Phạm Văn Tuấn
I/ Cuộc đời của Nhà Văn Lewis Carroll.
Nhà văn Charles Lutwidge Dodgson, với bút hiệu là Lewis Carroll, ra đời vào
ngày 27 tháng 1 năm 1832 ở gần ngôi làng xa xôi của miền Daresbury, thuộc
Cheshire, tại miền trung tâm của nước Anh.
Charles Dodgson bắt đầu công việc học
tập khi ở trọ để theo học trường Richmond. Về sau ông theo học ngôi trường
Rugby danh tiếng, đã học hành rất giỏi nhưng ông ta không ưa thích cuộc đời
nhiều xáo trộn.
Vào năm 1851, ông Dodgson dời về
Oxford để tiếp tục theo học tại trường Nhà Thờ Chúa Jesus (Christ Church),
tại nơi này, ông học hành rất xuất sắc. Do thề nguyện sẽ sống độc thân, ông
được phong chức thầy trợ tế (deacon) vào năm 1861, nhưng ông đã không tiếp
tục con đường tu hành, một phần cũng vì ông ta có tật nói cà lăm nhẹ.
Tới năm 1855, ông Dodgson được bổ
nhiệm làm Giảng Sư Toán Học (mathematical lecturer) tại trường Nhà Thờ Chúa
(Christ Church), một chức vụ mà ông đã giữ tới năm 1881. Trong các năm này,
ông Dodgson đã theo đuổi hai thú vui giải trí, đó là môn nhiếp ảnh và môn
kịch nghệ (theater). Vào thời kỳ này, Nhiếp Ảnh còn là một môn học mới và
phức tạp nhưng ông Dodgson đã sớm hiểu rõ các bí ẩn của hóa chất và nghệ
thuật, và ông ta đã thực hiện được một số hình ảnh xuất sắc vào giai đoạn
đó.
Về kịch nghệ, ông Dodgson đã tham dự
hàng trăm buổi trình diễn kịch và ông đã tới thành phố London thường xuyên
vì các vở kịch trình diễn tại nơi này. Ông Dodgson đã kể cho nhiều bạn bè
nghe về rất nhiều kịch sĩ danh tiếng, kể cả cô nữ diễn viên Ellen Terry
(1848-1928) và ông đã giúp đỡ hàng trăm thiếu nữ trẻ bước vào ngành sân khấu
do ông giới thiệu họ với với các đạo diễn và quản đốc.
Ông Charles Dodgson đã phổ biến các
sách của ông bằng hai con đường: dưới tên thật là Charles Dodgson, ông viết
các sách toán và luận lý (logic) cũng như viết về các đề tài đúng đắn, nhưng
dưới bút hiệu Lewis Carroll, ông viết ra các truyện, các bài thơ, phát minh
ra các loại trò chơi (games) và các đố vui nát óc (puzzles).
Ông Charles Dodgson hay Lewis Carroll cũng phổ biến các tập sách mỏng mang
tính hài hước, kể lại về các tranh luận trong đại học Oxford. Các tác phẩm
bán chạy nhất của Lewis Carroll là cuốn truyện “Alice lạc vào xứ Thần Tiên”
(Alice in Wonderland, 1865), rồi tiếp theo là cuốn truyện “Qua tấm gương,
Alice đã tìm được gì ở đó” (Through the Looking Glass and what Alice found
there).
Ông Lewis Carroll có rất nhiều bạn
trẻ em (child-friends). Đối với các người bạn ít tuổi này, ông Carroll đã
viết thư cho họ, kể chuyện vui, vẽ hình và ngay cả dạy về môn Luận Lý. Các
bạn trẻ nhỏ tuổi này cũng thường là các người mẫu để ông Carroll chụp ảnh và
một số em đã khỏa thân lúc thu hình.
Vào thời đại Victoria, hình khỏa
thân trẻ em được xem xét bằng quan niệm khác với thành kiến của chúng ta
ngày nay, bởi vì đó là hình ảnh của sự trong sạch (purity) và được coi là
phổ thông, nhưng cũng có người cho rằng loại hình ảnh khỏa thân này sẽ làm
gia tăng nạn mại dâm trẻ em tại các miền thành thị. Ông Carroll đã hiểu rõ
sự tế nhị của vấn đề này và ông đã chỉ chụp ảnh loại này với sự cho phép của
cha mẹ các em.
Sự việc kết bạn với các trẻ em và
chụp hình khỏa thân cho các em nhỏ này đã khiến cho có người nghi ngờ hành
vi của ông Carroll nhất là khi bà mẹ của cô bé Alice Liddell đã không cho
phép cô bé Alice, 11 tuổi, liên lạc với ông Carroll nữa vào năm 1863 và bà
mẹ này cũng đã đốt tất cả các thư từ của ông Carroll gửi cho cô bé Alice.
Ông Carroll tiếp tục kết thân với
nhiều cô gái khác và nhiều các em này đã viết các bức thư có cảm tình với
ông cho tới khi một vài người trong số họ tới tuổi 18 hay 20.
Nhà văn Lewill Carroll qua đời vào
năm 1898, để lại thương nhớ cho gia đình, các bạn bè và cả thế giới trẻ em
khi chúng đọc các cuốn truyện của ông.
II/ Nguồn gốc của cuốn truyện.
Vào năm 1858, ông Carroll đã gặp gỡ
các đứa con của ông Henry George Liddell (1811-1898), đây là vị Khoa Trưởng
mới của trường Đại Học Nhà Thờ Chúa Jesus (Christ Church). Ông Carroll đặc
biệt mến yêu cô gái nhỏ 4 tuổi của ông Liddell, tên là Alice (1852-1934) rồi
trong các năm về sau, các người con khác của ông Liddell đã là các người bạn
thường xuyên của ông Carroll. Ông Carroll đã chụp hình cho các em nhỏ này,
kể chuyện và đưa các em đi chơi quanh miền Oxford.
Vào ngày 04 tháng 7 năm 1862, ông
Carroll đã đưa Alice Liddell (10 tuổi) cùng với cô chị Lorina (13 tuổi)
(1849 - 1930) và cô em Edith (8 tuổi) (1854 - 1876) đi chèo thuyền dọc theo dòng sông Thames. Trong chuyến đi này, ông Carroll đã kể chuyện “Các cuộc
Mạo Hiểm của Alice dưới mặt đất” (Alice’s Adventures underground) rồi cô bé
Alice đã yêu cầu ông Carroll viết truyện này ra giấy.
Ông Carroll là người đã từng viết ra các truyện ngắn trên các báo và các tạp
chí khôi hài, nên ông ta đã đưa các cô bạn trẻ tuổi coi bản thảo của cuốn
truyện “Các cuộc Mạo Hiểm của Alice” (Alice’s Adventures) trong đó ông đã
minh họa bằng các hình do ông vẽ ra. Các bạn bè khác cũng khuyến khích ông
Carroll nên xuất bản cuốn truyện, vì vậy ông Carroll đã viết lại phần bản
thảo rồi vào năm 1865, ông Carroll đã cho phổ biến cuốn truyện “Các cuộc Mạo
Hiểm của Alice lạc vào xứ Thần Tiên” (Alice’s Adventures in Wonderland).
Ông Carroll cũng thay thế các hình
minh họa do mình vẽ ra bằng các bức họa của nhà hoạt hình chuyên nghiệp John
Tenniel (1820 – 1914). Tác phẩm này đã trở nên cuốn truyện được các thiếu
nhi yêu thích nhất.
III/ Cốt Truyện.
Vào một ngày mùa hè ấm áp, Alice
ngồi bên bờ sông, đọc cuốn truyện của người chị rồi cảm thấy buồn ngủ. Bỗng
nhiên cô bé này trông thấy một chú thỏ trắng mặc áo khoác ngắn chạy gần cô
ta. Chú thỏ trắng rút ra trong túi một chiếc đồng hồ bỏ túi, kêu than rằng
chú ta bị trễ hẹn rồi chui xuống một cái hố. Alice bèn chạy theo chú thỏ,
chui xuống hố, tới một lối đi có nhiều cửa lớn. Cô bé nhìn thấy một cái cửa
nhỏ mà cô ta có thể mở ra được nhờ cái chìa khóa đặt trên một cái bàn ở bên
cạnh. Nhìn qua cái cửa này, Alice thấy một căn vườn rất đẹp, cô bé bắt đầu
khóc vì không thể đi qua cái cửa nhỏ đó.
Sau đó Alice lại nhìn thấy một cái lọ có chữ dán bên ngoài “Uống Tôi Đi”.
Alice bèn uống đủ liều để cho người nhỏ lại, vừa đủ để mong đi qua cái cửa
nhỏ đó nhưng cô bé lại quên không cầm cái chìa khóa đặt trên bàn cao hơn đầu
cô bé. Alice khám phá thấy một cái bánh có ghi hàng chữ “Ăn Tôi Đi”. Sau khi
ăn xong mẩu bánh, người của Alice lại cao lớn tới 9 feet (3 mét) nên không
thể chui qua cái cửa nhỏ. Trong lúc thất vọng, Alice bắt đầu khóc, các giọt
nước mắt khổng lồ của cô bé đã tạo nên một cái ao ở dưới chân của cô
bé.
Alice lại tìm thấy cây quạt mà con thỏ trắng đã bỏ lại, nên cô bé phe phẩy
bằng cây quạt này khiến cho thân thể của cô bé nhỏ trở lại rồi Alice bơi
trong cái ao do nước mắt của chính mình. Cùng với một toán các con chim và
các con thú khác, Alice bước lên bờ. Các con vật đã chạy lung tung để làm
khô thân mình của chúng. Alice đã kể cho các con vật về con mèo Dinah khiến
cho chúng hoảng sợ và bỏ chạy hết, chỉ còn cô bé ở lại một mình.
Alice gặp lại con thỏ trắng và con thỏ này tưởng nhầm rằng Alice là người
hầu của nó nên nó sai cô bé đi tìm kiếm vài món đồ vật. Trong khi ở trong
nhà của con thỏ trắng, Alice đã uống chất lỏng trong một cái chai không có
nhãn hiệu khiến cho cô bé lớn bằng tầm cỡ của căn nhà. Khi con thỏ trắng trở
về nhà, nó đã thấy Alice là một người khổng lồ rồi cô ta đã gạt con thỏ
trắng và các người hầu của nó bằng bàn tay to lớn. Các con vật bên ngoài căn
nhà đã dùng các hòn đá ném vào Alice nhưng không hiểu tại sao, khi chúng rơi
vào trong căn nhà, các hòn đá đó đã trở nên các mẩu bánh ngọt. Alice đã ăn
một mẩu bánh rồi con người của cô ta đã thành nhỏ bé trở lại.
Alice đi lang thang vào trong rừng, dọc đường cô ta gặp một con sâu bướm ngồi
trên một cây nấm và đang hút ống điếu. Con sâu bướm và Alice đã tranh luận với
nhau rồi con sâu bướm do chán ghét, đã bỏ ra đi, nó cho cô bé biết rằng cây nấm
này có các phần làm cho người ăn vào sẽ nhỏ lại hay to lớn hơn. Alice nếm
thử một mẩu nấm nên cái cổ của cô ta cao lên khỏi ngọn cây. Một con chim bồ
câu đã mổ và đánh cô ta vì nó tưởng rằng Alice là một con rắn đói bụng, đến
phá tổ trứng của nó.
Alice bèn ăn một phần của cây nấm nên người của cô bé nhỏ trở lại. Cô ta
nhìn thấy các tấm bảng chỉ đường nhưng chỉ loạn xạ các hướng, những thứ này
không giúp gì cho cô bé. Alice đi lang thang cho tới khi đi tới nhà của bà
Nữ Bá Tước. Cô bé bước vô nhà thì nhìn thấy bà Nữ Bá Tước đang ru một đứa bé
la hét, cùng với một con mèo Cheshire cười nhăn nhở và một người đầu bếp
đang nấu một nồi súp, ông này bỏ một lượng lớn các miếng ớt vô nồi
súp.
Bà Nữ Bá Tước đã đối xử không đẹp với Alice rồi bà ta đi chơi môn bóng vồ
(croquet) với Nữ Hoàng. Bà Nữ Bá Tước đã giao đứa bé cho Alice trông coi
nhưng Alice lại khám phá ra rằng đứa bé chỉ là một con heo. Alice thả con
heo rồi đi vào rừng, tại nơi này cô ta đã gặp lại con mèo Cheshire. Con mèo
cắt nghĩa cho Alice hiểu rằng mọi thứ trong Xứ Thần Tiên (Wonderland) đều
điên khùng hết, kể cả Alice. Con mèo Cheshire chỉ cho Alice biết con đường
dẫn tới nhà của con thỏ rồi nó biến đi với nụ cười nhăn nhở.
Khi Alice tới nhà con thỏ, cô ta đã nhìn thấy con thỏ, người bán mũ khùng và
con chuột đang ngồi uống trà với nhau. Cô ta đã không được đối xử lịch sự
nên đã bỏ đi, tiến vào khu rừng và đã thấy một khu vườn đẹp đẽ, thơm mùi
hoa. Alice đã nhìn thấy một bộ bài gồm có cả Vua, Hoàng Hậu và con thỏ trắng
đi vào vườn rồi Alice cùng với họ tham gia chơi môn bóng vồ (croquet). Sân
chơi thì không bằng phẳng, các cái vồ là các con hồng hạc (flamingos) còn
các trái bóng là các con nhím (hedgehogs). Khi chơi môn bóng vồ, Nữ Hoàng
thường hay tiêu diệt các tay chơi khác.
Trong khi các thứ điên khùng đang diễn ra, Alice gặp lại con mèo nhăn nhở và
nó hỏi cô ta chơi ra sao, khi đó ông Vua của các quân bài Cơ tìm cách ngắt
quãng cuộc nói chuyện thì con mèo nhăn nhở bèn đuổi Vua Cơ nên nhà Vua này
ra lệnh chặt đầu con mèo trong khi chính con mèo này chỉ có cái đầu mà không
có cái thân. Sau đó bà Nữ Bá Tước tới gần Alice và muốn làm quen nhưng Alice
cảm thấy không dễ chịu. Nữ Hoàng Cơ bèn đuổi bà Nữ Bá Tước đi và bảo Alice
rằng cô bé nên đến thăm con Rùa nhạo báng để nghe chuyện của nó.
Khi Hoàng Hậu Cơ cho con sử tử đầu chim (gryphon) đưa Alice tới gặp con Rùa.
Hai con vật này đã nghe một cách chăm chú Alice kể lại cuộc đi mạo hiểm của
mình. Sau đó tất cả nghe thấy lời tuyên bố rằng cuộc xét xử sắp bắt đầu nên
con sư tử đầu chim đã đưa Alice trở về khu chơi bóng vồ.
Vua Cơ là người đứng đầu vụ xét xử một kẻ bất lương đã ăn cắp bánh của Hoàng
Hậu. Các nhân chứng được gọi tới để khai ra các chứng cớ. Người bán mũ điên
khùng và người đầu bếp đều khai sự việc rồi con thỏ trắng đã gọi Alice ra
làm nhân chứng. Khi con thỏ trắng đưa chứng cớ ra là một bức thư, thì thứ
này lại trở thành một bài thơ rồi căn cứ vào đó, Vua Cơ coi đây là lời nhận
tội của kẻ bất lương.
Alice thì cho rằng lời ghi chú đó thì không có nghĩa gì cả nên đã phản đối
Vua Cơ. Hoàng Hậu vì vậy trở nên giận dữ đối với Alice nên đã ra lệnh chặt
đầu cô bé này nhưng Alice đã trở nên to lớn, nên đã gạt ngang tất cả đội
quân của Hoàng Hậu trong bộ bài.
Bỗng nhiên Alice thấy mình tỉnh ngủ, đang nằm trên đùi của người chị tại bờ
sông. Cô bé kể lại cho chị nghe về câu chuyện trong giấc mộng rồi đi vô nhà
uống trà, khi mà người chị suy nghĩ về các cuộc phiêu lưu của Alice.
IV/ Các chi tiết về Tác Phẩm.
Tên tác phẩm: Alice lạc vào xứ Thần Tiên (Alice’s Adventures in Wonderland).
Năm phổ biến đầu tiên: 1865.
Nhà xuất bản: Macmillan.
Loại tác phẩm: tiểu thuyết hư cấu, truyện trẻ em.
Ngôn ngữ: tiếng Anh.
Thời gian của truyện: 1859.
Địa điểm của truyện: trên một bờ sông thuộc về nước Anh và giấc mơ tại xứ
thần tiên.
Thể văn: quá khứ.
Lời văn: thân thiện, khôi hài.
Người kể truyện: nhân vật thứ ba, ẩn danh và biết rõ nhiều chuyện.
Nhân vật chính: cô bé Alice.
Nhân vật phản diện: Nữ Hoàng Cơ (the Queen of Hearts) thuộc bộ bài 52 lá (Cơ
Rô Chuồn Bích).
V/ Các nhân vật trong Tác Phẩm.
Alice: là nhân vật chính trong cuốn truyện, là một cô gái người Anh vào
khoảng 7 tuổi.
Lúc đầu cảm thấy ngỡ ngàng trong xứ Thần Tiên nhưng dần dần cô bé này thấy
tự tin hơn. Alice cũng là cô bé tò mò, tử tế và lễ độ.
Con sâu bướm (caterpillar): là con sâu hút thuốc, ngồi trên ngọn của một cây
nấm rơm và
đã hỏi Alice nhiều câu. Đây là con vật không lịch sự, nghiêm khắc nhưng cũng
đã cho Alice vài lời khuyên.
Nữ Bá Tước (Duchess): là một người đàn bà rất xấu xí, tàn nhẫn, đã coi mọi
sự việc là
vô nghĩa về đạo đức.
Con mèo Cheshire: đây là con mèo của nữ Bá Tước, nó thường hay nghiến răng,
tự
cho mình là điên khùng nhưng là con vật có lý nhất trong xứ Thần Tiên.
Anh đầu bếp (cook): là người hầu của bà nữ Bá Tước, đã nấu món súp với số
lượng
lớn ớt cay rồi ném mạnh các đĩa và nồi súp tới bà nữ Bá Tước và đứa trẻ thơ.
Con thỏ tháng Ba (March Hare): là chủ của bữa tiệc trà. Tên con thỏ này bắt
nguồn từ
thành ngữ “mad as a March hare” = điên như con thỏ của tháng Ba, nó thường
hiếu chiến và buồn rầu.
Nữ Hoàng Cơ (Queen of Hearts): là nhà cai trị độc tài, tàn bạo, cai quản xứ
Thần Tiên.
Bà ta giải quyết mọi vấn đề bằng cách ra lệnh chặt đầu nhưng theo con vật sư
tử đầu chim (Gryphon) thì bà này đã không hành hình một ai.
Vua Cơ (King of Hearts): người chồng hay lo lắng của Nữ Hoàng Cơ. Nhà vua
này đã
không đủ khả năng xét xử tại phiên tòa xử kẻ bất lương, ông ta thì bướng
bỉnh, chỉ nghĩ về mình và không được ưa chuộng.
Con thỏ trắng: nhân vật nông nổi trong xứ Thần Tiên. Lúc đầu con thỏ này cho
rằng Nữ
Bá Tước đang chờ đợi mình nhưng về sau nó trở nên dễ chịu khi đi vào trong
giới hoàng gia.
VI/ Các nhận xét về Tác Phẩm.
Vào thời đại Victoria, khi các cuốn
truyện về Alice được viết ra, phần lớn các sách truyện dành cho trẻ em đều
có tính cách rất mô phạm. Các truyện trẻ em thường dạy bảo các bài học đạo
đức và không có tính cách giải trí. Trong các cuốn truyện này, các trẻ em và
các con vật ngoan ngoãn thường được tưởng thưởng, trong khi các trẻ em không
vâng lời, hư hỏng thì bị trừng phạt đôi khi rất tàn nhẫn. Các sách truyện
như vậy có tính cách giảng đạo, nặng tình cảm và không có tính hấp dẫn.
Các truyện do Lewis Carroll viết ra,
kể về cô bé Alice đã trở nên phổ biến dễ dàng bởi vì không có tính cách mô
phạm bên trong. Tác giả Carroll thường đề cao trẻ em, không dạy các bài học
luân lý. Các nhân vật trong truyện như nữ Bá Tước (Duchess) đã nhấn mạnh
rằng cần phải tìm ra một bài học luân lý ở mọi thứ. Khi cô bé Alice gặp chai
nước có dán nhãn bên ngoài “Hãy uống tôi đi” thì cô ta nhớ lại câu chuyện
phải cẩn thận khi trước , đó là các trẻ nhỏ thường bị chết vì thuốc độc,
nhưng Alice vẫn uống nước trong cái chai đó do bên ngoài không dán nhãn
“thuốc độc”.
Alice thường bị bối rối, không biết
mình là ai. Khi nói chuyện với con sâu bướm, Alice biết rõ về mình lúc thức dậy
nhưng rồi các thay đổi đã làm cho cô bé không biết mình là ai nữa. Đã có lúc
thân hình của Alice cao tới 9 feet, rồi lại có khi cô bé bị nhỏ lại như một
con chuột, như vậy các đổi thay không ngờ đã xẩy ra cho các đứa trẻ, cho tới
tuổi trưởng thành.
Câu chuyện về cô bé Alice có thể
diễn giải theo nhiều góc cạnh khác nhau. Đây là một câu chuyện hoang tưởng,
không đầu không đuôi và không theo một trình tự lô-gíc nhưng bên trong câu
chuyện lại chứa đựng rất nhiều hình ảnh tưởng tượng và các nét đẹp thẩm mỹ.
Đây là thứ thế giới mơ mộng và con mèo Cheshire trước khi biến đi, còn cười
và nói rằng: “Ở đây, mọi người đều điên khùng”.
Đây cũng là lối nhìn của một con
người nghiện thuốc: cuộc hành trình của Alice từ khi rớt xuống hang thỏ đã
là một cảm giác “ngây ngất” giống như “phê thuốc” và hình ảnh cụ thể là chú
sâu bướm Caterpillar đang phì phèo điếu thuốc trên ngọn của một cây nấm.
Câu chuyện Alice còn biểu hiện một
hình thức nổi loạn chống lại các luật lệ khắt khe, trói buộc người phụ nữ
của xã hội Anh Quốc dưới thời của Nữ Hoàng Victoria.
Tờ Nhật Báo Libération (Giải Phóng)
số ra ngày 03/12/2015, đã tóm lược quan điểm của chuyên gia phân tích tâm lý
Christophe Bormans, cho rằng Lewis Carroll đã viết ra một cuốn tiểu thuyết
nhập môn về tình dục mà đây phải là phái nữ. Theo ông Bormans, câu chuyện
Alice tập trung vào vấn đề: như thế nào là một bé gái? Làm thế nào trở thành
một cô gái hay một phụ nữ?
Ông Bormans đã chứng minh được là
câu chuyện của Lewis Carroll đã mô tả những diễn biến tâm sinh lý của một cô
gái trong giai đoạn chuyển tiếp từ thuở ngây thơ sang tuổi dậy thì. Hình ảnh
cô bé Alice ngây thơ vì hiếu kỳ nên đã theo đuổi con thỏ trắng (biểu tượng
cho sự khao khát dục vọng) và bộ lông trắng của con thỏ tượng trưng cho phụ
nữ. Rồi Alice cảm thấy vui thích khi khám phá ra các cảm giác ham muốn mới
về tình dục nhưng cũng cảm thấy lo sợ trước những cảm giác này.
Cuốn truyện “Alice lạc vào xứ Thần
Tiên” do nhà văn người Anh Lewis Carroll sáng tác đã ra mắt công chúng chính
thức vào ngày 04/07/1865, nhưng trước đó hơn nửa năm, vào ngày 16/11/1864,
tác phẩm này lại là một món Quà Giáng Sinh đặc biệt mà nhà văn Lewis Carroll
tặng cho cô bé Alice “thật” ngoài đời.
Theo quan điểm của nhiều nhà phê
bình, đây cũng là một tập truyện dành cho người lớn do bởi liên quan tới 3
vấn đề: sự gây ảo giác, tình dục và sự nổi loạn.
Câu truyện của Lewis Carroll đã thu
hút sự đam mê của hàng triệu độc giả trên thế giới, làm bay bổng trí tưởng
tượng của biết bao trẻ thơ và ngay cả của người lớn, là nguồn cảm hứng của
nhiều ca sĩ từ The Beatles cho đến Damon Albarn... và cả giới Điện Ảnh nữa.
Sự thành công của tác phẩm “Alice
lạc vào xứ Thần Tiên” là do bố cục độc đáo. Về mặt hình thức, đây là các câu
chuyện dành cho thiếu nhi bởi vì tác phẩm này đã tràn ngập các sinh vật
tưởng tượng và hoàn toàn đặc biệt.
Vào năm 2015, cuốn truyện “Alice lạc
vào xứ Thần Tiên” được tròn 150 tuổi. Vào năm này, nước Pháp dành cho Alice
một vị trí đặc biệt trong Hội Chợ Sách Thiếu Nhi Montreuil. Nước Nhật Bản
cũng nhân lễ Kỷ Niệm này đã cho tái xuất hiện nhân vật Alice bằng các nét vẽ
truyện tranh Manga, với cô bé Alice có đôi mắt tròn và to, với các màu sắc
linh động và bắt mắt để hấp dẫn các độc giả thiếu nhi.
Nhộn nhịp nhất là tại nước Anh, quê
hương của cô bé Alice, với các chương trình văn hóa như tại Viện Bảo Tàng Kể
Chuyện Story Museum ở Oxford, với các cuộc đi thuyền dọc theo giòng sông
Thames để nghe kể chuyện về Alice. Các du khách còn có thể tới Brighton là
nơi có một khách sạn tên là “Ngôi nhà trong xứ Thần Tiên” (Wonderland
House), du khách có thể ngủ trong những căn phòng danh tiếng như Alice’s
Room, The Queen of Heart’s Room, hay là The Tweedles Bedroom và ăn sáng bên
chiếc bàn Enchanted Table. Thêm vào đó là The Looking Glass Cottage, nằm
cách không xa bờ biển tuyệt đẹp của miền Nam nước Anh.
“Alice lạc vào xứ Thần Tiên” còn là
đề tài cho các bộ phim danh tiếng của Hollywood và các vở kịch trình diễn
tại các nhà hát lớn.
Tài liệu tham khảo: Wikipedia.org, Britannica Encyclopedia,
Cliffsnotes, Sparknotes.
Post a Comment