua, hai càng và các chân hoạt động nhanh nhẹn thì thịt cua mới
chắc và ngọt được. Người ta cũng bảo những ngày có trăng thịt cua teo lại rất
ít, gọi là cua óp. Cua óp vào ngày rằm do chu kỳ sinh trưởng khi cua lột xác,
cua lột vào ngày mồng 10 và 23 hàng tháng dựa theo âm lịch. Khi lột cua tăng
kich thước cơ thể khoảng 50%; thịt cua vì vậy phải nở ra. Đến ngày rằm vỏ cua
đã cứng và ra ngoài kiếm ăn, nên lúc này cua bị óp.
Lưu ý chúng ta cũng không nên ăn cua đã chết, vì khi đó vi khuẩn phát triển
tạo thành chất độc hại cho cơ thể. Ngay cả cua luộc chín nhưng để lâu cũng dễ
bị vi khuẩn xâm nhập. Đặc biệt không nên ăn cua sống, cũng không ăn dạ dày cua
vì có nhiều chất cặn bả và vi khuẩn. Còn khi cua tươi ngon thì cũng không nên
ăn chung với quả hồng, vì chất tanin sẽ tác dụng với protein trong thịt cua dễ
gây đau bụng, tiêu chảy, nôn mửa. Nhiều người lại bị dị ứng với cua hoặc hải
sản nói chung, ăn vào bị ngứa, sưng, khó thở, nếu thế thì phải tránh không
được ăn. Cua, ghẹ là một những loại hải sản có nguy cơ dị ứng cao nhất. Một
anh bạn tôi nói đùa rằng anh thì ngược lại, chỉ khi không được ăn cua là mặt
mới sưng lên vì thèm mà phải nhịn. Nguyên nhân gây dị ứng, sở thích mỗi người
rất khác nhau, cần được tìm hiểu và tôn trọng. Tôi không thích tôm hùm nhưng
thích cua. Có người bạn không thể ăn được cá, ngửi mùi là muốn ói.
Người ta nghiên cứu thấy tuổi thọ trung bình của cua là 2 tới 4 năm. Kích
thước thay đổi tùy theo loại, có loại bé tí teo. Bạn từng được ăn cua rạm
chưa, chúng rất nhỏ nhưng vỏ dòn ăn được và rất béo, thơm ngon.
Cua hoàng đế Alaska, tức là King crab được mệnh danh là vua của các loài cua
với giá đắt đỏ nhất trên thị trường. Cua Alaska hấp xả, nướng, rang muối,
chiên kiểu Hongkong đều rất ngon, thịt ngọt và nhiều nạc. Chúng được tìm thấy
đầu tiên tại vùng biển Na Uy và sau này đã phát triển nhanh ra nhiều vùng biển
khác. Loài cua này bắt đầu mùa sinh sản vào mùa xuân. Chúng có thể đi bộ hơn
160 km mỗi lần di cư hàng năm và trung bình 1,6 km mỗi ngày. Có lẽ vì tập thể
dục tốt như thế nên thịt cua dai và ngọt chăng? Cua Hoàng Đế mất 4 tới 5 năm
để trưởng thành và có thể sống đến 30 năm trong tự nhiên.
Thế nhưng đắt tới mức gần bằng giá 1 chiếc xe hơi cũ, chỉ giới rất giàu mới
dám ăn là con cua Tuyết Nhật Bản. Trong phiên đấu giá tại chợ hải sản ở tỉnh
Tottori, một con cua tuyết đã được bán với giá 5 triệu yên (tức gần $46,000 đô
Mỹ). Nó tên là Itsukiboshi, nặng chỉ hơn 1 ký, thân dài 15 cm . Ăn xong con
cua này chắc miệng bị đông lạnh thành tuyết luôn, vì hao tốn quá sức. Muốn rẻ
hơn bạn có thể ăn con cua Úc, chỉ khoảng $6000 đô thôi. Chúng có cặp càng to
tướng, có tên là Tasmania, loại cua Úc này được xếp vào loại có trọng lượng
nặng trên thế giới, có con nặng tới 10 kg. Cua lông Hồng Kông cũng là loại hản
sản được bán rất mắc. Cua lông thường được nuôi ở hồ Dương Trừng, tỉnh Giang
Tô, vì chúng có nhiều lông nên mới mang tên... Lông.
Chú cua được đặt tên là Claude to khổng lồ được đánh bắt tại vùng biển
Tasmania cũng rất nổi tiếng. Đáng lẽ chú Claude đã là trở thành món bánh cua
ngon lành trên đĩa, nhưng may nhờ một chủ một hồ cá nước Anh đã mua lại với
giá $4800 đô Mỹ rồi đưa về Anh. Claude được dự đoán là sẽ còn phát triển to
lớn hơn nữa. Tiến trình đem chú về Anh chắc là phải được bảo vệ, nghiên cứu
cẩn thận, nếu chết dọc đường thì tiếc lắm.
Tản mạn về cua thì phải nhắc đến tên của một loại cua có lẽ sẽ gợi trí tưởng tượng của quý ông, đó là cua Trinh Nữ. Đây là loài cua được tìm thấy với thân mình
màu trắng sữa riêng biệt, dù còn sống hay đã được nấu chín, thân mình đều
không bị chuyển màu như những loài cua khác. Bởi là trinh nữ nên kích thước
loài cua này nhỏ, chỉ khoảng 100 gram mỗi con. Ngược lại với cua Trinh Nữ xinh
đẹp trong trắng là cua Mặt Quỷ, ngoài hình dạng lồi lõm ghê rợn còn mang trong
mình nhiều độc tố. Chỉ với 0.5 gram thịt cua mặt quỷ, nó có thể khiến người ta
bị ngộ độc thần kinh dẫn đến tử vong. Ngoài ra còn có cua Hạt là loại cua có
chứa độc tố không thua cua mặt quỷ, thân cua có hình dáng đặc thù như nửa hình
tròn, thân mình khoảng 30mm-40mm, được bao bọc bởi rất nhiều các khối u lồi
giống như các hạt trái cây trên mình.
|
|
Cua Tuyết (snow crab) là loài cua có tên khoa học là Chionoecetes Opilio thuộc
họ Oregoniidae. Loài cua này sống chủ yếu ở tây bắc Đại Tây Dương (như
Greenland, Newfoundland, trong vịnh St.Lawrence) và bắc Thái Bình Dương (như
Alaska, Nhật Bản, Hàn Quốc). Người ta thường tìm thấy cua tuyết ở độ sâu từ 13
- 2187m, đây là nơi có nhiệt độ thấp (1 đến 10 độ C), đáp ứng điều kiện lý
tưởng cho sự phát triển của loài cua này.
Do môi trường sống lạnh giá nên phần vỏ của cua tuyết rất cứng, chân dài chiếm
phần lớn khối lượng cơ thể. Khi đi các nhà hàng Buffet, người ta thường quảng
cáo có loại Snow crab này để thu hút khách.
Một loài cua lạ khác là con cua Đinh có tên khoa học là Amyda Cartilaginea,
tức là con Ba Ba, giống như con rùa, hoàn toàn khác với con cua bình thường,
chẳng hiểu sao là gọi là “cua”. Loài cua Đinh này thường được thấy ở các con
sông trong khu vực Đông Nam Á. Cua Đinh xào lăn, nấu chuối xanh cũng là món
được người dân ưa thích.
Thêm chuyện để nói “
linh tinh”, thì có một loại ốc mượn hồn cũng có
liên hệ tới cua, mang tên tiếng Anh là Marine Hermit Crab. Ốc mượn hồn trên
cạn còn có tên là cua ẩn sĩ hay ốc phù thủy, cũng có loại sống sâu dưới nước.
Ốc Mượn Hồn được nuôi làm thú cưng như nuôi cá kiểng, hay cũng có thể dùng làm
thực phẩm. Ốc mượn hồn có nhiều kích thước khác nhau và có thân hình mềm yếu,
vì vậy mà nó thường chui vào vỏ con ốc đã chết để bảo vệ cơ thể. Khôn ghê nhỉ,
ai dạy mà chúng biết “
mượn hồn”, biết mặc áo giáp để sống còn.
Tương tự trong thiên nhiên cũng có cây tầm gởi, là một loại cây nhỏ sống nhờ
trên một thân cây lớn khác, nhiều giống lan rừng cũng thế, tự động mọc và hút
chất bổ từ thân cây lớn để sống. Riêng con người có nên sống tầm gửi, ăn bám
và kẻ khác, xoè tay lãnh welfare trợ cấp xã hội dù có dư năng lực làm việc thì
có nên hay không, việc này xin mời bạn góp ý dùm.
Bây giờ xin bàn về ẩm thực. Các món ăn làm từ cua thì nhiều lắm, dễ nhất là
đem hấp. Hấp bia được cho là sẽ làm thịt cua ngọt và thơm hơn (ăn vào coi
chừng say!) Cua biển rang muối là món ăn mang lại hương vị đậm đà khó cưỡng.
Muốn có vị chua chua ngọt ngọt thì đem rang me. Cua sốt mỡ hành cũng ngon bá
cháy. Càng cua bọc thịt tôm xay đem chiên, là món khai vị vừa sang vừa ngon,
hầu như đám cưới nào cũng có đãi món này. Nếu muốn món soup bong bóng cá được
ngon, thì phải thêm thịt cua vào mới đúng điệu. Chả giò mà làm bằng thịt cua
thì ngon hết biết. Bánh canh cua, chả mai cua, bánh phồng cua thay vì
bánh phồng tôm cũng là các món ngon chế tạo từ cua. Về các món ăn đồng quê thì
chắc ai cũng thèm một nấu bát canh riêu thật thơm, thật ngọt và mát nấu với
rau đay hoặc rau mồng tơi, ăn kèm với cá pháo mắm tôm nữa thì hao cơm lắm.
Cũng xin mở ngoặc ở đây về câu chuyện có thật xảy ra với cô con dâu thành phố.
Cô về quê thăm nhà, được mẹ chồng nhờ giã cua ra để nấu canh. Cô giã cật lực
để lấy điểm với nhà chồng, nhưng vì chưa bao giờ nấu canh cua nên cô đổ nước
thịt cua đi, chỉ giữ lấy xác! Chắc bạn hiểu chuyện gì đã xảy ra, còn nếu bạn
cũng là người thành phố chưa nấu canh cua bao giờ thì tôi đành phải dài dòng
giải thích. Ấy là sau khi giã ra, thịt cua tan trong nước, khi nấu sôi sẽ đông
lại trở thành chất riêu ngon lành, cái xác cua khi lọc ra chỉ là vỏ cua cần
phải bỏ đi, cô dâu này lại làm ngược lại.
Bún riêu cũng là món mà các nhà hàng Việt Nam luôn có. Khi bắt được nhiều cua
quá thì người ta đem làm mắm cua chua, để dành ăn được lâu ngày hơn mà mùi vị
cũng rất đặc biệt. Người ta cũng dùng cua để làm nước mắm cua thay vì nước mắm
cá. Nước mắm nhãn hiệu 3 con cua rất phổ thông ở hải ngoại. Các nhà hàng Tàu
thường chiên từng núi thịt cua, thịt tôm hùm theo kiểu Hồng Kông, thực khách
sắp hàng để vào ăn thật đông dù giá khá cao, nhưng ai cũng bảo “đáng đồng tiền bát gạo”.
Nấu nhiều món như trên, nhưng sách cũng khuyên rằng khi ăn cua tốt nhất chỉ
nên ăn phần gạch, phần mình của cua hoặc phần thịt bên trong càng và chân cua.
Các phần có màu đen ở mai cua và bụng cua không nên ăn vì đây là ruột cua,
chứa nhiều bùn đất nhất. Ngoài ra còn phần mềm hình giống như hai hàng lông
mày ở bụng cua cũng không nên ăn.
Phụ nữ mang thai hoặc đang cho con bú cũng nên hạn chế ăn cua, ghẹ, mỗi tuần
chỉ nên ăn 1-2 lần, mỗi lần dưới 100g. Những người mắc bệnh tiểu đường, huyết
áp cao, bệnh gout, viêm khớp, bị ho hay bị bệnh hen suyễn cũng không nên ăn
quá nhiều. Gạch cua là trứng đối với cua cái và là tinh trùng đối với cua đực.
Gạch cua tiếng Anh là Crab Roe - nghĩa là trứng cua. Trứng cua có màu vàng từ
nhạt đến cam đỏ nên rất dễ nhận ra. Phần còn lại là gan và tụy cũng được coi
là gạch cua, có màu từ xám đến xanh đen có thể ăn được bình thường.
Đối với cua đực, chúng có yếm nhỏ và hình dài. Cua cái phần yếm gần như bọc cả
phần bụng cua bên dưới. Đây chính là đặc điểm giúp dễ dàng nhận biết giới tính
của chúng. Cua đực ít gạch, nhiều thịt nên thường được gọi là cua thịt.
Để lựa cua thì những con ngon sẽ có mai màu sẫm, dùng tay ấn vào yếm cua thấy
rắn chắc, yếm to là cua có nhiều thịt. Bạn nên chọn những con cua có càng to
khỏe, mặt dưới càng và bụng cua có màu nâu sẫm và bóng, còn nếu màu nhợt nhạt
thì chắc là cua non, chất lượng thịt và gạch không cao. Muốn ăn cua nhiều thịt
thì chọn cua đực, muốn ăn cua có gạch thì chọn cua cái. Ngoài ra không nên
chọn những gian hàng có cua buộc bằng dây to cho ngấm nhiều nước để làm tăng
cân, vì họ tính tiền theo ký.
Xin lưu ý tại Na Uy, nếu ăn cua tôm hải sản mà không giết chúng chết trước, để
chúng bị nóng phải giãy dụa, chết dần trong nồi là phạm luật về hành hạ thú
vật, sẽ bị phạt rất nặng. Điều này cũng đúng vì ta không nên kéo dài nỗi sợ
hãi, đau đớn của bất cứ loài nào.
|
Cua Ba Chấm |
Cùng dòng giống với cua là các loại ghẹ xanh, ghẹ đỏ, ghẹ biển, ghẹ ba chấm…
Gọi tên là Ba Chấm vì trên mai chúng có ba chấm tròn. Ghẹ ba chấm không có
nhiều thịt như ghẹ đỏ, ghẹ xanh, nhưng cũng được người tiêu thụ dùng nhiều. Lạ
ghê, ông Trời đâu có rảnh mà ngồi vẽ từng con với 3 cái chấm tròn trịa trên
mai, lại cũng có nhiều giống màu sắc xanh đỏ tím vàng rất lạ mắt. Thiên nhiên
thật là bí hiểm.
Ngoài dùng làm thức ăn, trong thuốc Nam người ta thấy nước cua có thể làm hạ
sốt, chẳng hạn dùng cua đồng khoảng 10 con cho vào chậu nước, lấy đũa quấy cho
sạch hết đất bẩn, sau đó dội nước sôi khử vi khuẩn, xong bỏ vào túi vải giã
lấy nước để uống có thể giúp hạ sốt mau chóng. Không biết nước cua này có giúp
khi sốt vì dịch Covid hay không! Nước cua còn được dùng cho người bị chấn
thương do té ngã, bị đánh đòn bầm tím, bằng cách uống nước cua đồng tươi và
đắp bã cua vào chỗ tổn thương. Cách chữa này được truyền tụng từ lâu đời, nhất
là trong giới võ thuật. Tuy thế ngày nay có lẽ không ai cần cách này nữa, vì
đã có các loại thuốc tây, dầu xoa bóp khác.
Bàn về chữ cua, đồng âm nhưng khác nghĩa thì kiểu tóc nam giới cắt ngắn, không
rẽ đường ngôi được gọi là tóc húi cua. Dân húi cua là chữ được dùng để chỉ
nhóm con trai, ngày nay chắc không đúng lắm vì nhiều chàng đã để tóc dài,
không húi cua nữa.
Khi người nào viết chữ xấu, khó đọc quá người ta nói là “viết như cua bò”. Còn lúc tán gái người ta dùng chữ cua gái, bắt nguồn từ tiếng Pháp “Faire la cour” tức là “tán tỉnh”. Khi đi học, người ta phân chia loại cua này cua
khác, “cua” tiếng Pháp bắt nguồn từ “cours” tức bộ môn học.
Ngoài ra khúc ngoặt trên đường đi cũng gọi là khúc cua, hoặc khi diễn tả xe
quẹo thật gấp, người ta dùng chữ “cua gấp”.
Một loại thực vật ngày nay được cho là đặc sản rau rừng, có tên là rau Càng
Cua cũng rất nên nhắc tới trong bài tản mạn cua còng này. Loại rau xanh này
còn được gọi là cây Cúc Áo hay cây Quỷ Châm Thảo. Ở miền Tây rau càng cua còn
được gọi là rau Tiêu vì lá nhìn khá giống lá tiêu sọ. Lá rau càng cua trong
suốt, có hoa nhỏ ở ngọn, quả mọng hình cầu, có mũi nhọn ở đỉnh. Rau càng cua
có tác dụng bổ âm huyết, thanh nhiệt, giải độc, lợi tiểu, chữa viêm họng. Rau
càng cua có tên gọi khoa học là Peperomia Pellucida. Người ta ghi nhận ở
Bolivia, người da đỏ Altenos đã biết dùng rau càng cua nghiền nát trộn với
nước đun nóng, hỗn hợp này làm ngưng xuất huyết. Rau càng cua thường được ăn
sống, trộn dầu giấm, thịt bò, ngon và phù hợp cho nhu cầu tìm nguồn thực phẩm
sạch ngày nay. Hồi xưa nó là rau dại, dân quê mới ăn, ngày nay rau Càng Cua
hiếm quí dành cho giới đại gia. Quả là có ai biết ai ngờ…
Từ đầu tới giờ đã phát biểu linh tinh khá nhiều, thôi thì xin kết thúc chuyện
cua ở đây. Chúc bạn khi thích ai thì “cua” được người đó, mùa Covid này mong
ghi danh "online" học được nhiều cua hay, kể cả cua nấu ăn, mẹo vặt làm bếp,
sửa nhà, không phải chỉ học chữ. Ngoài ra cũng chúc bạn chế biến được nhiều
món ăn ngon từ cua, còng, ghẹ, chúc bạn thật vui khoẻ và nhất là không "ngang như cua".
Nguyễn Ngọc Duy Hân
Post a Comment