Header Ads

Thằng Đẹt


Từ Sơn

Ba má nó đẻ nó ra có tên có tuổi, nhưng nó sanh thiếu tháng, lớn lên lại thiếu ăn thường xuyên, nên thân thể nó không phát triển. Hồi nhỏ bị đẹn ban khỉ, ông thầy thấy nó nhỏ con, không hỏi tên mà cứ gọi “thằng Đẹt”, ở nhà gọi theo, gọi riết thành quen, bây giờ ai cũng gọi nó là “thằng Đẹt”.

Sáng nay thằng Đẹt qua nhà thằng Đồng chơi, giờ này đã trưa mà nó muốn ở luôn bên đây, nó sợ cái âm thanh sát phạt bài bạc ở trong nhà nó hiện giờ, nên không muốn về ăn cơm. Mà cũng không được, nếu nó ở lì, má nó kiếm thấy sẽ bắt nó về, chắc lát nữa nó sẽ trốn ra đầu ngõ, gần chỗ rạp hát Văn Hoa có xe bánh mì của Dì Hai Huê. Hiện giờ trong túi nó còn được hai đồng, có thể nó sẽ mua được khúc bánh mì bỏ vô bụng, không phải về nhà. Bánh mì cá, dì Hai bán tới năm đồng, nhưng nhiều lần dì Hai bán rẻ cho nó, hai đồng chỉ chan được nước cá thôi. May quá, tờ hai đồng có chiếc tàu buồm má cho mấy bữa trước, nó để dành được tới bây giờ.

Thằng Đồng với thằng Đẹt là bạn học cùng lớp ở trường trung học tư thục Văn Hiến ngoài đầu ngõ xóm Vạn Chài đường Trần quang Khải. Hai đứa cùng đang nghỉ hè chờ tháng tám này bắt đầu đóng tiền ghi danh vô học lớp đệ tứ. Ba của thằng Đồng là y tá trong bệnh viện, làm việc suốt cả tuần, nên tiền đi học thì thằng Đồng không phải lo. Riêng thằng Đẹt vẫn còn đang hồi hộp, không biết mùa tới nó có được đi học không, vì ai sẽ cho nó tiền đóng học phí tháng đầu tiên để nó được bước chân vào lớp? 

Má thằng Đẹt đi bán vịt ở chợ Tân Định, tiền lời hàng ngày không đong đủ gạo cho anh em nó ăn, nó có năm anh em gồm hai trai ba gái. Năm ngoái nhờ trong lớp nó được xếp hạng nhứt đều đều, và nhờ nhà trường có chương trình miễn giảm học phí cho học sinh giỏi, nên nó mới còn đi học cho tới hết năm, chứ hai đứa em trai kế đã phải nghỉ học từ lâu. Trong mỗi bữa cơm, anh em nó chẳng hề thấy thịt cá, hai đứa em gái nhỏ nhất cũng chẳng khi nào có kẹo bánh gì, thì má nó lấy tiền đâu đóng học phí năm tới cho nó đây? 

Ba nó thì nó không mong. Ổng không hút thuốc, không uống rượu, “mèo mỡ” cũng không, nhưng mà trong tứ đổ tường có một thứ ổng ham mê cả đời, đó là bộ bài Tây. Ổng làm trong ngành cảnh sát lưu thông ở ngoài Tổng Nha. Cứ mỗi khi đến phiên nghỉ là ổng bày sòng “cắt tê”, có khi đánh ở trong xóm, có khi đánh ở ngay trong nhà nó. Những trận “sát phạt” có khi chỉ hai ba ngày, cũng có khi kéo đến cả tuần, nhưng những người tham gia, không hề thấy ai bị mệt mõi gì cả. Nghe má nó nói ba nợ nần dữ lắm, lương tháng của ba đã bị người ta cấn nợ cả năm rồi, như vậy làm sao ổng có tiền cho nó đóng học phí?

Hiện tại, với chính sách của Tổng Thống Ngô đình Diệm vào những năm trước, kể cả năm đầu tiên của đệ nhị Cộng Hoà, ai làm công chức hay cảnh sát như ba nó, thì một người đi làm đã có đủ tiền nuôi cả vợ con. Vậy mà chỉ riêng gia đình nó, cũng là gia đình cảnh sát chính ngạch, lại rơi vào cảnh nghèo túng, bần cùng, cũng chỉ vì bao nhiêu tiền bạc, ba nó đều đem nướng sạch vào các canh bạc đỏ đen. Nghe người lớn kể lại, ba má nó đã bán nhà chạy nợ không biết bao nhiêu lần. Từ khi nó mới sanh đến nay, gia đình nó bao phen bồng bế, chạy từ Cây Gõ sang Chợ Đuổi, chạy tuốt qua Thị Nghè, chưa trụ được ở Khăn Đen Suối Đờn thì một lần nữa phải chạy sang dựng nhà ở Trần quang Khải.

Nhà của nó bây giờ chỉ là một căn nhà sàn vách ván mái lá, nhỏ xíu, 4 mét 6 mét, được dựng trên một bãi lầy nước đọng quanh năm. Dù chỉ là căn nhà nhỏ, nhưng nó vẫn mơ ước, căn nhà này sẽ là mái ấm, ba má nó đừng bán nhà đi đâu nữa, để nó có cơ hội gầy dựng kỷ niệm về gia đình, anh em của nó cũng có được một nơi để vui đùa thoả thích, khi ba bận đi làm, má bận đi bán. 

Nhưng suốt hai ngày nay, trong phiên nghỉ của ba, cái giường ngủ nhỏ xíu của ba má nó, phải oằn mình chịu đựng những trận sát phạt của những con bạc, thay phiên nhau lui tới, ngày cũng như đêm. Những người đến đánh bạc chỉ chú tâm vào những tờ tiền và những con bài, họ không cần biết đến nhu cầu ngủ nghỉ của chính họ, họ mặc kệ tình hình xã hội chính trị xảy ra ở bên ngoài. Việc của họ, thắng thì cười toe toét, còn thua thì lo chạy nợ mượn tiền gỡ gạc, vậy thôi.

Những ngày này, sinh hoạt của mẹ và anh em nó phải gom lại ở gian phía trước chừng 1 mét bề ngang, sinh hoạt nhếch nhác dơ bẩn, hàng ngày chịu đựng khói thuốc và những tiếng ồn ào chửi bậy tục tằn từ “sòng” bài bên trong. Không có khổ sở nào hơn là suốt mấy đêm liền “gia đình nhỏ” của nó, ai cũng gần như thức trắng.

Chuyện “gầy sòng” như thế này không chỉ là thỉnh thoảng, mà rất là thường xuyên, có khi một tháng đến ba bốn lần, riết rồi nó không có cảm giác được sống trong một gia đình. Nó thèm ăn một bữa cơm đúng nghĩa là bữa cơm gia đình, nhưng việc đó không bao giờ có được.

Thằng Đẹt năm nay đã 15, đã bắt đầu bước vào tuổi trưởng thành. Nhờ những bài vở nó được học ở trong lớp, và ở trên báo chí truyền thanh, nó đã biết suy nghĩ về xã hội, về thân phận của con người. Nó bắt đầu ghét cay ghét đắng bộ bài Tây mà hàng ngày nó phải nhìn thấy, ghét luôn những con người đến nhà nó đánh bạc, vì nó nghĩ, chính những người này là nguyên nhân đem đến cho gia đình nó sự bần cùng, nghèo đói.

Thằng Đẹt đang loay hoay suy nghĩ ở trước cửa nhà thằng Đồng, thì nghe thằng Đồng nói, má mầy cho thằng em đi kiếm mày kìa.  Nó vội đi nhanh ra đầu ngõ rạp Văn Hoa mua bánh mì chan nước cá. Có hai đồng may ra chỉ trốn được một bữa, nhưng một bữa cũng đỡ được một bữa, còn hơn hôm nay phải về nhà ăn cơm, để nghe họ hò hét, sát phạt nhau trong sòng bài.

oOo

Thằng Đẹt đang chờ mua bánh mì, thì thằng Đồng lẽo đẽo đi tới, Không biết nó tới đây làm chi, ai mượn đâu mà nó tới? Thằng Đồng cười nói:

- Tao biết mày sẽ ra đây mà. Mày đi theo tao ra chợ hông?

- Đi làm chi. Tao đang mua bánh mì mà.

- Bỏ đi. Má với con nhỏ em của tao bữa nay phụ người ta bán quán cơm. Ra ngoải, tao bao mầy ăn cơm.

Nghe cũng có lý, Thằng Đẹt nói với dì Hai cho nó gửi đó, không mua bánh mì nữa, rồi theo thằng Đồng ra tuốt ngoài chợ Đakao.

Ba của thằng Đồng là người Miên rặt, lấy má nó là người Việt, cho nên gọi hai anh em thằng Đồng là Miên lai thì không sai. Thằng Đồng tên là Danh Đồng, còn em gái nó là Danh Pha, chỉ thua nó có một tuổi. Thằng Đồng vạm vỡ sức vóc bao nhiêu thì còn con Pha lại ốm o gầy mòn bấy nhiêu. Chưa bao giờ thằng Đẹt hỏi con Pha, rằng tại sao mầy mới học tới lớp nhì lại nghỉ học sớm vậy? Vì rất thân với thằng Đồng, thường xuyên đến nhà chơi, nên thằng Đẹt cũng quen biết con Pha, quen theo kiểu con nít, thỉnh thoảng rủ bắn thun nhảy lò cò. 

Con Pha hơi nhỏ con, nước da ngâm, tóc rủ loà xoà, cột dây thun làm thành đuôi gà vụng về lơ lửng phía sau ót, thằng Đẹt nhìn thấy, nó cảm nhận có một chút gì đó rất ngây thơ, trong sáng. Đôi khi thằng Đẹt liếc qua con Pha, thấy nó dễ thương, muốn liếc thêm cái nữa, nhưng chỉ có vậy thôi. Hình ảnh ngây thơ của con Pha, nó cũng quên đi nhanh chóng, như con nít có khi mê đánh đáo, có khi lại tụ năm đi thả diều.

Thằng Đẹt theo thằng Đồng bước vội ra chợ Đakao, hai đứa đi thật nhanh, vì sợ bị má thằng thằng Đẹt rượt theo kịp, bắt nó về. Qua khỏi chợ, kế bên nhà thờ Phan tây Hồ có cái quán cơm cũng hơi bự. Má thằng Đồng đang bưng cơm cho khách trong tiệm, vừa thấy hai đứa bước vô, bèn hỏi:

- Thằng Đẹt hôm nay đi đâu đây? Vô ăn cơm với thằng Đồng luôn con.

Thằng Đồng hỏi:

- Con Pha đâu má?

- Em nó rửa chén phía sau. Thôi con với thằng Đẹt ngồi đây chờ, để má vô nói với bà chủ làm cơm cho hai đứa. Mấy con ăn cơm thịt kho hột vịt nha.

Trên băng ghế, thằng Đồng ngồi sát bên trong, thằng Đẹt hí hửng ngồi kế bên, bỏ dép ngồi xếp bằng trên băng ghế, vì thường ngày nó ngồi ăn cơm dưới đất, nên khi ngồi trên bàn ăn, thòng chân xuống đất, nó không quen.

Hai đứa ngồi chờ một hồi, chừng vài phút thì con Pha chậm rải bưng hai dĩa cơm, từ phía sau bước lên. Thằng Đồng hỏi em:

- Mày ăn cơm chưa, ngồi ăn luôn đi.

- Em ăn ở đằng sau rồi. Anh ăn đi. 

Con Pha bưng đĩa cơm quay sang thằng Đẹt:

- Cơm của mày nè Đẹt.

Thằng Đẹt đưa tay nhận dĩa cơm, kéo sát vô, cầm muỗng mút đưa lên miệng. Nó ăn chậm, từng muỗng, từng muỗng, mắt len lén nhìn con Pha. Chợt nó nghe con Pha nói:

- Mày ngó tao sao ăn? Ăn cho no đi Đẹt, hồi nào tới giờ mày chưa ăn cơm ở đây lần nào.

- Tao đâu ngó gì đâu. Tại cơm ngon quá.

- Ngon thì ăn nhiều nhe. Hết tao múc cái khác cho.

Con Pha nó cứ nhìn thằng Đẹt ăn mà không để ý đến thằng anh của nó. Dường như trong hình vóc trẻ thơ của con Pha, cũng đã có chút ít dáng vẻ của thiếu nữ rồi. Nó nhìn thằng Đẹt ăn, không biết là nó nhìn vì cái tình cảm lãng đãng của lứa tuổi con gái dậy thì, hay là nó đang thương hại cho một đứa con trai có số phận nghèo hèn bèo bọt.

Thằng Đẹt khi bị con Pha bắt gặp nhìn lén, nó mắc cỡ, ăn mà cứ cúi gầm, không dám tiếp tục nhìn lén con Pha. Dù mang tiếng sang năm đã lên tới lớp đệ tứ, mà người thằng Đẹt vẫn như con nít, vẫn khô đét, ốm nhom. Gia đình nó thì túng thiếu, bẩn chật. Nó nằm mơ thấy toàn ác mộng, làm sao nó dám có giấc mơ về gia đình hạnh phúc, hay mơ về một khung trời hoa mộng xa xôi nào. Nó biết là ở bên phía đối diện, có con Pha đang cười với nó, nhưng nụ cười của con Pha rồi sẽ giống như bọt nước, cũng sẽ tan biến, cũng chỉ là ảo ảnh mà thôi.

Ăn được gần nửa dĩa cơm, thằng Đẹt chợt nghe tiếng con Pha hỏi:

- Đẹt mày vẫn mặc cái áo này sao?

Thằng Đẹt ngừng ăn, mắt nhìn xuống vai áo. 

Trời ơi! Trong lòng thằng Đẹt có một nỗi thẹn thùng dâng lên, nỗi thẹn thùng giống như ngọn sóng thần, ào ạt cuốn trôi đi hết những nụ cười vô tư thời thơ dại. Nó đỏ bừng mặt vì mắc cỡ. Nó mắc cỡ tựa như nó đang có một vấn đề gì riêng tư mà đã bị con Pha nhìn thấy. Lúc trước, khi chơi chung với nhau trong xóm, con Pha cười nhạo điều gì nó cũng đâu có quan tâm. Nhưng hôm nay, lần đầu tiên trong đời nó biết xấu hổ với con Pha. Thật ra, điều làm nó xấu hổ, cũng chẳng phải riêng tư bí mật gì cả, đó chỉ là bộ quần áo nó đang mặc trên người. 

Bộ quần áo này, thằng Đẹt đã có lâu rồi. Từ trước đến nay, nó vẫn mặc bộ quần áo này, vẫn qua lại nhà con Pha, nói năng đùa giỡn với anh  em con Pha, nhưng có gì đâu đáng để ý? Chỉ đặc biệt hôm nay, có một cái gì đó đang thay đổi, một điều gì đó trong lòng nó không còn chút bình thường. Chính nó cũng không hiểu tại sao, chỉ một câu nói của con Pha, mà có thể làm nó xấu hổ, đến mức nó muốn đào lỗ chun xuống đất? Hai bàn tay nó loay hoay vô nghĩa, vừa ngước lên nhìn con Pha, thì nó vùng đứng dậy, bỏ lại dĩa cơm đang ăn dở, chạy vội ra đường trước con mắt ngạc nhiên của con Pha và thằng Đồng. Con Pha có thể lờ mờ đoán ra được lý do nó bỏ chạy, nhưng thằng Đồng thì không. 

Cái lý do mà nó xấu hổ bỏ chạy cũng thật đơn giản. Số là má nó đã xin lại được chừng một chục bao vải đựng bột mì “USAID” đã dùng xong, người ta định vất đi. Má nó đem về cắt ra thành vải, vải dày và thô, nhưng vừa khổ may. Hàng chữ in còn nguyên không thể tẩy, điều này má nó không cho là quan trọng. Má nó nhờ Cô Năm, là cô ruột của thằng Đẹt, đang làm nghề thợ may, may cho ba đứa con trai mỗi đứa hai bộ quần áo. Áo thì kiểu sơ-mi tay ngắn, quần đùi dài tới gối, luồn lưng thun.  Má nó may những bộ quần áo bằng bao bột mì này, để anh em nó mặc cho được lành lặn, thay thế những bộ quần áo cũ, lâu ngày đã bị sút chỉ, sờn thủng lỗ. Thằng Đẹt mỗi ngày đều mặc bộ quần áo này (chỉ trừ khi đi học, nó có một bộ tây để thay), từ trước đến nay nó đâu có cảm thấy gì, nhiều khi còn hài lòng với độ bền chắc, khó rách, của một loại quần áo mới, rất phù hợp với việc chạy nhảy leo trèo của tuổi con nít mới lớn.

Vậy mà bộ quần áo trên người nó hôm nay, trước mặt con Pha, đã biến thành nỗi xấu hổ khó lường.

Từ quán cơm, nó lững thững quay về nhà như người mất hồn. Nước mắt rơi giọt vắn giọt dài. Hôm nay nó chợt nhận ra có những nỗi bất hạnh trời chỉ mang đến cho một số người. Khi đến nhà, nó nhìn thấy mấy đứa em còn đang ăn cơm mỗi đứa một tô, thức ăn sơ sài với chút rau. Nó không thể cầm lòng, chạy vô bếp ngồi khóc một mình. 

Đến lúc này thì nó mới hiểu thế nào là số phận. Số phận thì không ai muốn, và không ai có thể thay đổi được một cách dễ dàng.

oOo

Thằng Đẹt vì xấu hổ nên không gặp anh em thằng Đồng đã hơn mười ngày rồi. Mấy hôm trước thằng Đồng qua nhà kiếm nó, nó cũng trốn miết trong buồng không chịu ra gặp. Hôm sau thì nhà thằng Đồng có giỗ, buổi chiều má thằng Đồng sai con Pha xách gà-mên vịt nấu chao, đem qua biếu ăn lấy thảo. Má của thằng Đẹt sai chính thằng Đẹt sớt đồ ăn, đem rửa gà-mên trả lại cho con Pha. Thằng Đẹt không dám cãi lời, nhưng vì không có thời gian đi kiếm bộ đồ khác, nên nó vẫn cứ mặc bộ quần áo bao bột mì ra gặp con Pha. Cũng chính bộ quần áo này, nhiều ngày qua nó bị tủi thân, nhưng hôm nay thì không. Nó nghĩ rằng nó không cần phải tránh né nữa. Gia đình nó nghèo, đó là một thực tế ai cũng biết mà. Nó vẫn cứ mặc như thế, nếu bị con Pha khinh khi, thì nó sẽ không chơi với con Pha nữa, cũng sẽ không chơi với thằng anh của con Pha luôn.

Thằng Đẹt cầm gà-mên bước ra, tay đưa trao gà-mên cho con Pha, nhưng mắt thì nhìn chỗ khác. Con Pha chụp cổ tay nó:

- Mày làm gì mà hổng qua nhà tao chơi? Cái áo này may đẹp mà, sao mày mắc cỡ?

Thằng Đẹt quay nhìn con Pha bẽn lẽn:

- Mày nói thiệt hả? Hổng chê tao hả?

- Ừ.

Có cái gì chận ngang cổ họng thằng Đẹt, rồi lại chạy tuốt lên con mắt làm nó nghe cay cay. Nó thấy con Pha mỉm cười, rồi nó cảm thấy trái tim nó cũng mỉm cười theo. Nó không biết hôm nay có ai cột dùm con Pha cái lọn tóc đuôi gà, sao mà thẳng thóm, nhìn thấy đẹp quá đi. Dù qua một khoảng cách, nó vẫn nghe được hương thơm của tóc con Pha, hương thơm của một tình bạn ngây thơ, thoảng chút ngạt ngào.

Đến lúc này con Pha vẫn chưa buông tay nó ra. Cũng may là má thằng Đẹt không thấy. Con Pha về rồi mà thằng Đẹt vẫn đứng chết trân một chỗ.

oOo

Trưa nay má thằng Đồng sang nhà thằng Đẹt, kiếm ba má nó có chuyện gì đó. Hôm nay chỉ có má thằng Đẹt ở nhà, ba nó đã đi gầy sòng ở nhà khác. Thằng Đẹt rất buồn khi phải nghe má thằng Đồng nghiêm giọng:

- Anh Tư khi mượn vợ chồng tôi số tiền đó, nói là chỉ mượn tạm, hẹn tới tháng lãnh lương sẽ trả lại vợ chồng tôi. Vậy mà bốn năm tháng rồi anh chị có trả đồng nào đâu. Tôi không biết chừng nào anh chị mới có tiền?

Cái câu hỏi: “Chừng nào anh chị mới có tiền?” đã như muối xát vào trái tim của thằng Đẹt. Nó không hiểu tại sao đến nước này mà ba nó vẫn tiếp tục đi đánh bài, nhắm mắt với hoàn cảnh “con đói, nợ đòi”? Dường như khi sa vào đam mê không lương thiện, thì người ta quên hết bổn phận.

Cuối cùng thì má thằng Đồng cũng phải ra về vì má thằng Đẹt không phải là người đi mượn tiền, và cũng không thể làm cách nào có tiền để trả lại cho má thằng Đồng. Thằng Đẹt đến nay vẫn còn tuổi con nít, nó không thể can dự vào chuyện tiền bạc của người lớn, nhưng trước tình hình hơi căng thẳng của hai gia đình, nó hơi phân vân, việc qua lại chơi đùa của nó với anh em thằng Đồng, không biết có bị ảnh hưởng gì không?

Bao nhiêu suy nghĩ ám ảnh, đến tối, thằng Đẹt đến nhà thằng Đồng, len lén gõ cửa. Má thằng Đồng bước ra, vẫn vui vẻ kêu nó vô nhà. Thằng Đẹt mừng lắm. Thấy nó tới, thằng Đồng cũng thật là vui, thằng Đẹt thấy con Pha đứng ở nhà sau ngó lên, miệng cười tươi tắn, nó đang bận ở dưới rửa chén. Một lúc sau con Pha cũng lên cùng chơi với hai đứa con trai, nó cắt vải kết áo đầm cho búp bê, thằng Đồng và thằng Đẹt chơi cờ ca-rô, rồi lại chơi trò chơi kéo tay. 

Sau khi thằng Đẹt bị thằng Đồng kéo tay “đo ván” mấy cuộc, thì con Pha bất ngờ nhảy vô đòi kéo tay với thằng Đẹt. Chắc nó muốn cho thằng Đẹt thắng một cuộc để không phải buồn vì kéo tay thua hoài. Nhưng ai dè kéo tay với con Pha, thằng Đẹt cũng cố tình thua luôn. Con Pha không chịu, cứ đấm vô lưng thằng Đẹt:

- Mầy sao xạo quá nè!

Mấy đứa cười hề hề tới hơn 10 giờ mà thằng Đẹt vẫn chưa về nhà ngủ.

oOo

Một sự kiện đã xảy ra thật là kinh khủng, kinh khủng nhất trong cuộc đời mười mấy năm non dại của thằng Đẹt. Sự kiện đó giống như một quả bom nổ tung mối dây tình cảm của gia đình nó và gia đình thằng Đồng. Nó đang rất là lo lắng vì cả tháng nay, nó không cách nào gặp được mặt thằng Đồng và cả con Pha nữa.

Sự kiện xảy ra khi  ba của thằng Đồng, một lần nữa, sang nhà thằng Đẹt để hỏi ba của ba nó về số nợ ổng còn thiếu. Hôm đó ba của thằng Đẹt không chịu hứa hẹn ngày trả nợ, khiến hai người đã lớn tiếng với nhau, và trong một phút không kềm lòng, hai người đã ẩu đả nhau. Việc ẩu đả làm cho mối quan hệ hai gia đình bị tổn thương trầm trọng, ba của thằng Đẹt không hề chi, nhưng ba thằng Đồng bị thương nhẹ. Ba thằng Đồng đã nói với nhiều người chứng kiến hôm đó, là gia đình ông sẽ dọn đi nơi khác, không còn muốn cư ngụ trong khu vực xóm Vạn Chài này nữa.

Khi thằng Đẹt nghe được lời tuyên bố của ba thằng Đồng, nó vô cùng lo lắng. Nó muốn gia đình thằng Đồng cứ ở đây hoài, để nó được hàng ngày chơi chung với thằng Đồng và con Pha. Anh em thằng Đồng từ lâu gần như đã là những người thân, dù không phải ruột rà, của thằng Đẹt. Nó hình dung, khi đang chơi chung với nhau, ba đứa như những cánh bướm trong một khu vườn, đang cùng tung cánh bay lượn. Đàn bướm nào cũng  rất sợ những trận gió lớn, những cơn bão tố, có thể làm cho chúng bị tan tác, tách lìa nhau.

Từ hôm người lớn xảy ra chuyện, nhà thằng Đồng đóng cửa im ỉm. Ban ngày ba má thằng Đồng không còn cho thằng Đồng ở nhà một mình, nó phải đi với con Pha ra phụ việc ngoài tiệm cơm. Còn ban đêm, nhà nó khoá chặt cửa rào, làm như có ý không cho thằng Đẹt ra vào dễ dàng như lúc trước.

Thời gian càng trôi, thằng Đẹt càng đứng ngồi không yên. Hôm nay khi trời chập tối, nó lại chạy qua nhà thằng Đồng lần nữa, rồi cũng phải quay về vì không thể vô nhà. Nếu sự liên hệ của chúng nó bị cha mẹ thằng Đồng nhẫn tâm cắt đứt, lẽ nào cũng nhẫn tâm không cho thằng Đẹt được gặp lại thằng Đồng, và con Pha một lần, để nói lời từ giã hay sao? 

Trong lúc trong lòng bối rối tơ vò, thằng Đẹt cũng nhận ra một điều, nó là bạn của cả hai đứa, nhưng sao hỗm nay thằng Đẹt ít nhớ tới thằng Đồng hơn là nhớ đến con Pha. Cái gương mặt ngây thơ của con Pha nó cứ hiện lên trong đầu thằng thằng Đẹt hoài. Hình ảnh những lần trò chuyện, bắn thun, lò cò, kéo tay với con Pha vẫn còn hiện hữu, mà chắc cũng sẽ hiện hữu trong lòng nó không dứt, đến mãi mãi về sau. 

Trở về nhà rồi, nhưng thằng Đẹt chưa vội vào nhà. Nó ngồi tại thềm ba, trong lòng nặng trĩu bao suy nghĩ. Nó nghĩ đến gia đình, tới cái số phận bần cùng đói kém, vì cha ham mê bài bạc, không biết nó sẽ còn mang nặng đến bao lâu. Rồi nó nghĩ đến con Pha. Hồi nhỏ nó chưa hiểu, bây giờ mới bắt đầu hiểu được tình cảm bạn bè, thì đã phải lìa xa. Càng nghĩ nó càng buồn, càng nhớ, và rồi lại tức mình. Nó tức mình tại sao nó vẫn cứ còn tuổi con nít như thế này? Phải chi nó với con Pha đều đã là người lớn, nó sẽ được quyền kết bạn với con Pha. Làm bạn khi đã là người lớn, nếu có hoàn cảnh nào không thể gặp nhau, thì vẫn có thể còn thư từ thăm viếng. Chứ cứ còn là con nít như thế này, chỉ biết lệ thuộc vào gia đình, rủi như hai đứa không được gặp nhau nữa, thì đành chịu, không có cách nào hơn.

Thằng Đẹt cảm thấy rất tủi thân. Nhưng tủi thân thì có ích gì? Có lẽ rồi nó cũng phải gác lại hết những lo âu, buồn phiền tuyệt vọng. Tất cả sẽ chỉ là một đoạn đường u buồn quá khứ mà nó vừa trải qua mà thôi.

Nhưng mà, ồ, ai đang đi tới sao giống con Pha quá. Dưới ánh sáng trăng lờ mờ, hiện rõ dần cái miếng vải bị tuột sợi chỉ lệch xuống trên rảnh vai, của cái áo tay phồng mà con Pha thường mặc. Nó dụi dụi con mắt để nhìn cho rõ hơn. Đúng là con Pha đang thoắt hiện trên con đường hẽm chật hẹp, đi rất nhanh về phía nhà nó, gương mặt thật buồn.

oOo

Thằng Đẹt vụt chạy về hướng con Pha đang đi, con Pha nhìn thấy nó cũng chạy tới, và thằng Đẹt ôm chầm lấy con Pha. Con Pha đứng yên trong vòng tay của nó, thằng Đẹt nghe được những xung động trên người con Pha, dường như con Pha đang thút thít khóc. Chỉ trong phút giây, nó vội buông con Pha ra vì cũng sợ rủi có người đi ngang qua nhìn thấy, nói với má con Pha thì con Pha sẽ bị đòn. 

Mà lạ chưa. Nó vừa buông con Pha ra thì thấy con Pha nức nở khóc nhiều hơn, khóc thành tiếng. Dù tiếng khóc thật nhỏ nhưng dường như đang vang dội, buốt nhói lòng dạ thằng Đẹt. Con Pha cứ khóc, không nói lời nào. Thằng Đẹt cũng không hỏi. Thằng Đẹt mơ hồ hiểu được lý do con Pha khóc, cái lý do con Pha đi tìm nó giữa đêm tối mịt này. Nhìn con Pha khóc, nước mắt thằng Đẹt cũng không giữ được, nó cứ tràn ra đọng ướt hai bên khoé mi.

Con Pha ngước lên nhìn nó, má ướt đẫm, muốn nói gì đó mà không thể nói được thành tiếng. Thằng Đẹt cũng không thể nói được một lời nào an ủi con Pha. Vì dường như bất cứ một lời nào được thốt ra vào lúc này, đều sẽ đưa đến sự đau đớn, mà chắc chắn, ở lứa tuổi còn thơ, cả hai đứa, chưa từng trải qua, chưa từng chịu đựng.

Con Pha cứ thút thít, thằng Đẹt cứ yên lặng, lát sau nó hỏi rất khẽ:

- Mai mày dọn nhà hả?

Con Pha nhìn thằng Đẹt không trả lời, chỉ khẽ gật đầu rồi hai tay bụm mặt cố ngăn chận những tiếng nấc đang thoát ra từ trong cổ họng. Thằng Đẹt đứng chết lặng nhìn con Pha, đầu nóng ran, hồn tan nát. Nó cảm thấy lồng ngực đang co dúm lại, những ưu tư không thể cầm nén, trái tim nó bật khóc và nó cũng bật khóc.

Thời gian đang đi thật chậm, tiến dần đến khoảnh khắc chia lìa. Không gian chung quanh tĩnh mịch, tối đen, tối như không còn hy vọng tái hợp, vui đùa, như những ngày tháng cũ.

Ngày mai thì thằng Đẹt không còn có thể gặp lại con Pha nữa rồi. Những cánh bướm tung tăng nó từng tưởng tượng, đã thật sự bị một cơn gió lốc dập vùi. 

Con Pha đưa khuỷu tay lên, quẹt ngang mi mắt ướt sũng, rồi hai tay chụp lấy hai cánh tay của thằng Đẹt bóp chặt:

- Tao về.

Con Pha cố giữ hai cánh tay của thằng Đẹt thật lâu, rồi từ từ buông ra, quay lưng đi, trong khi thằng Đẹt đúng thẫn thờ nhìn theo, tê dại.

Qua làn nước mắt, thằng Đẹt cố nuốt cho bằng hết vào lòng, cái hình ảnh mái tóc đuôi gà cột thun lệch lạc của con Pha, khi nó lầm lũi bước đi trong đêm tối. Mái tóc loà xoà, vụng về, dễ thương đó, thằng Đẹt biết rằng trọn đời nó, không có cách nào có thể có cơ hội nhìn lại được.

TỪ SƠN
(Tháng 5 – 2021)


No comments

Powered by Blogger.