Phạm Văn Tuấn
Alice Ann Munro là nhà văn nữ người Canada viết truyện bằng tiếng Anh, do
các tác phẩm, bà Alice Munro được coi là đã làm cách mạng, thay đổi kiến
trúc của các truyện ngắn, đặc biệt là cách chuyển hướng thời gian về phía
trước hay về phía sau, tiết lộ hơn là dàn trải các chi tiết.
Các truyện của bà Alice Munro thường
được xây dựng bằng các chủ đề liên quan tới Hạt Huron (Huron County) tại
miền tây nam của Bang Tỉnh Ontario, khai thác các rắc rối của con người bằng
một thể văn xuôi không phức tạp, do vậy nhà phê bình Cynthia Ozick đã gọi bà
Alice Munro là “Chekhov” của chúng ta.
Bà Alice Ann Munro đã 3 lần nhận được
Phần Thưởng của Toàn Quyền Canada trao tặng về các truyện ngắn (Canada’s
Governor General’s Award), Phần Thưởng Marian Engel năm 1996 (Marian Engel
Award), Giải Thưởng Truyện Hư Cấu Rogers năm 2004 (the 2004 Rogers Writers’
Trust Fiction Prize), và Giải Thưởng Nobel Văn Chương Năm 2013 (the Nobel
Prize in Literature). Các tác phẩm của bà đã khiến cho bà Alice Munro được
gọi là “bậc thầy của các truyện ngắn hiện đại” (master of the contemporary
short story).
1/ Thời niên thiếu và đời sống gia đình.
Alice Ann Munro sinh ngày 10 tháng 7 năm 1931 tại Wingham, Ontario, với tên
con gái là Alice Ann Laidlaw. Cha của Alice là ông Robert Eric Laidlaw, là
một chủ trại nuôi chồn (fox) và chồn lông (mink) còn bà mẹ tên là Anne Clark
Laidlaw, với tên con gái là Chamney, là một nhà giáo. Cô Alice bắt đầu viết
văn khi còn nhỏ tuổi, cô đã cho xuất bản vào năm 1950 cuốn truyện đầu tiên
với tên là “Các Chiều của một Bóng Tối” (The Dimensions of a Shadow)
trong khi cô đang theo học môn tiếng Anh và ngành báo chí (journalism) tại
Đại Học Tây Ontario (the University of Western Ontario) do được học bổng hai
năm. Cũng trong thời gian này, cô Alice còn làm thêm các nghề phụ như hầu
bàn (waitress), người hái thuốc lá và thư ký thư viện.
Vào năm 1951, cô Alice từ giã đại học để kết hôn với một người bạn cùng lớp
là ông James Munro, họ di chuyển về Dundarave, miền tây của Vancouver, bởi
vì công việc của ông James là nhân viên của một cửa hàng bách hóa. Tới năm
1963, gia đình Munro này lại di chuyển về Victoria, họ mở tại nơi đây hiệu
sách Munro (Munro’s Books), hiệu sách này ngày nay vẫn còn hoạt động.
Bà Alice Munro có với ông James 3
người con tên là Sheila, Catherine và Jenny, sinh vào các năm 1953, 1955 và
1957 nhưng Catherine qua đời 15 giờ sau khi sanh. Năm 1966, một người con
gái nữa chào đời tên là Andrea nhưng rồi bà Alice và ông James ly dị với
nhau vào năm 1972.
Bà Alice trở về Ontario và là nhà văn
tại chức (writer in residence) của Đại Học Tây Ontario (the University of
Western Ontario) rồi tới năm 1976, bà nhận được bằng Tiến Sĩ Danh Dự (an
honorary LLD) của đại học này. Cũng vào năm 1976, bà Alice kết hôn với ông
Gerald Fremlin, một nhà địa lý học kiêm nhà vẽ bản đồ (a cartographer and
geographer) khi hai người cùng làm việc nơi trường đại học. Họ dọn nhà về
một nông trại bên ngoài thành phố Clinton, Ontario rồi về một căn nhà bên
trong thành phố này, tại nơi đây, ông Fremlin qua đời vào ngày 17/4/2013 ở
tuổi 88.
Trong một buổi họp vào tháng 10 năm
2009, bà Alice Munro cho biết bà đã được điều trị về ung thư và đã giải phẫu
tim (coronary-artery bypass surgery).
2/ Văn Nghiệp.
Tuyển tập các truyện ngắn đầu tiên của Alice Ann Munro có tên là “
Vũ Khúc của các Bóng Tối Hạnh Phúc” (Dance of the Happy Shades, 1968), đã giành được Phần Thưởng của Thống
Đốc (the Governor General’s Award), đây là giải thưởng văn chương có giá trị
cao nhất của Canada. Sau thành công này là tuyển tập các truyện liên kết với
nhau, có tên là “
Đời Sống của các Cô Gái và các Phụ Nữ” (Lives of
Girls and Women, 1971).
Vào năm 1976, một tuyển tập các
truyện liên kết khác có tên là “Anh Nghĩ Anh là Ai” (Who Do You Think
You Are?) (xuất bản tại Hoa Kỳ có tên là The Beggar Maid), tập truyện này
cũng giành được Phần Thưởng của Thống Đốc, lần thứ hai.
Từ năm 1979 tới năm 1982, Alice Munro
đã đi chu du các nước Úc, Trung Hoa và Scandinavia trong khi vào năm 1980,
bà Munro là nhà văn tại chức của hai Đại Học British Columbia và Đại Học
Queensland. Tới năm 2006, cuốn truyện “Con Gấu tới thăm Ngọn Núi”
(The Bear Came Over the Mountain) đã được quay thành phim với tên là “Away from Her”, do đạo diễn Sarah Polley và các tài tử Julie Christie và Gordon Pinsent.
Trong thập niên 1980, Alice Munro đã
cho xuất bản hầu như mỗi 4 năm một tuyển tập các truyện ngắn, rồi gần đây,
vào các năm 2001, 2004, 2006, 2009 và 2014. Các truyện của bà Munro thường
xuất hiện trên các tạp chí danh tiếng như The New Yorker, The Atlantic
Monthly, Grand Street, Harper’s Magazine, Mademoiselle và The Paris Review.
Các tuyển tập truyện ngắn đã được chuyển dịch sang 13 ngôn ngữ khác
nhau.
Vào ngày 13 tháng 10 năm 2013, bà Alice Ann Munro được trao tặng Giải Thưởng
Nobel Văn Chương và được ca ngợi là “bậc thầy về truyện ngắn hiện đại” (a
master of the contemporary short story). Bà Munro là người Canada đầu tiên
và là phụ nữ thứ 13 nhận lãnh Giải Thưởng Nobel Văn Chương.
Rất nhiều truyện của bà Alice Ann
Munro bắt nguồn từ Hạt Huron, Ontario, sự chú ý nhắm vào địa phương là các
tỉnh nhỏ của tác giả này khiến cho người ta so sánh bà Munro với hai nhà văn
của miền đồng quê phía nam Hoa Kỳ là William Faulkner và Flannery O’Connor,
nhưng các nhân vật của bà Munro thường phải đối diện với các phong tục và
tập quán đã ăn sâu vào trong xã hội, đặc biệt các nhân vật nữ thì rất phức
tạp, vì vậy văn chương của Alice Ann Munro được xếp vào loại “văn cổ miền Nam Ontario” (Southern Ontario Gothic).
Các tác phẩm của Alice Ann Munro cũng
được so sánh với các truyện ngắn của Anton Chekhov, nhà văn người Nga, một
trong các nhà văn chuyên viết truyện ngắn bậc nhất trong lịch sử Văn Học.
Các sáng tác của bà Munro mô tả những diễn biến thường ngày, có cốt truyện
(plot) là thứ yếu, với sự rõ ràng và tế nhị, với các chi tiết được tiết lộ
bất ngờ. Các truyện ngắn này thường liên hệ tới “tình yêu và công việc, và sự thất bại của cả hai” trong đó thời gian cũng là một yếu tố bị ám ảnh. Mặt khác, các tiểu
thuyết ngắn của bà Munro cũng được so sánh với các tác phẩm của nhà thơ kiêm
nhà văn Grazia Deledda, nhân vật đoạt Giải Thưởng Nobel Văn Chương năm 1926.
Trong các truyện ngắn ban đầu, các đề
tài là các tình trạng khó xử của các cô gái tới tuổi trưởng thành, đối với
gia đình, đối với thị trấn nhỏ mà các cô gái lớn lên rồi vào các thời gian
sau này, các đề tài lại là “tình ghen ghét” (Hateship), “tình bạn” (Friendship), “tình quyến rũ” (Courtship), “tình yêu”
(Loveship), “hôn nhân” (Marriage, 2001), và “Bỏ nhà ra đi”
(Runaway, 2004), sau đó tác giả lại chú trọng tới các công việc của những
người trung niên, của riêng các phụ nữ, rồi của các người cao niên. Lời văn
bộc lộ sự rắc rối của đời người, vừa có tính khôi hài, vừa mang tính thận
trọng, với kiến thức có khi đặc biệt, có khi vô dụng, với cách mô tả có vẻ
thật (verisimilitude) và cả hiện thực (realism)…
3/ Các Nhận Xét về Nữ Văn Hào Alice Ann Munro.
Vào ngày thứ Năm, 10 tháng 10 năm 2013, Hàn Lâm Viện Hoàng Gia Thụy Điển
(the Swedish Royal Academy of Sciences) đã công bố rằng Giải Thưởng Nobel
Văn Chương năm 2013 được trao tặng cho nhà văn của nước Canada là Alice Ann
Munro. Ủy Ban Tặng Giải đã gọi nhà văn này là một “bậc thầy của loại truyện ngắn hiện đại” (a master of the contemporary short story) và so sánh tác giả 82 tuổi này
với Anton Chekhov, nhà văn người Nga được mọi người coi là một trong các nhà
văn viết truyện ngắn bậc nhất của Lịch Sử Văn Chương.
Sau khi công bố Giải Thưởng, Ủy Ban
Nobel đã không thể tiếp xúc được với bà Munro nên đã để lại lời nhắn trong
máy điện thoại, nói về tin tức tốt lành này. Sau đó Báo Chí Canada (the
Canadian Press) đã gặp được tác giả Munro và bà Alice Munro đã nói rằng Giải
Thưởng này “rất tuyệt vời” (quite wonderful) và bà Munro bị “ngạc nhiên kinh khủng”: - “Tôi biết rằng tôi đang dự thi nhưng tôi không bao giờ tin rằng tôi có thể
thắng giải”.
Sau đó tác giả Munro xác nhận với đài
truyền hình CNN: - “Tôi thì kinh ngạc và rất biết ơn. Tôi đặc biệt vui sướng vì thắng Giải
Thưởng này sẽ làm vui lòng nhiều người Canada. Tôi thì sung sướng vì sự
việc này sẽ khiến cho nhiều người chú ý tới Văn Chương của nước Canada”.
Ủy Ban Nobel ghi nhận rằng “vài nhà phê bình văn chương đã coi bà Munro là nhà văn Chekhov của nước
Canada. Bà Munro được ca ngợi vì lối kể chuyện được gọt dũa tỉ mỉ với đặc
tính là sự trong sáng và tâm lý hiện thực (psychological realism)”.
Các truyện ngắn của bà Alice Ann
Munro thường được dàn dựng tại các thành phố nhỏ, tại đây sự phấn đấu thường
mang lại các kết quả là sự liên hệ bị căng thẳng và các xung đột đạo đức,
các vấn đề này bắt nguồn từ các khác biệt thế hệ và các va chạm do những
tham vọng trong đời sống.
Nhà văn Alice Munro thường mô tả đời
sống hàng ngày nhưng trong truyện lại có các biến cố quyết định, cách khai
sáng bất ngờ, điều này làm sáng tỏ phần chung quanh của câu chuyện và làm
cho câu trả lời hiện ra trong chớp nhoáng. Bà Munro đã viết ra các truyện
ngắn trong đó có sự khôn ngoan sâu xa, và sự chính xác của câu chuyện giống
như các tiểu thuyết gia diễn tả trong các cuốn tiểu thuyết. Mỗi lần đọc
truyện của bà Alice Munro là mỗi lần bạn lại học hỏi được một điều gì mà bạn
không bao giờ nghĩ tới trước kia.
Nhà văn Alice Munro đã viết về nhiều
loại người thường ngày, về các bà nội trợ tại Vancouver, về các người bán
sách tại Victoria, về các nông dân trồng đậu trong Hạt Huron và về các kế
toán viên, các nhà giáo, các người coi thư viện… tức là các người dân Canada
bình thường và đã biến họ thành ra tuyệt diệu.
Bà Alice Munro đã nói rằng: “Từ năm này qua năm khác, tôi nghĩ rằng viết truyện ngắn chỉ là một cách
thực tập cho tới khi tôi viết thành một cuốn truyện dài hay tiểu thuyết.
Rồi tôi nhận thấy rằng đó là tất cả những gì tôi có thể làm được và tôi
phải chấp nhận. Tôi cho rằng sự cố gắng rất nhiều vì các truyện ngắn đã
mang lại cho tôi sự đền bù”.
Kể từ năm 1901, Giải Thưởng Nobel Văn
Chương đã được phát ra 106 lần và kỳ này, bà Alice Munro được coi là người
tranh tài với nhà văn Nhật Bản Haruki Murakami và nhà văn người Mỹ Philip
Roth. Giải Thưởng Văn Chương này thường chỉ được trao tặng cho một người và
chỉ có 4 lần được chia xẻ cho hai nhà văn, trái ngược hẳn với Giải Thưởng
Nobel Khoa Học, có thể tặng cho hai hay ba nhà bác học.
Nhân vật lãnh Giải Thưởng Nobel Văn
Chương trẻ tuổi nhất là nhà văn Rudyard Kipling, 42 tuổi, nhận giải vào năm
1907 vì tác phẩm “Cuốn Sách Rừng Xanh” (The Jungle Book). Người lớn
tuổi nhất là nhà văn Doris Lessing, 88 tuổi, quốc tịch Anh.
Trước kia, nhiều người tin rằng Thủ
Tướng Anh Winston Churchill sẽ lãnh Giải Thưởng Nobel Hòa Bình (the Nobel
Peace Prize) nhưng trái ngược lại, ông Churchill được trao tặng Giải Thưởng
Nobel Văn Chương vào năm 1953.
4/ Các Tuyển Tập Truyện Ngắn của Nữ Văn Hào Alice Ann Munro.
-
Vũ Khúc của các Bóng Tối Hạnh Phúc (Dance of the Happy Shades, 1968),
Phần Thưởng của Thống Đốc (Winner of the 1968 Governer General’s Award
for Fiction).
-
Đời Sống của các Cô Gái và các Phụ Nữ (Lives of Girls and Women, 1971).
-
Thứ gì tôi thấy có ý nghĩa kể cho Anh nghe (Something I’ve Been Meaning
to Tell You, 1974).
-
Anh nghĩ Anh là Ai? (Who Do You Think You Are?, 1978) Phần Thưởng của
Thống Đốc năm 1978 (Winner of the 1978 Governor General’s Award for
Fiction, also published as The Beggar Maid).
-
Các Mặt Trăng của Jupiter (The Moons of Jupiter, 1982), được đề cử tranh
Phần Thưởng của Thống Đốc.
-
Tiến Bộ của Tình Yêu (The Progress of Love, 1986), Phần Thưởng của Thống
Đốc (Winner of the 1986 Governor General’s Ward for Fiction).
-
Bạn của Tuổi Trẻ của Tôi (Friend of My Youth, 1990), Phần Thưởng Sách
Trillium (Winner of the Trillium Bood Award).
-
Các Bí Mật Mở (Open Secrets, 1994), được đề cử dự tranh Phần Thưởng của
Thống Đốc.
-
Tình Yêu của một Người Đàn Bà Tốt (The Love of a Good Woman, 1998), Giải
Thưởng Giller năm 1998 (Winner of the 1998 Giller Prize).
-
Tình Ghen Ghét, Tình Bạn, Tình Quyến Rũ, Tình Yêu, Hôn Nhân (Hateship,
Friendship, Courtship, Loveship, Marriage, 2001) xuất bản lại với tên là
Away From Her.
-
Bỏ Nhà Ra Đi (Runaway, 2004), đoạt Giải Thưởng Giller và Giải Thưởng
Rogers (Winner of the Giller Prize and Rogers Writers’ Trust Fiction).
- Cảnh Nhìn từ Hòn Đá Castle (The View from Castle Rock, 2006).
- Quá Nhiều Hạnh Phúc (Too Much Happiness, 2009).
- Đời Sống Thân Mến (Dear Life, 2012).
5/ Các Phần Thưởng và Giải Thưởng của Nữ Văn Hào Alice Ann Munro.
-
Phần Thưởng Văn Chương của Thống Đốc vì loại truyện hư cấu tiếng Anh
(Governor General’s Literary Awad for English language fiction, 1968,
1978, 1986).
-
Phần Thưởng của các Nhà Bán Sách Canada vì cuốn truyện “Đời Sống của các
Cô Gái và các Phụ Nữ” (Canadian Booksellers Award for Lives of Girls and
Women, 1971).
-
Vào chung kết Phần Thưởng Man Booker năm 1980 vì cuốn truyện “Kẻ ăn xin
là người Hầu Gái” (The Beggar Maid) (shortlisted for the Man Booker
Prize (1980) for The Beggar Maid).
-
Phần Thưởng Marian Engel năm 1986 vì tất cả các tác phẩm (The Writers’
Trust of Canada’s Marian Engel Award (1986) for her body of work.
-
Giải Thưởng Rogers vì truyện hư cấu “Bỏ Nhà Ra Đi” năm 2004 (Rogers
Writers’Trust Fiction Prize (2004) for Runaway.
-
Phần Thưởng Sách Trillium vì các cuốn truyện “Bạn của Tuổi Trẻ của Tôi”
(1991), “Tình Yêu của một người Đàn Bà Tốt” (1999), “Đời Sống Thân Mến”
(2013) (Trillium Book Award for Friend of My Youth (1991), The Love of a
Good Woman (1999) and Dear Life (2013).
-
Phần Thưởng Văn Chương WH Smith năm 1995 vì cuốn truyện “Các Bí Mật Mở”
(WH Smith Literary Award (1995, UK) for Open Secrets.
-
Phần Thưởng Lannan vì truyện hư cấu năm 1995 (Lannan Literay Award for
Fiction, 1995).
-
Phần Thưởng PEN/Malamud vì truyện ngắn hư cấu xuất sắc năm 1997
(PEN/Malamud Award for Excellence in Short Fiction, 1997).
-
Phần Thưởng Phê Bình Sách Quốc Gia năm 1998, Hoa Kỳ, vì cuốn truyện
“Tình Yêu của một người Đàn Bà Tốt (National Book Critics Circle Award
(1998, U.S.) for The Love of a Good Woman.
- Giải Thưởng Giller các năm 1998 và 2004.
-
Phần Thưởng Rea về Truyện Ngắn năm 2001 tặng cho tác giả Mỹ hay Canada
còn sống (Rea Award for the Short Story (2001) given to a living
American or Canadian author).
- Phần Thưởng Libris (Libris Award).
-
Phần Thưởng O. Henry vì truyện hư cấu ngắn tại Hoa Kỳ vì cuốn truyện
“Đam Mê” (2006), “Anh muốn biết để làm gì” (2008) và “Corrie” (2012) (O.
Heny Award for continuing achievement in short fiction in the U.S. for
“Passion” (2006), “What Do You Want To Know For” (2008) and “Corrie”
(2012)).
-
Giải Thưởng Quốc Tế Man Booker năm 2009 (Man Booker International Prize
(2009, UK).
-
Giải Thưởng Văn Chương Canada – Úc (Canada-Australia Literary Prize).
-
Giải Thưởng các Nhà Văn Thịnh Vượng Chung cho Vùng Canada và Caribbean
(Commonwealth Writers Prize Regional Award for Canada and the
Caribbean).
-
Giải Thưởng Nobel Văn Chương năm 2013 vì là “một bậc thầy về truyện ngắn
hiện đại” (Nobel Prize in Literature (2013) as a “master of the
contemporary short story”).
6/ Các Danh Dự.
-
1992 Hội Viên Danh Dự Hải Ngoại của Hàn Lâm Viện Nghệ Thuật và Mỹ
Tự Hoa Kỳ (Foreign Honorary Member of the American Academy of Arts and
Letters).
-
1993 Huy Chương Lome Pierce của Hàn Lâm Viện Hoàng Gia của Canada
(Royal Society of Canada’s Lome Pierce Medal).
-
2005 Huy Chương Danh Dự về Văn Chương của Hội Nghệ Thuật Quốc Gia
Hoa Kỳ (Medal of Honor for Literature from the U.S. National Arts Club).
-
2010 Hiệp Sĩ Nghệ Thuật và Văn Chương (Knight of the Order of Arts
and Letters).
-
2014 Đồng Tiền Bạc do Xưởng Đúc Tiền Hoàng Gia Canada vì danh dự
của Giải Thưởng Nobel Văn Chương của bà Alice Ann Munro (Silver coin
released by the Royal Canadian Mint in honour of Munro’s Nobel Prize
win).
Tài liệu tham khảo: Wikipedia.org., Britannica Encyclopedia, các bài
viết trên Internet.
Post a Comment