Trong thương xá, một người đàn ông áo quần xốc xếch trông như kẻ vô gia cư,
tiến lại sau lưng một thiếu phụ đang chọn lựa trong dãy quần áo.
- Thưa bà ...
Người đàn bà quay lại, nhíu mày, lùi lại một bước:
- Ông này làm gì vậy? Tránh ra chỗ khác ...
Rồi quay lại tiếp tục chọn quần áo.
Người đàn ông lắp bắp:
- Thưa ... thưa bà ...
Người đàn bà quay ngoắt lại, gắt gỏng:
- Có đi chỗ khác không? Tôi kêu cảnh sát bây giờ!
Người đàn ông cúi đầu quay bước, bỏ nắm tiền vào trong túi quần, tặc lưỡi,
lẩm bẩm:
- Chắc không phải tiền bà ấy đánh rơi ...
Bùi Phạm Thành
ngày 5 tháng 9 năm 2016
Năm hết, tết đến. Ở nơi xa xứ này hội đoàn nào cũng tổ chức Tất Niên, họp mặt
vui vẻ. Cái hội đồng hương tương tế, mà ông bà Tình là hội viên từ bao lâu nay, cũng không khác chi. Có
điều năm nay mấy đứa con của ông bà lại rủ nhau dắt vợ chồng, con cái về thăm
nội ngoại nên ông bà phải ở nhà, không thể tham dự được.
Chiều thứ Bảy, con cháu đầy nhà, ông bà Tình cảm thấy hạnh phúc vô cùng. Bỗng
dưng ông chợt nhớ mấy bữa trước ông hội trưởng hội tương tế có gọi điên thoại
cho ông bà để quyên góp chút tiền làm Cây Mùa Xuân cho đồng hương còn kẹt lại
ở quê nhà. Thì năm nào cũng vậy mà, mỗi năm ít ra cũng vài ba lần quyên góp và
ông bà lúc nào cũng hăng hái đóng góp chút đỉnh vì ăn tiền già thì có đâu là
dư giả. Năm nay có con cháu về chơi vui quá, chút xíu nữa là ông quên mất đi
cái vụ đóng góp đó.
Ông Tình tay cầm cuốn ngân phiếu mà loay hoay mãi chưa tìm thấy cây viết, cứ
kéo hết cái ngăn tủ này tới cái ngăn tủ khác vẫn chẳng thấy cây viết nào cả.
Chợt có tiếng Loan, người con gái lớn của ông, hỏi:
- Ba kiếm gì vậy ba?
- Ba kiếm cây viết, không biết để đâu đó rồi quên mất. Lóng rày ba hay quên
quá. À mà con Loan mày có nhớ con Lài con gái ông bà Tư Kiểng gần nhà mình hồi
xưa không? Ba nhớ hồi đó hai đứa bây thân nhau lắm mà.
- Dạ nhớ chứ ba, nó là đứa thân nhứt với con từ đó tới giờ, mà ba nhắc tới nó
làm chi vậy?
Ông Tình chép miệng, chậm rãi:
- Thì năm hết tết đến chợt nhớ quê, nhớ nhà, thấy tội nghiệp bà con xóm riềng
bị kẹt lại đói khổ cả năm, chắc chỉ trông chờ sự giúp đỡ của bà con hải ngoại
vậy thôi mà ...
- Không đúng vậy đâu ba ...
Cô Loan giải thích thêm:
- Năm rồi tụi con đi theo bên nhà chồng về thăm xóm mình hồi xưa, con có ghé qua
nhà nó. Ba biết không, ở nhà bây giờ người ta giàu lắm. Cái nhà của con Lài
lớn và đẹp gấp mấy lần nhà ba má đang ở nữa đó. Nó và mấy đứa cùng xóm giữ tụi
con lại cả mấy ngày, tiệc tùng linh đình chớ có nghèo đói gì đâu? Tụi con có ghé
thăm vợ chồng con Hường, con gái bác Dinh làm hội trưởng hội tương tế gì ở đây
mà ba hay nói đó. Cha chồng con Hường làm cán bộ tỉnh, vợ chồng nó làm nghề
chuyển tiền, có mấy căn nhà cho mướn, giàu hết cở vậy đó. Nó không giúp mình
thì thôi chứ cỡ tiền già của ba má thì chưa đủ trả tiền ăn nhậu cho tụị nó
đâu. Chút nữa con kiếm cái hình chụp nhà của con Lài, con bác Tư Kiểng, nhứt
là nhà con Hường cho ba coi, thấy mê luôn vậy đó.
Từ xưa, ông Tình vẫn biết con Loan có tánh ruột ngựa mà lại có tật nói nhiều.
Thế nhưng hôm nay ông lại thấy đứa con gái của ông ăn nói gọn gàng, rành mạch
quá. Ông muốn hỏi thêm nó vài câu về hàng xóm cũ, nhưng nghĩ sao lại thôi.
Đang ngần ngừ thì cô Loan lại hỏi:
- Ba kiếm cây viết làm gì vậy, nếu cần thì con lấy cây viết của con cho ba xài đỡ. Con lúc nào cũng có cây viết trong bóp mà.
Ông Tình bỏ cuốn ngân phiếu vào trong ngăn kéo, khẽ khép lại, rồi xua tay bảo
con gái:
- Đâu có gì cần đâu con. Ba nhớ rồi, bữa nay chưa tới ngày ba phải trả tiền
nhà, tiền điện mà. Lóng rày ba đãng trí quá.
Bùi Phạm Thành
ngày 28 tháng 8 năm 2016
Subscribe to:
Post Comments
(
Atom
)
Post a Comment