Vương Trùng Dương
Giáng Sinh năm 2019, tôi lên San Jose thăm bạn bè, tình cờ gặp anh Đỗ Sơn nhắc lại chuyện Hội Ký Giả VN Hải Ngoại (HKGVNHN) vào các thập niên về trước, với phương tiện internet hiện nay được quảng bá rộng rãi nên thành lập lại HKGVNHN. Tôi nói, những người trong Ban Tổ Chức của Đại Hội Truyền Thông Hài Ngoại (ĐHTTHN) năm 2003 đã qua đời như anh Đỗ Ngọc Yến, Vũ Ánh (Vũ Huy Thục), Hà Tường Cát, Nguyễn Cần (Tú Gàn, Lữ Giang), Hoàng Phúc (Hương Nhân), Lưu Trung Khảo, Minh Ngôn, Lâm Tường Dũ, Phạm Minh… và vài đồng nghiệp không còn ở Little Saigon. Hiện nay chỉ còn vài người như Nguyễn Ngọc Chấn, Nguyễn Thanh Huy, Du Miên, tôi… Tuy nhiên, tôi gợi ý với Đỗ Sơn vào tháng 4/2020 mới đúng thời điểm để anh em gặp nhau bàn bạc.
Đầu năm 2020 lại xảy ra dịch corona-virus nên tôi chẳng nghĩ đến gợi ý của anh Đỗ Sơn, tháng 9 anh xuống Little Saigon, gặp nhau bàn lại chuyện HKGVNHN trong lúc đại dịch đang gây tác hại trên thế giới và Hoa Kỳ trong tình trạng lockdown. Với sự nhiệt tình của anh, hy vọng khi nào thoát khỏi tình trạng bi thảm nầy rồi sẽ tính.
Theo lời anh, có vài người nói đến vai trò của họ trong HKGVNHN & ĐHTTHN nhưng chúng ta là người trong cuộc mà không được biết nhiều… nên nhờ tôi (có trí nhớ tốt) ghi lại những gì trong quá khứ để lưu niệm. Về tài liệu lưu trữ trong computer đã 2 lần bị virus tiêu tùng, chỉ lưu trữ phần nào trong external hard drive và số bài còn trên các website.
Trong thời gian qua, nội tình chính trị ở Mỹ căng thẳng và phức tạp nên tôi nói với Đỗ Sơn sẽ đề cập trong dịp thuận lợi. Và cũng hứa với anh chỉ là chuyện cũ được nhắc đến, không có dụng ý nào khác.
oOo
Danh xưng Hội Ký Giả Việt Nam Hải Ngoại (HKGVNHN) do Du Miên và các đồng nghiệp hình thành từ năm 1994 trong tinh thần tương thân tương trợ với nhau trong công việc. Nhiệm Kỳ 2002-2004, Chủ Tịch: Đỗ Sơn, Tổng thư Ký: Du Miên & 12 thành viên. Văn phòng tại Câu Lạc Bộ Báo Chí, 15351 Euclid St # 1H, Garden Grove, trong khu business đường Euclid, giữa Westminster & Bolsa). Đây là bước ngoặc của nhiệm kỳ này vì tổ chức được Đại Hội Truyền Thông Việt Nam Hải Ngoại (ĐHTTVNHN) đã từ lâu HKGVNHN mong ước.
ĐHTTVNHN tổ chức trong 3 ngày từ 18/4 đến 20/4 năm 2003 tại tại phòng sinh hoạt nhật báo Người Việt, Little Saigon. Với sự tham dự của 143 cơ sở truyền thông Việt ngữ (báo chí, phát thanh, truyền hình) hải ngoại đến từ Nhật, Úc, Ðức, Ba Lan, Anh, Pháp… Các tiểu bang Virgina, Washington DC, Washington State, Oregon, Utah, Texas, Arizona, Illinos, Philadelphia, San Diego, Bắc Cali…
ĐHTTVNHN lần đầu tiên quy tụ anh chị em trong giới truyền thông Việt ngữ có dịp gặp nhau, tâm tình, chia sẻ công việc… từ những phương trời xa với “cái nôi” truyền thông ở Little Saigon. Đại Hội thành công và tạo tiếng vang trong cộng cồng người Việt khắp nơi.
Đại Hội này đã thực hiện quyển Kỷ Yếu ĐHTTVNHN, khổ magazine, dày 160 trang làm món quà lưu niệm.
Như thường lệ, HKGVNHN mỗi tháng tổ chức cuộc họp định kỳ vào chiều Thứ Hai. Vào cuối tháng 9/2002 bàn đến chuyện tổ chức Đại Hội nhưng ngoài thuận lợi còn gặp nhiều khó khăn trong công việc điều hành và quảng bá. Trong các thành viện của Hội có anh Hà Tường Cát của nhật báo Người Việt, mời anh Đỗ Ngọc Yến, Chủ Nhiệm nhật báo NV tham dự.
Kể từ đầu tháng 10, cuộc họp hằng tuần tại CLBBC để xúc tiến tổ chức Đại Hội. Ngày 7/10 thành phần Ban Tổ Chức gồm có: Đỗ Ngọc Yến (Trưởng Ban), Đỗ Sơn (Phụ Tá TB), Phạm Thanh Quang (Kế Hoạch), Nguyễn Ngọc Chấn (Tài Chánh), Hoàng Sỹ (Kế Toán), Lâm Tường Dũ (Tiếp Tân), Du Miên (Liên Lạc), Vương Trùng Dương (Thông Tin)…
Cô Vũ Thùy Nhân, nhân viên nhật báo NV được anh Đỗ Ngọc Yến đề cử sang làm Thư Ký Ban Tổ Chức Đại Hội, cô rất nhiệt tình và chịu khó ghi chép tất cả diễn biến từ đầu tháng 10/2002 đến cuối tháng 2/2003. Tôi chỉ tóm lược lại những điếm chính để in vào trong Kỷ Yếu (trang 25 & 26). Từ tháng 3, tôi viết các bản tin đặc biệt để các cơ quan truyền thông phổ biến. Các cuộc họp ở Câu Lạc Bộ Báo Chí rất ít mà chỉ ở trong nội bộ của nhật báo Người Việt tiến hành cho Đại Hội.
Vấn đề tài chánh rất quan trọng nên tổ chức gây quỹ yểm trợ với Đại Nhạc Hội tổ chức tại hí viện La Mirada Theatre vào chiều Chủ Nhật, 12/1/2003 với sự đóng góp các ca nhạc sĩ rất đông với giá vé thân hữu 25$, 35$ & 50$, vừa gây quỹ vừa là dịp thông báo cho cộng đồng người Việt biết về việc tổ chức Đại Hội Truyền Thông.
Lễ Khai Mạc, Thứ Sáu 18/4 tại Phòng Sinh Hoạt nhật báo Người Việt với lời chào mừng của đại diện Ban Tổ Chức, lời phát biểu nhà thơ Nguyễn Chí Thiện, ký giả Lê Thiệp… Vinh danh các vị hữu công trong ngành truyền thông, và buổi cơm thân mật họp mặt.
Chương Trình Nghị Sự, Thứ Bảy 19/4 tại nhà hàng Regent West. Với các diễn giả
- GS Lâm Lễ Trinh: “Nghiệp Chướng & Nghề Cầm Bút”,
- Nhà báo Vi Anh: "Vấn Đề Dân Chủ & Vai Trò Người Làm Truyền Thông",
- LS Đỗ Thái Niên: “Tu Chính Án Số I của Hiến Pháp Hoa Kỳ & Truyền Thông Việt Nam Hải Ngoại”,
- Nhạc sĩ Nguyễn Đức Quang (Chủ Bút nhật báo Viễn Đông): “Sự Khác Biệt Giữa Người Làm Báo Mới & Người Làm Báo Cũ”
- … Cùng những điều chia sẻ của vài đồng nghiệp.
Theo các đề tài được thuyết trình, Đại Hội đã chia ra làm 4 nhóm khác nhau để thảo luận và góp ý qua nội dung:
- "Những Tích Cực & Tiêu Cực Trong Ngành Truyền Thông” do nhà báo Vương Trùng Dương điều hợp.
- “Cách Xử Dụng Từ Ngữ Trong Truyền Thông" do nhà báo Đỗ Thông Minh điều hợp.
- “Tiến Trình Dân Chủ, Phá Vỡ Bức Tường Bưng Bít Của Cộng Sản” do nhà báo Nguyễn Cần điều hợp.
- “Thuyết Phục Gia Đình Đi Vào Các Sinh Hoạt Truyền Thông" do các bạn trẻ thảo luận và đa phần dùng Anh ngữ để thảo luận”.
- “Tương Trợ Đồng Nghiệp Truyền Thông” do BS Nguyễn Ý Đức điều hợp.
- “Quy Ước Đạo Đức Tinh Thần Trong Nghề Nghiệp Truyền Thông" do LS Đỗ Thái Nhiên điều hợp.
- “Kỹ Thuật Trong Ngành Truyền Thông” do nhà văn Quyên Di điều hợp.
Nhóm tham dự viên giới trẻ được xem như thích thú, hào hứng và sinh động nhất. Anh Đỗ Ngọc Yến cũng như tôi hy vọng giới trẻ am tường kỹ thuật điện toán, lúc đó internet tuy chưa được quảng bá rộng rãi nhưng truyền thông thế hệ tin học của giới trẻ đã được cập nhật…
Buổi dạ tiệc với sự tham dự rất đông các hội đoàn, đoàn thể trước khi chia tay. Phần ẩm thực của nhà hàng Seafood World và Regent West cũng là dịp giới thiệu với báo giới phương xa.
Sáng Chủ Nhật, trước khi rời Little Saigon, một số đồng nghiệp hẹn gặp nhau trước tòa soạn nhật báo Người Việt, được chiêu đã điểm tâm, cà phê và trò chuyện với nhau rất thú vị.
Đây là đại hội quy tụ nhiều phó nhòm đông nhất từ xưa đến nay. Lúc đó tôi vừa mua thêm máy chụp hình hiệu Sony, DSC-F828 với ống kính nâng cao, hạ thấp nên chụp được nhiều góc cạnh, tư thế.
Cuốn Kỷ Yếu ĐHTTVNHN do Ban Kỹ Thuật của nhật báo NV thực hiện công phu với 2,000 ấn bản. Ngoài các bài nhận định, ghi chép, danh sách tham dự viên (trang 117 đến 121), các cơ quan truyền thông tham dự (Chủ Nhiệm, Chủ Bút, địa chỉ) từ trang 122 đến 133, hình ảnh các tham dự viên (134-149) với 16 trang. Mỗi trang có 9 chân dung, hình ảnh lưu niệm quý nhất và vài trang hình ảnh sinh hoạt. Nhưng rất tiếc không phát hành kịp vào ngày 20/4 nên gởi qua bưu điện.
Sau ngày ĐHTTVNHN, Hội Ký Giả VNHN có họp nhau, niềm vui là trong ngày Đại Hội không có điều gì đáng tiếc xảy ra, anh chị em cùng nhau góp bàn tay trong tinh thần xây dựng. Tuy nhiên trong đại hội đã nêu lên danh xưng “Hội Truyền Thông Việt Ngữ Hải Ngoại” được đa số biểu quyết vì vậy HKGVNHN không đồng ý vì đã gầy dựng cả thập niên qua. Vài thành viên trong HKGVNHN đã chỉ trích và đặt vấn đề với nhau… Theo thời gian, nay đã ra người thiên cổ!
Trong 3 ngày ĐHTTVNHN, anh Nguyễn Ngọc Chấn khệ nệ vác trên vai máy quay phim để thu hình, anh muốn thực hiện video và dẫn giải Viêt/Anh. Trong hình ảnh tôi chụp có ngày giờ để “note” cho phù hợp để thực hiện cuốn album lưu niệm vì nghĩ rằng khó có lần thứ hai. Nhưng bởi sự bất đồng của các bạn đồng nghiệp như vừa đề cập nên đành “cuốn theo chiều gió”! Lúc đó, Nguyễn Ngọc Chấn phụ trách mục Điểm Phim vào cuối tuần, tôi có mục Tiếng Việt Mến Yêu vào Thứ Năm. Với Nguyên Huy, Lê Tường Vũ và tôi của tờ KBC Hải Ngoại có mục Trang Chiến Hữu trên nhật báo NV vào Thứ Tư… Tuy nhiên Nguyễn Ngọc Chấn và tôi cũng cùng quan điểm, nhận xét với anh em đồng nghiệp về cách xử thế như vậy.
ĐHTTVNHN 2003 không thấy banner nào ghi Hội Ký Giả Việt Nam Hải Ngoại và ngay cả trong Kỷ Yếu cũng vậy. Thật tình HKGVNHN không đủ nhân sự và điều kiện để tổ chức Đại Hội quy mô như vậy. Nếu để HKGVNHN & nhật báo Người Việt đồng tổ chức ĐHTTVNHN thì hay hơn và mối giây liên lạc với các cơ quan truyền thông Việt ngữ còn có nhiều cơ hội cho tương lai. Có lẽ vì lẽ đó nên HKGVNHN sau này tổ chức những cuộc họp báo trong những cuộc đấu tranh chống Cộng. Và, vì công việc anh Đỗ Sơn rời Little Saigon, không còn nghe đến tổ chức này!
Ngay từ tháng 5 năm 2002, tôi viết bài Nhìn Lại Báo Chí Trong Nước đăng trên tuần báo Saigon Times và các tờ báo khác. Lúc đó internet còn hạn chế nên việc sưu tầm mất thời gian. Bài viết nầy liệt kê khoảng 600 tờ báo với tất cả danh xưng theo alphabet
- Báo chí ấn hành bằng Anh, Pháp và Hoa ngữ gồm có:
A: Nhật Báo,
B: Bán Tuần Báo,
C: Tuần Báo,
D: Bán Nguyệt San,
E: Nguyệt San,
F: Tạp Chí Định Kỳ (2, 3, 4, 6 số mỗi năm). - Báo chí Việt ngữ:
A: Nhật Báo,
B: Bán Tuần Báo,
C: Tuần Báo,
D: Bán Nguyệt San,
E: Nguyệt San,
F: Tạp Chí Định Kỳ (3, 4, 6 số mỗi năm).
Sau nầy còn lưu trữ trên trang web Thư Viện Toàn Cầu:
Lúc đó tôi nghĩ rằng bài viết này để đồng nghiệp có tầm nhìn tổng quát về báo chí trong nước được quy định của tổ chức, chính quyền… có nguồn tài trợ và chỉ đi “lề phải”; Trong khi đó ở hải ngoại do tư nhân với tinh thần độc lập, tự do.
Bài viết để so sánh với dân số 78 triệu người (2002) mà số lượng chỉ có khoảng 600 tờ báo đủ loại so với khoảng 200 tờ báo trong cộng đồng người Việt ở hải ngoại chưa tới 3 triệu người.
HKGVNHN nhiệm kỳ (2004-2006) Chủ Tịch: Đỗ Sơn, Tổng Thư Ký: Vương Trùng Dương. Anh em bàn về thực hiện tuần báo. Có ý kiến với khổ in tabloid, bìa láng, đóng cắt… dễ lưu trữ. Có ý kiến theo khổ standard (nhật báo) nếu thành công sẽ dần dà thực hiện 2, 3 số trong tuần rồi trở thành nhật báo. Với hình thức như vậy mà bàn cãi mãi nhưng khi đề cập đến tài chánh đóng góp thì… bế tắc! Năm 2005, tôi ra tờ Cali Weekly, khổ standard dày 20 trang. Chủ Bút: Nguyễn Ngọc Chấn, Tổng Thư Ký: Việt Hải (Los Angeles) và thực hiện trang web. Có lẽ tờ báo cá nhân thì thoải mái, dễ dàng, linh động hơn của tập thể.
Trong bài viết Khái Quát Báo Chí Việt Ngữ Tại Little Saigon của tôi vào dịp Thanksgiving 2020 cho tuyển tập văn học của anh em văn nghệ ở Pháp và cũng là đánh dấu đúng 30 năm tỵ nạn & làm báo nơi chốn “gió tanh mưa máu” này. Tôi cũng muốn đến khi nào không đủ sức để thực hiện nguyệt san Chiến Sĩ Cộng Hòa nữa, có thời gian rảnh rỗi viết lại những gì ghi nhận được “cái nôi báo chí Việt ngữ”… Nhưng giai đoạn từ 1975 đến 1990 không được biết đến. Hầu hết những đồng nghiệp thời điểm đó đã ra đi vĩnh viễn!
Khi phổ biến bài viết về Khái Quát Báo Chí… anh Mai Chu Ở San Diego cho biết thêm: “Tờ Hồn Việt xuất bản đầu tiên tại San Diego vào cuối năm 75 do Khánh Ly và Nguyễn Hoàng Đoan làm chủ với sự cộng tác của anh Võ Phiến, anh Lê Tất Điều (Kiều Phong) lo bài nằm. Thượng Châu lo tin tức, phóng sự cộng đồng tỵ nạn Người Việt. Họa sĩ Văn Mộch (HS Văn Mộch làm nhà in vẫn sống ở San Diego) lo cắt gián in ấn. Khánh Ly và Du Miên lo phần đánh dấu và gửi báo qua bưu điện. Thời đó thuê máy của IBM đánh bằng trái cầu, không dấu, mỗi lần thay đổi co chữ phải tháo ra thế bằng quả cầu khác. Anh Đỗ Ngọc Yến khi sang Mỹ có xuống 'học nghề' (vì làm báo ở Mỹ khác với Việt Nam trước năm 1975) và thăm hỏi nơi thuê máy. Về sau, tôi đi học lại, xong đổi nghề bỏ làm báo luôn (1979)”.
Tờ Hồn Việt được xem như tờ báo Việt Ngữ đầu tiên ở Nam California, sau đó thành nguyệt san, giao cho anh Ngọc Hoài Phương, có thời gian tôi layout cho tờ báo nầy. Cũng sống được vài thập niên.
Từ Texas sang California, anh Đỗ Ngọc Yến là người sáng lập tờ Người Việt, tuần báo số đầu tiên phát hành vào ngày 15/12/1978. Khi trở thành nhật báo, trải qua mấy đời Chủ Nhiệm: Đỗ Ngọc Yến: (1978-1999), Tống Hoằng (2000-2001), Đỗ Ngọc Yến (2003-2006), Đỗ Việt Anh (2006-2007), Phan Huy Đạt (2007-2016), Nguyễn Khả Lộc (2017-2018), Đỗ Quý Toàn (2018-2020), Hoàng Vĩnh (2020…). Tống Hoằng mua lại nhật báo Viễn Đông của Nguyễn Đức Quang (vợ là Minh Thông làm Chủ Nhiệm), Đỗ Việt Anh (Đỗ Tăng Bí, em ruột Đỗ Quý Toàn) ra tờ nhật báo Việt Herald (4/2009) để cạnh tranh với Người Việt, chỉ một năm rưỡi, nghe đâu “đốt” khoảng 1 triệu rưỡi Mỹ kim… Lúc đó tuần báo Saigon Nhỏ với 28 ấn bản, cô Hoàng Dược Thảo có 2 tờ nguyệt san Tân Văn & Chiến Sĩ Cộng Hòa ra thêm tờ nhật báo Saigon Nhỏ, giao cho tôi đảm trách Section B từ bài vở đến layout, Section nầy không có tính cách thời sự nên tôi chia ra 7 chủ đề trong tuần. Tôi nhận khoán nên làm việc ở nhà, Thứ Năm thực hiện số Thứ Sáu & Thứ Bảy, Thứ Sáu thực hiện số Chủ Nhật & Thứ Hai… Làm việc ban đêm, buổi sáng cà phê, buổi chiều vào tòa soạn thêm bớt phần quảng cáo và giao cho nhà in. Nhật báo sống được 5 năm thì bị vụ kiện tụng giữa báo NV & SGN. SGN thua kiện, nhật báo chấm dứt. Trong thời gian làm việc với nhau, tôi cũng chẳng hỏi chị Hoàng Dược Thảo tờ nhật báo lời lỗ thế nào và nhận thấy chị chẳng bận tâm đến chi thu của tờ nhật báo. Khi tôi nói tờ Việt Herald “đốt” tiền như vậy, chị mỉm cười và nói: “Mấy ông ra báo… không đốt mới lạ, to thuyền to sóng… Một mình anh lo cả Section B (8 trang), tôi và nhân viên của tuần báo lo Section A (12 trang), báo vẫn phát hành đều đặn”.
Sau Đại Hội Truyền Thông… Với nội tình của báo NV và cộng đồng người Việt tỵ nạn… chuyện đời “Thiên Hạ Sự” dài dài!
Nhìn lại quá khứ… đến ngày nào đó sẽ phôi phai theo thời gian. Tôi muốn ghi lại với tinh thần khách quan, trung thực… chỉ lướt qua phần nào “tiêu cực” mà đề cập đến phần “tích cực” của công việc dấn thân vào làng báo Việt ngữ nơi này. Trong mùa đại dịch Covid-19 năm 2020, mọi sinh hoạt bị ngưng trệ, báo chí Việt ngữ sống nhờ quảng cáo cũng rụng như lá mùa thu… Ngay cả phát thanh và truyền hình cũng vậy, chuyển qua YouTube để phổ biến. Phổ biến hạn chế thì dùng Facebook.
Trở lại Hội Ký Giả Việt Nam Hải Ngoại, ngay từ đầu tôi đã gợi ý thực hiện website mới có môi trường sinh hoạt và phối hợp với đồng nghiệp hải ngoại cộng tác với nhau nhưng không thực hiện. Vào thời đại internet trở thành nhịp cầu phổ quát khắp nơi mà không cập nhật thì đừng bàn chuyện xa vời!
Tôi đã chia sẻ với anh Đỗ Sơn, khi anh về lại Little Saigon, lớp già của chúng tôi như ở Little Saigon nay còn làm báo chỉ còn vài người nên không quy tụ được. Giới trẻ, nếu họ thực tâm dấn thân thì sẽ xúc tiến nhưng có lẽ họ ít quan tâm đến “hội hè đình đám” mà thích sự riêng rẽ thoải mái. Cũng là lúc “sóng sau xô sóng trước”.
Trong thời gian qua, tôi nhận được email của các bạn đồng nghiệp cho biết bi quan về tình trạng báo chí Việt ngữ ở hải ngoại nói chung và Hoa Kỳ nói riêng. Điều đáng buồn vì sự phân hóa bởi xu hướng chính trị của Hoa Kỳ… kể từ cuộc bầu cử Tổng Thống năm 2020. Cộng đồng người Việt hiện nay ít quan tâm và đọc báo in, phổ biến trên internet vì theo chủ trương của tờ báo đã mất tinh thần khách quan, trung thực, chính xác!
Thôi thì “sông có khúc, người có lúc”, làm báo cũng vậy. Hiện nay tôi vẫn quý các trang chủ thân hữu thực hiện website đã từ lâu giữ được lập trường của người Việt tỵ nạn để làm sân chơi cho mọi người.
Hình ảnh Hội Ký Giả Việt Nam Hải Ngoại và Đại Hội Truyền Thông Hài Ngoại của thuở nào cũng tạo được ảnh hưởng rộng lớn và nên coi như là kỷ niệm. Bây giờ khó phân biệt “vàng thau lẫn lộn” để tổ chức, nếu xảy ra tranh chấp, đấu đá phe nầy, nhóm nọ thì thêm đau lòng.
Little Saigon, tháng Tư năm 2021
Vương Trùng Dương
Post a Comment