Header Ads

Đoàn Chuẩn Và Bí Ẩn Bóng Hồng "Gửi Người Em Gái"


Vương Trùng Dương
  
Tháng 11 năm 2001, nhạc sĩ Đoàn Chuẩn qua đời, tôi viết bài Đoàn Chuẩn & Gửi Người Em Gái. Bài viết nầy đăng trong quyển Nhân Văn & Tình Sử của tôi ấn hành năm 2015.

Trích lại bài viết về Đoàn Chuẩn:

Đoàn Chuẩn chỉ sáng tác trong một thập niên (1947-1958), ca khúc đầu tay Ánh Trăng Mùa Thu (1947) và từ đó với nhiều ca khúc đã nổi tiếng qua năm tháng, vượt thời gian và không gian, và vài ca khúc được sáng tác rải rác trong những thập niên sau, trong đó ca khúc Vĩnh Biệt chỉ riêng cho hình ảnh người tình lỡ dở, được đề cập trong thời gian sau này.

… Khoảng hai mươi ca khúc của Đoàn Chuẩn:
  1. Ánh Trăng Mùa Thu, 1947
  2. Tình Nghệ Sĩ, 1948
  3. Lá Thư, 1948
  4. Đường Về Việt Bắc, 1949
  5. Thu Quyến Rũ, 1950
  6. Chuyển Bến, 1951
  7. Gửi Gió Cho Mây Ngàn Bay, 1952
  8. Cánh Hoa Duyên Kiếp (hay “Dạ Lan Hương”), 1953
  9. Lá Đổ Muôn Chiều, 1954
  10. Tà Áo Xanh (hay “Dang Dở”), 1954-1955
  11. Chiếc Lá Cuối Cùng, 1955 (ca khúc cùng tên của nhạc sĩ Tuấn Khanh được phổ biến rộng rãi trước năm 1975 đến nay)
  12. Để Có Những Chiều Tắt Nắng, 1955
  13. Một Gói Nho Khô, Một Cánh Pensée, 1955
  14. Vàng Phai Mấy Lá (hay Vĩnh Biệt), 1955
  15. Gửi Người Em Gái Miền Nam, 1956
  16. Thuở Trâm Cài (bút danh Việt Tử; Thập Niên 1960)
  17. Khuôn Mặt Em (Thơ: Văn Cao), 1987
  18. Đường Thơm Hoa Sữa Gọi, 1988
  19. Màu Nắng Có Bao Giờ Phai Đâu, 1989 (ca khúc cuối cùng). 
Từ ca khúc Gửi Người Em Gái Miền Nam đến ca khúc Khuôn Mặt Em, Đoàn Chuẩn giữ im lặng trong ba thập niên. Bên cạnh có thêm mấy ca khúc như: Tâm Sự (1956), Phấn Son (1989)…

Những tình khúc về mùa thu của Đoàn Chuẩn đã một thời được phổ biến rộng rãi ở miền Nam Việt Nam trước năm 1975.

Vàng Phai Mấy Lá là nhạc phẩm ông viết tặng Thanh Hằng, cô ca sĩ nổi tiếng tại rạp Đại Đồng vào thuở năm 50. Khi ông tặng Vàng Phai Mấy Lá cho ca sĩ, nàng đã xé. Nhạc phẩm này, sau đó, ông còn đặt một tên khác là Bài Ca Bị Xé, rồi cuối cùng, ông lại đổi thành Vĩnh Biệt. Nhưng có nguồn tin cho rằng ca khúc Vĩnh Biệt mang theo bí ẩn của cuộc tình, qua vài lời kể, có người cho rằng đó là hình ảnh người ca sĩ Tâm Vấn (vợ của nhà văn Thanh Nghị, nhưng bất đồng chính kiến, sau đó bà là vợ của BS Nguyễn Đan Quế), nồng nàn nhưng ngang trái, đắng cay giữa người nhạc sĩ ở thành phố cảng Hải Phòng và người ca sĩ ở Sài Gòn, qua những bó hoa và trang thơ, biết nhau, mỗi người đã có gia đình. Đất nước chia đôi, ngăn cách đôi đường, Đoàn Chuẩn sáng tác vào năm 1955: 

“Lá thu bay, về anh, như những cánh đời em. Còn đâu cành hoa sim tím, dường như dệt gấm vàng son. Lòng anh chua xót. Cánh hoa vì đời anh rã rời héo tàn úa vàng vùi sâu trong kiếp thời gian... Ai đốt  Cô Tô thành vì đôi mắt giai nhân hề... Ai trót nhấp men tình để Mỵ Cơ thương nhớ, khi khóc rồi Tiễu Nhiên còn mơ...” .

… Nhiều nhạc phẩm của Đoàn Chuẩn đều đi kèm với tên chung cùng người em kết nghĩa là Từ Linh. Không biết người bạn tri âm Từ Linh (tên thật là Hà Đình Thâu, sinh năm 1928 tại Hà Nội) góp mặt thực hư ra sao qua sáng tác của Đoàn Chuẩn nhưng cả hai đều hiện diện trong nhiều nhạc phẩm. Từ Linh qua đời bởi căn bệnh ung thư năm 1992, cũng là thời điểm Đoàn Chuẩn ngã bệnh. 

… Đoàn Chuẩn lập gia đình khi còn học trung học vào năm 1942. Thuở còn đi học ở Louis Pasteur, Albert Saraut, cậu ấm Đoàn Chuẩn có chiếc xe Ford Frégatte và chiếc Buick, thuộc loại sang nhất không những ở thành phố cảng Hải Phòng mà cả Hà Nội. Cậu ấm Đoàn Chuẩn say mê cô nữ sinh Nguyễn Thị Xuyên, cùng lớp với nhau, nàng con nhà nghèo nhưng nhan sắc tuyệt vời; chưa qua lời tình tự nào, cậu ấm đã hối thúc thân mẫu xin cưới hỏi. Sau vài năm lập gia đình, Đoàn Chuẩn sống cuộc đời phiêu lãng, với âm nhạc, với những cuộc tình văn nghệ chất ngất yêu thương trong lời ca nét nhạc. Người bạn đời trăm năm vẫn chịu đựng với tính lãng mạn, đa cảm của chồng, còn bao dung, cởi mở cho đó là nguồn cảm hứng để sáng tac... vì vậy, một lòng chung thủy với chồng, nuôi con, và hai mái đầu xanh năm xưa vẫn mãi mãi bên nhau cho đến cuối đời. 

Cuộc tình của Đoàn Chuẩn được ghi lại qua lời tâm sự của người vợ hiền thục Nguyễn Thị Xuyên trong những ngày tháng cuối cùng, tận tình chăm sóc người chồng lâm trọng bệnh: “Cái anh chàng ấy có nói với tôi câu nào đâu, tẩm ngẩm tầm ngầm mà ghê thật. Tôi vừa buồn cười vừa ngạc nhiên quá... Sau đó tôi đến lớp thấy sợ và ngượng lắm. Ông Chuẩn cứ lờ đi như không chuyện gì. Rồi lâu dần để ý nhau mà có tình ý. Bạn bè trong lớp biết được, chúng trêu quá... bị chế nhiều, tôi xấu hổ phải bỏ học giữa chừng khi còn chưa đến kỳ nghỉ hè...”. Đám cưới được tổ chức vào dịp hè.

Đoàn Chuẩn rất đa tình. Ông đã sáng tác tặng một người đẹp của miền Bắc lúc đó sáu bài hát trong khi với vợ mình, ông chỉ viết tặng bà vỏn vẹn hai bài. Thời trẻ, ông đã từng dành ba năm thuê người mỗi ngày mang một bông hồng đến tặng người con gái mà ông yêu. Nhưng người bạn đời thông cảm tâm hồn lãng mạn của người nhạc sĩ:

“Ông lãng mạn đa tình lắm. Có vậy ông mới viết được bài hát hay thế. Ông muốn ngang thì ngang, muốn dọc thì dọc, tôi chiều ông hết. Bổn phận của tôi là chăm sóc chồng, nuôi con, lúc nào cũng an phận chịu đựng. Ông không biết đến sinh kế gia đình, con cái... Đời ông phóng khoáng. Nghe nhạc ông lúc nào tôi cũng ngạc nhiên - sao ông tài thế? Mỗi bài hát là kỷ niệm một mối tình đi qua đời ông. Ông chỉ viết một bài cho tôi, hồi đó ông chưa lơ mơ ai cả. Ông viết Đường Về Việt Bắc, nhớ nhà, nhớ vợ và màu tím áo lụa Hà Đông tôi mặc khi còn đi học. Đôi khi tôi cũng buồn vì ông tặng tình ca cho người phụ nữ khác. Nhưng lấy chồng nghệ sĩ, số mình chịu vậy”. (Tình Thu Ở Lại - Nguyễn Quỳnh Hương). 

… Tuy gặp thời thế trớ trêu nhưng nhạc sĩ vẫn đa tình, lãng mạn trong trường tình để làm chất liệu sáng tác. Trong cuộc sống, người bạn đời của nhạc sĩ vẫn một lòng thủy chung, chịu đựng tính phóng khoáng của chồng để quán xuyến gia đình, dạy dỗ con cái từ thuở thanh xuân đến cuối cuộc đời. Ông bà có sáu người con, ca sĩ Đoàn Chính hồi chánh vào giữa thập niên 60 rời Việt Nam sau năm 1975 ở Montréal, Canada và Đoàn Châu ở Toronto, Canada. Bốn người con còn lại ở Hà Nội. 

Có ca khúc mang theo giai thoại về cuộc tình của người nhạc sĩ như Tình Nghệ Sĩ, sáng tác đầu tay vào năm 1947 với hình ảnh người tình Mai Hương ở quán Thanh Hương: 

“Đây khách ly hương mấy thu vàng ấm. Nơi quán cô đơn mơ qua trùng dương. Mơ tới bên em, em tô quầng mắt. Em tôi ngập ngừng trong tấm áo nhung... 

... Mối tình nghệ sĩ như giấc mơ. Trăng tàn vì với muôn ý thơ. Mỗi chiều ngàn tiếng tơ khóc than. Còn nhắc tới đêm nao trăng thề...” 

Theo lời kể người bạn của Đoàn Chuẩn, lời ca ban đầu viết: “Đây quán Thanh Hương” nhưng đưa hình ảnh đó có tính cách riêng rẽ nên đã đổi lại thành “khách ly hương”. (Đây là ca khúc đầu tiên tôi được nghe từ thuở nhỏ qua tiếng hát của người chị thứ tư và người chị thứ sáu ở thập niên 50).

… Gửi Người Em Gái. Như đã đề cập ở trên, ca khúc Vàng Phai Mấy Lá tặng Thanh Hằng, cô ca sĩ nổi tiếng tại rạp Đại Đồng vào thuở năm 50. Ca sĩ Thanh Hằng tên thật là Lê Lệ Hào, sinh ngày 22/10/1935 tại làng Giáp Nhị, Thanh Trì, Hà Nội. Với tình khúc Gửi Người Em Gái (Miền Nam), tôi trích hình ảnh bóng hồng qua các bài viết:

Theo nhạc sĩ Trần Quang Hải trong bài viết đề cập đến tính lãng mạn của chàng nhạc sĩ với nàng ca sĩ.

Có người từng nói rằng cố nhạc sĩ Đoàn Chuẩn là ông vua slow của Việt Nam, nhạc của ông trữ tình, lãng mạn đến nao lòng. Người ta cho rằng nếu không bằng tình yêu một người đẹp nào đó chắc ông sẽ không thể viết ra những ca khúc hay như vậy. Không biết thực hư những mối tình lãng mạn của Đoàn Chuẩn ảnh hưởng đến ca khúc của ông đến đâu nhưng ông từng nói rằng, ông có một kỷ niệm sâu sắc với một nữ ca sĩ Huế từ hồi những năm 1950. Đó chính là ca sĩ Mộc Lan.

Đoàn Chuẩn chỉ sau một lần nghe Mộc Lan hát bài Đi Chơi Chùa Hương của Trần Văn Khê phổ thơ Nguyễn Nhược Pháp ở nhà hát lớn Hà Nội, đã đem lòng thầm yêu trộm nhớ. Sau cuộc diễn ở Hà Nội, Mộc Lan trở lại Sài Gòn. Đoàn Chuẩn không đừng được và đã đáp máy bay vào chơi Sài Gòn, hy vọng làm quen với Mộc Lan vì biết cô đã chia tay với người chồng nhạc sĩ. Khi ấy, Đoàn Chuẩn vốn là ông chủ hãng nước mắm Vạn Vân, là một tỉ phú của Hải Phòng, từng có xe hơi riêng hiệu Buick Hoa Kỳ mà cả miền Bắc chỉ có hai chiếc. 

Theo nhạc sĩ Lê Hoàng Long, tác giả Gợi Giấc Mơ Xưa, bạn của Đoàn Chuẩn tiết lộ thì sau khi tới Sài Gòn, họ Đoàn đã tìm được địa chỉ của Mộc Lan trên đường Espagne ở Tân Định nhưng không trực tiếp “yết kiến” mà chỉ nhờ chủ một tiệm bán hoa tươi mang hoa đến tặng Mộc Lan mỗi sáng sớm, và không tiết lộ tung tích người gửi hoa. Đoàn Chuẩn đặt trước tiền hoa và tiền công cả tháng cho chủ hàng hoa tươi rồi trở lại Hải Phòng, không quên để lại địa chỉ liên lạc của mình.
Sau 3 tuần nhận được hoa đều đặn, ca sĩ hoa khôi Mộc Lan không cầm lòng được đã đề nghị người đưa hoa cho biết tên người tặng. Được sự đồng ý của Đoàn Chuẩn, chủ hàng hoa đã thông báo cho Mộc Lan biết người gửi tặng hoa cho nàng chính là nhạc sĩ Đoàn Chuẩn cùng với địa chỉ kèm theo. Sau đó, nhạc sĩ họ Đoàn nhận được lá thư của người đẹp với lời cảm ơn và hy vọng có ngày được hội ngộ. Thế là Đoàn Chuẩn lại gửi tiền để chủ hàng hoa tiếp tục tặng hoa cho người đẹp liền 2 tháng nữa.

Mấy tuần sau đó, Đoàn Chuẩn rất xúc động khi nhận được lá thư tiếp theo của Mộc Lan và ông đã biến tình cảm dâng trào của mình thành bản nhạc Gửi Gió Cho Mây Ngàn Bay với lời đề tặng M.L.

Gặp gỡ và chia tay... Nhiều mối tình đã đi qua tâm hồn người nhạc sĩ lãng mạn. Lúc còn sống, ông từng thú nhận rằng đời ông chỉ viết tình khúc, bởi ông trọng nhất là tình yêu. Những năm cuối đời ông bị tai biến mạch máu não, nằm liệt trên giường. Người bạn đời của ông vẫn còn lưu lại vẻ đẹp của một thời hoàng kim xa xưa, luôn có mặt bên cạnh. Lúc ấy, khi nhắc lại chuyện xưa, cả hai ông bà đều cười rất tươi.

Ca sĩ Mộc Lan hát từ thời 14, 15 tuổi tại Đài Pháp Á ở Hà Nội. Nghệ danh Mộc Lan do nhạc sĩ Lê Thương đặt. Bài hát đầu tiên nổi tiếng với ca khúc hát Em Đi Chùa Hương (thơ Nguyễn Nhược Pháp, nhạc Trần Văn Khê) rồi đến Gửi Gió Cho Mây Ngàn Bay, Chuyển Bến  của Đoàn Chuẩn và Từ Linh.

Cuối thập niên 40, Mộc Lan vào Sài Gòn, kết duyên với nhạc sĩ Châu Kỳ (1923-2008). Đôi uyên ương ra làm việc tại Đài Phát Thanh Huế. Năm 1954, trở lại Sài Gòn, ca sĩ Mộc Lan nổi tiếng hát hay và đẹp, trở thành đối tượng cho văn nghệ sỹ si tình nên... chia tay nhau. Sau thời gian sống trong khổ đau, u uất, Châu Kỳ gặp cô nữ sinh Kha Thị Đàng, 18 tuổi. Cô hoa khôi của trường nữ trung học Gia Long kết hôn với Châu Kỳ và sống bên nhau đến cuối đời.

Sau khi rời Sài Gòn trở lại Hà Nội, Đoàn Chuẩn viết ca khúc Gửi Người Em Gái Miền Nam vào dịp Tết Giáp Ngọ (đầu năm 1955) nhưng đến năm 1956 mới ấn hành nhạc phẩm nầy. Có nhiều giai thoại đề cập đến hình ảnh “người em gái” nầy.

Theo Hải Lưu & Đông Nhân thì hình ảnh “người em gái” không phải là một người con gái miền Nam, mà là một cô gái đẹp gốc Hà Nội. Theo một giai thoại mà con trai của nhạc sĩ Đoàn Chuẩn được biết, thì cô gái đó là con của một viên chức sở hỏa xa, có khiếu ca hát. Còn theo nghệ sĩ Trần Hiếu, khi Đoàn Chuẩn đến tìm ông để đưa bản nhạc, Đoàn Chuẩn đã kể một chút về câu chuyện này cho Trần Hiếu nghe. “Người em gái” trong bài hát là một người bạn gái đặc biệt ở Hà Nội của Đoàn Chuẩn. Khi hai miền Nam - Bắc chia cắt, người con gái ấy đã bỏ vào Nam, rồi từ đó, hai người không gặp lại nhau nữa. Ông vẫn luôn nghe ngóng tin tức về cô, và chỉ biết cô sống ở miền Nam nhưng cuộc sống cũng không hề dễ dàng, điều đó khiến ông phiền lòng nhiều. Thương nhớ nhiều, ông cũng luôn mong “ngày thống nhất hai miền” sớm đến, để ông có hy vọng gặp lại người em gái ấy. Đoàn Chuẩn đã đợi, nhưng ngày thống nhất dường như vẫn còn quá xa, vì thế, ông viết Gửi Người Em Gái Miền Nam...

Nếu dựa theo bài viết của Lê Hoàng Long trong “Chuyện Tình Các Nhạc Sĩ Tiền Chiến” thì hình “ảnh người em gái” đó là Mộc Lan vì cô ca sĩ nầy lúc hát ở Hà Nội được nổi danh với hai ca khúc của Đoàn Chuẩn.

Trong bài viết của Hạ Đình Nguyên, có phỏng vấn Mộc Lan và Tâm Vấn, cho biết:

- Nhiều người cho rằng bài hát Gửi Người Em Gái là của Đoàn Chuẩn viết riêng cho Mộc Lan. Điều này đúng không?

(Anh Trần Áng Sơn gật đầu xác nhận: “Đã có rất nhiều tài liệu cho rằng nhân vật nữ trong Gửi Người Em Gái của Đoàn Chuẩn chính là chị Mộc Lan”)... 

- Thực ra thế này, dạo đó tôi ở trong Nam, còn ông Đoàn Chuẩn ở ngoài Bắc, ông ấy sáng tác và gửi bài hát vào Nam cho các ca sĩ, không cứ gì gửi cho riêng tôi. Tôi vào Nam từ rất sớm do ông anh tên là Long dắt vào. Mấy năm sau, khi tôi chung sống với ông Châu Kỳ ở Huế thì tôi đón Trần Áng Sơn vào ở chung (1952).

Rồi một ngày, Mộc Lan nhận được một cánh thư gửi từ phương Bắc. Trong phong bì không phải là những lời tỏ tình yêu thương mà là một bài hát. Khuông nhạc được kẻ bằng tay cẩn thận, ca từ được viết nắn nót trên tờ giấy pơ-luya xanh mỏng tang: “Gửi gió cho mây ngàn bay. Gửi bướm đa tình về hoa. Gửi thêm ánh trăng, màu xanh lá thư về đây với thu trần gian...”

Cũng theo nhạc sĩ Lê Hoàng Long (tác giải Gợi Giấc Mơ Xưa) thì nhạc sĩ Đoàn Chuẩn còn viết Gửi Người Em Gái (tựa cũ Gửi Người Em Gái Miền Nam) tặng riêng cho… ca sĩ Tâm Vấn (bạn thân của Mộc Lan). Người viết đã có may mắn được gặp bà Tâm Vấn trong một cuộc triển lãm tranh ở đường Lê Thánh Tôn, bèn đánh bạo hỏi bà chuyện này. Bà cười xòa: “Không, ông ấy làm bài này là để tặng cho Mộc Lan, bạn tôi”.

Sau năm 1954, nhạc phẩm Gửi Người Em Gái được ấn hành ở Sài Gòn. Tình khúc nầy qua các ca sĩ trình bày được phổ biến rộng rãi và rất quen thuộc. Lời ca đã thay đổi đi để thích nghi với tính lãng mạn của thời tiền chiến. Ngoài Bắc thì tính chất lãng mạn, trữ tình của tác giả thuộc thành phần “tiểu tư sản” không thể tồn tại.

Sau năm 1975, sống trong thời kỳ đói khổ, cấm nhạc vàng... chẳng có ai để ý đến hình ảnh “Tôi có người em gái, tuổi chớm dâng hương mắt nồng rộn ý yêu thương. Đôi mắt em nói nhiều tha thiết như dáng kiều. Ôi tình yêu!”. Ngay cả tác giả cũng im lặng. Gần hai thập niên sau mới khơi dậy nội dung ca khúc và giai thoại tình yêu.

“Cành hoa tim tím bé xinh xinh báo xuân nồng
Cành đào phong kín cánh mong manh như hoa lòng
Hà Nội mừng đón Tết, hoa chen người đi, liễu rủ... mà chi.
Đêm tân xuân, hồ Gươm như say mê
Chuông reo vui, Ngọc Sơn sao uy nghi
Ngàn phía đến lễ đền
Chạnh lòng tôi nhớ tới... người em.
Tôi có người em gái, tuổi chớm đôi mươi
Mắt huyền trìu mến yêu thương
Đôi mắt em nói nhiều, tha thiết như Giáng Kiều
Hoa tình yêu!
Nhưng... một sớm mùa thu, khép giữa trời, tím ngắt
Nàng đi... gót hài xanh
Người đi trong dạ sao đành
Đường quên lối cũ ân tình... nghĩa xưa.
Rồi từ ngày ấy sống trong Nam nơi kim tiền
Ngục trần giam hãm tấm thân xinh, đôi mắt huyền
Đời nghèo không lối thoát, em tôi đành thôi, cúi đầu... mà đi.
Xuân năm nay, đường đêm Catinat
Hoa mai rơi, rủ nhau nơi phương xa
Dần trắng xóa mặt đường
Một người em gái nhớ người thương!”
...

Tình khúc Gửi Người Em Gái... là một trong những bản tình ca tuyệt vời nhất của âm nhạc Việt Nam. Hình ảnh người em gái được viết lên với giai điệu nhẹ nhàng, với ngôn ngữ hòa nhập trong con tim rung động. Nhạc sĩ tài hoa như vậy nhưng sau khi sáng tác ca khúc đó, tâm sự đã được bày tỏ tình cảm,, nỗi niềm rồi vô vọng để rồi im lặng qua ba thập niên. Nếu có nuối tiếc cho cuộc tình vô vọng, chỉ còn gặm nhấm theo thời gian.
(ngưng trích - VTrD)

oOo

Ngày 19/03/2021, bản tin cho biết: Nàng thơ trong những tình khúc say đắm của Đoàn Chuẩn qua đời, thọ 86 tuổi.

Nghệ sĩ Lê Hằng (Thanh Hằng) - ngôi sao của tân nhạc Hà thành trước 1954, đồng thời là nàng thơ trong những tình khúc bất hủ của Đoàn Chuẩn như Tà Áo Xanh, Lá Đổ Muôn Chiều, Vàng Phai Mấy Lá, Chiếc Lá Cuối Cùng - vừa qua đời vì bệnh ung thư.

Theo nhà văn Trương Quý - người đã mang “huyền thoại” về bà Lê Hằng (Thanh Hằng) vào quyển sách gần đây, nhạc sĩ Tu Mi phát hiện ra giọng hát trời cho của cô nữ sinh và luyện cho thi hát và bà đã giành giải nhất cuộc thi hát tại Đài phát thanh Hà Nội năm 1953 và từ đó trở thành ngôi sao lớn của tân nhạc Việt Nam, với nghệ danh Thanh Hằng.

Cô là nàng thơ ở rạp Đại Đồng của nhạc sĩ Đoàn Chuẩn, rất thành công với các ca khúc tiền chiến nhưng lại không bao giờ thể hiện các bài hát của Đoàn Chuẩn, trong đó có nhiều bài ông viết cho bà và về bà, vì những nỗi niềm riêng từ mối tình đã trở thành “huyền thoại” của bà với Đoàn Chuẩn khi ấy đã có vợ và 5 người con.

Sau khi chia tay Đoàn Chuẩn, Thanh Hằng vào văn công quân khu Việt Bắc, với nghệ danh mới là Lê Hằng, từ một ngôi sao thị thành đã dành nhiều năm hát cho bà con các vùng Tây Bắc rồi mới trở lại Hà Nội, sống một cuộc đời lặng lẽ, giản dị, thanh sạch bên chồng (nghệ sĩ đàn accordeon Nguyễn Đăng Tư) và các con, một bà già tưởng như vô danh với một quán nước trà vỉa hè ở thành phố mỗi năm thêm huyên náo…

Theo lời Trương Quý (6/2018) “Trong khi tìm tư liệu cho cuộc đời âm nhạc của Đoàn Chuẩn, tôi đã may mắn gặp được nghệ sĩ Lê Hằng. Trong những lần gặp đó, người phụ nữ cao tuổi ấy làm tôi ngạc nhiên đến sung sướng vì cô vẫn đầy sôi nổi khi nói về những bài hát đã thành kỷ niệm, về những người bạn âm nhạc đã làm nên một thời Hà Nội hát với tất cả sự hồn nhiên, thanh xuân bất tận.

Cô chia sẻ cả những sự ngập ngừng khi nói về những ký ức tình cảm lãng mạn cũ, điều đã khiến tôi hiểu vì sao Đoàn Chuẩn đã yêu và thầm lưu hình ảnh cô đến suốt đời. Những bài hát cuối cùng ông cũng dành cho Lê Hằng như Màu Nắng Có Bao Giờ Phai Đâu (1989). Người Hà Nội những năm tháng ấy, họ đã thanh thản cho đi để giữ lại trọn vẹn vẻ đẹp chung thủy."

Trương Quý kể, khi viết cuốn Một Thời Hà Nội hát, ông đã gặp gia đình Đoàn Chuẩn cùng nghệ sĩ Lê Hằng. Dù nhiều tuổi, bà Lê Hằng vẫn đẹp lắm, tính tình đúng kiểu người Hà Nội cũ: Kỹ lưỡng, nề nếp, khiêm nhường, thư thái. “Khi tôi đưa cho bà xem bức ảnh của bà được nhạc sĩ Đoàn Chuẩn lưu giữ đến cuối đời, bà Hằng và gia đình bất ngờ lắm. Bà nói, bà cũng không có bức ảnh đó”, nhà văn tiết lộ.

Bài viết của Trương Văn Khoa trong tập sách “Những Bóng Hồng Trong Âm Nhạc”, sách dày 250 trang, phát hành tháng 3/2020:

Rời Thanh Hóa, Đoàn Chuẩn ra Bắc và không có dịp quay lại để thăm quán Thanh Hương một lần nữa. Những tin tức về cô nàng café ngày ấy cũng lặng lẽ quên lãng theo thời gian. “Tình Nghệ Sĩ” với cô Mai Hương phải đến nửa thế kỷ sau, mới được ông tiết lộ.

Một bài hát khác gây tranh cãi nhiều về ca từ của Đoàn Chuẩn là “Gửi Người Em Gái Miền Nam” rất da diết. Có lẽ đây là ca khúc duy nhất viết về mùa xuân của ông. Một thời gian dài, tên của bài hát được gọi là “Gửi người Em Gái” và người ta cũng không biết rõ lý do vì đâu như thế ?

Sau này, qua tư liệu của gia đình, ca khúc mới được trả lại nguyên bản cùng với bút tích của Đoàn Chuẩn lấy từ bản chép tay của ông vào mùa xuân 1956. Em gái trong bài hát này là Thanh Hằng, một người đẹp gốc Hà Nội, con gái đầu của viên chức ngành hỏa xa. Khi rút quân ra Chợ Đại, người cha mang theo nàng, khi ấy mới 12 tuổi.

Vài năm sau, Thanh Hằng về lại Hà Nội với mẹ để chăm sóc 5 người em của mình. Nàng tần tảo, làm thuê, đánh máy chữ, đan áo len để có tiền nuôi mẹ và các em. Nàng đẹp và hát rất hay. Tình cờ, một nhạc công ở Đài Pháp - Á đã phát hiện ra tài năng và nàng đã đăng quan “vương miện thủ khoa” trong cuộc thi do đài Pháp - Á tổ chức vào năm 1953.

Chính lúc ấy, Thanh Hằng mới cơ hội biết đến Đoàn Chuẩn, tác giả của những ca khúc về mùa thu ở Hà Nội. Tình yêu đã chớm nở giữa hai người mặc cho xung quanh nàng biết bao tài tử của đất Hà Thành.

Một giai thoại được nhiều người biết đến là Đoàn Chuẩn đã thuê người mua một bông hồng đỏ vào mỗi sáng để tặng cho nàng. Đều đặn suốt 3 năm như vậy, cho đến ngày thứ 1.000, “chủ nhân” của những bông hoa kia mới xuất hiện cùng bông hồng cuối cùng.

Cho dù kiểu tỏ tình ‘có một không hai” này có thể không có thật nhưng mối tình sâu đậm và ngang trái này đã để lai những tình khúc nổi tiếng sau này “Lá Đổ Muôn Chiêu”, “Vàng Phai Mấy Lá” (còn gọi là “Vĩnh Biệt” hay “Bài Ca Bị Xé”) và “Tà Áo Xanh” (còn gọi là Dở Dang) nổi tiếng sau này.

Sau này, khi Thanh Hằng vô Sài Gòn, Đoàn Chuẩn vẫn thiết tha liên lạc. Sáng nào cũng có người của cửa hàng bán hoa đến gõ cửa nhà nàng với một bó hoa lan trắng muốt bọc trong giấy kiếng do một người vô danh đặt tặng. Ròng rã suốt 3 tháng như thế. Khi sự tò mò của nàng đã tột độ thì một bức thư với lời lẽ ân cần, nét chữ bay bướm, viết trên giấy pơ-luya xanh được Gửi kèm theo bó hoa và ca khúc viết tay “Cánh Hoa Duyên Kiếp” ký tên “Đoàn Chuẩn”.

Biết chuyện, vợ của Đoàn Chuẩn, khi đó đang sống ở Hải Phòng, khăn gói lên tận Hà Nội đường tìm “tình địch”. Thế nhưng cuộc “đánh ghen” diễn ra nhẹ nhàng, kín đáo và êm thấm. Sau này, ông Đoàn Đính (con trai của Đoàn Chuẩn) tiết lộ, thời bấy giờ, công chúng mến mộ Đoàn Chuẩn đều biết về người ca sĩ xinh đẹp kia, họ chờ đợi một cuộc đánh ghen nổi đình nổi đám. Nhưng bà đã không làm gì to tát, chỉ nhẹ nhàng tìm gặp cô ấy hỏi:

- Chị hỏi thật em, em có yêu anh Đoàn Chuẩn không ?

Thanh Hằng trả lời rằng:

- Có !

Bà nói tiếp: 

- Em trót yêu anh Đoàn Chuẩn nhà chị thì em cố yêu nốt ba đứa con của anh ấy nhé! Cô yêu anh ấy một thì tôi yêu anh ấy mười. Nếu anh ấy có thể bỏ tôi để đi theo cô thì sau này anh ấy cũng có thể bỏ cô để theo người khác. Nếu cô chấp nhận như vậy, thì cô có thể nuôi ba đứa con của anh ấy không ?

Sau cuộc nói chuyện ngắn gọn đó, Thanh Hằng tỉnh mộng, trả lại toàn bộ thư từ và tất cả những ca khúc của Đoàn Chuẩn đã tặng cho nàng. Trong tháng ngày cô đơn, mất mát, Đoàn Chuẩn viết ca khúc “Vàng Phai Mấy Lá” để tặng nàng (ca khúc này mãi đến gần 50 năm sau mới được công chúng phát hiện)…

Đau đớn, tủi hờn vì mối tình ngang trái, nàng đã xé bỏ bản nhạc. Do vậy, Đoàn Chuẩn đổi tựa ca khúc này thành “Bài Ca Bị Xé”, rồi tiếp tục đổi thành “Vĩnh Biệt” (nhưng nhiều người vẫn thích gọi là “Vàng Phai Mấy Lá”). Có thể nói rằng, giai điệu của “Vĩnh Biệt” như réo gọi, thổn thức, tiếc nuối cho cuộc tình đã tan tác…

Liên quan đến mối tình “sét đánh” này, những người cùng thời kể rằng, Thanh Hằng đột ngột “biến mất” sau vụ “đánh ghen” êm thấm đó. Có thể nàng đang trốn chạy cuộc tình đầy giông tố này, cũng có thể người chú ruột của nàng, một đại đội trưởng vệ quốc đoàn, đã bí mật đưa nàng ra vùng tự do, nơi người cha mất vừa bị mất đột ngột?

Mùa xuân 1954, nàng trở về thủ đô. Đoàn Chuẩn và Thanh Hằng gặp nhau trong trong thời khắc lịch sử của chiến tranh, hối hả, và bám víu nhau để tìm lại những dư âm của một tình yêu đã mất.
Dường như muốn chạy trốn mối tình nghiệt ngã và vô vọng này, năm 1954, đất nước chia đôi, nàng di cư vào Nam và lập gia đình. Họ vĩnh viễn xa nhau từ ngày ấy. Ở lại miền Bắc, Đoàn Chuẩn ngẩn ngơ như người mất hồn, ông viết ca khúc “Gửi Người Em Gái Miền Nam”, một ca khúc về mùa xuân duy nhất trong sự nghiệp sáng tác của ông. Bài hát tràn đầy cảm xúc với giai điệu mượt mà.

Giờ đây, Thanh Hằng đã quá xa xăm. Trong mắt ông, nàng kiêu sa, lộng lẫy. Ông ngơ ngác, lang thang giữa phố phường Hà Nội khi mùa xuân về trên khắp nẻo đường…

oOo

Theo lời Đoàn Đính, con trai Đoàn Chuẩn kể: “Bố không bao giờ nhắc đến bất kỹ người phụ nữ nào khác ngoài mẹ tôi. Gia đình tôi rất nghiêm khắc. Những chuyện mà dư luận đồn thổi, trong gia đình tôi không bao giờ được nghe và cũng không được phép tò mò”.

Lời nói nầy khác với lời nói của thân mẫu ông “Ông lãng mạn đa tình lắm. Có vậy ông mới viết được bài hát hay thế. Ông muốn ngang thì ngang, muốn dọc thì dọc, tôi chiều ông hết…”.

Trương Văn Khoa trong “Những Bóng Hồng Trong Âm Nhạc” Hội Nhà Văn phát hành tháng 3/2020. Bài viết nầy do Hội Nhà Văn phát hành nhưng không kiểm chứng để góp ý với tác giả nên sai bét.

Tựa để ca khúc “Gửi Người Em Gái Miền Nam” vào thời điểm 1955. Lúc đó ca sĩ Thanh Hằng ở trong đoàn văn công tại Hà Nội và đã có chồng. Ồng còn viết “Năm 1954, đất nước chia đôi, nàng di cư vào Nam và lập gia đình” thật là vớ vẩn.

Nhạc sĩ Đoàn Chuẩn (1924-2001) và ca sĩ Thanh Hằng (Lê Hằng 1935-2011) đã ra người thiên cổ. Ca sĩ Mộc Lan (Phạm Thị Ngà, 1931-2015) trong ban Tiếng Tơ Đồng của nhạc sĩ Hoàng Trọng. Mộc Lan cũng cùng Kim Tước và Châu Hà hợp thành một ban tam ca nổi tiếng. Nay chỉ còn ca sĩ Kim Tước ở Little Saigon mới hiểu bóng hồng trong ca khúc “Gửi Người Em Gái Miền Nam”

Ca sĩ Tâm Vấn (Dương Thị Vân, 1934-2018) bóng hồng một thời nổi tiếng ở Hà Nội. Hai bóng hồng đó như lời trong ca khúc

“Em tôi đi, màu son lên đôi môi
Khăn san bay, lả lơi bên hai vai ai
Trời thắm gió trăng hiền
Hà Nội thêm bóng dáng nàng tiên”

Hà Nội của một thời xa xưa “ngàn năm văn vật” không còn nữa! Tất cả đã trở về với cát bụi, bóng tịch dương! Tình khúc vẫn còn, vang vọng với cuộc tình lãng mạn và thương đau!

Little Saigon, March 20, 2021
Vương Trùng Dương


No comments

Powered by Blogger.