Header Ads

Trường Tương Tư - Thương Nhớ Không Nguôi


Bùi Phạm Thành

Trong thi ca, người ta thường truyền tụng những chuyện tình không trọn vẹn, bị ngăn cách, hoặc phải chia ly của đôi trai gái, tạo nên những bài thơ tuyệt tác nói về nỗi nhớ thương hay thi vị hơn với từ ngữ Hán-Việt là "tương tư". Ngay cả thiên tài về thơ của Tàu là Lý Bạch (701-762) cũng để lại hai bài "Trường Tương Tư"

長相思其一  

長相思,

在長安。
絡緯秋啼金井闌,
微霜淒淒簟色寒。
孤燈不明思欲絕,
卷帷望月空長嘆。
美人如花隔雲端,
上有青冥之高天,
下有淥水之波瀾。

天長路遠魂飛苦,
夢魂不到關山難。
長相思,
摧心肝。

Trường tương tư kỳ 1

Trường tương tư,
Tại Trường An.
Lạc vĩ thu đề kim tỉnh lan,

Vi sương thê thê điệm sắc hàn.

Cô đăng bất minh tứ dục tuyệt,

Quyển duy vọng nguyệt không trường thán.
Mỹ nhân như hoa cách vân đoan,


Thượng hữu thanh minh chi cao thiên,

Hạ hữu lục thuỷ chi ba lan.

Thiên trường địa viễn hồn phi khổ,

Mộng hồn bất đáo quan san nan.

Trường tương tư,

Tồi tâm can.
Dịch nghĩa:

Nhớ nhau hoài,
Ở Trường An.
Dế kêu thu bên giếng vàng,

Sương mỏng lạnh lẽo sắc chiếu lạnh.

Đèn lẻ loi không sáng nỗi nhớ càng nung nấu,

Cuốn rèm ngửa mặt ngắm trăng than dài.
Người đẹp như hoa hiện lên sau sắc mây,

Trên có trời xanh cao thăm thẳm,

Dưới có nước xanh sóng nhẹ đưa.
Trời cao đất rộng hồn thêm khổ,
Mộng hồn bay đến nơi quan san kia cũng khó.

Nhớ nhau hoài,
Đứt ruột gan.

Thương Nhớ Không Nguôi (1)

Nhớ nhau hoài, ở Trường An,
Dế kêu bên cạnh giếng vàng mùa thu.
Quanh đây lạnh ngắt sương mù,
Ngọn đèn hiu hắt càng ru nỗi buồn.
Cuốn rèm mà dạ vấn vương,
Nhìn trăng lòng những tràn tuôn nỗi sầu.
Trong mây dáng hiện sắc màu,
Nền trời xanh thẳm một màu trên cao.
Dưới sông sóng nhẹ rì rào,
Trời cao sông rộng thêm vào nhớ thương.
Hồn nào đến được quan sơn,
Nhớ nhau là nỗi đoạn trường không nguôi.

Bùi Phạm Thành
(Dịch thơ)

長相思其二

日色欲盡花含煙,
月明如素愁不眠。
趙瑟初停鳳凰柱,
蜀琴欲奏鴛鴦絃。
此曲有意無人傳,
願隨春風寄燕然。
憶君迢迢隔青天,
昔時橫波目,
今作流淚泉。
不信妾腸斷,
歸來看取明鏡前。

Trường tương tư kỳ 2

Nhật sắc dục tận hoa hàm yên,
Nguyệt minh như tố sầu bất miên.
Triệu sắt sơ đình phụng hoàng trụ,
Thục cầm dục tấu uyên ương huyền.
Thử khúc hữu ý vô nhân truyền,
Nguyện tuỳ xân phong ký Yên Nhiên.
Ức quân thiều thiều cách thanh thiên,
Tích thì hoành ba mục,
Kim tác lưu lệ tuyền.
Bất tín thiếp trường đoạn,
Qui lai khán thủ minh kính tiền.
Dịch nghĩa:

Mặt trời sắp tắt, hoa ngậm khói sương,
Trắng sáng như lụa, nỗi sầu không sao ngủ được.
Đàn sắt Triệu vừa ngừng dây phụng hoàng,
Đàn cầm Thục đã dục tấu khúc uyên ương.
Khúc này có ý nghĩa sao không có ai lưu truyền?
Mong theo ngọn gió xuân gửi đến Yên Nhiên.
Nhớ chàng nơi xa cách trời xanh,
Xưa thì mắt đưa ngang làn sóng,
Nay thành suối lệ tuôn rơi.
Không tin tức thiếp buồn đứt ruột,
Xin [chàng] hãy về mà ngắm trong tấm gương sáng.

Thương Nhớ Không Nguôi (2)

Trời chiều hoa phủ màn sương,
Trăng sáng như lụa, sầu vương ngập tràn.
Đàn sắt dứt khúc phụng hoàng,
Đàn cầm đã trổi khúc đàn uyên ương.
Đàn hay sao chẳng gảy thường?
Nương theo gió đến người thương xa vời.
Nhớ người ở chốn xa xôi,
Xưa thì ánh mắt lả lơi sóng ngàn.
Nay thành suối lệ tuôn tràn,
Cõi lòng tan nát muôn vàn khổ đau.
Mong người về để cùng nhau,
Soi gương đôi bóng đậm màu yêu thương.

Bùi Phạm Thành
(Dịch thơ)


Ngoài Lý Bạch, một thiên tài về thơ khác của Tàu là Bạch Cư Dị (772-846) ngay sau thời của Lý Bạch cũng để lại hai bài Trường Tương Tư, với bài thứ nhì có câu

Nguyện tác thâm sơn mộc
Chi chi liên lý sinh.

có nghĩa là

nguyện làm cây rừng thẳm
mọc cành nhánh liền nhau.

Dựa theo điển tích:

Thời Chiến Quốc (479-221 trước D.L.) vua nước Tống vốn người hiếu sắc, dâm bạo. Một hôm đến chơi ở gò Phong Phụ, bắt gặp một phụ nữ hái dâu rất đẹp. Vua dọ hỏi biết là vợ của nho sĩ Hàn Phùng, người họ Tức, vua liền cho người đến bắt. Trước uy quyền của vua không thể làm gì được, Tức sinh uất ức tự tử chết. Nghe tin chồng chết và bị vua cưỡng ép, Tức thị xin được tắm gội và trang điểm để tế lễ chồng trước khi chấp thuận. Vua bằng lòng, nhưng sau khi tế lễ linh hồn chồng, Tức thị nhảy xuống lầu tự tử chết, để lại bức thư xin được mai táng bên cạnh chồng. Vua Tống tức giận, cho mai táng Tức thị cách xa mộ chồng. Thế nhưng sau đó thì ở hai bên mộ mọc lên hai cây với cành lá vươn qua, quấn quít vào nhau.

Điển tích, giống như chuyện cổ tích, thường mang tích chất thần thoại hay siêu thực, có lẽ đó là cách kể chuyện của người xưa để câu chuyện có thêm phần thú vị, và có tính cách tôn giáo để răn dạy người đời.

Dưới đây là hai bài Trường Tương Tư của Bạch Cư Dị

長相思

汴水流,
泗水流,
流到瓜州古渡頭。
吳山點點愁。

思悠悠,
恨悠悠,
恨到歸時方始休。
月明人倚樓。

Trường tương tư (I)

Biện thuỷ lưu,
Tứ thuỷ lưu,
Lưu đáo Qua Châu cổ độ đầu.
Ngô sơn điểm điểm sầu.

Tứ du du,
Hận du du,
Hận đáo quy thời phương thuỷ hưu.
Nguyệt minh nhân ỷ lâu.
Dịch nghĩa

Sông Biện chảy mãi,
Sông Tứ chảy mãi,
Chảy tới đầu bến đò cũ ở Qua Châu.
Núi non ở Giang Nam, nơi nào (nghĩ tới) cũng khiến lòng buồn.
Nỗi nhớ miên man,
Lòng hận miên man,
Hận này tới khi nào trở về (gặp nhau) mới bắt đầu nguôi được.
Người tựa lầu (một mình chờ đợi) dưới trăng sáng.
Dịch thơ

Sông Biện, sông Tứ chảy mau,
Chảy cho tới tận Qua Châu bến đò.
Núi Giang Nam gợi sầu mơ,
Càng thêm nỗi nhớ, mong chờ miên man.
Gặp nhau thì hận mới tàn,
Tựa lầu đợi dưới trăng vàng sáng soi.

Bùi Phạm Thành
(Dịch thơ)

長相思  

九月西風興,
月冷霜華凝。
思君秋夜長,
一夜魂九昇。
二月東風來,
草坼花心開。
思君春日遲,
一日腸九回。
妾住洛橋北,
君住洛橋南。
十五即相識,
今年二十三。
有如女蘿草,
生在鬆之側。
蔓短枝苦高,
縈回上不得。
人言人有願,
願至天必成。
願作遠方獸,
步步比肩行。
願作深山木,
枝枝連理生。

Trường tương tư (II)

Cửu nguyệt tây phong hưng
Nguyệt lãnh sương hoa ngưng
Tư quân thu dạ trường
Nhất dạ hồn cửu thăng.
Nhị nguyệt đông phong lai
Thảo sách hoa tâm khai
Tư quân xuân nhật trì
Nhất nhật trường cửu hồi
Thiếp trú Lạc kiều bắc
Quân trú Lạc kiều nam
Thập ngũ tức tương thứ
Kim niên nhị thập tam
Hữu như nữ la thảo
Sinh tại tùng chi trắc
Mạn đoản chi khổ cao
Oanh hồi thướng bất đắc
Nhân ngôn nhân hữu nguyện
Nguyện chí thiên tất thành
Nguyện tác viễn phương thú
Bộ bộ tỷ kiên hành
Nguyện tác thâm sơn mộc
Chi chi liên lý sinh.
Dịch nghĩa

tháng chín gió tây nổi lên
trăng lạnh hoa đẫm sương đông cứng
nhớ chàng (nên thấy) đêm thu dài
một đêm hồn bay lên chín lần
tháng hai gió (xuân hướng đông) lại
hoa nở nhuỵ hoa mở ra
nhớ chàng (nên thấy) xuân đến chậm
một ngày em quặn ruột chín lần
em ở cầu phía bắc Lạc Dương
chàng ở cầu phía nam Lạc Dương
năm lên mười lăm tuổi em quen biết chàng
năm nay em hai mươi ba tuổi
có cây hoa nữ la
sinh bên cạnh cây tùng
cây leo ngắn, cành tùng cao quá
muốn leo lên nhưng không được
người ta nói người có ước nguyện
ước nguyện cao tới trời thì nguyện ước sẽ thành
nguyện làm dã thú phương xa
từng bước sánh vai cùng chàng
nguyện làm cây trong rừng thẳm
mọc cành nhánh liền nhau.

Chú thích:
Hai câu nguyện ước được giải thích như sau:
Nàng nguyện được cùng với người yêu chung lối đến già, dù có phải làm dã thú ở núi rừng sâu, nàng cũng sẵn sàng sánh vai với chàng; dù có phải làm cây trong rừng, nàng cũng sẵn sàng cùng chàng liền nhánh liền cành.
(Đặng Thế Kiệt)
Dịch thơ

Gió tây tháng chín thổi về,
Trăng sương hoa cỏ bốn bề lạnh tanh.
Nhớ chàng dằng dặc năm canh,
Mộng mơ hồn thoát chín lần vút cao.
Tháng hai có gió đông vào,
Nhìn hoa đua nở nhuỵ đào vươn ra.
Nhớ chàng cách trở nơi xa,
Ngày xuân chậm rãi trôi qua lạnh lùng.
Ruột ngày quặn thắt chín lần,
Thiếp bên cầu bắc nhớ nhung muôn vàn.
Chàng thì ở phía cầu nam,
Xa xôi cách trở ngút ngàn mù tăm.
Biết chàng từ tuổi mười lăm,
Đến nay tuổi đã đến phần hăm ba.
Phận gái như hoa nữ la,
Mọc bên tùng bách để mà tựa nương.
Dây leo ngắn nhưng cố vươn,
Cành tùng cao ngất chẳng vương được vào.
Chữ rằng nguyện tới trời cao,
Sẽ được toại ý việc nào ước mong.
Nguyện làm dã thú trên rừng,
Để cùng chàng bước trên đường có nhau.
Nguyện thành cây ở rừng sâu,
Để hai cây nhánh quyện nhau suốt đời.

Bùi Phạm Thành
(Dịch thơ)


Chinh Phụ Ngâm Khúc của Đặng Trần Côn (bản dịch của bà Đoàn Thị Điểm), dựa theo điển tích "cây liền cành", có câu:

Thiếp xin về kiếp sau này,
Như chim liền cánh như cây liền cành.
Đành muôn kiếp chữ tình đã vậy,
Theo kiếp này hơn thấy kiếp sau.
Thiếp xin chàng chớ bạc đầu,
Thiếp thì giữ mãi lấy màu trẻ trung.
Xin làm theo bóng cùng chàng vậy,
Chàng đi đâu cũng thấy thiếp bên.
Chàng nương vừng nguyệt phỉ nguyền,
Mọi bề trung hiếu thiếp xin vẹn tròn.

Xem ra thì cách ví von và diễn tả trong Chinh Phụ Ngâm Khúc hơn hẳn những bài thơ của cả Lý Bạch lẫn Bạch Cư Dị. Nếu Lý Bạch và Bạch Cư Dị được gọi là "thơ thánh" thì cụ Đặng Trần Côn và bà Đoàn Thị Điểm phải gọi là gì cho hợp lẽ? Đó là chưa nói đến cụ Nguyễn Du, dựa theo một câu chuyện tầm thường mà viết nên một đại tác phẩm bằng thể thơ thuần tuý Việt Nam, thơ lục bát, tiềm ẩn giáo lý, nhân duyên, số kiếp, và vay trả của nhà Phật.

Nhạc sĩ Trần Thiện Thanh cũng đem điển tích này vào bài hát "Anh Về Với Em":

Anh về với em,
như chim liền cánh như cây liền cành.

Điển tích "chim liền cánh" thì xem ra có vẻ quá hoang đường. Sách Nhĩ Nhã chép: Chim Kiêm giống chim le le, lông màu xanh, chỉ có một cánh và một mắt, thường ở phương Nam. Mỗi khi muốn bay, con trống, con mái kết thành một đôi với nhau thì hai con mới bay được. Chim này gọi là tỷ dực điểu (chim liền cánh), cũng gọi là Kiêm Kiêm.

Điển tích “liên lý chi, tỷ dực điểu - cây liền cành, chim liền cánh" được dùng để chỉ sự chung thuỷ, gắn bó của vợ chồng.

Thi văn của người xưa thật là ảo diệu, cháu chắt hàng trăm năm sau chạy đuổi cũng không kịp. Thí dụ, chỉ với 4 câu trong Chinh Phụ Ngâm đã cho người đọc thấy được cái bi tráng của người lính trên chiến trường, từ cổ chí kim, chưa một ai có thể diễn tả được như thế, đọc lên mà không khỏi rùng mình, ớn lạnh:

Hồn tử sĩ gió ù ù thổi,
Mặt chinh phu trăng dõi dõi soi.
Chinh phu tử sĩ mấy người,
Nào ai mạc mặt, nào ai gọi hồn.

Trở lại với câu chuyện "Trường Tương Tư" thì trong thơ cổ của Tàu cũng có bài thơ "Trường Tương Tư" của Lương Ý Nương, trong đó có bốn câu đã trở thành điển tích:

Quân tại Tương giang đầu
Ngã tại Tương giang vĩ
Tương tư bất tương kiến
Đồng ẩm Tương giang thuỷ.
Chàng ở đầu sông Tương
Thiếp ở cuối sông Tương
Nhớ nhau mà chẳng thấy
Cùng uống nước sông Tương.

Cụ Nguyễn Du cũng đem ý của bốn câu trên vào truyện Kiều ở đoạn Kiều và Kim Trọng thề thốt, hứa hẹn chuyện trăm năm

Từ phen đá biết tuổi vàng,
Tình càng thấm thía dạ càng ngẩn ngơ.
Sông Tương một dải nông sờ,
Bên trông đầu nọ bên chờ suối kia.

Điển tích: Vào đời Hậu Chu, thời Ngũ Đại (905-955), có chàng thư sinh tên là Lý Sinh yêu một nàng thiếu nữ tên là Lương Ý Nương, tình yêu của đôi trai gái này thật đậm đà thắm thiết nhưng  phải xa cách nhau. Lý do thì có sách viết rằng vì giặc giã, có sách viết vì là họ hàng con cô con cậu, và cũng có sách cho rằng chàng họ Lý nhà nghèo, không môn đăng hộ đối ... Đúng, sai nào ai biết với chuyện đã hơn ngàn năm qua. Điều đáng để ý là bài thơ để lại cho đời.

Nhà nàng Lương Ý Nương ở cuối sông Tương, nên chiều chiều nàng hay ra bờ sông Tương nhìn về phía đầu sông (nơi Lý Sinh lưu lạc) mà khóc. Nàng múc nước sông Tương uống, để có cảm giác ngọt ngào như nước của người yêu đem đến. Trong một đêm trăng nàng cảm xúc đã viết nên bài thơ tuyệt tác, Trường Tương Tư, lưu truyền đến ngàn sau.

Mối tình ly biệt của chàng Lý Sinh và nàng Lương Ý Nương rất đau khổ nhưng cao đẹp. Về sau các nhà thơ thường lấy điển tích sông Tương của đôi trai gái Lý-Lương để nói lên mối tình chia cách.


長 相 思

落  花  落  葉  落  紛  紛
盡  日  思  君  不  見  君。 
腸  欲  斷  兮  腸  欲  斷, 
淚   珠  痕  上  更  添  痕。

我   有  一  寸  心, 
無   人  共  我  說。
願   風  吹  散  雲, 
訴   與  天  邊  月。

攜   琴  上  高  樓,
樓  高  月  花  滿。 
相  思  未  必  終, 
淚  滴  琴  玄  斷。

人  道  湘  江  深 ,
未  抵  相  思  畔。
江  深  終  有  底,
相  思  無  邊   岸。

君  在  湘  江  頭,  
我  在  湘  江  尾 
相  思  不  相  見, 
同  飲  湘  江  水。 

夢  魂  飛  不  到,
所  欠  唯  一  死。 
入 我 相 思 門, 
知 我 相 思 苦。 

長 相 思 兮 長 相 思,
長 相 思 兮 無 盡 極。
早 知 如 此 罫 人 心, 
迴 不 當 初 莫 相 識。

(梁意娘 - Lương Ý Nương)

Trường Tương Tư

Lạc hoa lạc diệp lạc phân phân,
Tận nhật tư quân bất kiến quân.
Trường dục đoạn hề trường dục đoạn,
Lệ châu ngân thượng cánh thiêm ngân.

Ngã hữu nhất thốn tâm,
Vô nhân cộng ngã thuyết.
Nguyện phong xuy tán vân,
Tố dữ thiên biên nguyệt.

Huề cầm thượng cao lâu,
Lâu cao nguyệt hoa mãn.
Tương tư vị tất chung,
Lệ trích cầm huyền đoạn.

Nhân đạo Tương giang thâm,
Vị để tương tư bạn.
Giang thâm chung hữu để, 
Tương tư vô biên ngạn. 

Quân tại Tương giang đầu, 
Ngã tại Tương giang vĩ.
Tương tư bất tương kiến,
Đồng ẩm Tương giang thuỷ. 

Mộng hồn phi bất đáo, 
Sở khiếm duy nhất tử
Nhập ngã tương tư môn,
Tri ngã tương tư khổ. 

Trường tương tư hề, trường tương tư, 
Trường tương tư hề, vô tận cực. 
Tảo tri như thử quải nhân tâm, 
Hồi bất đương sơ mạc tương thức.
Dịch nghĩa:

Hoa rơi, lá rụng  đầy khắp, 
Ngày ngày mãi nhớ mà không gặp được chàng.
Ruột muốn đứt, chao ôi, ruột muốn đứt,
Lệ ngọc tuôn trào từng ngấn, thêm từng ngấn.

Thiếp có một tấc lòng,
Không có người để bày tỏ,
Mong gió thổi mây tan đi,
Để nói cùng trăng bên trời.

Mang đàn cầm lên lầu cao,
Lầu cao trăng hoa tràn ngập. 
Khúc tương tư chưa hết
Nước mắt rơi làm đứt dây đàn. 

Người bảo sông Tương sâu,
Chưa bằng lòng nhớ nhau.
Sông sâu còn có đáy,
Nỗi nhớ nhau không có bến bờ.


Chàng ở đầu sông Tương,
Thiếp ở cuối sông Tương
Nhớ nhau mà không gặp,
Cùng uống nước sông Tương.

Hồn mơ bay chẳng tới,
Chỉ còn thiếu một cái chết mà thôi.
Có vào cửa tương tư của thiếp,
Mới biết nỗi khổ của lòng tương tư.

Tương tư dài, ôi, tương tư dài,
Tương tư dài vô tận.
Nếu biết (yêu) làm đau lòng người, 
Thà buổi đầu đừng quen biết nhau.

Thương Nhớ Không Nguôi

Hoa rơi lá rụng ngập trời
Nhớ người nhưng chẳng gặp người mến yêu
Lòng đau quặn thắt trăm chiều
Lệ tuôn từng ngấn lại đều tuôn rơi.

Tấc lòng không thốt nên lời
Không ai bầy tỏ cho vơi nỗi sầu
Gió ơi thổi mây đi mau
Để ta tâm sự nỗi sầu cùng trăng.

Ôm đàn dạo mấy thanh âm
Trên lầu cao với cung hằng một đôi
Khúc tương tư chưa hết lời
Nước mắt chảy xuống đứt đôi dây đàn.

Sông Tương sâu nước ngập tràn
Nhưng sao sánh được muôn vàn nhớ mong
Sông sâu chẳng sánh được lòng
Nhớ nhung nỗi ấy thật không bến bờ.

Đầu sông Tương chàng bây giờ
Thiếp thì cô quạnh cuối bờ sông Tương
Cùng sông, cách mặt dặm trường
Cùng nhau uống nước sông Tương thoả lòng.

Trong mơ cũng chẳng đến cùng
Hoạ chăng cái chết sau cùng mà thôi
Phải cùng chung một cảnh đời
Mới mong hiểu rõ lòng người tương tư.

Tương tư dài, ôi tương tư
Tương tư đằng đẵng tưởng như vô cùng
Nếu biết yêu là đau lòng
Thì thà thuở trước ta đừng quen nhau.

Bùi Phạm Thành
(Dịch thơ)

Hai câu cuối của bài "Trường Tương Tư" nói trên:

Tảo tri như thử quải nhân tâm,
Hồi bất đương sơ mạc tương thức.
Nếu biết yêu là đau lòng
Thì thà thuở trước ta đừng quen nhau.


Hai câu này đã được nhạc sĩ Đỗ Lễ đưa vào bài "Sang Ngang":

Nếu biết rằng tình là giây oan
Nếu biết rằng hợp rồi sẽ tan
Nếu biết rằng yêu là đau khổ
Thà dương gian đừng có chúng mình.

Những câu thơ, điệu hát dễ làm rung động lòng người. Thế mới biết vì sao người ta hay đọc, hát, và truyền tụng những chuyện tình dang dở. Ngay cả trong văn chương tây phương thì vở kịch thơ chuyện tình Romeo và Juliet của William Shakespeare cũng là một đại tác phẩm về tình yêu không những trắc trở mà kết cuộc thì lại quá bi thảm.

Sự chia cách của lứa đôi trai gái thương yêu nhau thường được xem là đau khổ, tuy nhiên trong bài "Ngập Ngừng" của Hồ Dzếnh thì lại cho là đẹp:

Tình mất vui khi đã vẹn câu thề
Ðời chỉ đẹp những khi còn dang dở.

Quả là một cái nhìn khác biệt của người làm thơ.

Bùi Phạm Thành
(Ngày 22 tháng 3 năm 2021)



No comments

Powered by Blogger.