Phạm Văn Tuấn
Daniel Defoe là nhà văn và nhà báo người Anh, nổi tiếng với tác phẩm Robinson
Crusoe. Daniel Defoe còn là một trong các nhà văn viết tiểu thuyết đầu tiên
của nước Anh, ông đã viết ra hơn 500 cuốn sách, các tập sách mỏng và các bài
báo về nhiều loại đề tài chẳng hạn như chính trị, tôn giáo, hôn nhân, tội ác
(crime), tâm lý và siêu nhiên (supernatural). Daniel Defoe cũng là một nhà
tiền phong trong ngành báo chí kinh tế (economic journalism).
1/ Cuộc đời của nhà văn Daniel Defoe.
Tên lúc mới sinh ra của Daniel Defoe là “Foe”, không phải là “Defoe”. Daniel
Defoe có lẽ chào đời tại giáo sứ St Giles Cripplegate, thành phố London, nước
Anh. Sau này ông Daniel đã thêm vào họ của mình chữ De để có vẻ quý tộc và đôi
khi ông cũng tự nhận mình là giòng dõi của gia đình De Beau Faux.
Cả hai ngày sinh và nơi sinh của Daniel
Defoe đều không chắc chắn bởi vì có các tài liệu viết rằng ông ra đời vào năm
1659 hay 1661. Cha của Daniel Defoe là ông James Foe, là một người làm nến
(đèn cầy, chandler).
Các năm thiếu thời của Daniel Defoe là
những năm đầy biến cố bất thường trong lịch sử của nước Anh. Vào năm 1664 khi
Defoe có lẽ mới được 4 tuổi, Hạm Đội của Hòa Lan đã đi vào giòng sông Thames
và bắn phá thành phố London. Năm sau 1665, bệnh dịch đã giết chết 70,000
người. Rồi tai họa đáng kể nhất là trận Hỏa Hoạn Lớn (the Great Fire of
London) đã đốt cháy vùng lân cận của Daniel, chỉ chừa lại 3 căn nhà trong đó 1
căn là của gia đình Defoe. Tất cả những tại họa này đã xẩy ra khi Defoe được 7
tuổi, rồi tới khi lên 14 tuổi, bà mẹ của Daniel qua đời.
Cả hai cha và mẹ của Daniel đều là
những người không ưa đạo Tin Lành Presbyterian nên Daniel được giáo dục tại
trường học không thuộc về Anh Cát Giáo tại miền Stoke Newington, điều
hành do ông Charles Morton và ông này về sau làm Viện Phó (vice-president) của
trường Đại Học Harvard.
Mặc dù Daniel là một tín đồ Thiên Chúa
giáo (a Christian) nhưng vì không muốn trở nên một mục sư khác đạo, Daniel đã
đi vào thương trường, theo nghề buôn bán nhiều sản phẩm như hàng dệt
(hosiery), hàng len và rượu mạnh. Với nhiều tham vọng, Daniel Defoe đã từng
mua một khu nông trại và một con tầu biển nhưng trong khi ông ta vẫn mắc nợ.
Vào năm 1684, Daniel Defoe kết hôn với
một người đàn bà tên là Mary Tuffley để có số tiền hồi môn là 3,700 bảng Anh,
họ có 8 người con với 2 đứa trẻ qua đời sớm và cuộc hôn nhân của Daniel Defoe
không được vui vẻ vì nợ nần thường xuyên.
Vào năm 1865, ông Defoe tham gia vào
cuộc nổi loạn Monmouth sớm thất bại (the ill- fated Monmouth Rebellion) nhưng
ông đã thoát nạn, không bị đưa ra tòa án đại hình. Tới năm 1692, Defoe bị giam
giữ vì thiếu nợ 700 bảng Anh trong khi thực ra, ông ta còn mang nợ tới 1,700
bảng Anh. Daniel Defoe thường hay than van trong khi cách làm ăn của ông ta
không phải là luôn luôn lương thiện.
Sau khi ra khỏi nhà tù, Defoe có lẽ đã
đi du lịch qua châu Âu và xứ Tô Cách Lan (Scotland), và có thể vào thời gian
này, ông ta đã buôn bán rượu chát tới các địa phương Cadiz, Porto và
Lisbon.
Vào năm 1695, Defoe trở lại nước Anh và
từ nay, ông ta dùng tên gọi “Defoe” và làm ủy viên thuế vụ của kỹ nghệ thủy
tinh (commissioner of the glass duty), có nhiệm vụ là thu thuế các loại sản
phẩm đóng vô chai. Qua năm 1696, Defoe là chủ của một cơ sở gạch ngói tại
Tilbury, Essex, và có lẽ ông cư ngụ gần Chadwell St Mary.
Tác phẩm đầu tiên của Daniel Defoe là
cuốn sách “Một Tiểu Luận về các Dự Án” (An Essay upon Projects) trong đó bao
gồm nhiều đề nghị cải tiến xã hội và kinh tế. Từ năm 1697 tới năm 1698, Daniel
Defoe đã là người bảo vệ quyền lực của Vua William III để có một đạo quân được
duy trì trong cuộc giải giới (disarmament) sau Hòa Ước Ryswick (the Treaty of
Ryswick, 1697). Ông Defoe đã bênh vực nhà vua kể trên và trêu chọc các người
Anh chủ trương thuần chủng (racial purity).
Các cuốn sách mỏng do Defoe viết ra
cùng với các hoạt động chính trị khiến cho ông bị bắt và bị nhốt vào nhà tù
Newgate vào ngày 31/7/1703. Sau đó Hầu Tước Robert Harley đã chuộc Defoe ra
khỏi nhà tù và để đổi lại, ông ta phải làm một nhân viên tình báo.
Sau một tuần lễ ra khỏi nhà tù, Daniel
Defoe đã chứng kiến trận bão lớn năm 1703 và trong 2 ngày 26 và 27 tháng
11/1703, trận bão này từ Đại Tây Dương thổi vào nước Anh với tốc độ tối đa,
gây thiệt hại nặng nề cho hai thành phố London và Bristol, đã làm tróc gốc
hàng triệu cây trồng và hơn 8,000 người đã bị thiệt mạng, phần lớn trên biển
cả. Biến cố này đã khiến cho Daniel Defoe viết ra tác phẩm “Bão Tố” (The Storm
- 1704) trong đó có các nhân chứng đã mô tả trận bão.
Cùng vào năm này, Daniel Defoe viết ra
cuốn sách “Một Bình Luận về các Sự Việc của nước Pháp” (A Review of the
Affairs of France) qua đó tác giả ủng hộ Bá Tước Robert Harley, bàn về các
biến cố trong cuộc chiến tranh Nối Ngôi tại Tây Ban Nha (the War of the
Spanish Succestion, 1702-14). Cũng trong thời gian tới năm 1714, Daniel Defoe vẫn là
một nhân viên tình báo cho chính quyền đảng Whig.
Vào năm 1719, Daniel Defoe cho xuất bản
cuốn tiểu thuyết Robinson Crusoe rồi sau đó là các tác phẩm khác: Appeal to
Honour and Justice (1715), The Family Instructor (1715), Minutes of the
Negotiations of Monsr. Mesnager (1717)…
Daniel Defoe qua đời vào ngày
26/4/1731, có lẽ trong thời gian đi trốn nợ. Ông được chôn cất trong nghĩa
trang Bunhill Fields, trong thành phố London.
2/ Về cuốn truyện Robinson Crusoe.
Cuốn truyện danh tiếng Robinson Crusoe (1719) của Daniel Defoe kể lại về một
người bị đắm tầu rồi bước lên một hòn đảo hoang vắng và các cuộc phiêu lưu về
sau của ông này. Tác giả Defoe có lẽ đã căn cứ vào câu chuyện của một người Tô
Cách Lan (Scottish) bị đắm tầu và sống trên một hoang đảo tên là Alexander
Selkirk. Cũng có thể tác giả Defoe có được nguồn cảm hứng do bản dịch tiếng
Anh của một cuốn tiểu thuyết trước đó, có tên là Philosophus Autodidactas của
tác giả Abubacer nói về một hòn đảo hoang dã.
Vào năm 2002, trong cuốn sách “Đi tìm
Robinson Crusoe” (Seeking Robinson Crusoe), tác giả Tim Severin đã kết luận
rằng hình ảnh Robinson Crusoe thực sự là một vị y sĩ bị đắm tầu tên là Henri
Pitman. Trong cuốn sách mỏng này, ông Pitman đã kể lại sự trốn thoát khỏi một
hòn đảo ngục tù trong vùng biển Caribbean bởi vì ông ta đã ở trong cuộc nổi
loạn Monmouth.
Sự việc bị đắm tầu và các phiêu lưu
trên một hòn đảo hoang của ông Pitman đã được xuất bản thành sách do ông J.
Taylor cư ngụ trên đường Paternoster, thành phố London và con trai của ông J.
Taylor là William Taylor về sau đã xuất bản cuốn tiểu thuyết của Daniel Defoe.
Nhà văn Daniel Defoe có thể đã gặp mặt ông Pitman và đã học hỏi các kinh
nghiệm sống thực của một người bị đắm tầu.
Ông Tim Severin còn cung cấp đầy đủ các
chứng cớ về chuyện một người bị bỏ lại nơi hoang đảo tên là Will, thuộc sắc
dân Miskito của vùng Trung Mỹ và câu chuyện của kẻ xấu số kể trên đã khiến cho
nhà văn Daniel Defoe chú ý và dẫn tới việc mô tả anh Thứ Sáu (Man Friday)
trong cuốn truyện của ông ta.
3/ Các chi tiết về Tác Phẩm Robinson Crusoe.
-
Tên đầy đủ của tác phẩm: Cuộc đời và các cuộc phiêu lưu kỳ lạ và
đáng ngạc nhiên của Robinson Crusoe, một người đi biển từ thị trấn York
(The Life and Strange Surprising Adventures of Robinson Crusoe, of York,
Mariner): Anh Crusoe này đã sinh sống trong 28 năm một mình trên một hòn
đảo hoang vắng thuộc bờ biển của châu Mỹ, gần cửa sông lớn Oroonoque.
Robinson bị trôi dạt lên bờ do một vụ đắm tầu trong khi các người khác đều
bị chết ngoại trừ anh ta. Cuối cùng Robinson được cứu thoát do các kẻ cướp
biển.
-
Thời gian và nơi viết ra tác phẩm: năm 1719 tại thành phố London,
nước Anh.
- Năm xuất bản: 1719.
- Tên nhà xuất bản: William Taylor.
- Loại tác phẩm: tiểu thuyết về đắm tầu, chuyện phiêu lưu.
- Ngôn ngữ: tiếng Anh.
-
Thể văn và giọng văn: quá khứ, không cảm xúc, chi tiết tỉ mỉ, chủ
quan.
- Thời gian của câu chuyện: 1652 – 1694.
-
Các nơi chốn trong tác phẩm: nước Anh, Bắc Phi, nước Brazil, một
hòn đảo hoang của Trinidad, thành phố Lisbon.
-
Người kể chuyện: Robinson Crusoe trong ngôi thứ nhất và thứ ba.
- Quan điểm: của Robinson Crusoe.
-
Các hoàn cảnh: nỗi cực khổ, sự thiếu thốn, cảnh cô đơn và các kẻ ăn
thịt người.
4/ Cốt truyện.
Robinson Crusoe là một người Anh thuộc về thế kỷ 17, cư ngụ trong thị trấn
York. Cha của anh ta là một nhà buôn gốc Đức, muốn anh ta học Luật nhưng
Crusoe lại muốn đi biển. Cha của anh Crusoe nói rằng anh nên tìm kiếm một đời
sống tầm thường và chắc chắn.
Crusoe đã vâng lời cha trong một thời
gian rồi sau đó anh ta đã bị cám dỗ, bước lên một con tầu thủy với một người
bạn để tới thành phố London. Khi một trận bão lớn xẩy ra khiến cho Crusoe và
người bạn suýt chết, người bạn này đã can ngăn Crusoe không nên đi biển nữa
nhưng anh ta vẫn nhất định, tự lập nên một hãng buôn để rời khỏi thành phố
London. Cuộc đi xa này đã thành công về mặt tài chính nên Crusoe đã trù liệu
một cuộc hành trình khác, để lại phần tiền lời cho một người bạn góa
phụ.
Trong lần đi thứ hai của Crusoe, con
tầu đã bị các hải tặc Moorish cướp đoạt và Crusoe bị bán làm nô lệ cho một ông
vua của thị trấn Sallee thuộc miền Bắc Phi. Trong một cuộc đi câu cá, Crusoe
và một đứa trẻ khác đã bỏ trốn rồi dương buồm đi dọc theo bờ biển của châu
Phi. Một thuyền trưởng Bồ Đào Nha có lòng tốt đã cho 2 người này lên tầu, đã
mua lại đứa trẻ nô lệ từ Crusoe và đưa Crusoe tới xứ Brazil. Tại Brazil,
Crusoe đã sinh sống tự lập, trở nên chủ nhân của một đồn điền và sớm trở nên
thành công. Anh ta tham gia vào các chuyển đi thu gom các dân nô lệ tại miền
Tây Phi nhưng cuối cùng bị đắm tầu bên ngoài bờ biển của xứ Trinidad.
Crusoe là người duy nhất được sống sót trong cuộc đi biển này. Anh ta đã
trở lại nơi bị đắm tầu 12 lần để tìm kiếm các thứ còn sót lại như súng, thuốc
súng, đồ ăn và các thứ vật dụng khác. Trên bờ, Crusoe đã tìm thấy các con dê
và anh ta nuôi các con thú ăn cỏ này để lấy thịt và anh ta cũng tự xây dựng
nên được một nơi cư trú. Crusoe dựng nên một cây thánh giá và ghi trên đó ngày
bị lạc trên hòn đảo, mồng 1 tháng 9 năm 1659 và mỗi ngày, anh khắc một nét để
biết ngày tháng. Anh ta cũng ghi lại các hoạt động, tập làm ra các cây nến và
khám phá ra nơi có các hạt ngũ cốc mọc lên để rồi lập ra một cái hầm chứa thức
ăn.
Vào tháng 6 năm 1660, Crusoe bị đau ốm
và bị ảo giác, cảm thấy rằng có một thiên thần tới thăm viếng anh ta và khuyên
anh ta phải sám hối. Sau khi khỏi bệnh, Crusoe khám phá ra rằng mình đang sống
trên một hòn đảo. Anh ta đã tìm thấy một thung lũng xanh tươi có nhiều trái
nho rồi làm tại nơi này một chốn cư ngụ trong bóng mát.
Crusoe bắt đầu cảm thấy lạc quan về việc ở trên hòn đảo này và tự coi mình như
một ông vua. Anh ta huấn luyện một con vẹt, dùng 1 con dê như một con thú cưng
và tập cách đan giỏ, làm bánh mì và đồ gốm. Anh ta chặt được một cây sồi lớn
để làm ra một con thuyền nhưng thấy rằng một mình không thể di chuyển con
thuyền gỗ này xuống biển. Sau khi đã làm được một con thuyền nhỏ hơn, Crusoe
chèo thuyền quanh hòn đảo và suýt nữa bị chết bởi vì một giòng nước mạnh đã
làm cho con thuyền nhỏ này trôi giạt ra xa. Sau khi lên được bờ, Crusoe nghe
thấy con vẹt kêu tên anh ta và anh ta đã cảm ơn Thượng Đế bởi vì đã thoát nạn.
Crusoe đã trải qua nhiều năm trên hòn đảo này.
Một hôm Crusoe bị sửng sốt khi nhìn thấy các vết chân người trên bờ biển. Đầu
tiên anh ta cho rằng vết chân của một con ma quỷ nào đó nhưng rồi xác định là
của một trong các kẻ ăn thịt người trong vùng này. Hoảng sợ, Crusoe bèn mang
súng và xây dựng một căn hầm dưới mặt đất để lùa các con dê xuống ở dưới đó
vào ban đêm.
Vào một buổi chiều, Crusoe nghe thấy các tiếng súng nổ rồi vào ngày hôm sau,
anh ta nhìn thấy một con tầu bị đắm, trôi dạt vào bờ biển. Khi Crusoe tới tìm
hiểu thì con tầu này trống không. Không lâu sau đó, anh ta thấy các mảnh thân
xác người rải rác trên bờ, rõ rằng đây là phần còn lại của một bữa tiệc ăn
thịt người. Sau đó Crusoe nhìn thấy vào khoảng 30 tên ăn thịt người lên bờ với
các nạn nhân của chúng. Một trong các nạn nhân bị giết, một người khác đang
chờ bị làm thịt thì bỗng nhiên anh chàng này tháo gỡ được các sợi dây trói rồi
bỏ chạy về phía Crusoe đang đứng núp. Crusoe đã che chở cho người này và giết
chết một kẻ đuổi theo cũng như làm bị thương các kẻ khác. Nhờ có vũ khí đầy
đủ, Crusoe đã đánh bại các kẻ ăn thịt người trên bờ biển. Anh chàng nạn nhân
sau đó đã hoàn toàn vâng phục Crusoe. Crusoe gọi tên anh ta là Thứ Sáu
(Friday) để nhớ ngày anh ta được cứu mạng sống và Crusoe dùng anh này làm một
người hầu.
Do nhận thấy Thứ Sáu vui vẻ và thông minh, Crusoe dạy cho anh này vài câu
tiếng Anh và vài quan niệm sơ đẳng về Thiên Chúa Giáo. Thứ Sáu cắt nghĩa rằng
các kẻ ăn thịt người được chia thành các bộ lạc khác nhau và họ chỉ ăn thịt
người của bộ lạc khác. Các kẻ ăn thịt người chưa giết chết các người mà Crusoe
đã thấy họ bị đắm tâu trước kia. Các người bị đắm tầu này là các người Tây Ban
Nha, hiện sinh sống gần miền này. Thứ Sáu cũng mong có ngày được trở về bộ lạc
của nó nhưng Crusoe thì sẽ rất buồn rầu khi phải xa lìa anh ta. Rồi cả hai
người đã chế tạo được một con thuyền để cùng tới miền đất của các kẻ ăn thịt
người.
Một hôm, 21 kẻ ăn thịt người dùng thuyền tới hòn đảo của Crusoe, họ dẫn theo 3
nạn nhân, một trong 3 người này mặc y phục của châu Âu. Crusoe và Thứ Sáu đã
giết chết gần hết các kẻ ăn thịt người kia rồi giải thoát cho người châu Âu.
Đây là người Tây Ban Nha. Thứ Sáu thì quá vui mừng khi khám phá thấy rằng một
trong các nạn nhân được cứu thoát là cha của anh ta. Cả 3 người được giải
thoát đã trở về nơi Crusoe cư ngụ để ăn uống và nghỉ ngơi. Crusoe đã phái cha
của Thứ Sáu và người Tây Ban Nha đi khám phá miền đất bên cạnh.
Tám ngày sau, một con tầu biển Anh tới nơi. Thứ Sáu báo động còn Crusoe nghi
ngờ. Họ thấy 11 người dẫn theo 3 kẻ bị bắt từ một con thuyền lên bờ. 9 người
trong bọn này đi thám hiểm để lại 2 người canh giữ các kẻ bị bắt. Thứ Sáu và
Crusoe đã trấn áp được 2 tên canh giữ và thả ra các người bị bắt, 1 trong các
người này lại là ông thuyền trưởng của con tầu Anh đã bị nổi loạn.
Sau đó Thứ Sáu và Crusoe đã chiến đấu với các kẻ nổi loạn và cho họ biết tất
cả bọn họ sẽ được tự do ngoại trừ tên đầu xỏ nổi loạn. Rồi tất cả các kẻ đó đã
đầu hàng. Crusoe và ông thuyền trưởng cho tất cả mọi người biết rằng hòn đảo
này là một lãnh thổ của hoàng gia và ông ta đã tha chết cho họ để rồi sau này
khi đã trở về nước Anh, họ sẽ phải ra hầu tòa. Sau khi giữ 5 người làm con
tin, Crusoe cho các người kia đi chiếm lại con tầu biển. Khi con tầu biển được
mang tới, Crusoe quá cảm động, gần như muốn xỉu.
Vào ngày 19/12/1686 sau 28 năm sinh sống trên hòn đảo hoang vắng, Crusoe đã
lên tầu trở về nước Anh. Tại nhà, Crusoe thấy các người thân trong gia đình
đều đã quá vãng ngoại trừ 2 người em gái. Người quả phụ bạn hãy còn giữ an
toàn món tiền mà Crusoe gửi trước kia và sau khi đi tới Lisbon, Crusoe được
biết qua người thuyền trưởng Bồ Đào Nha rằng cái đồn điền của anh ta tại xứ
Brazil rất trù phú. Crusoe lo việc bán đi các phần đất sở hữu tại Brazil.
Vì mệt mỏi trước việc đi biển, Crusoe đã trở về nước Anh. Anh ta được biết
rằng cái đồn điền đã được bán đi xuông xẻo và bây giờ anh ta đã có một gia tài
đáng kể. Sau khi trao tặng một món tiền cho bà góa phụ và các em gái, Crusoe
đã lập gia đình.
Vào năm 1694, Robinson Crusoe đã tới miền Đông Ấn (the East Indies), đã thăm
viếng lại hòn đảo hoang ngày xưa và thấy rằng người Tây Ban Nha đã quản trị
hòn đảo rất tốt đẹp và tới nay nơi đó trở nên một xứ thuộc địa trù phú.
5/ Các nhân vật trong tác phẩm Robinson Crusoe.
-
Robinson Crusoe: là nhân vật chính trong truyện và là người kể
chuyện. Sự không vâng lời cha của anh Crusoe được mô tả trong phần đầu của
cuốn truyện. Crusoe là một người có niềm tin tôn giáo mạnh mẽ, đã cần cù
làm mọi công việc, phẩm chất này đã giúp cho anh ta sống còn trong 28 năm
trên một hòn đảo hoang vắng.
-
Thứ Sáu: là thổ dân Caribbean 26 tuổi, thuộc về một bộ lạc ăn thịt
người. Dưới sự hướng dẫn của Crusoe, anh Thứ Sáu này đã đổi sang đạo Tin
Lành (Protestantism). Thứ Sáu luôn luôn trung thành với chủ có lẽ bởi anh
ta biết ơn đối với người đã cứu giúp anh ta. Sự phục vụ của Thứ Sáu là một
biểu tượng của chế độ đế quốc áp bức.
-
Viên thuyền trưởng Bồ Đào Nha (Portuguese): ông ta là người đã cứu
Crusoe và anh nô lệ Xury khi họ trốn khỏi các kẻ bắt giữ Moorish. Ông
thuyền trưởng này thì lịch sự, rất rộng rãi đối với Crusoe, đã chăm sóc
các đầu tư của Crusoe tại xứ Brazil sau khi Crusoe vắng mặt
-
Người Tây Ban Nha (the Spaniard): là một trong các người Tây Ban
Nha bị đắm ngoài khơi của hòn đảo của Crusoe. Sau khi Crusoe đã cứu ông ta
khỏi các kẻ ăn thịt người, ông ta trở nên một người tùy tùng của Crusoe.
-
Bà góa phụ: là bạn của Crusoe, đã giữ gìn 200 bảng Anh cho Crusoe
trong 35 năm mà Crusoe vắng mặt.
-
Xury: anh nô lệ trẻ tuổi người Ả Rập hoặc da đen. Crusoe đã bán
Xury này cho viên thuyền trưởng Bồ Đào Nha.
6/ Các nhận xét về Tác Phẩm.
Từ đầu của cuốn truyện, Daniel Defoe khen ngợi Robinson Crusoe đã làm chủ được
các hoàn cảnh của mình. Crusoe đã gặp một hoàn cảnh tương tự như Adam và Eve
lạc vô vườn địa đàng Eden, đã biết làm cho nơi này là nơi ở của mình, đã thuần
hóa các súc vật và đã tìm ra cách sống còn.
Crusoe ngừng lại cách trách oán chính
mình vì đã không vâng lời người cha, ngừng việc oán trách định mệnh là thứ đã
đưa đẩy anh ta ra ngoài biển khơi và anh ta bắt đầu suy nghĩ rằng mình là chủ
của cuộc đời của mình lại vừa có khả năng và đáng sống.
Khi anh thổ dân da đen tên là Thứ Sáu
(Friday) xuất hiện trên hoang đảo thì Crusoe lại coi mình là một thứ ông chủ.
Crusoe đã dạy cho anh Thứ Sáu phải biết vâng lời chủ bởi vì Crusoe không bao
giờ coi anh Thứ Sáu này là một người bạn hay là một người ngang hàng. Tinh
thần kỳ thị (racism) thì vẫn còn là thứ tiêu biểu trong thời kỳ của Daniel
Defoe và Crusoe đã tự coi mình như một ông vua (a king), không phải chỉ đối
với các người thổ dân mà còn đối với các người da trắng trên hoang đảo.
Daniel Defoe đã ca ngợi Crusoe vì đã
làm chủ được môi trường cũng như số mệnh của bản thân mình. Tác giả Defoe đã
xác nhận trong cuốn chuyện về sự khôn ngoan của Thượng Đế (God’s wisdom) và vì
vậy mà mọi người đều phải sám hối vì các tội lỗi của mình. Crusoe đã cảm thấy
biết ơn Thượng Đế khi nhìn thấy các hạt giống nẩy mầm và như vậy, việc cầu
nguyện không đủ mà còn cần tới sự sám hối, ăn năn.
Crusoe tin tưởng tội lỗi chính
của anh ta là đã không vâng lời cha, giống như Adam và Eve đã không vâng lời
Thượng Đế và như vậy, sự việc Crusoe bị lạc ra khỏi nền văn minh thì cũng
giống như Adam và Eve bị loại ra khỏi vườn Địa Đàng Eden. Sự hối hạn của
Crusoe gồm có sự nhận biết nỗi bất hạnh của mình và sự lệ thuộc hoàn toàn vào
Thượng Đế.
Sau khi đã sám hối, Crusoe bắt đầu nhìn
hoang đảo một cách tích cực hơn. Sau này khi Crusoe được cứu thoát và tài sản
được trả lại, anh ta so sánh chính mình với Thánh Job là người kiên nhẫn đã
nhận được hồng ân của Thượng Đế sau các lần thử thách khó khăn.
Do là một tín đồ của đạo Tin Lành
Presbyterian, tác giả Defoe đã tin rằng cá nhân phải duy trì cẩn thận tình
trạng linh hồn của chính mình. Crusoe đã tự biết mình khi anh ta rút lui ra
khỏi thế giới bên ngoài để nhìn lại chính bản thân mình.
Crusoe đã biết ghi lại các hoạt động
hàng ngày của mình mỗi khi chờ đợi bên trong hang trú ẩn trong khi trời mưa ở
bên ngoài. Trong chương 28, Crusoe đã khám phá thấy một thứ dấu hiệu làm cho
mình bị hoảng hốt, đó là các vết chân người trên cát. Anh ta đã nghĩ rằng đây
là một dấu vết của kẻ ác hay là của một kẻ xâm lấn và sự kiện này có thể khiến
cho Crusoe không muốn trở lại xứ sở của loài người. Thực ra, đây là tâm lý của
Crusoe khi bị cô đơn, không có ai để chia xẻ các suy nghĩ ngoài các con chim
rừng.
Mỗi ngày, Crusoe thường hay khắc một
nét dao vào cây Thánh Giá (the Cross) để đánh dấu một ngày đã đi qua và cây
Thánh Giá này tượng trưng cho lòng mong ước của Crusoe muốn trở về xã hội văn
minh. Cây Thánh Giá còn tượng trưng cho cuộc sống mới của Robinson Crusoe trên
hoang đảo, giống như cuộc sống mới của Chúa Jesus sau khi đã chịu phép rửa tội
còn Crusoe thì phải chịu đựng cảnh đắm tầu. Cây Thánh Giá là một vật tưởng nhớ
(a memorial) đối với chính Defoe.
Vào phần cuối của cuốn truyện, hòn đảo
mà Robinson Crusoe bị trôi dạt tới được coi là một thuộc địa (a colony) và
tinh thần chủ tớ giữa Crusoe và anh Thứ Sáu có thể bị coi là một thứ văn hóa
đế quốc (cultural imperialism) bởi vì Crusoe được mô tả là một người Âu khai
sáng trong khi anh Thứ Sáu thì còn man rợ. Vì vậy tiểu thuyết gia người Anh
James Joyce đã cho rằng Robinson Crusoe là hình ảnh mẫu mực của một ông chủ
thuộc địa người Anh,
Karl Marx cũng đề cập tới Robinson
Crusoe trong tác phẩm Tư Bản (Das Kapital). Theo lý thuyết Mác Xít, các kinh
nghiệm của Crusoe trên hoang đảo đã cho thấy giá trị cơ hữu về kinh tế thì hơn
giá trị tư bản (capital). Crusoe đã nhận thức được rằng các đồng tiền mà anh
ta thu lượm được từ con tầu biển bị đắm thì không có giá trị so với các đồ
dùng, và tiền bạc chỉ có giá trị vào công việc đổi chác (trade).
Cuốn truyện Robinson Crusoe đã chứa
đựng rất nhiều hoàn cảnh liên hệ tới tôn giáo bởi vì tác giả Defoe là một nhà
luân lý Thanh Giáo (Puritan), tin tưởng vào đạo đức làm việc của đạo Tin Lành.
Cuốn truyện kể lại các cơ hội mà Crusoe đã tới gần Thượng Đế như thế nào,
không phải do được nghe các bài giảng trong nhà thờ mà qua các cơ hội tiếp xúc
với thiên nhiên và anh ta chỉ có một cuốn sách để đọc, đó là cuốn Thánh Kinh.
Robinson Crusoe cảm thấy mình được
hướng dẫn theo một định mệnh thiêng liêng và nhờ vậy, anh ta đã cảm thấy lạc
quan trong nhiều hoàn cảnh coi như tuyệt vọng.
Phạm Văn Tuấn
Tài liệu tham khảo: Wikipedia.org., Britannica Encyclopedia. Clifsnotes,
Sparknotes.
Post a Comment