Header Ads

Henry David Thoreau Triết Gia Hoa Kỳ (1817 - 1862) và Tác Phẩm WALDEN


Phạm Văn Tuấn

I/ Chi tiết về Tác Phẩm Walden.

  • Tên tác phẩm: The Life in the Woods = Cuộc Sống trong Rừng, tới ấn bản lần thứ hai, tác giả Thoreau đã dùng tên ngắn gọn của tác phẩm là Walden.
  • Thời gian và nơi viết tác phẩm: 1845 - 1854 tại Hồ Walden (Walden Pond), ở bên ngoài địa phận Concord, thuộc tiểu bang Massachusetts.
  • Năm xuất bản đầu tiên: 1854.
  • Nhà xuất bản: Tichnor and Fields, Boston.
  • Loại tác phẩm: tự thuật, luận đề (essay), văn chương phản kháng xã hội.
  • Ngôn ngữ: tiếng Anh.
  • Thời gian bắt đầu câu chuyện: một mùa Hè trong thập niên 1840.
  • Nơi câu chuyện xẩy ra: Hồ Walden.
  • Giọng văn: thực tế, do quan sát, mang tính bí ẩn...
  • Người kể chuyện: Henry David Thoreau trong ngôi thứ nhất.
  • Quan điểm: của tác giả Thoreau.
  • Phản đề: đời sống văn minh tại Hoa Kỳ.
  • Nhà Triết Học Henri David Thoreau mô tả các suy nghĩ và cảm xúc của ông khi ông sinh sống trong khu rừng bên bờ Hồ Walden (Walden Pond).

II/ Nội Dung Tác Phẩm

1/ Chương 1 - Kinh tế.

Henry David Thoreau
(hình chụp năm 1861)
Bắt đầu từ năm 1845, trong 2 năm 2 tháng, Henry David Thoreau, tác giả của cuốn sách Walden (The Life in the Woods = Cuộc Sống trong Rừng), đã sinh sống trong một khu rừng thưa tại Concord, thuộc tiểu bang Massachusetts, trong một căn nhà mà ông ta làm ra bên bờ của Hồ Walden, một dặm cách xa các người láng giềng. Ông Thoreau đã kiếm sống bằng bàn tay lao động của chính mình và ông đã cắt nghĩa cho độc giả rằng ông ta đã viết ra tác phẩm Walden để trả lời các câu hỏi về đời sống của ông ta trong thiên nhiên. Ông Thoreau hy vọng rằng quyển sách này - phần cắt nghĩa đơn giản và chân thật về đời sống của ông ta tại đó - sẽ đánh thức các người láng giềng về ý nghĩa thực sự và sự quan trọng của đời sống. Do đọc cuốn sách này, có thể các người láng giềng sẽ định giá lại các cuộc đời của họ.

Kể ra trong cuốn sách, Thoreau cho rằng phần lớn mọi người đều có một ý tưởng sai nhầm, đó là họ trừng phạt họ bằng công việc làm của họ. Kết quả là họ bị khốn khổ vì công việc khiến cho họ không hưởng thụ được đời sống. Thoreau khám phá ra rằng công việc cực nhọc (hard work) không phải luôn luôn dẫn tới sự vui vẻ và hạnh phúc là thứ gì nội tại liên quan tới các cảm xúc thâm sâu bên trong như an lạc và thỏa mãn.

Các người thuộc loại kể trên thì còn tệ hại hơn các kẻ nô lệ bởi vì họ là những kẻ cai tù của chính họ. Do sinh sống ở trong rừng, Thoreau đã nhìn rõ xã hội từ bên ngoài nên ông kết luận rằng phần lớn người ta sinh sống trong thất vọng một cách âm thầm. Các căng thẳng của họ đã khiến cho đời sống của họ trở nên một thứ bệnh tật không chữa trị nổi. Dù cho họ đau khổ, để làm cho các sự việc xấu hơn, những người kể trên tin tưởng rằng các sự thay đổi thì không thể thực hiện được.

Đối với Thoreau, sự thay đổi là một huyền diệu hấp dẫn và đáng suy nghĩ. Để chuyển hóa các người láng giềng, ông xem xét các niềm tin và cách sống của họ, đặc biệt là cách họ đánh giá cao về tài sản. Bởi vì sức nặng của sở hữu đã đè bẹp và làm nghẹt thở con người nên Thoreau đã quyết định giảm cách đánh giá tài sản của cuộc sống tới mức cần thiết tối thiểu: thức ăn, nơi trú ẩn, y phục và nhiên liệu. Bằng cách đơn giản hóa cuộc sống theo cách này, Thoreau có thể chuyên chú vào các vấn đề thiết thực và các thách đố của đời sống. Mục đích của ông là: “không sinh sống một cách rẻ tiền mà cũng không sinh sống một cách đắt tiền, nhưng sinh sống với càng ít các trở ngại càng hay”.

Vấn đề thời trang là một thí dụ mà người ta đã đi vào giấc ngủ: “con khỉ đầu đàn tại thành phố Paris đội vào đầu một cái mũ du lịch rồi mọi con khỉ khác tại châu Mỹ cũng đều làm như vậy”.

Về sở hữu nhà ở và bất động sản, Thoreau viết rằng: “khi một ông chủ trại có một căn nhà, ông ta không phải là giàu có hơn, mà là nghèo khó hơn, bởi vì 'căn nhà đã sở hữu ông ta'”. Về công việc (work) theo các ý tưởng truyền thống của xã hội, Thoreau cho rằng người công nhân chỉ là một cái máy (a machine).

Thoreau sinh sống rất đơn giản, vì vậy ông đã có thể cắt giảm các chi phí. Theo lối sống này, Thoreau chỉ cần làm việc trồng trọt trong 6 tuần lễ.

2/ Chương 2 - Tôi sinh sống ở đâu và tôi sống vì mục đích gì.

Từ lúc còn trẻ, Thoreau đã háo hức muốn mua một mảnh đất trong miền Concorde, ông đã đi thăm viếng một số nông trại và ngay cả đã trả giá một miếng đất. Nhưng sau đó ông đã cho rằng sở hữu một miếng đất sẽ cột mình vào đó và ông sẽ trở thành nô lệ, phải trả nợ hàng tháng, lãnh chịu các trách nhiệm vv…, vì vậy ông đã không mua đất.

Cột mốc đánh dấu căn nhà nhỏ của Thoreau
(hình chụp năm 2010)

Mô hình ngôi nhà của Thoreau được dựng lại ở gần hồ Walden để tưởng niệm

Thoreau đã mô tả sự vui vẻ và sảng khoái khi dọn nhà về Walden. Mỗi buổi sáng, ông thức dậy và tắm trong hồ nước – đây là một thứ thể dục mang tính tôn giáo – và cũng là một điều thú vị ở đời. Ông chỉ quan tâm về những nhu cầu căn bản của đời sống và bỏ qua các giải trí mà phần lớn các người khác phải quan tâm. Ông khuyến khích các người láng giềng nên ngừng cách sinh sống như các con kiến, hãy làm thức tỉnh trong nội tâm của mình sự đơn giản bẩm sinh và hạnh phúc và vun trồng tình trạng tự nhiên. Ông hy vọng rằng họ sẽ theo đuổi sự thật nằm bên dưới các ý kiến, thành kiến, truyền thống và vẻ ngoài, và chỉ nên căn cứ vào bản chất tự nhiên của họ: “khi chúng ta không vội vã và khôn ngoan, chúng ta sẽ nhận thấy thứ gì cao lớn và có giá trị mà đã ở sâu trong sự việc”.
3/ Chưong 3 - Đọc Sách.

Đọc sách một cách nghiêm túc là hình thức tập luyện tinh thần tốt nhất, đặc biệt khi người đọc tìm hiểu ý nghĩa của từng chữ và từng dòng. Phần lớn mọi người sinh sống một cách vô vị và phí phạm các khả năng vào cách đọc sách dễ dàng. 

Đọc sách nghiêm túc đòi hỏi rằng người đọc phải tỉnh táo trong thời giờ đọc sách.

4/ Chương 4 - Các âm thanh.

Thật là thú vị khi chúng ta có các kinh nghiệm về âm thanh của thiên nhiên. Đó là bản giao hưởng của các con chim, thú vật và gió thổi qua cành cây, nhưng thú vị này đã bị cắt ngang do các tiếng kêu lạch cạch của các toa xe lửa, của tiếng còi tầu rú lên giống như tiếng rít của con diều hâu. Thoreau suy ngẫm về các lợi ích của xe lửa và thương mại nhưng càng nghĩ về phương tiện này, ông càng bị phiền muộn. Sau khi xe lửa đã đi qua, sự bình yên của ông được phục hồi.

5/ Chương 5 - 6.  Sự cô đơn, các khách thăm viếng.

Thoreau ưa thích sự cô đơn hơn là các kinh nghiệm do các người thăm viếng mang lại. “Thật là lành mạnh khi ở một mình trong phần lớn thời gian” và sự có bạn bè thường làm cho mình mệt mỏi và phung phí thời giờ. Ông ưa thích sinh sống một mình, đặc biệt bởi vì xã hội thì tầm thường. Nhưng Thoreau xác nhận rằng ông không phải là một người ẩn cư, ông yêu quý xã hội nhưng ông ưa thích hơn các dịp đàm thoại có chất lượng với các người biết suy nghĩ mà không cần phải là các nhà trí thức. Ông kể lại một thú vui đặc biệt khi trò chuyện với một người chặt cây dân Canada, người mà ông kính trọng vì đơn giản và hồn nhiên. Hai người cùng ưa đọc sách nói về Homer.

6/ Chương 7 - Cánh đồng trồng đậu.

Thoreau thảo luận về cánh đồng trổng đậu của ông ta, tổng cộng chiều dài của các luống là 7 dậm. Ông quyết định tìm hiểu về loài đậu và về các phần thưởng khi thu hoạch. Ông nhấn mạnh về cách trồng một thế hệ mới của con người với các hạt giống của sự chân thành, sự thực, sự đơn giản và niềm tin.

7/ Chương 8 - Làng Xã.

Thoreau đi quanh làng xã và nhận xét rằng trung tâm của các chuyện ngồi lê đôi mách (gossip) là tiệm tạp hóa, quán rượu và ngân hàng (ghi chú: đây là giữa thế kỷ 19). Vào một buổi chiều của cuối mùa hè đầu tiên, Thoreau bị nhốt tù vì đã không trả thuế. Ngày hôm sau ông trở lại miền Hồ nước và nhận ra rằng căn nhà của ông đã không khóa cửa, và rằng: “nếu mọi người sinh sống đơn giản như tôi thì sẽ không có chuyện trộm và cướp”. Ông đã không hề bị quấy nhiễu ngoại trừ do nhân viên của tiểu bang.

8/ Chương 9 - Các Hồ Nước.

Hồ Walden

Thoreau đã mô tả rộng rãi hơn về các nơi chung quanh. Ông nhấn mạnh về sự tinh khiết của Hồ Walden. Ông thường bơi lội tại nơi này không phải chỉ vì sự vui hưởng thể chất và vì lý do sức khỏe, mà còn vì sự tẩy sạch tinh thần và tỉnh thức. Hồ nước là một nơi linh thiêng, gợi hứng và là một tấm gương mà người ta có thể nhìn vào và nhận thấy cá nhân của mình. Đó là một con mắt của trái đất, nhìn vào đó người ngắm sẽ đo lường được độ sâu của bản chất của mình. Cái hồ giúp cho ông đo lường đựơc độ sâu của bản chất của mình.

9/ Chương 10 - Nông trại Baker.

Một hôm Thoreau đi câu cá tại Fair Haven và đi qua một khu rừng thuộc về nông trại Baker. Ông đã thăm viếng ông John Field và gia đình của ông này. Ông Field đã có một lối sống buồn tẻ. Khi Thoreau cắt nghĩa về kinh tế và lối sống đơn giản, họ đã không chú ý tới các lời khuyên của ông.

10/ Chương 11 - Các luật lệ cao hơn.

Một hôm sau khi đã đi câu tại Fair Haven và đi về nhà vào ban đêm, Thoreau nhận thấy có một con thỏ rừng ở trên đường đi. Ông có cảm nghĩ muốn bắt con vật này để ăn thịt. Động lực này khiến cho Thoreau nghĩ tới bản chất “man rợ” của mình rồi ông so sánh bản chất này với ước vọng tinh thần. Sau đó ông thấy mình ưa thích phía tinh thần hơn phía vật chất. Ông cho rằng con vật kể trên đã đánh thức tinh thần đang ngủ yên của ông. Khi các tư tưởng tiến triển, Thoreau ca ngợi sự trong sạch và lên án mọi hình thức dục vọng. Ông cho rằng sự ngu dốt và dục vọng đã sản sinh ra sự lười biếng và ông ca ngợi sự phấn đấu bởi vì thứ này đã mang tới sự khôn ngoan và trong sáng.

11/ Chương 12 - Các súc vật láng giềng.

Thoreau đã phân biệt giữa một nhà thơ (a poet) và một người ẩn cư (a hermit) theo đó nhà thơ (Thoreau có một phần) là người chịu suy nghĩ sâu xa, còn người ẩn cư (Thoreau cũng có một phần) là người muốn đi câu cá. Thoreau đã mô tả nhiều con vật là những láng giềng sinh sống gần Walden: các con chuột, rái cá, sóc… và nhiều con vật khác.

Thoreau đã quan sát các trận chiến giữa các con kiến đỏ và các con kiến đen và trải qua hàng giờ theo dõi các con chim bói cá.

12/ Chương 13 - Làm ấm nhà.

Khi mùa thu tới và mùa đông không còn xa lắm, Thoreau mô tả cách thức ông chuẩn bị cho mùa đông. Ông hãnh diện về cách làm ra cái lò sưởi và thích thú ngắm nhìn cái hồ nước đóng băng. Ông đã bỏ nhiều thời giờ quan sát sự toàn hảo của nước đá.

13/ Chương 14 - 16. Các khách mùa đông.

Vào mùa đông đầu tiên tại Walden, Thoreau đã trải qua các buổi tối vui vẻ, một mình bên lò sưởi và sinh sống ấm cúng như một con chuột đồng. Thời gian trôi qua, ông phải giữ cho tinh thần bận rộn. Hồ nước đóng băng cho thấy các phong cảnh quen thuộc mới. Ông đã chú ý tới các con vật của mùa đông như con sóc đỏ là súc vật đã đánh thức ông vào buổi sáng.

14/ Chương 17 - Mùa Xuân.

Khi mùa xuân tới, hồ nước tan băng, ánh sáng mặt trời chiếu mạnh hơn, ngày trở nên dài hơn và vài con vật ra khỏi hang. Thoreau thì say mê vì mùa xuân mới, vì buổi sáng mùa xuân thật tươi đẹp: “tội lỗi của mọi người đã được tha thứ”.

15/ Chương 18 - Kết Luận.

Trong phần tóm tắt, Thoreau mô tả những gì đã học hỏi được tại Hồ Walden, ông đã cắt nghĩa rằng: nếu ai đi theo giấc mơ của ông một cách tin tưởng, người đó sẽ thành công không ngờ trong khoảng thời gian thông thường.

Mọi người không cần phải làm theo các đòi hỏi và mong đợi của các kẻ khác bởi vì nếu một người không theo kịp các bạn bè, có thể vì người đó đã đi theo một nhịp trống khác. Hãy để người đó bước đi theo nhịp điệu này mà người đó nghe thấy, dù cho là nhịp điệu nào đó hay là nhịp điệu xa vời. Lời khuyên cuối cùng của Henry David Thoreau là: “Hãy yêu đời của Anh” (Love your life).

III/ Tiểu Sử của nhà Triết Học Henry David Thoreau.

Henry David Thoreau (1817 - 1862) ra đời tại Concord, tiểu bang Massachusetts, là nhà văn, nhà thơ, nhà triết học, nhà sử học, nhà kinh tế học và phóng viên. Thoreau tốt nghiệp trường Đại Học Harvard vào năm 1837, bắt đầu viết tạp chí. Ông dạy học tại trung học nhưng rồi phản đối sự bó buộc của hệ thống giáo dục. Thoreau cũng bỏ công sức vào việc làm bút chì (pencils), đo đạc đất đai và theo đuổi một lối sinh sống khác thường khi ông theo bậc cao học.

Thoreau ngưỡng mộ các bài viết của Ralph Waldo Emerson (1803 - 1882) và phong trào siêu nghiệm (the Transcendentalist movement), đây là đường lối  triết học của một nhóm nhà văn miền New England, họ chủ trương sự ưu việt của tinh thần trong thế giới vật chất. 

Do bị hưng phấn do câu nói của Emerson “Hãy nghiên cứu thiên nhiên” (study nature) và “Biết Mình” (Know Thyself), Thoreau đã đi tìm một lối sinh hoạt giản dị, gần với thiên nhiên và xa lánh thứ xã hội phức tạp. Ông đã ở với gia đình Emerson từ năm 1841 tới năm 1843 và làm việc như một người thợ sửa chữa mọi thứ dụng cụ (a handyman). Ông đã quan tâm tới môi trường và khả năng sinh sống một cách phong phú hơn bằng cách phát triển trí óc và thân thể.

Thoreau đã xây dựng nên một căn nhà gỗ đơn giản trên mảnh đất của Emerson, gần Hồ Walden để trắc nghiệm ý tưởng trở về với thiên nhiên để làm hồi sinh tinh thần. Thoreau sinh sống tại căn nhà gỗ này từ ngày 4 tháng 7 năm 1845 tới ngày 6 tháng 9 năm 1847 rồi sau đó, ông trở về ở trong căn nhà của Emerson cho tới năm 1849.

Vào năm 1849, Thoreau cho phổ biến bài luận văn danh tiếng “Bất Tuân Dân Sự” (Civil Disobedience), đây là sự phản đối cách dùng quyền lực không đúng của chính quyền. Nhà cách mạng Ấn Độ Mahatma Gandhi đã đọc bài luận văn này vào năm 1907 và dùng làm căn bản cho phong trào phản kháng dân sự tại xứ Ấn Độ.

IV/ Các chủ đề và ý tưởng chính.

1/ Cá nhân chủ nghĩa.

Thoreau nhấn mạnh về sự quan trọng của ngôi thứ nhất “Tôi” (I). Ông đã coi nhân loại là một loại sinh vật đẹp đẽ và muốn các cá nhân suy nghĩ về các nhu cầu của mình, nâng cao các bản năng (instincts) lên mức độ cao nhất và làm cho cá nhân đồng nhất với thiên nhiên. Ông cho rằng điều này không thể thực hiện được khi các cá nhân trở thành các đám đông trong nhà máy.

Theo Thoreau, cá nhân thì quan trọng hơn đám đông (the group) và sự theo đuổi thú vui (pleasure) là đề tài chính của tác phẩm của ông. Tác phẩm Walden ca ngợi khả năng của cá nhân trong việc chọn lựa và tạo nên sự hạnh phúc của riêng mình. Cá nhân có thể nâng cao cuộc đời bằng cố gắng nhận thức và theo đuổi cuộc sống mà cá nhân đã nghĩ ra và cá nhân nên tạo ra một cuộc sống lý tưởng.

2/ Bất tuân dân sự (civil disobedience).

Để có kinh nghiệm về chủ nghĩa cá nhân (individualism), người ta cần phải từ bỏ các luật lệ thiêng liêng (sacred laws) của xã hội, chẳng hạn các loại thuế bất công, sự xâm phạm của chính quyền vào đời sống của các công dân v.v… Thoreau phản đối mọi loại chính quyền khai thác hay độc đoán đối với các công dân, ông tin tưởng rằng khi người dân tuân phục các định luật tự nhiên của chính mình, họ sẽ không bao giờ chống đối một chính quyền đúng đắn.

3/ Tỉnh Thức.

Phần lớn nhiều người không được hạnh phúc bởi vì tinh thần của họ bị ngủ mê, ngủ mê bởi vì họ chấp nhận một cách mù quáng và không suy nghĩ về các cách giải quyết theo truyền thống. Đối với Thoreau, cải cách tinh thần là sự cố gắng để không còn ngủ mê. Nhiều người không biết tới thời hiện tại (the present moment) nên họ không biết hưởng thụ đời sống và không hiểu rõ ý nghĩa của đời sống. Thoreau muốn đứng ở chỗ gặp gỡ của quá khứ và tương lai, bởi vì nhiều người đã không chiếm chỗ hiện tại (the present) mà ở sai chỗ.

4/ Sự đơn giản.

Người ta bị đe dọa bởi các vấn đề của đời sống, họ sẽ thấy cuộc đời của họ dễ dàng hơn nếu họ biết tỉnh thức và sinh sống theo hiện tại. Thoreau thúc dục các độc giả nên giữ cho mọi sự việc đơn giản và chuyên tâm vào các thứ căn bản. Một đời sống đơn giản là một cuộc đời không có nhiều tài sản. Vấn đề sở hữu khiến cho tài sản làm chủ cá nhân. Không nên bị vướng mắc vào các thứ vật chất và nên khám phá hiện thực (reality) ở chung quanh cá nhân.

5/ Thay đổi và tái sinh.

Theo Thoreau, phần lớn người đời thường chống lại sự thay đổi, sợ hãi các rủi ro và không hiểu rõ rằng “một người ngồi tại một chỗ thì cũng gặp nhiều rủi ro như khi người đó đang chạy”. Có một cách duy nhất để thắng sự sợ hãi về thay đổi, đó là thay đổi (to change). Quyển sách Walden kết thúc với câu chuyện một con bọ đẹp đẽ sinh ra từ một lá cây khô sau 60 năm, câu chuyện này đã khiến cho Thoreau tin tưởng vào sự tái sinh (rebirth) và khả hữu xuất hiện trở lại “sau một cuộc đời đã chết, khô cằn” để vui hưởng “một đời sống mùa hè hoàn hảo”.

6/ Các biểu tượng chính.

  • Cái hồ nước: là  biểu tượng của sự trong sạch và tự khám phá. Tắm trong hồ là một phần quan trọng của cách tẩy sạch tinh thần và thể chất mà tác giả gọi là “luyện tập tôn giáo” (a religious exercise). Cái hồ giống như một cái gương soi, cho phép người ta xem xét lại tâm hồn của mình.
  • Đường xe lửa: là biểu tượng của thương mại, tượng trưng cho tinh thần bành trướng và tàn phá thiên nhiên.
  • Y phục: người ta trong xã hội bị ám ảnh bởi vẻ bên ngoài. Quần áo giúp vào cách nhận diện các tầng lớp xã hội và theo tác giả Thoreau, nếu mọi người không mặc quần áo, sẽ không có việc nhận ra giai cấp xã hội và ông chủ trương rằng “hãy bán quần áo đi và giữ lại các tư tưởng” (sell your clothes and keep your thoughts).
  • Cánh đồng trồng đậu: công việc của tác giả ngoài cánh đồng giống như tiến trình viết văn. Ông đã quan sát công việc đồng áng, nhận xét sau khi san bằng một loại cây và trồng thêm một loại cây khác. Cũng phương pháp này áp dụng cho công việc viết văn.

V/ Cấu trúc và thể văn.

1/ Ngôn ngữ.

Tác giả cho rằng khi viết văn cần phải trong sáng, trực tiếp, có nhịp điệu, cách chọn các từ phải chính xác để giữ cho độc giả ở vào diện quen thuộc. Việc xử dụng các tham khảo về thần thoại, lịch sử cổ xưa, nghệ thuật và thánh kinh cổ Ấn Độ cho thấy rằng tinh thần của tác giả đang làm việc và đòi hỏi người đọc phải suy nghĩ. Đôi khi tác giả dùng thể văn khó khăn bởi vì tác giả muốn độc giả phải đọc kỹ, do bởi “đọc sách là cách luyện tập cao thượng” (Reading is a noble exercise). Tác giả Thoreau không muốn tác phẩm Walden thuộc loại “dễ đọc” (easy reading) và hy vọng rằng khi đọc tác phẩm này, người đọc sẽ suy nghĩ và định giá lại cuộc đời của mình.

2/ Cách kể chuyện.

Tác giả dùng ngôi thứ nhất vì muốn nói chuyện trực tiếp với độc giả, muốn cho họ biết các chi tiết về đời sống của tác giả tại Hồ Walden, với các vấn đề như: nấu ăn, làm vườn, làm nhà, câu cá. Tác giả cũng dùng một thứ lịch với các lời khuyên thực tế về đời sống trong cảnh hoang sơ. Phần lớn quyển sách dùng các động từ ở thì quá khứ để kể chuyện nhưng khi nói về các kỷ niệm và hồi tưởng thì tác giả dùng thì hiện tại.

3/ Các ẩn dụ.

Thoreau dùng dòng suối để tượng trưng cho sự nông cạn của đời sống: “thời gian chỉ là một dòng suối, nơi mà tôi đi câu, và tôi nhận thấy đáy của dòng suối thì quá nông cạn”. Ông cũng nhận ra rằng cây cối thức tỉnh lại vào mùa xuân và như vậy con người cũng có thể mở mắt to ra để nhìn thấy một cuộc đời mới.

Tác giả Thoreau cũng thường dùng thần thoại và lịch sử cổ xưa để tạo ra cảm giác về sự liên tục qua các thế hệ. Ông cũng dùng chu kỳ tự nhiên của bốn mùa, bắt đầu bằng mùa hè, cuộc sống đầy đủ, vui vẻ, cách tự tìm hiểu lên cao nhất, rồi qua mùa thu là bước loại bỏ các cách sống cũ, qua mùa đông khi tinh thần ngủ yên và cuối cùng dẫn tới mùa xuân là lúc tỉnh thức, tìm hiểu bản ngã.

Tác giả Thoreau dùng cách tiếp cận theo biện chứng (dialectical approach), ông đặt ra các câu hỏi, khuyến khích độc giả xác định lại các giá trị và ông đã dùng các tương phản để diễn tả các vấn đề: sự cô đơn đối với khách viếng thăm, các luật lệ cao cấp đối với những người láng giềng mộc mạc.

4/ Chủ Thuyết Siêu Nghiệm.

Các nhà triết học siêu nghiệm (transcendentalists), dẫn đầu bởi Emerson, tin tưởng vào cách sinh sống theo cảm hứng (inspiration), họ diễn đạt Thượng Đế là sự phối hợp của nhân loại và vũ trụ và họ tôn thờ Thượng Đế bằng cách sinh sống hài hòa với các định luật của thiên nhiên.

Các nhà siêu nghiệm không đặt ra một hệ thống triết học nhưng họ cố gắng duy trì một cuộc sống tốt (a good life) bằng cách đề cao các vẻ đẹp của thiên nhiên, gồm cả bản chất của con người (human nature) thay vì lo thu thập kiến thức hay tài sản.

Các nhà siêu nghiệm không là những người đi lễ nhà thờ đều đặn nhưng họ là những người có niềm tin tôn giáo sâu xa. Họ coi mình là những người đại diện cho Thượng Đế. Họ tin tưởng rằng con người có thể tạo nên một thiên đường trên trái đất bằng cách coi xét lại tâm của chính mình để tìm ra các định luật của đời sống và không bán linh hồn vì sự tiện nghi hay tiện lợi.

5/ Thiên nhiên.

Do tấm lòng tận tụy với thiên nhiên, Thoreau đã có được kiến thức sâu xa về thiên nhiên. Ông đã từng viết ra các lời thơ ca ngợi vẻ đẹp của các cánh rừng hay các cánh đồng sau khi đi tản bộ một cách bình thản. Do quan sát các hiện tượng thiên nhiên, Thoreau cho rằng luật đạo đức (moral law) và lương tâm cá nhân thì đáng được coi là cao hơn dân luật (civil law) và các luật lệ của chính quyền.

Thoreau tin tưởng rằng cá nhân nên duy trì cuộc sống một cách đơn giản và độc lập, ở bên ngoài các tổ chức xã hội và nền văn minh vật chất.

VI/ Nhận xét tác phẩm.

Henry David Thoreau là một nhà triết học thông minh, học rộng, yêu thích hòa bình, trật tự, sự thực và vẻ đẹp, nhưng ông thất vọng về những người láng giềng khi họ làm hỏng cuộc đời của họ bởi vì công việc, lòng tôn sùng sự thành công và tính tham lam vì các sở hữu vật chất. Đối với tác giả, những người kể trên bị coi là “đang ngủ”, họ thiếu lương tri (common sense) và khả năng nhìn ra các giá trị thực sự của đời sống: vẻ đẹp thiên nhiên, sự lương thiện, sự đơn giản, cách theo đuổi các thú vui bản năng và họ trở nên các máy móc của nền kỹ nghệ.

Kỹ nghệ bắt đầu xâm phạm vào thiên nhiên và phá hỏng các vẻ đẹp. Thoreau đã chỉ trích các người láng giềng bởi vì họ đã trở nên các kẻ nô lệ của chính mình và của các người khác. Ông cho rằng đời sống đơn giản và tự nhiên được coi là hạng nhất và các thái quá của nền văn minh đã hủy hoại sự hài hòa của đời sống và mọi người nên nhìn ra chung quanh để khám phá ra bản chất của chính họ.

Thoreau không phải là người chống đối xã hội, ông tin tưởng vào nhân loại nhưng ông muốn mọi người tiến bước hướng về một cuộc sống đơn giản bởi vì một con người văn minh có các nhu cầu được thỏa mãn một cách đơn giản. Thoreau không chống lại tiền bạc (money) nhưng phản đối sự theo đuổi tiền bạc mà mất đi sức khỏe, sự tự do và sự bình an tâm hồn.

Thoreau đã cố gắng sinh sống tại bờ Hồ Walden để thí nghiệm các ý tưởng kể trên và ông đã chuyên chú vào các nhu cầu căn bản. Ông đã coi cách thử nghiệm này là thành công.

Phạm Văn Tuấn


Tài liệu tham khảo: Wikipedia. org., Britannica Encyclopedia. Cliffsnotes, Sparknotes.




No comments

Powered by Blogger.