Phạm Văn Tuấn
Jean Jacques
Rousseau là một nhà triết học kiêm nhà văn người Pháp quan trọng bậc nhất của
thời đại Lý Trí (the Age of Reason). Các tư tưởng của J.J. Rousseau đã góp
công vào các biến cố chính trị dẫn tới cuộc Cách Mạng Pháp năm 1789 đồng thời
các tác phẩm của ông đã ảnh hưởng sâu rộng tới nền văn chương và giáo dục của
các thời đại kế tiếp.
Về các tác phẩm
của J. J. Rousseau, cuốn tiểu thuyết "Emile" hay cuốn sách "Về Giáo Dục" (On
Education) đề cập tới việc giáo dục các công dân toàn diện. Tiểu thuyết tình
cảm "Julie" hay "Nàng Heloise Mới" (The New Heloise) trở nên quan trọng do tác
phẩm này đã làm phát triển phong trào tiền-lãng mạn (pre-romanticism) và lãng
mạn (romanticism) trong cách viết truyện hư cấu. Cuốn tự thuật "Các Lời Thú
Nhận" (Confessions) khởi đầu cho cách viết mới về tự thuật và cuốn "Các Mơ
Mộng của một Người Cô Đơn đi tản bộ" (Reveries of a Solitary Walker) đã mở đầu
cho thời đại của Cảm Xúc (the Age of Sensibility) và cuốn "Khế Ước Xã Hội" (On
the Social Contract) là những cột mốc cho các tư tưởng ngày nay về Chính Trị
và Xã Hội.
J. J. Rousseau
còn là một nhà soạn nhạc tài giỏi, ông đã viết ra 7 bản nhạc kịch (operas) và
các bản nhạc với hình thức mới và đã đóng góp vào nền Âm Nhạc như là một nhà
lý thuyết.
J.J. Rousseau
sinh tại Geneva, Thụy Sĩ, vào ngày 28 tháng 6 năm 1712, trong một gia đình gốc
Pháp theo đạo Tin Lành đã định cư tại nơi này trong gần 200 năm. Vào thời gian
này, Geneva là một thành phố quốc gia (a city-state) và cũng là khu vực của
những người theo đạo Tin Lành, nằm trong Liên Bang Thụy Sĩ (Swiss
Confederacy). Từ năm 1536, Geneva đã là một nước Cộng Hòa của các người
Huguenots và là một trung tâm theo đạo Calvin (Calvinism).
Năm thế hệ về
trước, ông tổ của J.J. Roussea là cụ Didier, đã là một người bán sách, có lẽ
đã bán các sách truyền bá đạo Tin Lành, nên đã phải bỏ chạy khỏi sự hành hạ
của các người Pháp theo đạo Cơ Đốc (French Catholics) vào năm 1549, chạy qua
thành phố Geneva, rồi tại nơi này, cụ Didier trở nên một người bán rượu nho.
J. J. Rousseau
rất hãnh diện về nguồn gốc trung lưu (middle class) của gia đình mình, nên ông
thường ký tên là "J. J. Rousseau, công dân của Thành Phố Geneva", bởi vì giai
cấp này có quyền bỏ phiếu mỗi khi thành phố tổ chức bầu cử.
Theo nguyên
tắc, thành phố Geneva được cai trị một cách dân chủ do các người nam thuộc
diện "công dân" (citizens). Trong dân số, các người "công dân" này chỉ là một
nhóm thiểu số so với các người di dân (immigrants), những người này được gọi
là "cư dân" (inhabitants) và con cháu của các cư dân không có quyền bỏ phiếu.
Thực ra, thành phố Geneva được điều hành bởi một nhóm nhỏ gồm các gia đình
giàu có, họ lập nên "Hội Đồng của 200 Người" (the Council of Two Hundred), rồi
những người này lại ủy quyền cho 25 người thuộc nhóm cai trị, được gọi là "Hội
Đồng Nhỏ" (the Little Council).
Cha của
Rousseau là ông Isaac, làm nghề thợ đồng hồ, là nhạc sĩ vĩ cầm kiêm thầy dạy
nhẩy, và bà mẹ Suzanne qua đời vì bệnh sốt lâm sàng (puerferal fever) chỉ mấy
ngày sau khi sanh ra J. J. Rousseau, cho nên về sau, J. J. Rousseau đã viết
rằng "gần như chết tôi mới sinh ra đời, tôi đã có rất ít hy vọng được cứu
sống". J. J. Rousseau được rửa tội vào ngày 4 tháng 7 năm 1712.
Ông Isaac
Rousseau vì nhớ lại quá khứ danh giá cũ của gia đình nên ông ta thường đeo
kiếm bên mình như vài nhà quý phái. Vì gặp rắc rối với chính quyền địa phương
do bản tính tự kiêu, ông Isaac Rousseau đã phải bỏ trốn, chạy khỏi thành phố
Geneva để không bị nhốt tù sau một trận đấu kiếm, làm cho đối thủ bị thương.
Vì vậy cậu Jean Jacques đã không được cả cha lẫn mẹ chăm sóc, cậu sống một
cuộc đời nghèo nàn với sự trợ giúp của gia đình bên mẹ.
Năm lên 10
tuổi, J. J. Rousseau được nuôi dưỡng do người em rể của cha, tên là Gabriel
Bernard. Jean Jacques với người em họ gần bằng tuổi tên là Abraham Bernard,
đươc gửi đi trọ học tại nhà ông mục sư Jean Jacques Lambercier, cư ngụ tại
làng Bossey, gần thành phố Geneva. Sau khi thay đổi chỗ ăn học hai lần, J. J.
Rousseau vào năm 1725, đến học việc tại nhà một người thợ khắc đá, tính tình
cục cằn, tên là Abel Ducommun.
Sau khi dạo
chơi vào ngày chủ nhật 14/3/1728, Jean Jacques cùng với vài người bạn định trở
về nhà thì cổng thành đã đóng chặt do lệnh giới nghiêm, sợ quá, cậu Jean
Jacques bèn trốn đi Confignon và tìm gặp vị linh mục Benoit de Pontverre, xin
tạm trú. Vị linh mục này đã cắt nghĩa cho cậu về các lợi ích của đạo Thiên
Chúa, rồi viết cho cậu một bức thư gửi gấm tới bà De Warrens, một người đàn bà
nhân từ, cư ngụ tại tỉnh Savoy.
|
Francoise Louise de Warens
|
Bà Francoise Louise de Warens khi đó ở vào tuổi 29, là một phụ nữ quý phái,
đã ly dị chồng, có gốc gia đình theo đạo Tin Lành. Bà De Warens được Vua xứ
Piedmont trả tiền để đi thuyết giáo các người theo đạo Tin Lành cải sang đạo
Cơ Đốc. J. J. Rousseau được ông linh mục và bà De Warens gửi tới thành phố
Turin, là thủ đô của xứ Savoy, để học giáo lý và cải đạo. Bà De Warens là một
người hữu thần (a deist), đã bị lôi cuốn theo đạo Cơ Đốc (Catholicism) bởi vì
chủ thuyết tha tội (doctrine of forgiveness of sins) của giáo phái này, do bởi
vào thời kỳ này, các sách giáo lý của xứ Geneva còn đòi hỏi các tín đồ tự nhận
tội như sau:
"chúng con là các kẻ có tội đáng thương, đã sinh ra trong sự hư hỏng
(corruption), thiên về làm điều xấu và không có khả năng làm điều lành".
Từ năm 16 tuổi, J.J. Rousseau đi khỏi
thành phố Geneva và bắt đầu một cuộc đời lang bạt, làm nhiều nghề như người
hầu, thư ký, phụ giáo và đã từng đi lang thang trong các vương quốc Sadina và
Pháp.
Tại thành phố Savoy, J.J. Rousseau may
mắn được gặp bà bá tước Louise de Warens. Bà góa giàu có này đã cho J.J.
Rousseau nơi ăn chốn ở và dùng như một kẻ hầu. Nhưng bà góa này đã từng là một
người đi du lịch nhiều, hiểu rộng và thông minh. Là một người tiêu xài hoang
phí, bà De Warens còn có một tủ sách lớn và rất yêu thích âm nhạc. Bà ta cùng
các người trong nhóm tu sĩ Cơ Đốc đã huấn luyện J. J. Rousseau từ một kẻ học
nghề trở nên một nhạc sĩ, một nhà văn và một nhà triết học. J.J. Rousseau đã
mô tả thời kỳ hạnh phúc này trong cuốn tiểu sử tự thuật (autobiography) danh
tiếng, có tên là "Các Lời Thú Nhận" (Confessions), viết ra vào khoảng các năm
1765-70, xuất bản vào hai năm 1782, 1788.
Khi J. J. Rousseau tới tuổi 20, bà De
Warens lại coi chàng như một người tình, cũng như thân mật tình ái với một
người hầu khác trong nhà. Cuộc tình tay ba này đã làm cho Rousseau khó chịu,
nên mặc dù đã từng là một người tình trẻ của bà De Warens, J.J. Rousseau đã
không duy trì tình cảm này được lâu nên bỏ đi vào năm 1740 và tới thành phố
Paris vào năm 1742. Khi đến thủ đô này, J.J. Rousseau muốn theo nghề âm nhạc
và đã phát minh ra một hệ thống ký âm mới, trình dự án lên Hàn Lâm Viện Khoa
Học Pháp nhưng không được Hàn Lâm Viện chú ý.
Tại thành phố Paris, J.J. Rousseau đã
gặp gỡ những nhà triết học (philosophers) và các nhà thông triết
(philosophes), các nhân vật sau này không phải là những nhà triết học khoa
bảng có thể giảng dạy tại trường Đại Học Sorbonne, mà là các nhà trí thức, nhà
tư tưởng, nhà hoạt động chính trị tham gia vào phong trào phổ biến các tư
tưởng Khai Sáng (Enlightenment), vào thời bấy giờ phần lớn tập trung tại nước
Pháp.
Các nhà thông triết được nhiều người
biết tới nhất gồm Voltaire, Diderot, La Mettrie, Helvétius, Holbach,
d'Alembert và Condorcet... Một số lớn các nhà trí thức tại thành phố Paris đã
hợp tác với nhau trong công cuộc xây dựng nên bộ Từ Điển Bách Khoa Pháp với
Diderot làm chủ biên. Bộ từ điển lớn lao và quan trọng này đã chứa đựng những
tư tưởng cấp tiến (radical) và chống nhà thờ (anticlerical). Diderot và J.J.
Rousseau đã là hai nhân vật trung tâm của các nhà trí thức đương thời. Đặc
biệt J.J. Rousseau có các ý tưởng rất sáng tạo, khác lạ, với lối hành văn mạnh
mẽ, hùng biện, khiến cho quần chúng dễ nhận biết thứ trào lưu tư tưởng mới.
Trong thời gian cư ngụ tại thành phố
Paris, J.J. Rousseau đã được một số người giàu có trợ giúp rồi nhờ vậy, ông đã
phục vụ tòa Đại Sứ Pháp tại Venice với chức vụ thư ký cho Bá Tước De Montaigue
từ tháng 9/1743 tới tháng 8/1744. Khi trở về Paris vào đầu năm 1745, J.J.
Rousseau đã luyến ái với cô hầu phòng thất học, làm việc trong khách sạn, tên
là Thérèse Levasseur. Ông đã có 5 con với cô hầu phòng này trước khi làm lễ
cưới chính thức vào năm 1768, tức là 23 năm về sau, và các đứa con của cặp vợ
chồng này bị gửi cho các nhà tế bần nuôi trẻ em bị bỏ rơi. Cách trốn tránh
trách nhiệm này đã là một lệ thường của thời đại đó. Về sau này khi J. J.
Rousseau đã nổi danh là một nhà lý thuyết về giáo dục và nuôi dạy trẻ em, việc
bỏ rơi các con của chính ông đã là các đề tài chỉ trích của những người chống
đối, gồm cả Voltaire và Edmund Burke.
Một khúc quanh đến với cuộc đời của
J.J. Rousseau khi ông đọc được một bản thông cáo về một kỳ thi do Hàn Lâm Viện
Dijon tổ chức. Hàn Lâm Viện này tặng một giải thưởng cho bài khảo luận hay
nhất viết về đề tài theo đó sự phát triển về nghệ thuật và khoa học có làm lợi
cho con người về phương diện đạo đức không và rồi bài trúng giải sẽ được đăng
tải trên nhật báo Mercure de France.
J. J. Rousseau đã suy nghĩ về đề tài
này trong khi đi tới thị trấn Vincennes, cách thành phố Paris vào khoảng 3 dậm
đường (miles) và ông cho rằng nghệ thuật và khoa học đã làm suy thoái đạo đức
của con người bởi vì bản chất thật sự của con người là tốt lành. J. J.
Rousseau đã trả lời một cách phủ nhận nghịch lý để hấp dẫn sự chú ý của quần
chúng. Năm 1750, bài viết
"Bàn Luận về Nghệ Thuật và Khoa Học" (Discourses on the Arts and
Sciences)
của J. J. Rousseau đã được trao giải nhất và mang lại danh tiếng cho tác giả.
Vào năm 1754, J. J. Rousseau trở lại
thành phố Geneva và nhận lại quyền công dân chính thức của thành phố này. Năm
sau, 1755, Rousseau hoàn thành tác phẩm chính thứ hai, đó là cuốn sách:
"Bàn Luận về Nguồn Gốc và Căn Bản của sự Bất Công trong các Người Nam"
(Discourse on the Origin and Basis of Inequalities Among Men), được gọi tắt là
"Bàn Luận về sự Bất Công" (Discourse on the Inequality).
J.J. Rousseau cho rằng con người sơ khai này dù có đơn độc nhưng mạnh khỏe,
bản chất tốt, hạnh phúc và được tự do, và ông cho rằng các tật xấu (vices)
của con người nẩy sinh ra kể từ khi họ lập nên các xã hội.
Khi suy nghĩ về đề tài
"Đâu là căn nguyên của các bất công của con người và luật thiên nhiên có
thể điều chỉnh được không", J.J. Rousseau đã nhìn lại các nguyên tắc "khắc khổ" mà chính mình đã phải
học hỏi trong thời niên thiếu tại nước cộng hòa Geneva theo chủ trương
Calvinist và ông đã viết ra một tác phẩm mang lại phần thưởng và danh tiếng,
qua đó ông phân biệt hai loại bất công: tự nhiên và nhân tạo.
Loại bất công tự nhiên là do bởi con
người bẩm sinh đã khác biệt về sức mạnh, trí thông minh... còn loại thứ hai do
các quy ước của cộng đồng hay xã hội. J.J. Rousseau đã thiết lập lại các giai
đoạn kinh nghiệm sống ban đầu của con người trên mặt đất và cho rằng khởi
thủy, con người không phải là một con vật mang bản tính xã hội mà hoàn toàn
đơn độc (solitary) và về điểm này, J.J. Rousseau đồng ý với Thomas Hobbes
trong việc cắt nghĩa bản chất của thiên nhiên, nhưng không giống quan điểm bi
quan của nhà triết học người Anh kể trên, J.J. Rousseau cho rằng con người sơ
khai này dù có đơn độc nhưng mạnh khỏe, bản chất tốt, hạnh phúc và được tự do,
và ông cho rằng các tật xấu (vices) của con người nẩy sinh ra kể từ khi họ lập
nên các xã hội.
Khi các con người sơ khai dựng nên các
chòi lá, phương tiện này đã làm dễ dàng cách sống chung giữa các người nam và
nữ, rồi sau đó phát triển lối sống gia đình và cách liên lạc láng giềng. Thứ
xã hội ban đầu này, theo J.J. Rousseau, còn tốt đẹp và được coi là thời kỳ
vàng son của nhân loại. Nhưng đến khi sự ghen tuông xẩy ra do say mê, các nhóm
người láng giềng này bắt đầu so sánh khả năng và thành quả với các nhóm khác
và như vậy, bắt đầu sản sinh ra các bất bình đẳng (inequalities) đồng thời với
các tật xấu. Con người vào lúc này đòi hỏi tới sự nể trọng và muốn rằng chính
mình tài giỏi hơn các kẻ khác.
Cách bắt đầu
duy trì tài sản là bước thứ hai dẫn tới sự bất bình đẳng. Sự bất công đã sinh
ra khi con người bắt đầu tạo ra xã hội và cạnh tranh với nhau, và tuy biết
rằng xã hội con người không thể trở về trạng thái thiên nhiên, nên J.J.
Rousseau chỉ khuyên mọi người làm sao giảm bớt các bất công xã hội. Kể từ
nguyên thủy, con người đã trải qua các giai đoạn từ sự thật thà sơ khai tới
cách tham nhũng hoàn chỉnh.
Như vậy J.J. Rousseau đã giải oan cho thiên nhiên và kết tội xã hội là căn
nguyên của các tật xấu. Xã hội có mục đích là cung cấp sự hòa bình cho mọi
người, bảo vệ quyền lợi và tài sản cho những người nào may mắn có tài sản và
nếu như vậy, xã hội có lợi cho người giàu còn kẻ nghèo hèn bao giờ cũng bị
thua thiệt vì kiếm lợi lộc được ít hơn. Xã hội đã khiến cho con người ghen
ghét lẫn nhau và có người che dấu sự căm ghét này bằng cái mặt nạ lịch sự.
Giống như Plato, J.J. Rousseau tin tưởng vào một xã hội đúng đắn (a just
society) trong đó mỗi con người được đặt vào đúng chỗ.
Trước kia vào
năm 1752, một đoàn vũ kịch Ý (opera) tới thành phố Paris để trình diễn các
nhạc kịch của Pergolesi, Scarlatti, Vinci và Leo cùng vài nhà soạn nhạc Ý
khác. Sự việc này đã đưa tới việc chia rẽ trong dân chúng người Pháp vào thời
bấy giờ, thành những người ủng hộ loại vũ kích mới của Ý và những người ưa
thích nền vũ kịch cổ điển của Pháp. Trong số các nhà thông triết (philosophes)
thuộc nhóm Bách Khoa, có J.J. Rousseau, d'Alembert, Diderot và d'Holbach cổ
động cho loại vũ kịch Ý, nhưng J.J. Rousseau là người đã lo xếp đặt các quảng
cáo âm nhạc của Pergolesi tại Paris, và ông cũng hiểu rõ đề tài này hơn những
người đương thời, bởi vì ông đã từng làm việc trong tòa Đại Sứ Pháp tại Venice
trước kia, đã từng tham dự nhiều cuộc trình diễn vũ kịch Ý. Người đứng đầu phe
ủng hộ vũ kịch Pháp là nhạc sĩ Jean Philippe Rameau.
Vào thời bấy
giờ, Rameau là đối thủ hơn hẳn J.J. Rousseau về uy tín âm nhạc. Vào tuổi 70,
Rameau là một nhạc sĩ hàng đầu, thành công do sáng tác dồi dào và cũng là tác
giả của cuốn sách âm nhạc lừng danh "Khảo Sát về Hòa Âm" (Traité de
l'Harmomie, 1722) cũng như nhiều tác phẩm khác. Trái lại, Rousseau trẻ hơn 30
tuổi, là một người mới bước chân vào nền nghệ thuật âm thanh, lại không được
huấn luyện âm nhạc căn bản. Hơn nữa đề nghị cải tiến âm nhạc của Rousseau đã
bị Hàn Lâm Viện Khoa Học Pháp bác bỏ trong khi các tư tưởng mới của Roussau
viết trong bộ Từ Điển Bách Khoa chưa được phổ biến.
Cuộc tranh chấp
giữa Rameau và Rousseau không những chỉ về âm nhạc mà còn mang tính triết học,
vì thế nhạc sĩ Rameau đã phải đối đầu một đối thủ đáng sợ. Trong cuộc tranh
luận, Rousseau cho rằng nền âm nhạc của nước Ý vượt hơn nền âm nhạc của nước
Pháp do tiết điệu (melody) phải chiếm ưu tiên hơn hòa âm (harmony), trong khi
đó Rameau chủ trương ngược lại. Cách biện hộ cho tiết điệu của Rousseau đã dẫn
tới một đặc tính mà sau này được coi là một nét chính của trường phái lãng
mạn, theo đó tinh thần sáng tạo nghệ thuật phải hoàn toàn được tự do, không bị
gò bó bởi các luật lệ và truyền thống cổ điển.
Cách bênh vực của Rameau hướng về nguyên tắc của trường phái cổ điển Pháp với
mục đích duy trì trật tự trong cách diễn tả, tính thuần lý trong các luật lệ,
để tránh bớt sự hỗn loạn trong các kinh nghiệm của con người.
Như vậy qua Âm
Nhạc, J.J. Rousseau đã biện hộ tính tự do, đã dùng các nhà sáng tác âm nhạc
người Ý làm các mẫu mực để noi theo. Vũ kịch (opera) có tên là "Thầy Bói Làng"
(Le Devin du Village, 1752) của J.J. Rousseau trình diễn lần đầu tiên tại
Fontainebleau, đã hấp dẫn được sự tán thưởng của Vua Louis 15 và triều đình
Pháp. Nhà Vua đã quá bằng lòng về vũ kịch này nên đã đề nghị tặng cho J. J.
Rousseau một món tiền trợ cấp suốt đời, nhưng trước sự bực tức của các bạn bè,
J. J. Rousseau đã từ chối danh dự lớn lao kể trên rồi sau đó bị mang tiếng xấu
là "con người đã từ chối tiền trợ cấp của Nhà Vua" (the man who has refused a
King's pension).
Thành công của
J.J. Rousseau đã làm thay đổi các thái độ của dân chúng Pháp thời bấy giờ,
khiến cho người kế tiếp Rameau, trở nên nhà sáng tác vũ kịch quan trong bậc
nhất tại nước Pháp, là Christoph W. Gluck (1714-87), đã phải xác nhận việc đi
theo đường hướng của J.J. Rousseau. Về sau, W. A. Mozart (1756- 91) khi viết
ra bản vũ kịch ngắn một hồi "Bastien und Bastienne", đã căn cứ vào vũ kịch
"Thầy Bói Làng" của J.J. Rousseau. Nền âm nhạc của châu Âu từ lúc này đã đi
theo một chiều hướng mới.
Mặc dù thành
công và có danh tiếng do bản vũ kịch kể trên, J.J. Rousseau đã không sáng tác
âm nhạc nữa bởi vì cảm thấy cần phải tranh đấu về mặt luân lý, ông đã dồn nỗ
lực vào hai phạm vi Văn Chương và Triết Học.
1/ Tác Phẩm "Nàng Héloise Mới".
Vào năm 1754,
J.J. Rousseau trở lại thăm viếng Geneva và để lấy lại quyền công dân của thành
phố này, ông đã trở lại đạo Tin Lành rồi qua năm 1756, định cư tại Montmorency
là nơi ông bắt đầu viết cuốn tiểu thuyết có tên là "Julie" hay "La Nouvelle
Héloise" (The New Héloise = Nàng Heloise Mới) xuất bản năm 1761. Tác phẩm này
được rất nhiều người chú ý và khen ngợi. Cuốn tiểu thuyết dày 800 trang này đã
mô tả cảm tình lãng mạn với người con gái 25 tuổi, tên là Sophie d'Houdetot,
nhưng cũng được căn cứ vào các liên hệ hạnh phúc thời còn trẻ của tác giả với
bà De Warens, đồng thời cuốn truyện cũng mô tả vẻ đẹp tự nhiên của miền đồng
quê của nước Thụy Sĩ và gây ra cho quần chúng sự ham muốn thưởng ngoạn các
phong cảnh thiên nhiên trên dãy núi Alps vào thế kỷ 19.
Luận đề của
cuốn tiểu thuyết "Nàng Héloise Mới" liên quan tới thứ hạnh phúc gia đình tương
phản với cuộc sống xã hội. Nhân vật chính trong tác phẩm là Saint-Preux, một
gia sư thuộc giai cấp trung lưu, đã yêu thương cô học trò Julie thuộc giai cấp
thượng lưu. Cô thiếu nữ này cũng yêu lại người tình nhưng sự khác biệt về giai
cấp đã cản trở cuộc hôn nhân. Cha của nàng Julie là bá tước d'Etange đã hứa gả
nàng cho một nhà quý phái tên là Wolmar. Là người con hiếu thảo, nàng Julie đã
kết hôn với Wolmar còn chàng Saint-Preux đành đi du lịch vòng quanh thế giới
với Bomston, một nhà quý tộc người Anh. Nàng Julie đã quên bớt mối tình đầu,
trở nên người vợ, người mẹ và bà chủ của một tòa lâu đài nhưng 6 năm sau,
Saint-Preux trở về sau chuyến đi xa, đã thành gia sư cho những người con thuộc
gia đình Wolmar này. Tất cả mọi người đều vui sống trong hòa hợp nhưng vào
cuối câu chuyện, sau khi cứu một đứa con khỏi bị chết đuối, Julie mới thấy
rằng mối tình đầu của mình không thể tàn phai được.
Một trong các
chủ đích trong tác phẩm của J.J. Rousseau là muốn diễn tả rằng trong khi người
đàn ông ngự trị thế giới của đời sống công cộng thì người đàn bà điều khiển
cuộc sống riêng tư. Các nhân vật trong gia đình Wolmar được mô tả là sinh sống
trong khung cảnh hạnh phúc đúng theo lý tưởng quý phái, họ biết vui hưởng đời
sống đồng quê, các cảnh đẹp của xứ Thụy Sĩ và của miền Núi Alps, nhưng mặc dù
vẫn ủng hộ thứ trật tự của xã hội đương thời, tác phẩm "Nàng Héloise Mới" của
J.J. Rousseau đã diễn tả các cảm xúc tự do, các tế nhị cao độ, các tình cảm
sâu kín, tất cả các yếu tố này đã ảnh hưởng sâu rộng tới độc giả và tới cách
khai triển văn chương.
2/ Tác Phẩm "Khế Ước Xã Hội".
Vào thời đại
Khai Sáng (Enlightenment) tại nước Pháp, các nhà tư tưởng như Voltaire,
Diderot, d'Alembert... đã đặt niềm tin tối thượng vào sức mạnh của lý trí
(reason) và họ tin rằng kiến thức (knowledge) có thể dần dần khiến cho con
người tiến bộ tốt đẹp hơn. Diderot và d'Alembert là hai nhân vật chính lo biên
tập Bộ Từ Điển Bách Khoa (the Encyclopedia) để ghi lại tất cả các kiến thức
của nhân loại đã được thu thập cho tới ngày tháng đó.
J. J. Rousseau
lúc đầu làm quen với các nhà triết học Khai Sáng, ông đã đóng góp nhiều bài
viết cho Bộ Bách Khoa, nhất là các bài về Âm Nhạc, nhưng J. J. Rousseau lại
không đồng ý với các người chủ trương của Bộ Từ Điển kể trên về sự tiến bộ của
con người (human progress) rồi sự khác biệt về tính tình và trí tuệ đã khiến
cho ông xa cách các nhân vật Bách Khoa Từ Điển.
Tư tưởng chính
trị của J. J. Rousseau đầu tiên bị ảnh hưởng bởi Hobbes, Pufendorf và Grotius
là những người ủng hộ vương quyền tuyệt đối (absolute monarchy). Họ lý luận
rằng khi con người tham gia vào xã hội và trung thành tuyệt đối với một nhà
vua thì con người sẽ thoát ra khỏi sự suy đồi và sự tàn ác của một đời sống
hoang sơ. Nhóm thứ hai đã ảnh hưởng tới J. J. Rousseau là John Locke và
Montesquieu với chủ trương rằng xã hội tồn tại là để bảo vệ các quyền lợi
không thể chuyển nhượng được của các công dân.
J. J. Rousseau
về sau lại không đồng ý với cả hai nhóm tư tưởng kể trên. Ông ưa thích các
người Hy Lạp và La Mã cổ điển và thường hay dùng các xã hội Sparta và La Mã
(Rome) để dẫn chứng về một quốc gia lành mạnh. Các xã hội cổ xưa có đặc tính
là có được tinh thần công dân rất vững mạnh mà người công dân có danh dự khi
tham gia, đây là tư tưởng của Aristotle trong cuốn sách Chính Trị (Politics)
mà J. J. Rousseau chịu ảnh hưởng và ông đã diễn tả tư tưởng này trong cuốn
"Khế Ước Xã Hội".
Các năm cư ngụ
tại Montmorency là thời kỳ sáng tác văn học rất phong phú của J.J. Rousseau.
Trong vòng 12 tháng, Rousseau lại viết xong cuốn "Khế Ước Xã Hội" (The Social
Contract, 1762), một tác phẩm danh tiếng nhưng đã gây nên rất nhiều kẻ thù,
nhất là từ hai giới quan tòa và giáo sĩ. Các tư tưởng chống đối các thế lực
đương thời đã khiến cho J.J. Rousseau phải bỏ trốn, nhưng nhờ sự giúp đỡ và
can thiệp của một số bậc nữ lưu giàu có và quyền thế, J.J. Rousseau đã không
bị cầm tù như Voltaire và Diderot.
Tiếp theo cuốn
"Luận Bàn về Nguồn Gốc của sự Bất Công" trong đó cắt nghĩa con người đã bị mất
tự do như thế nào, J.J. Rousseau viết thêm tác phẩm "Khế Ước Xã Hội" để đề
nghị cách thức làm sao thu hồi được sự tự do trong tương lai. Tác giả đã mô tả
một nơi chốn kiểu mẫu, đó là thành phố Geneva mà Calvin đã phác họa ra. Tác
phẩm "Khế Ước Xã Hội" bắt đầu bằng câu:
"Con người được sinh ra với bản chất
tự do nhưng ở mọi nơi, con người đã bị xiềng xích" (man is born free, but he
is everywhere in chains".
Như vậy nếu một
xã hội dân sự hay một quốc gia biết dùng tới thứ khế ước đích thực, trái
nghịch với khế ước xã hội giả tạo đã được mô tả, thì mọi người sẽ hưởng thụ
được thứ tự do chính trị thực sự. Định nghĩa về tự do chính trị của J.J.
Rousseau đã gây ra nhiều vấn đề. Một cá nhân được tự do khi chỉ tuân theo đúng
các luật lệ mà cá nhân này đặt ra cho chính mình và như vậy, cá nhân có "ý
muốn đơn" (a single will). Trái lại, xã hội là một tập thể gồm nhiều người với
nhiều ý muốn riêng lẻ, tương phản nhau và như thế, cần tới một "ý muốn chung"
(a general will) và nước cộng hòa là sản phẩm của ý muốn chung này trong đó
các cá nhân phải tôn trọng thứ khế ước mà đôi khi tương phản với các quyền lợi
cá nhân.
Về luận điểm kể
trên, J.J. Rousseau gần giống với Thomas Hobbes theo đó được coi là hợp lý khi
con người tham gia vào xã hội, đã từ bỏ mọi quyền lợi tự nhiên (natural
rights) để đổi lấy các quyền lợi dân sự (civil rights) và sự chấp nhận sức
mạnh của cộng đồng. Nhưng đứng trước cộng đồng, J.J. Rousseau đã cho rằng phải
dùng sức mạnh bắt con người phải tuân theo ý muốn chung của xã hội, tức là đã
biện hộ cho chế độ toàn trị (totalitarianism) mà con người sẽ xử dụng sau này
trong thế kỷ 20.
Sau đây là các
định nghĩa của một số danh từ theo ý kiến của J. J. Rousseau:
Khế ước xã hội
= là sự đồng ý của một cá nhân khi tham gia vào xã hội. Khế ước này tồn tại do
sự bảo toàn lẫn nhau. Khi tham gia vào xã hội dân sự (civil society), con
người đã hy sinh tự do vật chất (physical freedom) của mình, tức là không thể
làm những điều gì mình mong muốn, để có được sự tự do dân sự (civil freedon),
nhờ vậy mỗi người có thể suy nghĩ và hành động một cách hợp lý và theo đạo
đức. J. J. Rousseau tin tưởng rằng do loại khế ước này, mọi người sẽ trở nên
toàn diện (fully human).
Tự do. Trong
trạng thái thiên nhiên, con người có tự do vật chất (physical freedom) tức là
các hành động của con người không bị giới hạn, vì thế con người giống như con
vật và là nô lệ của các bản năng và các thúc dục (impulses). Nhưng khi đã ở
vào trong xã hội, con người phải vâng lệnh một nhà vua tuyệt đối hay một chính
quyền và con người đã đổi tự do vật chất của mình lấy tự do dân sự (civil
freedom). Thứ tự do sau này đã bảo đảm cho các công dân không bị tổn hại, đồng
thời người dân sẽ trở nên đạo đức và hợp lý hơn. Sự tự do dân sự thì cao cả
hơn tự do vật chất bởi vì nhờ đó con người không còn là nô lệ vào các thúc
động, các bản năng của mình.
Tập thể tối
thượng (sovereign) = là luật pháp và chính quyền tuyệt đối trong một quốc gia.
J. J. Rousseau đã định nghĩa tập thể tối thượng này là tất cả các công dân
hành động một cách tập thể (all citizens acting collectively). Họ nói lên "ý
muốn chung" (general will) và các luật lệ của quốc gia và ý muốn chung này
nhắm vào điều tốt lành chung (the common good). Như vậy tập thể thì quan trọng
hơn mỗi cá nhân và quyền hạn của tập thể thì tuyệt đối, về điều này, J. J.
Rousseau bị coi là đã ủng hộ chế độ toàn trị (totalitarianism).
J.J. Rousseau
đã đề cập tới hai thứ luật: luật thực (true law) và luật hiện thời (actual
law). Qua tác phẩm trước, tác giả cho rằng thứ luật hiện thời chỉ bảo vệ hiện
trạng (the status quo). Cuốn "Khế Ước Xã Hội" đã đề cập tới thứ luật thực khi
mọi người, do cách quản trị tập thể, làm ra thứ luật cho chính mình, vì vậy
thứ luật này không thể bất công. Tuy nhiên J.J. Rousseau đã gặp phải một sự
kiện là đa số con người trong xã hội không hẳn là những công dân thông minh,
vì vậy mà "ý muốn chung" đôi khi cũng gặp phải các nhầm lẫn và để tránh khuyết
điểm, ông khuyên xã hội nên dùng những nhà làm luật sáng suốt như Solon, như
Lycurgus hay Calvin, để xây dựng nên một hệ thống luật pháp và các nhà làm
luật này có thể dùng tới thứ mặc khải thần quyền để khiến cho đa số dân chúng
với đầu óc tầm thường, chấp nhận và tuân theo các luật lệ. Nhưng, J.J.
Rousseau cũng cho rằng việc làm ra luật pháp không nên giao phó cho một người
hay một nhóm nhỏ.
Lời đề nghị của
Rousseau đối với cách tổ chức xã hội đã phản ảnh một phần tư tưởng của Niccolo
Machiavelli, một nhà lý thuyết chính trị mà ông rất ngưỡng mộ và rất cùng quan
điểm về một chính quyền cộng hòa. Cũng do bởi ảnh hưởng này, J.J. Rousseau đã
viết trong chương liên quan đến ngành tôn giáo dân sự (civil religion) rằng
mặc dù sự thật hay chân lý mà Thiên Chúa giáo đã mang lại, nhưng nếu tôn giáo
này được dùng làm tôn giáo của nước cộng hòa thì nó sẽ trở nên vô dụng bởi vì
đạo Thiên Chúa hướng dẫn con người về một thế giới vô hình, không hề dạy bảo
cho người công dân các đức tính cần thiết để phục vụ xã hội, chẳng hạn như
lòng can đảm, lòng ái quốc, tính dũng cảm, và tác giả đã đề nghị rằng ngành
tôn giáo dân sự phải chứa đựng rất ít giáo lý và không được ngăn cản, như
Thiên Chúa giáo đã cản trở, việc trau dồi các đức tính quân sự (martial
virtues). Chương viết về tôn giáo này đã bị phản đối dữ dội do các người có
quyền hành tại thành phố Geneva bởi vì họ cho rằng nhà thờ quốc gia trong đất
nước nhỏ bé của họ là một ngôi nhà thờ chân chính và cũng là một cái nôi của
lòng ái quốc.
Tác phẩm "Khế
Ước Xã Hội" của J.J. Rousseau đã là một cột mốc trong lịch sử của bộ môn Chính
Trị Học (political science) bởi vì tác giả đã cho thấy các quan điểm của ông
đối với chính quyền và các quyền lợi của các công dân.
1762 là năm tác
phẩm "Khế Ước Xã Hội" được xuất bản và cũng là năm J.J. Rousseau từ bỏ ý muốn
định cư tại Geneva. Ông trở về Paris, làm bạn với các nhà trí thức thuộc nhóm
Từ Điển Bách Khoa nhưng chẳng bao lâu ông cãi nhau với họ, bất hòa với đại
nhạc sĩ Rameau trong một vụ tranh luận khi xây cất một rạp hát, bởi vì ông cho
rằng rạp hát chỉ là một cơ sở làm hại thứ xã hội trong lành.
Khi xuất hiện tác phẩm "Bức Thư gửi ông d'Alembert về vấn đề Rạp Hát" (Letter
to Monsieur d'Alembert on the Theatre, 1758), J.J. Rousseau đã rời thành phố
Paris để theo đuổi một lối sống gần với thiên nhiên hơn, ông dọn về một nông
trại gần Montmorency của bà bạn d'Epinay. Tuy nhiên lòng hiếu khách của bà
d'Epinay đã mang tới thứ xã hội phiền nhiễu, giống như của thành phố Paris,
nên J.J. Rousseau lại lui về ở ẩn trong một căn nhà lá nhỏ gần đó, gọi tên là
Montlouis, dưới sự che chở của Thống Chế Luxembourg. Chính tại nơi vắng vẻ,
yên tĩnh này, J.J. Rousseau đã soạn xong tác phẩm "Emile", một khảo sát về nền
giáo dục.
3/ Tác Phẩm "Emile".
Trong khi cuốn
"Khế Ước Xã Hội" bị coi là bêu xấu các người theo đạo Calvinist tại Geneva,
thì khi tác phẩm "Emile", hay "Về Giáo Dục" (On Education) xuất hiện vào năm
1762, các tín đồ thuần thành Jansenists của quốc hội Pháp đã nổi giận. Tại
thành phố Paris cũng như tại Geneva, nhà cầm quyền đã hạ lệnh đốt bỏ các sách
của J.J. Rousseau và tống giam tác giả. Thống Chế Luxembourg chỉ còn một cách
giúp đỡ nhà văn kiêm nhà thông triết này bằng một chuyến xe ngựa, đưa đi trốn
sang nước Anh. J.J. Rousseau đã trải qua các năm cuối đời sống lẩn tránh từ
nơi này qua nơi khác.
Nếu tác phẩm
"Khế Ước Xã Hội" đề cập tới các vấn đề làm sao thực hiện được sự tự do
(freedom) thì cuốn tiểu thuyết "Emile" lại quan tâm tới hạnh phúc và sự khôn
ngoan. Trong trường hợp này, tôn giáo lại đóng một vai trò khác. Tác giả
Rousseau đã phác họa ra một thứ tôn giáo cá nhân (a personal religion), một
loại tôn giáo được đơn giản hóa, không dính dáng gì đến tính mặc khải
(revelation), tới các giáo điều quen thuộc của nhà thờ. Về giáo dục, tác giả
xác nhận rằng trẻ em cần được dạy bảo bằng sự hiểu biết và lòng kiên nhẫn để
trở thành các cá nhân không bị mê tín và bị thành kiến. Ông khuyên các thầy
giáo nên hấp dẫn sự quan tâm của học sinh, tránh bớt các bài giảng buồn tẻ và
thứ kỷ luật nghiêm khắc, và tác giả vẫn cho rằng cần phải kiểm soát các tư
tưởng và hành vi của các trẻ em.
Qua tác phẩm, J.J. Rousseau đề cập tới nền giáo dục cần thiết cho công dân của
một nước cộng hòa và ông đã hiểu rõ nguyên tắc căn bản của ngành Tâm Lý học
mới theo đó một đứa trẻ không phải là một người trưởng thành thu nhỏ, và tuổi
thơ là thời gian sửa soạn cho tuổi thành nhân với các đặc tính phát triển tại
mỗi lứa tuổi.
J.J. Rousseau
tin tưởng rằng con người không phải là một con vật xã hội. Mọi người nếu sống
trong hoàn cảnh thiên nhiên, xa cách và không có ngôn ngữ, sẽ tử tế với nhau
và không có khuynh hướng làm hại lẫn nhau. Tuy nhiên, nếu sống chung vào một
cộng đồng, một xã hội, con người sẽ trở thành xấu. Xã hội đã làm xấu con
người, khiến cho con người trở nên ích kỷ và hay gây hấn.
J.J. Rousseau
không nghi ngờ sự hiện hữu của Thượng Đế (God), tin tưởng sự bất tử của
linh hồn nhưng ông cho rằng Thượng Đế hiện hữu rõ nhất nơi thiên nhiên, đặc
biệt nơi các rặng núi và các cánh rừng không bị con người xâm phạm. Ông cũng
coi "lương tâm" là "tiếng nói linh thiêng của linh hồn trong con người" và ông
đã phản đối nền đạo đức thuần lý (rationalistic ethics) và cuốn Thánh Kinh
lạnh lùng của nhà thẩm quyền tôn giáo.
Vào phần cuối
của tác phẩm "Emile", J. J. Rousseau muốn biện hộ cho niềm tin tôn giáo, ông
đã lấy thí dụ ở một cha sở "cơ đốc" (a Catholic vicar) của miền Savoy, có
nguồn gốc nông dân khiêm tốn, để dùng làm người phát ngôn bảo vệ sự đổi mới
tôn giáo. Cha sở này đã nói về đạo "Nhất Thể" (Unitarianism) tức là chỉ tin ở
Đức Chúa Trời mà không tin là Chúa Trời gồm có ba Ngôi. Đồng thời, niềm tin
này lại phủ nhận tội tổ tông (original sin) và sự mặc khải (revelation), đây
là hai điều xúc phạm tới cả hai đạo Cơ Đốc và Tin Lành.
Ngoài ra, J. J.
Rousseau còn cho rằng tôn giáo dẫn dắt mọi người tới các đức tính, cho nên mọi
tôn giáo đều có giá trị như nhau và mỗi người phải theo thứ tôn giáo mà họ đã
được dạy dỗ tại gia đình và địa phương. Đường lối dửng dưng, không quan tâm
tới các tôn giáo của J. J. Rousseau đã khiến cho ông bị vị Tổng Giám Mục Thành
Phố Paris lên án trên bục giảng, các sách của ông bị đốt bỏ và đã có lệnh truy
nã, tìm bắt J. J. Rousseau.
Vào thời kỳ đó, các giáo sĩ không ưa J.J. Rousseau vì bị chỉ trích, đồng thời
các nhà thông triết (philosophes) vô thần của thành phố Paris cũng không thích
các tư tưởng mới của ông. J.J. Rousseau càng ngày càng cô đơn, bị dày vò và
phải lẩn trốn. Qua tác phẩm mỏng "Các Bức Thư viết từ Miền Núi" (Letters
written from the Mountain, 1764), tác giả Rousseau đã buộc tội chế độ cầm
quyền của thành phố Geneva, không coi nơi đây là một quốc gia cộng hòa kiểu
mẫu nữa, mà là nơi cai trị bởi "25 bạo chúa" (twenty-five despots).
J. J. Rousseau tưởng rằng lý lẽ của mình là để bảo vệ tôn giáo, nay sự thật
trái ngược hẳn, ông phải bỏ trốn với sự giúp đỡ của Bá Tước miền Luxembourg và
Hoàng Tử De Conti, để tới Neuchatel, một thị trấn trong Liên Bang Thụy Sĩ vào
thời gian này đang ở dưới quyền bảo hộ của Vua nước Phổ. Sau đó tại thành phố
Motiers, J. J. Rousseau được Hầu Tước Keith che chở, ông này là đại diện cho
Vua Frederic Đại Đế của nước Phổ. Các sách của J. J. Rousseau bị cấm phổ biến
tại nước Pháp, đã được những vị che chở cho in ấn tại xứ Hòa Lan dưới tên giả
và bìa sách giả. Cũng tại thành phố Motiers, J. J. Rousseau đã viết bản văn
"Dự Án Hiến Pháp cho xứ Corsica" (Projet de Constitution pour La Corse = the
Constitution Project for Corsica, 1765).
Sau khi căn nhà của J. J. Rousseau bị ném đá vào buổi tối ngày 6 tháng 9 năm
1765, J. J. Rousseau phải chạy trốn sang nước Anh và được triết gia David Hume
kiếm cho một nơi cư ngụ trong nông trại của một người bạn tại Wooton, trong
miền Staffordshire. Tại nơi này nhà triết học gốc Tô Cách Lan là David Hume đã
giúp đỡ ông và xin cho ông một món tiền trợ cấp của Vua George III. Nhưng khi
đã sống trên nước Anh rồi, J.J. Rousseau và vợ là Therese đã không thể học
thêm tiếng Anh và không có bạn bè, tinh thần của J. J. Rousseau bị suy sụp.
Ông đã mắc phải một số triệu chứng của bệnh hoang tưởng (paranoia), thấy rằng
mình bị các nhà trí thức Anh chế riễu và ông đã nghi ngờ cả David Hume, nên
ông đã âm thầm trở về nước Pháp. Mặc dù bị chính thức cấm quay lại nước Pháp
trước năm 1770, J. J. Rousseau đã trở về đây bằng một tên giả. Vào năm 1768,
sau khi đã 56 tuổi và thấy rằng mình chỉ có nàng Thérèse là người có thể nhờ
cậy, ông đã thành hôn với cô người hầu phòng này. Cô Thérese Levasseur này là
một người không biết chữ nhưng lại là một đầu bếp nấu ăn giỏi, đây cũng là một
thú vui của nhà triết học Roussau.
Vào năm 1770, J. J. Rousseau được phép trở về thành phố Paris với điều kiện
không được phổ biến bất cứ tác phẩm nào, nhưng sau khi viết xong cuốn "Các Lời
Thú Nhận" (Confessions), ông cũng có các buổi nói chuyện riêng vào năm 1771.
Tác phẩm "Các Lời Thú Nhận" chỉ được phổ biến một phần vào năm 1782, 4 năm sau
khi ông qua đời cũng như các tác phẩm khác.
Vào năm 1772, J. J. Rousseau được mời viết các lời khuyên cho Bản Hiến Pháp
của Xứ Thịnh Vượng Chung Ba Lan - Lithuania (the Polish-Lithuania
Commonwealth) với kết quả trở thành bản văn "Các Cứu Xét về Chính Quyền của Xứ
Ba Lan" (Considerations on the Government of Poland), đây là tác phẩm chính
trị cuối cùng của J. J. Roussau.
Qua năm 1776, J. J. Rousseau hoàn thành cuốn "Đối Thoại: Rousseau coi xét Jean
Jacques" (Dialogues: Rousseau Judge of Jean Jacques) và bắt đầu viết cuốn "Các
Mơ Mộng của người Cô Đơn đi tản bộ" (Reveries of the Solitary Walker).
Mặc dù là một nhân vật danh tiếng, bệnh tâm thần đã không cho phép ông an
hưởng vinh dự này. J. J. Rousseau sinh sống trong trạng thái cố ý rút lui ra
khỏi cảnh đời. Tuy nhiên, ông cũng trả lời nhà soạn nhạc Christoph W. Gluck,
là người rất hâm mộ ông, bằng bài viết phân tích vở nhạc kịch của Gluck có tên
là Alceste.
Vào một buổi sáng trong khi đi tản bộ trong khu vực đất đai của Hầu Tước Rene
Louis de Girardin tại Ermenonville, cách thành phố Paris 28 dậm về phía đông
bắc, J. J. Rousseau bị xuất huyết và qua đời vào tuổi 66 (1778).
Đầu tiên, J. J. Rousseau được chôn cất tại Ermenonville trên đảo Ile des
Peupliers và đây là nơi hành hương của những người hâm mộ ông. 16 năm sau,
1794, di cốt của J. J. Rousseau được di chuyển về Điện Pantheon trong thành
phố Paris, đối diện với phẩn mộ của nhà triết học Voltaire. Trên ngôi mộ của
J. J. Rousseau có khắc chạm nổi một cánh tay vươn cao, cầm bó đuốc của Tự Do,
nhắc nhở lại tình yêu thiên nhiên và lòng yêu quý nền văn minh cổ điển của tác
giả J. J. Rousseau.
Năm 1834, chính quyền thành phố Geneva đã dựng nên một bức tượng để vinh danh
J. J. Rousseau tại Đảo Rousseau trong Hồ Geneva (Lake Geneva) và ngày nay, J.
J. Rousseau được vinh danh là người con danh tiếng nhất của xứ sở. Vào năm
2002, Không Gian Rousseau (Espace Rousseau) được thiết lập tại số 40
Grand-Rue, Geneva, đây là nơi sinh của nhà triết học J. J. Rousseau.
J.J. Rousseau
là một nhà tư tưởng chủ trương một xã hội nông nghiệp đơn giản trong đó các
tham vọng nên bị giới hạn, các động lực tình dục và ích kỷ cần phải được kiểm
soát và các năng lực phải hướng về đời sống cộng đồng. Ông cũng phác họa ra
các định chế cần thiết để thiết lập một nền dân chủ nhờ vậy mọi công dân đều
tham dự vào chính quyền. Nhưng cũng theo Rousseau, mọi chính quyền đều dần dần
xấu đi và sự suy thoái này cần phải được kiểm soát bằng các tiêu chuẩn luân lý
và bằng cách loại bỏ các nhóm có quyền lợi riêng. Chính các ý tưởng về quốc
gia của J.J. Rousseau đã ảnh hưởng tới Robespierre và các nhà lãnh đạo của
cuộc Cách Mạng Pháp 1789, tới các nhà xã hội và một số nhân vật cách mạng Cộng
Sản như Karl Marx và V.I. Lenin.
Qua các tác
phẩm và đời sống cá nhân, J.J. Rousseau đã chủ trương và đi trước tinh thần
của trường phái Lãng Mạn (Romanticism) do ông đề cao cảm xúc hơn lý trí, tính
tự do, tức thời hơn kỷ luật, và ông đã dẫn đưa quan niệm tình yêu thực sự và
say đắm vào trong loại tiểu thuyết Pháp, đã mô tả và ca ngợi bản chất thiên
nhiên.
Từ cuối thế kỷ
17, thần quyền của các nhà vua tại châu Âu đã bị một số nhà tư tưởng phê phán
và bác bỏ, trong số các nhà trí thức này có ba nhân vật chính, đó là John Lock
với tác phẩm "Hai Khảo Sát về Chính Quyền" (Two Treaties of Government, 1690),
Bá Tước de Montesquieu với tác phẩm "Tinh Thần Luật Pháp" (The Spirit of Laws,
1748) và J.J. Rousseau với cuốn "Khế Ước Xã Hội" (The Social Contract, 1762).
J.J. Rousseau
đã phổ biến các tư tưởng hoàn toàn cách mạng, trực tiếp thách đố các quyền lực
của nhà vua, của nhà thờ Cơ Đốc và Tin Lành và của tầng lớp quý tộc. Trong
giai đoạn đầu của cuộc Cách Mạng Pháp 1789, tư tưởng của J.J. Rousseau đã được
đề cao để bảo vệ lý tưởng "Dân Chủ" nhưng rồi về sau, các nhà cách mạng
Jacobin đã dùng phương tiện khủng bố khiến cho hai chữ "Tự Do" bị lạm dụng và
tinh thần tôn trọng "Thiên Nhiên" bị quên lãng.
4/ Các Tác Phẩm chính của J. J. Rousseau.
1- Nghị Luận về
nền Âm Nhạc Mới (Dissertations sur la musique moderne, 1736)
2- Bàn Luận về
Nghệ Thuật và Khoa Học (Discours sur les sciences et les arts, 1750).
3- Narcissus
hay Người Ngưỡng Mộ Chính Mình, một hài kịch (Narcissus, or the Self-Admirer:
A Comedy, 1752).
4- Thầy Bói
Làng (Le Devin du Village, an opera, 1752).
5- Bàn Luận về
Nguồn Gốc và Căn Bản của sự Bất Công trong các Người Nam (Discours sur
l'origine et les fondements de l'inegalite parmi les hommes, 1754).
6- Bàn Luận về
Kinh Tế Chính Trị Học (Discourse on Political Economy, 1755).
7- Thư gửi Ông
D'Alembert về các quang cảnh (Letter to M. D'Alembert on Spectacles, 1758).
8- Julie hay
Heloise Mới (Julie, ou la nouvelle Héloise, 1761).
9- Emile, hay
Về Giáo Dục (Émile, ou de l'éducation, 1762).
10- Tín Điều
của một tu sĩ miền Savoy (The Creed of a Savoyard Priest, 1762).
11- Khế Ước Xã
Hội (Du Contrat Social, 1762).
12- Bốn Bức Thư
gửi Ông de Malesherbes, 1762).
13- Pygmalion,
một cảnh trữ tình (Pygmalion: a Lyric Scene, 1762).
14- Các Bức Thư
viết từ Miền Núi (Lettres de la montagne, 1764).
15- Các Lời Thú
Nhận của J. J. Rousseau (Les Confessions, 1770, xb 1782).
16- Dự Án Hiến
Pháp cho Đảo Corsica (Constitutional Project for Corsica, 1772).
17- Cứu Xét về
Chính Quyền của Xứ Ba Lan (Considerations on the Government of Poland, 1772).
18- Bài Luận
Bàn về Nguồn Gốc của các Ngôn Ngữ (Essai sur l'origine des langues, xb 1781).
19- Các Mơ Mộng
của Người Cô Đơn đi tản bộ (Reveries du promeneur solitaire, chưa hoàn thành,
xb 1782).
20- Đối Thoại:
Rousseau coi xét Jean Jacques (Dialogues: Rousseau Judge of Jean Jacques, xb
1782).
Phạm Văn Tuấn
Tài liệu tham khảo: Wikipedia.org; Britannica Encyclopedia, Arthur Bell &
others, World Literature, Barron’s, N.Y., 1994.
Post a Comment