Bùi Quý Chiến
Trong truyện Kiều, Nguyễn Du xếp Tú Bà và Bạc Bà cùng một loại :
Cũng phường bán thịt, cũng tay buôn người.
Nhưng xét về "tài nghệ", hai mụ có hơn kém nhau.
Tú Bà tốn hơn 400 lượng vàng mới mua được Kiều. Bạc Bà không tốn một xu nhỏ.
Tú Bà phải chi thêm 30 lượng mướn Sở Khanh gài bẫy cho Kiều đi trốn nhân đó
bắt lại đánh đòn khiến Kiều đau quá phải chịu tiếp khách.
Bạc Bà không dùng bạo lực nhưng dùng đòn tâm lý.
Mã giám Sinh giả danh mua Kiều về làm thiếp. Khi ra mắt Tú Bà, Kiều đình ninh
mụ là vợ lớn, không ngờ mụ bắt nàng lạy mụ là mẹ và lạy Mã là cậu. Nàng khiếu
nại:
Đủ điều nạp thái vu quy
Đã khi chung chạ lại khi đứng ngồi
Giờ ra thay bậc đổi ngôi
Dám xin gửi lại một lời cho minh.
Do Kiều phân trần Tú Bà mới biết Mã đã "nước trước bẻ hoa", mụ nổi tam bành
lên nhưng quy lỗi cho Kiều:
Gái tơ mà đã ngứa nghề sớm sao .
Mụ quơ roi da toan đánh Kiều.
Khi từ biệt cha mẹ, buồn cho số phận, Kiều giấu con dao trong tay áo để tự xử
trong trường hợp tuyệt vọng.
Giờ đây là đường cùng, không đợi Tú Bà ra tay, nàng rút dao ra tự sát.
Có lẽ vì yếu đuối nên lưỡi dao chỉ gây thương tích. Sợ xảy ra án mạng, Tú Bà
vội cho cấp cứu.
Bấy lâu trong nghề, con gái mua về đứa nào không vâng lời, mụ đã có cách:
Nhập gia phải cứ phép nhà tao đây
Không cần phải trái, mụ chỉ cho một trận đòn là yên.
Nhưng với Kiều rất khó. Đánh đòn không có lý do chính đáng nàng sẽ liều mạng
hủy hoại thân thể. Vậy phải tạo ra lý do chính đáng.
Lấy lời ngon ngọt, mụ hứa sẽ gả chồng tử tế cho nàng. Nàng được đối xử như con
và được ở riêng biệt trong lầu Ngưng bích.
Mụ chi 30 lượng mướn Sở Khanh dụ dỗ nàng bỏ trốn. Trên đường chạy trốn, Kiều
bị Sở Khanh bỏ rơi và bị Tú Bà bắt lại.
Mụ mua nàng vậy nàng là vật sở hữu của mụ. Nàng bỏ trốn là có lỗi với mụ. Với
"lý do chính đáng" ấy, mụ đánh đập nàng tàn nhẫn.
Phần tin lời báo mộng của Đạm Tiên về số mệnh đoạn trường của mình, phần chịu
đòn không thấu, nàng đành khuất phục:
Tấm lòng trinh bạch từ sau xin chừa.
Kiều được Thúc Sinh chuộc khỏi tay Tú Bà về làm thiếp. Tính ăn ở lâu
dài với chồng, nàng khuyên chồng về thú thật với Hoạn Thư. Thà chịu hậu quả
xấu còn hơn sống nhơ nhuốc ở thanh lâu. Nhưng vì chàng Thúc vụng về nên cả
Thúc và Kiều cùng bị Hoạn Thư làm nhục.
Sự thật Hoạn Thư chỉ hận chồng bạc tình nên tìm cách trả thù chồng :
Cho người thăm ván bán thuyền biết tay.
Do đó có vụ bắt cóc Kiều làm thị tỳ khiến Thúc phải đau lòng đứt ruột. Đối
với Kiều, Hoạn Thư vẫn có lòng trọng vì tài.
Thể theo nguyện vọng đi tu của Kiều, nàng cho Kiều xuống tóc quy y ở Quan âm
các sau vườn nhà. Nàng còn cho hai tớ gái giúp việc thờ phụng.
Nhân dịp vợ về vấn an mẹ, Thúc lén ra Quan âm các gặp Kiều. Thúc sụt sùi
than thở và tạ lỗi nàng. Cùng một nỗi lòng đau khổ, nàng khẩn khoản xin
chàng giúp giải thoát khỏi nơi này:
Liệu bài mở cửa cho ra
Ấy là tình nặng, ấy là ân sâu
Vì vợ nham hiểm khó lường, Thúc chỉ biết khuyên nàng:
Liệu mà xa chạy cao bay
Ái ân ta có ngần này mà thôi
Đúng lúc ấy Hoạn Thư từ ngoài bước vào. Hóa ra nàng gài bẫy để bắt quả tang
chồng lén lút gặp người tình. Tuy nhiên nàng chỉ nhỏ nhẹ hỏi chồng ở đâu tới
đây chơi? Thúc thanh minh vì ra vườn tìm hoa nên quá bước xem người viết
kinh. Vờ tin chồng nói thật, nàng vui vẻ uống trà và khen chữ viết của Kiều
đẹp không kém những người nổi danh về thư pháp.
Theo lời đứa tớ gái thuật lại, Hoạn Thư tới đã lâu, đứng ngoài nghe lén
chừng nửa giờ. Vậy là nàng biết rõ mọi tình tiết nhưng vẫn thản nhiên vui
cười. Với người nham hiểm như thế Kiều không khỏi lo sợ cho thân phận cá
chậu chim lồng của mình.
Sau khi cân nhắc "lênh đênh đâu nữa cũng là lênh đênh" , Kiều quyết
định ra đi. Tuy mạo hiểm nàng cũng cần một chút vốn phòng thân. Trên bàn thờ
Phật sẵn có chuông vàng khánh bạc, nàng vội nhét vào lưng. Lợi dụng đêm tối
nàng trèo qua tường, bước về phía vô định.
May mắn, rạng sáng nàng tới một ngôi chùa, ni sư trụ trì là Giác Duyên. Nàng
giả danh là đệ tử một ni sư ở Bắc kinh, đem pháp bảo (chuông vàng khánh bạc)
sang hầu. Ngẫu nhiên Giác Duyên có người bạn là ni cô Hằng Thủy ở Bắc kinh
nên đón tiếp và cho nàng tu hành tại chùa.
Nhưng không may, một tín nữ lên thăm chùa thấy pháp bảo liền khen đẹp và
khéo như pháp bảo của nhà Hoạn nương.
Sinh nghi, Giác Duyên gạn hỏi Kiều. Nàng đành thú thật và phó thác số phận
rủi may cho sư trưởng.
Giác Duyên khó xử: xua đuổi nàng thì trái với đạo từ bi, chứa chấp nàng thì
phạm pháp. Phải chi nàng tự ý ra đi thì dễ cho sư trưởng nhưng nàng "bán
cái" cho sư trưởng: "phận hèn dù rủi dù may tại người".
Sư trưởng chỉ có cách gửi gấm nàng cho người tin cậy sống ngoài chùa.
Bạc Bà là tín nữ thường lên chùa lễ Phật. Sư trưởng nhắn mụ lên nhờ mụ cho
Kiều tạm trú.
Giác Duyên tin tưởng thiện nam tín nữ lên chùa lễ Phật tất có hảo tâm. Kiều
cũng mừng được chốn an thân trong cơn nguy cấp.
Đối với Bạc Bà, lên chùa lễ Phật để được xá tội. Mụ biết nghề buôn người của
mụ là xấu xa nên mụ lên chùa không phải để sám hối nhưng để lương tâm được
yên ổn.
Tuy nhiên chứng nào tật ấy, được ni sư tin cậy vụ này, mụ nổi lòng tham:
Thấy nàng mặn phấn tươi son
Mừng thầm được mối bán buôn có lời.
Bạc Bà biết Kiều có hai điểm yếu:
1- Thân cô thế cô phải nương tựa mụ.
2- Vụ nàng lén lấy chuông vàng khánh bạc của Hoạn gia bị bại lộ.
Dùng đòn tâm lý, mụ phao tin thất thiệt nhằm khủng bố tinh thần Kiều:
Hư không đặt để nên lời
Nàng càng nhớn nhác rụng rời lắm phen.
Những tin mụ bịa đặt tất có liên quan tới chuông vàng khánh bạc. Thật ra vụ
đó chỉ mới có hai người biết là Giác Duyên và mụ nhưng có lẽ mụ đã thì thầm
với Kiều rằng tin đó đang rò rỉ ra quanh chùa. Và có thể vài ngày sau mụ lại
phóng đại tin đó đã đồn tới chợ.
Có tật giật mình, Kiều không khỏi "nhớn nhác rụng rời lắm phen".
Từ "nhớn nhác" cho chúng ta liên tưởng tới câu tục ngữ "nhớn nhác như gà con lạc mẹ".
Đàn gà con thường kiếm ăn quanh gà mẹ để khi mẹ báo động có nguy cơ bị quạ
rình bắt thì chạy vào núp dưới đôi cánh của mẹ.
Có một con mạo hiểm kiếm ăn xa nên lạc mẹ, chợt có bóng quạ bay lượn trên
cao, ngó quanh không thấy mẹ, gà con nhớn nhác hoảng sợ .
Tâm trạng Kiều lúc này không khác gì gà con lạc mẹ.
Từ "rụng rời" không chỉ có nghĩa bủn rủn chân tay mà còn gồm cả nghĩa " hồn
xiêu phách lạc".
Bạc Bà khủng bố tinh thần Kiều nhằm dồn nàng vào một con đường không còn
chọn lựa nào khác, cuối đường mụ đặt sẵn cạm bẫy được ngụy trang khéo léo.
Khi Kiều bị khủng bố tới bờ vực của tuyệt vọng, mụ tung ra đòn quyết định:
Rằng: "Nàng muôn dặm một thân
Lại mang lấy tiếng dữ gần lành xa
Khéo oan gia, của phá gia
Còn ai dám chứa vào nhà nữa đây?
Kíp toan kiếm chốn xe dây
Không dưng chưa dễ mà bay đằng trời."
(xe dây=xe sợi tơ hồng)
Nghe mụ phân tích tình cảnh của mình, Kiều thấm thía 3 thực trạng:
1- Không thân thích , không nơi nương tựa .
2- Vụ chuông vàng khánh bạc không chỉ là tai họa cho nàng mà còn gieo
oan khốc cho người chứa chấp nàng .
3- Bạc Bà hăm dọa đuổi nàng ra khỏi nhà .
Tuy nhiên mụ đưa cho người sắp chết đuối một cái phao: phải mau lấy chồng và
đi xa khỏi nơi đây.
Mụ giới thiệu cháu mụ là Bạc Hạnh, người thật thà đang làm ăn ở châu Thai:
Thế nào nàng cũng phải nghe
Thành thân rồi sẽ liệu về châu Thai
Bấy giờ ai lại biết ai
Dầu lòng bể rộng sông dài thênh thênh.
Thoát khỏi cảnh nhơ nhuốc ở thanh lâu và cảnh nhục nhã ở Hoạn gia, Kiều đã
tưởng tìm được chốn bình yên nơi cửa Phật. Chỉ vì một lỗi lầm nay nàng phải
đối đầu với một cuộc phiêu lưu dẫn tới một tương lai không chắc gì sáng sủa
như Bạc Bà hứa hẹn.
Không còn con đường nào khác, nàng đành nghe lời mụ nhưng đòi Bạc Hạnh phải
thề thật lòng với nàng.
Đối với những kẻ gian trá xảo quyệt, lời thề không khó gì. Trước khi làm lễ
tơ hồng, Bạc Hạnh "nguyện hết thành hoàng thổ công" để thề.
Sau khi thành hôn, gã đưa Kiều xuống thuyền về châu Thai. Tới nơi gã bảo
nàng ở lại để gã lên bờ mướn kiệu đưa nàng về nhà lạy từ đường.
Đã quen nghề, gã tới những nơi thường làm ăn để dạm bán Kiều. Sau khi thuận
mua vừa bán, gã mướn kiệu đưa nàng tới thanh lâu "giao hàng" rồi trốn
biệt.
Thoáng nhận ra nhà chứa gái chơi, Kiều biết ngay mình vừa bị sập bẫy:
Chém cha cái số hoa đào
Gỡ ra rồi lại buộc vào như chơi.
Bùi Quý Chiến
Subscribe to:
Post Comments
(
Atom
)
Post a Comment