Vương Trùng Dương
Lời Tác Giả: Bài viết Bùi Giáng, Ðại Lão Cái Bang cho Giai Phẩm Xuân
Bính Tý (1996) của tuần báo Tình Thương của nhà văn Lâm Tường Dũ (hiền thê
của anh, bà con với Bùi Giáng) gợi ý tôi viết bài nầy để có món quà kỷ niệm
người anh vào tuổi thất thập. Nhờ tài liệu của anh Bùi Như Hải lưu trữ hỗ
trợ cho bài viết.
Sau khi Bùi Giáng qua đời (tháng 10 năm 1998) có nhiều bài viết cũng tựa đề
nầy vì hình ảnh và cuộc sống cá biệt của ông tựa như nhân vật trong tác phẩm
võ hiệp của Kim Dung trong Võ Lâm Ngũ Bá đến Anh Hùng Xạ Điêu… Bang chủ Cái
Bang đời thứ 18 xuất hiện trong chốn võ lâm. “Lão ăn mày” ăn mặc rách rưới,
võ công thâm hậu, thích rượu, lúc say, lúc tỉnh, khi tĩnh lặng, khi ồn ào
náo nhiệt giữa đám quần hùng. Con người như vậy nhưng hành hiệp đạo nghĩa,
bệnh vực kẻ yếu, trừ ác gian tà.
Ở Sài Gòn, khi chính quyền ban hành “Sắc Luật 007” để kiểm soát báo chí, Hội
Chủ Báo, Hội Ký Giả Việt Nam, Hội Ký Giả Nam Việt và Hội Ái Hữu Ký Giả xuống
đường ngày 10/10/1974 “Ký Giả Đi Ăn Mày” tại Sài Gòn. Lợi dụng thời cơ, phần
từ năm vùng, phản kháng, a dua bị gậy phản đối chính quyền. Từ đó, hình ảnh
“cái bang” trở thành quen thuộc.
Nay, với tuyển tập về Quảng Nam, dù 25 năm trôi qua (1996-2021) nhưng với
nhân vật Quảng Nam nổi tiếng trong nhiều lãnh vực thơ văn, dịch giả và triết
học: Bùi Giáng. Con người bất hạnh trong cuộc sống nhưng sáng tác của ông là
gia tài quý báu trong dòng sinh mệnh văn học của miền Nam Việt Nam
-- VTrD
“Mùa xuân hẹn thu về em trở lại
Bên đời đi còn giữ mãi hay không
Giòng bất tuyệt xanh ngần xuân thơ dại
Sầu hoang vu vĩnh hạ vọng non hồng”
(Bùi Giáng)
|
Bùi Giáng
|
Bước vào năm Bính Tý (1996), Bùi Giáng vừa tròn tuổi thất thập. Với
cuộc sống lang bạt kỳ hồ, túi vải, chân đất, lang thang giữa chợ đời, gầm
cầu, hè phố, dầm sương dãi nắng, bữa đói bữa no gần 4 thập niên, qua bao
thăng trầm bệnh tật, vẫn còn sáng tác ở tuổi cổ lai hy, đó là một hiện
tượng. Ông ký nhiều bút hiệu, trong đó có: Trung Niên Thi Sĩ, Thi Sĩ, Bùi
Bàn Dúi, Bàng Giúi, Bùi Văn Bốn, Vân Mồng (truyện dịch Khung Cửa Hẹp, Hoàng
Tử Bé)...
Trong sinh hoạt Văn Học Nghệ Thuật, Bùi Giáng để lại cho đời biết bao giai
thoại từ trí tuệ đến con người, đó là một hiện tượng. Ngôn ngữ thi ca của
Bùi Giáng là một hiện tượng. Tình yêu (nếu có) dù dơn phương cũng là hiện
tượng. Chữ nghĩa, tư tưởng Bùi Giáng có sẵn trong đầu, khi yêu cầu bài
viết, lấy giấy viết ngay. Hiện tượng Bùi Giáng.
Bùi Giáng, nhà giáo, dịch giả, nhà văn, nhà phê bình văn học, triết học
nhưng đó chỉ là quán bên đường, người bạn tri kỷ tri bỉ: thi ca.
Ngược Dòng Thời Gian
Bùi Giáng sinh ngày 17 tháng 12 năm 1926 tại Vĩnh Trinh, Duy Xuyên, Quảng
Nam. Thân phụ là ông Bùi Thuyên, thường gọi là Cửu Tý. Ông Cửu Tý thỉnh
thoảng bị bệnh “điên” và khi “điên” thì làm bộ cưỡi ngựa bằng mo cau đi từ
làng Trung Phước đến làng Cà Tang đọc thơ, làm câu đối thích chọc ghẹo cô
gái cho vui. Ông Cửu Tý lấy người vợ kế Huỳnh Thị Kiền, sinh ra Bùi Giáng.
Theo thứ tự trong gia đình, ông thứ sáu nên gọi là Sáu Giáng. Nhà thờ Tộc
Bùi với gia phả ghi lại nơi đây và sau này có thêm ở Sài Gòn.
Năm 1933 bắt đầu đi học tại trường làng Thanh Châu với thầy Cù Đình Quý.
Năm 1936 học ở trường làng Bảo An với thầy Lê Trí Viễn. Tiếp tục theo học
tiểu học ở Hội An, Quảng Nam rồi sau đó chuyển sang học trung học ở Thuận
Hóa, Huế. Năm 1945 đậu bằng Thành Chung (Văn bằng này thời đó gọi là Cao
Đẳng Tiểu Học, tiếng Pháp là Diplôme d’Etudes Primaire Superieur
Franco-Indigènes, còn gọi là Brevet Primaires, người Việt thường gọi là
bằng Thành Chung, bằng Diplôme). Trong năm này, ông 19 tuổi, cưới vợ là bà
Phạm Thị Ninh, gọi là Vãn Ninh, rất xinh, con ông bà Phán Trai ở Hội An.
Thời điểm nầy, tình hình biến động, ông đưa vợ về quê sinh sống, nhưng tai
họa ập đến, vợ qua đời! Ông đau khổ, chán chường rời cố hương. Thiên tình
sử của ông rất đặc biệt. Khi còn học ở trường Viên Minh, Hội An. Nữ sinh
Phạm Thị Ninh, học sau ông một lớp, nổi tiếng xinh đẹp, quen biết nhau rồi
cưới làm vợ tại Hội An. Năm 1945 gia đình bà Phạm Thị Ninh tản cư lên
Trung Phước, ông đem vợ lên rồi mua một đàn dê để đi chăn. Ông nuôi dê để
rong chơi và còn đặt tên cho mỗi con dê rất kỳ lạ.
Theo nhà thơ Tường Linh, học trò học tiếng Pháp của Bùi Giáng, vào một
buổi sáng, trời mưa dầm dề, Bùi Giáng đang ở trên núi thì nghe tin vợ mình
qua đời. Ông hốt hoảng chạy ra ngoài trời và vấp vào một gốc cây, ngã
xuống bất tỉnh. Người vợ mà ông rất yêu thương, sau này ông thường gọi là
“con mọi nhỏ”, bị bạo bệnh và mất vào năm 1952, lúc mới 26 tuổi. Ông thôi
hẳn việc chăn dê, chia tay hẳn với cỏ hoa hồn du mục để xuôi về phố thị
rộn ràng.
Năm 1950 ông đỗ Tú Tài II (Baccalauréat Deuxième Partie). Ông ra Liên Khu
IV (Thanh Nghệ Bình Trị Thiên) theo học đại học nhưng khi nghe Viện Trưởng
đại học đọc diễn văn, ông bỏ ý định theo học và theo đường núi Trường Sơn
trở lại cố hương. Tháng 5 năm 1952, ông ra Huế thi lấy bằng tú tài tương
đương cho hợp lệ.
Theo lời người bào đệ, cùng cha khác mẹ, ông Bùi Vịnh, trong ngày Hội Thi
Văn & Tư Tưởng Bùi Giáng ngày 21 tháng 10 năm 1995 tại Majestic,
Huntington Beach, California, Bùi Giáng
“Có vợ vào lúc còn rất trẻ, sau năm 1945. Nhưng vì đi tản cư ở vào
những nơi rừng thiêng nước độc, người vợ trẻ đã qua đời sau cơn bạo
bệnh”. Ông chung tình chung nghĩa với “mộng ban đầu”, suốt nửa thế kỷ ôm vọng
tưởng, điên loạn bởi “hồn nguyên tiêu” bao nhiêu hình ảnh mang dáng dấp
của người tình muôn thuở vào cõi thiên thu, ngôn ngữ Bùi Giáng trở thành
kỳ bí.
“Vào tháng Năm 1957, ông quyết định bỏ vùng Việt Minh trốn qua vùng
Quốc Gia. Và tại Huế, ông thi lại bằng Tú Tài tương đương, rồi vào Sài
Gòn, ghi danh vào đại học Văn Khoa. Cả lần này nữa, sau khi nhìn danh
sách các giáo sư giảng dạy, ông đã quyết định chấm dứt việc học ở trường
của mình tại đây. Ông bắt đầu viết khảo luận, sáng tác và đi dạy học ở
các trường trung học tư thục…”
(Bùi Vịnh).
Với dòng tộc Bùi lúc đó nổi danh với bác sĩ Bùi Kiến Tín, trưởng nam của
ông Bùi Biên (ông Cửu Thứ) và bà Phan Thị Yến. BS Tín tham gia vào nội các
của Thủ Tướng Ngô Đình Diệm với chức vụ Bộ Trưởng Bộ Thông Tin (1954). Sau
khi nền Đệ Nhất Cộng Hòa được thiết lập, ông không tham chính và phục vụ
trong quân đội với cấp bậc Y sĩ Trung Tá, sau đó giữ chức Y sĩ Trưởng Phủ
Tổng Thống và Lữ Đoàn Liên Binh Phòng Vệ Phủ Tổng Thống (1960). Bùi Giáng
đã tham gia trong thời kỳ Việt Minh nhưng có lẽ “cái bóng” của người anh
bà con nên chính quyền không theo dõi ông nhưng ông nhờ vả gì vào “cái
bóng” để lập thân.
Ông có năng khiếu về ngoại ngữ, tinh tường về Anh, Ðức, Pháp và Hán văn,
không biết ông theo học tiếng Ðức và tiếng Anh lúc nào nhưng khi nghiên
cứu triết học Ðức, thơ văn Anh Mỹ, ông dịch và viết rất tài tình. Ông có
trí nhớ kỳ lạ và “trí quên” rất độc đáo. Quên của ông cũng là hiện tượng
và có lúc không biết gì cả, cùng với cử chỉ, hành động kỳ quái, người điên
thời đại.
GS Vũ Ký, thầy dạy của ông, trong bài “Nhớ Về Ba Người Em Lỗi Lạc” trong
Giai phẩm Quảng Ðà 94
“Từ năm 1943 ấy, Bùi Giáng thôi học ở Hội An, rồi lui về cố hương làm
Tô Vũ mục dương ở Trung Phước, miền rừng núi xứ Quảng. Theo nhiều người
cho biết, Bùi Giáng nghêu ngao làm thơ, ca hát, điên khùng suốt năm
tháng. Lúc tôi gặp lại ở Sài Gòn thì Bùi Giáng đã nghỉ dạy học tư để cầm
cọ bôi mực loay hoay vẽ tranh trong căn nhà lụp xụp ỏ ngõ hẻm Trương
Minh Giảng và Bùi Giáng cũng vừa mới in xong mấy cuốn sách giáo
khoa”.
“Với Tất Cả Bùi Giáng” của Trần Phong Giao, Bùi Giáng
“Lập gia đình năm 18 tuổi, nhưng không được hưởng hạnh phúc bao lâu vì
chiến tranh và nạn lụt đã cướp mất vợ và hai đứa con thơ của ông”.
Ðó là mốc thời gian tuổi niên thiếu của ông được đề cập qua ba người có
liên quan với ông nhưng đã khác nhau. Theo sự ghi lại của “người thầy cũ
và cũng là người anh” thiếu chính xác thời điểm quan trọng trong giai đoạn
trong 9 năm “kháng chiến” đã ảnh hưởng sâu đậm trong cuộc đời Bùi Giáng.
Ông tham gia “kháng chiến”, theo Việt Minh nhưng khi đụng chạm thực tế,
ông ngán ngẫm, gặp bất hạnh trong tình yêu, tâm hồn điên loạn…
Sau 3 năm “chia cắt” đất nước, phân ranh Quốc/Cộng, ông mới chọn lựa quyết
định ranh giới giữa 2 miền. Bài thơ “Nỗi Lòng Tô Vũ” của ông đã ghi “Kỷ
niệm một đoạn đường mười năm chăn dê ở núi đồi Trung Việt”.
Không bao giờ muốn và để ai đề cập “tiểu sử”, theo ông “Thi sĩ sinh ra như
mọi người giữa cỏ cây ly kỳ, và chết đi giữa cỏ cây ly kỳ, gay cấn”. Và
hai câu thơ của ông: “Người điên mang một nỗi buồn. Chưa bao giờ biết cội
nguồn từ đâu” để trả lời với tha nhân. Tuy nhiên, công việc của nhà nghiên
cứu văn học cần phải tìm hiểu chính xác, nhìn lại Văn Học Việt Nam, ông là
khuôn mặt đặc biệt trong văn giới. Từ tuổi thơ đến thời điểm “tam thập nhi
lập” (1926-1956) trải qua nhiều giai đoạn thăng trầm, nỗi đau tột cùng
trong tình yêu. Vì vậy, trước năm 1975, nhiều cây bút viết về tư tưởng,
thơ văn Bùi Giáng nhưng không đề cập về “tiểu sử” nên có nhiều nghi vấn
cùng với giai thoại quanh ông.
Tháng 5,1973, Mai Thảo và Nguyễn Xuân Hoàng của tờ Văn thực hiện “Số báo
đặc biệt về thiên tài thi ca Bùi Giáng”, 10 câu hỏi của Nguyễn Xuân Hoàng
về Bùi Giáng có tính cách khác lạ và cả hai cùng hỏi và nói “Chuyện rong
chơi”. Nhận định thơ văn của ông với Thanh Tâm Tuyền, Nam Chữ, Trần Tuấn
Kiệt, Tuệ Sĩ… Với ông, sáng tác chẳng có liên quan gì với tiểu sử, trong
thơ đã chứa đựng đoạn đường trải qua.
Có nhiều tác phẩm đã đề cập đến ông, điển hình như Cao Thế Dung với Văn
Học Hiện Ðại: Thi Ca & Thi Nhân; Năm Sắc Diện, Năm Ðịnh Mệnh của Du Tử
Lê; Mười Khuôn Mặt Văn Nghệ Hôm Nay của Tạ Tỵ; Thi Ca Việt Nam Hiện Ðại
của Trần Tuấn Kiệt…
Sau tháng Tư năm 1975, cái bang Bùi Giáng với nhiều giai thoại và mỗi giai
thoại nói lên cái điên, cái tỉnh trong cảnh khốn cùng của xã hội. Một Bùi
Giáng quằn quại, một Bùi Giáng ngông nghênh, một Bùi Giáng vào tù ra khám…
và một Bùi Giáng cuồng sĩ bất khuất.
Tác Phẩm
Gần hai thập niên ở Sài Gòn, tác phẩm của ông với số lượng đáng kể:
- Sách Giáo Khoa, Luận Đề:
- Bà Huyện Thanh Quan, 1956
- Lục Vân Tiên, 1956
- Chinh Phụ Ngâm & Quan Âm Thị Kính, 1956
- Truyện Kiều & Truyện Phan Trần, 1957
- Cung Oán Ngâm khúc, 1957
- Nguyễn Công Trứ, 1957
- Tản Ðà Nguyễn Khắc Hiếu, 1958
- Phan Bội Châu, 1958
- Chu Mạnh Trinh, 1958
- Tôn Thọ Tường & Phan Văn Trị, 1958…
- Sách Dịch:
- Cõi Người Ta của Saint-Exupéry, 1966
-
Trăng Tỳ Hải của Albert Camus, André Gide, Martin Heidegger, 1966
- Khung Cửa Hẹp của A. Gide, 1966
- Hoa Ngõ Hạnh của Shakespeare, 1966
- Bạo Chúa Caligula của Albert Camus, 1967 - 1974
- Kim Kiếm Ðiêu Linh của Ngọa Long Sinh, 1967
- Ngộ Nhận của A. Camus,1967
- Con Người Phản Kháng của A. Camus, 1968
- Mùa Hè Sa Mạc của A. Camus , 1968
- Kẻ Vô Luân của A. Gide, 1968
- Orphélia Hamlet của Shakespeare, 1969
- Hòa Âm Ðiền Dã của A. Gide, 1969
- Sương Bình Nguyên của các tác giả Âu Mỹ, 1969
- Hoàng Tử Bé của Saint-Exupery, 1973
- Mùi Hương Xuân Sắc của Gerald de Narval, 1974…
Ông dịch rất thoáng, có khi không theo nguyên tác mà theo ý văn để diễn
đạt. Còn sáng tác thơ tặng tác giả. Ông dịch Kim Kiếm Ðiêu Linh của Ngọa
Long Sinh để học thêm chữ Hán. Tác phẩm Nhà Sư Vương Lụy của nhà văn Trung
Hoa, nhà sư tên là Tô Mạn Thù (Su Manshu), Bùi Giáng dịch từ nguyên tác,
Quế Sơn xuất bản năm 1969. (Có bản dịch sang tiếng Anh The Lone Swan của
Geoege Kin Leung
- Sáng Tác:
- Thơ: Mưa Nguồn, 1962
- Ngàn Thu Rớt Hột, 1962
- Bài Ca Quần Ðảo, 1962
- Lá Hoa Cồn, 1963 - Màu Hoa Trên Ngàn, 1963
- Sa Mạc Trường Ca, 1969
- Rong Rêu, 1970
- Ðêm Ngóng Trăng, 1972…
- Biên Khảo, Tạp Văn, Tùy Bút:
- Tư Tưởng Hiện Ðại, 3 quyển, 1960 & 1962
- Martin Heidegger & Tư Tưởng Hiện Ðại, 2 quyển, 1963
- Sao Là Không Có Triết Học Heidegger, 1969
- Ði Vào Cõi Thơ, 1969
- Thi Ca Tư Tưởng, 1969
- Sa Mạc Phát Tiết, 1969
- Sương Bình Nguyên, 1969
- Trăng Châu Thổ, 1969
- Mùa Xuân Trong Thi Ca, 1969
- Thúy Vân, Tam Hợp Ðạo Cô, 1969
- Mùa Thu trong Thi Ca, 1970
- Biển Ðông Xe Cát, 1970
- Ngày Tháng Ngao Du, 1971
- Ðường Ði Trong Rừng, 1972
- Lời Cố Quận, 1972
- Lễ Hội Tháng Ba, 1972
- Con Ðường Ngã Ba, 1973…
Năm 1965 nhà ông bị cháy làm mất nhiều bản thảo của ông. Năm 1969 ông “bắt
đầu điên rực rỡ” nhưng được các nhà xuất bản in nhiều tác phẩm nhất. Sau
đó, ông “lang thang du hành Lục Tỉnh”, trong đó có Long Xuyên, Châu Đốc...
cho thỏa ý nguyện. Thầy Thanh Tuệ, giám đốc nhà xuất bản An Tiêm, rất thân
với Bùi Giáng và lo ấn hành tác phẩm. Nói đến Bùi Giáng, con người nhập
tâm Truyện Kiều của thi hào Nguyễn Du. Có lần ông dạy Việt Văn, khi đề cập
đến Thúy Kiều bán mình chuộc cha, ông khóc nức nở. Ngay trong tác phẩm
viết về triết học, ông cũng dẫn chứng tư tưởng đó có trong thơ Kiều. Và,
trong các tác phẩm Âu Châu qua bản dịch của ông cũng thấp thoáng “hồn
Nguyễn Du”. Với những tác phẩm được ấn hành, tuy có nhiều tiền tác quyền
nhưng ông “thú vui kẻ sĩ” không lưu giữ, “nướng” cho thú vui trong lối
sống giang hồ bạt mạng trên đường phố…
Năm 1970, Bùi Giáng phải đưa vào chữa trị ở nhà thương điên Biên Hòa. Khi
vào bệnh viện ông đối đáp với bác sĩ nên không biết đâu là “trí óc rối
loạn”. Và trong năm đó, ông đã cho in Biển Đông Xe Cát và Mùa Thu Trong
Thi Ca. Kế tiếp với những tác phẩm cho đến năm 1973… (Theo người bạn thâm
niên Bùi Như Hải thì dòng họ anh có vài người bị bất thường “điên” nhưng
chỉ khoảng thời gian nào đó thôi, và thường tái phát vào mùa hè, trời nóng
bức).
Sau biến cố tang thương năm 1975, Bùi Giáng điên nặng. Cái điên vì thời
cuộc của ông “hành khất Cái Bang” được ghi lại với nhiều giai thoại. Vừa
điên vừa khôn trong “bức tranh vân cẩu” vừa thương ông vừa nể phục. Từ đó,
Bùi Giáng sống lang thang bên lề xã hội!.
Người điên Bùi Giáng cũng bị nhốt 3 tháng ở trại giam Gia Ðịnh. Ông bất
chấp tất cả. Ông gọi mày tao khi bị hỏi cung, thản nhiên với thức ăn “cặn
bả” của con người mà không bị nhiễm trùng. Thế rồi, tháng ngày sau đó,
theo Phạm Xuân Ðài
“Cuộc sống của anh tại Sài Gòn hiện nay là của một cuồng sĩ, khi thì
thu mình trong túp lều của anh tạ một khu vườn bên Gia Ðịnh, khi thì
lang thang vô định trong cơn điên… Ði lang thang hàng chục cây số bất kể
nắng mưa, múa may la hét suốt mấy ngày liền, kẻ lực sĩ chưa chắc đã làm
được”. Thế nhưng
“Bùi Giáng như một ngọn lửa cháy liên tục mấy mươi năm nay trong thế
giới thơ ca - của anh và của chúng ta. Ngọn lửa có khi thu lại thành một
đám nhỏ, có khi bùng lên dữ dội, có khi bị gió bão lắt lay, nhưng vẫn là
nguyên một ngọn lửa ấy từ đầu cho đến bây giờ”.
Hình ảnh ông già tuy mới năm mươi lúc đó, mặc quái dị, đủ màu sắc, đeo đủ
thứ, tóc tai dài phủ ót, rối bù, mang kính cận thị nặng, cầm một cái gậy
múa may quay cuồng trên đường…
Nơi nào ông xuất hiện, đám đông vây quanh, nhất là trẻ con bu quanh “diễn
viên Cái Bang” náo nhiệt. Ông xuất thần với những câu thơ, được truyền
tụng lại, thật hư không biết nhưng cái điên của ông mới bạo gan chửi chế
độ như vậy. Từ đó “Cái Bang 9 túi” lang bạt suốt hai thập niên. Bất kể mưa
nắng, màn trời chiếu đất, thân xác gầy còm… thế mà sống thọ qua tuổi thất
thập.
“Có hôm gặp ông ngoài đường. Ông mặc quân phục chế độ cũ, lon lá huy
chương đầy mình. Mọi người sợ hết hồn, vì thời gian ấy các sĩ quan chế
độ cũ phải lên đường đi học tập cải tạo kẻ nào trốn cũng khó thoát khỏi
lưới tình báo nhân dân”
(Nguyễn Thụy Long - Giữa Đêm Trường).
Ông cũng tự giải thích:
“Tôi điên là bởi tôi điên
Cầm tay cô hỏi cho phiền lòng nhau
Tôi điên từ trước đến sau…”
(Bùi Giáng, “Thơ Bùi Giáng, hải ngoại 1990”)
Sống chết với ông như lời tự nguyện:
“Hãy mang tôi tới giữa đời
Giết tôi chết giữa cõi đời mốc meo
Hãy mang tôi tới nắng chiều
Giết tôi chết giữa một chiều khe nương”
(Sa Mạc Trường Ca, 1969)
Tại hải ngoại, có 3 tuyển tập về thơ Bùi Giáng sáng tác vào sau năm 1975:
-
Thơ Bùi Giáng, năm 1990, nhóm Việt Thường ở Canada thực hiện, gần 200
bài thơ.
-
Thơ Bùi Giáng, Thế Kỷ 1994, Phạm Xuân Ðài thực hiện, gồm 106 bài thơ.
-
Thơ Bùi Giáng, California 1995, Bùi Vịnh & thân hữu thực hiện, gồm
81 bài thơ, tranh bìa “Thiếu Nữ” do Bùi Giáng vẽ.
Suốt 4 thập niên, Bùi Giáng đã cống hiến cho đời, cho nền Văn Học Nghệ
Thuật Việt Nam thật nhiều tác phẩm gồm đủ mọi thể loại. Một con người
không có nơi nương tựa ổn định, thể chất gầy gò, bệnh tật, tâm tính lúc
bình thường khi điên loạn mà tạo dựng “kho tàng quý báu” cho Văn học Việt
Nam, điều rất lạ, không thể hiểu được.
Ngôn Ngữ & Cuộc Sống
Gần gũi, tiếp xúc với Bùi Giáng, mỗi lần, có thể nói giai thoại về ông,
thương mến, cảm quý con người tài hoa nhưng sống đầy khổ hạnh.
Viết về Bùi Giáng, với Mai Thảo:
“Bùi Giáng chất ngất một trời chữ nghĩa, Bùi Giáng trùng trùng một biển
văn chương… Sự hình thành một tác phẩm nơi Bùi Giáng cuối cùng vẫn còn
là một bí ẩn hoàn toàn trong cái vùn vụt, cái bất tuyệt thao thao, cái
chớp mắt đã là của nó… Bùi Giáng đã đem lại cuộc đời biết bao nhiêu châu
ngọc. Bằng tài thơ trác tuyệt. Bằng ngôn ngữ ảo diệu, không tiền khoáng
hậu. Có ông, thi ca mới đích thực có biển có trời. Từ ấy, thi ca mới
không cùng không tận”.
Thế mà, chân dung, đời sống của nhà thơ
“Mái tóc ông đổi màu. Mấy chiếc răng cửa bị gãy, nụ cười vừa trẻ thơ
vừa móm mém. Cặp mắt sâu hoắm xa khuất dần với mọi hình hài thực tế… Ông
ấy chỉ còn da bọc xương trong quần áo thùng thình, mái tóc dài đạo sĩ,
cái túi vải còn thêm cây gậy… Có lúc thấy nói ông đeo một xâu chuỗi toàn
giày dép và quần áo phụ nữ quanh cổ như một vòng gai quái dị, đám con
nít reo hò chỉ chỏ người điên, người điên. Có khi nghe thấy, ông ẩn lánh
ở ngôi chùa vùng ngoại ô thành phố, ăn chay niệm Phật cả ngày không
nói”. Bùi Giáng cũng tạo được một cái lạ mà theo tôi là một cái
ngang…
“Trần gian lắm kẻ không cơm áo
Mà con thờ thẩn cứ nhìn trăng.”
Bùi Giáng có cái giọng bạt đó và cái giọng bạt đã ảnh hưởng vào âm vận
của thơ Giáng”
(Uyên Thao - Thơ Việt Hiện Ðại).
Nhà giáo Vũ Ký, vị thầy của bộ ba Bùi Giáng, Tạ Ký, Nguyễn Thùy từ lúc ở
cố hương đến khi cùng làm thấy giáo tại Sài Gòn, viết nhiều giai thoại về
Bùi Giáng, một Bùi Giáng thông minh, tài hoa, điên khùng, lang bạt… một
Bùi Giáng với tình yêu ảo tưởng trong thơ văn và một Bùi Giáng lãng mạn
với bóng hồng ở tuổi 60. Không hiểu vì cơn gió nào, bỗng nhiên có hai cô,
một cô là ÐNLH (giáo viên trung học, người Huế) và một cô là HHTV, cháu
của nhà văn Cung Giũ Nguyên xách đồ đạc đến nhà Thùy ở luôn 2 tháng. Thùy
là bạn học, đồng hương với Bùi Giáng, thường gặp gỡ nhau. (Bùi Giáng, Tạ
Ký và Nguyễn Thùy gặp nhau thì “Quảng Nam hay cãi” tuy bất đồng nhưng
không bất hòa, rất chân tình, quý mên nhau). Thế rồi cô LH “Lại rất mến
trọng Giáng, thường la cà với Giáng tại nhiều quán cà phê, nhiều lúc tình
tứ khiến mọi khách trong quán rất ngạc nhiên”. Ðó cũng là một hiện tượng,
thử tưởng tượng hình ảnh Ðại Lão Cái Bang ăn mặc rách rưới kỳ dị lại song
bước cùng bóng hồng tuổi còn đôi mươi, tâm tình với nhau.
Bùi Giáng sống trong cảnh khốn cùng của tuổi già mà ông tự chọn vì không
muốn liên lụy với người thân muốn lo cho ông. Khi tuổi già sức yếu ông
đành tá túc tại nhà người anh em chú bác (Bùi Võ) tại Bình Thạnh, người
thân lo chu đáo cho ông nhưng không thích bị gò bó trong nhà trước khi qua
đời sau khi bị đột quỵ (stroke), sau những năm tháng sống “điên rồ lừng
lẫy chết đi sống lại vẻ vang” (chữ của Bùi Giáng). Thế nhưng, hơn hai thập
niên ở trong nước đã có vài bài viết về ông với hình ảnh con người điên
loạn, con người phản kháng sống bên lề cuộc đời! Những tác phẩm của ông bị
chôn vùi theo thời gian trong cuộc sống tuổi già nhưng thơ văn của ông với
người Việt hải ngoại vẫn giữ thế đứng trong nền Văn Học của đất nước. Văn
Chương, Nghệ Thuật của ông như một cõi trời bao la, khác xa với tư tưởng
của người cầm bút theo giáo điều chủ trương “hiện thực xã hội”!
Dẫn chứng vài cây bút tượng trưng viết về ông ở trên cho thấy con người
của ông bất thường, đời sống của ông bất định, nay đây mai đó, ngôn ngữ
của ông có lúc thật huyễn hoặc, kỳ bí, lúc thật bình dị, nhẹ nhàng, lúc
thanh lúc tục. Quan niệm sáng tác của ông “chơi mà thôi”, chẳng có gì bận
tâm, chẳng có gì để bàn. Cuộc đời của ông ở giữa trần thế chỉ là Ngày
Tháng Ngao Du, rong chơi, ung dung tự tại.
Trước kia, Thượng Tọa Thích Minh Châu dành cho ông căn phòng ở đại học Vạn
Hạnh, ông chỉ để sách vở rồi rong chơi đầu đường xó chợ, gặp đâu ngủ đó
bất kể nắng mưa, đêm ngày. Sau này, thân nhân lo cho ông túp lều trong
vườn ở Gia Ðịnh, căn phòng nhỏ trên lầu ở đường Trần Quang Diệu Sài Gòn,
ông để đó, rong chơi dưới gầm cầu Công lý, vỉa hè.
Với ông, tư tưởng triết học của M. Heidegger, Nietzsche, thi ca của
Holderlin, Walt Whitman, Emily Dickinson… Văn chương Pháp của A. Gide, St
Exupery, A. Camus, văn chương Anh của Shakespeare… Ông chọn lựa và chuyển
ngữ rất linh động, tài tình. Cuộc đời của ông điên, tỉnh, ông đã đề cập
trong tác phẩm, tình yêu huyễn hoặc thấy bàng bạc trong thơ văn. Tư tưởng
triết học, tư tưởng cao siêu của con người, theo ông, đều có đề cập trong
Kiều của Nguyễn Du. Với Bùi Giáng, Truyện Kiều là một thứ “mê hồn trận thị
phi”. Bùi Giáng tôn thờ Nguyễn Du và M. Heidegger như “thánh nhân tư
tưởng”. Tác phẩm Martin Heidegger & Tư Tưởng Hiện Ðại dày hơn một
nghìn trang là một công trình biên khảo triết học từ năm 1963, còn xa lạ
với bộ môn nầy ở miền Nam VN. Đôi lần tôi hỏi anh Trần Văn Nam, sau khi
tốt nghiệp cử nhân giáo khoa Triết Học Tây Phương, vừa đi dạy, tiếp tục
với luận án cao học về Hiện Tượng Luận từ quan niệm của Husserl được thay
đổi bởi M. Heidegger, anh nói bộ môn nầy rất nhức đầu nhưng cũng từ tác
phẩm của Bùi Giáng nên anh chọn đề tài cho luận án.
Sức sáng tạo của ông rất kỳ diệu. Như một tay võ công tuyệt luân khi xuất
chiêu liên tục bất tận. Trong một đêm, ông viết cả trăm trang cho một tác
phẩm. Gặp ông, hỏi thơ để đăng, ông sáng tác ngay tại chỗ, viết như đã
nhập tâm từ trước.
Với năng khiếu về ngoại ngữ và cách học của ông, chọn tác phẩm để học,
đọc, tra cứu. Biết hết chữ nghĩa của tác phẩm là biết được ngôn ngữ nước
đó. Vì vậy, khi tìm hiểu M. Heidegger, ông học tiếng Ðức mới hiểu được tư
tưởng. Văn chương Pháp, Anh, ông chuyển dịch từ nguyên tác. Chuyển ngữ lại
từ tác phẩm được chuyển ngữ (không nguyên bản) thì không còn thoát được
cái ý của nó. Chẳng hạn thi phẩm Ngàn Thu Rớt Hột của ông nghe rất văn
chương bóng bẩy, đó là “hình ảnh cứt dê” bao năm ông gần gũi với nó trên
núi rừng. Làm sao chuyển ngữ thoát được cái âm điệu, hình ảnh bóng bẩy đó
được, hay thi phẩm “Lá Hoa Cồn”, ẩn ngữ bí hiểm.
“Bây giờ đành chịu chia xa
Em vào hang núi tôi ra hố ngàn
Gửi linh hồn lại nhân gian
Ôi người Hải Ngoại ôi nàng Phương Tây”.
(Bây Giờ Còn Lại - Lá Hoa Cồn, 1963)
Có lần Huy Tưởng, nhà thơ Tam Kỳ, Quảng Nam, gặp và hỏi chơi với ông
chuyện chăn dê có thi phẩm “rớt hột”, nghe nói ông có chăn bò ở quê đúng
không? - Đúng! Đúng? đúng với cái đầu của họ. Rồi cười thoải mái, xem như
hỏi chơi, nghĩ chơi, đáp chơi rồi thôi.
Nguồn thơ của ông dạt dào, bất tận, ông viết nhiều về hình ảnh ở quê
hương, ở núi rừng Trung Việt. Ðiều bắt gặp trong thơ của ông với chữ Kim ở
đầu. “Người tình trong thơ” Kim Novak, Kim Cương. Ngài ra với vài hình
bóng các cô Kim… thấp thoáng:
“Ôi phương cảo! Ôi Kim Liên
Cảo thơm Kim Thúy diện tiền Kim Hoa!
Ôi Kim Ngọc! Ôi Kim Nga
Chắc gì mai hậu mà ra phụ lòng”.
(Ra Hoa)
“Tuy nhiên hồn mộng chan hòa
Ðầu tiên Kim Thúy, Kim Hoa thập thành
Cuối cùng thừa thượng Kim Thanh
Ði về vô tận tập thành Kim Liên
Kim Nga, Kim Ngọc diện tiền
Ðầu sương cuối tuyết thần tiên bấy chầy”.
(Cuối Ngày Em Ði)
Ông lang thang với thời gian quá dài cho một đời người, xem cuộc sống nhẹ
như tơ hồng, xem cuộc đời ảo thật, thật hư, thế gian đảo điên nhưng đôi
lúc tìm trong thơ ông mới cảm nhận được nỗi thống khổ thiết tha cho mối
tình đầu đời đã hoài công tìm lại:
“Chắp tay tôi lạy ông trời
Tìm người yêu giúp giùm tôi một lần”
(Tìm Em)
Khi làm kẻ chăn dê và hình ảnh nơi cố hương được mô tả qua dòng thơ rất
tuyệt:
“Ðồi tăm tắp chạy về ôm chân núi.
San sát đồi phủ phục quấn núi xanh.
Chiều xuống rồi tơ lòng rộn ràng rối.
Trời núi đồi ngây ngất nhảy dê nhanh
Thôi từ nay tha hồ em mặc sức
Nhảy múa tung sườn núi vút giòng khe
Thôi từ nay tha hồ em mặc sức
Vang vang lên đồi núi giọng be be”.
(Nỗi Lòng Tô Vũ)
Và, trong khung cảnh đó, ông bày tỏ nỗi niềm cùng hình ảnh người yêu:
“Em nhớ hay không hồn hòa dại cỏ
Những ngậm ngùi đầu núi canh khuya
Vàng cao gót nai đầu truông hãi sợ
Gió cây rung trút lá mộng tan lìa”
(Nỗi Lòng Tô Vũ)
Ông lấy hình ảnh Tô Vũ đời Hán Vũ Ðế, đi sứ sang Hung Nô bị giữ lại và đày
đi chăn dê gần hai thập niên. Vì vậy, nỗi lòng Tô Vũ là nỗi lòng của kẻ
lưu đày giữa chốn trần gian.
Hình ảnh người vợ, người tình ban đầu, yêu thương say đắm, đã vĩnh viễn ra
đi để lại cho ông nỗi thống khổ với tình, với thủy chung hình bóng cũ:
“Em chết bên bờ lúa
Ðể lại trên đường mòn…
… Ðêm cuồng mưa khóc điên
Trăng cuồng khuya trốn gió…
… Anh đi về đô hội
Ngó phố thị mơ màng
Anh vùi thân trong tội lỗi
Chợt đêm nào gió bờ nọ bay sang”
(Bờ Lúa – Mưa Nguồn, 1962)
“Miền cát lạnh chân lạc đà bé bỏng
Bóng hình em tơi tả dưới trăng rằm”.
(Người Xưa – Mưa Nguồn)
Chỉ có Bùi Giáng và duy nhất chỉ có ông mới gọi những “bóng hồng” bằng mẹ.
Hiện hữu hay ở phương trời xa xôi. Ông ngông đến thế, bỡn cột hay lòng
thành kính, huyễn hoặc với ngôn ngữ thi ca, cũng là hiện tượng.
Phùng Khánh và Phùng Thăng là hai dịch giả nổi tiếng qua vài tác phẩm văn
học, Phùng Khánh là ni sư giữa thập niên 60. Ông ngưỡng vọng hai dịch giả
này:
“Mẹ còn nhớ nữa con chăng
Mẫu thân Phùng Khánh con hằng chẳng quên
… Phùng Thăng mẹ chớ xui nên
Từng cơn điên dại khôn đền cho con”...
“Con thương Phùng Khánh vô ngần
Phùng Thăng thân mẫu cũng gần như nhiên”…
Có lúc Bùi Giáng gọi là mẫu thân Phùng Khánh, có lúc gọi là Trí Hải ni cô.
Cùng lúc với Marilyn Monroe, Kim Novak, Kim Cương nương tử… nên ông yêu
điên cuồng, nguyện làm đệ tử của thần ái tình.
Nhưng có khi ông coi mình như vị vua với người tình:
“Trẫm ghé thăm em
Một bận này
Mai sau Trẫm sẽ
Nhớ hôm nay
Một lần Trẫm ghé
Thăm em thế
Suốt một bình sinh
Trẫm nhớ hoài”…
(Trẫm Ghé Thăm – Lá Hoa Cồn)
“Trẫm nhớ em như
Nhớ một người
Rất gần mà cũng
Rất xa xôi”…
(Trẫm Nhớ Em – Lá Hoa Cồn)
Bất hạnh trong tình trường, ông rong ruổi trong nỗi bất hạnh đó qua ngôn
ngữ bằng thơ, văn, bằng trái tim rướm máu, bằng tài hoa lỗi lạc của Bùi
Giáng và có lẽ duy nhất với cái tên Bùi Giáng.
“Văn thơ cùng tư tưởng của Bùi Giáng đi vào lịch sử văn học đất nước,
đánh dấu một giai thoại về Bùi Giáng sống cùng những cái 'điên loạn,
ngông khùng' của Bùi Giáng, cũng sẽ được nhắc nhở hoài trong văn chương,
văn học”
(GS Vũ Ký). Phải hiểu con người Bùi Giáng mới cảm nhận được ý thơ, văn và
tư tưởng của ông, ông sáng tạo lúc tỉnh, ngao du lúc động để mãi mãi đi
tìm hình ảnh xa thẳm, mịt mù! Hồn thơ luôn luôn chất chứa trong Bùi Giáng,
bất luận ngày đêm, gặp đối tượng khơi động, dòng thơ tuôn trào. Tâm hồn
Bùi Giáng chu du, mộng mị khắp bốn phương trời để “thơ và giai nhân” kết
tinh thành “thiên cổ lụy” ngất ngây, nồng nàn, say đắm hòa cùng điên dại
trong ngôn ngữ thi ca. Viết về bản thân, ông phơi bày cái tốt, cái xấu,
khi tỉnh, khi điên… nhưng mọi người vẫn quý mến, thán phục tài năng của
ông.
Với thi ca, nó nhập vào trái tim, tâm hồn, định mệnh ông khi điên, lúc
tỉnh, khi hoan lạc, lúc khổ đau… Ý thơ, hồn thơ, chất thơ… của Bùi Giáng
nếu đề cập không đơn giản qua bài viết, cũng vài trăm trang sách.
Một hình bóng, suốt cả cuộc đời trôi nổi với hệ lụy khổ đau, một nhân tài
không bao giờ có được mùa xuân nhưng với tâm hồn thanh thoát, ông không
quan tâm mọi người nhìn ông với đầu tóc bù xù, áo quần tả tơi, kỳ quái
trên đường phố… mà tự bản thân ông cho mình rong chơi trong cõi ta bà mộng
mị với “Ngày Tháng Ngao Du”...
Khi còn sống ở giai đoạn cuối đời, Bùi Giáng bị bỏ quên từ con người đến
tác phẩm ở trong nước. Khi ông qua đời, nhiều người “làm văn tế ruồi” như
Kim Cương với “nước mắt cá sấu” được báo chí tung hê. Tình đời là vậy! Bùi
Giáng bỏ lại bao mối tình đơn phương cô độc để trở về với người vợ năm xưa
nơi cố hương, vĩnh viễn bên nhau nơi cõi thiên thu.
Vương Trùng Dương
(1996 – viết thêm khi Bùi Giáng mất 1998)
Post a Comment