Header Ads

Alphonse de Lamartine (1790 - 1869) Thi Sĩ Lừng Danh của Nước Pháp và cuốn Tiểu Thuyết Graziella


Phạm Văn Tuấn

Alphonse Marie Louis de Prat de Lamartine (21/10/1790 - 28/2/1869) là nhà văn, nhà thơ và nhà chính trị của nước Pháp, ông là nhân vật giúp công vào nền Đệ Nhị Cộng Hòa (the Second Republic) và vào công tác bênh vực Lá Cờ Ba Màu (the Tricolor), tức là Quốc Kỳ của nước Pháp.

Tập thơ trữ tình của Lamartine với tên là "Suy Tưởng Thơ Phú" (Meditations Poetiques, 1820) đã khiến cho ông trở nên một trong các thi nhân quan trọng trong Phong Trào Lãng Mạn (the Romantic Movement) của nền Văn Chương Pháp.

1/ Tiểu Sử của Lamartine.

Alphonse de Lamartine sinh ra đời tại Macon, Burgundy vào ngày 21 tháng 10 năm 1790, trong một gia đình quý tộc Pháp, ông đã trải qua thời kỳ niên thiếu nơi trang trại của gia đình. Cha của Alphonse de Lamartine là một nhà quý phái, đã bị giam cầm vào thời đại khủng bố của cuộc Cách Mạng Pháp đang lên cao, nhưng rất may là ông Lamartine cha đã không bị đưa lên máy chém. 

Alphonse được giáo dục tại trường trung học Belley, giảng dạy do các Cha Dòng Tên (the Jesuits) dù cho vào thời gian này, các tu sĩ tại nước Pháp đều bị áp bức. Alphonse de Lamartine muốn phục vụ trong quân đội hay trong ngành ngoại giao nhưng vào thời bấy giờ, nước Pháp do Hoàng Đế Napoleon cai trị trong khi cha mẹ của ông lại là những người trung thành với chế độ Bảo Hoàng, vì vậy Lamartine đã không được chấp nhận vào các công vụ. 

Vào năm 1814, khi chế độ quân chủ Bourbon được phục hồi, Lamartine phục vụ trong đội cận vệ của Vua Louis 13. Vào năm sau khi Hoàng Đế Napoleon trở lại chính trường của nước Pháp sau khi đã bị đi đầy tại đảo Elbe, Lamartine di chuyển sang Thụy Sĩ. Sau khi Hoàng Đế Napoleon bị thua Trận Waterloo và triều đại Bourbon được phục hồi lần thứ hai, Lamartine bỏ nghề quân sự.

Do bị hấp dẫn bởi thú văn thơ, Alphonse de Lamartine đã viết ra vài bài thơ bi ai và các bi kịch bằng thơ. Trước kia vào đầu năm 1812, Lamartine đã yêu say đắm một thiếu nữ lao động trẻ tên là Antoniella, tới năm 1815, ông được biết tin cô gái này đã qua đời nên sau này, ông đã viết ra cuốn truyện "Graziella" với các giai thoại về cô gái kể trên.

Khi sức khỏe bị yếu đi, Lamartine đã tới Aix-les-Bains là một nơi nghỉ mát có suối nước khoáng và đã gặp rồi say mê một người đẹp nhưng đang bị bệnh nặng tên là Julie Charles. Do cô Julie có quen biết nhiều nhân vật quyền thế tại thành phố Paris, cô Julie đã giúp Lamartine xin được một chức vụ trong công quyền. Lamartine đã làm nhiều bài thơ để tặng cô Julie, đặc biệt là bài thơ "Le Lac" (The Lake - Hồ Nước) qua đó nhà thơ hồi tưởng mối tình nồng ấm của đôi cặp tình nhân. Tới khi cô Julie qua đời vào tháng 12 năm 1817, Lamartine đã làm nhiều bài thơ tưởng nhớ Cô này, đáng kể là bài thơ "Le Cruxifix" (Thánh Giá). Lamartine đã trở nên một bậc thầy trong các thể thơ của Văn Chương Pháp.

Maria Ann Birch
 Vào năm 1820, Lamartine kết hôn với cô Maria Ann Birch, một người đàn bà trẻ gốc Anh. Cũng vào năm này, ông cho xuất bản tập thơ đầu tiên có tên là "Meditations Poetiques" (Suy Tưởng Thơ Phú), đồng thời ông cũng tham gia vào Ngoại Giao Đoàn, làm thư ký cho Tòa Đại Sứ Pháp tại Naples.

Tập thơ "Suy Tưởng" ngay lập tức đã thành công bởi vì âm điệu lãng mạn và cảm xúc chân thành của các lời thơ. Tập thơ này đã mang lại cho nền Thơ Phú của nước Pháp một nét thơ mới với các chủ đề thân mật và có tính cách tôn giáo. Tính ngân vang của các câu thơ, sức mạnh của nhịp thơ và sự đam mê vì cuộc sống đã tương phản với lối thơ của thế kỷ 18 trước đây.

Tập thơ "Suy Tưởng" này đã thành công tới độ nhà thơ Lamartine đã khai triển trong hai năm về sau bằng hai tập thơ "Nouvelles Meditations Poetiques" (Suy Tưởng Thơ Phú Mới) và "Mort de Socrates" (Socrates qua đời). Trong hai tập thơ này có thêm phần siêu hình (metaphysics). Tập thơ "Le dernier chant du pelerinage d'Harold" (Câu hát cuối cùng của người hành hương Harold) xuất bản vào năm 1825, đã diễn tả được sự duyên dáng mà sau này Byron đã mô tả theo phong cách tương tự.

Alphonse de Lamartine được phong tước Hiệp Sĩ (Chevalier of the Legion of Honour) vào năm 1825 rồi làm việc trong Tòa Đại Sứ Pháp tại nước Ý từ năm 1825 tới năm 1828. Ông được bầu vào Hàn Lâm Viện Pháp (the French Academy) vào năm 1829 rồi năm sau, ông cho phổ biến hai tập thơ "Harmonies Poetiques et Religieuses" (Hòa Điệu Thơ Phú và Tôn Giáo) trong đó có các lời ca ngợi Thiên Chúa (alleluia) một cách nhiệt tình.

Cũng vào năm 1830 khi ông Louis Philippe lên làm Vua theo nền Quân Chủ Lập Hiến sau cuộc Cách Mạng Tháng 7 (the July Revolution), Lamartine đã từ bỏ ngành ngoại giao để tham gia vào chính trị, tuy nhiên ông từ chối liên hệ vào chế độ quân chủ để có thể duy trì tính cách độc lập của mình. Lamartine bắt đầu chú ý tới các vấn đề xã hội. Sau hai lần tranh cử không thành công, Lamartine đã được bầu làm Dân Biểu vào năm 1833. Dù vậy, ông vẫn còn làm thơ. Tập thơ "Les Visions" (Các Tầm Nhìn) đã được ông suy ngẫm từ năm 1821, nay được ông coi là một thiên anh hùng ca của tâm hồn (an epic of the soul). Chủ đề của tập thơ này là về một thiên thần bị đuổi ra khỏi Thiên Đường vì đã chọn yêu thương một phụ nữ và thiên thần này đã bị kết tội tái sinh nhiều lần cho đến khi nào thiên thần đó "yêu thích Thượng Đế hơn".

Từ năm 1832-33, Lamartine du lịch qua các xứ Lebanon, Syria và Vùng Đất Thánh (the Holy Land). Trong chuyến du lịch này và khi đang lưu tại Beirut, vào ngày 7/12/1832, Lamartine được tin người con gái duy nhất của ông tên là Julia đã qua đời.

Trong chuyến du lịch tới xứ Lebanon, Lamartine đã gặp Hoàng Tử Bashir Shihab II và Hoàng Tử Simon Karam, là hai người đam mê thơ văn. Một thung lũng của miền Lebanon ngày nay còn được gọi bằng tên "Thung Lũng Lamartine" (the Valley of Lamartine) để kỷ niệm cuộc thăm viếng này và trong rừng cây bách hương (cedar) tại Lebanon, có một cây to lớn mang danh "cây Bách Hương Lamartine" (the Lamartine Cedar) bởi vì gần 200 năm về trước, Lamartine đã ngồi làm thơ dưới gốc cây bách hương này.

Năm 1835, Lamartine cho phổ biến cuốn sách "Voyage en Orient" (Du Lịch tới miền Trung Đông), kể lại cuộc hành trình sang trọng nhưng cũng từ nay, ông mất đi niềm tin vào Thiên Chúa. 

Vào năm 1836, Lamartine đã viết ra cuốn truyện "Jocelyn". Đây là câu chuyện của một thanh niên trẻ trước kia đã muốn đi theo đời sống tôn giáo, nhưng đã bị cuộc Cách Mạng Pháp đuổi ra khỏi tu viện. Anh chàng này đam mê một thiếu nữ trẻ nhưng vì nhớ lại mệnh lệnh của vị giám mục già sắp qua đời, anh ta đã từ chối tình yêu để trở nên một "người con của Thiên Chúa" (a man of God), chỉ biết hy sinh đời sống của mình cho công việc phục vụ các đồng loại. Tới năm 1838, Lamartine cho phổ biến phần đầu của một tập thơ siêu hình dài với tên là "La chute d'un Ange" (the Fall of an Angel = Sự sa ngã của một Thiên Thần).

Sau khi tập thơ tên là "Recueillements Poetiques" (Poetic Meditation = Tuyển Tập Thơ Phú), Lamartine không còn quan tâm tới văn thơ nữa mà quay sang hoạt động chính trị một cách tích cực. Ông tin rằng các vấn đề xã hội mà ông gọi là "các câu hỏi của giai cấp vô sản" (the questions of the proletariat) phải là vấn đề chính của thời đại. Lamartine thương xót các hoàn cảnh của các công nhân, ông chối bỏ các niềm tin vào chính quyền rồi trong hai bài diễn văn vào các năm 1838 và 1846, ông cho rằng cuộc cách mạng của giới lao động sẽ không tránh khỏi.

Vào năm 1847, Lamartine cho xuất bản cuốn sách "Histoire des Girondins" (Lịch Sử của các Nhà Cách Mạng Girondists), đây là cuốn lịch sử của đảng Girondin ôn hòa và sau cuộc Cách Mạng Pháp. Cuốn sách này đã khiến cho nhiều người biết tới danh tiếng của Lamartine, nhất là các đảng phái phe tả.

Sau cuộc Cách Mạng xẩy ra vào ngày 24/2/1848, nền Cộng Hòa Thứ Hai (the Second Republic) được công bố tại thành phố Paris và Lamartine đã là Bộ Trưởng Ngoại Giao từ ngày 24/2/1848 tới ngày 11/5/1848. Vì cao tuổi, ông Jacques Charles Dupont de l'Eure, Chủ Tịch của Chính Phủ Lâm Thời đã giao nhiều nhiệm vụ quan trọng của ông ta cho Lamartine. 

Lamartine cũng ở trong Ủy Ban Hành Pháp (the Executive Commission), đây là Bộ Chỉ Huy của nước Pháp. Lamartine cũng được ủy nhiệm việc công bố Nền Cộng Hòa trên bao lơn của Tòa Thị Chính của thành phố Paris và duy trì việc dùng Lá Cờ Ba Màu (the Tricolor) là Quốc Kỳ của nước Pháp. 

Lamartine đã nói như sau: "Đây là lá cờ của nước Pháp, lá cờ của các đạo quân chiến thắng, của vinh quang của chúng ta. Nước Pháp và Lá Cờ Ba Màu có chung một ý tưởng, cùng một uy tín và ngay cả nỗi sợ hãi nếu cần dành cho kẻ thù của chúng ta. Hãy cứu xét xem phải mất bao nhiêu máu đào để tạo nên một lá cờ khác... Lá Cờ Ba Màu đã đi vòng quanh thế giới với nền Cộng Hòa và Đế Quốc, với sự tự do và vinh quang của quý vị..."

Trong cuộc Cách Mạng năm 1848, giai cấp tư sản đã không chấp nhận giai cấp lao động có quyền sở hữu vũ khí để bảo vệ chính họ. Vào tháng 4/1848, Lamartine được bầu vào Quốc Hội Pháp. Những người tư sản thuộc đảng phái phe hữu cho rằng họ bầu Lamartine vào chính quyền để làm hòa giải với giai cấp vô sản trong khi lực lượng quân sự có thể duy trì được trật tự. Nhưng giới tư sản đã nổi giận khi thấy Lamartine công bố rằng ông là người phát ngôn của giới lao động. Vào ngày 24/6/1848, Lamartine bị đẩy ra khỏi chính quyền và cuộc nổi dậy của giới vô sản bị đàn áp.

Lamartine trở nên 60 tuổi vào năm 1850 và đi vào cảnh hoàng hôn của cuộc đời với các món nợ lớn, không phải vì ông là người tiêu xài phung phí mà vì ông đã cho các người em gái của ông các món tiền để hoàn bù vào tổng số tài sản mà ông đã thừa hưởng của gia đình do ông là người con trai duy nhất.

Trong 20 năm trường, Lamartine đã phấn đấu một cách tuyệt vọng đối với cảnh phá sản, ông đã cho xuất bản nhiều cuốn sách viết về nhiều đề tài: lịch sử, phê bình, tâm sự cá nhân (personal confidences), đàm thoại văn chương (literary conversations)...

Lamartine cũng cho phổ biến tạp chí xuất bản định kỳ tên là "Cours Familiers de Litterature" (Tạp Chí Văn Chương) (1856-1869) trong đó đã xuất hiện các bài thơ của ông như "La vigne et la maison" (Cây nho và căn nhà), "Le Desert" ( Sa Mạc)...

Alphonse de Lamartine qua đời vào ngày 28/2/1869 tại thành phố Paris, thọ 78 tuổi. Nhà Thơ người Pháp Frederic Mistral, đoạt Giải Thưởng Nobel Văn Chương năm 1904, đã nổi tiếng nhờ các lời ca ngợi Lamartine và nhờ thi phẩm dài tên là Mireio.

Alphonse de Lamartine được coi là Nhà Thơ lãng mạn đầu tiên của nước Pháp, được nhà thơ Paul Verlaine đề cao và ông đã gây ảnh hưởng tới các nhà văn, nhà thơ biểu tượng (the Symbolists).

2/ Các Tác phẩm của Alphonse de Lamartine.

Saül (1818)
Méditations poétiques (1820) = Suy Tưởng Thơ Phú.
Nouvelles Méditations (1823) = Suy Tưởng Thơ Phú Mới.
Harmonies poétiques et religieuses (1830) = Hòa Điệu Thơ Phú và Tôn Giáo.
Sur la politique rationnelle (1831) = Về nền Chính Trị Thuần Lý.
Voyage en Orient (1835) = Du Lịch tới miền Trung Đông.
Jocelyn (1836)
La chute d'un ange (1838) = Sự Sa Ngã của một Thiên Thần.
Recueillements poétiques (1839) = Tuyển Tập Thơ Phú.
Histoire des Girondins (1847) = Lịch Sử của các nhà Cách Mạng Girondists.
Histoire de la Révolution (1849) = Lịch Sử của cuộc Cách Mạng.
Histoire de la Russie (1849) = Lịch Sử của nước Nga.
Raphaël (1849)
Confidences (1849) = Tâm Tình.
Geneviève, histoire d'une servante (1851) = Genevieve, lịch sử của một người tớ gái.
Graziella (1852)
Les visions (1853) = Các Tầm Nhìn.
Histoire de la Turquie (1854) = Lịch Sử của nước Thổ Nhĩ Kỳ.
Cours familier de littérature (1856) = Tạp Chí Văn Chương.

3/ Cuốn Truyện Graziella.

Graziella là cuốn tiểu thuyết của Lamartine viết ra vào năm 1852. Đây là câu chuyện của một thanh niên Pháp trẻ tuổi, yêu thương người cháu gái của một người đánh cá trong một chuyến đi du lịch tới thành phố Naples của nước Ý Đại Lợi. Hai người chia tay nhau khi chàng thanh niên này phải trở về nước Pháp rồi không lâu sau đó, cô gái đã qua đời.

Cốt truyện được viết ra từ các kinh nghiệm với một cô gái làm nghề cuốn thuốc lá của tác giả nhân chuyến ông đi thăm thành phố Naples vào năm 1810. Đầu tiên, truyện này được đăng trên một tờ báo để bổ túc cho bài thơ "Le Premier Regret" (Nỗi Luyến Tiếc Đầu Tiên) của nhà thơ Lamartine. 

Sau đó truyện "Graziella" được đăng tải dần dần trên tờ báo Les Confidences (Các Tâm Sự) bắt đầu phát hành vào năm 1849, từ đó cuốn truyện Graziella đã được rất nhiều độc giả hâm mộ. Vào cuối năm đó, một vở nhạc kịch đã được biên soạn theo nội dung của cuốn tiểu thuyết này, rồi tác phẩm này đã gây cảm hứng cho các nhà thơ, nhà văn, họa sĩ, nhà làm phim ảnh...

Nhà phê bình văn chương người Hoa Kỳ tên là Charles Henry Conrad Wright đã coi cuốn Graziella là một trong ba tiểu thuyết cảm xúc quan trọng nhất, hai cuốn kia là cuốn tiểu thuyết "Paul et Virginie" (1788) của Bernadin de Saint-Pierre và cuốn tiểu thuyết "Atala” (1801) của Chateaubriand.

Cốt Truyện.

Người kể chuyện là một chàng thanh niên 18 tuổi, đã đi du lịch từ nhà ở Macon, Burgundy nước Pháp, tới nước Ý, đầu tiên tới thành phố Rome rồi tới thành phố Naples. Tới Naples, chàng đã gặp một thanh niên khác tên là Aymon de Virieu rồi cả hai quyết định đi học nghề với một người đánh cá địa phương tên là Andrea. 

Vài tháng đầu tiên đã trôi qua trong khung cảnh yên tĩnh và đẹp đẽ nhưng rồi một trận bão vào tháng 9 đã khiến cho hai chàng trai này phải trú ẩn, ngủ đêm tại nhà của ông Andrea tại Procida, và chính tại nơi này, tác giả đã gặp người cháu gái Graziella của ông già đánh cá. Sáng hôm sau, tác giả đã nghe trộm thấy bà vợ của ông Andrea trách móc chồng là người đã mang về hai kẻ "tà đạo" người Pháp nhưng cũng lúc đó, nàng Graziella đã lên tiếng bảo vệ hai người khách, nói về từ tâm và các hành động tôn giáo của họ.

Gia đình Andrea và hai thanh niên Pháp sau đó đi thu lượm các mảnh vỡ của con thuyền đánh cá. Ngày hôm sau, tác giả và Virieu đã đi tới thị trấn rồi mua về một con thuyền mới cùng các dụng cụ đánh cá để tặng cho gia đình ông thuyền chài. Gia đình ông Andrea đã được dẫn ra bờ biển và họ rất vui mừng khi nhận được con thuyền đánh cá mới.

Trong các ngày tháng kế tiếp, tác giả và Virieu đã vui hưởng đời sống miền quê, đọc sách, đi bộ và thưởng thức vẻ đẹp, âm nhạc và các vũ điệu tại Procida. Cô nàng Graziella cho họ biết cô ta ưa thích họ đọc sách và vì vậy, các chàng trai này đã đọc các tác phẩm của Ugo Foscolo và Tacitus cho Graziella và gia đình nghe, nhưng những người này lại yêu thích nghe đọc cuốn tiểu thuyết lãng mạn "Paul et Virginie" của Jacques Henry Bernadin de Saint Pierre. Nàng Graziella bị hấp dẫn bởi cuốn truyện đến nỗi cô nàng quên cả các ý tứ, đã tới ngồi sát bên tác giả kể chuyện, tóc nàng bay qua trán của chàng trai. Khi câu chuyện đã hết, nàng Graziella còn yêu cầu được nghe kể chuyện tiếp.

Thời tiết xấu trong 9 ngày đã khiến cho ông Andrea phải đưa hai chàng thanh nhiên và gia đình về thành phố Naples, sau đó Virieu bị gọi về Pháp và tác giả kể chuyện đã bị bệnh vì buồn rầu do sự ra đi của người bạn thân. Tác giả báo tin cho ông Andrea và Graziella biết, các người này đã vội vàng lại thăm và Graziella đã chăm sóc chàng, nhờ vậy tác giả đã sớm phục hồi sức khỏe.

Ngày hôm sau tác giả đã đi tới Mergellina là nơi gia đình Andrea sinh sống và được biết rằng ông Andrea và bà vợ đã thu hoạch được nhiều vụ cá khá phong phú còn cô nàng Graziella đi học nghề điêu khắc san hô (coral carving) để kiếm thêm tiền. Khi tác giả kể chuyện nói rằng chàng sẽ không hạnh phúc khi phải rời xa họ thì gia đình Andrea đã mời chàng ở lại, sống chung với họ. 

Các tháng trường trôi qua, tác giả kể chuyện coi gia đình Andrea như thể gia đình của chính mình và coi nàng Graziella như một người em gái. Chàng dẫn nàng đi nhà thờ, dạy nàng đọc và viết và cô nàng năn nỉ chàng dành cho nàng nhiều thời gian hơn bằng cách cũng học nghề điêu khắc san hô.

Chàng nhận thấy rằng tình yêu của mình ngày một tăng thêm và nói: "Đời sống của tôi mà không có nàng hiện diện sẽ là số không", nhưng rồi vài ngày trước Lễ Giáng Sinh, Graziella được xếp đặt để kết hôn với một người bà con tên là Cecco. Hoàn cảnh mất đi người yêu đã khiến cho tác giả phải ra đi khỏi miến Naples rồi đi lang thang qua các vùng chung quanh và trở lại nơi ở của Graziella sau các ngày của năm mới.

Mặc dù Graziella chấp nhận cuộc hôn nhân xếp đặt vào ngày chàng trở lại, nhưng sau đó cô nàng đã bỏ trốn trong một đêm tối với ý định xin vào một tu viện. Rồi ngày hôm sau, cả gia đình nàng đi tìm kiếm mà không thấy Graziella. Tác giả kể chuyện cho rằng nàng đã trở về Procida, rồi tại căn nhà của ông Andrea, chàng đã tìm thấy nàng. Graziella thú nhận: "Họ muốn em lấy chồng - anh đã là người chồng của tâm hồn em", rồi cả hai yêu nhau trong tình cảm lãng mạn. Khi gia đình của Graziella tới gặp cô gái này, họ quyết định rằng Graziella không phải kết hôn với Cecco nữa.

Trong ba tháng, hai kẻ yêu nhau vui hưởng hạnh phúc nhưng Graziella cảm thấy đau khổ khi nghĩ tới người yêu sẽ phải quay trở về nước Pháp và trình trạng gia đình của cô quá thấp kém so với địa vị của gia đình chàng trai. Khi chàng bị gọi phải trở về nước, Graziella đã ngất sỉu tại ngưỡng cửa còn chàng trai cũng bị sa sút tinh thần...

Hai người tiếp tục trao đổi thư từ và khi đã sinh sống tại nước Pháp rồi, chàng cảm thấy xấu hổ vì mối tình của mình, vì đã yêu thương người cháu gái của một người đánh cá nghèo khó. Tác giả thực sự cảm thấy sự điên rồ của mình khi được tin cô gái Graziella qua đời vào tuổi 16. 

Cuốn truyện kết thúc bằng bài thơ "Le Premier Regret" (The First Regret = Nỗi Luyến Tiếc Đầu Tiên), do tác giả làm ra để tưởng nhớ Nàng Graziella.

4/ Bài Thơ danh tiếng "Cô Đơn" của Lamartine.

                   L’ I S O L E M E N T

         Souvent sur la montagne, à l’ombre du vieux chêne,
         Au coucher du soleil, tristement je m’assieds ;
         Je promène au hasard mes regards sur la plaine,
         Dont le tableau changeant se déroule à mes pieds.

         Ici gronde le fleuve aux vagues écumantes,
         Il serpente et s’enfonce en un lointain obscur ;
         Là, le lac immobile étend ses eaux dormantes
         Où l’étoile du soir se lève dans l’azur.

         Au sommet de ces monts couronnés de bois sombres,
         Le crépuscule encor jette un dernier rayon ;
         Et le char vaporeux de la reine des ombres,
         Monte, et blanchit déjà les bords de l’horizon.

         Cependant, s’élancant de la flèche gothique
         Un son religieux se répand dans les airs ;
         Le voyageur s’arrête,et la cloche rustique
         Aux derniers bruits du jour mêle de saints concerts.

         Mais à ces doux tableaux mon âme indifférente
         N’éprouve devant eux ni charme, transports ;
         Je contemple la terre ainsi qu’une âme errante ;
         Le soleil des vivants n’échauffe plus les morts.

         De colline en colline en vain portant ma vue,
         Du Sud à l’aquillon, de l’aurore au couchant,
         Je parcours tous les points de l’immense étendue ;
         Et je dis: Nulle part le bonheur ne m’attend...

         Mais peut-être au delà des bornes de sa sphère,
         Lieu où le vrai soleil éclaire d’autres cieux,
         Si je pouvais laisser ma dépoulle à la terre,
         Ce que j’ai tant rêvé paraitrait à mes yeux.

         Là, je m’enivrerais à la source où j’aspire :
         Là, je retrouverais et l’espoir et l’amour,
         Et ce bien idéal que toute âme désire,
         Et qui n’a pas de nom au terrestre séjour.

         Que ne puis-je porter sur le char de l’aurore,
         Vague objet de mes voeux, m’élancer jusqu’à toi.
         Sur la terre d’exil pourquoi resté-je encore ?
         Il n’est rien de commun entre la terre et moi.

         Quand la feuille des bois tombe dans la prairie,
         Le vent du soir s’élève et l’arrache aux vallons
         Et moi, je suis semblable à la feuille flétrie :
         Emportez-moi comme elle, orageux aquilons !

               Alphonse de Lamartine


                  C Ô  Đ Ơ N 

      Tôi thường ngồi lặng khi chiều xuống,
      Trên đỉnh non cao, dưới bóng sồi ;
      Mắt vẩn vơ nhìn đồng bát ngát,
      Cảnh đồng biến hiện dưới chân tôi.

      Đây sông gầm sóng, xô bàng bạc,
      Uốn lượn chìm trong bóng tối xa:
      Kia, hồ tĩnh mịch nằm êm ả
      Một ánh sao chiều đáy nước sa.

      Rừng nhỏ âm u vòng chóp núi,
      Hoàng hôn gieo nhẹ nắng sau cùng;
      Chị Nguyệt như xe êm nhẹ lướt
      Đỉnh trời tuôn bạc giải mênh mông.

      Rồi tự góc nhà thờ chót vót
      Thu âm đồng vọng khắp nơi xa:
      Lãng du ngừng bước nghe yên lặng
      Chuông giáo đường hòa khúc thánh ca.

      Trước cảnh êm đềm, tôi lãnh đạm
      Chẳng hề cảm xúc luyến thương qua;
      Tôi ngắm đất trời, hồn lạc lõng:
      Nắng đời chẳng ủ ấp thây ma.

      Lơ đãng mắt nhìn Nam lại Bắc,
      Núi đồi lại tiếp núi đồi xa,
      Phương kia phương nọ quanh vô tận;
      Tôi nhủ: Nào đâu hạnh phúc chờ...

      Nhưng biết đâu ngoài biên vũ trụ,
      Có trời nắng rọi khắp muôn phương,
      Nếu tôi gửi xác trong lòng đất,
      Mơ sẽ về nơi mắt mở giương.

      Tôi sẽ say sưa nguồn khát vọng:
      Nào nguồn hy vọng, suối yêu đương,
      Lý tưởng bao người hoài bão mãi,
      Không tên chi gọi ở trần gian.

      Sao chẳng cho tôi theo ánh sáng,
      Ruổi niềm mơ ước tới xa xăm
      Giữ tôi đầy ải trần gian mãi?
      Tôi vướng tình chi với thế nhân?

      Khi lá rừng rơi trên nội cỏ,
      Gió chiều lên, cuốn lá về thung.
      Còn tôi như lá khô tàn úa:
      Mang kiếp tôi cùng, hỡi Bắc-phong!

Nhà Thơ Hoàng Song Liêm chuyển ngữ sang Thơ Việt vào năm 1953.

Phạm Văn Tuấn

Tài liệu tham khảo : Wikipedia.org; Britannica Encyclopedia. Arthur Bell & others, World Literature, Barron’s, N.Y. 1994.



No comments

Powered by Blogger.