Header Ads

Wernher Von Braun (1912-1977) Nhà Bác Học Về Hỏa Tiễn


Phạm Văn Tuấn

Vào cuối cuộc Thế Chiến Thứ Hai, dân chúng nước Anh đã kinh hoàng, điêu đứng vì một thứ khí giới mới: bom bay. Các quả bom không biết từ đâu, đã rơi xuống thành phố London cả ngày lẫn đêm. Cha đẻ của thứ vũ khí này là một nhà bác học trẻ tuổi mà thời bấy giờ giới Khoa Học chưa được biết tiếng: Von Braun.

Về sau vào thập niên 1960, các thành công của Von Braun về hỏa tiễn liên lục địa và thám hiểm không gian đã khiến cho toàn thể Thế Giới phải chú ý và theo dõi.

1/ Thuở thiếu thời.

Wernher Von Braun sinh ngày 23 tháng 3 năm 1912 tại Wirsitz, tỉnh Silisie, thuộc miền đông của nước Đức, phần đất này ngày nay đã thuộc về nước Ba Lan. Wernher là con thứ hai trong ba người con trai của Nam Tước Magnus Von Braun. Cha cậu là một điền chủ nghiêm nghị, đã từng tham gia vào việc chính trị của nước Đức thời Cộng Hòa Weimar, còn mẹ cậu, bà Emmy Von Quistorp, là người rất say mê Thiên Văn Học. Bà thường dẫn các con lên sân thượng vào các buổi tối và chỉ cho các con những hành tinh cùng các vì sao lấp lánh trên bầu trời. Vì vậy cậu Wernher đã ước mơ một ngày kia cậu có thể đặt chân lên các thiên thể xa lạ đó.

Mới 13 tuổi, Wernher đã ưa thích chơi pháo. Cậu nhồi thuốc súng vào một chiếc xe của trẻ em rồi châm lửa đốt. Chiếc xe chạy thục mạng như một con quái vật, gây kinh hoàng cho khách qua đường và làm cho bầy ngựa bạt vía. Cậu bị cảnh sát dẫn về nhà. Ông Magnus nghiêm mặt lại và mắng: "Wernher, mày không được làm mang tiếng tao như vậy. Tao sẽ cho mày vào ở trong ký túc xá của một trường học cách đây 5 cây số để mày hết nghịch ngợm đi". 

Thế rồi sang niên học mới, Wernher rời gia đình theo học tại một ngôi trường hẻo lánh tọa lạc trên một hòn đảo miền Frise. Tại nơi đây, cậu không chăm chỉ học hành. Đối với các thầy giáo, cậu là một học trò kém vì vị Hiệu Trưởng đã phê bình về cậu: "Học trò thiếu chăm chỉ, hoàn toàn dốt về Toán, khó lòng theo học nổi".

Vào năm 1925, do tình cờ Wernher Von Braun được đọc một quyển sách về Thiên Văn. Trong cuốn sách này có vẽ một chiếc hỏa tiễn đang bay về hướng mặt trăng, kèm theo là một bài do Hermann Oberth viết. Oberth là một trong vài lý thuyết gia đầu tiên về hỏa tiễn, cũng là đồ đệ của Tsiolkovsky, nhà tiên tri người Nga về cách chinh phục không gian. 

Cuốn sách của Obeth, "Hỏa tiễn trong không gian liên hành tinh", đã làm ngạc nhiên nhiều người và làm điên đầu cậu Von Braun. Cuốn sách gối đầu giường của cậu dày hơn 100 trang này thật là khó hiểu đối với cậu, vì nó chứa đựng rất nhiều phương trình bí hiểm. Cậu quyết định xin cha cho học tư về Toán Học và Vật Lý. Có lần Von Braun đã nói "Toán Học rất cần thiết cho việc hiểu biết về cách đi đường trong không gian nên tôi quyết định tìm học". Von Braun tiến bộ về Toán Học và Vật Lý đến nỗi cậu có thể thay thế giáo sư giảng bài cho các bạn trong lớp mỗi khi giáo sư vắng mặt.

Báo "Hoả Tiễn"
Vào năm 1928, Hội Du Lịch Không Gian (Verein fur Raumschiffahrt) được Obeth lập ra. Hội này xuất bản mỗi tháng một tờ báo lấy tên là "Hỏa Tiễn" và tập hợp được một số nhà bác học cùng các thanh niên Đức say mê hỏa tiễn. Trong số các độc giả của tờ báo Hỏa Tiễn có một thanh niên 16 tuổi, khổ người cao lớn, mắt xanh, tóc nâu, cằm vuông, biểu lộ nhiều nghị lực, đó là chàng Wernher Von Braun vừa học xong bậc trung học và đã ghi tên vào Viện Kỹ Thuật Berlin.

Tới mùa thu năm 1929, Von Braun đến nhà ông Willy Ley và trình bày với ông ta về sở thích của mình đối với sự thám hiểm không gian. Von Braun lại muốn được ông Ley giới thiệu vào Hội Du Lịch Không Gian mà ông ta là một hội viên sáng lập. Ông Willey Ley liền dẫn Von Braun đi gặp Obeth và bắt đầu từ đó, chàng Von Braun hãnh diện được vác trên vai các hỏa tiễn mà các bậc đàn anh sẽ phóng đi.

Thời đó, nhà sản xuất điện ảnh danh tiếng Fritz Lang có ý định quay một cuốn phim về sự chinh phục không gian. Fritz Lang mời Obeth làm cố vấn kỹ thuật. Obeth nhận lời nhưng cũng không quên đòi hỏi một số tiền thù lao đủ để chế tạo một chiếc hỏa tiễn và Obeth dự định phóng hỏa tiễn đó vào ngày cuốn phim bắt đầu chiếu.

Năm đó, cuốn phim "Một người đàn bà trên mặt trăng" của Fritz Lang mang lại đầy thành công trong khi việc phóng hỏa tiễn lại bị thất bại chua cay, trái với lời tán dương rầm rộ của báo chí. Nhưng các hội viên của Hội Du Lịch Không Gian không đến nỗi quá thất vọng. Theo ý họ, sở dĩ họ gặp thất bại về hỏa tiễn bởi vì chưa tìm ra được một thứ nhiên liệu có thể tạo nên một áp suất đủ mạnh cần thiết. Họ liền nhờ các nhà hóa học sáng chế ra một chất cháy mới.

Tại Reinickendorf, ngoại ô của thành phố Berlin, có một khoảng đất trống. Hội Du Lịch Không Gian liền ký một giao kèo với Hội Đồng Thành Phố vào ngày 27-9-1930 để thuê khoảng đất kể trên với giá là 1,500 đồng trong một năm. Khoảng đất này được đặt tên một cách hãnh diện là "Phi Trường Hỏa Tiễn". Phi trường này tuy sơ sài thật nhưng chỉ vài tháng sau, đã được khắp thế giới biết đến vì tính cách đặc biệt của nó. Nhiều người đã từ các nước Pháp, Mỹ, Anh… tới thăm. Có kẻ tình nguyện giúp sức vào công cuộc thí nghiệm. Tại nới đây có mặt đầy đủ các nhà kỹ thuật nhiều thiện chí: kỹ sư, thợ máy, hóa học gia, phi công… 

Hội Du Lịch Không Gian tuy không giàu về ngân quỹ nhưng các hỏa tiễn Mirak loại nhỏ cũng ra đời. Tính tới năm 1932, Oberth, Ley, Von Braun và các hội viên khác đã thành công trong 85 lần thử và một trong các hỏa tiễn đã lên cao được một dặm, đạt kỷ lục của thời đó.

Mùa xuân năm 1932, Von Braun học xong chương trình kỹ sư của Viện Kỹ Thuật Berlin (the Berlin Institute of Technology) rồi hai năm sau, đoạt được văn bằng Tiến Sĩ Vật Lý của Trường Đại Học Berlin. Tuy nhiên, sự học hành không làm gián đoạn công cuộc theo đuổi ngành kỹ thuật hỏa tiễn của Von Braun.

2/ Chế tạo hỏa tiễn.

Vào năm 1931, quân đội Đức tìm kiếm một thứ khí giới mới, có tầm hoạt động xa mà không bị ngăn cấm bởi Hòa Ước Versailles. Hỏa tiễn có thể là thứ khí giới phù hợp với điều kiện trên. Đại úy kỹ sư Walter Dornberger được giao phó trách nhiệm phải viết một bản báo cáo về dự án đó. Ông ta liền tới thăm phi trường hỏa tiễn trong 3 ngày liền, hỏi han các nhà bác học và tham dự các cuộc bắn thử hỏa tiễn. Khi đó, Dornberger đã để ý đến Wernher Von Braun vì nghị lực, vì sự sáng suốt và trí hiểu biết của chàng này. Rồi tất cả kế hoạch về hỏa tiễn được chuyển tới Bộ Tổng Tham Mưu Đức vào mùa thu năm 1932.

Vào một ngày của tháng 8 năm 1932, Von Braun được mời đến trung tâm thử hỏa tiễn quân sự đặt tại Kummersdorf. Trung tâm này ẩn náu trong một khu rừng thông ở phía nam thành phố Berlin. Chàng thanh niên 20 tuổi Von Braun trở nên Giám Đốc Kỹ Thuật, Đại Úy Dornberber làm Giám Đốc Quân Sự còn ngân quỹ của trung tâm do Bộ Binh Đức đài thọ. 

Thời kỳ hỏa tiễn thực sự bắt đầu vào ngày 21 tháng 12 năm 1932 tại Kummersdorf. Tại trung tâm nghiên cứu này, các tai nạn xẩy ra không phải là ít. Đã có lần Von Braun thoát chết, song quần áo bị rách nát. Ngày 17-5-1933, viên kỹ sư danh tiếng Max Valier đã chết trên vũng máu vì máy điều chỉnh phát nổ trước kỳ hạn và đã phóng một mảnh thép vào ngực ông ta. Ít lâu sau, tiến sĩ Warmke, kỹ sư hóa học, cũng chết tan xác vì thứ thuốc nổ mới phát minh.

Tại trung tâm nghiên cứu này, Von Braun đã say sưa làm việc. Người ta thường thấy ông ngủ trên các họa đồ dang dở: Von Braun đang trù tính làm 2 loại hỏa tiễn, một thứ dài 1,40 mét còn thứ kia cao 3 mét.

Khi bước chân vào trung tâm hỏa tiễn, Von Braun tưởng Bộ Quốc Phòng Đức sẽ bỏ ra hàng triệu bạc để thực hiện chương trình chế tạo vũ khí này. Nhưng ông đã lầm. Ngân quỹ đã không cho phép trung tâm tiêu quá một số tiền giới hạn, mọi vật liệu đều thiếu thốn. Mặc dù các trở ngại, hai loại hỏa tiễn kể trên cũng được hoàn thành và đã lên cao được hơn 2,200 mét, thật là một thành công đáng kể. Trung tâm Kummersdorf càng ngày càng trở nên chật chội. Giới quân sự  Đức đang tìm kiếm một nơi rộng rãi hơn.

Vào một dịp Giáng Sinh, Von Braun và nhóm chuyên viên của ông dự lễ trên một hòn  đảo nhỏ hẻo lánh tại miền biển Baltique. Đảo Peenemunde này thực là quá hiu quạnh, lại ở vào một vị trí kín đáo, rất đáng là nơi thử vũ khí bí mật.

Từ tháng 8 năm 1936, Bộ Quốc Phòng Đức bắt đầu xây cất trên đảo Peenemunde: đường lộ, cầu cống, sân bay, bãi phóng hỏa tiễn, dinh thự, khách sạn cùng các lô cốt… song từ trên máy bay, rất khó mà nhận ra các kiến trúc này. Có tới hàng ngàn vật lý gia, hóa học gia, kỹ sư, sinh viên, chuyên viên… hoạt động tại đây. Họ làm việc quần quật từ sáng tới tối. Phương châm của họ được khắc trên mặt tiền của trung tâm nghiên cứu: "Các vật lý gia, kỹ sư, kỹ thuật gia là những người tiền phong của Thế Giới Mới". 

Tại nơi đây, các tai nạn xẩy ra không phải là ít nhưng các nhà khoa học cũng giải quyết được nhiều bài toán mới lạ. Các hỏa tiễn càng ngày càng lên cao hơn nhưng điều đó không khiến cho các tướng lãnh Quốc Xã đặt tin tưởng vào. Hitler chỉ hy vọng ở các chiến xa hạng nặng hơn là thứ khí giới mới lạ này. Đã có lần Hitler tới thăm Trung Tâm Hỏa Tiễn Peenemunde mà không nói quá 10 tiếng rồi ra về chán nản.

Sau khi Thế Chiến Thứ Hai bùng nổ, Von Braun cho ra đời một loại hỏa tiễn lên cao được 7,000 mét. Trung tâm hỏa tiễn gửi phim chụp tới Hitler nhưng không được trả lời. Các tướng lãnh cao cấp Đức cũng bắt chước thái độ im lặng của Hitler mà gọi vào quân đội các kỹ sư của Von Braun. Các phương tiện thiếu dần làm cho kết quả trở nên tại hại. Quân đội Đức lại bắt đầu thua ở khắp các mặt trận, vì vậy Hitler hạ lệnh cấp tốc chế tạo hỏa tiễn nhưng sau hai lần mời các thanh tra quân đội tới dự các cuộc phóng thử, hỏa tiễn vẫn không bay nổi. Người nâng đỡ chính thức của Von Braun tại Berlin, Đại Tướng Becker, được Hitler gọi đến: ông ta được quyền chọn đến trại tập trung hoặc tự sát. Ông Becker đã tự tử. Còn Von Braun, ông biết rằng nếu sau một lần bắn thử hỏa tiễn nữa không thành, ông sẽ bị xử bắn hay bị bọn Gestapo hành hạ. May mắn thay, lần thử thứ ba đã thành công.

Vào ngày 7-7-1943, Von Braun được phong tặng chức Giáo Sư còn Dornberger được thăng chức Thiếu Tướng, rồi hai người được gọi đến Văn Phòng của Hitler. Nhà độc tài Quốc Xã đã tỏ ra hối tiếc rằng nếu có hỏa tiễn từ năm 1939, có lẽ đã không có chiến tranh. Rồi Hitler ra lệnh cấp tốc chế tạo thứ khí giới báo thù, làm sao san phẳng các thành phố London và New York trong một thời gian ngắn.

Von Braun trở về đảo Peenemunde và được toàn quyền hành động. Đảo này được tăng cường về mặt quân sự cũng như an ninh. Giám đốc Sở Tình Báo Gestapo đích thân theo dõi sự an ninh trên đảo, các pháo đài canh phòng ngày đêm, chung quanh đảo là các bãi mìn tự động và hàng rào dây kẽm có mắc điện cao thế làm cho hòn đảo trở nên bắt khả xâm phạm. Nhưng vẫn chưa hết, người ta còn gạch tên Peenemunde trên bản đồ và khi gọi, lại dùng tên làng kế cận Karlshagen.

Von Braun có 5,000 người dưới quyền. Tất cả các kỹ thuật gia đều gắng sức làm việc để lấy lại thời gian đã mất. Nhưng thứ khí giới bí mật của Von Braun đã bị gián điệp Đồng Minh biết. Các người dân chài Thụy Điển thường kể lại rằng họ thấy các vật lạ bay rất nhanh và phát ra những tiếng động đinh tai nhức óc. Có người lại nhặt được các mảnh vỡ trong đó có chứa đựng những phụ tùng điện tử.

London rất lo lắng. Lệnh oanh tạc hòn đảo Peenemunde được ban ra vào cuối tháng 7 năm 1943. Các pháo đài bay Đồng Minh tập dượt rồi đến ngày 17-8 mới lên đường. Đêm hôm đó, hàng ngàn tấn bom đã đổ xuống hòn đảo. Toàn đảo chìm trong biển lửa. Hàng ngàn người chết. Các xưởng vũ khí bị thiệt hại nặng nề. Sáng hôm sau, khi bay quan sát trên đảo, Von Braun đã phải khóc cho công trình của mình.

Một trung tâm hỏa tiễn thứ hai được thiết lập tại Volkenrode trong dãy núi Hartz. Người Đức lại cố gắng làm việc. Loại bom bay được lắp hàng loạt tại hai trung tâm hỏa tiễn. Von Braun cả ngày nghiên cứu loại hỏa tiễn liên lục địa và loại hỏa tiễn phóng đi từ các tầu ngầm. Tuy nhiên, vào tháng 12 năm 1943, Von Braun cũng bị bắt giam trong nửa tháng: Himmler đã tố cáo ông phá hoại vì ông đã chú trọng đến việc chinh phục không gian hơn là tìm cách tàn phá các thành phố London và New York. Tới khi Đại Tướng Dornberger phải đích thân xin với Hitler, Von Braun mới được trả lại tự do.

Từ năm 1942, các chuyên viên của Von Braun đều công nhận rằng không có thứ võ khí nào chống lại được bom bay. Ngay cả việc làm cho bom bay đi lạc hướng cũng rất khó khăn. Đô Đốc Canaris, Giám Đốc Sở Phản Gián Đức Quốc, là người lo xa nên đã phái đi 10 gián điệp có nhiệm vụ đặt các máy vô tuyến phát ra làn sóng ngắn, dấu tại nóc những tòa nhà chọc trời tại thành phố New York. Các máy phát sóng này sẽ hướng dẫn bom bay phóng từ các tầu ngầm Đức nổi lên tại ngoài khơi Đại Tây Dương.

Các bom bay đã được sẵn sàng từ đầu năm 1944 nhưng Hitler chưa ra lệnh dùng tới. Sau khi xẩy ra cuộc đổ bộ của Đồng Minh tại miền Normandie, thứ khí giới bí mật đó mới xuất hiện. Quả bom bay V-1 đầu tiên rơi xuống đất Anh vào ngày 16-6-1944, mở màn cho Chiến Dịch Vergeltung (Báo Thù). Người Đức đã dùng chữ V để đặt tên cho bom bay.

Nhiều người đã kể lại rằng vào 4 giờ sáng hôm 16-6, một quan sát viên Anh trông thấy một vật sáng bay lại. Vật càng tới gần, tiếng rú của máy càng được nghe rõ, rồi vật đó rơi xuống ngoại ô của thành phố London với tiếng nổ long trời, tàn phá cả một khu vực chung quanh. Thông thường, trong một ngày có tới 200 quả bom bay V-1 rơi xuống đất Anh. Người ta tính rằng chỉ trong vòng 3 tuần lễ, thành phố London đã lãnh chịu hơn 3,000 quả bom. Thủ Tướng Churchill kêu gọi phải sửa đổi phương pháp phòng không. Nhưng phải chờ đợi tới 3 tháng sau, người Anh mới tìm ra cách chống đỡ.

Mô hình bom bay V-2
(viện bảo tàng Peenemünde)
Tới ngày 8-9-1944, loại bom bay V-2 lại bắt đầu tung hoành. Đây là một thứ võ khí có thể mang 800 kilô chất nổ tới các mục tiêu xa hơn 2,000 dặm, lại bay với tốc độ siêu thanh tức là một dặm trong một giây, trong khi vào thời kỳ đó, chưa có một hệ thống hoàn hảo nào báo động sự lao tới của bom bay. Hơn 3,000 quả bom bay V-2 đã tàn phá thành phố London và nước Hòa Lan cả ngày lẫn đêm. Thứ khí giới tinh sảo này đã đánh dấu một bước tiến trong lịch sử chiến tranh của Nhân Loại. 

Vài năm sau, trong một cuộc phỏng vấn của Tạp Chí New Yorker, Von Braun đã nói về thứ khí giới đó: "Tôi thành thực hối tiếc rằng hỏa tiễn của chúng tôi được sinh ra vì một lý tưởng, nhưng lại bị áp dụng vào công việc giết người. Chúng tôi đã vẽ ra hỏa tiễn với mục đích mở đường tới các hành tinh khác, chứ không phải để tàn phá chính Trái Đất này".

Ngoài bom bay V-1 và V-2 ra, vẫn chưa phải là hết khí giới bí mật. Người Đức còn định dùng một thứ bom khủng khiếp gấp vạn lần: bom nguyên tử. Thực vậy, ngay từ năm 1939, nhà vật lý người Đức Otto Hahn đã thành công trong việc bắn vỡ nhân nguyên tử. Tới năm 1942, ông Otto Hahn đã chế tạo được chất Plutonium. Rồi kết quả của công trình khảo cứu của Otto Hahn trong năm 1944 đã khiến ông đoạt Giải Thưởng Nobel về Vật Lý của năm 1945. Tất cả các sự kiện này khiến người ta tin chắc rằng nước Đức đã bắt tay vào việc chế tạo bom nguyên tử.

Vào năm 1945, quân đội Đồng Minh tiến dần vào lãnh thổ Đức. Peenemunde sắp rơi vào tay địch. Von Braun và các chuyên viên hỏa tiễn phân vân không biết chọn phe Dân Chủ hay phe Cộng Sản. Khi Hồng Quân còn cách Peenemunde 100 cây số, Von Braun hạ lệnh tản cư khỏi trung tâm hỏa tiễn: người ta dùng anatol, chất nổ của bom V-2, để phá hủy tất cả các cơ xưởng.
Von Braun và đại đa số chuyên viên quyết định tới gặp quân đội Hoa Kỳ. Đoàn xe vận tải chuyển bánh về miền Bavière, băng qua các cánh đồng đầy dân tị nạn. Von Braun, Dornberger và hơn 400 kỹ thuật gia ẩn náu tại miền Allgau, chờ đợi. Lúc đi đường, 5 kỹ thuật gia Đức trốn đi gặp Hồng Quân Liên Xô. 12 năm sau, họ là những người có công đầu trong việc phóng lên không trung vệ tinh Spoutnik. Trong cuộc hành trình di tản, Von Braun bị thương ở cánh tay, phải bó bột nhưng không lúc nào ông rời một gói tài liệu quan trọng, nó chứa đựng một dự án về hỏa tiễn liên lục địa và một dự án về vệ tinh nhân tạo.

3/ Chương trình Không Gian.

Từ tháng 4 năm 1945, Đại Tướng Eisenhower được lệnh thu thập, kiểm soát và gìn giữ mọi giấy tờ, hồ sơ, kế hoạch liên quan tới kỹ nghệ và khoa học cùng các tài liệu khác của các tổ chức Đức phục vụ cho mục tiêu quân sự. Vào tháng 5 năm đó, lệnh trên được nới rộng tới các khoa học gia, kỹ sư và kỹ thuật gia về hỏa tiễn của Đức Quốc. Do Chiến Dịch Paperclip này, hồ sơ các nhà khoa học Đức đã được cứu xét và chọn lựa để dùng vào việc di chuyển các nhà bác học Đức sang Hoa Kỳ.

Khi nghe thấy đoàn chiến xa Hoa Kỳ tiến lại gần, Von Braun đã đứng ra thương thuyết. Sau vài ngày, Von Braun và 125 nhân viên dưới quyền đã lên máy bay sang nước Mỹ. Các nhà bác học Đức được chở tới Fort Strong, thuộc tiểu bang Massachusetts vào ngày 20-9-1945 rồi được bí mật đưa tới Aberdeen Proving Ground, Maryland. Tới tháng 5 năm 1948, con số các chuyên viên hỏa tiễn Đức và Áo được đưa sang Hoa Kỳ lên tới 1,136 người. Họ làm việc theo hợp đồng với các bộ Lục Quân, Hải Quân, Không Quân và Thương Mại. Đa số các nhà bác học này về sau đã nhập quốc tịch Mỹ, kể cả Von Braun (1955) và Dornberger.

Công tác đầu tiên của Von Braun tại Hoa Kỳ là chọn lọc và đối chiếu lại các tài liệu khoa học thu thập được từ nước Đức, rồi ông được đưa tới White Sands, gần El Paso trong tiểu bang Texas. Tại miền biên giới Mễ Tây Cơ này, Von Braun thấy lại tất cả các cơ xưởng, đài quan sát như tại Peenemunde khi trước, nhưng ông không khỏi cảm thấy chán nản vì chính phủ Hoa Kỳ đã không chú ý đến chương trình thám hiểm không gian bằng hỏa tiễn. Các bom bay V-2 được cải tiến hơn trước, nhưng khí cụ này không thể bay thật cao và chỉ được dùng vào các công cuộc khảo cứu khí tượng.

Tới năm 1947, Von Braun được phép trở lại miền Bavière trong một thời gian ngắn. Tại nơi này, ông kết hôn với cô em họ 18 tuổi tên là Marie Louise Von Quistorp. Để đề phòng ông bị Liên Xô bắt cóc, các thám tử luôn luôn canh chừng ông, ngay cả trong thời kỳ trăng mật.

Cuộc chiến tranh Triều Tiên xẩy ra. Năm 1950, các nhà bác học Đức được đưa về Huntsville, Alabama, và được lệnh chế tạo cho Lục Quân một loại hỏa tiễn có tầm hoạt động xa và có thể mang đầu đạn nguyên tử. Von Braun trở nên Giám Đốc Kỹ Thuật của chương trình võ khí phi đạn của Lục Quân Hoa Kỳ (the U.S. Army ballistic-weapon program).

Vào năm 1953, hỏa tiễn Redstone của Von Braun được phóng lên tại Mũi Canaveral khiến cho nhiều người hy vọng rằng chương trình thám hiểm không gian có thể thực hiện được. Mùa hè năm 1954, Von Braun cùng một nhóm kỹ thuật gia tới Washington đề nghị phóng lên không gian một vệ tinh nặng từ 2 tới 3 kilô. Nhưng Trung Tâm Nghiên Cứu Hải Quân cam đoan sẽ phóng một vệ tinh có chứa máy ghi lên quỹ đạo của trái đất mà chỉ dùng tới 88,000 mỹ kim. Người ta quyết định giao cho Bộ Hải Quân vì chương trình Vanguard đẹp về mặt lý thuyết hơn, và vệ tinh sẽ được phóng lên không gian vào Năm Địa Cầu Vật Lý Học (1957-58).

Von Braun và nhóm chuyên gia của ông thực ra là vô địch về phương diện hỏa tiễn, tuy nhiên họ chỉ được phép chế tạo loại hỏa tiễn có tầm hoạt động trung bình. Tháng 9 năm 1956, hỏa tiễn Jupiter-C đã bay được 5,300 km, nghĩa là vượt qua tất cả các loại phi đạn tự động của Hoa Kỳ. Von Braun hy vọng sẽ dùng loại hỏa tiễn Jupiter-C này vào việc phóng vệ tinh. Ông chờ đợi.

Bỗng vào ngày 4-8-1957, Liên Xô đã phóng thành công lên không gian vệ tinh Spoutnik, làm cho Thế Giới Tự Do hoảng hốt. Von Braun biết rằng giờ đã điểm. Ông tới Thủ Đô Washington và xin phép phóng một vệ tinh lên quỹ đạo trong 60 ngày. Việc phóng vệ tinh Vanguard của Hải Quân đã thất bại đau đớn. Bây giờ tới lượt Von Braun. 

Ngày 31-1-1958 tại Mũi Canaveral, hỏa tiễn Jupiter-C 4 tầng đã đặt vào quỹ đạo của trái đất vệ tinh "Thám Hiểm I" (Explorer I) nặng 14 kilô. Một loại hỏa tiễn khác của Von Braun tên là Redstone đã đưa Alan B. Shepard, Jr., phi hành gia đầu tiên của Hoa Kỳ lên quỹ đạo của Trái Đất vào năm 1961.

Vào năm 1958, Quốc Hội Hoa Kỳ thông qua đạo luật cho phép thành lập một cơ quan liên bang mới gọi tên là Cơ Quan Quản Trị Hàng Không và Không Gian NASA (the National Aeronautics and Space Administration). Nhiệm vụ của cơ quan này là nghiên cứu các kỹ thuật bay trong và ngoài lớp khí quyển của trái đất, chế tạo, thử nghiệm và điều hành các phi thuyền trong không gian, khám phá vũ trụ bằng các phi thuyền không người và có người lái, cộng tác với các quốc gia khác trong nhiều dự án xử dụng không gian vì hòa bình. Trong số các nhân vật đầu tiên được bổ nhiệm vào Cơ Quan NASA có Von Braun, một chuyên gia hàng đầu về hỏa tiễn, giữ chức Giám Đốc Trung Tâm Không Gian George C. Marshall (the George C. Marshall Space Flight Center) tại Huntsville, Alabama.

Trong các năm sau, Von Braun đã giúp công vào 3 chương trình bay trong không trung là Mercury, Gemini và Apollo, chương trình đáp xuống Mặt Trăng. Chính nhờ Von Braun, hỏa tiễn khổng lồ Saturn V đã được chế tạo. Đây là loại hỏa tiễn 3 tầng, cao gần 110 mét (hơn 360 feet), nặng khoảng 3,000 tấn. Khi phóng đi, sức đẩy của hỏa tiễn này là 7,500,000 pounds, đốt cháy hơn 10 tấn nhiên liệu trong mỗi phút đồng hồ. Năm 1969, hỏa tiễn Saturn V đã đưa các phi hành gia lên Mặt Trăng. Các thành công về kỹ thuật của các hỏa tiễn loại Saturn đã là các kỷ lục của thời đại đó.

Cuộc chạy đua về thám hiểm không gian giữa Hoa Kỳ và Liên Xô đã làm cho ngành Hàng Không Liên Hành Tinh tiến vượt mức. Con người từ nay đã có hy vọng vượt khỏi trái đất chật hẹp của mình để đi tìm các thế giới xa lạ.

Vào năm 1975, ông Von Braun tổ chức Viện Không Gian Quốc Gia (the National Space Institute). Đây là một cơ quan tư, có mục đích tìm hiểu và phổ biến các hoạt động khoa học về không gian với sự ủng hộ của đại chúng. Do các đóng góp về kỹ thuật không gian, ông Von Braun đã lãnh được rất nhiều bằng khen, phần thưởng… Ông Von Braun qua đời vào ngày 16-6-1977 tại Alexandria, Virginia.

Von Braun tin chắc rằng chỉ trong một thời gian gần đây, con người có thể tới được Hỏa Tinh, hành tinh mà vào thời ông còn trẻ, mẹ ông thường chỉ cho ông nhìn thấy qua kính thiên văn vào những đêm quang đãng. Von Braun tin tưởng vào trật tự của Vũ Trụ và cho rằng con người sẽ tới được các thế giới tuy xa xôi nhưng không kém phần đẹp đẽ và huyền bí.
     
Phạm Văn Tuấn

Tài liệu tham khảo: Wikipedia.org.; Britannica Encyclopedia.



No comments

Powered by Blogger.