Bùi Quý Chiến
Một bài ca dao cho chúng ta biết vài nét văn hóa cổ.
Ngày xưa gái quê cũng có người thuộc loại "anh chị".
Có một chị quyến rũ được một anh bỏ vợ về sống chung với mình. Người vợ đi
kiếm chồng bị chị lên mặt xưng chị và đòi tiền chuộc chồng, bằng không hai
người đánh nhau, chồng sẽ thuộc về người thắng:
Năm quan tiền tốt bó mo
Làm tờ ký chỉ, chị cho chuộc chồng
Măng non nấu với gà đồng
Chơi nhau một trận xem chồng về ai?
Gìa gan cướp được chồng người
Non gan hết vía rụng rời chân tay.
Câu "Măng non nấu với gà đồng" chỉ có vai trò chuyển âm vận từ câu trên
xuống câu dưới .
Hai câu cuối là lời phê phán của người ngoài cuộc.
Đinh Tiên hoàng là người đầu tiên đúc tiền gọi là tiền Thái bình thông bảo.
Trước đó chỉ có một số tiền Tàu lưu hành trong giới quan lại . Dân gian mua
bán bằng cách trao đổi sản vật.
Tiền bằng đồng, hình tròn, một mặt trơn, một mặt đúc tên tiền của triều đại
bằng Hán tự (đời Tiền Lê là Thiên phúc trấn bảo, đời Lý là Thiên thuận thông
bảo, đời Hậu Lê là Thuận thiên thông bảo...) Tiền chỉ có một mệnh giá là một
đồng. Bội số của một đồng là một tiền, bằng 60 đồng. Lớn hơn là một quan,
bằng 10 tiền tức 600 đồng.
Mang một quan đi chợ người ta phải mang 600 đồng tiền. Để tiền khỏi thất
thoát vì vương vãi, người ta gói lại bằng mo.
Mo là bẹ của tàu cau. Mo phơi khô dùng làm quạt; khi phơi tái, mo trở nên
mềm và dai, được dùng để nắm cơm hoặc gói tiền.
Những vật được gom lại theo dạng ống gọi là bó: bó rau, bó mạ, bó củi, bó
hoa, ngồi bó gối ... "Tiền bó mo" là tiền được gói lại bằng mo cau như bó
giò.
Theo Đào duy Anh, tác giả "Việt nam văn hóa sử cương", vua Lê Thái tông cho
đúc tiền Thiệu bình có lỗ vuông ở giữa để có thể lấy dây xâu lại thành
chuỗi. Cách này không chỉ giúp cho tiền khỏi thất thoát mà còn tiện lợi cho
việc đem theo người và dễ đếm.
Lê Thái tông trị vì từ 1434-1442, vậy chuyện cô gái đòi tiền chuộc chồng
phải xảy ra từ trước thế kỷ 15.
Vua Thái tông rất thông minh (con của Lê Lợi) nhưng đam mê sắc dục nên chỉ
thọ được 20 tuổi. Thái tông chết liên lụy tới Thị Lộ khiến Nguyễn Trãi bị
giết hết ba họ.
Ngày nay gọi điểm chỉ là lăn tay. Tuy nhiên có điều khác nhau: điểm chỉ là
in đầu ngón tay trỏ còn lăn tay là in đầu ngón tay cái.
Theo Hoàng thúc Trâm, tác giả "Lịch sử văn hóa Việt nam", vua Trần Thái tông
đặt lệ rằng những văn thư giao dịch trong dân gian như di chúc, văn tự mua
bán ruộng đất, văn khế cầm cố ruộng đất để vay tiền ... phải có điểm chỉ của
đương sự và người chứng.
Văn thư viết bằng chữ nôm hoặc Hán tự, chỉ viết được một mặt tờ giấy vì mực
thấm sang mặt sau. Chữ viết theo hàng dọc từ trên xuống dưới và từ phải sang
trái. Văn thư phải bỏ trống hàng thứ ba, mặt sau của hàng này ghi tên đương
sự và dưới tên này đương sự điểm chỉ.
Trở lại mặt trước của văn thư, hàng thứ tư cũng bỏ trống để ghi tên người
chứng và người chứng điểm chỉ dưới tên mình.
Văn thư viết tiếp từ hàng thứ năm.
Điểm chỉ là bôi mực vào đầu ngón tay trỏ của bàn tay phải rồi in xuống giấy.
Đó là dấu hiệu đương sự và người chứng xác nhận những điều viết trong văn
thư là đúng sự thật. Cũng như ngày nay người ta xòe bàn tay phải ngang vai
để thề.
Ngày nay mục đích của lăn tay là để xác nhận lý lịch qua vân tay.
Hoàng thúc Trâm tham khảo "Đại Việt sử ký toàn thư" của Ngô sĩ Liên cho rằng
lệ điểm chỉ là lệ riêng của nước ta do sáng kiến của vua Trần Thái tông,
nước Tàu không có lệ này.
Trần Thái tông tức Trần Cảnh được Lý Chiêu hoàng nhường ngôi, do âm mưu của
Trần thủ Độ nhằm chiếm ngôi nhà Lý cho nhà Trần.
Trở lại bài ca dao trên. "Làm tờ ký chỉ" là người vợ phải viết giấy thỏa
thuận trả 5 quan tiền chuộc chồng, giấy thỏa thuận phải có tên và điểm chỉ
của người vợ và người chứng .
Vua Trần Thái tông trị vì từ 1225-1293, vậy chuyện cô gái đòi tiền chuộc
chồng xảy ra trong khoảng từ đầu đời Trần tới đầu đời Hậu Lê.
Ngày xưa nước ta không có nạn bắt cóc đòi tiền chuộc; chỉ có 2 trường hợp
phải trả tiền chuộc.
- Trường hợp 1: phải trả tiền chuộc để được hoàn lại vật hoặc thú
nuôi bị mất về tay người khác. Vật và thú nuôi bị mất phải do sơ xuất của sở
hữu chủ, không phải bị trộm cắp. Đây là tục lệ, không phải luật định. Người
bắt được vật hoặc thú nuôi có thể vì trọng nghĩa khinh tài nên không đòi
tiền chuộc.
Ngày nay cũng trường hợp này , luật buộc người bắt được vật hoặc thú nuôi
phải trả lại sở hữu chủ; có thể được sở hữu chủ hậu tạ.
- Trường hợp 2: ngày xưa võ tướng phạm lỗi ngoài chiến trường có thể
được vua cho lập công chuộc tội. Lập công có thể mất mạng nhưng chuộc được
tội là phục hồi danh dự; đối với võ tướng, danh dự lớn hơn mạng sống.
Một hình thức chuộc tội khác: để có ruộng cấp cho nông dân nghèo, Hồ quý Ly
cho người giàu được chuộc tội bằng ruộng.
Trở lại bài ca dao. Cô gái đòi tiền chuộc chồng là điều xưa nay chưa từng
có. Đặt điều kiện ngang ngược, cô muốn tỏ ra có ưu thế hơn người vợ.
Đó là cách lộng ngôn, thực tế là
"chơi nhau một trận xem chồng về ai?".
Khi người tình thách đánh nhau với người vợ chính thất, người ta nói là ghen
ngược.
Bùi Quý Chiến
-----------------------------------------------
Tham khảo:
- Đại nam quấc âm tự vị của Huỳnh tịnh Paulus Của
- Việt nam văn hóa sử cương của Đào duy Anh
- Lịch sử văn hóa Việt nam của Hoàng thúc Trâm
- Tục ngữ phong dao Việt nam của Nguyễn văn Ngọc
Subscribe to:
Post Comments
(
Atom
)
Post a Comment