Phạm Văn Tuấn
Cuộc Triển Lãm đầu tiên của các họa sĩ thuộc phong trào Ấn Tượng được tổ
chức vào năm 1874 tại thành phố Paris, đã bị một số nhà phê bình nghệ thuật
và báo chí chỉ trích, chế giễu, căn cứ vào họa phẩm của Claude Monet có đề
tài là "Ấn Tượng - Mặt Trời Mọc - 1870".
Claude Monet (1840-1926) được gọi là "Họa Sĩ của Khoảnh Khắc Phù Du" (Painter of the Fleeting Moment), đã chú ý tới thiên nhiên, dùng phong cảnh thiên nhiên làm đề tài, ghi lại sự tươi mới của ấn tượng ban đầu một cách trung thực tuyệt đối để diễn tả các cảnh vật trước mắt.
|
Bức hoạ "Ấn Tượng - Mặt Trời Mọc (Impression - Soleil Levant)" của Monet |
1/ Theo học Hội Họa.
Oscar Claude Monet chào đời vào ngày 14-11-1840 tại thành phố Paris, nước
Pháp, là con trai thứ hai của ông Adolphe và bà Louise-Justine Monet. Vào
năm Claude lên 5 tuổi, ông bà Adolphe đã theo người em gái Marie-Jeanne
Lecadre dọn nhà tới thành phố hải cảng Le Havre, thuộc miền tây bắc của nước
Pháp. Tại thành phố cảng này, các con tầu biển chở hàng ra đi, tới các xứ
Algiers, châu Phi, Ấn Độ và New Orleans.
Claude Monet theo học một trường tư thục vào tuổi 11 và cậu trai này đã say
mê hội họa, cậu thường vẽ vào lề các cuốn tập những phong cảnh, các con tầu
đậu trên bến không xa ngôi trường học. Giáo sư hội họa của Monet là ông
Francois-Charles Ochard, một họa sĩ đã theo học Jacques-Louis David. Đây là
nhà danh họa quan trọng của nước Pháp vào đầu thế kỷ, có các tác phẩm được
trưng bày tại các phòng triển lãm quốc gia (Salon).
Tới tháng 1 năm 1857, khi bà
Louise-Justine qua đời, ông Adolphe cùng hai con trai là Léon và Claude dọn
nhà tới sống với người em gái là bà Lecadre. Bà này là một họa sĩ tài tử, đã
khuyến khích và giúp đỡ Claude Monet tiếp tục thú vui Hội Họa.
Mọi đề tài do vẽ trực tiếp, luôn luôn có sức mạnh và sức sống hơn là thứ
vẽ trong phòng
Trong nhiều năm, Claude Monet thường
vẽ các chân dung biếm họa (caricatures) cho nhiều người quen và nhiều lần,
cậu bé này đã thu được 20 quan cho một bức vẽ. Monet cũng vẽ phong cảnh bến
tầu, các bức họa này được ông chủ tiệm bán đồ dùng hội họa đóng khung và
treo trong cửa hàng. Ông chủ tiệm cũng khuyến khích Monet gặp ông Eugène
Boudin, là một họa sĩ có nhiều họa phẩm phong cảnh trưng bày. Monet đã theo
ông Boudin đặt giá vẽ tại Rouelles, một nơi cách Le Havre chừng 3 cây số.
Ông Boudin đã dạy cho Monet quan niệm đầu tiên về Hội Họa:
"Mọi đề tài do vẽ trực tiếp, luôn luôn có sức mạnh và sức sống hơn là thứ
vẽ trong phòng".
|
Một bức tranh phong cảnh của Eugène Boudin, vẽ năm 1864 |
Ông Eugène Boudin ưa thích vẽ phong
cảnh. Đây là điều trái ngược với các nhà danh họa đương thời, họ khai thác
đề tài trong các thần thoại và lịch sử của Hy Lạp và La Mã, họ dùng các màu
sẫm, vẽ tranh trong xưởng vẽ, với bề mặt tấm tranh phải sửa chữa thật tỉ mỉ,
mịn màng, không cho thấy các nét cọ.
Vào tuổi 18, Claude Monet được nghe
nói về thế giới nghệ thuật của thành phố Paris nên vào tháng 4 năm 1859, với
một món tiền nhỏ của cha tặng, Monet bước vào phòng triển lãm đặt trong tòa
nhà lớn có mái che bằng kính được gọi tên là "Lâu Đài của Kỹ Nghệ"
(Palais de L'Industrie) nằm trên đại lộ Elysées, thuộc trung tâm thành phố
Paris. Tại nơi này có hơn hai ngàn họa phẩm treo trên tường và mỗi ngày có
cả ngàn người tới coi tranh.
Người nghệ sĩ hội họa phải có tác phẩm treo tại nơi đây mới được công nhận
về tài năng và tác phẩm, mới có người đặt mua tranh. Giám khảo của loại
phòng triển lãm này là các bậc thầy chỉ ưa thích lối vẽ cổ điển. Trong số
các nhân tài có tác phẩm trưng bày, Monet chỉ ưa thích hai họa sĩ là
Constant Troyon và Charles Francois Daubigny.
|
Một bức tranh tiêu biểu của Constant Troyon, vẽ năm 1840
|
|
Một bức tranh tiêu biểu của Charles Francois Daubigny, vẽ năm 1871
|
Monet có tới thăm họa sĩ Troyon, trình bày các bức vẽ của mình và được khen
về cách dùng màu sắc. Ông Troyon cũng khuyên Monet nên theo học vẽ thân thể
tại ngôi trường của ông Thomas Couture, một giáo sư danh tiếng của trường
Cao Đẳng Mỹ Thuật (L' Ecole des Beaux-Arts) nhưng Monet không khâm phục lối
vẽ cổ điển mà chọn Hàn Lâm Viện Thụy Sĩ (L' Academie Suisse). Đây là một
phòng vẽ cung cấp cho các học viên người mẫu với giá rẻ, học viên được tự do
sáng tác mà không gặp nhiều lời chỉ trích của các bậc thầy. Hàn Lâm Viện này
nằm trên lầu hai của một tòa nhà tọa lạc trên hòn đảo nhỏ gọi tên là Đảo của
Thành Phố (Ile de la Cité) trong giòng sông Seine, một con sông chảy qua
Paris.
Tại Hàn Lâm Viện Thụy Sĩ, Claude
Monet đã làm quen được một người bạn lớn hơn 10 tuổi: Camille Pissarro.
Pissarro là con của một gia đình giàu có thuộc đảo St. Thomas trong vùng
biển Tây Ấn, đã không ưa thích theo nghề buôn bán của cha và nhờ người cha
rộng lượng, nên được tới thành phố Paris để theo học hội họa. Claude Monet
cũng thường tới quán ruợu Brasseries des Martyrs, nằm gần Công Trường
Pigalle. Đây là nơi tụ tập của các thi sĩ, họa sĩ, nhà báo… Vào thời gian
này, đã có cuộc tranh luận giữa những người theo Eugène Delacroix, một họa
sĩ lãng mạn chủ trương màu sắc quan trọng hơn, chống lại vị họa sĩ bảo thủ
tân cổ điển, danh tiếng bậc nhất là Jean Auguste Dominique Ingres, ông này
tin tưởng rằng đường nét quan trọng hơn màu sắc.
Vào mùa xuân năm 1861, Monet bị gọi
đi lính. Đối với nghĩa vụ này, có người đã dùng tiền để mướn người thay thế.
Ông Adolphe Monet đã đề nghị giải pháp này nếu Claude Monet từ bỏ môn Hội
Họa và trở về bến cảng Le Havre. Nhưng không, Claude đã chấp nhận tham gia
vào đoàn khinh binh Zouaves, đồn trú tại Algeria. Claude Monet rời Paris vào
ngày 10-6-1861, đi tới một xứ sở xa lạ, có phong cảnh sa mạc, có ánh sáng
chan hòa, hấp dẫn, trái hẳn với cảnh vật của nước Pháp. Về sau, Monet đã ghi
lại như sau:
"Các ấn tượng do ánh sáng và màu sắc mà tôi nhận được tại nơi đó là mầm
mống của công trình tương lai của tôi".
Sau hơn một năm sống tại châu Phi,
Claude Monet bị sốt thương hàn nên phải trở về tĩnh dưỡng trong 6 tháng tại
thành phố hải cảng Le Havre. Vào mùa hè năm 1862, Monet lại vẽ tranh ngoài
trời và nhân dịp này, đã gặp một họa sĩ Hòa Lan, tên là Johan Barthold
Jonkind, cư ngụ tại Honfleur, một thị xã không xa Le Havre. Giống như ông
Boudin khi trước, Jonkind ưa thích vẽ phong cảnh thiên nhiên và nhờ ông này,
Claude Monet đã khai triển cách vẽ cùng một đề tài nằm trong nhiều hoàn cảnh
ánh sáng khác nhau.
Tới tháng 11 năm 1862, Monet lại đến
thành phố Paris và do lời khuyên của gia đình, đã tới gặp một họa sĩ uy tín
là ông Auguste Toulmouche. Sau khi coi các bức vẽ của Monet, ông Toulmouche
đã nói với chàng họa sĩ trẻ:
"Anh cần có một kỷ luật để hướng dẫn tài năng. Anh nên theo học ông
Gleyre, một bậc thầy của chúng ta. Ông Gleyre sẽ dạy anh cách tạo nên một
tác phẩm".
2/ Các thành công ban đầu.
|
Marc Charles Gabriel Gleyre
|
Marc Charles Gabriel Gleyre là một bậc thầy Hội Họa, gốc Thụy Sĩ, đã mở ra
một xưởng vẽ là nơi thực tập rẻ tiền với lệ phí là 10 quan mỗi tháng. Có
chừng 30 tới 40 học viên tới xưởng vẽ này, tập vẽ các người mẫu khỏa thân.
Giống như các họa sĩ đương thời, ông Gleyre không chấp nhận cách vẽ dùng màu
sắc lòe loẹt mà ưa thích các màu tối sẫm. Claude Monet đã tới xưởng vẽ này
đều đặn để nhận được trợ cấp của cha, nhưng chàng họa sĩ trẻ đã không đồng ý
với các quan niệm của ông thầy già cổ điển. Tại xưởng vẽ, Monet làm quen
được một số bạn mới như Frédéric Bazille, Pierre Auguste Renoir và Alfred
Sisley.
Frédéric Bazille là một người cao
lớn, đẹp trai, xuất thân từ một gia đình giàu có thuộc miền Montpellier,
phía nam của nước Pháp. Cha mẹ của Bazille chấp thuận cho cậu Frédéric theo
học Hội Họa với điều kiện không được bỏ dở việc học Y Khoa. Auguste Renoir
là người trẻ hơn Monet một tuổi, đã từng vẽ trên các đồ sứ tại Limoges từ
năm 13 tuổi, tới thành phố Paris vào tuổi 21 để học hỏi thêm. Alfred Sisley
được cha mẹ khuyến khích học theo sở thích. Cha của Sisley là một thương gia
người Anh giàu có, chuyên buôn tơ lụa.
Trong số 4 học viên hội họa này, chỉ
có Claude Monet đam mê loại vẽ phong cảnh và khi tới Viện Bảo Tàng Louvre,
Monet đã nhận xét rằng bức họa vẽ các con kênh đào của họa sĩ Canaletto
không đúng sự thực vì thiếu các hình bóng phản chiếu đề tài trên mặt nước.
Vào dịp nghỉ lễ Phục Sinh năm 1863,
Monet và Bazille đã tới ngôi làng nhỏ Chailly, gần cánh rừng Fontainebleau.
Nhiều người khác cũng đặt giá vẽ tại nơi này, chẳng hạn như họa sĩ Daubigny
từ làng Babizon. Thông thường, cách làm việc của các họa sĩ là phác thảo các
phong cảnh như cánh rừng, giòng sông… rồi mang về xưởng vẽ và hoàn thành bức
vẽ.
Tới tháng 5 năm 1863, Phòng Triển Lãm
quốc gia (Salon) sau khi cứu xét 5,000 bức họa tham dự, chỉ chấp thuận 2,217
bức. Các họa sĩ có tác phẩm bị từ chối đã khiếu nại khiến cho Hoàng Đế
Napoléon III phải đích thân tới Lâu Đài Kỹ Nghệ, xem xét các họa phẩm rồi ra
lệnh cho trưng bày các tác phẩm bị từ chối tại một khu vực triển lãm khác,
vì thế nơi này được gọi tên là "Phòng Triển Lãm của các Họa Phẩm bị từ chối"
(Salon des Refusés).
|
"Bữa Ăn Trưa trên Cỏ" (Le Déjeuner sur l' Herbe) của Edouard Manet, vẽ năm 1863
|
Dân chúng thủ đô Paris đã tới coi phòng tranh đặc biệt này ngày một đông đảo
hơn, đặc biệt là họa phẩm gây sóng gió của họa sĩ Edouard Manet, đó là bức
tranh "Bữa Ăn Trưa trên Cỏ" (Le Déjeuner sur l' Herbe). Manet đã dùng
tới các màu sắc rực rỡ, tương phản, không dùng màu tối sẫm, không dùng nét
cọ mịn màng và trong bức họa, phần bóng tối cũng có màu sắc. Đề tài của bức
họa là hai người nam mặc y phục chỉnh tề, ngồi nghỉ trưa với hai phụ nữ, một
khỏa thân, và cách chọn đề tài bị chê là thiếu tế nhị. Monet, Bazille và
Sisley có tới coi bức tranh gây sóng gió này. Monet đã khâm phục Manet trong
cách diễn tả màu sắc, ngay cả trên phần bóng tối.
|
Người phụ nữ mặc váy xanh lục
|
Năm 1864, xưởng vẽ của ông Charles
Gleyre đóng cửa khiến cho Monet phải trở về Le Havre rồi vào kỳ triển lãm
năm 1865, Claude Monet đã gửi tham dự hai họa phẩm vẽ cảnh biển tại miền
Normandy, cả hai đều được chấp nhận. Các báo chí thời đó đều khen ngợi họa
phẩm của Monet, cho đó là các cảnh biển đẹp nhất của Phòng Triển Lãm, nhưng
lời phê bình kèm thêm là bức tranh thiếu phần tu sửa nên còn cho thấy các
nét cọ, mặt tranh không bóng láng như mặt gương, trong khi tác giả Monet
quan niệm rằng loại nét cọ thô, loại màu sắc rực rỡ mới diễn tả được sức
sống, sự tươi mới của phong cảnh và sự thực của thời điểm thu nhận hình ảnh.
Hai họa phẩm của Monet đã bán được 300 quan và đây là thành công đầu tiên
dành cho họa sĩ mới 24 tuổi.
Phấn khởi vì kết quả vẻ vang, Claude
Monet dự trù vẽ một tấm tranh lớn khổ 15 x 20 feet tại làng Chailly. Alfred
Sisley và Gustave Courbet đã tới để làm các người mẫu cho họa phẩm. Trong số
người mẫu còn có cô Camille Léonie Doncieux, con gái của một thương gia mới
dọn nhà từ Lyons tới Paris. Camille là một thiếu nữ đẹp, 19 tuổi, da trắng,
tóc đen, lông mi dài. Bức họa lớn kể trên với tên là "Người Phụ Nữ trong Y Phục màu Lục" (The Women in the Green Dress) đã được Phòng Triển Lãm chấp nhận. Đây là
thành công thứ hai của Claude Monet nhưng gia đình của chàng họa sĩ lại giận
dữ vì chàng nghệ sĩ này đã ăn ở với nàng Camille mà không làm lễ kết hôn.
3/ Trường Phái Ấn Tượng bắt đầu.
|
Các Phụ Nữ trong Vườn, vẽ năm 1867
|
Mặc dù chưa được gia đình chấp nhận, Claude Monet và nàng Camille đã sống
với nhau như vợ chồng tại làng Ville d'Avray, thuộc phía tây của thành phố
Paris và Camille là người mẫu để Monet vẽ họa phẩm "
Các Phụ Nữ trong Vườn" (Women in the Garden). Bức tranh này đã bị Phòng Triển Lãm quốc gia năm
1867 từ chối vì không theo đúng các tiêu chuẩn đương thời và đây là một thất
bại trong khi Monet đang lo lắng vì nàng Camille đã mang thai. Tới khi chàng
họa sĩ đa tình trở về Le Havre thì nàng Camille cho chào đời cậu bé
Jean-Armand Claude Monet vào ngày 8-8-1867. Nhờ bán được họa phẩm "
Người Phụ
Nữ trong Y Phục màu Lục", Claude Monet đã sống với vợ con trong căn phòng
thiếu sưởi ấm trên đường Batignolles rồi di chuyển về Fécamp, một thị trấn
duyên hải nhỏ, phía bắc của Le Havre.
Chính tại Fécamp, Claude Monet đã
nhận ra nhiều thứ màu sắc phản chiếu từ mọi loại đề tài, ngay cả từ lớp
tuyết trắng. Chàng họa sĩ cố gắng ghi lại các loại màu rực rỡ, đã gây nên ấn
tượng, bằng cách dùng các màu thuần chất (pure), chẳng hạn một nét cọ đỏ kế
bên một nét cọ vàng sẽ hòa hợp và cho ra màu cam trong con mắt của người
ngắm tranh.
Phương pháp dùng màu sắc này của Monet cũng được Auguste Renoir đồng ý. Hai
họa sĩ này cùng sống trong hoàn cảnh túng thiếu, cùng mang giá vẽ tới "Ao
Ếch Nhái" (La Grenouillère) để vẽ cảnh ngoài trời. Địa điểm này nằm trên
giòng sông Seine, gồm có một cầu tầu nối tới hòn đảo có tên là "Camembert"
vì hình thù giống một miếng phó mát. Người dân lao động của thành phố Paris
thường tới nơi đây vui chơi vào dịp cuối tuần vì đây là nơi có nhiều ánh
nắng, bầu trời mát mẻ. Claude Monet đã vẽ nhiều phong cảnh của "Ao Ếch Nhái"
bằng những chấm nhỏ và bằng các vệt cọ, dùng màu sắc thuần chất, để
ghi lại vẻ lung linh của ánh sáng chiếu trên mặt nước, ghi lại đặc
tính tức thời (spontaneity) của thời điểm quan sát.
Vào tháng 7 năm 1870, Hoàng Đế
Napoléon III của nước Pháp tuyên chiến với nước Phổ. Tại Le Havre, nhiều
người đã xuống tầu phà, chạy qua nước Anh. Vì lo sợ lệnh động viên, Monet đã
chạy sang London, để vợ con ở lại Pháp. Trong khi Monet đang vẽ tại các công
viên thì thành phố Paris bị vây hãm. Thực phẩm thiếu hụt. Nhiều người dân
phải ăn thịt chó, thịt chuột… Ngày 28-1-1871, nước Pháp đầu hàng.
Trong thời gian sống tại London,
Monet đã gặp họa sĩ Camille Pissarro, được tin Bazille tham gia quân đội
Pháp và đã tử trận, gặp gỡ Daubigny và được ông này giới thiệu với nhà buôn
tranh Paul Durand-Ruel bằng câu: "Đây là người sẽ xuất sắc hơn tất cả chúng
tôi". Ông Paul mới mở một phòng bán tranh tại thành phố London nên đã mua
một số tác phẩm của Monet với giá 300 quan một bức.
Vào tháng 1 năm 1871, ông Adolphe
Monet qua đời, đã để lại phần lớn tài sản cho người tình và sau này là người
vợ có tên là Amande Vatine cùng cô con gái nhỏ Marie. Họa sĩ Claude Monet
chỉ được hưởng một phần nhỏ gia tài nhưng nhờ số tiền bán tranh cho ông Paul
Durand Ruel, Monet đã đưa gia đình qua Hòa Lan sinh sống, tại Zaadam gần
thành phố Amsterdam.
Chuyện kể lại rằng nhân một buổi đi
mua thực phẩm trở về, Claude Monet đã thấy trên tờ báo cũ dùng làm giấy gói
có in một số hình khắc gỗ (wood-block print) của Nhật Bản với màu sắc rực
rỡ. Những hình ảnh này đã làm cho Monet phải chú ý vì ngoài màu sắc sặc sỡ,
còn có lối bố cục chéo góc mạnh, cách phối cảnh khác lạ đối với người Pháp,
trong tranh lại thiếu hẳn bóng mát (shadows) và một số hình người bị cắt cụt
một cách táo bạo nơi bờ của tấm tranh.
|
Monet vẽ tranh trên thuyền - Tranh vẽ bởi Édouard Manet, năm 1874 |
Trở lại nước Pháp vào mùa thu năm
1871, Claude Monet đã thuê một căn nhà gỗ tại Argenteuil, một thị trấn nhỏ
bên bờ sông Seine, cách thành phố Paris 15 phút bằng xe lửa. Tại nơi này,
Monet đã mua một con thuyền nhỏ giống cái phà, trên đó lập nên một xưởng vẽ
và trong một năm trời, Monet đã thực hiện được 46 bức tranh, bằng với số
tranh sáng tác trong ba năm tại Bougival, Trouville, London và Hòa Lan.
Nước Pháp vào thời kỳ này đã phục
hồi được nền kinh tế và trong hoàn cảnh thịnh vượng, nhà buôn tranh
Durand-Ruel đã mua một số tranh của Monet, nhờ vậy lợi tức trong năm 1873
của họa sĩ này lên tới 25,000 quan nhưng qua năm sau, không còn cảnh bán
tranh phát đạt nữa. Các họa sĩ chuyên vẽ phong cảnh bèn tìm ra phương cách
trưng bày các tác phẩm của mình, họ gồm có Monet, Renoir, Pissarro và
Sisley, ngoài ra còn có sự góp mặt của Paul Cézanne, một người bạn của
Pissarro và nữ họa sĩ Berthe Morisot, một học trò của Cézanne. Những họa sĩ
này không ưa chuộng lối vẽ tranh lịch sử mà hướng về cảnh sống bình thường,
cố gắng mô tả sự tươi mới của đề tài, sự tức thời của cảnh vẽ.
Ngày 15-4-1874 tại Paris, 30 họa sĩ
có các họa phẩm thường bị từ chối, đã tổ chức cuộc triển lãm tại một phòng
chụp ảnh, mở cửa hai tuần lễ trước ngày khai mạc "Phòng Triển Lãm" của chính
quyền Pháp. Mỗi ngày có chừng 200 du khách tới ngắm tranh của các họa sĩ tự
do so với hàng ngàn người đặt chân vào Phòng Triển Lãm quốc gia. Các họa
phẩm loại mới đã khiến cho khán giả do dự vì màu sắc rực rỡ, vì mặt tranh
nhám, nét cọ rõ ràng, thiếu đi vẻ mịn màng vẫn thường thấy.
Có nhà phê bình lại cho rằng họa sĩ Monet đã tuyên chiến với Mỹ Thuật, nhưng
nhờ cuộc triển lãm này, các họa sĩ mới được đặt tên bằng một danh hiệu lạ.
Khi có người hỏi họa phẩm của Monet vẽ hai con thuyền nhỏ rời bến cảng lúc
mặt trời mọc, trong làn sương mờ bao phủ, thì Monet nói: "Ấn Tượng". Vài nhà
phê bình nghệ thuật đã chế giễu danh từ này và từ nay, các họa sĩ chuyên vẽ
loại tranh có nét cọ nhám, có màu sắc cầu vồng… được gọi là các họa sĩ Ấn
Tượng. Kết quả của các lời chỉ trích là dân chúng không tới thăm nơi triển
lãm của các họa sĩ này và trong kỳ triển lãm tranh của năm sau, 1875, cảnh
sát được gọi tới giữ trật tự vì có người muốn xé các họa phẩm của Monet,
Sisley, Renoir và Morisot.
4/ Các Họa Phẩm "Hoa Súng".
Nếu dân chúng Pháp chưa quen với
đường lối diễn tả hội họa mới của nhóm họa sĩ Ấn Tượng thì cũng có người hâm
mộ sự tươi mới, cách trình bày nhẹ nhàng những điều quan sát, cách dùng màu
sắc độc đáo…, trong số những người này có nhà sưu tập họa phẩm tên là Ernest
Hoschedé và bà vợ Alice. Ông bà Hoschedé mới thừa hưởng một di sản gồm một
số cổ phần của cửa hiệu bách hóa và một lâu đài nằm tại phía đông nam của
thành phố Paris. Ông Ernest đã mời Monet vẽ một số tranh tại lâu đài này.
Sau một thời gian vẽ cảnh vườn cây,
cảnh ao nước, cảnh nông thôn, Monet đặt giá vẽ trên sân ga Saint Lazare, vẽ
các cảnh đoàn xe lửa tiến vào nhà ga từ hướng Le Havre hay Rouen. Vào thời
gian này, xe lửa còn là thứ gì mới lạ đối với cuộc sống của dân chúng và
đoàn tầu phun khói trắng lên bầu trời trong khi chạy vào bến là cảnh trí rất
hấp dẫn đối với nhà họa sĩ ấn tượng.
Kỳ triển lãm tranh năm 1877 chỉ mang
lại lợi tức rất nhỏ cho các họa sĩ ấn tượng khiến cho Monet phải dời nhà từ
Argenteuil về thành phố Paris. Rồi một tin xấu tới với nhà hoạ sĩ là ông
Ernest Hoschedé bị phá sản vào mùa xuân năm 1878; sau lần tự sát không thành
công, ông ta đã trốn qua nước Bỉ còn bà vợ là Alice cùng 6 đứa con nhỏ phải
sống nương tựa gia đình người em trong thành phố Paris, sống bằng lao động
tay chân và dạy âm nhạc.
Sau khi đứa con trai thứ hai tên là
Michel chào đời, bà vợ Camille của Monet bị ốm nặng. Edouard Manet đã tới
thăm Claude Monet và thấy gia đình hoạ sĩ ấn tượng này đang lâm vào cảnh
khánh kiệt. Nhờ sự giúp đỡ của Manet, gia đình Monet dọn nhà qua Vétheuil,
một nơi xa hơn với giá tiền thuê rẻ hơn. Tại nơi ở mới này, Monet còn cho
gia đình Hoschedé ở nhờ với 8 miệng ăn cả lớn lẫn nhỏ. Họ phải nuôi gà và
nuôi thỏ để có thực phẩm trong khi Camille và đứa con thứ hai luôn luôn mắc
bệnh, việc chăm sóc nhờ Alice Hoschedé. Cuối cùng Camille qua đời vào ngày
5-9-1879. Trong thời kỳ túng thiếu này, gia đình Monet đã phải sống vất vả
nhờ vào sự trợ giúp của nhà xuất bản Georges Charpentier, của ông chủ lò
bánh mì Eugène Murer hay nhờ số tiền bán tranh 300 quan của nữ họa sĩ ấn
tượng người Mỹ Mary Cassat.
Sau năm 1880, vận may của Claude
Monet bắt đầu ló dạng. Tạp chí nghệ thuật và văn chương "Đời Sống Mới" (La
Vie Moderne) đã phỏng vấn Monet về xưởng vẽ thì hoạ sĩ chỉ các ngọn đồi
Vétheuil, chỉ giòng sông Seine và nói: "Tôi không có xưởng vẽ. Đây là xưởng
vẽ của tôi". Nhà phê bình và sưu tập họa phẩm cũng viết trên báo chí rằng
"Claude Monet là một nghệ sĩ giống như Corot, đã mang lại tính sáng tạo và
tính nguyên thủy của loại họa phẩm phong cảnh".
Năm 1881, nhà buôn tranh Durand-Ruel
mở lại phòng bán tranh nên đã trợ giúp Monet 2,000 quan để vẽ tại Etretat và
sau khi bán bộ họa phẩm này, Monet đã thanh toán được tiền mua sơn dầu.
Monet dọn nhà về thị trấn Poissy, gần thành phố Paris hơn vì việc học của
đứa con trai. Khi sống tại Vétheuil và lấy cớ là phải chăm sóc Camille và
hai đứa trẻ, Alice Hoschedé đã cư ngụ chung nhà với Monet nhưng về sau, đã
dọn đi theo chàng họa sĩ, bỏ mặc ông chồng Ernest, điều này đã gây nên lời
tai tiếng.
Poissy là một địa điểm không thích
hợp về ánh sáng và phong cảnh, thường bị ngập lụt khi nước sông Seine dâng
lên. Vì vậy vào mùa xuân năm 1883, Claude Monet lại dọn nhà qua Giverny, một
nơi yên tĩnh, có nhiều vườn nho, vườn táo, xa xa là giòng sông Ru nhỏ bé,
chảy vào sông Seine. Bên bờ sông là các rặng cây dương liễu, cây bạch dương…
và đặc biệt là ánh sáng mặt trời luôn luôn thay đổi trong khung cảnh thung
lũng mờ ảo. Với số tiền ứng trước của ông Durand-Ruel, Monet về Giverny với
hai đứa con của mình và các đứa trẻ của Alice, một người vẫn hâm mộ Claude
Monet. Năm 1891, khi ông Ernest Hoschedé qua đời, Monet đã kết hôn với bà
Alice này và chung sống với tất cả 8 đứa con cộng lại.
Trong thập niên 1880, Claude Monet
đã đi nhiều nơi để tìm kiếm các đề tài mới: các nước Ý, Anh, Na Uy hay miền
nam của nước Pháp. Ông chọn đề tài một cách cẩn thận, không bao giờ bố cục
một cảnh vẽ theo trí tưởng tượng và còn làm việc ngoài trời tới khi nào hiệu
ứng của ánh sáng còn tồn tại. Monet đã vẽ trong các hoàn cảnh thiên nhiên
khác nhau: mưa, nắng, bình minh, hoàng hôn, khi trời có tuyết, có sương mù…
Các hình bóng của đề tài phản chiếu qua mặt nước, hay mờ ảo trong màn sương
thường lôi cuốn họa sĩ Monet. Ông thường vẽ trên hai hay ba khung vải, thay
đổi chúng mỗi khi ánh sáng mặt trời khác đi rồi vào ngày hôm sau lại tiếp
tục vẽ.
Vào năm 1891, Claude Monet vẽ một
loạt họa phẩm có các cây bạch dương mọc theo đường cong, dọc theo giòng sông
Epte với ánh phản chiếu trên mặt nước. Tới năm 1893, các họa phẩm của Monet
lại là các cảnh trí của ngôi giáo đường Rouen với lớp sương mù bao phủ nhẹ
nhàng.
Từ cuối thập niên 1880, dân chúng
châu Âu bắt đầu chấp nhận Trường Phái Ấn Tượng. Ông Paul Durand-Ruel bán ra
thị trường nhiều họa phẩm của Claude Monet với giá 15,000 quan một bức. Các
khó khăn tài chính của Monet hết dần và vào năm 1890, ông đã mua một căn nhà
tại Giverny, trồng hoa trên các mảnh vườn chung quanh. Danh tiếng của Claude
Monet đã hấp dẫn nhiều du khách và các họa sĩ quốc tế tới Giverny để coi
tranh hay học hỏi nơi nhà danh họa. Trong số những người mến chuộng Claude
Monet, ngoài các người bạn cũ như Pissarro, Sisley, Renoir, Rodin, Mallarmé,
Cézanne, Geffroy, Mirbeau và Clémenceau…, còn có các nhân vật mới như các
họa sĩ Jacques-Emile Blanche, Pierre Bonnard, Sacha Guitry, nhà xuất bản
Paul Gallimard cùng các nhân viên của Hàn Lâm Viện Goncourt. Cũng vì thế,
vài người địa phương đã chuyển căn nhà của họ thành nhà trọ cho các du
khách, có người tạo ra cửa hiệu bán đồ dùng hội họa.
Vào năm 1893, Claude Monet mua được
miếng đất rộng lớn hơn tại Giverny. Ông đã cho đào một cái ao rộng trong đó
có thả hoa súng (water lilies), bắc một cây cầu cong kiểu Nhật Bản, bám theo
thành cầu và trên các giàn hoa là nhiều nhánh cây đậu tím (wisteria). Khung
cảnh hoa súng dưới nước với các loại ánh màu phản chiếu trong rất nhiều hoàn
cảnh ánh sáng và thời tiết, đã là các đề tài cho một loạt họa phẩm của
Monet, với tên gọi là "Nymphéas".
Năm 1909, ông Paul Durand-Ruel đã trưng bày 48 họa phẩm "Hoa Súng" màu trắng
và màu vàng, rực rỡ trên mặt nước lung linh. Cuộc triển lãm này là một thành
công lớn, được nhiều nhà phê bình khen ngợi như Geffroy, Romain Rolland,
Remy de Gourmont, Lucien Descaves và Roger Marx. Các họa phẩm của Monet cũng
xuất hiện tại nhiều phòng triển lãm của nhiều thành phố như Brussels,
London, Berlin, Dresden, Venice, Stockholm và trên lãnh thổ Hoa Kỳ. Trị giá
của các họa phẩm tăng dần, có bức lên tới 40,000 hay 50,000 quan vào năm
1924.
Vào năm 1896, 8 họa phẩm của Monet
trong bộ sưu tập Caillebotte được trưng bày tại Viện Bảo Tàng Luxembourg
thuộc thành phố Paris, rồi tới năm 1906 là các họa phẩm thuộc bộ sưu tập
Moreau-Nélaton, năm 1907 tới lượt hai họa phẩm "Giáo Đường Rouen", "Hòa Hợp
trong Màu Nâu" (Harmony in Brown) và năm 1921 là họa phẩm "Các Phụ Nữ trong
Vườn" (Women in the Garden). Đây là tác phẩm đã bị "Phòng Triển Lãm" của
chính quyền Pháp từ chối 50 năm về trước.
Tính tới năm 1918, Claude Monet đã
hoàn thành 30 họa phẩm lớn vẽ hoa súng. Nhân dịp ngày kỷ niệm nước Pháp
thắng nước Đức trong trận Thế Chiến Thứ Nhất, nhà danh họa Monet đã viết một
bức thư cho Thủ Tướng Clémenceau, một người bạn cũ, đề nghị tặng cho nước
Pháp hai họa phẩm. Ông Clémenceau đã tới coi tranh và hỏi xin toàn thể bộ
tranh Hoa Súng cho nước Pháp. Nhà danh họa Monet đồng ý tặng 12 bức với điều
kiện chính phủ Pháp phải dành một tòa nhà đặc biệt để treo các họa phẩm này
theo đường vòng tròn, không theo đường thẳng. Cuối cùng vào năm 1922, Tòa
Nhà Orangerie gần Viện Bảo Tàng Louvre được sửa chữa để duy nhất trưng bày
18 tác phẩm của Claude Monet.
|
Hình chụp, năm 1917, Monet trong khu vườn của ông, nơi đã là đề tài cho loạt tranh "Hoa Súng" (vài hình bên dưới) được trưng bày tại viện bảo tàng nghệ thuật của Pháp và nhiều quốc gia khác trên thế giới |
Càng về già, đôi mắt của nhà danh
họa càng kém dần. Ông Monet gặp khó khăn trong việc nhận ra màu sắc. Tới mùa
đông năm 1925, sức khỏe của nhà danh họa bị suy giảm do ông hút thuốc lá
liên tục. Claude Monet qua đời khi 86 tuổi vào ngày 5-12-1926, có ông
Clémenceau bên giường bệnh.
Claude Monet đã dành cả cuộc đời cho
một mục đích, đó là ghi lại trên khung vải thật nhiều khung cảnh thiên nhiên
trong ánh sáng muôn dạng vào các khoảng khắc phù du khác nhau. Ngoài các
khung cảnh thung lũng mờ ảo, khung cảnh bờ sông ẩn hiện sau rặng cây bạch
dương…, đề tài của nhà danh họa còn là các bông hoa súng sặc sỡ, mỏng manh
nổi trên mặt nước với ánh phản chiếu thay đổi theo giờ, theo ngày và theo
mùa, và nhà danh họa đã thành công trong việc làm thay đổi quan niệm và cách
trình bày cổ điển các khung cảnh thiên nhiên. Các họa phẩm rực rỡ của Claude
Monet đã tạo nên một Thế Giới Nghệ Thuật mới.
Phạm Văn Tuấn
Tài liệu tham khảo: Wikipedia.org.; Britannica Encyclopedia, Hugh Honour
& John Fleming, A World History of Art, Book Club Associates, London,
1982.
Post a Comment