Phạm Văn Tuấn
1/ Đồng hồ mặt trời.
|
Đồng hồ mặt trời (cổ hơn 2000 năm)
|
Do sự tình cờ, người thời cổ xưa đã nhận xét rằng bóng của một thân cây bị cụt
ngọn biến đổi khi mặt trời di chuyển trên bầu trời. Tương tự, khi cắm một cây
gậy thẳng đứng trên mặt đất, bóng cây gậy cũng di chuyển và chiều dài của cái
bóng này thay đổi trong ngày. Khi bóng của cây gậy ngắn lại, người thời cổ xưa
biết rằng đây là lúc gần trưa còn khi có bóng dài, họ biết rằng ngày bắt đầu
hay sắp hết. Bằng cách dùng các hòn đá, người thời cổ xưa đã đánh dấu vị
trí của cái bóng mát này. Như vậy dụng cụ sơ sài dùng để đo thời gian đã thành
hình hơn 4,000 năm về trước và người ta gọi nó là “
đồng hồ mặt trời”
(sundial). Nhà thiên văn miền Chaldée tên là Berossus đã mô tả đồng hồ mặt
trời vào thế kỷ thứ 3 trước Tây Lịch.
Đồng hồ mặt trời có nhiều loại, nhiều
hình dạng. Thứ đơn giản nhất là một cây gậy cắm thẳng đứng với tên gọi là “cột chỉ giờ” (gnomon). Loại cột này có thứ nhỏ, có thứ lớn như chiếc Kim Cléopatre
(Cleopatra’s Needle) hiện nay còn dựng tại công viên Central Park, thành phố
New York. Cột chỉ giờ đã mang lại nhiều khuyết điểm: trong suốt một năm và ở
cùng một giờ trong ngày, bóng của cột thay đổi cả về chiều dài lẫn về phương
hướng. Mặc dù người ta đã thay đổi cây gậy bằng những “đồng hồ bóng mát” (obélisque) chôn chặt dưới đất, tất cả khuyết điểm trên vẫn còn tồn tại.
|
Cadran solaire |
Để sửa bớt các điều bất lợi, người thời xưa nghĩ ra các “nhật quỹ”
(cadran solaire). Nhật quỹ là một thứ đồng hồ mặt trời, gồm có một miếng gỗ
vuông nằm ngang và một miếng gỗ cắt chéo đóng thẳng góc với mặt nằm ngang.
Miếng gỗ chéo có cạnh chéo song song với trục của quả đất, nghĩa là hướng về
ngôi sao Bắc Đẩu. Nhờ điều sau này các bóng mát không thay đổi về phương hướng
nữa và người thời xưa có được các độ chia nhất định. Cách dùng các nhật quỹ
rất đơn giản: khi đặt nhật quỹ ở ngoài nắng, nếu bóng của nhật quỹ sát với
cạnh số 9 thì lúc bấy giờ là 9 giờ.
Nhật quỹ không phải là dụng cụ đo giờ
chính xác và chỉ xử dụng được vào ngày có nắng. Nhật quỹ cần được chế tạo
thích hợp với từng địa phương. Có kẻ đã ăn trộm một chiếc nhật quỹ tại Ai Cập
và mang về đặt tại Hy Lạp. Tại nơi này, nhật quỹ đó đã chỉ sai giờ khiến cho
người xử dụng phải thắc mắc.
Nhật quỹ được dùng từ thời xa xưa. Loại nhật quỹ cổ nhất còn sót lại tại Ai
Cập được làm từ thế kỷ 15 trước Tây Lịch. Người Ai Cập cũng như người Hy Lạp
rất ưa thích loại đồng hồ mặt trời này. Tới thế kỷ 19, các tay thợ sửa đồng hồ
còn dùng các nhật quỹ thích hợp để lấy giờ. Người La Mã trái lại đã không chú
trọng đến thứ dụng cụ đo thời gian này vì mãi tới năm 491 mà họ còn dùng một
cột chỉ giờ cắm trước Hội Trường để giới hạn các bài diễn văn của các nhà hùng
biện.
2/ Đồng hồ nước.
Khi dùng nhật quỹ, người ta gặp phải nhiều điều bất tiện chẳng hạn như nhật
quỹ không thể cho biết thời giờ vào những ngày mưa hay vào ban đêm. Vì vậy
người Ai Cập lại nghĩ ra các đồng hồ nước (clepsydra) căn cứ vào mực nước chứa
đựng trong một chiếc bình trong suốt.
Thứ đồng hồ nước đơn giản nhất gồm một bình hình trụ có chia độ nối với một
ống nhỏ. Một bình chứa nước có chỗ thoát bớt, giữ cho nước chảy vào ống nhỏ
với một lưu lượng nhất định. Sau khi bình hình trụ đã đầy, nước tự động chảy
ra ngoài qua một ống hình chữ U nhờ nguyên tắc bình thông đáy. Người ta căn cứ
vào mực nước dâng lên trong bình hình trụ để biết thời gian. Thí dụ mực nước
lên tới vạch thứ 7 thì vào lúc đó, đồng hồ nước chỉ 7 giờ.
Các đồng hồ nước được cải tiến dần dần: một chiếc phao nổi trên mặt nước mang
thanh gỗ có gắn một kim chỉ thị và kim này di chuyển trước một bảng có ghi
thời giờ. Về sau trục của phao nổi lại được mắc vào một bánh xe răng cưa làm
chuyển động kim chỉ thị trước một mặt có chia độ.
Đồng hồ nước tuy được phát minh sau
đồng hồ mặt trời nhưng lại được dùng đồng thời với loại đồng hồ mặt trời. Trên
bức tường trong ngôi nhà mồ tại một nghĩa địa của tỉnh Thèbes, Ai Cập, người
ta còn tìm thấy chiếc đồng hồ nước của tu sĩ kiêm nhà thiên văn tên là
Amenenhet, chết vào khoảng năm 1550 trước Tây Lịch. Nhờ đồng hồ nước,
Amenenhet đã nhận xét rằng đêm đông dài 14 giờ, trong khi vào mùa hè, đêm chỉ
dài 12 giờ và trong suốt một năm, đêm đã thay đổi nếu kể từ lúc mặt trời lặn
tới khi mặt trời mọc. Như vậy đồng hồ mặt trời cho biết giờ giấc còn đồng hồ
nước được dùng để đo các khoảng thời gian đã trôi qua.
Vào khoảng năm 250 trước Tây Lịch,
Ctésibius người Hy Lạp đã nghĩ ra được một thứ đồng hồ nước rất tài tình vì có
bút ghi rõ thời gian. Ở chiếc đồng hồ này, nước chảy vào trong bình hình trụ
theo một hình thức thi vị hơn: những giọt nước mắt từ đầu chiếc tượng đã rơi
dần dần vào trong bình. Khi nước dâng lên, chiếc phao nổi đưa lên cao một hình
người có cầm ở tay một chiếc kim chỉ thị và đầu kim này là cây bút chuyển động
trước một khối trụ thẳng đứng. Sau 24 giờ, nước chảy ra, rơi xuống một bánh xe
đạp nước (roue à aubes) và bánh xe này làm khối trụ thẳng đứng quay đi một
chút.
Về sau người ta cải tiến loại đồng hồ
nước bằng cách thêm vào bộ phận răng cưa và đồng hồ nước đã trở nên một thứ
máy móc tuy đắt tiền nhưng vẫn được các người sống trên miền bờ biển Địa Trung
Hải đòi hỏi. Vào thế kỷ thứ nhất trước Tây Lịch, Pompée đã bắt các Tòa Án phải
dùng đồng hồ nước để tránh các luật gia nói “lảm nhảm”. Do các nhà hùng biện
cần nhiều thời gian để bênh vực một lý lẽ, nên không tránh sao khỏi có sự gian
dối trong vấn đề thời giờ. Người ta đã khám phá ra các vụ hối lộ nhân viên giữ
đồng hồ để kéo dài thời gian và mang tiếng hơn cả, có luật gia đã đổ cả thứ
nước bùn vào đồng hồ khiến cho đồng hồ chạy chậm hơn là đối với thứ nước
trong.
Một khuyết điểm khác của loại đồng hồ
nước là về mùa lạnh, nước đông đặc. Jules César đã gặp trở ngại này khi dẫn
binh lính sang đất Anh. Trong thời gian đồn trú tại nơi này, César đã nhận
thấy đêm mùa hè của xứ Anh ngắn hơn tại La Mã và vì kiến thức về thiên văn của
viên Tổng Tài này không được uyên thâm nên ông ta không biết rằng đó là do sự
khác biệt về vĩ độ.
Vào các thời đại trước, sự chuyển động
của đồng hồ nước còn phức tạp nên vào năm 490 khi Vua Théodoric tặng Vua
Gondebault xứ Burgondes chiếc đồng hồ, nhà Vua đã phải gửi theo cả người biết
điều khiển đồng hồ. Chiếc đồng hồ danh tiếng nhất thời trước là của ông Hoàng
Ả Rập Haroum-al-Raschid gửi tặng Hoàng Đế Charlemagne vào năm 809. Chiếc đồng
hồ này bằng đồng thau, có 24 quả tròn cũng bằng đồng rơi dần vào trong một
chậu để chỉ giờ.
Còn một loại đồng hồ nước khác chạy rất
yên lặng nên được nhiều người dùng và vì vậy, rất được thịnh hành vào thế kỷ
17, thời kỳ của các đồng hồ quả lắc. Loại này gồm một cái trống kim loại hình
trụ dẹp, bên trong chia thành các căn vách a, b, c, d... và các căn này thông
với nhau bằng các lỗ nhỏ. Trọng lực đã làm cho nước chảy từ căn nọ sang căn
kia và làm quay dần chiếc trống kim loại. Trục của trống xuống dần và di động
trước một bảng chỉ thời giờ. Người ta chỉ cần nhìn xem trục ngang đó nằm ở con
số nào để biết mấy giờ.
3/ Đồng hồ cát và nến chỉ giờ.
Ngoài hai loại đồng hồ mặt trời và đồng hồ nước, còn có đồng hổ cát
(sablier) dùng trong các khoảng thời gian ngắn. Nguồn gốc từ xứ Ai Cập, loại
đồng hồ này cũng liên quan với đồng hồ nước nhưng xuất hiện về sau. Ngày nay
đồng hồ cát còn được dùng để biết thời gian nói chuyện tại máy điện thoại hay
dùng đến khi ngâm trứng gà trong nước sôi.
Đồng hồ cát gồm một bình nhỏ, bụng thắt
thật hẹp, cát ở phần trên nên chảy dần xuống phần dưới đến khi hết, lúc này
người ta đổi đầu đồng hồ. Thời gian cát chảy từ phần trên xuống phần dưới đều
bằng nhau. Đồng hồ cát có nhiều loại: có thứ một giờ, có thứ nửa giờ, lại có
thứ dùng để đo lường các khoảng thời gian ngắn hơn, chừng 10 phút chẳng hạn và
loại này được Hải Quân Anh dùng mãi cho tới năm 1839.
Ngoài ra loại nến chỉ giờ (chandelle
horaire) rất được nhiều người dùng trong thời Trung Cổ. Loại nến chỉ giờ này
căn cứ vào nguyên tắc thời gian trôi qua tỉ lệ với số nến cháy.
4/ Đồng hồ dùng lò xo.
Từ loại đồng hồ chạy nước, người ta tìm cách phát minh ra một dụng cụ khác đo
thời gian. Người đầu tiên làm đồng hồ có máy móc là tu sĩ Gerbert, một nhà
thiên văn. Vị linh mục Bénédictin này đã phát minh ra cơ phận “con buông”
(escapement) vào năm 996. Thời đó, máy móc của đồng hồ rất phức tạp. Được
chuyển vận do một khối nặng vì vậy đồng hồ rất to lớn và cồng kềnh. Lúc đầu
đồng hồ được lắp một quả chuông và những tiếng chuông nhắc nhở các tu sĩ tới
giờ cầu nguyện. Vì vậy mới có danh từ “clocca” trong tiếng La Tinh và “clock”
trong tiếng Anh.
Vào năm 1288 một chiếc đồng hồ khá lớn,
đánh từng hồi chuông và nhiều lần trong một ngày, được lắp trên tháp của tòa
kiến trúc Westminster Hall, nước Anh. Người ta còn kể lại rằng Vua Henry 8
trong lúc thua bạc và quá túng tiền, đã ra lệnh tháo các quả chuông và bán đi
để trả nợ.
Kỹ thuật đồng hồ được cải tiến dần và
tới thế kỷ 14, đồng hồ đã thấy tại khắp nơi. Vào thời đó có nhiều kiểu đồng hồ
nhưng chúng đều to lớn và chuyển vận do các quả nặng hơn 50 kí lô. Cũng có
loại với mặt khắc 24 giờ và mặt này quay trước một kim chỉ giờ cố định. Vào
thời kỳ đó, chiếc đồng hồ danh tiếng nhất là của Vua Charles 5.
Chiếc đồng hồ thiên văn đầu tiên được tu viện trưởng (abbot) Richard
Wellington chế tạo cho nhà thờ Saint Albans trong khoảng các năm 1326 và 1344.
Một chiêc đồng hồ khác do Henry De Vick thuộc miền Wurttemberg nước Đức làm
cho lâu đài hoàng gia tại Paris (ngày nay là Bộ Tư Pháp = Palais de Justice),
chiếc đồng hồ này có 1 kim chỉ giờ và dùng quả nặng 227 kilô (chừng 500
pounds) rơi từ trên cao 9.8 mét (32 feet).
Do công dụng của đồng hồ, nhiều người
đã đặt làm loại đồng hồ có máy móc khiến cho nghề thủ công này càng thêm phát
triển. Nếu đồng hồ lớn cồng kềnh được phổ biến thì các nhà quý phái hay các
tay cự phú lại muốn có các đồng hồ nhỏ để dùng riêng. Người ta liền tìm cách
chế tạo loại đồng hồ đeo được.
|
Đồng hồ "Trứng Nuremberg"
|
Chiếc đồng hồ “đeo cổ” đầu tiên được Peter Henlein làm tại Nuremberg, nước Đức
và được tất cả các nhà làm đồng hồ khác bắt chước. Henlein đã dùng một thứ lò
xo làm động lực chuyển vận. Nhờ trí tưởng tượng dồi dào, Henlein đã chế tạo
một chiếc đồng hồ có hình dáng và kích thước khá giống một quả trứng, vì thế
thứ đồng hồ này được dân chúng gọi là “Trứng Nuremberg” (Nuremberg Egg). Loại
đồng hồ này rất đắt tiền và chuyện còn kể rằng Hầu Tước De Laborde đã phải mua
một chiếc với giá 26 đồng vàng vào năm 1377.
Vào hậu bán thế kỷ 14, đồng hồ trở nên
một thứ trang sức đắt tiền. Người ta thường dùng một sợi dây chuyền vàng để
đeo đồng hồ trước ngực. Đồng hồ lại có nhiều kiểu nên cách xử dụng cũng khác
nhau. Vào năm 1520, cha Frederic Pistorius, Bề Trên vùng Nuremberg, đã tặng
cho tu sĩ Luther một chiếc đồng hồ. Martin Luther đã cảm ơn lại với câu sau:
“... món quà này thực là quý giá. Tôi phải hỏi các nhà toán học để hiểu cách
làm và cách xử dụng đồng hồ này vì từ trước tới nay, tôi chưa từng trông thấy
một chiếc tương tự”.
Từ thế kỷ 16, các nhà làm đồng hồ bên
châu Âu đã cố gắng rất nhiều để chế tạo các loại đồng hồ càng ngày càng nhỏ cỡ
hơn, kiểu đẹp hơn, lại được nạm kim cương và họ cũng dùng các thứ kim loại quý
để làm vỏ đồng hồ. Thời đó, nếu các nhà quý phái hãnh diện về đồng hồ đeo cổ
thì các nhà thờ cũng lấy làm vinh dự về chiếc đồng hồ to lớn gắn tại mặt tiền.
|
Christian Huyghens trình bày đồng hồ quả lắc cho vua Louis XIV
|
Vào thế kỷ 17 và 18, một loạt các phát minh khoa học đã làm gia tăng độ chính
xác của đồng hồ và làm giảm đi khối nặng dùng trong bộ máy đồng hồ. Đầu thế kỷ
17, Galileo đã mô tả tính chất của con lắc (pendulum). Chuyển động của con lắc
khiến các nhà vật lý quan tâm. Ngày 16/7/1675, Christian Huyghens, nhà vật lý
kiêm thiên văn người Hòa Lan, đã trình bày trước chính phủ Hòa Lan chiếc đồng
hồ quả lắc đầu tiên rồi tới ngày 30/12/1675, Huyghens lại cho phổ biến phát
minh về lò xo chôn ốc. Phát minh này đã giúp ích rất nhiều cho kỹ nghệ đồng hồ
và đã hứa hẹn cho các nhà khoa học một dụng cụ có thể đo lường một cách chính
xác các quãng thời gian ngắn như giây đồng hồ.
Năm 1676, một cải tiến quan trong khác
lại được thực hiện: nhà vật lý người Anh Robert Hooke đã nghĩ ra thứ con buông
có móc (the anchor escapement). Cơ phận này lúc đầu được xử dụng cho loại đồng
hồ thiết lập tại các thiên văn đài nhưng về sau, một người thợ đồng hồ tên là
Thomas Tompion đã mang áp dụng vào loại đồng hồ do gia đình anh ta chế tạo.
Sáng kiến của Robert Hooke về đồng hồ
tuy đã khả quan hơn nhiều nhưng còn một khuyết điểm: tại cơ phận con buông có
móc, sinh ra sự “đá hậu” (kickback) và điều này ảnh hưởng tới độ chính xác của
đồng hồ vì thế vào năm 1715, George Graham đã cải tiến kỹ thuật đồng hồ bằng
một thứ con buông “thoát” (the “deadbeat” escapement). Nhờ các sửa đổi thích
hợp, đồng hồ quả lắc trở nên một dụng cụ chính xác vào năm 1800.
Các đồng hồ dùng lò xo lúc đầu còn mang
nhiều khuyết điểm. Lò xo trở nên yếu dần khi nở ra và con lắc bên trong chuyển
vận không đều khi đồng hồ bị đặt nghiêng. Mặc dù từ năm 1550, người ta đã làm
các bánh xe răng cưa bằng đồng thay thế cho sắt nhưng đồng hồ vẫn chưa chỉ
đúng giờ, vì thế kim chỉ phút dù có được thêm vào cũng không khiến cho nhiều
người chú ý vì vào thời kỳ này, đồng hồ có thể chỉ sai từ nửa giờ tới hai giờ.
Trên đất liền, đồng hồ quả lắc của
Huyghens tuy chuyển vận hoàn hảo khi treo tường nhưng lại không thích hợp với
sự lắc lư của con tầu biển, điều này đã làm các nhà hàng hải bận tâm rất
nhiều. Vào năm 1598, Vua Tây Ban Nha Philippe III đã treo một giải thưởng lớn
cho người nào phát minh ra một thứ đồng hồ dùng được trên tầu đi biển nhưng
không có ai lãnh thưởng.
Vào các thế kỷ trước, người thủy thủ ra biển mà không biết hiện đang ở tại
kinh độ nào vì vậy mà sau mỗi năm, có hàng ngàn con tầu, hàng ngàn con người
và nhiều tấn hàng đã bị lạc đường và mặc dù người ta đã vạch ra các kinh tuyến
trên bản đồ, chưa ai tìm được cách xác định kinh độ. Về vĩ độ, cách tìm kiếm
không khó khăn. Các người đi biển thường dùng kính lục phân (sextant) để đo độ
cao của mặt trời hay của một vài ngôi sao đã biết, rồi mở bảng cao độ mà tìm
kết quả, nhưng việc xác định kinh độ đã gặp khó khăn hơn nhiều. Đối với vĩ
tuyến, người ta căn cứ vào xích đạo còn kinh tuyến là những đường kẻ tưởng
tượng nối liền hai cực và không có một điểm nào làm chuẩn.
Năm 1675, Vua Charles II của nước Anh cho thiết lập Đài Thiên Văn Hoàng Gia
(The Royal Observatory) tại Greenwich để “tìm kiếm kinh độ của các vị trí với mục đích làm hoàn hảo ngành hàng hải và
môn thiên văn học”. Mặc dù vậy, kinh tuyến qua Đài Thiên Văn Greenwich chỉ được chấp nhận làm
kinh tuyến gốc mãi về sau, vào năm 1884.
Từ khi có đồng hồ, các nhà hàng hải đặt
hy vọng vào thứ dụng cụ đo thời gian này để có thể suy ra kinh độ của một nơi.
Vì trái đất xoay chung quanh mình nó 360 độ trong 24 giờ nên người ta có thể
so sánh giờ địa phương của một nơi với giờ của nơi có kinh tuyến chuẩn để suy
ra kinh độ. Tới thế kỷ 17, số tầu biển tăng lên rất nhiều mà người ta chưa tìm
được một phương pháp nào xác định tọa độ trên mặt biển.
Do sự sai nhầm trên mặt biển, rất nhiều con tầu đã gặp tai nạn và trầm trọng
hơn hết là Hạm Đội Anh do Sir Cloudesley Shovel chỉ huy, đã đi lạc hướng và
đâm vào đá ngầm gần đảo Sorlingues (Scilly Islands). Vào khoảng 2,000 thủy thủ
đã thiệt mạng. Tai nạn này xẩy ra vào năm 1707. Sau thảm nạn này, Quốc Hội Anh
tuyên bố treo giải thưởng 20,000 bảng tặng nhà phát minh nào sáng chế được một
thứ thì kế (chronomètre) dùng cho các nhà đi biển. Rất nhiều kiểu mẫu và họa
đồ vẽ dụng cụ này được gửi tới Bộ Hải Quân Anh nhưng không một sáng kiến nào
đáp ứng được lời đòi hỏi.
14 năm sau khi Quốc Hội Anh treo giải
thưởng mới có John Harrison, người miền Yorkshire, trình lên một thứ thì kế
dùng lò xo và con lắc. Một hội đồng đã cứu xét đề nghị của Harrison và nhà
phát minh được khuyến khích làm thử loại đồng hồ này. Năm 42 tuổi, ông
Harrison đã đưa trình chiếc thì kế thứ nhất nhưng chỉ lãnh được một phần
thưởng tượng trưng vì Bộ Hải Quân Anh còn đòi hỏi ở nhà phát minh một thứ tốt
hơn.
|
Đồng hồ hàng hải của John Harrison
|
Năm 66 tuổi, ông Harrison đã trình cho Hội Đồng cứu xét tất cả 4 chiếc thì kế.
Trong chuyến du hành sang các hòn đảo Trung Mỹ (West Indies), chiếc thì kế thứ
tư của Harrison đã chạy rất đúng, chỉ sai 5 giây nghĩa là người dùng có thể
nhầm lẫn 1 hải lý so với các nhầm lẫn trước kia có thể lên tới 100 hải lý. Vào
năm 76 tuổi và mặc dù rất kém về thị giác, Harrison còn trình bày một kiểu thì
kế khác nhưng ông ta chỉ nhận được một lời hứa không chắc chắn của Bộ Hải Quân
về số tiền thưởng 20,000 bảng.
Tới lúc này, nhà phát minh không còn đủ kiên nhẫn nữa, ông ta xin yết kiến Vua
George III. Nhà Vua đã vui vẻ nghe kể về tấm lòng nhiệt thành trong một thời
gian khá lâu mà không được giải thưởng. John Harrison đã hiến cả cuộc đời vào
công việc xác định kinh độ khá chính xác nên cuối cùng, ông ta lãnh giải
thưởng khi đã 80 tuổi. Ba năm sau, John Harrison qua đời.
Vào cuối thế kỷ 18, còn nhiều người tìm cách chế tạo thì kế. Tại nước Pháp và
Thụy Sĩ, các nhà kỹ thuật đã thành công khá nhiều và đáng kể hơn cả là cải
tiến vào năm 1781 của Thomas Earnshaw, một bác thợ đồng hồ người Anh.
Trong thế kỷ 17, các đồng hồ đã có kim
chỉ phút và kim chỉ giây rồi qua thế kỷ 18, “chân kính” (jeweled bearings)
được dùng để làm giảm độ ma xát và tăng độ bền của đồng hồ. Kỹ thuật chế tạo
đồng hồ đòi hỏi những bộ phận tinh sảo, chính xác. Các nghiệp đoàn thợ đồng hồ
dần dần ra đời để bảo vệ quyền lợi của những người trong nghề. Vào năm 1544
xuất hiện nghiệp đoàn thợ đồng hồ của thành phố Paris (the Paris Guild of
Clockmakers) rồi tới năm 1630, Công Ty Làm Đồng Hồ (The Clockmakers Company)
được thành lập tại thành phố London và công ty này còn tồn tại cho tới ngày
nay. Các nước Hòa Lan, Đức và Thụy Sĩ cũng là các nơi danh tiếng sản xuất loại
đồng hồ đẹp và hoàn hảo về cơ khí.
5/ Đồng Hồ Đeo Tay.
Trước kia vào thế kỷ 16, đồng hồ đeo
ngực được nhiều người dùng nhưng không ai nghĩ tới việc chế tạo đồng hồ đeo
tay. Cuối cùng đồng hồ đeo tay cũng ra đời và ngày nay chúng ta không biết từ
bao giờ và ai nghĩ ra sáng kiến đó.
Về nguồn gốc của đồng hồ đeo tay, có người cho rằng căn nguyên như sau: vào
một buổi sáng đẹp trời, một thiếu phụ trông con trong công viên tại Genève đã
quấn một chiếc đồng hồ đeo cổ chung quanh cổ tay để xem chừng giờ giấc. Bất
chợt lúc đó có một anh thợ đồng hồ đi qua và trông thấy, khiến anh ta nẩy ra ý
nghĩ chế tạo thứ đồng hồ đeo tay đầu tiên.
Một giả thuyết khác lại cho rằng thủy tổ của loại đeo tay chính là chiếc đồng
hồ của Nữ Hoàng Elizabeth I. Bá Tước Leicester, kỵ sĩ của Nữ Hoàng, đã tặng
nhà Vua một chiếc đồng hồ tròn gắn trên chiếc vòng nạm đầy kim cương vào ngày
đầu năm 1572.
Sự ra đời của đồng hồ đeo tay cũng
không khiến mọi người quan tâm cho mãi tới năm 1806, Hoàng Hậu Joséphine de
Beauharnais đã tặng cho cô con dâu là công chúa xứ Bavière hai cái vòng nạm
ngọc trai và ngọc bích, trên một trong hai chiếc vòng này có gắn một chiếc
đồng hồ rất nhỏ. Hai món kỷ vật đặc biệt này đều do nhà kim hoàn Nitot tại
thành phố Paris thực hiện.
Tuy đồng hồ đeo tay đã ra đời nhưng
nhiều người chỉ ưa thích loại đeo cổ vì nó vừa là một món trang sức, vừa là
biểu hiệu của những người khá giả. Tới năm 1880 Bộ Hải Quân Đức mới nhận thấy
rằng đồng hồ đeo tay là một vật dụng hữu ích cho các sĩ quan. Bộ liền đặt làm
một lô đồng hồ đeo tay và các sĩ quan Hải Quân Đức là những người đầu tiên đeo
loại đồng hồ này. Những đồng hồ đeo tay vào thời đó được làm bằng vàng tây, có
mặt to, kim to và dây deo cũng bằng kim loại.
Sau loạt đặt hàng của Hải Quân Đức,
các nhà sản xuất đồng hồ mới nghĩ tới việc tung loại đeo tay ra thị trường.
Những đồng hồ thương mại này bằng vàng, có nạm ngọc và nhỏ hơn thứ của các sĩ
quan Hải Quân một chút. Sau đó đồng hồ đeo tay của đàn bà cũng được sản xuất
với những chạm trổ tinh vi. Nhưng mặc dù là một sản phẩm mới, đồng hồ đeo tay
vẫn không được mọi người ưa chuộng và nhà sản xuất Girard phải cho xuất cảng
thứ đó sang Chili bên châu Mỹ. Tuy nhiên tại xứ Chili, tình trạng còn bi đát
hơn vì dân chúng không cần biết tới thời giờ và nếu có ai dùng đồng hồ thì
cũng đều cảm thấy bất tiện khi đeo nó tại cổ tay mà làm việc. Đồng hồ đeo tay
vì thế lại được đưa sang bán tại Bắc Mỹ và nó vẫn chịu số phận ế ẩm như trước.
Mãi tới năm 1902 và mặc dù đồng hồ đeo
tay không được ai đòi hỏi, ông Wilsdorf, một nhà sản xuất đồng hồ tại Thụy Sĩ,
cứ cho xuất cảng loại này sang nước Anh vì ông nhận thấy tầm quan trọng của
nó. Nhưng tình trạng cũng chẳng khả quan hơn và người Anh còn cho rằng đồng hồ
có thể bị liệt máy vì các chuyển động thông thường của cánh tay.
Đồng hồ đeo tay đã chịu số phận hẩm
hiu tới năm 1927 để rồi một sự tình cờ khiến cho mọi người phải chú ý tới nó.
Nguyên một cô thư ký đánh máy trẻ tuổi tên là Mercédès Gleitze có ý định bơi
qua biển Manche và cô đã thành công trong ngày 7/10/1927. Thành tích của cô
Gleitze không phải là mới lạ vì vào thời bấy giờ, đã có nhiều người đàn bà
vượt biển trước cô. Nhưng đám người đón tiếp cô Gleitze trên bờ đã ngạc nhiên
khi thấy cô đeo đồng hồ nơi cổ tay mà họ tưởng rằng cô đã quên chưa cởi nó ra
trước khi xuống nước. Nếu vậy chiếc đồng hồ này đã bị hư hỏng vì nước biển
ngấm vào.
|
Hình cô Mercédès Gleitze được dùng để quảng cáo đồng hồ Rolex |
Khi trả lời về chiếc đồng hồ này, cô
Gleitze đã phá lên cười. Cô cho mọi người biết đó là thứ không ngấm nước và cô
dùng nó để xem giờ lúc đang bơi. Ngày hôm sau, tờ báo Daily Mail đăng tải bài
tường thuật mà không quên nói về chiếc đồng hồ đặc biệt của cô Gleitze. Tin
hấp dẫn chưa hề có này khiến mọi người phải chú ý và dân tộc Anh là giống
người ưa chuộng thể thao lại càng lấy làm thích thú. Họ liền đua nhau mua đồng
hồ đeo tay để dùng khi chơi dã cầu, lúc đua ngựa hay khi đi câu cá...
Từ đó, đeo đồng hồ ở tay trở thành một thứ phong trào. Lớp người dùng đồng hồ
đeo tay ngày càng nhiều và đến năm 1937, đồng hồ đeo tay đạt tới mức thành
công kỷ lục. Kỹ thuật chế tạo đồng hồ đeo tay càng ngày càng phát triển, tinh
vi hơn, để tiến từ loại không ngấm nước tới loại không bị ảnh hưởng của từ
tính, của sự va chạm và cũng có loại tự động lên dây.
|
Chiếc đồng hồ ở Independence Hall từ năm 1876 đến nay |
Tại Hoa Kỳ, chiếc đồng hồ loại lớn đầu
tiên được chế tạo cho thành phồ New York là vào năm 1716 rồi vào năm 1753, một
chiếc đồng hồ khác được gắn bên trong Sảnh Đường Độc Lập (the Independence
Hall) của thành phố Philadelphia, tiểu bang Pennsylvania. Sau Cuộc Cách Mạng
Hoa Kỳ (1775-1783), đồng hồ được sản xuất khá nhiều. Vào thập niên 1800, Simon
Willard của tỉnh Roxbury, tiểu bang Massachusetts và Eli Terry của tiểu bang
Connecticut là những người xin bằng sáng chế về 2 loại đồng hồ đặc biệt (gọi
là banjo clock và pillar-and-scroll clock). Cũng vào thời gian này, Seth
Thomas thiết lập Công Ty Đồng Hồ (the Seth Thomas Clock Company) tại tỉnh
Thomaston, thuộc tiểu bang Connecticut. Công ty này đã trở thành một trong các
cơ xưởng sản xuất đồng hồ lớn nhất Thế Giới vào giữa thế kỷ 20.
Trong thập niên 1920, người ta thấy
xuất hiện loại đồng hồ dùng giòng điện xoay chiều (electric clock). Vào thời
kỳ này, loại đồng hồ điện có thể sai vài giây trong một ngày nên chỉ thích hợp
với việc xử dụng trong nhà. Trái lại trong các phòng thí nghiệm vật lý và tại
các đài thiên văn, thời gian cần được tính đúng từng phần ngàn của giây và có
khi cả phần tỉ của giây, vì vậy vào năm 1929 các nhà khoa học đã áp dụng tính
chấn động của tinh thể thạch anh (quartz) vào phương pháp chế tạo đồng hồ. Nhờ
thạch anh, đồng hồ loại mới này (quartz-based clock) có thể chạy sớm hơn hay
chậm hơn chừng 2 phần ngàn của giây trong một năm.
Vào năm 1948 Nha Đơn Vị Mẫu (The
National Bureau of Standards) của Hoa Kỳ đã thành công trong việc chế tạo đồng
hồ nguyên tử (atomic clock) dùng chấn động của nguyên tử ammôniac với tần số
23,870 mégacycles. Sự chính xác của thứ đồng hồ này lên tới một phần 100
triệu.
Về sau vào năm 1955, Tiến Sĩ Charles
H. Townes thuộc trường Đại Học Columbia, Hoa Kỳ, đã chế tạo được thứ đồng hồ
có tên gọi là ammonia maser. Loại đồng hồ này chỉ có thể chạy sai 1 giây trong
2 thế kỷ. Tại Viện Kỹ Thuật Massachusetts (MIT), Tiến Sĩ Jerrold R. Zacharias
đã thành công về chiếc đồng hồ nguyên tử dùng chất Cesium (cesium atomic
clock). Tiến Sĩ Zacharias đã tính rằng nếu thứ đồng hồ này chạy từ thời Chúa
Cứu Thế tới ngày nay, nó sẽ nhanh hay chậm 6 giây đồng hồ.
Do đà tiến triển về kỹ thuật, các nhà
khoa học tin rằng áp dụng quan trọng nhất của đồng hồ nguyên tử là sự thiết
lập một mẫu mực về thời gian và mẫu này hoàn toàn độc lập với chuyển động của
trái đất và các vì sao.
Phạm Văn Tuấn
Tài liệu tham khảo: Wikipedia.org.; Britannica Encyclopedia; Jean
Granier, La Mesure du Temps, P.U.F., Paris, 1943.
Post a Comment