Header Ads

Rã Rời Cánh Hạc


Từ Sơn

1
Người ta nói mẹ luôn là nguồn sống muôn đời của con. Không có sự hy sinh nào của con có thể bù đắp được tình yêu thiêng liêng của mẹ. Riêng mẹ của con, dù là một phụ nữ không hoàn hảo, khi đối diện với bao nghịch cảnh, nhiều lần mẹ đã bị sa chân, vấp ngã, nhưng với tình thương vô bờ bến, mẹ sẵn sàng xả thân bảo vệ con yêu dù phải chịu đựng đớn đau oan trái của cuộc đời. Con là đứa con gái lớn lên trong sự nghèo khó, đã chứng kiến những thay đổi liên tiếp đến với gia đình, nhanh chóng như trời hạn rồi mưa. 

Hôm nay mẹ lại chạy xe máy ra quán cà phê Tango hẹn hò với chú Quang, người yêu của mẹ, chú là Việt Kiều ở Mỹ mới về. Con ở nhà một mình, tự ăn uống và cùng làm bài với bạn học trên điện thoại. Tango là tên một quán cà phê được dựng lên trên đường Kênh Tân Hoá. Con nghe nói chừng 10 năm trước, người ta đã đổ đất lên một con lạch nước hôi thối mà từ xưa người ta gọi là Kênh Tân Hoá, cải tạo nó đến ngày nay thành một con đường tráng nhựa khang trang, dài khoảng nửa cây số, không khí hoàn toàn trong lành. Con đường vẫn được đặt tên là Kênh Tân Hoá, hoà nhập vào hệ thống đường xá giao thông của quận Tân Phú, Saigon ngày nay. 

Hai năm qua, mỗi năm mẹ đều có chở con ra quán đôi lần, nên con đã biết mặt chú Quang, rồi biết cả lịch sử của con đường Kênh Tân Hoá. Chú Quang rất tốt, đã nghỉ hưu, không thích bia rượu. Khi con có dịp tiếp chuyện với chú, chú hay khuyên con phải ráng học để ngày sau có tương lai. Chú cũng thường khuyên mẹ, hoàn cảnh mẹ còn rất khó khăn, phải cố gắng tiết kiệm, rồi tìm mọi cơ hội buôn bán kinh doanh để phát triển kinh tế gia đình. Những điều chú Quang khuyên mẹ, con không biết chừng nào mẹ mới thực hiện được. 

Nhà con ở trong một khu nhà trọ cấp 4 rất gần ngã tư Thạch Lam - Luỹ Bán Bích, nơi đây có nhiều khu trọ nghèo, người trọ đa số là dân tứ xứ, làm nghề lao động phổ thông, hoặc chuyên đi làm mướn. Con chưa bao giờ biết được cảm giác sống trong một ngôi nhà riêng của mình sẽ như thế nào, vì từ khi lớn lên, con đã thấy mình chỉ ở trong nhà trọ. Ở cái xứ sở mà giá nhà bạc tỉ, người lao động mỗi tháng kiếm được chỉ vài triệu, ăn còn không đủ, lấy đâu mua nhà. Con nhìn các bạn cha mẹ có nhà cửa tươm tất mà đem lòng mơ ước. 

Mẹ con không có nghề nghiệp gì ổn định, mỗi ngày, buổi sáng thức dậy, mẹ sửa soạn quần áo sách vở cho con, đưa con đi học, rồi ra chợ buôn bán lặt vặt, trưa về lo cơm nước, buổi chiều tối đi tìm việc làm, nay công việc này mai công việc khác, vất vả lắm mới kiếm đủ tiền để trả tiền trọ, tiền chợ, tiền học cho con và những chi tiêu khác trong gia đình. 

Tiền trọ nhà con đang ở là hai triệu rưỡi một tháng, mẹ còn phải trả thêm chi phí điện nước nữa. Chỉ nội lo việc ăn ở, mẹ đã chật vật lắm rồi, vậy mà năm nay mẹ phải chạy vạy để đóng đủ 6 triệu tiền học phí và các phụ phí khác của lớp 8 cho con nữa, đó là chưa kể mẹ phải mua riêng đồng phục sách vở. Tiền học đã cao, sách học do bộ giáo dục đưa xuống bán với giá cũng không hề rẻ, từ vài chục ngàn đến vài trăm ngàn một cuốn. Sách học hàng năm thay đổi liên tục, học sinh buộc phải mua sách mới, mới có mà học.

Mẹ cho con đi học đã tốn rất nhiều tiền rồi, vậy mà nhà trường còn thường xuyên kêu gọi phụ huynh phải đóng góp thêm những thứ tiền khác, như là tiền mua cái quạt, cái chổi, khăn bàn, hộp phấn… có khi phải hỗ trợ đóng tiền đi tham quan, picnic dã ngoại… Cái gì cũng thu tiền, bất kể nghèo giàu gì ai cũng phải đóng, cứ một hai tháng là đã thấy có việc đóng tiền rồi. Mẹ con dù không đủ tiền chợ nhưng không thể không đóng tiền trường. Thiệt là khổ cho mẹ của con.

Nhìn thấy mẹ quá vất vả, có lúc con nói với mẹ con không đi học nữa, nhưng mẹ giải thích con còn nhỏ đâu làm được việc gì giúp mẹ, thôi thì ráng học, sau này nhờ tấm thân. Nghe lời mẹ con tiếp tục đi học, nhưng với bao nỗi buồn, nhìn thấy mẹ vất vả vì tiền sách tiền trường, thật sự con học không vô.

Con biết được một số các đại gia hay chủ các đại công ty lập ra rất nhiều loại quỹ từ thiện, giúp đỡ người tật nguyền, cứu trợ thiên tai, nhưng tại sao không có quỹ nào giúp cho con nít nhà nghèo, không đủ tiền mà muốn được đi học? Con không hiểu tại sao chính phủ có thể xây dựng những khu giải trí, khách sạn sang trọng, những khu thương mại thật đồ sộ, mà lại không chăm lo cho thế hệ mầm non, bắt con nít chúng con đi học phải đóng tiền quá cao? 

Nghèo như con, chỉ mong đi học được ngày nào hay ngày nấy, mẹ con mà không kiếm được tiền thì con cũng phải đành nghỉ học thôi. Bởi vậy, làm sao con dám mơ ước đến khung trời đại học xa xôi, như các bạn học nhà cán bộ được?

Con mồ côi cha từ nhiều năm nay. Theo lời mẹ kể, ba con ngày xưa làm công nhân xưởng điện. Ba mẹ ở nhà trọ, lương ba không bao nhiêu mà phải nuôi mẹ không có việc làm, và rồi còn phải nuôi con. Ba con mất vì bệnh, từ khi con mới 13 tháng chưa biết gì. Mẹ con nách con đi buôn bán lặt vặt ngoài chợ để có tiền mua gạo. Rồi thì mẹ đi làm việc nhà, giữ em, nấu cơm cho người ta, để có tiền mua sữa cho con. Thời gian sung sướng nhất của gia đình con là lúc mẹ con nhận được việc vừa bưng cà phê vừa nấu ăn cho chủ. Mẹ và con được ăn ở ngay trong tiệm, không tốn tiền nhà, mà con lại còn có điều kiện bắt đầu được vô học lớp 1. Nhưng thời gian huy hoàng đó không kéo dài bao lâu thì mẹ con phải dẫn con ra ngoài tự đi mướn nhà trọ, tuồi thơ của con từ đó cũng vất vả theo.

2
Và chú Quang đã xuất hiện trong gia đình con, như là một vị thiên thần. Con không tiện hỏi mẹ con bằng cách nào mẹ quen được chú Quang, con chỉ biết, từ khi có chú, người ta dần bớt đi đòi nợ mẹ, những bữa cơm mẹ nấu được ngon hơn, quần áo con mặc được tươm tất hơn, và nhất là những khi con vụng về ham chơi, con cũng ít bị mẹ la rầy hơn.

Sau hơn một năm thân thiết với chú, gia đình con cũng được chú giúp mua cho những phương tiên phục vụ đời sống, như tủ lạnh và máy giặt như bao gia đình khác. Năm ngoái chú còn cho tiền mẹ mua máy lạnh gắn vào phòng trọ. Có máy lạnh rồi, không khí trong phòng không còn nóng bứt, con có những giấc ngủ êm đềm mà trước đây con chưa bao giờ có được, con được cười nhiều hơn và điểm học của con càng lúc càng tốt hơn. 

Lần về Saigon năm rồi, Chú có mua cho mẹ một cái điện thoại thông minh mới tinh, và con cũng có một cái đời cũ, đã qua xử dụng. Con học không giỏi lắm, nhưng từ năm lên lớp 6, con đã tò mò theo chúng bạn, từng mò mẫm mấy cái điện thoại mà gia đình mua cho chúng nó, từ từ con đã trở nên rành rọt về điện thoại. Mấy cái vụ tải áp hay đăng xuất đăng nhập, sửa vài lỗi lặt vặt trên cấu hình điện thoại, đối với con dễ như trở bàn tay. Từ nay, với chiếc điện thoại trong tay, con có thể trò chuyện với bạn học trên Tik Tok, và các bạn mới ở các mạng xã hội khác, con hy vọng con sẽ được mở rộng tầm nhìn và mở mang kiến thức. 

Thấu hiểu hoàn cảnh của mẹ, chú Quang thường xuyên gửi tiền về, giúp đỡ cho mẹ phần nào khó khăn trong cuộc sống, đỡ tiền nhà tiền trường. Chú còn gửi cho con một chút tiền để con làm vốn tập tành bán hàng trên mạng, kiếm tiền ăn sáng, và các chi phí cá nhân. Những mặt hàng đầu tiên con tập buôn bán là một số loại mỹ phẩm dành cho các bạn gái tuổi dậy thì đang bị mụn nám. Khách hàng của con hiện nay chính là các bạn trong lớp, các chị ở các lớp khác trong phạm vi trường con đang học.

Đã mấy năm nay, mỗi năm Chú Quang về Saigon một lần, mà hễ có chú về là mẹ con vui lắm, con cũng vui nữa. Vào những ngày thường, buổi sáng đến giờ con đi học, mẹ phải chạy xe đưa con đến trường, sau đó mẹ mới ra quán gặp chú Quang. Đi thăm chú chiều về, mẹ nấu nhiều món ăn thật ngon, có cả mấy ly trà sữa được mẹ đem về nữa. Hôm nay vì là chủ nhật con nghỉ học, mẹ nói mẹ đi thăm chú Quang đến tối mới về, con ở nhà một mình lo học bài, đến bữa ăn trưa con chỉ cần hâm nóng thức ăn có trong tủ lạnh. Con đã ngoan ngoãn nghe theo lời mẹ, ở nhà giặt giũ quần áo rồi học bài. 

Đến trưa học bài xong rồi, con ngồi buồn lướt mạng một mình. Con ngạc nhiên thấy rất nhiều người khen đất nước Việt Nam là một trong những nơi đáng sống nhất trên thế giới. Người ta minh hoạ bằng nhiều hình ảnh nhà cửa nguy nga sang trọng, những tượng đài nghìn tỉ, người giàu vui chơi trên du thuyền… nhưng con không hiểu sao người ta ít đưa lên hình ảnh những mảnh đời khốn khó mà con nhìn thấy mỗi ngày, có những cụ già hàng ngày phải lặn lội bán từng củ khoai từng cọng hành, có những gia đình đói khổ phải chạy gạo từng bữa? Dường như trong xã hội này, ít có ai quan tâm đến đời sống người nghèo, mà người nghèo chung quanh con thì nhiều vô số kể.

Lúc này trời đã về khuya, cảm giác trống trải làm con thấy lạnh hơn bình thường. Con mở cửa trông ra đường thì nghe gió thổi vù vù, mây giăng khắp trời, dường như có cơn mưa đang kéo đến. Mấy hôm trước đi gặp chú Quang, thường thì mẹ cũng về sớm, nhưng sao hôm nay lại về trễ như thế này? Con tự nhiên cảm thấy rất thương mẹ, bao ngày vất vả sương gió. không biết hôm nay mẹ có gặp nguy hiểm gì ngoài đường không. Nghĩ đến mẹ,  trong lòng con cảm thấy xót xa. 
Chợt điện thoại reo, chính là mẹ gọi. Mẹ dặn con ăn cơm trước, không phải chờ mẹ, khuya mẹ mới về. Nghe lời mẹ, con tự ăn uống tắm rửa và lên giường tìm giấc ngủ. Nằm mãi con vẫn không ngủ được. Đến khuya, sau cơn mưa, mẹ về đến nhà, bước vào cửa, thẩn thờ buông mình xuống nệm, tay không rời điện thoại. Dường như mẹ đang nói chuyện với chú Quang. Con nghe mẹ nói rất nhỏ,  giọng lạc đi:

- Không còn hy vọng sao anh. Em không ngờ tình hình nghiêm trọng như vậy. Có cách nào giải quyết không anh?

Chú Quang nói gì đó con không nghe rõ, rồi nghe mẹ nói “em xin lỗi”. Mẹ nói chỉ một câu thôi mà nước mắt ràn rụa.

Đêm nay mẹ không hề ngủ, con giật mình mấy lần cũng vẫn thấy mẹ lục đục chuyện gì. Mới 3 giờ sáng mẹ lay con dậy: 

- Hiền con cẩn thận coi chừng nhà, sáng nay con điện thoại cho bạn Ngọc đến chở dùm con đến trường. Bây giờ mẹ đi công chuyện.

Con mở cửa cho mẹ dắt xe ra ngõ, trong lòng bùi ngùi, có chút lo âu, khi lại một lần nữa nhìn thấy mẹ lao mình vào sương gió.

3
Con nghĩ tình yêu của mẹ đối với chú Quang rất sâu đậm, vì con thấy mẹ khóc nhiều từ sau ngày chú phải trở về Mỹ gấp, vì bệnh tim trở nặng. Con được biết do điều kiện sức khoẻ, chú không còn khả năng tiếp tục giúp đỡ, thăm viếng gia đình con nữa. 

Chú Quang về Mỹ rồi, mẹ con đứng ngồi không yên, cứ tìm cách gọi qua Mỹ để hỏi thăm sức khoẻ chú, nhưng đường dây đã bị cắt. Mẹ buồn, cứ ra vào thờ thẩn. Có lẽ chú chưa có cơ hội, hoặc là do tình cảm hai người chưa đủ lớn, để chú chính thức công bố với con cái của chú ở bên Mỹ về quan hệ của chú và mẹ. Bây giờ thì mẹ không còn cơ hội. Mẹ nói với con, mẹ không thể quên kỷ niệm những ngày mẹ gần gủi với chú Quang. Chú đã mang đến cho mẹ rất nhiều hạnh phúc và tình yêu, dù hạnh phúc muộn màng và tình yêu cũng không thể trọn vẹn.

Cả năm nay, không có sự giúp đỡ của chú Quang, tiền bạc trong nhà dần cạn, nguồn vốn cho vay của mẹ cũng bị mòn dần. Hiện nay, mẹ chỉ lo được tiền trọ, tiền chợ mà thôi, còn tiền trường của con thì mẹ không lo nổi. Mẹ bảo con đã lớn, sắp bước lên lớp 9 rồi, con phải cố gắng tự lo đóng tiền học cho con. Nghe mẹ tính vậy, con cũng phải đồng ý. Nhưng muốn có tiền đóng tiền học, con cần phải nhờ người giúp tìm cách tăng số lần truy cập trang quảng cáo của con. Nếu bán được nhiều hàng hơn, con có thể có đủ tiền nộp cho trường để được tiếp tục đi học. Con chỉ biết làm hết sức, nhưng được tới đâu hay tới đó. Vì rủi như không kiếm đủ tiền, con phải nghỉ học thôi, không còn cách nào.

Con rất thương mẹ, nhưng con cũng trách mẹ sao không chịu khó tổ chức lại cuộc sống, để có thể tự mình đứng dậy, vượt khó khăn. Ở Saigon này, người lao động bay nhảy, buôn bán kiếm sống cùng khắp. Con có nhỏ bạn, ba bị bệnh, mẹ chỉ có gánh xôi sáng, chiều thau phá lấu vỉa hè, tiện tặn cũng nuôi được chồng và hai đứa con ăn học. Con không hiểu sao mẹ không chịu  bước ra xã hội tìm cơ hội làm việc, chỉ biết ôm lấy mấy đồng tiền cho vay ít ỏi. Mẹ không nhớ các lời khuyên của chú Quang, mà cứ thản nhiên sống không nghĩ đến ngày mai, giao du nhiều bè bạn, ngày ngày cà phê, bia rượu… Con lo sợ có lúc nào đó, mẹ có thể bị sa chân, lầm lỡ.

Con vừa hoàn tất những buổi thi cuối cùng của học kỳ 2, hôm nay con bắt đầu được nghỉ mấy ngày trước khi trở lại trường nhận kết quả thi, sau đó sẽ chính thức nghỉ hè. Vừa sáng sớm mẹ đột nhiên bảo con sửa soạn ăn mặc đẹp, để cùng mẹ đi chơi Saigon. Con có hơi ngạc nhiên. Con đã từng ra Saigon bằng xe buýt với bạn bè trong lớp, cũng từng đi thăm viếng các di tích lịch sử, dinh thự của “đế quốc” để lại, từng tham dự các buổi du ngoạn Saigon – Suối Tiên do nhà trường tổ chức, nhưng chưa bao giờ nghe mẹ nói “đi chơi Saigon” cùng mẹ. Lời mời của mẹ con cảm thấy vui làm sao. Con thay một bộ đầm đẹp nhất, chải thẳng tóc, điểm thêm chiếc nơ trắng, để nhìn được sáng sủa hơn khi đi chơi với mẹ.

Mẹ chở con bằng xe máy chạy xuyên qua những con đường nội thành. Ngồi sau xe mẹ, con có dịp chiêm ngưỡng lại quang cảnh thành phố Saigon, đã được người ta xây dựng rất hiện đại và sang trọng. Nhìn cảnh vật, con chợt cảm thấy mẹ và con như những mảnh đời bọt bèo hèn mọn, đang lạc vào một thế giới giàu có xa hoa. Hôm nay trời rất đẹp, bầu trời có nhiều nắng, gió thổi hiu hiu nhè nhẹ. Thành phố dường như đang thở, nhưng rõ ràng không thở cùng nhịp với nhịp thở của dân nghèo.

Sau khi dạo phố cùng mẹ trên đường phố Lê Lợi, mua sắm ít quần áo trong siêu thị, rồi vòng qua nhà hát thành phố, cuối cùng, mẹ và con dừng lại trước cửa tiệm Mac Donald trên phố đi bộ Nguyễn Huệ. Buổi trưa tiệm rất nhiều khách. Mẹ chọn một bàn sát cửa ra vào, có thể nhìn thấy sinh hoạt bên ngoài. Con được ăn gà viên, khoai chiên với một cốc trà sữa. Dường như mẹ đang có điều gì ưu tư, khi mẹ trầm ngâm bên ly cà phê đá mô-ka rất đậm, mơ màng nhìn đường phố, nhìn bao người qua lại. 

Được một lát, bất ngờ mẹ quay sang nói với con:

- Người mà mẹ thương nhất là chú Quang, nhưng vì sức khoẻ, chú không trở lại với mẹ. Mẹ vất vả bao ngày vẫn chưa tìm được lối thoát, chắc mẹ phải phụ lòng chú Quang, để chấp nhận mối quan hệ mới với bác Tường. Con nghĩ sao?

Nghe mẹ nói, con vô cùng thất vọng.

Con thật sự không tưởng tượng rằng có ngày mẹ chấp nhận quan hệ với bác Tường. Tư cách bác Tường rất tệ. Có lần con đã gặp bác khi mẹ ngồi uống cà phê trong quán với vài người bạn, có cả bác ở đấy. Hôm ấy bạn học chở con từ trường về, đưa con đi tìm mẹ lấy chìa khoá vì con lỡ để quên trong ngăn bàn. Ngay từ đầu, con không thể có cảm tình với bác Tường vì bác ấy ăn nói lớn tiếng, nhiều từ lỗ mãng, tục tằn.

Lời nói phản đối của con bây giờ còn có ích gì nữa không? Biết đâu rằng không chừng quan hệ của hai người đã vượt xa hơn mức có thể dừng lại.

Con mơ hồ cảm thấy gia đình mình chẳng còn chút hy vọng gì nữa cho tương lai, như mấy câu thơ con thấy trên báo:

“Và thêm chiếc lá bay cao,
Cuốn xoay trong gió rơi vào không gian,
Bao người hạnh phúc dâng tràn,
Sao em mãi chốn trần gian ngóng tìm.”
(T.S.)

Con không trả lời câu hỏi vừa rồi của mẹ. Nhìn thái độ con, chắc mẹ cũng đoán rằng con không vui lắm với quyết định này, nhưng mẹ lại không hỏi thêm. Đến nước này, tốt nhất con không nên nói gì, vì thế giới của mẹ đã đầy màu sắc rồi, dễ gì con xoay chuyển được nữa.

Trên đường trở về, hai mẹ không ai nói với ai câu nào. Con cố đè nén cảm xúc thất vọng. Còn mẹ chắc cũng đang suy nghĩ, để chuẩn bị cho tương lai của mẹ, với bác Tường.

4
Một điều thật kinh khủng, con không mong muốn nó xảy đến, nhưng nó thật sự đã xảy đến, ngay trong căn nhà trọ của mẹ và con. Hôm nay mẹ chính thức đưa bác Tường về ở chung trong nhà. Theo sự sắp đặt của mẹ, trong buổi sáng, con phải dọn sách vở đồ đạc lên căn gác lửng từ lâu đã bỏ trống, nhường chỗ ngủ thường ngày của hai mẹ con, để lại cho mẹ và bác Tường.

Con thật sự bất mãn với sự sắp đặt này của mẹ, nhưng con đâu có cơ hội để bày tỏ phản ứng của mình, vì vừa khi mẹ nói ra quyết định, thì con đã thấy bác Tường đã có mặt ở trong nhà mình rồi. Chờ con dọn đồ đạc lên gác xong, bác Tường vui vẻ, thản nhiên sắp đặt vài bộ quần áo của bác vào chiếc tủ gỗ nhỏ xíu mà trước đây con thường dùng. Mẹ thì loay hoay ở bếp. Con trốn trên gác nằm khóc một mình.

Bữa cơm trưa hôm ấy hoàn toàn không còn là bữa cơm gia đình êm ả đầm ấm như thường ngày nữa, thay vào đó, tràn ngập những âm thanh ồn ào, dung tục xuất phát từ cách ăn nói đặc trưng của bác Tường. Từ trước đến giờ, dù giận hờn thế nào, con cũng chưa hề nghe mẹ nói năng thô lỗ, nhưng hôm nay dường như mẹ đã biến thành một con người khác, vì chính mẹ cũng hoà nhập vào thế giới ngôn ngữ nhếch nhác của bác Tường. Trên bàn ăn, bác Tường lưng trần trùn trục, đáng lý ra bác phải để ý một chút, vì bên cạnh bác có một đứa con gái còn rất nhỏ tuổi như con. Lưng và vai bác xăm trổ cùng khắp, chứng tỏ bác từng có một quá khứ anh chị lẫy lừng. Hình ảnh trần trụi đó của bác làm con lợm giọng, không thể nào dùng cơm ngon miệng. Con chỉ lua vài đũa, rồi rời bàn ăn, đi rửa tay và từ giả trở lên gác. 

Nằm trên gác một mình con chỉ biết khóc. Con lớn lên từ bầu sữa mẹ, hai mẹ con khắn khít bấy lâu. Mẹ đã phá vỡ khung trời đầm ấm mười mấy năm qua của hai mẹ con mình. Con không biết những ngày tháng sắp đến, con sẽ sống như thế nào. 

Con tìm lý do để không dùng bữa cơm tối với gia đình. Bốn giờ chiều, tắm rửa xong, con xin mẹ qua nhà bạn Ngọc, để bàn bạc một số việc chuẩn bị cho kỳ thi vào lớp 10. Mẹ gật đầu, con rời khỏi nhà với nụ cười rất tươi của mẹ và tia mắt nhìn chằm chằm vào con của bác Tường. Con bắt đầu cảm thấy bất an trong lòng, khi bất ngờ con bắt gặp tia mắt cú vọ của bác.

Con đã dối mẹ, con chỉ muốn rời khỏi nhà chứ không hề ghé nhà bạn Ngọc. Con mãi miết chầm chậm bước đi, vừa đi vừa khóc. Con bước đi mà con chẳng biết mình đang đi đâu. Trời tối dần, và chuyển sang đêm rất nhanh. Đi loanh quanh một hồi, con ghé vào quán bán thức ăn nhanh tìm chai nước suối và chút bánh mì lót dạ. Đã tám giờ rồi, chắc con phải về nhà, chỉ mong mẹ không la rầy và mọi chuyện được bình yên.

Con mở khoá cửa bước vào nhà. Không thấy xe mẹ ở nhà, con giật mình nhìn thấy bác Tường, với quần short ở trần, đang ngồi chống tay trên bộ bàn ăn kê sát cửa ra vào. Con hỏi bác:

- Mẹ con đâu?

Bác Tường trả lời: 

- Mẹ con mới nhận việc làm đêm rửa chén ở quán cơm, khuya sẽ về. 

- Vậy con đi, lát con về với mẹ. 

Con vừa định quay trở ra, thì bác Tường đã kéo then cài và đứng chặn cửa:

- Khuya rồi con không được đi đâu. Mẹ dặn phải giữ con ở nhà.

- Không được. Chỉ có bác, sao con ở nhà được?

Con xông tới, cố đẩy bác Tường qua một bên, để lấy đường thoát thân, nhưng bác đã nắm lấy hai cổ tay con, dùng sức mạnh đẩy con té ngửa xuống đất. Bác nằm đè lên người con và ôm con thật chặt.

Con ngộp thở vì mùi rượu nồng nặc từ hơi thở dồn dập của bác Tường. Con nhỏ người lại ốm yếu, nhất thời không thể vùng vẫy dưới sức mạnh ngàn cân của bác. Dường như thú tính của bác nổi lên, một tay bác chận miệng con không cho la lớn, tay kia bác lòn dưới áo ngực, nắn bóp không ngừng.

Con lấy hết sức bình sinh, vùng thoát khỏi bàn tay dơ bẩn của bác. 

Khoảnh khắc ấy không biết từ đâu con lại có sức mạnh kỳ diệu, khi bác chồm tới ôm con lần nữa, lập tức con đạp mạnh vào bụng bác khiến bác loạng choạng ra phía sau, thừa cơ con đứng dậy, mở cửa và chạy ào ra ngoài thật nhanh. Con đường Luỹ Bán Bích lúc này vì trời đã tối, thiếu ánh sáng, nên cũng không có ai để ý đến một cô bé đang vừa chạy vừa khóc thất thểu trên đường. 

Một lúc sau, tinh thần bình tĩnh hơn, con dừng lại ở trạm chờ xe buýt không có người, lấy điện thoại ra để gọi cho mẹ, vừa khóc vừa kể hết sự tình. Mẹ nói mẹ sẽ về ngay, mẹ hứa sẽ bảo vệ con và đưa con về nhà. Con nói với mẹ rằng con sẽ không về nhà khi còn bác Tường ở trong đó. Mẹ nói mẹ biết rồi.

Con không biết con đã ngồi ở trạm bao lâu. Đường phố lúc này trở nên rất vắng vẻ. Con co ro hai tay ôm trước ngực, vì càng về khuya gió thổi càng lạnh. Bất ngờ có một người đàn ông quần áo rách rưới, có lẽ là người vô gia cư, bước vô trạm. Dưới ánh sáng yếu ớt của ngọn đèn đường, con thấy ông ấy nhìn con mỉm cười và lẵng lặng ngồi xuống băng chờ, nhích lần, càng lúc càng gần chỗ con ngồi. Con đứng dậy ù té chạy ra khỏi trạm. Lúc này con vô cùng hoảng sợ, vừa sợ vắng vẻ, vừa sợ con người. 

Con không biết hiện giờ mẹ ở đâu, con nghĩ có lẽ mẹ đã về nhà rồi, và tốt nhất là con nên trở về nhà với mẹ.

Con lập tức chạy thật nhanh ngược về hướng nhà mình. Chưa đến ngõ con đã nghe tiếng bác Tường quát tháo sỉ vả mẹ, chửi rủa rất tục tằn vì mẹ không lo đủ cho bác số tiền để bác mua xe máy. Mẹ mắng lại bác đã xàm xở với con gái. Lời qua tiếng lại rồi con nghe tiếng huỳnh huỵch dường như hai người đánh lộn. Con vội chạy vào nhà thì vừa kịp thấy bác Tường nắm tóc, đấm tới tấp vào đầu mẹ. Con xông tới đẩy bác Tường ra, giúp mẹ thoát ra khỏi bàn tay tàn bạo của bác Tường. Thật nhanh mẹ chạy vào bếp chụp con dao yếm lao lên. Vừa thoáng thấy mẹ cầm dao bác Tường đã vụt chạy ra khỏi cửa. Mẹ hét lớn “đồ khốn nạn” rồi cầm dao rượt theo. Mẹ chạy theo, vừa rời khỏi nhà được mươi bước thì một viên đá khá to không biết từ đâu bay tời trúng đầu mẹ. Con nghe mẹ la thất thanh một tiếng rồi gục xuống, nằm sóng soài trên mặt đường, đầu và mặt loang đầy máu. Con nhào tới ôm mẹ, khóc oà:

- Mẹ ơi, mẹ. Mẹ có sao không mẹ? 

Toàn thân mẹ mềm nhũng, con cố lay nhưng mẹ không có cử động gì hết. Nhiều cô bác nhà gần đó túa ra đứng chung quanh con. Có một bác đã gọi một chiếc taxi đậu gần đó, bảo xe chở gấp mẹ và con vào bệnh viện, bác nói nếu gọi xe cấp cứu, mà xe đến trễ sợ không kịp.

5
Con đang ngồi chờ bên ngoài Phòng Cấp Cứu Bệnh Viện Đa Khoa Quận 11. Trên xe, con đã khóc suốt trên đường đưa mẹ đến đây. Hồi nãy, người ta bảo con khai báo tên tuổi mẹ, rồi người ta đẩy mẹ vào bên trong. Đứng bên ngoài, con vẫn khóc, trong lòng xót xa bàng hoàng. Mẹ ơi ráng khoẻ lại, đừng làm cho con lo lắng mẹ ơi.

Bệnh viện nửa đêm vẫn còn nhiều ngồi chờ kết quả sơ cứu cho thân nhân, cũng giống như con. Người ta lao xao nói chuyện với nhau, nhưng con không bận tâm, tâm trí con chỉ còn biết cầu nguyện sao cho mẹ con qua khỏi đêm nay. Hồi đó mẹ dạy con rằng, sau mỗi câu cầu nguyện phải niệm thầm câu thần chú “Nam Mô A Di Đà Phật”, thì lời cầu nguyện mới linh, bây giờ con cũng đang cầu nguyện y như vậy, để cầu cho mẹ sớm tai qua nạn khỏi. 

Con chợt thấy có một cô y tá tay cầm một xấp giấy bệnh án, từ bên trong bước ra đứng ở cửa phòng cấp cứu.

- Ai là thân nhân của Lê Thuỳ Hương?

- Dạ là con - Con lên tiếng ngay.

- Con là gì của chị Hương?

- Dạ là con gái.

- Chị Hương có mua Bảo Hiểm Y Tế không?

- Dạ không có mua.

- Tình trạng của chị Hương cũng khá nguy kịch, máu bầm nhiều trong sọ, cần phẫu thuật mới có thể cứu chị. Con cầm phiếu đóng tiền này ra phòng thu ngân đóng trước 20 triệu, đem hoá đơn vô đây cho cô. Sau phẫu thuật, còn phải đóng tiền bao nhiêu nữa, cô sẽ báo.

Nước mắt con tự nhiên trào ra:

- Cô ơi, con không có tiền.

- Con không có tiền thì bệnh viện làm sao điều trị cho mẹ con? Trong 24 giờ mẹ con phải được phẫu thuật. Con về nhà nói với bà con, chú bác cô dì, cho con vay tiền cứu mẹ, nếu không ai có, thì nhờ bà con kêu gọi từ thiện. Nhanh lên con.

- Thưa cô, con không có bà con.

- Trời ơi, không có bà con, bệnh viện làm sao giúp con? Thôi thì con suy nghĩ đi nha, cô phải vô với bệnh nhân. Con phải đóng tiền, bệnh viện mới phẫu thuật cho mẹ được. Về tìm cách đem tiền vô đóng sớm nha con.

Cô y tá đi rồi, con ngồi sụp xuống ghế, ôm mặt khóc thành tiếng. Trời ơi, con kiếm đâu ra tiền cho mẹ con làm phẫu thuật? Ai là người thân của mẹ? Chú Quang đang ở rất xa, bác Tường thì lừa đảo, con không biết mẹ còn thân nhân nào khác không, mà nếu còn, thì dễ gì có ai giúp mẹ lúc này? Qua làn nước mắt, con thấy đất trời tối đen, sụp đổ.

Có một bàn tay đặt lên vai, con ngước nhìn lên, đó là một cô, chắc là thân nhân người bệnh, đang ngồi cạnh bên con từ lúc nãy tới giờ, cô từ tốn nói với con:

- Hy vọng mẹ con không sao đâu. Con về bán đồ đạc, có gì bán nấy, đem tiền cứu mẹ, đi con.

Con càng khóc nhiều hơn:

- Cô ơi, con cần đến 20 triệu lận cô ơi. Nhà con là nhà trọ. Đồ cũ trong nhà có giá trị gì đâu, đem bán ai mua? Cả con đem bán cũng không ai mua.

Câu nói vô tình của con làm loé lên cho con một tia hy vọng có thể cứu được mẹ. Hình ảnh mẹ tảo tần nuôi con bao nhiêu năm, khi con còn nhỏ, lần lượt hiện về trong ký ức con. Từng giọt sữa cọng rau, bao ngày thiếu thốn. Khó khăn gì mẹ vẫn luôn cố sức lo cho con ăn học. Con thương mẹ vô cùng mẹ ơi, con phải làm mọi chuyện để cứu mẹ.

- Cô ơi, cô biết có ai có tiền giúp con 20 triệu không cô, con hứa sẽ làm mọi chuyện để đền ơn cho người ta.

- Thấy con tội nghiệp nhưng cô không biết làm sao để giúp con. Con không có gì đem đi bán làm sao con có 20 triệu được con?

Không chần chờ, con vùng đúng dậy, nói trong nấc nghẹn, khoé mắt ướt đẫm: 

- Có. Con bán con nè cô. Có người mua con không cô? Con muốn cứu mẹ con. Cô ơi làm sao tìm được người mua. Con bán thân con nè cô.

- Trời ơi, con còn quá nhỏ. Sao con có thể nghĩ đến chuyên đó?

- Không có 20 triệu mẹ con sẽ chết. Cô chỉ dùm con cách nào đi cô. Con sẽ bán thân con 20 triệu. Con muốn cứu mẹ…

Con quỳ sụp xuống nền gạch, hai tay ôm mặt khóc nức nở.

Con có cảm giác như có một cô nào đó kéo hai tay con đứng lên rồi đặt con vào ghế, con ngước nhìn lên, vừa kịp thấy cô ấy đưa tay quẹt vào hai mi mắt của chính cô. Giọng cô nghẹn ngào:

- Tội nghiệp con quá. Vậy thì con thử đến mấy tiệm gội đầu thanh nữ xem sao, may ra gặp môi giới.

- Thiệt hả cô. Tiệm đó ở đâu cô?

- Con hỏi thử chú taxi đi con.

- Dạ.

Không còn nhìn thấy gì chung quanh, con vụt chạy thật nhanh ra cửa bệnh viện. Trước cổng có vài chiếc taxi đậu chờ khách. Con chạy đến nói với một chú:

- Chở dùm con đi chú. Con muốn đi đến tiệm gội đầu thanh nữ gần nhất. Chú chở dùm con đi chú. 

Con mở cửa, phóng nhanh vào xe, từ giờ phút này, con đã phó mặc cuộc đời.

- Đến tiệm gội đầu thanh nữ gần nhất, nhanh lên chú, tiệm gội đầu thanh nữ…

Từ Sơn
(Tháng 05 - 2021)



No comments

Powered by Blogger.