Header Ads

Bi Kịch Hamlet Của Shakespeare


Phạm Văn Tuấn

1/ Các nhân vật và vài chi tiết.

Loại truyện: bi kịch.
Thời điểm: vào khoảng năm 1200.
Địa điểm: lâu đài Elsinore trong xứ Đan Mạch.
Lần đầu tiên trình diễn: v.k.1600-1601.
Lần đầu tiên xuất bản: 1603.

Các nhân vật chính:
HAMLET, Hoàng Tử của Xứ Đan Mạch.
Con Ma, Cha của Hamlet, vị Vua thời trước của Xứ Đan Mạch.
CLAUDIUS, nhà Vua hiện thời.
GERTRUDE, Mẹ của Hamlet.
POLONIUS, Quan trong triều.
OPHELIA, con gái của vị Quan.
LAERTES, con trai của vị Quan.
HORATIO, bạn của Hamlet.


Các nhân vật trong vở kịch Hamlet

2/ Hoàng Tử Hamlet của Xứ Đan Mạch.

Vào thời xa xưa, trong lâu đài Elsinore cổ kính có nhiều bóng ma. Bóng ma hiện ra tại các cửa sổ. Bóng ma chờ đợi tại các cầu thang. Bóng ma cũng chập chờn trong các góc phòng, nơi các màn cửa, sau ngọn lửa le lói trong lò sưởi. Sống trong lâu đài này là Vua nước Đan Mạch Claudius. Mỗi đêm, nhà vua tổ chức tiệc tùng, với pháo bông, với âm nhạc huyên náo nhưng quanh quẩn đâu đó vẫn là các bóng ma và cảnh yên lặng ghê rợn vẫn rải rác đó đây trong tòa lâu đài. 

Trên sân thượng của tòa lâu đài lại có một con ma thường đi đi lại lại, làm cho nhiều người bị khiếp sợ. Các người lính đã kể cho Hoàng Tử Hamlet về con ma đó. Con ma này có bộ mặt buồn thảm hơn là giận dữ, mặc bộ áo giáp màu sám trông giống như nhà vua đã qua đời, thường hiện ra khi đồng hồ gõ 12 tiếng, ra hiệu bằng cử chỉ mà không nói nên lời. 


Horatio, Hamlet và hồn ma

Trong một đêm tối, Hamlet đã cùng người bạn thân tên là Horatio và người lính gác Marcellus leo lên trên sân thượng của tòa lâu đài, men theo các bức tường, đuổi theo con ma, để tìm cách nói chuyện với con ma. Con ma đã vẫy Hamlet tới một nơi hoang vắng để nói chuyện riêng tư khiến cho Horatio và Marcellus khuyên Hoàng Tử không nên mạo hiểm bởi vì có thể bị ám hại. Nhưng Hoàng Tử Hamlet vẫn coi thường nguy hiểm, không sợ hãi. 

Khi đã ở một nơi vắng vẻ, con ma cho biết chính nó là nhà vua cũ và đã nói với Hoàng Tử như sau: "Ta là hồn của cha nhà ngươi, đang chịu số phận phải đi lang thang trong các đêm trường lạnh giá bởi vì không được giải tội. Cõi chết đã tới với ta quá bất ngờ". Hamlet hỏi hồn ma: "Mi chết vì bị rắn độc cắn phải không?" Hồn ma bèn trả lời: "Vâng, đúng vậy, bị cắn bởi chính con rắn độc đang đội vương niệm của ta và ngủ với vợ của ta. Em ta đã giết ta do đổ thuốc độc vào lỗ tai của ta khi ta đang ngủ trong vườn trái cây, để cướp đi ngai vàng và hoàng hậu của ta".

Hoàng Tử Hamlet đã thốt lên: "Ta biết điều đó, tâm hồn ta biết điều đó". Từ lâu, Hamlet không hiểu tại sao chàng ghét Vua Claudius và cho tới lúc này, chàng bị sửng sốt vì mẹ của chàng đã sớm kết hôn với người em trai của người chồng cũ, gần hai tháng sau khi vị vua già qua đời. Dĩ nhiên, đây là một vụ sát nhân. Vụ ám muội này đã cắt nghĩa về con người đã kết hôn với mẹ của chàng và đây là một cuộc hôn nhân không thích hợp, không hợp pháp. 

Con ma yêu cầu Hoàng Tử Hamlet: "Hãy báo thù cho ta về vụ sát nhân độc ác này. Hãy nhớ đến ta". Làm sao Hamlet quên được điều này? Vị Hoàng Tử thề rằng sẽ dẹp qua mọi chuyện vui chơi, mọi cuộc thể thao, cho tới khi nào giết được Claudius. Nhưng Hamlet là một thanh niên đang ở trong tuổi yêu đương, chương trình kết hôn với nàng Orphelia sẽ bị hoãn lại. Hạnh phúc phải nhường chỗ cho bổn phận, bổn phận báo thù cho cha!

Để che dấu ý định báo thù này, Hoàng Tử Hamlet phải giả điên để đánh lừa Vua Claudius và Hoàng Hậu, không cho họ biết chàng đang suy nghĩ về cái chết của người cha và tìm cách báo thù, và khiến cho họ tưởng rằng chàng điên vì tình, làm cho cho Vua Claudius tin tưởng rằng mình luôn được an toàn, rồi vào lúc thuận tiện, Hamlet sẽ giết chết nhà vua này. 

Nhưng việc giả vờ bị điên khùng không phải là dễ. Hoàng Tử Hamlet đã kể dự định của mình với người bạn thân nhất là Horatio và càng ít người biết về ý định báo thù, càng tốt. Hoàng Tử Hamlet có thể tâm sự với nàng Orphelia nhưng không hiểu tại sao vào dạo này, nàng Orphelia lạnh nhạt với chàng, biết đâu rằng do cha của nàng, Bá Tước Polonius, một người cha áp đảo và không thông cảm, đã ngăn cản câu chuyện yêu thương.

Rồi vào ngày hôm sau, nàng Orphelia đã bị bối rối khi nhìn thấy người yêu cũ mặc bộ y phục màu đen, đi nghiêng ngả gần căn phòng của nàng và nói năng lảm nhảm với nàng như một kẻ điên. Orphelia hoảng sợ. Anh của nàng là công tử Laertes vừa mới xuống tầu qua nước Pháp du học, cho nên nàng Orphelia sẽ đi cầu cứu ai đây, ngoại trừ người cha? Bá Tước Polonius là một con người tự phụ, trước kia là một nhà chính trị khôn ngoan, một cố vấn cho nhà vua nhưng ngày nay, tuy ông ta không còn là một nhà triết học sâu sắc nhưng vẫn còn giữ một chức vụ cao trong triều đình. Đôi khi ông Bá Tước này cũng quyết định sai lầm, ông nói nhiều chuyện tầm thường hơn là suy nghĩ sâu xa. Dù thế, Orphelia vẫn kể cho cha nghe mọi sự việc đã xẩy ra. 

Bá Tước Polonius đã hỏi con gái: "Gần đây, con có nói câu nào thiếu vẻ thương yêu với Hoàng Tử không?" và Orphelia đã trả lời: "Con đã làm theo lời cha dặn. Con bảo chàng rằng con không thể gặp chàng được nữa". - "Phải rồi, đó là lý do tại sao khiến chàng hóa điên". Ông già Polonius nói ra một cách quả quyết: "Cha cho rằng chàng chơi đùa với tình yêu của con, vì vậy cha đã không khuyến khích con tiến tới, nhưng rõ ràng là chàng đã yêu thương con rồi đó".

Thế rồi Bá Tước Polonius đã thuật lại cho Vua Claudius và Hoàng Hậu Gertrude những điều đã xẩy ra cho Hoàng Tử Hamlet khiến cho chàng thanh niên tuấn tú này có các cách hành xử hoang tưởng, đôi mắt ngơ ngác, miệng nói lảm nhảm… Bá Tước Polonius còn xác nhận rằng :"Quý ngài sẽ thấy gốc rễ của căn bệnh là tình yêu! Quý ngài hãy nấp sau tấm màn cửa treo tại hành lang và tôi sẽ xếp đặt cho đôi trẻ gặp nhau bất ngờ. Quý ngài sẽ thấy tại vì tình yêu! Tôi không hề can thiệp vào đó".

Hoàng Tử Hamlet là một sinh viên và một người biết suy nghĩ. Chàng có thể rời khỏi lâu đài Elsinore để đi du học, giống như cậu công tử Laestes, nhưng người mẹ quá thương con đã không để chàng ra đi. Con ma đã năn nỉ chàng ở lại và đầu óc của chàng chẳng nghĩ gì khác hơn là việc báo thù cho cha. Chàng tìm hiểu các giả thuyết, tìm kiếm xem cách nào và khi nào nên giết Claudius. Con ma có thực là linh hỗn của cha chàng không, hay là một con ác quỷ nào đó xui dục chàng phạm tội sát nhân? Câu chuyện đầu độc có thực không? Làm sao tìm ra các chứng cớ? Cần phải cứu xét mọi lý lẽ. Càng suy nghĩ, Hoàng Tử Hamlet càng chìm sâu vào thất vọng và trầm tư. Cha của chàng đã bị giết. Mẹ của chàng không đúng đắn, nàng Orphelia không yêu thương chàng nữa. Trên đời này, còn gì đáng để sống đây? Đời người có ý nghĩa gì? Có đời sau không? Đời sau có tốt đẹp hơn đời này không? Phải chăng là nỗi khủng khiếp khi con người nằm chờ đợi cõi chết?

Trong khi Hamlet đang suy nghĩ, muốn tự sát thì Bá Tước Polonius, Vua Claudius và Hoàng Hậu cùng nấp sau tấm màn treo, rình mò xem có phải Hoàng Tử hóa điên vì yêu nàng Orphelia không? Điều này càng dễ nhận ra khi Bá Tước bảo người con gái đi dọc theo hành lang. Hoàng Tử Hamlet bị sửng sốt vì bất ngờ gặp Orphelia. Trước vẻ đẹp thanh tú của nàng, chàng rất dễ bị lộ cách giả điên. 

Nhưng, trong lần gặp gỡ này, người đẹp Orphelia chỉ muốn trả lại chàng các món quà tặng và các lá thư tình, làm tăng thêm nỗi cay đắng nơi trái tim của chàng. Chàng Hamlet hỏi "Cha nàng bây giờ ở đâu? Có ở nhà không? Hãy bảo ông ta phải ở trong nhà và khóa cửa cẩn thận vào ban đêm. Còn em nữa? Tại sao em không trở nên một nữ tu? Tại sao em còn muốn sinh con, tạo thêm các kẻ tội phạm trên mặt đất đã quá đông người tội lỗi này?" Hoàng Tử Hamlet đã to tiếng với người đẹp Orphelia, đã xô đẩy nàng, đã nổi điên vì bị thất vọng.

Sau khi Hoàng Tử Hamlet đi khỏi, các kẻ nghe lén bèn xuất hiện từ nơi ẩn nấp và mỗi người đều không tin chắc về điều mình đã suy nghĩ. Hoàng Hậu Gertrude lo lắng, ưu phiền. Vua Claudius cảm thấy bị đe dọa và quyết định đưa Hoàng Tử ra khỏi xứ càng sớm càng hay. Bá Tước Polonius nói lảm nhảm về tình yêu tuyệt vọng. Còn nàng Orphelia bị bỏ rơi, cô đơn, thương hại cho số phận hẩm hiu của chàng Hamlet, tiếc cho con người cao quý như vậy mà gặp phải hoàn cảnh điên dại xấu xa!

Về phần Hamlet, chàng suy nghĩ, lý luận, rồi đi tới chỗ bế tắc. Chàng không còn biết phải làm gì? Nhưng một cơ hội đã đến với chàng, khiến cho chàng phải hành động. Một đoàn hát lưu động thường tới lâu đài Elsinore mỗi năm, mang lại cảnh sinh hoạt nhộn nhịp vì các hoạt náo của các anh hề, vì y phục sặc sỡ của các diễn viên…

Tài năng đặc biệt về bi kịch đã khiến cho Hoàng Tử Hamlet có một ý tưởng. Chàng bèn gọi nhà đạo diễn của đoàn kịch và dặn ông ta phải trình diễn vở kịch đặc biệt trước gia đình hoàng gia: vụ ám sát Gonzago. Có một thay đổi nhỏ lúc diễn xuất, đó là câu chuyện ông Bá Tước Gonzago bị giết trong vườn trái cây bởi tên Lucianus độc ác, đã thư thông với người vợ của Bá Tước tên là Baptista. Rồi Hoàng Tử ngồi gần đó sẽ quan sát vẻ mặt và các phản ứng của Vua Claudius để kết luận rằng nhà vua thực sự là kẻ sát nhân hay không. 

Chiều hôm đó, vở kịch được trình diễn. Kẻ sát nhân vô lương tâm đã đổ một chai thuốc độc nhỏ vào lỗ tai của Bá Tước Gonzago đang ngủ. Khi nhìn rõ cảnh phạm tội này, Vua Claudius đã bất ngờ đứng dậy, hoảng hốt chạy khỏi chỗ ngồi và la lên: "Bật đèn lên, cho tôi thêm ánh sáng". Hai bàn tay của nhà vua quơ mạnh trên không trung như thể có một màn đen bao phủ, chùm kín nhà vua. Hoàng Tử Hamlet có tang chứng: Claudius đã phạm tội.

Bây giờ, Vua Claudius hiểu rằng Hamlet đã biết rõ vụ sát nhân. Phải loại trừ Hoàng Tử. Nhà vua bèn ra lệnh cho Hoàng Tử phải lên tầu qua nước Anh ngay lập tức. Trong khi đó Hoàng Hậu Gertrude gọi Hamlet vào phòng của bà để Hoàng Tử cắt nghĩa hành vi thái quá của chàng. Tức giận tới độ loạn trí, Hamlet la lớn trong phòng của mẹ. Hoàng Hậu Gertrude nói: "Hamlet, con đã làm cho cha của con tức giận rất nhiều". Hoàng Tử bèn cãi lại: "Mẹ, chính mẹ mới là người làm cho cha đẻ của con tức giận". - "Hamlet, hãy nhớ rằng con đang nói chuyện với ai!". - "Làm sao con có thể quên được? Mẹ là Hoàng Hậu phải không? Mẹ là vợ của người em chồng và đáng tiếc thay lại là mẹ của con!". 

Trong tâm trí của Hamlet, việc Hoàng hậu Gertrude kết hôn với Claudius được coi là một hành vi phạm tội giống như người chồng sát nhân. Hoàng Tử Hamlet đã quá cảm xúc tới độ Hoàng Hậu Gertrude lo sợ cho mạng sống của chính mình do hành động điên rồ của Hoàng Tử, nên đã la lên "Cứu tôi với !" và sau bức màn cũng có ai đó kêu lên lời cầu cứu. Không do dự, Hamlet rút gươm ra và đâm qua tấm màn treo vì chàng cho rằng người đứng đó là nhà vua Claudius. Nhưng không phải Claudius! Chính là Bá Tước Polonius, ông già hay xen vô các sự việc của người khác, ông cũng là người quen thói tìm hiểu các tư tưởng và hành động của các kẻ khác bằng các cách gián tiếp hay thiếu chính đáng. 

Thay vì hối hận do lỗi lầm, Hoàng Tử Hamlet vẫn tiếp tục la mắng mẹ vì chàng bỗng ngước mắt lên, nhìn thấy con ma của cha chàng. Nhưng Hoàng Hậu lại không nhìn thấy bóng ma, con ma mặc áo giáp màu sám. Bà ta chỉ thấy khoảng trống không nên cho rằng Hamlet đã quá điên khùng! Con ma than vãn với Hoàng Tử: "Hamlet, anh đang làm gì đó? Ta có đòi hỏi anh báo thù mẹ anh không? Hãy buông tha bà ta! Hãy nhớ đến kẻ độc ác. Hãy nhớ tới lời anh đã thề nguyền báo thù cho ta ". 

Hamlet cố gắng làm cho mẹ nhìn thấy hồn ma nhưng vô hiệu quả. Trước sự việc này, Hoàng Hậu Gertrude lại càng tin rằng Hoàng Tử bị loạn tâm trí. Tới lúc này, Hamlet ân hận chưa trả thù cho cha và bây giờ hy vọng giết Claudius đang bị lu mờ. Lưỡi gươm của chàng đã giết nhầm một ông già vô tội, người cha của nàng Orphelia. Hoàng Tử Hamlet bật khóc vì hành động đã làm. Chàng không thể nào tránh khỏi bị các quân lính của lâu đài bắt giữ rồi bị đưa xuống tầu, qua nước Anh. Hy vọng trả thù của Hamlet đã tiêu tan!

Vua Claudius có thể giết ngay Hamlet nhưng vì e sợ dân chúng còn mến trọng Hoàng Tử và Hoàng Hậu còn thương con, vì vậy nhà vua giao Hoàng Tử Hamlet cho hai người tin cẩn tên là Rosencrantz và Guildenstern, kèm theo một bức thư gửi Vua nước Anh. Vào thời kỳ này, nước Anh phải thần phục nước Đan Mạch. Bức thư này viết như sau: "Người này là Hamlet, là một kẻ thù của nước Đan Mạch. Hãy giết hắn đi!". Hoàng Tử Hamlet nghi ngờ âm mưu trong bức thư nên trong đêm tối, đã lấy trộm bức thư và thay tên của mình bằng tên của hai cận thần Rosencrantz và Guildenstern đi hộ tống rồi gắn bức thư lại, để trả về chỗ cũ.

Âm mưu giết Hamlet của Vua Claudius đã bị cản trở. Các quân cướp biển đã tấn công con tầu chở Hoàng Tử qua nước Anh. Vào đầu trận chiến, Hamlet đã dũng cảm, tuốt gươm leo qua tầu của kẻ cướp trong khi đó con tầu Đan Mạch rút đi một cách hèn nhát, bỏ mặc Hoàng Tử với số mệnh nghiệt ngã. Hamlet bị bắt làm tù nhân, chờ món tiền chuộc từ xứ Đan Mạch. Hoàng Tử bèn gửi tin về cho người bạn Horatio, cho mẹ, cho nhà vua và chàng được thả ra trên bờ biển gần một hải cảng của xứ Đan Mạch.

Tại xứ Đan Mạch, cái chết của ông già Polonius đã gây ra các hậu quả tai hại. Người con gái của ông ta là nàng Orphelia trước kia đã buồn phiền vì chứng điên dại của Hoàng Tử Hamlet, ngày nay càng đau khổ vì cha chết, vì hoàn cảnh bi thương của chính mình! Nàng hát lên những lời ca u sầu của đám tang, nói năng lảm nhảm, cười khóc bất thường. 

Người con trai của Bá Tước Polonius tên là Laertes được tin cha bị giết mà không biết ai là thủ phạm, nên đã trở về xứ Đan Mạch, lòng tràn đầy căm giận. Vua Claudius đã cắt nghĩa cho Laertes "Không phải ai khác mà chính là Hamlet đã giết cha của anh. Con người điên đó, Hamlet! Hãy bình tĩnh. Hãy kiên nhẫn. Hãy làm theo lời của ta và cha của anh chết đi mà vẫn được báo thù!". 

Cái chết của Orphelia

Laertes đáng thương cũng được biết về cơn điên loạn của người em gái. Orphelia đã từng đi lẩn thẩn, đi quanh lâu đài, miệng ca hát lảm nhảm, trên tay cầm nhiều đóa hoa và cô nàng đã tới gần bờ sông mà không biết gì về nguy hiểm để đến nỗi bị chết đuối như một đứa trẻ thơ dại! Nỗi căm thù làm cho Laertes trở nên hung bạo. Hamlet phải bị trả thù!

Một hôm, Hamlet đi gần nghĩa trang và bất ngờ nhìn thấy một đám tang đi tới. Hoàng Tử nhận ra các khuôn mặt quen thuộc và trong đám đông có cả mẹ của chàng, dĩ nhiên với bộ mặt buồn thảm, có cả nhà vua và Laertes! Ai đã qua đời đây? Hamlet không hề biết cho tới khi tấm thân người chết được hạ xuống huyệt và Laertes nhẩy xuống, ôm người em gái lần cuối. 

Khi biết rõ sự việc, Hoàng Tử Hamlet bèn kêu lên: "Lẽ nào là Orphelia!" và hai chàng thanh niên đã vật lộn với nhau trong huyệt mộ đầy bùn, giành nhau cách thương cảm cô nàng Orphelia xấu số. Khi cả hai chàng trai này đã được chia cách, Hoàng Hậu đã trách cứ Hamlet, và nhà vua xác nhận với Laertes rằng "Hắn điên rồi !". Sau đó trong chỗ riêng tư, Vua Claudius khuyến khích Laertes phải báo thù cho hai cái chết của người cha và người em gái vô tội, không phải báo thù theo cách nông nổi mà theo tính toán, suy nghĩ cẩn thận và lần này, Hamlet sẽ không còn may mắn thoát hiểm nữa.

Vài ngày sau, người thông tin của nhà vua đã công bố cho mọi người biết rằng sẽ có một cuộc đấu gươm giữa công tử Laertes và Hoàng Tử Hamlet để dàn xếp điều tranh chấp về các đau buồn đã xẩy ra. Mặc dù Hamlet đồng ý về sự thách đố này, Hoàng Tử vẫn cảm thấy trước rằng có một điều khủng khiếp gì đó sẽ xẩy ra. Người bạn Horatio khuyên Hoàng Tử không chấp nhận cuộc thách đố nhưng Hamlet gạt đề nghị này qua một bên. 

Trước cuộc đấu gươm, Vua Claudius nói nhỏ với Laertes: "Đây là cây gươm không có phần che tay. Hãy chọn cây gươm này bởi vì mũi nhọn của nó đã được nhúng vào thuốc độc và chỉ một vết trầy nhỏ cũng đủ làm hắn chết". Để chắc chắn thêm, Vua Claudius còn cho bỏ thuốc độc vào ly rượu giải khát dành cho Hamlet.

Khi tới dự cuộc đấu gươm và trước một số người chứng kiến, Hoàng Tử Hamlet rất bình tĩnh và lịch sự, chàng xin lỗi Laertes một cách thành thật về những nỗi buồn do mình gây ra và đã cư xử một cách cao thượng. Dù bị Vua Claudius thúc đẩy về lòng căm thù, Laertes cũng ngần ngại giết chết một người đàng hoàng như vậy. 

Bởi vì Hamlet là một tay kiếm xuất sắc, chàng thắng điểm trong hiệp đầu và không muốn ngừng lại để uống ly giải khát mà Vua Claudius khoản đãi. Hơn nữa, đầu mũi gươm của chàng tuy có bị cùn nhưng đã chọc thủng áo ngoài của Laertes và có vẻ Hamlet sắp thắng cuộc, giật được phần thưởng của nhà vua. Hoàng Hậu Gertrude rất vui mừng và hãnh diện về người con trai, bà đi xuống sàn đấu, lau mồ hôi trán cho Hoàng Tử rồi nâng ly rượu lên và nói "Chúc mừng sự thành công của con trai tài giỏi". Trước cách hành xử này, Vua Claudius đã thốt lên: "Gertrude, đừng làm thế!", nhưng đã quá muộn! Thứ rượu có thuốc độc mà Claudius chỉ dành cho Hamlet đã trôi vào trong miệng của Hoàng Hậu Gertrude.

Trận đấu gươm lại diễn ra quyết liệt. Laertes đã đâm trúng Hamlet còn Hoàng Tử, sau lần trao đổi gươm theo như quy luật, cũng đâm Laertes bị thương. Tới lúc này, chất độc trong ly rượu ngấm vào tim của Hoàng Hậu, bà ta ngã gục, đầu đập xuống sàn. Vua Claudius cố gắng bảo mọi người: "Đó là do cảnh đổ máu mà Hoàng Hậu bị ngất xỉu". Nhưng Hoàng Hậu Gertrude vẫn còn sức lực, cố gắng thốt lên: "Đừng, ly rượu! Hamlet thương yêu, ta bị đầu độc!" và Hoàng Tử Hamlet bèn la lên "Kẻ sát nhân". 

Cũng vào lúc này, Laertes ngã xuống và nói "Hamlet, anh cũng bị giết. Không có thứ thuốc nào trên thế gian này cứu nổi anh đâu! Mũi gươm có thuốc độc. Nó giết anh và giết cả tôi. Hãy tha thứ cho tôi, anh bạn ạ, cũng như tôi tha thứ cho anh. Đó là do nhà vua. Đáng trách là nhà vua!". Trong cơn giận dữ, Hamlet đã dùng cây gươm có tẩm thuốc độc, đâm thẳng vào ngực Claudius và uống nốt ly rượu rồi ngả người vào vòng tay của người bạn Horatio. Trong hơi thở cuối cùng, Hoàng Tử Hamlet đã yêu cầu Horatio kể lại cho thế gian biết câu chuyện này.

Hoàng Tử Hamlet đã trả được mối thù cho cha và thêm vào đó, nhiều tội ác đã xẩy ra. Fortinbras, nhân vật trước kia được Hamlet chỉ định là người thừa kế, đã nhận ngai vàng và buồn thương cho tấm thảm kịch dành cho vị Hoàng Tử trẻ tuổi của xứ Đan Mạch.

3/ Vài nhận xét về Bi Kịch Hamlet.

Trong bi kịch này, Hoàng Tử Hamlet có lẽ là nhân vật phức tạp nhất được đưa lên sân khấu và nhiều học giả đã tranh luận về các hành động cùng tư tưởng của Hamlet. 

Vào phần đầu của vở kịch, Hoàng Tử chỉ là một con người cao quý, bất lực trước cách báo thù cho cha và là nạn nhân của các hoàn cảnh. Cách suy tư của Hamlet được diễn tả qua các độc thoại của Hoàng Tử, qua các hành xử mang vẻ tàn bạo khi dằn vặt nàng Orphelia, khi đối xử với thân xác của Bá Tước Polonius, khi từ chối không muốn giết Claudius lúc ông vua này đang cầu nguyện và khi nghĩ ra cách giết hai cận thần Rosencrantz và Guildenstern. 

Phải chăng việc thất bại trong cách báo thù đã đưa Hoàng Tử tới trạng thái u buồn, trở thành nạn nhân của triết lý đa sầu khôi hài (the melancholy humor), và theo Dr. Ernest Jones, một đệ tử của Sigmund Freud, thì Hoàng Tử Hamlet đã mắc phải "mặc cảm Oedipus" (the Oedipus complex), một người muốn thay thế cha trong tình yêu của mẹ khi người cha bất ngờ qua đời. 

Hamlet là một con người đặc biệt, không ổn định, chịu nhiều thúc động và ở trong nhiều trạng thái tinh thần. Hoàng Tử là một người thông minh, nhậy cảm, ở địa vị cao nhưng đã gặp một hoàn cảnh tàn bạo nên đã có các thái độ quá đáng, do dự, tìm kiếm các chứng cớ để báo thù. Việc báo thù không được đạo Thiên Chúa chấp nhận trong khi Hamlet là một thứ anh hùng của thời đại Elizabeth I, là một loại anh hùng bi thảm (a tragic hero), đã bị con ma chỉ đường, bị lương tâm dằn vặt và bị lý trí giới hạn một số hành động theo bản năng.

Một nhân vật khác trong bi kịch là Hoàng Hậu Gertrude. Không có đủ yếu tố để kết luận Hoàng Hậu này đã đau buồn ra sao đối với cái chết của Vua Hamlet già, đã yêu thương Vua mới Claudius tới mức độ nào. Người ta không rõ cảm xúc của Hoàng Hậu đối với sự đạo đức khi kết hôn với người em chồng và vào thời đại đó, hành động như vậy bị coi là phi pháp và trái với luân lý. Hoàng Hậu Gertrude yêu thương Hamlet, cũng quan tâm đến Orphelia, đã cảm thấy có lỗi một cách mơ hồ rồi trong hoàn cảnh khó xử ở mức độ cao điểm, đã cầm uống ly rượu. Hoàng Hậu có biết rằng ly rượu này có thuốc độc hay không?

Claudius là Vua của xứ Đan Mạch, là chú của Hamlet và sau này là cha ghẻ của Hoàng Tử. Đây cũng là một nhân vật phức tạp với khả năng uống rượu, và tài năng chính trị đối phó với các nước Na Uy và Ba Lan, tài năng điều khiển dân chúng và hai cận thần. Khán giả có thể không ưa lối cười đạo đức giả thường xuyên của Claudius nhưng lại có cảm tình với ông vua này khi Claudius trong cảnh cầu nguyện và chính vào lúc này mà Hamlet không nỡ giết nhà vua bạo ngược.

Một hình ảnh khác là bóng ma của Vua Hamlet già. Trong các vở kịch của Shakespeare, thường có các bóng ma bởi vì vào thời đại Elizabeth I tại nước Anh, người dân vẫn còn dị đoan, tin vào các điềm triệu và các hồn ma. Có học giả cho rằng vai hồn ma trong các vở kịch được chính Đại Văn Hào Shakespeare đóng.

Polonius là một ông già hiểu biết, là người cha của Laertes và Orphelia, là một nhân vật trong triều đình nhưng vở kịch không nói rõ về chức vụ của ông Polonius và chức vụ này do Vua Hamlet già ban cho hay từ Vua Claudius. Hoàng Hậu Gertrude đã quan tâm tới việc hôn nhân giữa Hamlet và nàng Orphelia, đã coi ông Polonius là "một ông già tốt bụng" nhưng bản tính ưa rình mò của ông Polonius đã làm cho khán giả buồn cười và trong các hành động của ông Polonius có pha trộn cả điều xấu lẫn điều tốt.

Laertes là một thanh niên trái ngược với Hamlet. Chàng được huấn luyện để trở nên một cận thần. Laertes là người thành thật, tự hào, ham danh dự, hành động vội vã, đã cãi nhau với vị tu sĩ trong đám tang của người em gái, đã làm trái lương tâm do dùng cây gươm có tẩm thuốc độc lúc trả thù cho cha. Dù sao, Laertes cũng là một nạn nhân ngây thơ, giống như người em gái Orphelia.

Nàng Orphelia mang tên từ tiếng Hy Lạp "Apheleia" có nghĩa là "ngây thơ". Đây là lời mô tả cách nhìn đời của cô nàng. Orphelia đã bối rối khi nhìn thấy Hamlet thay đổi thái độ và trong cảnh tranh chấp giữa tình yêu Hoàng Tử và bổn phận vâng lời cha, nàng Orphelia đã làm theo lời cha dặn trong khi đó Hamlet không hoàn toàn tuân theo lời của cha tức là lời dặn của hồn ma. 

Trong vở kịch, ngoài các nhân vật chính kể trên còn có Horatio, Rosencrantz, Guildenstern, Fortinbras, các người lính, các anh hề… Horatio là bạn của Hoàng Tử Hamlet. Đây không phải là một nhà quý tộc nhưng là một người quân tử (gentleman), có các đức tính ôn hòa mà chính Hoàng Tử Hamlet không có. Horatio đã sống một cuộc đời không chứa các niềm vui và nỗi buồn thái quá.

Bi kịch Hamlet chứa đựng bên trong nhiều chủ đề, chẳng hạn như công lý và sự báo thù, số mệnh con người và mục đích của đời người, sự lành mạnh và điên dại, bề ngoài và thực tế, người đàn bà và tình yêu, quyền lợi và bổn phận làm vua, thuốc độc và sự tham nhũng… 

Trước hết, tất cả các hành động của Hamlet đều do hồn ma đặt ra cho Hoàng Tử, đó là sự báo thù cho người cha đã bị sát hại một cách ám muội. Tới lúc này, tâm hồn của Hoàng Tử bị dằn vặt bởi các câu hỏi như báo thù là một hành động tốt hay xấu? Vua Claudius có thực sự phạm tội không và có đáng bị trừng phạt không? Trách nhiệm trừng phạt có phải thuộc về Hamlet không? Việc thi hành công lý thuộc về quốc gia hay nằm trong tay một người như Hoàng Tử và khi trả thù, làm sao phân biệt được một người xấu và một người tốt? Các hoàn cảnh trả thù của Laertes và Fortinbras cũng tương tự và có nên trả thù hay không?

Liên quan tới chủ đề trả thù là các suy tư trong tâm hồn của Hoàng Tử. Trong đời người, có phải do một quyền lực nào cao cả hơn, toàn năng hơn, đã hướng dẫn con người trong các hành động? Khi hành động, Hoàng Tử Hamlet đã tự hỏi làm sao theo được thứ trật tự của vũ trụ, để cho cuộc đời mang đầy đủ ý nghĩa? Hoàng Tử Hamlet đã theo đuổi công việc báo thù cho cha. Tâm hồn của Hoàng Tử có được coi là lành mạnh không? Hoàng Tử có thực sự điên dại không? Thế gian có thấu hiểu nỗi lòng bối rối của Hoàng Tử đối với mẹ, có thông cảm những lời Hoàng Tử nói ra không ? Đôi khi Hoàng Tử giả điên, còn vào các hoàn cảnh khác, tư tưởng của Hoàng Tử có bị mất quân bình không? Một thứ điên dại khác là cách hành xử của nàng Orphelia và cùng các câu hỏi như kể trên có thể áp dụng cho cô gái này.

Đại Văn Hào Shakespeare rất khéo léo khi trình bày các nhân vật hoàn toàn khác biệt nhau với các hành động được diễn tả theo nhiều cách, với các động lực mà người đời không thể thấu hiểu. Kết quả là không có cách diễn tả nào, không có một quan điểm nào nhất định khi cứu xét một vở kịch như Hamlet. 

Không có tài liệu nào ghi rõ bi kịch Hamlet được sáng tác vào năm nào. Nhiều học giả cho rằng Đại Văn Hào Shakespeare đã viết ra vở kịch này vào cuối năm 1600 hay đầu năm 1601. Bi kịch Hamlet khởi đầu một loạt kịch danh tiếng của Nền Văn Chương Thế Giới gồm Othello (1604), Vua Lear (1605-06) và Macbeth (1606).
    
Phạm Văn Tuấn

Tài liệu tham khảo: Wikipedia.org., Britannica Encyclopedia, A Reader’s Guide to Shakespeare by Joseph Rosenblum, Barnes & Noble Books, N.Y. 1998.


 

No comments

Powered by Blogger.