Header Ads

JOHANN WOLFGANG VON GOETHE (1749 - 1832)


JOHANN WOLFGANG VON GOETHE (1749 - 1832)
Danh Nhân về Văn Chương và Triết Học của Nước Đức
Với 2 Tác Phẩm “Faust”
và “Các Nỗi Buồn của Chàng Trẻ Werther"

Phạm Văn Tuấn

Johann Wolfgang von Goethe là một trong các vĩ nhân của nền Văn Chương của Thế Giới, ông là một nhân vật đa diện: nhà văn, nhà thơ, nhà viết kịch, nhà báo, nhà phê bình, họa sĩ, nhà điều khiển sân khấu, chính khách, nhà giáo dục, nhà khoa học, nhà triết học thiên nhiên (natural philosopher)... 

Sự đa dạng và khối lượng của các tác phẩm của Goethe thì rất lớn lao, gồm có thơ anh hùng ca và thơ trữ tình, các vở kịch viết bằng văn xuôi và bằng lời thơ, các hồi tưởng, một cuốn tự thuật, các bài phê bình văn chương và thẩm mỹ, các khám phá về thực vật, cơ thể học và màu sắc, và 4 cuốn tiểu thuyết. Riêng phần ông viết về khoa học đã chiếm hết 14 quyển sách.

Goethe đã diễn tả thơ phú theo nhiều đề tài và thể văn (styles). Về các truyện hư cấu, ông đã từng viết ra các truyện thần tiên tới các truyện liên quan tới ngành phân tâm học (psychoanalysis), xuất bản nhiều cuốn tiểu thuyết loại ngắn (novellas), ông cũng viết ra nhiều vở kịch với đề tài từ lịch sử, chính trị tới tâm lý, và Faust là một tuyệt tác phẩm của nền Văn Chương Hiện Đại (modern literature). Ngoài các bài viết về văn chương và khoa học, Goethe còn để lại hơn 10,000 bức thư và gần 3,000 bức vẽ do ông thực hiện.

Ảnh hưởng của các sáng tác của Goethe đã lan rộng khắp châu Âu rồi trong thế kỷ kế tiếp, các tác phẩm của ông đã là các nguồn cảm hứng về âm nhạc, kịch nghệ, thơ văn và cả triết học.

1/ Cuộc đời của Johann Wolfgang von Goethe.

Johann Wolfgang von Goethe xuất thân từ giai cấp trung lưu Bergertum. Cha của Goethe là ông Johann Kaspar Goethe có gốc gác thuộc về miến bắc của nước Đức. Khi là một luật sư hồi hưu, ông Johann Kaspar đã hưởng thụ một cuộc sống nhàn nhã với văn học, đã đi du lịch qua nước Ý và thiết lập được một thư viện đầy đủ trong một tòa nhà sang trọng. 

Mẹ của Goethe là bà Katharine Elizabeth Textor, là con gái của vị Thị Trưởng (Burgermeister) của thành phố Frankfurt nên nhờ mẹ, Goethe có được các liên hệ quý báu với giới quý tộc của thành phố. Rồi chính Goethe lại là con người biết kết hợp cả hai khuynh hướng: trí thức và đạo đức của miền Bắc với tình cảm và tính nghệ sĩ của miền Nam nước Đức.

Ông bà Johann Kaspar Goethe có 8 người con, chỉ có Goethe là con trưởng và người em gái tên là Cornelia Friederike Christiana sống thọ tới sau này. Goethe sinh ngày 28 tháng 8 năm 1749 tại Frankfurt am Main, thời đó nơi này thuộc về Đế Quốc Thần Thánh La Mã (the Holy Roman Empire). Khi còn nhỏ, Goethe được cha và các thầy giáo dạy cho các môn học phổ thông của thời đại đó, đặc biệt là các ngôn ngữ: La Tinh, Hy Lạp, Pháp, Ý, Anh, Cổ Do Thái (Hebrew). Goethe cũng được học hỏi về khiêu vũ và đánh kiếm (fencing) nhưng Goethe ưa thích môn vẽ và sớm đam mê môn văn học với các tác giả đầu tiên là Homer và Friedrich Gottlieb Klopstock. Goethe cũng đã có các cơ hội đi coi kịch nghệ và bộ môn múa rối (puppet).

Trong cuốn hồi ký tự thuật Dichtung und Wahrheit (Poetry and Truth = Thơ Phú và Sự Thật), Goethe đã mô tả thời niên thiếu của mình rất hạnh phúc, sự liên hệ với người em gái Cornelia, sự vướng mắc tình cảm với cô gái của quán rượu (barmaid) tên là Gretchen, sự việc quân đội Pháp chiếm đóng trong cuộc chiến tranh 7 năm (the Seven Years' War), lễ đăng quang của Vua Joseph II tại Frankfurt...

Vào tháng 10 năm 1765, ông Johann Kaspar đã gửi cậu con trai tới Đại Học Leipzig từ năm 1765 tới năm 1768 dù cho Goethe thực tâm ưa thích đọc các tác phẩm văn chương đang thịnh hành tại Đại Học Gottingen, đây cũng là nơi mà ảnh hưởng văn học tiếng Anh lan rộng.

Leipzig, nơi mà Goethe gọi là "thành phố Paris nhỏ" (little Paris) trong tác phẩm Faust, là một thế giới lịch sự và thời trang. Cũng tại nơi này thấy có ảnh hưởng của nền kịch nghệ Pháp Quốc cùng với các tác phẩm hay nhất của châu Âu được trình diễn trên sân khấu của nơi đây. Christian Furchtegott Gellert là nhà thơ và tác giả của các truyện ngụ ngôn, đang ở vào thời hoàng kim, đã trình bày các thơ văn của Edward Young, Laurence Sterne và Samuel Richardson. Goethe đã học hỏi được rất nhiều từ các bài diễn thuyết của Gellert. Goethe còn yêu thích nghệ thuật Cổ Hy Lạp do ảnh hưởng của A.F. Oeser, Johann Gottfried Herder... trong khi đó nhạc sĩ kiêm nhà soạn nhạc J. A. Hiller đã trình diễn các tác phẩm âm nhạc rực rỡ bằng các buổi hòa nhạc Gewandhaus.

Anna Katharina
 Tại Leipzig, Goethe đam mê cô Anna Katharina Schonkopf nên đã viết ra nhiều bài thơ ca ngợi người đẹp theo thể loại rocco. Vào năm 1770, Goethe đã ẩn danh cho xuất bản một tuyển tập thơ đầu tiên có tên là Annette và đặc biệt quan tâm tới hai nhà thơ Gotthold Ephraim Lessing và Christoph Martin Wieland.

Goethe cũng viết văn rất nhiều nhưng đã vứt bỏ đi hết, chỉ trừ kịch bản Die Mitschuldigen. Tại Leipzig, Goethe đã ưa thích nhà hàng Auberbachs Keller khiến cho nơi này còn được ghi lại trong vở kịch Faust, Phần Một. Công việc học hành của Goethe không tiến bộ nên ông phải quay lại Frankfurt vào tháng 8 năm 1768.

Tại Frankfurt, Goethe bị bệnh nặng rồi bệnh tái phát nhiều lần nên thời gian điều trị đã kéo dài tới 1 năm rưỡi, trong khi đó sự liên hệ của Goethe với người cha của ông trở nên xấu đi. Trong thời gian dưỡng bệnh, Goethe đã được mẹ và em gái chăm sóc.

Vào thang 4 năm 1770, Goethe rời Frankfurt để theo học tại Strasbourg. Tại miền Alsace này, Goethe đã vui sống, đã mô tả một cách âu yếm miền đất ấm áp, rộng lớn của bờ sông Rhine. Chính tại Strasbourg, Goethe đã gặp ông Johann Gottfried Herder. Hai người trở nên đôi bạn thân thiết rồi nhờ vậy trí thức của Goethe đã phát triển. Herder đã ưa thích văn chương của Shakespeare, Ossian và loại thơ dân gian (Volkspoesie = folk poetry).

Trong một chuyến du lịch tới làng Sessenheim vào tháng 10 năm 1770, Goethe đã say mê cô Friedericke Brion nhưng tới tháng 8 năm 1771 thì chấm dứt mối tình lãng mạn này. Nhiều bài thơ của Goethe đã được sáng tác vào giai đoạn này, chẳng hạn như các bài thơ Willkomen und Abschied, Sesenheimer Lieder và Heidenroslein.

Vào cuối tháng 8 năm 1771, Goethe đậu xong văn bằng Lizenziat tại Frankfurt và bắt đầu làm luật sư nhưng chỉ sau vài tháng, ông đã từ bỏ nghề nghiệp này. Vào thời gian này, Goethe làm quen với Johann Georg Schlosser, người mà sau này trở nên em rể và Johann Heinrich Merck, đồng thời Goethe cũng theo đuổi con đường văn chương mà cha là ông Johann Kaspar không cản trở mà còn giúp đỡ con trai nữa. Goethe bắt đầu viết ra vở kịch nhiều màu sắc có tên là Goetz von Berlichingen, tác phẩm này đã đi thẳng vô tâm hồn của các độc giả thời đó.

Vào tháng 5 năm 1772, Goethe lại tham gia công việc luật sư tại Wetzlar rồi qua năm 1774, ông đã viết ra tác phẩm nhờ đó danh tiếng của ông đã vang lừng trên thế giới, đó là cuốn truyện "Các Nỗi Buồn của Chàng Trẻ Werther" (The Sorrows of Young Werther). Cốt truyện của tác phẩm này là do Goethe đã rút ra các kinh nghiệm trong thời gian sinh sống tại Wetzlar với Charlotte Buff và người hôn phu của cô ta, với Johann Christian Kestner (1741-1800) cũng như do sự tự vẫn của một người bạn của tác giả là Karl Wilhelm Jerusalem (1747-1772). Mặc dù cuốn truyện Werther thành công rực rỡ nhưng Goethe đã không nhận được nhiều lợi tức bởi vì vào thời gian đó, đã không có các luật bản quyền (copyright laws).

Vào năm 1775, do danh tiếng của tác phẩm "Các Nỗi Buồn của Chàng Trẻ Werther", Goethe được mời tới triều đình của Công Tước Carl August (Duke of Carl August) của miền Saxe Weimar Eisenach, lúc này vị Công Tước ở tuổi 18 còn Goethe đã 26 tuổi. Goethe đã sinh sống tại Weimar cho tới cuối đời và nhận lãnh nhiều chức vụ và là cố vấn chính và là người bạn của Công Tước Carl August.

Năm 1776, Goethe quen thân với bà Charlotte von Stein, mối tình thân hữu này đã kéo dài tới 10 năm, cho tới khi Goethe bất ngờ bỏ đi, qua nước Ý Đại Lợi. Goethe được phong quý tộc vào năm 1782 và vì vậy tên của ông mang chữ "von".

Từ năm 1786 tới năm 1788 là thời gian Goethe đã thực hiện cuộc hành trình trên xứ sở Ý Đại Lợi, đã phát triển về thẩm mỹ học và triết học. Cuộc viếng thăm nước Ý trước kia của ông Johann Kaspar đã là một động lực khiến cho Goethe thực hiện cuộc du lịch này. Ngoài ra, tác phẩm của ông Johann Joachim Winckelman đã khiến cho Goethe quan tâm tới nghệ thuật cổ xưa của hai xứ Hy Lạp và La Mã. Trong cuộc hành trình này, Goethe đã làm quen với các nghệ sĩ Angelica Kauffman và Johann Heinrich Wilhelm Tischbein cũng như với các người danh giá như Lady Hamilton và Alessandro Cagliostro. Cũng trong dịp đi thăm hòn đảo Sicily, Goethe đã nhận ra rằng kiến trúc gốc của Hy Lạp khác với kiến trúc của La Mã.

Trận chiến Valmy

Cuối năm 1792, Goethe đã lập công với Công Tước Carl August trong trận chiến Valmy chống lại quân đội cách mạng Pháp khi đoàn quân này xâm lăng nước Đức. Goethe cũng là nhà quan sát quân sự giúp Công Tước Carl August trong cuộc vây hãm thành Mainz, tất cả các công lao này đã được Goethe ghi lại trong tác phẩm Complete Works (Các Công Tác Hoàn Thành).

Christiane Vulpius
Trước kia vào năm 1788, Goethe đã quen sơ nhà thơ Friedrich Schiller nhưng từ năm 1794, hai người trở nên đôi bạn thân và tình cảm này kéo dài cho tới khi Schiller qua đời vào năm 1805.

Vào năm 1806, khi Goethe đang sinh sống với người tình là bà Christiane Vulpius thì vào ngày 13 tháng 10 năm đó, đạo quân của Tướng Napoleon đã tràn vào thành phố Weimar. Nhóm quân lính Pháp thiếu kỷ luật này đã chiếm đóng căn nhà của Goethe, họ đã lấy rượu uống, làm huyên náo và gọi tên chủ nhà. Tới đêm tối, bọn lính này còn xông vào phòng của Goethe với súng ống có gắn lưỡi lê. Chính vào lúc này, bà Christiane đã điều khiển công việc chống cự toán quân Pháp vô kỷ luật bằng cách ngăn chặn cửa bếp và cửa tầng hầm, không cho bọn chúng cướp phá trong nhà. Ngày hôm sau, Goethe chính thức làm lễ cưới một cách đơn giản tại một ngôi nhà thờ nhỏ với bà Christiane sau 18 năm chung sống, họ đã có chung nhiều người con. Bà Christiane von Goethe qua đời vào năm 1816.

Từ năm 1793, Goethe dành hết thời giờ cho văn chương nhưng vẫn có các mối tình khác. Năm 1820, Goethe liên hệ tình cảm với bà Kaspar Maria von Sternberg, rồi tới năm 1823, lại say đắm bà Ulrike von Levetzow, muốn lập gia đình với bà này nhưng bị bà mẹ ngăn cản. Ngày 5 tháng 9 năm 1823 là lần gặp gỡ cuối cùng với bà Ulrike, cuộc tương phùng này đã gây cảm hứng cho Goethe để viết ra tập thơ bi ai danh tiếng Marienbad Elegy, tác phẩm mà ông cho là một trong các công trình xuất sắc. Cũng vào thời gian này, Goethe còn có cảm tình sâu đậm với nữ nhạc sĩ dương cầm người Ba Lan tên là Maria Agata Szymanovsky.

Vào ngày 22 tháng 3 năm 1832, Johann Wolfgang von Goethe qua đời tại Weimar vì bị liệt tim (heart failure), ông được chôn cất trong Nghĩa Trang Lịch Sử (Historical Cemetery) của thành phố Weimar.

2/ Các Công Trình của Johann Wolfgang von Goethe.

Vào thời kỳ trước khi di chuyển tới Weimar, các tác phẩm quan trọng nhất của Goethe là bi kịch Goetz von Berlichingen (1773), đây là sáng tác đầu tiên đã mang lại danh tiếng cho ông, rồi tới cuốn tiểu thuyết "Các Nỗi Buồn của Chàng Trẻ Werther" (The Sorrows of Young Werther - 1774), tác phẩm này đã được phổ biến rộng rãi trong phong trào "Bão Tố và Xung Kích" (the Sturm und Drang movement).

Vào thế kỷ 18, viết thư là hình thức liên lạc quan trọng nhất của nhiều người tại châu Âu. Vì vậy Goethe đã sáng tác vào năm 1774 cuốn tiểu thuyết ngắn thuộc dạng thư từ (a short epistolary novel) có tên là "Các Nỗi Buồn của Chàng Trẻ Werther" (Die Leiden des jungen Werthers = The Sorrows of Young Werther), cuốn tiểu thuyết này kể lại một cuộc tình không hạnh phúc mà kết quả là vụ tự sát. Nhân vật chính trong cuốn truyện, giống như Romeo, đã tự tử và đám tang không có vị linh mục nào tham dự, đây là điều đáng gây tranh luận bởi vì việc tự vẫn này đã đi trái với các giáo điều của đạo Thiên Chúa.

Sang thời kỳ thứ hai, trong khi cư ngụ tại Rome và trước khi gặp Schiller, Goethe bắt đầu viết các kịch Iphigenia in Tauris (1787), Egmont (1789), Torquato Tasso (1790) và Reineke Fuchs. Khi đã là bạn với Schiller rồi, Goethe tiếp tục viết truyện Wilhelm Meister, viết thơ văn đồng quê Herman and Dorothea và các khúc bi ai Roman Elegies.

Iphigenia in Tauris là phần thuật lại mới của truyện thần thoại Hy Lạp, căn cứ vào một vở kịch của Euripides. Vở kịch này diễn tả niềm tin của Goethe rằng mọi người sinh ra đều tốt lành và tội lỗi cùng sự thất bại của con người có thể chuộc lại bằng các hành động cao thượng.

Egmont là vở kịch xẩy ra khi có sự tranh chấp giữa hai nước Tây Ban Nha và Hòa Lan vào các năm 1500. Đây là câu chuyện bi thương của một nhà quý tộc trẻ tuổi, tự tin và yêu tự do, chàng ta là nạn nhân của các âm mưu chính trị do các kẻ thù độc ác.

Sau khi trở về Weimar, Goethe hoàn thành bi kịch Torquato Tasso, nói về một chàng thi sĩ đã không hành xử tốt đẹp với các người chung quanh bởi vì chàng ta thiếu đi đức tính kỷ luật tự giác.

Cuốn tiểu thuyết Wilhelm Meister's Apprenticeship (1795-96) kể lại một chàng thanh niên yêu thích nghệ thuật đã đạt được sự trưởng thành, sự tự hiểu biết mình và biết trách nhiệm xã hội. Đây là loại tiểu thuyết nói về sự phát triển giáo dục của một cá nhân.

Năm sau, 1797, Goethe đã nhấn mạnh về các giá trị của giai cấp trung lưu trong tập thơ anh hùng ca và đồng quê có tên là Hermann and Dorothea. 

Vào thời kỳ cuối cùng, từ giữa năm 1805 khi Schiller qua đời, tới năm tác giả viên tịch, Goethe đã xuất bản tác phẩm Faust, cuốn truyện Elective Affinities. Đây là một trong các công trình văn xuôi hay nhất. Cuốn tiểu thuyết này là một khảo sát về sự liên hệ bi thương giữa một cặp vợ chồng với hai người bạn của họ.

Từ năm 1811 tới năm 1814, đã thấy xuất hiện 3 phần của cuốn sách bán tự thuật Aus meinen Leben: Dichting und Wahrheit (From my Life: Poetry and Truth = Từ Cuộc Đời của Tôi: Thơ Phú và Sự Thật), phần thứ 4 được xuất bản vào năm 1833 sau khi tác giả qua đời. Tiếp theo là cuốn sách "Hành Trình qua Nước Ý" (the Italian Journey), các khảo sát khoa học và một loạt các sách nói về nghệ thuật của nước Đức (German Art). Các tác phẩm của Goethe đã ngay lập tức ảnh hưởng tới các giới văn học và nghệ thuật.

Bi kịch anh hùng ca Faust (epic drama) của Goethe chỉ được xuất bản đầy đủ sau khi tác giả đã qua đời. Phần đầu được phổ biến vào năm 1808, đã tạo nên sự náo động. Ấn bản nhạc kịch đầu tiên với chủ đề Faust do nhạc sĩ Spohr viết ra vào năm 1814 rồi về sau, tác phẩm Faust đã là nguồn gây cảm hứng cho các nhạc sĩ khác như Gounod, Boito, Busoni cũng như nhờ đó, Liszt, Wagner và Mahler đã viết ra các bản nhạc giao hưởng (symphonies).

Bi kịch Faust gồm hai phần, xuất bản cách nhau hơn hai thập niên, đã trở nên một thứ huyền thoại trong thế kỷ 19. Bán linh hồn cho Quỷ (selling one's soul to the devil) để có sức mạnh trong thế gian vật chất, đã trở thành một đề tài trong văn chương. 

Các bài thơ của Goethe đã trở thành một mẫu mực cho bộ môn Thơ Phú của nước Đức, được gọi là "khuynh hướng hướng nội" (introversion = Innerlichkeit) mà đại biểu là nhà thơ Đức Heinrich Heine (1797-1856). Các lời thơ của Goethe đã gợi hứng cho một số sáng tác âm nhạc trong số này có Mozart, Beethoven, Schubert, Berlioz và Wolf. Có lẽ một bài thơ đơn độc gây ảnh hưởng nhất là bài thơ "Bài Hát của Mignon" (Mignon's Song), mở đầu bằng một trong các câu thơ danh tiếng nhất của bộ môn Thơ Phú Đức, và đây là câu ám chỉ xứ Ý Đại Lợi: "Em có biết miền đất mà các trái chanh nở hoa không?" (Do you know the land where the lemons bloom? = Kennst du das Land, wo die Zitronen bluhn?).

Ngoài các công trình về Văn Thơ, Goethe cũng đã đóng góp đáng kể vào phạm vi Khoa Học. Về Sinh Học, ông đã đề cập tới lý thuyết của sự biến dạng của cây cối (plant metamorphosis). Năm 1784, Goethe đã khám phá về xương hàm của loài người (the inter-maxillary bone in humans) giống như các tìm thấy của Broussonet (1779) và Vícq d'Azyr (1780). Trong các công trình nghiên cứu về Khoa Học, Goethe coi thứ đóng góp quan trọng nhất của ông là tác phẩm "Lý Thuyết về Màu Sắc" (The Theory of Colors) rồi về sau, cuốn sách này đã ảnh hưởng tới nhà triết học Ludwig Wittingen khi ông này viết ra cuốn sách "Các Ghi Chú về Màu Sắc" (Remarks on Colours).

Goethe còn tìm kiếm và nghiên cứu về các truyền thống dân gian, ông đã tạo nên các tiêu chuẩn về tổ chức Lễ Giáng Sinh và đã biện hộ rằng bản chất hữu cơ (organic nature) của đất đai đã tạo nên dân tộc và các tập quán, và rằng luật pháp không nên được tạo ra bởi lý thuyết thuần lý (pure rationalism), bởi vì địa dư và lịch sử đã tạo thành các thói quen và các mẫu mực của xã hội, điều này tương phản lớn với quan điểm "khai sáng" (Enlightenment view), theo đó lý trí (reason) đủ để tạo nên một xã hội khéo tổ chức và các luật lệ tốt đẹp.

3/ Cuốn Tiểu Thuyết “Các Nỗi Buồn của Chàng Trẻ Werther".

A/ Nội dung của cuốn tiểu thuyết.

Phần lớn cuốn tiểu thuyết “Các Nỗi Buồn của Chàng Trẻ Werther” (the Sorrows of Young Werther) được trình bày theo thể một tập hợp các bức thư do Werther viết ra, gửi cho người bạn tên là Wilhelm. Werther là một nghệ sĩ trẻ, có tính tình nhạy cảm và đam mê, sinh sống trong ngôi làng giả tưởng tên là Wahlheim (được tác giả căn cứ vào ngôi làng Garbenheim, gần Wetzlar), tại nơi đây các người dân làng với lối sống đơn giản đã làm cho Werther say mê.
Cũng tại ngôi làng này, Werther đã gặp Charlotte, một thiếu nữ trẻ đẹp, đang chăm sóc các người em ruột sau khi bà mẹ qua đời. Werther say mê Charlotte dù cho anh ta biết rằng cô này đã hứa hôn với ông Albert hơn nàng 11 tuổi. Mặc dù tình ái éo le, Werther vẫn nuôi dưỡng tình cảm với cả hai người là Charlotte và Albert. Nỗi nhớ nhung càng làm cho Werther đau khổ khi chàng phải rời Wahlheim để đi Weimar, tại nơi này Werther làm quen với Bà von B. Werther gặp bối rối khi lại thăm một người bạn trong hội quán của các người quý tộc nhưng rồi chàng bị mời ra khỏi cửa vì không phải là một nhà quý tộc. 

Werther trở lai Wahlheim, tại nơi đây chàng bị đau khổ nhiều hơn khi được biết tin Charlotte và Albert đã kết hôn với nhau. Werther đau khổ vì Charlotte không thể đáp lại tình yêu, còn nàng thì vừa thương hại người bạn, vừa tôn trọng người chồng, nên đã yêu cầu Werther không nên đến thăm nàng thường xuyên. Rồi Werther đến thăm Charlotte một lần cuối, cả hai đành phải chế ngự các cảm xúc sau khi chàng đọc cho nàng nghe một bài thơ của Ossian.

Trước đó, Werther đã có cảm nghĩ rằng một người trong tình yêu tay ba này – Charlotte, Albert và Werther - sẽ phải chết đi để giải quyết vấn đề. Nghĩ rằng không thể làm hại người khác, Werther không còn cách nào hơn là tự sát. Chàng viết thư cho Albert, xin hai khẩu súng lục lấy cớ rằng sẽ đi xa nên cần thứ vữ khí đó. Charlotte nhận được lời yêu cầu với nhiều xúc động, đã gửi súng cho Werther. Sau đó Werther đã dùng súng bắn vào đầu mình. Werther được chôn dưới gốc cây bồ đà (linden tree) theo lời yêu cầu mà chàng thường nhắc tới trong các bức thư. Buổi lễ an táng của Werther đã không có mặt một vị linh mục nào, không có Albert và Charlotte. Phần cuối của cuốn truyện đã gợi ý rằng Charlotte có thể chết đi vì trái tim tan vỡ.

B/ Hoàn cảnh sáng tác và ảnh hưởng của cuốn tiểu thuyết.

“Các Nỗi Buồn của Chàng Trẻ Werther” là một cuốn tiểu thuyết tự thuật, theo thể thư từ (epistolary) của Johann Wolfgang von Goethe, xuất bản lần đầu tiên vào năm 1774. Ấn bản duyệt lại xuất hiện vào năm 1787. Đây là cuốn tiểu thuyết quan trọng của giai đoạn “Bão Tố và Xung Kích” (the Sturm und Drang period) của nền Văn Chương Đức Quốc và cuốn tiểu thuyết này đã ảnh hưởng tới phong trào Lãng Mạn (the Romantic movement) trong Văn Chương.

Goethe vào tuổi 24, đã hoàn thành tác phẩm này sau 6 tuần lễ tích cực viết văn từ tháng 1 tới tháng 3 năm 1774. Ngay sau khi phổ biến, cuốn tiểu thuyết này đã khiến cho Goethe ở trong số các nhà văn danh tiếng quốc tế và đây cũng là tác phẩm được nhiều độc giả vào thời đại đó biết tới nhiều nhất.

Đầu tiên Goethe phổ biến tác phẩm một cách ẩn danh rồi về sau đã hối tiếc vì tình yêu của chính mình lúc còn trẻ tuổi với nàng Charlotte Buff. Goethe cũng đã biết rằng cuốn tiểu thuyết này có thể ảnh hưởng tới các người trẻ yêu nhau một cách tuyệt vọng.

Cuốn tiểu thuyết “Các Nỗi Buồn của Chàng Trẻ Werther" đã khiến cho Goethe từ một tác giả vô danh sớm trở nên một văn sĩ danh tiếng. Tướng Napoleon Bonaparte đã coi cuốn truyện này là một trong các tác phẩm văn chương lớn của châu Âu nên đã mang cuốn truyện này theo trong chuyến đi chinh phục xứ Ai Cập. 

Cuốn tiểu thuyết này đã gây ra “cơn sốt Werther” (the Werther Fever) theo đó, các người trẻ của châu Âu đã ăn mặc thứ y phục của Werther được mô tả trong cuốn truyện, rồi hình ảnh nhân vật Werther được vẽ trên các đồ gốm Meissen và ngay cả nước hoa (perfume) cũng mang tên hiệu Werther.

Mặt xấu của cuốn tiểu thuyết “Các Nỗi Buồn của Chàng Trẻ Werther” là đã khiến cho nhiều thanh niên bắt chước lối tự sát, vì vậy cả cuốn tiểu thuyết lẫn y phục kiểu Werther đã bị cấm đoán tại Leipzig vào năm 1775 rồi về sau tại hai nước Đan Mạch và Ý. 

Vào năm 1892, cuốn tiểu thuyết kể trên của Goethe đã là căn bản cho vở nhạc kịch Werther của nhạc sĩ Jules Massenet rồi tới năm 1939, nhà văn Thomas Mann đã viết ra cuốn tiểu thuyết Lotte in Weimar, kể lại sư đoàn tụ giả tưởng giữa Goethe với người tình đam mê là Charlotte Buff.

4/ Tác Phẩm "Faust".


Con quỷ Mephistopheles, được gọi tắt là Mephisto, đi lên trên Trời để thăm Thượng Đế, chung quanh Vị này là các thiên thần chính Raphal, Michael và Gabriel. Các thiên thần này vui mừng vì sự toàn năng của Thượng Đế nhưng con quỷ Mephisto biện luận rằng mặc dù có sụ toàn năng nhưng loài người vẫn còn không được hạnh phúc. Theo Mephisto, loài người không được hạnh phúc bởi vì lý trí (reason), có nghĩa là sự thông minh, đã làm cho con người thấy rằng họ chỉ hơn con vật một chút. Khi Mephisto xác nhận rằng loài người thường thất vọng bởi vì họ không hiểu rõ các bí mật của vũ trụ, thì Thượng Đế đã dẫn chứng là Tiến Sĩ Henrich Faust, một kiểu mẫu của con người, sẽ giúp cho con quỷ hiểu rõ được sự thật. Vì thấy rằng đây là một cơ hội để hủy diệt một con người, con quỷ đánh cá rằng nó sẽ quyến rũ Faust ra khỏi con đường chính đạo và như vậy sẽ đưa Faust xuống địa ngục với nó. Thượng Đế chấp nhận công việc đánh cá này và tiên đoán rằng Faust sẽ chống lại được sự cám dỗ của con quỷ.

Cảnh 1-4. Đây là thế kỷ 16 và Faust là một người 50 tuổi, tiến sĩ về triết học, y khoa, luật pháp, thần học, đang ngồi một mình trong phòng nghiên cứu về ban đêm, ông ta thất vọng bởi vì mình không có khả năng hiểu rõ vũ trụ. Trong khi buồn nản vì không tìm ra được các câu trả lời cho đời sống, Faust đã nhờ tới quỷ thuật. Các suy tư của Faust bị gián đoạn vì một người phụ tá tên là Wagner đi tới, anh này cho rằng nếu ông Faust nhớ hết được một bộ từ điển bách khoa, ông ta sẽ trở nên một con người khôn ngoan. Tuy nhiên, Faust lại cho rằng kiến thức (knowledge) sẽ trở nên vô dụng khi nó không giúp ích cho mọi người hiểu rõ ý nghĩa của cuộc đời. Khi Wagner khi khỏi, Faust nghĩ tới việc tự sát để chấm dứt cảnh tuyệt vọng nhưng đã từ bỏ ý tưởng này bởi vì vào sáng sớm, tiếng chuông Nhà Thờ đã nhắc nhở ông ta rằng hôm nay là ngày Lễ Phục Sinh (Easter).

Vào buổi chiều, Faust và Wagner cùng đi dạo bên ngoài thành phố, ngắm nhìn mọi người vui hưởng ngày Chủ Nhật Lễ Phục Sinh, Faust nói với Wagner rằng ông ta sẵn sàng trao đổi các thú vui vật chất để lấy các quyền lực thần bí. Một con chó xù theo hai người về nhà rồi khi vào phòng đọc sách của Faust thì con chó xù hiện ra thành con quỷ Mephisto. Con quỷ vui mừng khi thấy Faust muốn dùng quỷ thuật để tìm ra các câu trả lời và đây là loại thần bí mà điều tốt không thể tồn tại nếu không có điều xấu.

Ngày hôm sau, Mephisto đề nghị Faust sẽ được hưởng thụ tài sản và khoái lạc không giới hạn nhưng Faust đã từ chối bởi vì các thú vui trần thế đã không làm cho ông ta thỏa mãn. Một lần khác, con quỷ đề nghị Faust chối bỏ mọi đức tính Thiên Chúa giáo cổ truyền rồi cả hai cùng đồng ý về một thứ hợp đồng bất thường: Mephisto sẽ là một tên đầy tớ của Faust trên trái đất nhưng nếu Faust có được thú vui mà ông ta muốn thời gian ngừng lại, Faust sẽ chết và trở nên tên đầy tớ của Mephisto dưới địa ngục. Faust đã tự tin rằng lúc đó sẽ không bao giờ xẩy ra nên ông ta đã ký khế ước bằng máu.

Cảnh 5-6. Faust và Mephisto bay tới nhà hàng Auerbach's Cellar, một quán rượu tại Leipzig, nơi này Faust có thể quan sát bốn người đang vui hưởng cuộc đời thảnh thơi. Sau đó cả hai tới thăm căn bếp của một mụ phù thủy, một hang xấu xí ở đó có các con khỉ đang canh chừng môt vạc nấu thuốc. Qua một tấm gương, Faust nhìn thấy hình ảnh của một phụ nữ trẻ đẹp nên sinh ra đam mê cô này. Sau khi uống vô một liều thuốc do mụ phù thủy pha chế, Faust trở thành trẻ ra nhiều tuổi và Mephisto hứa hẹn sẽ dẫn Faust đến gặp người phụ nữ trong gương.

Cảnh 7-14. Trong khi đang đi trên đường phố, Faust trông thấy người con gái mà mình đã nhìn thấy trong gương. Tên của cô ta là Margaret, nhưng cô ta cũng được biết bằng tên Gretchen. Khi Gretchen từ chối lời đề nghị của Faust, chàng liền nhờ Mephisto tặng cho Gretchen một món nữ trang. Chiều hôm đó, khi Faust và Mephisto thăm Gretchen trong khu vườn của một người hàng xóm tên là Martha Schwertlein thì Gretchen thú nhận rằng cô đã yêu Faust sâu đậm. Faust bèn quyết định theo đuổi Gretchen bất kể giá nào.

Cảnh 15-20. Trong phòng một mình, Gretchen hát bài "Quay Tơ" (Spinning Wheel) qua đó cô đã bộc lộ rằng tình trạng bình an trong tâm hồn của cô đã biến đi và cô mong đợi sự âu yếm của Faust. Khi gặp lại Faust trong vườn của Martha, Gretchen đã hỏi Faust về niềm tin tôn giáo của chàng thì Faust trả lời rằng chàng không thể nói chắc chắn rằng mình tin tưởng gì. Gretchen e sợ rằng Faust đã không còn tin tưởng ở Chúa Kitô và người bạn của Faust chỉ là một kẻ ác. 

Faust tặng cho mẹ của Gretchen một liều thuốc ngủ để cả hai có thể trải qua đêm mà không bị bà cụ làm phiền. Sáng hôm sau, Faust bỏ Gretchen ra đi một cách tàn nhẫn, để cùng với Mephisto theo đuổi các cuộc phiêu lưu khác, rồi nhiều tháng sau, Gretchen thấy rằng mình mang thai. Anh của Gretchen là Valentine đã tấn công Faust và Mephisto nhưng đã bị giết. Trước khi chết, Valentine đã nguyền rủa người em gái là một con đĩ và tiên đoán tương lai xấu hổ của cô nàng này. Bà mẹ của Gretchen cũng chết vì liều thuốc ngủ nên Gretchen đã chịu trách nhiệm về cả hai cái chết, cô ta đã đi lễ nhà thờ để ăn năn rồi bất tỉnh khi tử thần (Evil Spirit) hành hạ cô vì tội lỗi.

Cảnh 21-25. Đây là ngày 30 tháng 4, một năm về sau, buổi tối hôm trước ngày 01 tháng 5, còn được gọi là Đêm Walpurgis (Walpurgis Night). Đây cũng là lúc mà các mụ phù thủy và các ác quỷ tụ họp tại Núi Brochen (Núi Harz ở trung tâm nước Đức), để kỷ niệm Lễ Sabbath hàng năm của các phù thủy. Mephisto dẫn Faust đi qua đám các con vật kỳ quái đang hoan lạc và Faust thưởng thức cảnh hưởng thụ cho tới khi chàng ta nhìn thấy một con ma khiến chàng nhớ lại Gretchen và con ma này có đeo một lưỡi dao đỏ ở nơi cổ. 

Khi Faust biết rằng Gretchen bị tù tội vì đã nhận chìm đứa con mới đẻ, gián tiếp gây cho bà mẹ qua đời, Faust liền tức giận, chối bỏ Mephisto và cầu nguyện Thượng Đế. Rồi Faust năn nỉ Mephisto dẫn chàng đi tới chỗ Gretchen để giải thoát cho cô nàng. Cưỡi trên lưng các con ngựa đen, Faust và Mephisto đã bay qua các giá treo cổ là thứ sẵn sàng dành cho Gretchen. Faust đã tìm thấy Gretchen trong căn phòng giam, cô ta bất ngờ nhận ra Faust và vui mừng chào Faust nhưng nàng đã sợ hãi lùi lại khi thấy Mephisto đi vào. Faust nài nỉ Gretchen cùng vượt thoát với chàng nhưng cô ta từ chối. Mephisto biện luận rằng Gretchen là một người đàn bà bị kết tội và Faust phải ra đi. Faust và Mephisto đã bay xa khi Gretchen bị treo cổ rồi một tiếng nói của thiên thần cho biết linh hồn của Gretchen đã được cứu rỗi.

PHẦN II

HỒI 1. Faust và Mephisto đi tới tòa lâu đài của Hoàng Đế. Vị Thủ Tướng báo cáo rằng có sự bất công trên xứ sở. Vị chỉ huy quân sự nói rằng các binh lính của ông ta đang chống lại Hoàng Đế. Vị thủ quỹ công bố rằng đất nước gần như phá sản. Do vai trò mới là anh hề của triều đình, Mephisto nói rằng bởi vì đang có vàng nằm dưới đất, Hoàng Đế nên phát hành tiền giấy là thứ bảo đảm bằng vàng.

Vị Hoàng Đế tuyên bố bắt đầu Lễ Hội Tro Thứ Tư (Ash Wednesday). Các nhân vật của thần thoại Hy Lạp đều có mặt để tham dự Vũ Hội Hóa Trang (Masquerade) và vị thần của các kẻ chăn cừu là Pan đã tạo nên ảo tưởng rằng vàng chảy ra từ lòng đất.

Sáng hôm sau, Hoàng Đế cho rằng Faust là một nhà quỷ thuật nên nhờ Faust gọi Helen Thành Troy và người yêu của cô ta là Paris tới triều đình. Mephisto cho Faust biết rằng cách duy nhất để tiếp xúc với các vị thần thánh là qua các Mẹ Bí Mật (the mysterious Mothers) và những người này đang sinh sống tại trung tâm trái đất. Vì thế Faust đã ra đi với một chiếc chìa khóa thần kỳ mà Mephisto đã đưa cho để bảo vệ Faust, rồi Faust đã đam mê Helen. Khi Faust nhìn thấy Paris ôm người Helen, chàng ta đã đánh Paris bằng chiếc chìa khóa. Đã có một tiếng nổ lớn rồi Mephisto mang Faust bị bất tỉnh ra đi.

Hồi 2. Trở lại phòng làm việc, Faust nằm trên giường và còn bị bất tỉnh sau vụ nổ trong khi đó Wagner làm nốt một thí nghiệm khoa học mới nhất của anh ta: Wagner đã tạo nên một thần linh nhân tạo nhỏ, hình người, tên là Homunculus, thần linh này sinh sống trong 1 cái lọ nhỏ. Từ khi sinh ra, Homunculus có thể nói năng như một người trưởng thành và nó bay bổng trong cái lọ thủy tinh đặt bên giường của Faust và nó đi vào giấc mơ của Faust. Cho rằng Faust đang mơ màng về thế giới cổ xưa và sẽ chết nếu nó đánh thức Faust dậy, Homunculus thúc dục Mephisto đưa Faust tới đêm "Walpurgis cổ điển" (the Classical Walpurgis Night), một nơi tụ họp các thiên thần cổ điển Hy Lạp. Băng qua thời gian và không gian, Mephisto, Faust và Homunculus đã tới cánh đồng Pharsalian của xứ Hy Lạp. Tại nơi này, Faust đi tìm kiếm Helen, Mephisto tán tỉnh các thiên thần gợi tình còn Homunculus lắng nghe các sinh vật thần bí đang thảo luận về nguồn gốc của đời sống. Một trong các con vật quái dị này bảo Homumculus rằng nếu nó muốn thành người, nó phải đi ra biển để tìm nguồn của đời sống. Homunculus sốt ruột, muốn được sống thực nên đã nhẩy xuống biển và biến mất trong số các nữ thần. Tại nơi đó, nó trở nên một thần linh sống, để rồi vào một ngày kia, nó biến thành một con người thực sự.

Hồi 3. Hồi này diễn ra tại xứ Hy Lạp cổ, ngay sau trận Trojan. Paris, người yêu của Helen, đã bị giết chết và Helen trở về Sparta để sinh sống trong lâu đài của người chồng là Menelaus. Mephisto đóng giả là một thiên thần xấu xí Phorkyas, làm cho Helen và các người tớ gái sợ hãi do Mephisto bảo rằng Menelaus định giết tất cả. Mephisto khuyên Helen nên tìm nơi trú ẩn trong lâu đài của một ông hoàng gần đó và ông hoàng này hóa ra Faust.

Thời gian và nơi chốn đổi từ xứ Hy Lạp cổ sang châu Âu vào thời Trung Cổ. Khi Mephisto dẫn Helen tới một lâu đài gothic khổng lồ, tới nơi Helen đâm ra mê Faust và Faust dạy cho Helen nói ra bằng lời thơ. Họ trở nên các kẻ yêu nhau và nhiều tháng sau, Helen sinh ra một con trai đặt tên là Euphorion, đây là đứa bé biết đi và biết nói ngay khi sinh ra đời. Vài năm sau, khi đứa trẻ mạnh khỏe này trưởng thành, nó không muốn bị trói buộc trên mặt đất nên nó leo lên một mỏm đá cao và liều lĩnh thử bay lượn, nhưng nó đã ngã xuống và qua đời. Helen buồn rầu vì Euphorion chết nên đã hôn từ biệt Faust rồi biến đi, để lại Faust trong nỗi thất vọng. 

Hồi 4. Sau khi mất người yêu, bây giờ Faust quyết định thực hiện một thứ gì hữu ích cho nhân loại, chàng ta muốn biến đổi đất của biển cả thành đất có thể trồng trọt. Mephisto tin tưởng rằng Hoàng Đế sẽ cho họ đất đai nếu họ giúp vào cuộc chiến chống kẻ địch. Hai người cùng đi giúp cho Hoàng Đế chiến thắng nhưng vị Tổng Giám Mục đã chiếm lấy phần lớn chiến lợi phẩm cho nhà thờ mà không cho kẻ ác là Faust. Hoàng Đế đã thưởng cho Faust thứ đất ở bờ biển, nằm dưới mặt nước.
Hồi 5. Faust bây giờ đã 100 tuổi. Ông ta đã biến đổi phần đất dưới nước biển thành đất đai có ích lợi, nhưng ông ta còn bất mãn. Chỉ còn mảnh đất mà Philemon và Baucis đã không bán cho ông ta vì thế Faust yêu cầu Mephisto di chuyển cặp vợ chồng kể trên, rồi đốt nhà của họ và giết họ. Bốn mụ già xấu xí tên là Want, Guilt, Care và Need đã từ đống tro tàn đi tới Faust. Care báo tin cho Faust biết rằng Tử Thần sẽ đến với ông ta nhưng Faust không sợ hãi, cho rằng ông ta đã học hỏi được nhiều trong đời sống và kinh nghiệm của đời sống thì quan trọng hơn sự hiểu biết về các bí mật vĩnh cửu. 

Care bịt mắt Faust lại sau khi nói rằng các người thường thường bị mù lòa trong suốt cuộc đời của họ. Mặc dù bị bịt mắt, Faust vẫn còn tin vào những lời nói của Thượng Đế. Faust cho biết rằng ông ta thì sung sướng với đời sống hiện tại và còn muốn nán ở lại với công việc cải thiện đất đai, nhưng ông ta đã hứa với Mephisto rằng ông ta sẽ không nán ở lại tại một hành động, như vậy đã vi phạm lời hứa. Mặc dù rất mệt mỏi, Faust đã nói ra lời cuối cùng rồi qua đời. Mephisto thì sung sướng vì từ nay có được linh hồn của Faust nhưng trong lúc Mephisto không chú ý, các thiên thần đã mang linh hồn của Faust lên Thiên Đường và như vậy Mephisto đã bị thua.

Gretchen, bây giờ được gọi tên là Người Sám Hối (the Penitent One), thì quá sung sướng vì linh hồn của Faust được giao cho cô ta chăm sóc và Master Gloriosa, vị thiên thần phụ nữ vĩnh cửu, đã mời Gretchen và Faust đi lên Thiên Đường. Ban hợp ca hát rằng Vị Phụ Nữ Vĩnh Cửu đã đưa con người gần với sự toàn hảo./.

5/ Vài nhận xét về cuốn truyện Faust.

Chủ đề chính của cuốn truyện Faust là nhân loại tìm hiểu vũ trụ và vai trò của con người trong vũ trụ. Goethe không tin tưởng vào đạo Chính Thống hay một tôn giáo nào, nên đã cho thấy Thượng Đế kiên nhẫn khi Faust luôn luôn tìm hiểu. Theo Goethe, nhà thờ là một định chế không cần thiết bởi vì sự cứu rỗi của con người lệ thuộc vào hành động và sự liên hệ của con người với Thượng Đế. Thượng Đế bảo Mephisto rằng con người tốt luôn luôn biết rõ con đường phải để đi theo trong cuộc đời.

Theo Goethe, các sai nhầm của con người thì có thể chuộc tội và ý nghĩa của đời sống thì rõ ràng khi con người đi từ sự bê tha tới sự hiểu rõ vị trí đúng của mình trên trái đất. Con người thì được tự do hành động và Goethe biện luận rằng các hành đông sai trái, chẳng hạn như Faust hợp đồng với ác quỷ Mephisto, thì còn hơn là không hành động, bởi vì sự hành động làm phát triển tri thức và sự nhận biết. Faut là đại diện cho con người, nên có thể phân biệt giữa tốt và xấu, giữa đúng và sai, nhưng phải làm điều sai trái khi có thể học hỏi và phát triển. 

Trong công việc tìm hiểu kiến thức tinh thần, Faust đã gặp hai thứ tình yêu: thứ say đắm, nồng nàn với Gretchen, và thứ thảnh thơi, bình yên và tự nhiên với Helen of Troy. Sự liên hệ của Faust với Gretchen là tình yêu mãnh liệt, hấp dẫn do dục tính của một chàng thanh niên tới với một thiếu nữ. Sau khi bỏ Gretchen, Faust cảm thấy có tội nên đã tìm cách cứu giúp cô ta nhưng không thành công. Tình yêu của Faust với Helen chấm dứt do cái chết bi thương của người con trai và do Helen rút lui về thế giới thần linh. Đối với Gretchen, sự chuộc tội cuối cùng của Faust diễn tả tình yêu của Thượng Đế đối với nhân loại, tình yêu này đã tha thứ cho kẻ đã liên hệ với ác quỷ khi người đó cuối cùng biết chọn ra con đường đi tới sự thật.

Tại Phần I, Faust thất vọng vì các bí ẩn mà Thượng Đế đã tạo ra và đồng ý với Mephisto rằng kiến thức làm cho con người đau khổ, nhưng sang cuối Phần II, Faust đồng ý với các thiên thần chính, là con người nên tin tưởng và chấp nhận các sáng tạo của Thượng Đế mà không cần hiểu rõ.


Phạm Văn Tuấn


Tài liệu tham khảo: Wikipedia.org.; Britannica Encyclopedia.



No comments

Powered by Blogger.