Header Ads

Naguib Mahfouz (1911-2006) Văn Hào Ai Cập - Lãnh Giải Nobel Văn Chương Năm 1988


Phạm Văn Tuấn

I/ Cuộc đời của Nhà Văn Naguib Mahfouz.

Naguib Mahfouz sinh ngày 11/12/1911 tại Gamaliya, thành phố Cairo, nước Ai Cập, trong một gia đình sinh sống trong hai quận rất quen thuộc của thành phố Cairo là al-Jamaliya và al-Abbasiya và nơi đây là hậu cảnh của nhiều cuốn truyện do nhà văn này sáng tác.

Cha là một công chức, vì thế sau này ông Mahfouz đã đi theo con đường của cha. Vào thuở thiếu thời, cậu Naguib thường được bà mẹ dẫn đi coi các Viện Bảo Tàng và Viện Lịch Sử nên những nơi này đã là các đề tài chính trong các cuốn truyện của ông Mahfouz. 

Năm 1934, ông Mahfouz tốt nghiệp Phân Khoa Triết Học (Philosophy Department) thuộc trường Đại Học Văn Khoa (Faculty of Arts) nằm trong Viện Đại Học Cairo, rồi sau 2 năm theo học chương trình Cao Học (M.A.), ông Naguib Mahfouz đã quyết định trở nên một nhà văn chuyên nghiệp. Ông viết bài cho tờ báo Ar-Risala và cũng đóng góp bài cho hai tờ báo Al-Hilal và Al-Ahram.

Trước khi chuyển sang viết tiểu thuyết, ông Mahfouz đã viết nhiều bài báo và truyện ngắn. Cuốn truyện đầu tiên của ông được xuất bản năm 1938 rồi qua năm sau, ông Mahfouz làm công chức cho chính phủ Ai Cập và đã theo nghề nghiệp này trong 35 năm trường.

Từ năm 1939 tới năm 1954, ông Naguib Mahfouz là công chức của Bộ Ủy Tặng (the Ministry of Endowments) rồi sau đó làm giám đốc của Cơ Quan Yểm Trợ Điện Ảnh (Director of the Foundation for Support of the Cinema), thuộc Tổ Chức Điện Ảnh Quốc Gia (the State Cinema Organization). Trong hai năm từ 1969 tới 1971, ông Mahfouz là cố vấn cho Bộ Văn Hóa (the Ministry of Culture) chăm lo các công tác điện ảnh.

Các tác phẩm ban đầu của ông Mahfouz là ba cuốn tiểu thuyết lịch sử: "Điều Nực Cười của Định Mệnh" (Ironies of Fate = Abath al-Agdar, 1939), "Ái Phi Radubis" (Radubis, 1943) và "Cuộc Đấu Tranh của thành phố Thebes" (The Struggle of Thebes, 1944). Tác giả Naguib Mahfouz đã bị ảnh hưởng của nhà văn người Anh Sir Walter Scott (1771-1832) khi ông dự tính trình bày lịch sử của nước Ai Cập bằng 30 cuốn tiểu thuyết mà các cuốn kể trên chỉ là phần đầu.


Sau tác phẩm thứ ba, nhà văn Mahfouz chuyển cách chú tâm sang các ảnh hưởng tâm lý đối với con người bình thường trong thời hiện nay. Trong thập niên 1950, sáng tác chính của ông Mahfouz là tập hợp ba cuốn Truyện Cairo (The Cairo Trilogy) và tác giả đã hoàn thành các cuốn này trước cuộc Cách Mạng Tháng 7. Các tiểu thuyết này có tên là "Lâu Đài Tản Bộ" (Palace Walk = Bayn al-Qasrayn, 1956), "Lâu Đài của Ước Muốn" (Palace of Desire = Quasr al-Shawq, 1957), "Dãy Phố Đường" (Sugar Street = al-Sukkariyah, 1957). 

Nhà văn Mahfouz đã cho các câu chuyện xảy ra tại thành phố Cairo, nơi mà tác giả đã trưởng thành và các cuốn truyện đã mô tả cuộc đời của Abd al-Jawad và gia đình của ông ta với ba thế hệ, sinh sống tại Cairo từ Thế Chiến Thứ Nhất tới thập niên 1950, khi mà Vua Farook I bị truất phế. Cách diễn tả các nhân vật, sự hiểu rõ tâm lý của những người này đã khiến cho độc giả liên tưởng tới các nhà văn danh tiếng trên thế giới như Tolstoy, Dickens, Balzac và Galsworthy.

Từ năm 1959, ông Naguib Mahfouz lại sáng tác rất phong phú nhiều thể loại: tiểu thuyết, truyện ngắn, bài bình luận, bài hồi ký và các kịch bản. Qua tác phẩm "Các Người Con của Gebelaawi" (Children of Gebelaawi, 1959), tác giả đã mô tả ông phú hộ Gebelaawi và các con cháu. Ông ta xây dựng một tòa nhà lớn giữa một sa mạc trơ trụi. Vùng đất đai này là nơi diễn ra mối thù hận kéo dài qua nhiều thế kỷ.

Trong thập niên 1960, nhà văn Mahfouz đã viết ra các cuốn tiểu thuyết hiện sinh, khai triển các đề tài qua đó nhân loại đã đi xa dần Thượng Đế. Vào thập niên này, tác phẩm chính là cuốn "Kẻ Trộm và các con Chó" (The Thief and the Dogs = Al-Liss wa-al Kilab, 1961).

Sau khi không làm giám đốc sở Kiểm Duyệt (the Director of Censorship), ông Naguib Mahfouz được bổ nhiệm làm giám đốc Cơ Sở Yểm Trợ Điện Ảnh (Director of the Foundation for the Support of the Cinema). Ông cũng là biên tập viên chính của tờ nhật báo hàng đầu Al-Abram rồi qua năm 1969, trở thành cố vấn cho Bộ Văn Hóa, rồi sau đó, ông về hưu năm 1972. Từ nay, ông Mahfouz là một nhân vật trong hội đồng quản trị nhà xuất bản Dar al Ma'aref. Phần lớn các tiểu thuyết của ông Naguib Mahfouz đều được đăng trên tờ báo Al-Ahram, còn các bài bình luận trên mục Quan Điểm (Point of View). 

Trong thập niên 1960 và 1970, nhà văn Naguib Mahfouz cấu tạo các tiểu thuyết theo cách phóng khoáng hơn và dùng tới các độc thoại. Trong cuốn "Miramar" (1967), tác giả đã dùng tới cách kể chuyện của nhiều ngôi thứ nhất. Các người kể chuyện đã đại diện cho các quan điểm chính trị khác nhau, chẳng hạn như các ý tưởng của một người theo Xã Hội Chủ Nghĩa hay của một kẻ xu thời theo lãnh tụ Nasser.

Trong cuốn "Các Đêm và Ngày Ả Rập" (Arabian Nights and Days = Layali alf Laylah, 1981) và trong cuốn "Cuộc Hành Trình của Ibn Fatoume" (The Journey of Ibn Fatoume = Rihlat ibn Fattumah, 1983), nhà văn Mahfouz đã dùng cách kể chuyện Ả Rập cổ điển. Tác phẩm "Vua Akhenaton" trình bày sự xung đột giữa các chân lý tôn giáo cũ và mới.

Qua các tác phẩm văn chương, nhà văn Naguib Mahfouz đã mô tả sự phát triển của quê hương của mình trong thế kỷ 20. Ông đã phối hợp các ảnh hưởng trí thức và văn hóa từ phương đông và phương tây, dùng kinh nghiệm của chính mình khi vào tuổi thiếu niên, đã học hỏi nền văn chương không-Ả-Rập và đã ham đọc các truyện trinh thám của phương tây. Các cuốn truyện của nhà văn Mahfouz thường được diễn ra tại khu vực đông dân của thành phố Cairo, chú trọng tới các nhân vật phải đối phó với công việc canh tân hóa xã hội và phản ứng ra sao trước các cám dỗ của các giá trị phương tây.

Với hơn 40 cuốn tiểu thuyết và các tập truyện ngắn và được coi là "Nhà Văn Balzac của Ai Cập", tác giả Naguib Mahfouz đã tạo nên những nhân vật mà tên gọi của họ trở thành những danh từ quen thuộc trong các gia đình và ông Mahfouz được rất nhiều độc giả coi là người phát ngôn không chỉ của nước Ai Cập mà còn của các nền văn hóa không phải là Tây Phương.

Trước khi lãnh được Giải Thưởng Nobel Văn Chương, nhà văn Naguib Mahfouz chỉ có vài tác phẩm dịch sang tiếng Anh và bà Jacqueline Onassis đã là một trong vài người đầu tiên mang những tác phẩm này giới thiệu với các độc giả đọc tiếng Anh.

Vào năm 1994, nhà văn Naguib Mahfouz bị hai kẻ cuồng tín Hồi Giáo dùng dao đâm vào cổ, ông đã phải nằm điều trị tại bệnh viện một thời gian và hai kẻ tội phạm đã bị kêu án tử hình vào năm 1995.

Sáng sớm ngày 30/8/2006, Văn Hào Naguib Mahfouz đã qua đời trong bệnh viện của thành phố Agouza.

2/ Một số tác phẩm của Văn Hào Naguib Mahfouz.

Trong Bài Diễn Văn đọc trước cử tọa khi lãnh Giải Thưởng Nobel Văn Chương, Văn Hào Naguib Mahfouz đã nói:

Tôi là đứa con của hai nền văn minh mà vào một thời đại nào đó trong lịch sử, đã kết duyên êm thắm với nhau. Nền văn minh thứ nhất, lâu đời 7 ngàn năm, là thứ của các Vua Pharaoh (the Pharaonic civilization), nền văn minh thứ hai kéo dài 1,400 năm, là nền Văn Minh Hồi Giáo.

Hai ngàn năm về trước và trong nền văn chương Ả Rập, Thơ Phú là loại xuất sắc nhất. Tại nước Ai Cập, truyện "Nghìn lẻ một Đêm" (The Arabian Nights) là một tập hợp các chuyện kể của các xứ Ấn Độ, Iran và Iraq, và đã được kết tinh thành một hình thức phát triển tốt đẹp nhất, trong khi đó tại xứ Ai Cập, hình thức kể chuyện đã có từ lâu đời và tồn tại cho tới ngày nay.

Trái với Thơ Phú, các tiểu thuyết của xứ Ai Cập là kết quả của năm ảnh hưởng: 
  1. Văn chương của châu Âu ảnh hưởng tới xứ sở này trong khi tiểu thuyết là thể loại chính phát triển trong hai thế kỷ 18 và 19, 
  2. Việc thiết lập các nhà in trong thế kỷ 19 cùng với sự bành trướng của các tờ báo, 
  3. Nền giáo dục công cộng và công việc xóa nạn mù chữ, 
  4. Công cuộc giải phóng dần dần khỏi các đàn áp của các lực lượng ngoại quốc, khởi đầu bằng triều đại của vua Muhammad Ali sau khi quân đội Pháp chiếm đóng Ai Cập vào đầu thế kỷ 18, 
  5. Sự xuất hiện của giai cấp trí thức với nền học vấn rộng rãi và mang tính quốc tế.
Như vậy, bộ môn tiểu thuyết của xứ Ai Cập đã ra đời, học hỏi từ các tiểu thuyết của châu Âu và sau các thời gian thí nghiệm, đã tiến bộ. Tác phẩm "Zaynab" xuất bản năm 1912 của nhà văn Muhammad Husayn Haykal (1888-1956) được coi là cuốn tiểu thuyết Ai Cập đầu tiên. Sau đó còn có các sáng tác của các nhà văn khác như Taha Husayn (1889-1973), Ibrahim al-Mazini (1890-1949), Mahmud Tahir Lashin (1894-1954) và Tawfiq al-Hakim (1898-1987)...

Sự phát triển này đã dẫn tới đỉnh cao nhất là các sáng tác của Văn Hào Naguib Mahfouz, đoạt Giải Thưởng Nobel Văn Chương vào năm 1988. Đây là nhà văn viết ngôn ngữ Ả Rập đầu tiên đã nhận được danh dự cao quý này.

Các tác phẩm ban đầu của ông Mahfouz là các tiểu thuyết lịch sử: "Điều Nực Cười của Định Mệnh" (Ironies of Fate = Abath al-Agdar, 1939), "Ái Phi Radubis (Radubis, 1943) và "Cuộc Đấu Tranh của thành phố Thebes" (the Struggle of Thebes, 1944). 

Tác phẩm "Điều Nực Cười của Định Mệnh" (Abath al-Agdar) được căn cứ vào một truyền thuyết cổ Ai Cập. Khởi đầu cuốn tiểu thuyết này có tên là "Sự Khôn Ngoan của Cheops" (the Wisdom of Cheops). Đây là vị vua Ai Cập Pharaoh sống vào khoảng năm 2680 trước Tây Lịch, trong triều đại thứ 4 của Vương Triều Cổ (Old Kingdom). Nhà vua này được một người thầy bói cho biết rằng sau khi băng hà, vương quốc sẽ không về tay hoàng tử nối ngôi mà sẽ thuộc về Dedef, người con trai của một tu sĩ thuộc ngôi đền Ra. Vua Cheops vì thế đã tìm mọi cách để thay đổi tương lai và trong các hoàn cảnh phức tạp xẩy ra, mọi ý muốn sửa đội định mệnh đã trở thành vô vọng và định mệnh này cũng phức tạp như số mệnh của Vua Oedipus hay như truyền thuyết về nhà tiên tri Moses.

Cuốn tiểu thuyết thứ hai, "Ái Phi Radubis" (Radubis) là câu chuyện kể về một cung tần trong triều đình Cổ Ai Cập. Nàng là người yêu của Vua Pharaoh Mernere II và cuốn tiểu thuyết là thiên tình sử của hai người. Người Ai Cập đã không biết nhiều về Vua Mernere II này mà chỉ hiểu sơ sài rằng nhà vua đã cai trị xứ sở trong một năm vào cuối triều đại thứ 6, vào thời kỳ này có bà hoàng hậu Nitocris, nổi danh về sắc đẹp. Tình yêu của nhà vua và ái phi Radubis là một cuộc tình hoàn toàn tận hiến. Các thần linh đã thừa nhận mối tình này và nhà vua đã dùng nhiều tài sản của đất nước để ca ngợi người đàn bà tuyệt vời đã chiếm được trái tim của vị quân vương.

Trong tác phẩm thứ ba "Cuộc Tranh Đấu của thành phố Thebes" (Kifah Tiba), tác giả đề cập tới các cuộc chiến tranh Hykos cùng với sự suy thoái và sụp đổ của Vương Triều Trung Đại (the Middle Kingdom) kéo dài từ năm 1785 tới năm 1575 trước Tây Lịch. Ngày xưa, nước Ai Cập đã bị đô hộ do một lực lượng có nguồn gốc từ châu Á và khi các người Hykos bị đánh đuổi khỏi xứ sở này, nước Ai Cập trở nên độc lập và bắt đầu xây dựng một quốc gia mới, thịnh vượng, được gọi là Vương Triều Mới (New Kingdom). Tác giả Naguib Mahfouz đã mô tả sự thành lập của quốc gia, đà thăng tiến của tinh thần ái quốc, sự tranh đấu cho nền độc lập cũng như cách lập lại niềm tin tưởng vào đất nước.

Trong nhiều tiểu thuyết của nhà văn Mahfouz, người phụ nữ đã đóng một vai trò chính yếu và tác giả đã mô tả các gái điếm, các người đàn bà bị đổ vỡ về gia cảnh... là những nhân vật mạnh mẽ và có khi rất khôn ngoan. Cảm tình của tác giả là về phía những người bị đàn áp, các kẻ khốn cùng, các người yếu đuối, và người phụ nữ thường được coi là nạn nhân của các hoàn cảnh tàn nhẫn.

Trong cuốn tiểu thuyết "Khu Lao Động" (Khan al-Khalili, 1945), nhà văn Naguib Mahfouz mô tả cuộc đời và thảm cảnh của một gia đình phải rời khỏi nơi cư ngụ, dọn về một khu vực nghèo hèn hơn trong thành phố. Kế tiếp là tác phẩm "Ngõ Midaq" (Midaq Alley = Zuqaq al-midaqq, 1947) với nhân vật chính là một người đàn bà thuộc giai cấp thấp hèn trong thời kỳ Thế Chiến Thứ Hai. Một người Ai Cập là thợ làm tóc, đã yêu bà này trong khi đó còn có các người lính Anh đóng quân trong thành phố. Tình yêu và cơn ghen ghét đã được tác giả trình bày trong cuốn truyện.

Năm 1948, nhà văn Naguib Mahfouz cho phát hành cuốn tiểu thuyết tâm lý "Ảo Ảnh" (The Mirage = Al-Sarab). Đây là chân dung của tình mẫu tử với các bản tính của người mẹ và có các đề tài liên quan tới số mệnh, lòng mong ước, nỗi tủi nhục... tất cả đã được nêu lên nhưng chưa giải đáp. Một người đàn bà bị chồng bỏ rơi, đã nuôi đứa con trai tới tuổi trưởng thành nhưng đứa con này đã không yêu thương mẹ, đã cãi cọ khiến cho bà mẹ bị chết vì bệnh tim.

Trong ba cuốn Truyện Cairo (the Cairo Trilogy), tác giả Naguib Mahfouz đề cập tới quyền lực và sự suy đồi với thành phố Cairo thuở trước và hiện nay. Ba thế hệ của gia đình ông al-Jawad đã sinh sống tại thành phố này từ đầu thế kỷ 20, với người cha áp đảo, với các người con có các sở thích cá nhân khác nhau và mỗi người đều mong muốn các tự do riêng trước nhiều vấn đề như chủ nghĩa khoái lạc, chế độ cộng sản cũng như đạo Hồi thuần tín (the fundamentalist Islam). Ba cuốn truyện này đã trình bày các hướng nhìn khác nhau của các người con ở cùng một địa phương và tác phẩm đã giới thiệu cuộc đời riêng tư của một người vợ bị áp chế nhưng bà ta vẫn là nguồn của tình thương và sự chăm sóc. Tập quán của xã hội, tư cách cùng với sự hướng dẫn của người mẹ đã giữ cho gia đình trở về một mối trước các xáo trộn của thời kỳ chiếm đóng của quân đội Anh, trước các đối đầu giữa các giá trị của phương đông và phương tây.

Trong cuốn tiểu thuyết "Các người con của ông Gebalaawi" (The Children of Gebalaawi = Awlad haratina, 1959), nhà văn Naguib Mahfouz đã gán cho các nhân vật trong truyện mang các hình ảnh của các nhân vật tôn giáo: Gebalaawi là đấng Allah, đấng Sáng Tạo và Toàn Năng, và các nhân vật khác như Idris, Adhan, Jabal, Rifa'a, Qasim hay Arafa... ám chỉ quỷ Satan, nhà tiên tri Moses, Chúa Jesus, nhà tiên tri Muhammad..., nhưng khung cảnh lại diễn ra tại vùng ngoại ô của thành phố Cairo, ở chân các ngọn đồi Moqattam, với các gia đình gồm đủ cả cãi lộn, thương yêu và hy vọng. Các người dân này đã lo sợ hoặc nghe lời các nhà chức trách địa phương, trong khi các người khác trông cậy vào tôn giáo để tìm ra nguồn cứu rỗi. Tất cả nhân vật, hoàn cảnh... đã được mô tả một cách căng thẳng, trong đó có sự đối đầu giữa điều tốt và điều xấu.

Khi cuốn tiểu thuyết "Các người con của ông Gebalaawi" được đăng dần trên tờ nhật báo Al-Ahram vào năm 1959, các nhà lãnh đạo của Trường Đại Học Al-Azhar là nơi trông coi về niềm tin và đạo đức, đã kêu gọi chính quyền Ai Cập phải cấm đoán việc phổ biến cuốn truyện kể trên và đã có các đám đông dân chúng xuống đường, biểu tình và la lối phản đối trước tòa nhà cao tầng của tờ báo Al-Ahram.

Nhưng, lệnh cấm đoán của chính quyền đã không được ban hành, việc đăng báo vẫn tiếp tục và cuốn tiểu thuyết của nhà văn Mahfouz chỉ có thể xuất bản tại các nước ngoài. Trong bài xã luận "Các Giới Hạn của Tự Do Ngôn Luận: Tản Văn và Văn Sĩ tại Ai Cập dưới thời Nasser và Sadat" (The Limits of Freedom of Speech: Prose Literature and Prose Writers in Egypt under Nasser and Sadat, Stockholm University, 1993), tác giả Marina Stagh đã cho biết về một số liên lạc bí mật đằng sau tấn bi kịch công luận này và đã có sự đồng ý giữa tác giả và chính quyền.

Năm 1988, nhà văn Salman Rushdie đã cho xuất bản cuốn "Các Vần Thơ của Quỷ Satan" (The Satanic Verses) với ám chỉ về nhà tiên tri Muhammad. Sự việc này đã khiến cho ông Salman Rushdie bị các người Hồi Giáo thành tín lên án nặng nề và tác giả bị chính quyền Iran kêu án tử hình.

Vốn là một tín đồ Hồi Giáo thuần thành, với danh tiếng quốc tế, Văn Hào Naguib Mahfouz đã phải lên tiếng bênh vực nhà văn Salman Rushdie và biện hộ cho sự tự do ngôn luận, coi đây là một quyền linh thiêng của con người. Văn Hào Mahfouz đã viết: "Tôi kết án sự quyết định của Giáo Chủ Khomeini đã lên án tử hình ông Salman Rushdie, tôi coi đây là một vi phạm vào các liên lạc quốc tế và là một sự tấn công vào Đạo Hồi. Đối với quyền tự do bày tỏ tư tưởng (freedom of expression), tôi tin rằng phải coi đây là điều thiêng liêng (sacred) và tư tưởng chỉ có thể sửa chữa bằng cách phản bác (counter-thought). Trong khi tranh luận, tôi ủng hộ việc tẩy chay cuốn sách như là một phương tiện để duy trì sự bình yên xã hội nhưng không thể dùng một quyết định làm một phương cách để giới hạn tư tưởng".

Sự lên tiếng của Văn Hào Naguib Mahfouz đã không dàn xếp được cuộc tranh chấp kể trên, các nghi ngờ và tức giận vẫn không được xóa bỏ. Chính quyền Ai Cập vì thế đã đề nghị sự bảo vệ tác giả Mahfouz nhưng văn hào này luôn từ chối, ông vẫn duy trì nếp sống thường ngày tại thành phố Cairo. 

Vào một ngày thuộc tháng 8 năm 1994, trên con đường đi tới quán cà phê Qasr Al Nil quen thuộc, Văn Hào Naguib Mahfouz đã bị 2 tên côn đồ thuộc tổ chức al-Jihad, dùng dao nhọn đâm vào cổ và bị thương nặng nhưng không bị mạng vong. Cũng nhóm cuồng tín Jihad này đã ám sát Tổng Thống Sadat của Ai Cập.


Một số tiểu thuyết chính của Văn Hào Naguib Mahfouz được kể như sau:

- Điều Nực Cười của Định Mệnh (Ironies of Fate = Abath al-Agda, 1939).
- Ái Phi Radubis (Radubis, 1943).
- Cuộc Tranh Đấu của thành phố Thebes (Kifah Tibah, 1944).
- Khu Lao Động Khan al-Khalili (Khan al-Khalili, 1944).
- Cairo Mới (New Cairo = Al-Qahirah al-Jadidah, 1946).
- Ngõ Midaq (Midaq Alley = Zuqaa al-Midaqq, 1947).
- Ảo Ảnh (The Mirage = Al-Sarab, 1949).
- Đầu và Cuối (The Beginning and the End = Bidayah wa-Nihayah, 1949).
- Ba Truyện Cairo (The Cairo Trilogy = Al-Thulatiya, 1956-57).
- Các người con của Gebelaawi (Children of Gebelaawi = Awlad haratina, 1959).
- Kẻ trộm và các con chó (The Thief and the Dogs = Al-Liss wa-al-Kilag, 1961).
- Chim Cút Mùa Thu (Autumn Quail = Al-Summan wa-Al-kharif, 1962).
- Cuộc Tìm Kiếm (The Search = Al-Tariq, 1964).
- Kẻ Ăn Xin (The Beggar = Al-Shahhadh, 1965).
- Phiêu bạt trên Giòng Sông Nile (Adrift on the Nile = Thartharah fawq al Nil, 1966).
- Miramar (1967)
- Các tấm gương (Mirrors = Al Maraya, 1971).
- Al-Hubb taht Al Matar (1973), Al-Karnak (1974), Qualb al-Layl (1975).
- Ngài Đáng Kính (Respected Sir = Hadrat al-Muhtaram, 1975).
- Các người Harafish (The Harafish = Malhamat al-Harafish, 1977).
- Các Đêm và Ngày Ả Rập (Arabian nights and days = Layali alf Laylah, 1981).
- Cuộc Hành Trình của Ibn Fatoume (The Journey of Ibn Fatoume = Rihlat ibn Fattumah, 1983).
- Vua Akhenaten (Akhenaten, Dweller in truth, 1985).
- Hadith al-Sabah wa-al-Masa (1987).
- Các tiếng vọng từ lời tự thuật (Echoes from an autobiography).

Khi nghe được biết tin về Giải Thưởng Nobel Văn Chương, nhà báo Mohamed Salmawy đã phỏng vấn Văn Hào Naguib Mahfouz về tin vui này và ông Mahfouz đã nói: 

Tôi cảm thấy cực kỳ sung sướng cũng như ngạc nhiên hết sức. Tôi không bao giờ mong đợi đoạt được Giải Thưởng này. Trong đời của tôi, Giải Thưởng Nobel đã được trao tặng cho các nhà văn thuộc tầm vóc lớn như Anatole France, Bernard Shaw, Ernest Hemingway và William Faulkner. Cũng có những vị như Jean-Paul Sartre và Albert Camus. Tôi đã nghe nói rằng một nhà văn Ả Rập có thể vào một ngày nào đó đoạt được Giải Thưởng Nobel nhưng tôi đã nghi ngờ điều này có thể xẩy ra.

Khi được hỏi về ảnh hưởng của Giải Thưởng này đối với đời sống và công việc hậu quả, Văn Hào Naguib Mahfouz đã nói: "Vâng, Giải Thưởng đã khuyến khích tôi tiếp tục viết... và tôi ưa thích được làm việc trong sự bình yên".

Phạm Văn Tuấn

Tài liệu tham khảo: Wikipedia.org., Britannica Encyclopedia.



No comments

Powered by Blogger.