Header Ads

Vui Này Đã Bõ Đau Ngầm Xưa Nay



Bùi Quý Chiến

Những hành động độc ác của mấy bà ghen tuông thường được cho là "ghen như Hoạn Thư".
Nhưng phân tích kỹ Truyện Kiều chúng ta thấy Kiều chỉ bị hành hạ về tinh thần và chỉ là mục tiêu phụ; Thúc Sinh mới thật là mục tiêu chính của Hoạn Thư:

Lửa tâm càng dập càng nồng
Trách người đen bạc ra lòng trăng hoa.

Đối với Kiều, Hoạn Thư tỏ ra tư cách con quan Lại bộ thượng thư:

Ví bằng thú thật cùng ta
Cũng dung kẻ dưới mới là lượng trên
Dại chi chẳng giữ lấy nền
Tốt chi mà rước tiếng ghen vào mình.

Về phần Kiều, cùng ý nghĩ như Hoạn Thư, nàng thuyết phục Thúc Sinh về nhà thú thật với vợ và nàng sẵn sàng chịu hậu quả:

Dù khi sóng gió bất bình
Lớn ra uy lớn, tôi đành phận tôi.

Như vậy một bên sẵn lòng mở lượng bao dung tình địch, một bên sẵn sàng cam chịu quyền uy của kẻ ưu thế, chỉ cần một lời thú tội của kẻ tạo ra "vườn mới thêm hoa" là sóng yên biển lặng.

Nhưng thật khó cho kẻ gây ra cuộc chiến tranh lạnh phải đóng vai sứ giả hòa bình.

Tuy nhiên vì những điều phân tích của Kiều rất rành mạch và tha thiết khiến Thúc Sinh buộc lòng phải lên ngựa về Vô tích thăm vợ.

Vợ chồng xa nhau lâu ngày không khỏi vui mừng hội ngộ. Giữa bữa tiệc, Hoạn Thư nói cười úp mở để tạo cơ hội cho chồng thú thật với mình nhưng Thúc Sinh chỉ "nói xuôi đỡ đòn" vì lạc quan cho rằng "nào ai có khảo mà mình lại xưng". 

Giận chồng không thành thật với mình, Hoạn Thư không thiết giữ chồng ở lại nên khuyên chồng sớm trở về Lâm truy thăm cha.

Thúc Sinh đi rồi, Hoạn Thư liền về nhà mẹ kể hết sự tình và cùng mẹ lập mưu bắt cóc Kiều. Hoạn Bà giao cho 2 tên côn đồ là Khuyển và Ưng thi hành kế hoạch.

Thúc Sinh đi đường bộ phải mất một tháng mới về tới nhà. Khuyển và Ưng đi đường biển gần và mau hơn. Nửa đêm chúng giả cướp đột nhập gia trang, xông thuốc mê để đem Kiều xuống thuyền rồi nổi lửa đốt cháy toàn bộ gia trang. Sẵn xác chết vô thừa nhận bên sông, chúng quăng vào lửa cho cháy thành than để đánh lạc hướng vụ bắt cóc. Quả nhiên Thúc Ông lầm con dâu bị chết cháy nên làm ma chay và lập bài vị để thờ.

Về tới dinh thự của Hoạn Bà, Kiều bị tra hỏi và bị đánh dằn mặt 30 roi. Sau đó nàng bị đổi tên là Hoa nô và bắt làm thị tỳ.
 
Hoang mang không biết tại sao thân phận mình tự dưng ra nông nỗi này, Kiều chỉ còn biết than thở:

Phong trần kiếp đã chịu đầy
Lầm than lại có thứ này bằng hai.

Hoạn Thư giả bộ về thăm mẹ, Hoạn Bà cũng giả bộ lấy cớ con gái thiếu người nên cho Hoa nô theo về hầu hạ.

Tuy sớm hôm hầu hạ chủ mới, Kiều không bị làm nhục hoặc bị ngược đãi. Nghe tiếng Kiều giỏi ngón đàn, Hoạn Thư ngỏ ý muốn được nghe. Nhân dịp này Kiều gửi tâm sự vào tiếng đàn, Hoạn Thư "thương tài" và từ đó Hoa nô được nới lỏng khuôn phép.
Hoạn Thư không chỉ khen Kiều lần này. Lần thứ nhì sau khi đọc tờ thân cung của Kiều, Hoạn Thư "ngẩn ngơ chút tình", nàng nói với Thúc Sinh :

Rằng tài nên trọng mà tình nên thương.

Lần thứ ba Hoạn Thư khen bút pháp chép kinh của Kiều:

Nghìn vàng thật cũng nên mua lấy tài.

Cho nên khi bị Kiều hài tội, Hoạn Thư kể lể:

Lòng riêng, riêng những kính yêu,

Câu này Hoạn Thư nói thật lòng, không phải nịnh hót.

Đánh giá tài năng của Kiều, Hoạn Thư tỏ ra khách quan và vô tư cho nên vụ bắt cóc Kiều làm thị tỳ không phải để trả thù tình địch nhưng để chuẩn bị vở bi hài kịch do Hoạn Thư đạo diễn trong ngày sắp tới.

Về tới Lâm truy, đứng trước cơ nghiệp bị cháy rụi và bài vị thờ Kiều ở nhà cha mình, Thúc Sinh cảm thấy cõi lòng như bầu trời sụp đổ.

Cơ nghiệp có thể gây dựng lại nhưng "tìm đâu cho thấy cố nhân?".

Trải qua mùa đông "sầu dài ngày ngắn", Thúc Sinh về Vô tích thăm vợ cho khuây khỏa.

Vợ chồng hàn huyên đủ chuyện xa gần trong khi gia nhân sửa soạn "sân khấu":

Nhà hương (1) cao cuốn bức là

Tất cả rèm cửa bằng lụa (bức là) được cuốn lên để trong nhà có thêm ánh sáng, từ ngoài có thể thấy rõ bên trong.

Hoa nô được lệnh lên lạy mừng ông chủ mới về. 

Từ xa Kiều bàng hoàng nhận ra ông chủ ngồi bên bà chủ đích thị là Thúc Sinh. Nàng chợt hiểu mưu mô thâm độc của Hoạn Thư:

Rõ ràng thật lứa đôi ta
Làm ra con ở chúa nhà đôi nơi.

Giờ đây nàng không thoát khỏi thân phận thị tỳ:

Sợ uy dám chẳng vâng lời
Cúi đầu nép xuống sân mai (2) một chiều.

Tuy Kiều chỉ được phép cúi lạy từ ngoài sân nhưng từ trong nhà Thúc Sinh "phách lạc hồn xiêu"  nhận ra Kiều. Tới lượt chàng chợt hiểu mưu ma chước quỷ của vợ. Há miệng mắc quai, chàng chỉ còn biết âm thầm đau khổ. Dù nén đau khổ trong ruột gan, sắc mặt chàng vẫn mang nét buồn. Không nương tay, Hoạn Thư cật vấn chồng mới về tại sao buồn? Thúc Sinh phải nói thác rằng mới đoạn tang mẹ nên còn thương nhớ mẹ.

Không bỏ lỡ cơ hội, Hoạn Thư cho mở tiệc:

Tẩy trần (3) mượn chén giải phiền đêm thu

Vở kịch sang hồi 2. Hoạn Thư "tra tấn" chồng bằng cách làm nhục Kiều trước mặt chồng:

Vợ chồng chén tạc chén thù (4)
Bắt nàng đứng trực trì hồ (5) hai nơi
Bắt khoan bắt nhặt đến lời
Bắt quỳ tận mặt, bắt mời tận tay.

Thúc Sinh gượng nói gượng cười với vợ nhưng ruột đứt từng khúc. Giả bộ say, chàng toan dời bàn tiệc nhưng Hoạn Thư đâu đã buông tha

Tiểu thư vội thét: "Con Hoa !
Khuyên chàng chẳng cạn thì ta có đòn."

(Khi cần nhấn mạnh một sự kiện, tiếng Anh và Pháp dùng dạng bị động nhưng ở đây Nguyễn Du dùng dạng chủ động "thì ta có đòn" nghe uy quyền hơn dạng bị động "thì ngươi bị đòn". Khi Hoạn Bà đổi tên Kiều và bắt Kiều làm thị tỳ, Nguyễn Du cũng dùng dạng chủ động:

Hoa nô truyền dạy đổi tên
Buồng the truyền ép vào phiên thị tỳ.

nghe uy quyền hơn "bị đổi tên" và "bị ép vào phiên thị tỳ".) 

Bị hăm dọa đánh đòn, Kiều không khỏi rùng mình. Nàng đã từng bị đòn 3 lần. Lần đầu là đòn của Tú Bà khi nàng bị Sở Khanh gài bẫy cho nàng trốn khỏi lầu Ngưng bích. Lần thứ nhì là hình phạt của quan phủ do nàng lựa chọn để khỏi bị trả về thanh lâu. Lần thứ ba là đòn của Hoạn Bà nhằm dằn mặt nàng.

Thúc Sinh cũng giật mình nghe Kiều bị hăm dọa đánh đòn. Chàng đã đau lòng chứng kiến cảnh Kiều chịu đòn của quan phủ vì không muốn trở về nghề nhơ nhuốc. Cho nên không đợi Kiều van xin, chén rượu vừa rót ra chàng liền uống cạn. Uống rượu, chàng tưởng như uống máu và nước mắt của người yêu.

Chưa hả dạ, Hoạn Thư chuyển vở bi hài kịch sang hồi ba.

Khoe với chồng rằng Hoa nô chơi đàn rất hay, Hoạn Thư bắt nàng dạo một bài cho chồng nghe.

Kiều rụng rời, Lòng dạ nào gảy đàn trong cảnh nhục nhã ê chề này.

Thúc Sinh càng tê tái. Tiếng đàn của Kiều lúc này sẽ là những mũi nhọn đâm thấu tim gan chàng.

Không thể trái lệnh, Kiều đem đàn ra so dây với cung bậc rồi gửi lòng mình vào tiếng đàn:

Bốn dây như khóc như than
Khiến người trên tiệc cũng tan nát lòng.

Hoạn Thư cười thầm nhưng làm bộ giận dữ:

Cuộc vui gảy khúc đoạn trường ấy chi ?
Sao chẳng biết ý tứ gì
Cho chàng buồn bã tội thì tại ngươi.

Sợ người yêu bị trừng phạt, Thúc Sinh một lần nữa lại bấm bụng vui cười. Thật đúng là cảnh cười ra nước mắt.

Cảm thấy tới đây đã đủ, Hoạn Thư cho hạ màn:

Lòng riêng tấp tểnh mừng thầm
Vui này đã bõ đau ngầm xưa nay.

Tuy nhiên dùng Kiều làm dê tế thần, Hoạn Thư quá tàn nhẫn.

Bùi Quý Chiến

--------------------------------------------------
CHÚ THÍCH

(1) Nhà hương = nhà của giai cấp quý tộc thường đốt trầm hương cho thơm.
(2) Sân mai = sân có trồng cây mai do điển cố đời Đường bên Tàu có công chúa Thọ Dương thường ngủ trưa dưới gốc mai, hoa rụng xuống mặt làm tăng vẻ đẹp.
(3) Tẩy trần = rửa bụi , mở tiệc mừng khách từ xa tới để rửa bụi đường.
(4) Chén tạc chén thù = chủ rót rượu mời khách là chén tạc, khách rót rượu mời chủ để đáp lễ là chén thù, nhưng ở đây Kiều là người rót rượu.
(5) Trì hồ = bưng bầu rượu, ý nói Kiều phải rót rượu mời cả Hoạn Thư và Thúc Sinh.



No comments

Powered by Blogger.