Phạm Văn Tuấn
Virginia Woolf là nhà văn nữ người Anh, được coi như một trong các Văn Hào
hàng đầu của Thế Kỷ 20. Trong thời gian giữa 2 Thế Chiến, Virginia Woolf là
hội viên của Nhóm Bloomsbury (the Bloomsbury Group) và cũng là một nhân vật
danh tiếng trong xã hội Văn Chương của Thành Phố London. Các cuốn tiểu
thuyết nổi tiếng của Virginia Woolf gồm có: Bà Dalloway (Mrs. Dalloway), Tới
Ngọn Hải Đăng (To the Lighthouse), Orlando và Căn Phòng của Jacob (Jacob's
Room).
1/ Cuộc đời của Virginia Woolf.
Virginia Woolf (25/1/1882 - 28/3/1941) ra đời tại London với tên con gái là
Adeline Virginia Stephen, là con của Sir Leslie Stephen và bà Julia Prinsep
Duckworth (1846-1895). Virginia được cha mẹ giáo dục về văn chương và gia
đình này quen thân với giới thượng lưu của nước Anh, họ cư ngụ tại tòa nhà
số 22 Hyde Park Gate, Kensington, thành phố London.
Cha mẹ của Virginia Woolf kết hôn với
nhau sau khi Sir Leslie Stephen đã góa vợ và bà Julia cũng bị góa chồng, vì
vậy gia đình này gồm có các con cái của 3 lần hôn nhân. Các người con chung
của ông Leslie và bà Julia là: Vanessa Stephen, Thoby Stephen, Virginia và
Adrian Stephen.
Sir Leslie Stephen là một nhà biên
tập, nhà phê bình và nhà văn viết tiểu sử, ông đã kết hôn với người con gái
của tiểu thuyết gia William Thackeray. Như vậy có thể nói rằng Virginia
Woolf được nuôi dưỡng trong một hoàn cảnh mang nhiều ảnh hưởng của xã hội
văn chương thời Victoria. Trong số các văn nhân thường hay tới nhà của ông
Stephen gồm có Henry James, George Henry Lewes, Julia Margaret Cameron (cô
của bà Julia Duckworth), và James Russell, ông này là cha đỡ đầu của
Virginia Woolf.
|
Bà Julia Duckworth |
Bà Julia Duckworth xuất thân từ một gia đình nổi tiếng gồm các giai nhân trong
thời đại Victoria, họ đã là các người mẫu cho các họa sĩ và các nhiếp ảnh gia.
Ngoài các ảnh hưởng của các nhà văn, nhà thơ... quen biết với gia đình, tòa
nhà số 22 Hyde Park Gate mà Virginia Woolf cư ngụ lại gồm có bên trong một thư
viện lớn lao nhờ vậy Virginia Woolf đã được dạy dỗ về văn học cổ điển và văn
chương Anh.
Trong các hồi ký nói về tuổi thơ,
Virginia Woolf không nói tới thành phố London mà kể về miền St. Ives tại
Cornwall, đây là nơi mà gia đình Stephen thường trải qua các mùa hè cho tới
năm 1895. Căn nhà mùa Hè của gia đình Stephen này được gọi tên là Talland
House, là nơi nhìn xuống Vịnh Portminster. Các hồi ký về gia đình này đã ghi
lại ấn tượng về phong cảnh của căn nhà Talland, đặc biệt là Ngọn Hải Đăng
Godrevy, đây là nơi mà sau này tác giả Virginia Woolf đã mô tả trong các năm
về sau trong cuốn truyện "Tới Ngọn Hải Đăng" (To the Lighthouse).
Sau khi bà mẹ của Virginia Woolf bị
chết vì bệnh cúm vào năm 1895, rồi sau đó 2 năm là sự qua đời của chị Stella,
chị cùng cha khác mẹ, tất cả sự việc này đã khiến cho Virginia Woolf bị suy
sụp tinh thần. Sau đó tới lượt người cha, Sir Leslie Stephen, qua đời vào năm
1904, khiến cho Virginia Woolf phải điều trị trong bệnh viện một thời gian
ngắn. Hơn nữa, Virginia Woolf và cô chị Vanessa còn bị lạm dụng tình dục
(sexual abuse) bởi 2 người anh khác mẹ là George và Gerald, sự việc này đã
được nhà văn Virginia Woolf kể lại trong các bài tự thuật: Một Phác Thảo về
Quá Khứ (A Sketch of the Past) và Tòa Nhà 22 Hyde Park Gate. Trong suốt cuộc
đời, Virginia Woolf đã bị đau bệnh nhiều lần cùng với các cơn suy sụp tinh
thần cho nên đã phải vào bệnh viện tâm thần để điều trị vào các năm 1910, 1912
và 1913 tại nhà thương Burley, số 15 đường Cambrige Park.
Từ năm 1897 tới năm 1901, Virginia
Woolf đã theo học tại Phân Khoa Phụ Nữ (The Ladies' Department) của trường Đại
Học King's College của thành phố London, học các môn Cổ Hy Lạp (Ancient
Greek), tiếng La Tinh, tiếng Đức và Lịch Sử. Nhờ công việc theo học này,
Virginia đã tiếp xúc với các nhà cải cách nữ của nền giáo dục phụ nữ cao cấp
(women's higher education) như bà Lilian Faithfull, Khoa Trưởng của Phân Khoa
Phụ Nữ, bà Clara Pater và ông George Warr.
Sau khi người cha qua đời, Virginia,
Vanessa và Adrian đã bán tòa nhà 22 Hyde Park Gate rồi mua căn nhà số 46
Gordon Square thuộc Hạt Bloomsbury. Tại nơi này, Virginia đã quen thân với các
nhà văn, nhà thơ Lytton Stratchey, Clive Bell, Rooper Brooke, David Garnett,
Roger Fry, John Maynard Keynes, Saxon Sydney Turner, Ducan Grant và Leonard
Woolf. Họ lập nên một hội trí thức, gồm các văn sĩ và nghệ sĩ, đó là Nhóm
Bloomsbury (the Bloomsbury Group).
Từ năm 1905, Virginia Woolf bắt đầu
viết văn theo lối chuyên nghiệp, đầu tiên viết cho đặc san The Times Literary
Supplement (Phần Văn Học phụ thêm của Tờ Báo Times), nói về miền Haworth là
nơi bản quán của gia đình Bronte.
Vào ngày 10 tháng 8 năm 1912, Virgnia
kết hôn với ông Leonard Woolf, một nhà văn kiêm công chức và cũng là nhà lý
thuyết chính trị.
Cuốn tiểu thuyết đầu tiên của Virgnia
Woolf là cuốn "Du Lịch Ra Ngoài" (the Voyage Out) được xuất bản vào năm 1915
do nhà xuất bản của người anh cùng cha khác mẹ Gerald Duckworth and Company,
Ltd. Cuốn tiểu thuyết này đầu tiên có tên là Melymbrosia nhưng do các chỉ
trích mà tác giả nhận được nên Virginia đã đổi tên cuốn truyện. Sau đó nhà văn
Virginia Woolf còn cho xuất bản nhiều cuốn tiểu thuyết khác và các bài luận
văn (essays), tất cả đã nhận được sự tán thưởng đáng kể trong giới trí thức.
Phần lớn các tác phẩm của Virginia
Woolf là do tác giả tự xuất bản qua nhà in Hogarth Press mà Virginia và
Leonard đã thành lập vào năm 1917. Từ nay, Virginia Woolf được mọi người ca
ngợi là một trong các tiểu thuyết gia vĩ đại nhất của Thế Kỷ 20 (one of the
greatest novelists of the twentieth century).
Mặc dù đã kết hôn với ông Leonard,
Virginia lại duy trì các cảm xúc mạnh mẽ nhất với vài người đàn bà. Các người
yêu của Virginia Woolf gồm có cô Madge Vaughn (con gái của J.A. Symonds, đây
là nguồn cảm hứng cho nhân vật Bà Dalloway), cô Violet Dickinson và cô Ethel
Smyth, một người nữ hoạt động xã hội. Vào năm 1922, Virginia Woolf đã gặp và
yêu cô Vita Sackville-West, vợ của ông Harold Nicolson.
Tới cuối năm 1940, Virginia Woolf bị
rối loạn tâm thần, lần này nhà văn đã không thể bình phục. Vào ngày 28/3/1941,
vào tuổi 59, Virginia Woolf đã bỏ đầy đá cuội vào các túi áo rồi tự trầm mình
trong dòng sông Ouse, gần nhà tại Rodnell.
Virginia Woolf đã để lại 2 bức thư
tuyệt mệnh, một cho người chị Vanessa và một thư cho chồng: "tôi cảm thấy chắc
chắn rằng tôi đã điên trở lại..., lần này tôi không thể phục hồi...Tôi làm
những gì tốt nhất cho tôi".
2/ Các chi tiết về Tác Phẩm “Tới Ngọn Hải Đăng”.
Thời gian và nơi viết tác phẩm: 1926, thành phố London.
Năm xuất bản đầul tiên: 1927.
Nhà xuất bản: Hogarth
Loại tác phẩm: tiểu thuyết.
Thể loại: tiểu thuyết mới.
Ngôn ngữ: tiếng Anh.
Thời gian liên hệ tới tác phẩm: các năm ngay trước Thế Chiến Thứ Nhất và các
năm liền sau đó.
Địa điểm của câu chưyện: Hòn đảo Skye, trong quần đảo Hebrides, ở phía tây của
xứ Tô Cách Lan (Scotland).
Thể: quá khứ.
Giọng văn: bi ai, mang tính thơ phú.
Người kể chuyện: một nhân vật ngôi thứ ba, ẩn danh, thông suốt mọi chuyện.
Quan điểm: thay đổi.
Các nhân vật chính: bà Ramsay, cô Lily Briscoe.
3/ Cốt Truyện.
Ngay sau khi Thế Chiến Thứ Nhất bắt đầu, ông bà Ramsay mang 8 đứa con về căn
nhà mùa hè của họ tại quần đảo Hebrides. Đứa con 6 tuổi tên là James đòi đi
tới ngọn hải đăng ở bên kia bờ vịnh và bà Ramsay hứa rằng cả gia đình sẽ đi
tới đó vào ngày hôm sau nếu thời tiết cho phép. Ông Ramsay nói cho James biết
rằng thời tiết sẽ xấu đi nên James tin rằng người cha thường hay tàn nhẫn với
James và các anh chị em của nó.
Gia đình Ramsay tiếp đón một số khách
quen tại căn nhà mùa hè gồm có ông Charles Tansley là một con người khắc khổ,
khâm phục các công trình của bà Ramsay bởi vì bà ta là một nhà triết học siêu
hình.
Một người khách khác là cô Lily
Briscoe, một họa sĩ trẻ, cô ta bắt đầu vẽ chân dung cho bà Ramsay và bà này
lại muốn cô Lily kết hôn với ông William Bankes, một người bạn cũ của gia đình
Ramsay nhưng cô Lily nhất quyết duy trì cuộc sống độc thân.
Bà Ramsay cũng trù tính tạo nên một
cuộc tình duyên giữa ông Paul Rayley và cô Minta Doyle là hai người quen của
bà ta.
Vào một buổi chiều, ông Paul cầu hôn
với cô Minta còn cô Lily thì bắt đầu vẽ. Bà Ramsay làm dịu cơn giận của James
còn ông Ramsay khi buồn phiền thường nhờ bà Ramsay an ủi. Chiều hôm đó, gia
đình Ramsay tổ chức một bữa ăn tối. Ông Paul và cô Minta thì trở về nhà muộn
do đi bộ trên bờ biển cùng với hai đứa con của gia đình Ramsay. Cô Lily thì
nổi giận vì lời nói trực tính của ông Charles Tansley bởi vì ông này phát biểu
rằng đàn bà không thể vẽ cũng như viết văn. Bà Ramsay lại có cử chỉ thô kệch
khi ông Augustus Carmichael, một nhà thơ, yêu cầu cho thêm một tô súp. Khi ban
tối dần trôi qua, các khoảng khắc vụng về này cũng êm dịu dần.
Khi bà Ramsay từ biệt khách trong
phòng ăn, bà ta nghĩ rằng các sự việc xẩy ra thì đã trôi về quá khứ. Sau đó bà
ta tới gặp ông chồng tại phòng khách và ông Ramsay muốn bà vợ tỏ tình yêu dành
cho ông ta, nhưng bà Ramsay lại nói rằng bà biết trước rằng ông Ramsay có lý
bởi vì thời tiết sẽ xấu đi vào ngày hôm sau.
Thời gian trôi qua, chiến tranh diễn
ra khắp châu Âu. Vào một đêm, bà Ramsay bât ngờ qua đời. Andrew Ramsay, người
con trai lớn, bị tử trận. Người em gái Prue chết vì bệnh sau khi sinh con. Gia
đình Ramsay không còn cư ngụ trong căn nhà mùa hè nữa khiến cho nơi đây trở
nên hoang phế: cỏ mọc khắp vườn, mạng nhện giăng khắp nơi. 10 năm trôi qua
trước khi gia đình Ramsay trở lại nơi này. Bà McNab, người giữ nhà và vài
người đàn bà khác lo việc thu dọn căn nhà cho thứ tự.
Khi cô Lily trở về căn nhà mùa hè thì
ông Ramsay tuyên bố rằng ông ta, James và người con gái của ông ta tên là
Camille, sẽ đi thăm ngọn hải đăng. Vào một buổi sáng, cuộc ra đi chậm trễ đã
làm phiền lòng ông Ramsay. Cô Lily tưởng rằng cuộc đi chơi bị hủy bỏ nên cô ta
đã làm công việc cắt cỏ, rồi cô ta vẽ tiếp bức họa còn dang dở. James và
Camille nổi giận vì ông Ramsay quát tháo ầm ĩ và chỉ biết ích kỷ, nhưng khi
con thuyền tới ngọn hải đăng rồi thì cả hai người con kể trên đã biết yêu
thương ông bố. Khi ông Ramsay khen ngợi James thì James đã cảm thấy hạnh phúc.
Tại phía bên kia bờ vịnh, cô Lily đã hoàn thành bức họa và đặt bút vẽ xuống.
4/ Nhận xét về Tác Phẩm “Tới Ngọn Hải Đăng”.
Tác phẩm “Tới Ngọn Hải Đăng” (1927) là
một trong các tác phẩm mang tính thực nghiệm của tác giả Virginia Woolf. Tác
giả đã dành hơn nửa cuốn tiểu thuyết để mô tả các sự việc diễn ra chỉ trong
một buổi chiều và vài chục trang giấy cho các sự kiện sau đó xẩy ra trong 10
năm. Đối với các tiểu thuyết nặng về cốt truyện được viết vào thời đại
Victoria, tác phẩm “Tới Ngọn Hải Đăng” không diễn tả các hành động rõ ràng mà
là các tư tưởng ở bên trong đầu óc của các nhân vật.
Tác giả Virginia đã viết ra tác phẩm
này như một phần của công việc tự thuật. Đây có thể là một hồi tưởng về quá
khứ của tác giả khi nhà văn nghĩ tới các người trong gia đình qua đời, chẳng
hạn như người mẹ, người cha, anh Thoby và người chị cùng cha khác mẹ Stella.
Virginia Woolf đã mô tả một gia đình gồm 8 người con, giống như gia đình của
chính tác giả với các anh chị em lớn dần. Người chồng thì lanh lợi, độc tài,
lệ thuộc vào sự chăm sóc của người vợ, giống như người cha của tác giả. Từ khi
Virginia Woolf chào đời cho đến khi bà mẹ chết đi, gia đình Stephen này đã
trải qua mọi mùa hè tại căn nhà Talland House ở Cornwall, đây cũng là căn nhà
mùa hè mô tả trong tác phẩm.
Cấu trúc của tác phẩm “Tới Ngọn Hải
Đăng” gồm 3 phần:
- Phần đầu có tên là ‘Cửa Sổ” (The Window), nói về các sự kiện
xẩy ra vào khoảng năm 1910.
- Phần giữa với tên là “Thời Gian Trôi Qua” (Time Passes) kể về khoảng thời gian giữa chừng.
- Phần cuối là “Ngọn Hải Đăng” (The Lighthouse) có
thời gian liên hệ là các năm 1920 với cô Lily Briscoe là nhân vật chính của
phần này.
Phần đầu với biểu tượng “Cửa Sổ” được
nhà văn cho rằng đây là nguyên tắc của phụ nữ (female principle) khi nhà văn
kể về bà Ramsay thường trở về với chiếc khung cửa sổ mở rộng.
Tư tưởng của các nhân vật khác thường
được kể lại bằng cách độc thoại nội tâm (interior monologue) và tác giả
Virgnina Woolf đã khéo léo dùng lý thuyết kết hợp các ý tưởng (the theory of
association of ideas). Tư tưởng của bà Ramsay thường được nhắc lại và đây là
nhân vật thực tế nhất.
Ngọn hải đăng là thứ tượng trưng cho
đời sống không thể giản lược được. Đối với James, ngọn hải đăng là một kỷ vật
của thời thơ ấu, đồng thời nó cũng tượng trưng cho cuộc đời với thế giới của
con người không thể làm cho đơn giản hơn.
Sóng biển cũng là một thứ biểu tượng
trong tác phẩm. Sóng biển thì luôn luôn thay đổi, luôn luôn di chuyển với thời
gian. Tác giả đã mô tả sóng biển một cách đáng yêu và đẹp đẽ nhưng cũng có lúc
rất hung dữ. Sóng biển là một thứ sức mạnh có thể tàn phá hải đảo, làm sói mòn
đất đai. Sóng biển cũng tượng trưng cho sự vô thường của đời người và các
thành quả của con người.
Về các nhân vật thì ông Ramsay là con
người của kiến thức còn bà Ramsay dựa vào các cảm xúc. Ông Ramsay cho rằng một
nhân vật danh tiếng như Shakespeare rồi cũng sẽ bị lu mờ, bị quên lãng, còn bà
Ramsay lại nghĩ rằng hạnh phúc thì phù du và sự ý thức về lúc qua đời khiến
cho bà ta không có nhiều lúc sung sướng.
Trong khi ông Ramsay mang tính trí
thức và bà Ramsay có ý tưởng xã hội thì cô Lily lại thiên về nghệ thuật. Và
chỉ có cô Lily là thành công. Cô ta đã tạo ra được sự hài hòa trong cảnh vật:
hàng rào và căn nhà, bà mẹ và các con… Các bức tranh của cô Lily là thứ duy
nhất đã vượt qua cảnh thời gian trôi mau và tạo nên một thứ gì vĩnh cửu.
Nghệ thuật là nguồn hy vọng của sự
trường tồn trong một thế giới thay đổi. Cô Lily đã nghĩ rằng không có thứ gì
còn mãi, mọi sự vật đều đổi thay nhưng ngôn ngữ và bức họa vẫn còn mãi.
“Tới Ngọn Hải Đăng” là một tác phẩm
hơi khó hiểu, nhưng càng đọc tác phẩm, độc giả càng hiểu rõ các ẩn dấu bên
trong tác phẩm của tác giả Virginia Woolf cả về kỹ thuật lẫn về chủ đề.
Tài liệu tham khảo: Wikipedia.org.; Britannica Encyclopedia,
Cliffsnotes, Sparknotes.
Post a Comment