Header Ads

Lịch Sử Nước Pháp - Phần 2: Từ Hai Cuộc Thế Chiến Đến Hiện Tại


Phạm Văn Tuấn

13/ Thế Chiến Thứ Nhất (1914-1918)

Vào các năm đầu 1900, hai nước Pháp và Đức đã bất đồng ý với nhau về các lãnh thổ thuộc địa và mỗi nước e ngại sẽ bị tấn công bởi nước kia. Vào năm 1907, nước Pháp đã ký hiệp ước ngoại giao (the Triple Entente) với nước Anh và nước Nga. Người Pháp chuẩn bị chiến tranh.

Ngay sau khi Thế Chiến Thứ Nhất bắt đầu, quân đội Đức tràn qua nước Pháp và quân Đức muốn đánh bại quân Pháp thật nhanh chóng nhưng vào cuối năm 1914, quân đội Pháp đã ngăn chặn được quân đội Đức. Trong ba năm rưỡi, quân đội hai phe đã đối đầu với nhau dọc theo trận tuyến trải dài từ miền bắc của nước Pháp tới nước Bỉ.


Trận chiến tai hại nhất diễn ra tại thành phố Verdun vào năm 1916. Vào tháng 2 năm đó, quân Đức đã ồ ạt tấn công để chiếm thành phố này, trong 5 tháng, giao tranh kịch liệt đã liên tục diễn ra, hàng trăm ngàn lính Pháp và lính Đức đã bị giết hại. Lúc đầu quân Đức thắng lợi hơn nhưng về sau họ phải lui dần rồi vào tháng 7 năm 1916, người Đức phải ngừng lại.

Trận Verdun là một biểu tượng của nước Pháp muốn kháng cự nhưng trận đánh đã làm hao mòn quốc gia Pháp. Thế Chiến này đã gây ra các tổn hại rất lớn lao, một phần bởi vì sự tàn phá của các võ khí mới, chẳng hạn như súng máy và khí độc (poison gas). Hàng triệu người Pháp đã bị giết hay bị thương.

14/ Thời kỳ giữa hai Thế Chiến

Theo Hòa Ứơc Versailles được ký kết vào năm 1919, nước Pháp đã lấy lại được miền Alsace và phần đất Lorraine từ nước Đức. Nước Đức phải trả bồi thường cho nước Pháp và các nước Đồng Minh của Pháp. Do nước Đức chậm chễ trả nợ, quân đội Pháp và Bỉ đã chiếm đóng Thung Lũng Ruhr của nước Đức vào năm 1923. Sau khi nước Đức đồng ý trả nợ, các quân đội kể trên đã rút về nước vào năm 1925.

Sau đó, người Pháp đã cố gắng thiết lập sự giao hảo với người Đức. Nước Pháp cùng các nước Đồng Minh đã ký kết với nước Đức Hiệp Ước An Ninh Rhineland năm 1925 (the Rhineland Security Pact of 1925). Nước Pháp cũng giảm bớt số tiền bồi thường của nước Đức và bỏ bớt các kiểm soát nước Đức ấn định do Hiệp Định Versailles. Do đề nghị của Ngoại Trưởng Pháp Aristide Briand, Hiệp Ước Hòa Bình Kellogg-Briand năm 1928 (the Kellogg-Briand Peace Pact of 1928) được ký kết bởi hai nước Pháp, Đức và 13 quốc gia khác. Vào năm 1929, nước Pháp bắt đầu cho xây dựng Chiến Lũy Maginot (the Maginot Line) là một công sự phòng thủ chống lại nước Đức.

Trong thập niên 1930, thế giới gặp cơn khủng hoảng kinh tế và sự nắm quyền tại nước Đức của nhà độc tài Phát Xít là Adolf Hitler, đã gây nên các bất ổn chính trị nghiêm trọng tại nước Pháp. Vào năm 1936, sau một loạt các vụ đình công, một chính phủ mới lên cầm quyền, được gọi là “Mặt Trận Bình Dân” (the Popular Front), đã hứa hẹn nhiều với các người đình công, chẳng hạn như chế độ làm việc 40 giờ một tuần và các ngày nghỉ hàng năm có trả lương. 

Qua năm 1938, chính phủ Pháp đã phải nhượng bộ trước các đòi hỏi của Quốc Xã Đức. Theo chính sách hòa dịu (the policy of appeasement), nước Pháp đã ký Thỏa Ước Munich (the Munich Agreement) theo đó nước Đức chiếm đoạt lãnh thổ Tiệp Khắc (Czechoslovakia).

15/ Thế Chiến Thứ Hai

Vào ngày 01 tháng 9 năm 1939, quân Đức Quốc Xã tràn qua và xâm chiếm nước Ba Lan (Poland). Hai ngày sau, nước Pháp và nước Anh tuyên chiến với nước Đức. Tới ngày 10 tháng 5 năm 1940, quân Đức tấn công các nước Bỉ, Lục Xâm Bảo (Luxembourg) và Hòa Lan (Netherlands). Qua nước Bỉ, quân đội Đức xâm chiếm nước Pháp vào ngày 12/5/1940 do vượt qua phía bắc của Chiến Lũy Maginot. Quân đội Đức cũng tấn công theo phía nam vào ngày 5 tháng 6 rồi tiến vào thành phố Paris vào ngày 14/6/1940. Ngày 22 tháng 6 năm đó, nước Pháp phải ký đình chiến với nước Đức và quân đội Đức chiếm đóng hai phần ba lãnh thổ phía bắc, phần đất phía nam của nước Pháp ở dưới quyền kiểm soát của chính phủ Vichy do Thống Chế Henri Philippe Pétain lãnh đạo (Marshal Henri Philippe Pétain) và ông Pétain đã cộng tác với người Đức.

Tướng Charles de Gaulle
Sau khi nước Pháp sụp đổ, Tướng Charles de Gaulle đã bay qua thành phố London. Tướng De Gaulle đã kêu gọi mọi người Pháp yêu nước hãy tham gia phong trào “Pháp Tự Do” (Free France) để tiếp tục kháng chiến, chống lại quân Đức, trong khi đó vẫn có các nhóm quân du kích Pháp, được gọi là Maquis, đã ẩn náu trong các vùng đồi núi để chống lại quân Đức. 

Vào tháng 11 năm 1942, sau khi quân đội Đồng Minh đổ bộ lên miền Bắc Phi thuộc Pháp, quân Đức đã chiếm cả miền Nam nước Pháp và khi họ định chiếm Hạm Đội Pháp tại Hải Cảng Toulon thì người Pháp đã đánh chìm phần lớn các tầu thuyền trong hải cảng này để tránh cho các tầu Hải Quân Pháp khỏi lọt vào tay quân Đức Quốc Xã.

Ngày 6 tháng 6 năm 1944, quân đội Đồng Minh đã đổ bộ lên bãi biển Normandy và tràn lên miền Nam nước Pháp vào ngày 15/8/1944. Sau các trận chiến tàn bạo với số thương vong rất cao, quân đội Đồng Minh đã tiến vào thành phố Paris vào ngày 25/8/1944. Tướng De Gaulle sau đó đã thành lập chính phủ lâm thời rồi trở nên Tổng Thống. Qua năm 1945, nước Pháp là một thành viên của Liên Hiệp Quốc (the United Nations).

16/ Nền Cộng Hòa Thứ Tư (the Fourth Republic)

Vào tháng 10 năm 1945, người dân Pháp đã bầu lên một Quốc Hội và Quốc Hội Pháp này đã viết ra một bản hiến pháp mới với thể chế mới được gọi là Nền Cộng Hòa Thứ Tư. Trong cuộc bầu cử này, người phụ nữ Pháp được quyền đi bầu lần đầu tiên. Bản Hiến Pháp mới, giống như bản hiến pháp của Nền Cộng Hòa Thứ Ba (the Third Republic) đã không cho Tổng Thống quyền lực mạnh mẽ, vì thế Tướng De Gaulle đã từ chức Tổng Thống vào tháng 1 năm 1946.

Sau khi chiến tranh chấm dứt, nước Pháp đã nhận được rất nhiều viện trợ từ Hoa Kỳ để xây dựng lại các thành phố và các kỹ nghệ là những thứ đã bị tàn phá nặng nề, nhưng các rắc rối chính trị trong nước và các vụ nổi loạn tại các xứ thuộc địa ngoài nước đã làm cho việc phục hồi kinh tế bị chậm lại. Vào thời gian này, nước Pháp đã giữ một vai trò quan trọng trong cuộc Chiến Tranh Lạnh (the Cold War) giữa các quốc gia Cộng Sản và các quốc gia phương Tây. Sau chiến tranh, đảng Cộng Sản là một trong các đảng phái lớn mạnh, đã kiểm soát các nghiệp đoàn lao động. Các vụ đình công do người Cộng Sản dẫn đầu vào năm 1947 và 1948 đã làm tê liệt sức sản xuất trong toàn đất nước. Vào năm 1949, nước Pháp là một thành viên của Tổ Chức chống Cộng Bắc Đại Tây Dương (the anti-Communist North Atlantic Treaty Organization), được gọi tắt là NATO.

Cuộc nổi dậy đầu tiên trong một xứ thuộc địa của Pháp là tại Đông Dương (Indochina) vào năm 1946. Đông Dương sau này được chia thành các nước Cambốt (Cambodia), Lào (Laos) và Bắc và Nam Việt Nam. Quân đội Pháp rút lui khỏi Đông Dương vào năm 1954 sau khi đã bị tổn thất nặng nề.

Vào cuối năm 1954, một cuộc cách mạng bùng nổ tại xứ Algeria thuộc Pháp. Để tránh cho không xẩy ra các cuộc cách mạng như thế tại Morocco và Tunisia, nước Pháp đã cho các quốc gia này độc lập. Các xứ thuộc địa của Pháp tại châu Phi cũng được độc lập sau đó, nhưng nước Pháp từ chối cho xứ Algeria độc lập bởi vì tại nơi này, đã có gần một triệu người Pháp định cư. Mặc dù quân đội Pháp tại Algeria đã được tăng cường tới 500,000 binh lính nhưng chiến tranh vẫn còn tiếp tục cho tới thập niên 1950.

Nhờ viện trợ của Hoa Kỳ và nhờ các chương trình kinh tế quốc gia, nền kinh tế của nước Pháp đã phát triển mạnh từ năm 1946. Trong các năm từ 1947 tới 1958, nước Pháp đã thành lập được nhiều tổ chức kinh tế quan trọng để sau này tham gia vào Tổ Chức Liên Minh Châu Âu (European Confederation).

17/ Nền Cộng Hòa Thứ Năm (the Fifth Republic)

Vào năm 1958, đa số người dân Pháp cho rằng tiếp tục chiến tranh tại xứ Algeria là công việc vô ích, tức là nên trả lại độc lập cho xứ sở đó, nhưng ý tưởng này lại làm nổi giận các lãnh tụ quân đội Pháp tại Algeria và các người Pháp định cư trên xứ thuộc địa đó. Những người kể ra sau này đã nổi loạn vào tháng 5 năm 1958, đe dọa lật đổ chính phủ. Trong một giải pháp dung hòa, Tướng De Gaulle được mời trở lại chính quyền với chức vụ Thủ Tướng và với các quyền lực khẩn trương (emergency powers) trong 6 tháng. 

Chính quyền của Tướng De Gaulle đã sửa soạn một hiến pháp mới và hiến pháp này đã được các cử tri chấp nhận vào ngày 28/9/1958. Hiên pháp mới này thiết lập nên Nền Cộng Hòa Thứ Năm, cho phép Tổng Thống nhiều quyền lực hơn trước và giảm bớt quyền lực của Quốc Hội. Vào tháng 12 năm 1958, cuộc bầu cử đã bầu Tướng De Gaulle làm Tổng Thống trong nhiệm kỳ 7 năm.

18/ Nước Pháp dưới thời Tổng Thống De Gaulle

Chính quyền của Tướng De Gaulle tiếp tục cuộc chiến tranh tại Algeria với hy vọng rằng các người dân Algerians sẽ đồng ý về một thỏa thuận với một số quyền kiểm soát của người Pháp. Nhưng vào năm 1961, chính quyền Pháp nhận thấy rằng chỉ có nền độc lập của xứ Algeria mới chấm dứt được các nổi loạn. Các cuộc đàm phán hòa bình bắt đầu vào năm 1961 rồi chấm dứt bằng một cuộc ngưng bắn vào tháng 3 năm 1962. Sau đó, theo sự thúc giục của Tướng De Gaulle, người dân Pháp đã bỏ phiếu đồng ý để xứ Algeria được độc lập vào tháng 4. Xứ Algeria thực sự giành được độc lập vào ngày 3 tháng 7 năm 1962 rồi phần lớn các người Pháp định cư tại Algeria đã trở về nước Pháp.

Nền độc lập của xứ Algeria đã khiến cho Tổ Chức Quân Đội Bí Mật OAS (the Secret Army Organization) đã đặt bom khủng bố tại nhiều nơi trên đất Pháp và tại xứ Algeria. Đây là nhóm gồm nhiều sĩ quan Pháp đã tố cáo Tướng De Gaulle phản bội nước Pháp vì đã chấm dứt chiến tranh. Nhóm này cũng nhiều lần cố gắng ám hại Tướng De Gaulle. Sau đó vài lãnh tụ của tổ chức OAS đã bị bắt và bị kết án.

Sau cuộc khủng hoảng tại Algeria, vài nhà chính trị Pháp muốn làm bớt đi quyền lực mạnh của Tướng De Gaulle, họ muốn thiết lập lại quyền lực của Quốc Hội trong khi quyền lực của Tổng Thống sẽ bị giảm đi. Ngược lại, Tổng Thống De Gaulle lại muốn quyền lực Tổng Thống phải mạnh hơn nữa và ông muốn có được sự ủng hộ của toàn dân và được bầu lên do người dân một cách trực tiếp mà không phải do là do gián tiếp. Vào năm 1962, người dân Pháp đã chấp nhận một tu chính án cho phép cách bầu như vậy.

Tướng De Gaulle được bầu lại vào chức vụ Tổng Thống trong nhiệm kỳ thứ hai vào năm 1965, vào lúc này, ông chú ý tới chính sách ngoại giao. Tướng De Gaulle tuyên bố rằng “người Pháp là một chủng tộc được tạo nên vì các hành động xuất sắc” nhưng họ không thể thực hiện được sự nghiệp lớn lao bởi vì “vận mệnh ở trong tay các người ngoại quốc” (with their destiny in the hands of foreigners), và Tướng De Gaulle hy vọng rằng ông sẽ làm cho nước Pháp trở thành nước lãnh đạo của một liên minh các nước Tây Âu, và sự liên minh này không liên quan gì tới ảnh hưởng của Hoa Kỳ và Xô Viết.

Thay vì phải nương tựa vào sự che chở của Tổ Chức NATO, Tướng De Gaulle đã làm phát triển một chương trình võ khí nguyên tử độc lập. Năm 1966, Tướng De Gaulle rút hết quân lực Pháp ra khỏi Khối NATO và ông tuyên bố rằng các căn cứ và quân đội NATO phải rời khỏi nước Pháp vào tháng 4 năm 1967.

Trong thập niên 1950, nước Pháp đã khởi xướng việc thành lập Cộng Đồng Than và Thép của châu Âu (the European Coal and Steel Community), Cộng Đồng Năng Lượng Nguyên Tử của châu Âu (the European Atomic Energy Community), và Cộng Đồng Kinh Tế Châu Âu (the European Economic Community = EEC). Các tổ chức này về sau trở thành Cộng Đồng Châu Âu (the European Community = EC) rồi tới năm 1993, Cộng Đồng Kinh Tế Châu Âu EC biến thành Liên Hiệp Châu Âu (the European Union), đây là nơi các nước thành viên cộng tác với nhau về kinh tế và chính trị.

Tướng De Gaulle tin tưởng rằng ở trong Cộng Đồng Kinh Tế Châu Âu, nước Pháp sẽ trở nên mạnh hơn và có nhiều ảnh hưởng hơn. Vào năm 1963, Tướng De Gaulle ngăn cản không cho nước Anh tham gia vào Cộng Đồng Kinh Tế Châu Âu EEC bởi vì ông coi nước Anh sẽ là đối thủ trong việc lãnh đạo Tây Âu và sự liên lạc của nước Anh với Hoa Kỳ sẽ khiến cho Hoa Kỳ gây được nhiều ảnh hưởng tới nền kinh tế của châu Âu.

Vào cuối thập niên 1960, đa số dân chúng pháp không bằng lòng với chính quyền của Tướng De Gaulle, sự bất mãn này dẫn tới nhiều vụ khủng hoảng vào tháng 5 năm 1968. Sinh viên đã biểu tình tại thành phố Paris, nhiều vụ bạo lực với cảnh sát rồi các phản đối lan tỏa trên toàn nước Pháp và hàng triệu công nhân đã đình công. Nước Pháp bị tê liệt trong 2 tuần lễ.

Vào tháng 4 năm 1969, Tướng De Gaulle đòi hỏi một cải tổ nhỏ về hiến pháp và nếu các cử tri không đồng ý, ông sẽ từ chức. Người dân Pháp đã bỏ phiếu không chấp nhận cải tổ và Tướng De Gaulle đã từ chức.

19/ Nước Pháp vào thời đại sau Tướng De Gaulle

Ông Georges Pompidou, Thủ Tướng trước kia của Tướng De Gaulle, đã được bầu làm Tổng Thống Pháp vào tháng 6 năm 1969. Ông Pompidou đã thay đổi chính sách ngoại giao của Tướng De Gaulle bằng cách cộng tác mật thiết hơn với Hoa Kỳ, cải tiến quan hệ với nước Anh. Vào năm 1971, ông Pompidou đã thỏa thuận với Thủ Tướng Anh là ông Edward Heath để nước Anh gia nhập Cộng Đồng Châu Âu (the European Community).

Georges Pompidou
Tại nước Pháp, Tổng Thống Georges Pompidou đã gặp các vấn đề kinh tế nan giải. Vào năm 1973, các nước sản xuất dầu hỏa đã tăng giá dầu thô, gây ra khủng hoảng trầm trọng tại nước Pháp, khiến cho mức sản xuất kỹ nghệ đi xuống, nạn thất nghiệp tăng cao, nạn lạm phát ở tình trạng nguy hiểm.

Ông Pompidou qua đời vào tháng 4 năm 1974. Đảng Gaullist, trước kia ủng hộ Tướng De Gaulle và ông Pompidou, nay tách ra thành vài nhóm nhỏ trong cuộc bầu cử Tổng Thống vào tháng 5 tới, vì vậy đảng này bị yếu đi. Sau đó, ông Valery Giscard d’Estaing, lãnh tụ của Đảng Cộng Hòa Độc Lập (the Independent Republican Party) được bầu làm Tổng Thống mới.

Vào năm 1981, nước Pháp thiên về hướng tả (the left) và các cử tri đã bầu ông Francois Mitterand của Đảng Xã Hội (the Socialist Party) làm Tổng Thống. Các đại biểu xã hội cũng chiếm được nhiều ghế trong Quốc Hội. Đây là lần đầu tiên kể từ năm 1958, nước Pháp có chính phủ khuynh tả và vì thế nhiều cơ sở thương mại trước kia sở hữu thuộc tư nhân, nay thuộc về nhà nước. Tổng Thống Mitterand cũng bổ nhiệm 4 đảng viên Cộng Sản giữ 4 chức vụ nhỏ trong Nội Các gồm 44 nhân vật nhưng tới năm 1984, các người Cộng Sản đã từ chức vì bất đồng ý kiến với chính phủ về các chính sách kinh tế.

Trong cuộc bầu cử năm 1988, các đảng viên Xã Hội (the Socialists) không còn chiếm đa số trong Quốc Hội, trong khi đảng Bảo Thủ (the Conservatives) thắng thế. Tổng Thống Mitterand đã chọn ông Jacques Chirac, một người Bảo Thủ, làm Thủ Tướng. Sau đó trong cuộc bầu cử vào năm 1988, cả hai ông Chirac và Mitterand đều ra tranh cử và ông Mitterand đã là Tổng Thống nhiệm kỳ thứ hai. Trong hai nhiệm kỳ, Tổng Thống Mitterand đã chi tiêu hàng tỉ quan tiền vào các dự án lớn lao (les grands projets) chẳng hạn như xây dựng Kim Tự Tháp Louvre (the Louvre pyramid), Nhà Hát Opéra Bastille, Thành Phố Âm Nhạc (Cité de la Musique) và Grande Arche de la Défense. 

Vào năm 1988, ông Mitterand đã chỉ định ông Michel Rocard, một người Xã Hội, làm Thủ Tướng. Khi ông Rocard từ chức vào tháng 5/1991, Tổng Thống Mitterand lại đề cử Bà Edith Cresson vào chức vụ đó, và Bà Cresson là Nữ Thủ Tướng đầu tiên của nước Pháp. Khi Bà Cresson từ chức vào tháng 4/1992, thì thay thế làm Thủ Tướng là ông Pierre Beregovoy, một người Xã Hội.

Vào năm 1992, nước Pháp đóng vai trò dẫn đường trong công việc phát triển Liên Hiệp Châu Âu (the European Union = E.U.). 15 quốc gia thuộc châu Âu đã hủy bỏ mọi hàng rào mậu dịch và dùng cùng một thứ tiền tệ là đồng “euro”.

Tới tháng 3 năm 1993, đảng Bảo Thủ thắng lớn trong các cuộc bầu cử Quốc Hội nên Tổng Thống Mitterand đã chỉ định ông Edouard Balladur, một người Bảo Thủ, làm Thủ Tướng.

Vào năm 1995, ông Jacques Chirac ứng cử Tổng Thống và ông đã thắng lớn. Thủ Tướng vào lúc này là ông Alain Juppe, một thành viên của đảng Liên Kết Cộng Hòa (the conservative Rally for the Republic party = RPR). Qua năm 1997, đảng Xã Hội (the Socialist Party) chiếm nhiều ghế trong Quốc Hội nên Tổng Thống Jacques Chirac chỉ định ông Lionel Jospin, vị đảng trưởng đảng Xã Hội, làm Thủ Tướng.

Từ tháng 7 tới tháng 9 năm 1995, một làn sóng khủng bố đã tấn công thành phố Paris. 6 vụ đặt bom đã giết chết 7 người và làm bị thương 115 người, nhóm quân đội Hồi giáo Algeria (the Algerian Islamic militants) bị nghi ngờ là thủ phạm. Sự lo sợ vì khủng bố vẫn còn tiếp tục tới các miền biên giới của nước Pháp trong suốt năm 1997.

Tới mùa xuân năm 1998, các người bảo thủ bị thua phiếu bầu tại các tỉnh và trở nên Thủ Tướng là ông Lionel Jospin, người đứng đầu chính quyền xã hội.

Vào năm 1999, nước Pháp cùng các nước khác chấp nhận đồng tiền “euro” là căn bản tiền tệ, đồng tiền mới này của gần 300 triệu người châu Âu đã khiến cho tổng số thu nhập quốc dân (the gross national product) lên tới gần 9 ngàn tỉ euro (9 E. trillion), lớn hơn tổng số thu nhập quốc dân của Hoa Kỳ.

Năm 2002, ông Jacques Chirac được tái đắc cử Tổng Thống vì đối thủ xã hội của ông Chirac là ông Lionel Jospin không ở trong danh sách tranh cử.

Vào gần cuối năm 2005, các băng đảng của các người di dân từ châu Phi đã đánh nhau với cảnh sát Pháp, chúng ném các bó đuốc lửa vào các trường học, các xe hơi, các cơ sở thương mại… Lý do của sự phản đối là vì các kẻ bạo hành này cho rằng họ bị coi là thứ công dân hạng hai dù cho họ là các công dân Pháp. Tỉ lệ thất nghiệp của họ là 30% cao hơn tại các khu nhà ổ chuột của nước Pháp.

Sang năm 2007, ông Nicolas Sarkozy đắc cử Tổng Thống và đã nhận chức vụ vào ngày 16/5/2007. Vào thời gian này, tình trạng thất nghiệp vẫn còn cao. Năm 2008, nước Pháp là quốc gia đầu tiên công nhận Kosovo là một nước độc lập.

Vào năm 2012, ông Sarkozy ra tranh cử nhiệm kỳ hai nhưng đã thất bại trước ông Francois Holland, một nhà xã hội. Vào năm 2014, Tổng Thống Pháp Holland cùng với Thủ Tướng Đức Merkel và Tổng Thống Hoa Kỳ Obama đã áp đặt các cấm vận vào nước Nga vì các hành động của nước Nga đối với xứ Ukraine.


Tới năm 2017, nhân vật đắc cử Tổng Thống của nước Pháp là ông Emmanuel Macron, người sáng lập ra một đảng phái mới có tên là “Nước Cộng Hòa Tiến Bước” (La Republic en Marche!). Tổng Thống Macron tuyên bố rằng ông đứng trên cả hai phe tả và hữu.
 
Phạm Văn Tuấn

Tài liệu tham khảo: Wikipedia.org., Britannica Encyclopedia



No comments

Powered by Blogger.