Phạm Văn Tuấn
Jean Paul Sartre tên thực là Jean-Paul Charles Aymard Sartre, sinh ngày 21
tháng 6 năm 1905 tại thành phố Paris, nước Pháp, là con của ông Jean-Baptiste
Sartre, một vị sĩ quan Hải Quân và bà Anne-Marie Schweitzer. Bà Anne là người
gốc Đức miền Alsace, là bà con của Bác Sĩ Pháp Albert Schweitzer (1875-1965),
đây là nhân vật lãnh Giải Thưởng Nobel Hòa Bình năm 1952.
1/ Thời thanh niên của Jean Paul Sartre.
Khi Jean Paul Sartre được 15 tháng, do người cha qua đời vì bệnh sốt, bà
Anne-Marie đã nuôi dạy cậu con trai này cùng với sự dạy bảo của ông ngoại là
cụ Charles Schweitzer, một vị giáo sư trung học, dạy môn tiếng Đức. Vì vậy,
vào thuở thiếu thời, Sartre đã được ông ngoại dạy cho toán học và hướng dẫn về
nền văn chương cổ điển.
Tại tỉnh Meudon từ năm 1906 tới năm
1911, Sartre là một đứa trẻ không cảm thấy hạnh phúc bởi vì sinh sống trong
một gia đình trưởng giả kiểu mẫu, cậu bé này đã phải tuân theo kỷ luật một
cách nghiêm ngặt, không có các bạn bè cùng lứa tuổi, mỗi người trong gia đình
có một vai trò riêng và hoàn cảnh rất "nhân tạo" này khiến cho cậu bé
giỏi "đóng kịch", tức là hành động không tự nhiên.
Kết quả của lối sống gia đình nghiêm khắc là cậu Sartre đắm mình trong công
việc đọc sách, cậu đọc tất cả những gì tìm thấy nhưng cậu ưa thích nhất là các
cuốn tiểu thuyết và các truyện ngắn. Về sau, ông ngoại đã khám phá ra thứ lỗi
lầm này của đứa cháu bởi vì đối với ông cụ
"văn chương không làm cho người ta no bụng".
Cậu Sartre còn gặp vài điều không hạnh
phúc: mắt của cậu bị lác (mắt lé - cross-eyed) và vóc người nhỏ bé, ngoài ra
còn phải luôn luôn phấn đấu với bệnh tật, nhiều lần tưởng rằng đã qua đời, kể
cả lúc mới sinh.
Năm 1911, bà Anne Marie mang cậu Sartre
về sinh sống tại thành phố Paris, họ ở trên lầu thứ 5 của tòa nhà số 1, đường
Le-Goff, rồi hai năm sau cậu Sartre ghi tên theo học trường trung học
Montaigne và vào các năm này, cậu đã đam mê đọc sách và viết văn nhưng dù là
một học sinh xuất sắc, cậu Sartre lại rất kém về đánh vần, vì vậy đã bị ông
ngoại bắt thôi học, trở về theo một trường công tại Arcachon.
Tháng 7 năm 1914, Thế Chiến Thứ Nhất
bùng nổ, tình trạng chiến tranh khiến cho cậu không có sách đọc. Năm sau, ông
ngoại đã cho phép cậu theo học trường trung học Henry IV và tại nơi này, cậu
quen thân với Paul Nizan.
Vào năm 1917, bà Anne Marie tái giá với
ông Joseph Mancy, một kỹ sư và về sau được cử làm giám đốc xưởng hải quân tại
La Rochelle. Cậu Jean Paul Sartre đã lớn lên trong một khung cảnh tư sản thành
thị, không hề cảm thấy hạnh phúc khi theo học tại trường trung học La Rochelle
và luôn cảm thấy cô độc. Về sau trong cuốn tự thuật, J.P. Sartre đã viết:
"Tôi lớn lên trong cảnh tối tăm, tôi trở thành một người lớn cô đơn, không
cha và không mẹ, không nhà và không cả trái tim, và hầu như không có cả tên
gọi" và "cái hệ thống này đã làm tôi kinh hoàng".
Năm 1920, J.P. Sartre trở về trường
trung học Henri IV và gặp lại người bạn cũ Paul Nizan rồi hai năm sau, tốt
nghiệp bằng Tú Tài (baccalaureat). Trong 2 năm từ 1922 tới 1924, Sartre đã đậu
vào trường Louis-Le-Grand rồi sau đó đã theo học trường đại học danh tiếng
Ecole Normale Supérieure (trường Đại Học Sư Phạm), đây là cơ sở giáo dục đã
từng đào tạo các nhà tư tưởng và các nhà trí thức ưu tú của nước Pháp. Tại
trường Đại Học Sư Phạm này, J.P. Sartre đã gặp các người bạn cùng lớp như
Simone Weil, Maurice Merleau-Ponty, Jean Hippolyte và Claude Levi-Strauss.
Vào thập niên 1920 và trong thời gian
còn là thiếu niên, Sartre đã ham thích môn Triết Học do đọc cuốn sách của
Henri Bergson:
"Khảo luận về các dữ kiện tức thời của ý thức" (Essay on the Immediate Data
of Consciousness). Tại trường Đại Học Sư Phạm, Jean Paul Sartre đã học hỏi rất nhiều về môn
Triết Học Tây Phương (Western Philosophy), đã thấm nhuần các tư tưởng của
Immanuel Kant, Georg Whilhelm Friedrich Hegel và Martin Heidegger.
Qua năm 1929, J. P. Sartre đã gặp một
cô bạn cùng lớp: Simone de Beauvoir, người mà sau này cũng trở nên một nhà tư
tưởng danh tiếng, một nhà văn và một phụ nữ vận động cho phong trao nam nữ
bình quyền, sau này tác phẩm nổi tiếng nhất của bà Beauvoir là cuốn
"Giới Tính Thứ Hai" (The Second Sex). Sartre và Beauvoir là đôi bạn
thân, đôi tình nhân, trao đổi các mối tình lãnh mạn và cả hai đều không là
"những người một vợ một chồng". Cả hai đều coi thường các quy ước văn
hóa và xã hội, họ coi đây là những điều thừa nhận mang tính tư sản
(bourgeois), theo cả về tư tưởng lẫn lối sống.
Cũng trong năm 1929, J.P. Sartre tốt nghiệp trường Đại Học Sư Phạm với văn
bằng Tiến Sĩ Triết Học (Doctorate in Philosophy) rồi sau đó, dạy Triết Học tại
các trường trung học thuộc các thành phố Le Havre, Laon và Paris. Chính tại Le
Havre, J.P. Sartre bắt đầu viết tác phẩm
"Buồn Nôn". Từ năm 1929 tới
năm 1931, J.P. Sartre thi hành quân dịch trong quân đội Pháp.
Vào năm 1933, J.P. Sartre được một học
bổng để theo học tại Viện Pháp Quốc (The French Institute) tại thành phố
Berlin, nước Đức, nơi đây, nhờ sự giúp đỡ của người bạn tên là Raymond Aron,
J.P. Sartre đã tìm hiểu "Hiện Tượng Luận" (phenomenology) của nhà triết
học danh tiếng Edmund Husserl, đây là nhà tư tưởng đã đóng góp rất nhiều vào
công cuộc tổng hợp lý thuyết triết học của chính Sartre. Cũng trong thời gian
sinh sống tại Berlin, J.P. Sartre đã đọc các công trình và quen biết cá nhân
ông Martin Heidegger, một nhân vật dẫn đầu nền triết học của thế kỷ 20 và cũng
là người đã ảnh hưởng tới Sartre rất nhiều.
J.P. Sartre từ năm 1935 bắt đầu chuyển
thành một nhà tư tưởng chính trị (a political thinker). Ngày 14/7/1935, ông đã
tham gia vào cuộc biểu tình của Mặt Trận Bình Dân (the Popular Front) diễn
hành từ Ngục Bastille tới Porte de Vincennes. Trong năm 1936, Sartre định kết
hợp cô Beauvoir và cô Olga Kosakiewicz thành một tổ ấm tay ba nhưng liên lạc
tình cảm với cô Olga không thành, rồi trong khi tiếng xấu về văn chương
(literary notoriety) của ông được mọi người biết tới, thì Thế Chiến Thứ Hai
bùng nổ, ông bị động viên vào ngày 2/9/1939, phục vụ trong Sư Đoàn 70 đóng tại
Nancy, rồi bị thuyên chuyển tới Brumath và Morsbronn. Trong thời gian ở trong
quân ngũ, J.P. Sartre bắt đầu viết cuốn
"Thực Thể và Hư Vô" (L' Etre et le Néant).
Khi làm giáo sư phụ giảng tại trường trung học Du Havre (Lycée du Havre), J.P.
Sartre cho xuất bản vào năm 1938 cuốn tiểu thuyết triết học
"Buồn Nôn" (La Nausée = Nausea) bên trong chứa nhiều ý tưởng và chủ đề
của lý thuyết triết học của Husserl.
Nhiều người đã coi tác phẩm này là bản
"Tuyên Ngôn của chủ nghĩa Hiện Sinh"
(a manifesto of the existentialism) và đây cũng là một trong các cuốn sách
danh tiếng nhất của tác giả. Tác giả J.P. Sartre tin tưởng rằng các ý tưởng
của chúng ta là sản phẩm của các kinh nghiệm mang lại do các hoàn cảnh trong
đời sống thực và các cuốn tiểu thuyết, các vở kịch... đã mô tả các kinh nghiệm
căn bản này nên cũng có giá trị giống như các bài luận đề (essays) nói lan man
để giải thích các lý thuyết triết học.
Con người đã phải đối diện một cách cô đơn giữa ý thức cá nhân và thân phận
làm người, và lối thoát để làm cho thân phận này có giá trị là "làm nghệ
thuật".
J.P. Sartre đã dùng phương pháp hiện tượng học (phenomenological method) để
chứng minh rằng đời sống của con người thì không có mục đích. Nhân vật chính
trong tác phẩm "Buồn Nôn" là Antoine Roquintin đã khám phá ra sự quá
nhiều ghê tởm (obscene overabundance) của thế giới chung quanh. Anh ta và sự
cô đơn của anh đã dẫn tới nhiều kinh nghiệm về buồn nôn tâm lý (psychological
nausea). Dần dần anh ta nhận thức được rằng con người là một hiện thực ngẫu
nhiên, không có ý nghĩa và giá trị gì cả, không cần thiết và không có cả lý do
tồn tại. Như vậy con người là gì? Ý thức là gì? Con người phải sống trung
thực, phải sống "trong suốt" với chính mình, với các người khác, với
đời...
Cuốn tiểu thuyết kết thúc với hình ảnh Roquintin nghe một đoạn nhạc và bỗng
nhiên hiểu rằng nghệ thuật là điều tất yếu duy nhất của con người. Như vậy con
người đã phải đối diện một cách cô đơn giữa ý thức cá nhân và thân phận làm
người, và lối thoát để làm cho thân phận này có giá trị là
"làm nghệ thuật".
2/ Jean Paul Sartre vào thời kỳ Thế Chiến Thứ Hai.
Khi Thế Chiến Thứ Hai bùng nổ, J.P. Sartre lại bị động viên vào quân đội. Ông
là một nhân viên khí tượng (meteorologist), bị quân Đức Quốc Xã bắt vào tháng
6 năm 1940 tại Padoux và bị giữ làm tù binh trong 9 tháng. Trong khi ở tù,
J.P. Sartre đã đọc lại Heidegger, đã viết và đạo diễn vở kịch "Bariona" bên
trong trại tù. Tới tháng 4 năm 1941, ông được thả ra vì mắt kém và sức khỏe
suy nhược. Được trở về đời sống dân sự, J.P. Sartre xin dạy học tại trường
trung học Pasteur ở ngoại ô thành phố Paris, rồi được chuyển về trường trung
học Condorcet để thay thế một giáo sư bị cấm dạy học vì gốc Do Thái.
Khi trở về Paris vào tháng 5 năm 1941, J.P. Sartre đã tham gia vào việc thành
lập nhóm kháng chiến có tên là
"Chủ Nghĩa Xã Hội và Tự Do" (Socialisme et Liberté), cùng với các nhà
văn khác như Simone de Beauvoir, Merleau Ponty, Jean-Toussaint và Dominique
Desanti, Jean Kanapa và các cựu sinh viên trường Đại Học Sư Phạm.
Vào tháng 8 năm 1941, J.P. Sartre và Simone de Beauvoir đã đi tới vùng Riviera
để gặp André Gide và André Malraux, mong được sự ủng hộ của họ về nhóm kháng
chiến nhưng cả hai nhân vật kể trên đã không quyết định, vì vậy có lẽ đây là
niềm thất vọng và bất mãn của J.P. Sartre.
Nhóm "Chủ Nghĩa Xã Hội và Tự Do" vì thế không thành hình và J.P. Sartre
quyết định viết văn thay vì hoạt động kháng chiến tích cực. Kết quả là 3 cuốn
sách ra đời:
"Thực Thể và Hư Vô", "Các Con Ruồi" (Les Mouches = The Flies) và vở
kịch "Xử Kín" (Huis-clos = No Exit). Các tác phẩm này đã không bị quân
Đức Quốc Xã kiểm duyệt.
Trước kia, J.P. Sartre đã thảo luận kỹ càng với Simone de Beauvoir về các điều
thừa nhận (assumptions) văn hóa và xã hội, các mong đợi của cách giáo dục và
huấn luyện của họ, những điều này đã bị cả hai coi là có tính tư sản
(bourgeois) cả về tư tưởng lẫn lối sống. Sự xung khắc giữa trạng thái đích
thực của thực thể (being) với các tuân thủ xã hội vừa mang tính áp chế, vừa
phá hỏng tinh thần và trạng thái
"đích thực của thực thể" (authentic state of being), tất cả đã trở
thành chủ đề chính của công trình văn chương và triết học của J.P. Sartre và
chủ đề này đã thể hiện trong tác phẩm triết học chính của tác giả với tên là
"Thực Thể và Hư Vô" (L' Etre et le Néant = Being and Nothingness, 1943). Được xuất bản vào năm 1943, tác phẩm này đã khiến cho nền triết học của
J.P. Sartre được đưa lên hàng đầu của các cuộc thảo luận trí thức sau Thế
Chiến Thứ Hai.
Trong tác phẩm triết học ban đầu này, J.P. Sartre đã coi con người là các thực
thể, họ tạo nên thế giới của riêng họ bằng cách nổi loạn chống lại giới quyền
lực (authority) và chấp nhận các trách nhiệm cá nhân vì các hành động của họ,
mà không cần sự giúp đỡ của xã hội, của niềm tin tôn giáo hay đạo đức cổ
truyền. Tác giả cũng cho rằng sự hiện hữu của con người (human existence) mang
đặc tính hư vô (nothingness) do khả năng chối bỏ và nổi loạn. Các tiểu thuyết
và các vở kịch của J.P. Sartre đã diễn tả niềm tin theo tác giả, rằng tự do và
nhận trách nhiệm cá nhân là các giá trị chính trong đời sống và các cá nhân
phải trông vào các khả năng sáng tạo của chính mình hơn là nhờ cậy các chính
quyền xã hội hay tôn giáo.
Vở kịch đầu tiên của Sartre,
"Các Con Ruồi" (Les Mouches = The Flies, 1943) đã cứu xét các chủ đề về
cam kết (commitment) và trách nhiệm (responsibility). Tác giả đã dùng truyền
thuyết cổ Hy Lạp trong đó Orestes đã giết chết các thủ phạm sát hại Agamemnon
và như vậy đã giải phóng các người dân của thành phố khỏi gánh nặng tội phạm.
Theo quan điểm hiện sinh của Sartre, chỉ người nào chọn trách nhiệm hành động
trong một hoàn cảnh đặc biệt như của Orestes, là người đã xử dụng hữu hiệu nền
tự do của chính mình.
Trong vở kịch thứ hai,
"Xử Kín" (Huis-clos = No Exit, 1944), một người
đàn ông chỉ yêu mình (a man loves only himself), một người đàn bà đồng tính
luyến ái (a lesbian), một người đàn bà bị chứng cuồng dâm (a nymphomaniac),
tất cả sẽ phải bắt buộc sống trong một căn phòng nhỏ sau khi chết, và vào cuối
vở kịch, họ còn là các kẻ nô lệ cho các đam mê của họ sau khi nhận thức được
rằng
"Địa Ngục là các kẻ khác" (L' Enfer, c' est les autres = Hell is other
people).
Vở kịch này đã được quay thành phim vào năm 1954, thủ vai do các tài tử
Michèle Morgan và Gérard Philipe, đạo diễn là Yves Allégret.
J.P. Sartre cũng tham gia vào các tạp chí văn chương hợp pháp và bất hợp pháp
rồi sau khi thành phố Paris được giải phóng, ông là một nhà văn đóng góp tích
cực cho tờ báo "Chiến Đấu" (Combat). Đây là một tạp chí bắt đầu trong
bóng tối để chống lại quân xâm lăng Đức Quốc Xã, do nhà triết học Albert Camus
là người có cùng niềm tin như J.P. Sartre. Sartre và Beauvoir đã là bạn thân
với Camus cho tới khi Camus ly khai khỏi chủ nghĩa cộng Sản và xuất bản cuốn
truyện "Kẻ Nổi Loạn" (The Rebel).
Sau này, một số tác giả đã coi J.P. Sartre là một nhân vật kháng chiến, một
triết gia, nhưng nhà kháng chiến Vladimir Jankelevitch đã chỉ trích J.P.
Sartre là thiếu sự tham gia tích cực trong thời kỳ quân đội Quốc Xã chiếm đóng
và đã coi các hoạt động nỗ lực vì tự do sau này của Sartre là một cách chuộc
lỗi.
Thế Chiến Thứ Hai chấm dứt, J.P. Sartre sáng lập một nguyệt san văn chương và
chính trị có tên là "Thời Đại Mới" (Les Temps Modernes = Modern Times).
Ông đã viết rất nhiều bài quan điểm và cũng tham gia các hoạt động chính trị
khác. Các kinh nghiệm chiến tranh của ông được mô tả trong bộ tiểu thuyết ba
tập (trilogy of novels) có tên là
"Các Con Đường dẫn tới Tự Do" (Les Chemins de la Liberté = The Roads to
Freedom, 1945-49). Tác phẩm này là một tiếp cận ít lý thuyết và nhiều thực tế hơn, giúp cho
nhiều người hiểu rõ chủ nghĩa hiện sinh. Chủ nghĩa Hiện Sinh đã thảo luận các
chủ đề như sự vô lý thấy rõ (the apparent absurdity), tính phù phiếm của đời
người (the futility of life), tính vô tâm của vũ trụ (the indifference of the
universe) và sự cần thiết phải dấn thân (engagement) vì một lý do chính đáng.
Trong các năm từ năm 1946 tới năm 1954, J.P. Sartre viết nhiều sách khảo cứu
về tiểu sử, trong đó cuốn quan trọng nhất liên quan tới người bạn Jean Genet
(1910-1986), một tội phạm và cũng là một nhà văn, đó là cuốn
"Thánh Gênet: kịch sĩ và kẻ chết vì đạo" (Saint Genet, comédien et martyr =
Saint Genet: Actor and Martyr, 1952).
Từ năm 1964, J.P. Sartre đứng đầu Tổ Chức bảo vệ các Tù Nhân Chính Trị người
Iran (Organization to Defend Iranian Political Prisoners), kéo dài tới ngày
thành công của cuộc Cách Mạng Hồi Giáo (the Islamic Revolution).
3/ Jean Paul Sartre và Chủ Nghĩa Cộng Sản.
Trong cuộc Chiến Tranh Lạnh, trong khi các bạn bè và nhất là Albert Camus,
đứng về lập trường ủng hộ Hoa Kỳ và các nước phương tây thì J.P. Sartre lại là
một con người tận tụy với xã hội chủ nghĩa và bênh vực Liên Xô. Dù vậy, ông
cũng lên án các hành động toàn trị của chủ nghĩa Xô Viết, đặc biệt là cách độc
tài và đế quốc và ông tin tưởng rằng giới công nhân dù sao cũng tốt đẹp tại
Liên Xô hơn là tại các nước tư bản của phương tây. J.P. Sartre được mời làm
Phó Chủ Tịch của Hội Thân Hữu Pháp-Liên Xô (the France-USSR Association)
Sau khi nhà độc tài Stalin qua đời,
J.P. Sartre đã chỉ trích hệ thống cai trị Xô Viết, tố cáo và lên án các trại
tập trung cải tạo dù cho ông vẫn còn ủng hộ nước Liên Xô. Năm sau, ông đi thăm
Liên Xô và đã phải nằm bệnh viện trong 10 ngày vì kiệt sức. Ông cũng đã liên
hệ yêu đương với cô thông dịch người Nga tên là Lena Zonina.
Qua năm 1956, khi quân đội Liên Xô tràn
vào xứ Hungary để đè bẹp các cuộc biểu tình chống cộng tại đây, J.P. Sartre đã
lên án cuộc xâm lăng này và bênh vực quyền tự do của xứ sở Hungary. Ông đã từ
chức khỏi Hội Thân Hữu Pháp-Liên Xô, rồi qua năm 1968, cũng kết án Khối Warsaw
đã xâm lăng xứ Tiệp Khắc, vì vậy tại Liên Xô, ông J.P. Sartre đã bị Thủ Tướng
Nikita Khrushchev chỉ trích.
J.P. Sartre đã tìm cách liên kết các
niềm tin triết học và chính trị. Ông tin tưởng rằng bên trong văn chương và
triết học vốn đã có chính trị, theo chức năng, nếu không phải là theo nội
dung. Ông mang niềm tin rằng một tác gia hay một nghệ sĩ phải tạo nên hy vọng
làm thay đổi trật tự xã hội, vì vậy ông đã dấn thân, viết nhiều để bênh vực
cho các cuộc tranh đấu, nhất là chống lại chế độ thuộc địa của nước Pháp tại
châu Phi. Trong các thập niên về sau, có lẽ J.P. Sartre nổi danh không phải vì
nền triết học "hiện sinh", mà vì niềm tin chính trị khuynh tả nhưng
người ta coi ông là một nhà "xã hội chủ nghĩa" độc lập (an independent
Socialist).
Khi tham gia vào các hoạt động trí thức
và chính trị, J.P. Sartre cho ra đời tác phẩm
"Các Bàn Tay Dơ Bẩn" (Les Mains Sales = Dirty Hands, 1948). Vào thời
gian này, ông đã ôm ấp chủ nghĩa Cộng Sản nhưng lại không là một đảng viên,
không tham gia vào một đảng cộng sản của một nước nào. Ông hoạt động tích cực
chống lại chế độ thuộc địa của nước Pháp tại xứ Algeria và là người ủng hộ
danh tiếng nhất của cuộc Chiến Tranh Giải Phóng Algeria (the Algerian war of
liberation).
Tại nước Pháp, Tổ Chức Đạo Quân Bí Mật
O.A.S (Organization de l' Armée Secrete) thường thi hành các hoạt động khủng
bố chống lại nền độc lập của xứ Algeria, họ đã cho nổ một trái bom vào năm
1961 tại căn phòng cư ngụ của ông J.P. Sartre trên con đường Bonaparte, rồi
năm sau cũng vậy, vì thế ông Sartre đã phải dọn nhà về Bến Louis-Blériot, đối
diện với Tháp Eiffel.
J.P. Sartre cũng chống "Chiến Tranh Việt Nam" và vào năm 1967, cùng với
nhà văn, nhà tư tưởng Bertrand Russell và với vài danh nhân khác, đã tổ chức
"Tòa Án Russell", đây là một pháp đình có ý định phơi bày và xét xử các
tội ác chiến tranh (war crimes) của Hoa Kỳ tại Việt Nam.
J.P. Sartre cũng bỏ ra nhiều thời giờ
để làm dung hòa các ý tưởng hiện sinh đối với quyền tự quyết, dung hòa với các
nguyên tắc cộng sản và tác phẩm chính trong thời kỳ trước năm 1960 là cuốn
"Phê Bình Lý Trí Biện Chứng" (Critique de la raison dialectique = Critique
of Dialectical Reason, 1960).
Theo Sartre, con người được tự do nhưng phải chịu trách nhiệm về các chọn lựa
do mình, chịu trách nhiệm về các đời sống tình cảm. Các điều nhấn mạnh của
Sartre về các giá trị nhân bản (humanist values) trong các tác phẩm đầu của
Karl Marx đã khiến cho các nhà trí thức Pháp đã phải tranh luận với ông trong
thập niên 1960. Nhưng dù cho là một nhà nói chuyện xuất sắc (a superb
conversationalist), ông J.P. Sartre đã thua trong một cuộc tranh luận với nhà
triết học Louis Althusser, ông Althusser này đã tham gia vào đảng Cộng Sản
Pháp từ năm 1948 rồi trong hai thập niên 1960 và 1970, được coi là một tiếng
nói có ảnh hưởng nhất của chủ nghĩa Mác Xít Phương Tây (Western Marxism).
Vào năm 1970, J.P. Sartre đã bị nhà cầm
quyền Pháp bắt giữ vì bán trên đường phố một tài liệu Mao-ít bị cấm đoán, có
tên là "Lý Do của dân tộc" (La cause du people). J.P. Sartre rất hiểu
rõ các tư tưởng của Mao Trạch Đông. Ông đã từng qua Trung Hoa với Simone de
Beauvoir vào năm 1955 và bà này đã quyết định viết một cuốn sách dày về nước
này. Tuy nhiên, vào đầu thập niên 1960, cuộc cách mạng kinh tế và xã hội tại
xứ Cuba đã ám ảnh ông J.P. Sartre nhiều hơn. Ông đã từng gặp ông Fidel Castro
nhưng về sau đoạn giao với nhà độc tài này.
4/ Jean Paul Sartre và Văn Chương.
Nhiều người cho rằng trong các thập niên 1940 và 1950, các tư tưởng của Sartre
vẫn còn mơ hồ và chủ nghĩa Hiện Sinh (existentialism) đã trở nên một thứ triết
lý của thế hệ "Beatnik". Đây là nhóm người trẻ của thập niên 1950 đã
phản đối xã hội bằng các y phục và hành động không theo các quy ước thông
thường. Các cuốn tiểu thuyết và các vở kịch rất biểu tượng trong giai đoạn này
đã chuyên chở đường lối triết học của ông và trong vở kịch nổi danh nhất
"Xử Kín" (Huis-clos = No Exit), đã có một câu nói danh tiếng nhất, đó
là câu
"Địa Ngục là các kẻ khác" (L' enfer, c' est les autres = Hell is other
people). Năm 1948, Nhà Thờ Cơ Đốc (the Catholic Church) đã xếp tất cả các tác phẩm
của J.P. Sartre vào danh sách các sách bị cấm đọc vì ông được coi là một triết
gia "vô thần" và các tác phẩm của ông là những cuốn sách khuynh tả.
Vào năm 1964, J.P. Sartre cho xuất bản
cuốn "Ngôn Từ" (Les Mots = Words), đồng thời được trao tặng Giải Thưởng
Nobel Văn Chương, nhưng ông đã từ chối giải thưởng danh tiếng nhất trên thế
giới này, và xác định rằng ông luôn luôn không lãnh nhận các danh dự chính
thức, không muốn tự xếp mình vào các định chế (institutions) và cho rằng các
giải thưởng giống như Giải Thưởng Nobel đã cứu xét quá nặng về mặt ảnh hưởng
của người viết văn.
Trong thập niên 1960, J.P. Sartre đã
trở nên một nhân vật nổi danh trên thế giới và đã tạo nên các danh từ mà mọi
người đều nói tới, chẳng hạn như hai từ "hiện sinh". Dù thế, ông vẫn là
một con người đơn giản, chẳng giàu có, thường tận tâm tranh đấu cho tới cuối
đời, chẳng hạn như trong dịp các sinh viên biểu tình và đình công tại Paris
vào mùa hè năm 1968.
Sức khỏe của J.P. Sartre suy kém dần.
Ông bị hai lần đau tim vào năm 1971 rồi một lần khác 2 năm sau, vì thế ông đã
dọn nhà tới Đại Lộ Edgar-Quinet. Về thị giác, ông bị chảy máu mắt nên ở trong
tình trạng nửa mù (semi-blind). Để giúp đỡ ông làm việc, J.P. Sartre đã nhờ
tới ông Pierre Victor là người đã gặp vào năm 1970 và đã thảo luận với ông về
các vấn đề đạo đức học. Ông Victor này thường đọc các sách và các bài viết mà
J.P. Sartre muốn nghe.
Năm 1975, khi được hỏi rằng ông muốn
người đời tưởng nhớ tới ông như thế nào thì J.P. Sartre cho biết:
"Tôi ước muốn được mọi người nhớ tới các tác phẩm "Buồn Nôn", "Xử Kín" và
"Con Quỷ và Chúa Tốt Lành" (The Devil and the Good Lord), rồi tới hai tác
phẩm triết học của tôi, đặc biệt là cuốn: "Phê Phán Lý Trí Biện Chứng"
(Critique of Dialectical Reason), sau đó là bài khảo luận của tôi về Genet,
Thánh Genet... Nếu những điều này được tưởng nhớ, thì đó đã là một công
trình rồi và tôi không còn dám đòi hỏi gì thêm. Là một người, nếu một anh
Jean Paul Sartre nào đó được tưởng nhớ, tôi ước muốn rằng người ta sẽ nhớ
các nơi và hoàn cảnh lịch sử mà tôi đã sinh sống, tôi đã sống trong đó như
thế nào, và các khát vọng (aspirations) mà tôi cố gắng thu lượm trong chính
tôi".
Tình trạng sức khỏe của J.P. Sartre suy
kém dần, một phần cũng vì ông đã bỏ quá nhiều công sức để viết cuốn
"Phê Phán" (The Critique) và một dự án cuối cùng trong đời của ông, đó
là cuốn tiểu sử phân tích của Gustave Flaubert:
"Kẻ ngu đần của gia đình" (L' idiot de la famille = The Family Idiot),
cả hai tác phẩm này đều chưa hoàn thành.
Ngay từ thuở nhỏ, J.P. Sartre đã ưa thích các tác phẩm của Gustave Flaubert
cho nên khi về già, ông đã nghiên cứu về Văn Hào này để viết ra một bộ sách 4
cuốn, có tên là
"Kẻ ngu đần của gia đình" (L' idiot de la famille = The Family Idiot,
1971-72). Đây là tác phẩm lớn nhất của J. P. Sartre. Khi viết cuốn tiểu sử của
Gustave Flaubert này, J.P. Sartre đã dùng tới các cách diễn tả theo Freud
(Freudian interpretations) và các yếu tố xã hội và lịch sử theo Mác Xít. J.P.
Sartre đã cho thấy Flaubert trở nên một con người do gia đình và xã hội tạo ra
và các chọn lựa của Flaubert là từ hoàn cảnh lịch sử của giai cấp của ông ta.
Nhà triết học Jean Paul Sartre qua đời
vào ngày 15/4/1980 tại Paris vì phổi bị phù (edema of the lung) và được chôn
cất trong Nghĩa Trang Montparnasse thuộc thành phố Paris. Đám tang của ông có
hơn 50,000 người tham dự. Sau khi J.P. Sartre qua đời, người nhận di sản văn
chương của ông không phải là bà Simone de Beauvoir, mà là cô Arlette Elkaim,
cô người tình của tác giả.
Cuộc đời của triết gia Jean Paul Sartre
cũng như các giá trị tư tưởng của ông thì đầy nghịch lý, nhưng ông vẫn là một
nhân vật có cảm tình với những người bị đàn áp trên thế giới. Giống như Ernest
Hemingway và F. Scott Fitzgeral sau Thế Chiến Thứ Nhất, Jean Paul Sartre là
nhà trí thức Pháp rất danh tiếng sau Thế Chiến Thứ Hai và ông cũng là nhân vật
dẫn đầu đã diễn đạt các quan điểm của thế hệ sau cuộc đại chiến này.
5/ Các tác phẩm văn chương và triết học của Jean Paul Sartre.
- Trí Tưởng Tượng (L' imagination =
Imagination, 1936), một phê bình tâm lý học.
- Siêu Việt của Bản Ngã (La
transcendance de l' égo = The Transcendence of the Ego, 1937).
- Buồn Nôn (La nausée = Nausea, 1938)
- Bức Tường (Le mur = The Wall, 1939).
- Phác thảo về một lý thuyết của cảm
xúc (Esquisse d' une théorie des émotions = Sketch for a Theory of the
Emotions, 1939).
- Tưởng Tượng (L' imaginaire = The
Imaginary, 1940).
- Các Con Ruồi (Les mouches = The
Flies, 1943).
- Thực Thể và Hư Vô (L' être et le
néant = Being and Nothingness, 1943).
- Suy nghĩ về vấn đề Do Thái
(Réflexions sur la question juive = Reflections on the Jewish Question, 1943)
- Xử Kín (Huis-clos = No Exit, 1944).
- Các con đường dẫn tới tự do (Les
Chemins de la liberté = The Roads to Freedom), gồm 3 cuốn: - a) Thời đại lý
trí (L' âge de raison = The Age of Reason, 1945)
- b) Án Treo (Le sursis = The Reprieve, 1947)
- c) Cảnh chết trong tâm hồn
(La mort dans l' Âme =
Iron in the Soul, 1949).
- Chết không đất chôn (Morts sans
sépulture = Deaths without burial = The Victors, 1946).
- Chủ nghĩa hiện sinh là một chủ nghĩa
nhân bản (L' Existentialisme est un humamisme = Existentialism is a Humanism,
1946).
- Con Đĩ đáng kính (La putain
respectueuse = The Respectful Prostitute, 1946).
- Văn Chương là gì (Qu' est ce que la
littérature? = What is literature? 1947).
- Baudelaire, 1947.
- Các hoàn cảnh (Situations, 1947-65).
- Các bàn tay dơ bẩn (Les mains sales
= Dirty hands, 1948).
- Orpheus đen (Orphée Noir = Black
Orpheus, 1948).
- Con Quỷ và Chúa tốt lành (Le diable
et le bon dieu = The Devil and the Good Lord, 1951).
- Các ván bài đã xong (Les jeux sont
faits = The Game is Up, 1952).
- Thánh Genet, kịch sĩ và người chết
vì đạo (Saint Genet, comédien et martyr = Saint Genet, Actor and Martyr,
1952).
- Chủ nghĩa hiện sinh và các cảm xúc
của con người (Existentialism and Human Emotions, 1957).
- Các kẻ bị kết tội tại Altona (Les
séquestrés d' Altona = The Condemmed of Altona, 1959).
- Phê bình lý trí biện chứng (Critique
de la raison dialectique = Critique of Dialectical Reason, 1960).
- Ngôn Từ (Les mots = The Words,
1964).
- Kẻ ngu đần của gia đình (L' idiot de
la famille = The Family Idiot, 1971-72).
Phạm Văn Tuấn
Tài liệu tham khảo: Wikipedia.org.; Britannica Encyclopedia.
https://en.wikipedia.org/wiki/Jean-Paul_Sartre
Post a Comment