Nguyễn Quang Duy
Ngày 11/3/2021, Tổng thống Joe Biden ban hành Dự Luật theo đó hầu hết người Mỹ sẽ nhận được một khoản tiền cứu trợ đại dịch lên đến 1,400 Mỹ kim cho mỗi người.
Khoản tiền này đúng ra là theo lời đề nghị của cựu Tổng thống Donald Trump trước ngày bầu cử tổng thống 2020 ít hôm, nhưng ông đã bị Thượng nghị sĩ Mitch McConnell Lãnh đạo phe đa số đảng Cộng hòa tại Thượng Viện lúc ấy phản đối.
Lần này mặc dù ông Biden đã được cả Hạ Viện và Thượng Viện đồng ý thông qua, nhưng vào ngày 5/3/2021 có 8 Thượng Nghị Sĩ thuộc đảng Dân Chủ cùng với 50 Nghị Sĩ thuộc đảng Cộng Hòa bỏ phiếu từ chối đưa Dự luật tăng mức lương tối thiểu lên 15 Mỹ kim một giờ kèm với Dự Luật cứu trợ.
Tăng mức lương tối thiểu là một đề tài giúp chúng ta thấy rõ sự khác biệt giữa ba chủ nghĩa đang ảnh hưởng đến hệ thống chính trị và kinh tế tại Mỹ: chủ nghĩa tân tự do, chủ nghĩa dân chủ xã hội và chủ nghĩa Trump.
Kinh tế thị trường
Chủ nghĩa tân tự do (Neoliberalism) tin rằng kinh tế thị trường có thể tự điều tiết mọi hoạt động kinh tế và xã hội một cách tuyệt hảo.
Chủ nghĩa này cho rằng chính phủ không nên can thiệp vào thị trường, thuế và mọi biện pháp điều tiết của chính phủ phải bị hạn chế, các dịch vụ công cộng phải được tư nhân hóa, các tổ chức công đoàn nên bị giải thể, như thế sẽ tối ưu mọi hoạt động kinh tế và xã hội.
Từ những năm 1960 ý tưởng tân tự do được giới tư bản Mỹ nhiệt tình ủng hộ tài chánh, giới khoa bảng xây dựng lý thuyết và đào tạo tân sinh viên, giới truyền thông quảng bá niềm tin, giới chính trị ban hành những đạo luật để cổ vũ thị trường và mở rộng ngoại thương.
Khi tân tự do đã trở thành chủ nghĩa thì các giới khoa bảng, giới trí thức, giới truyền thông, giới chính trị tin một cách tuyệt đối và tìm mọi lý lẽ để giải thích sự thất bại của kinh tế thị trường cũng như sự thất bại của các chính sách do chính phủ đề ra.
Cánh tân tự do ảnh hưởng đến nhiều thế hệ các chính trị gia cả đảng Cộng Hòa lẫn đảng Dân Chủ, một thí dụ điển hình là mức lương tối thiểu của người lao động từ năm 2009 đến nay vẫn được định ở mức 7.25 Mỹ kim một giờ.
Những chính trị gia này cho rằng thị trường tự do sẽ quyết định cung cầu nhân lực nên nếu tăng mức lương tối thiểu nhiều doanh nghiệp sẽ phải đóng cửa gây nạn thất nghiệp.
Họ cũng tin rằng khi mức lương tối thiểu gia tăng giới doanh nhân sẽ phải tăng giá hàng hóa và dịch vụ, như thế sẽ tăng lạm phát ảnh hưởng đến đời sống toàn xã hội.
Các chính trị gia liên bang còn lập luận rằng mức lương tối thiểu là do chính quyền tiểu bang và thành phố quyết định dựa trên tình hình kinh tế và chính trị tại mỗi địa phương.
Bởi thế ở cấp liên bang trong vòng 12 năm qua mức lương tối thiểu vẫn được giữ 7.25 Mỹ kim một giờ, trong khi lạm phát liên tục gia tăng và đời sống của những người lao động đã khổ càng khổ hơn.
Thất bại của kinh tế thị trường
Những người theo khuynh hướng dân chủ xã hội chủ nghĩa chống lại kinh tế thị trường, họ cho rằng xã hội Mỹ rất bất công, người giàu thì càng ngày càng giàu hơn, trong khi người nghèo thì càng ngày càng khốn đốn.
Chủ trương của cánh tả cấp tiến có thể tóm tắc như sau: lương tối thiểu 15 Mỹ kim một giờ, bảo đảm công ăn việc làm (Universal jobs guarantee), chăm sóc y tế miễn phí (universal healthcare), miễn phí đại học (tuition-free universities) và đầu tư vào phát triển nhiên liệu xanh (Green energy).
Cánh tả cấp tiến tin rằng với mức lương 7.25 Mỹ kim một giờ trả cho người lao động nếu họ có đi làm toàn thời cũng không đủ trang trải chi phí sinh hoạt ở mức tối thiểu.
Ở một số tiểu bang như California hay New York cánh tả cấp tiến đã thành công trong việc gia tăng mức lương tối thiểu lên tới 15 Mỹ kim một giờ.
Trong kỳ tranh cử tổng thống 2020 có đến 60% cử tri tại tiểu bang Florida đồng ý thông qua Dự Luật tăng mức lương tối thiểu lên 15 Mỹ kim một giờ, nhưng vẫn có trên 51% cử tri đã bầu cho ông Trump.
Khi ra tranh cử tổng thống năm 2020 ông Joe Biden và cánh tả cấp tiến đã hứa với cử tri sẽ thực hiện các chính sách trong đó có việc tăng mức lương tối thiểu lên 15 Mỹ kim một giờ cho tất cả người lao động ở Mỹ.
Nắm cả Thượng Viện lẫn Hạ Viện nhưng với 8 Thượng Nghị Sỹ đảng Dân Chủ phủ quyết Dự luật tăng mức lương tối thiểu đi kèm với Dự luật cứu trợ là thất bại đầu tiên của tổng thống Joe Biden nói riêng và của cánh tả cấp tiến nói chung.
Trong thời gian sắp tới, nếu ông Biden và cánh tả cấp tiến không thực hiện được lời hứa, thì việc này sẽ ảnh hưởng rất xấu đến các cuộc tranh cử giữa kỳ 2022 và tranh cử tổng thống 2024.
Chưa kể ông Biden đã đưa ra nhiều đề nghị khác như chi tiêu xây dựng hạ tầng cơ sở đường xá cầu cống lên tới 2,000 tỉ Mỹ kim cần đến 60 Thượng Nghị Sĩ đồng ý khó có thể được thông qua.
Thất bại của chính phủ
Khác với những người thuộc cánh tả cấp tiến, ông Trump cho rằng sự thất bại trong việc bảo vệ người lao động là vì các chính phủ trước đây đã quá tin vào kinh tế thị trường và chủ trương toàn cầu hóa.
Các chính phủ trước đây cho phép Trung Quốc thực hiện những hành vi thương mại không công bằng khiến hàng hóa nước này tràn ngập thị trường Mỹ, giết chết kỹ nghệ Mỹ, cướp công việc của người lao động Mỹ, làm suy yếu nước Mỹ.
Ông cho biết sẽ điều chỉnh những chính sách sai lầm và hứa hẹn sẽ mang lại công ăn việc làm cho tầng lớp lao động nếu ông thắng cử tổng thống năm 2016.
Các chính sách cắt giảm thuế, thu hút đầu tư quay trở lại Mỹ, thương lượng lại các Hiệp định thương mãi và trừng phạt kinh tế Trung Quốc đã giúp kinh tế Mỹ liên tục tăng trưởng, tạo ra công ăn việc làm, tăng mức lương và lợi tức cho người lao động.
Vào tháng 9/2019 tỉ lệ thất nghiệp ở Mỹ xuống chỉ còn 3.5%, có thể xem là tỉ lệ toàn dụng nhân lực (full employment), tỷ lệ thất nghiệp trong nhóm người lao động da màu cũng xuống dưới mức 6% lần đầu tiên kể từ thập niên 1960.
Từ năm 2017 đến năm 2019, nghĩa là 3 năm đầu nhiệm kỳ tổng thống Trump, thu nhập trung bình của các gia đình lao động Mỹ đã tăng thêm chừng 6,000 Mỹ kim.
Mặc dù đại dịch gây khủng hoảng kinh tế toàn cầu, vài tuần trước cuộc bầu cử tổng thống 2020 có tới 56% cử tri Mỹ cho biết mức sống của họ tốt hơn so với 4 năm về trước.
Con số này cao hơn nhiều, so với tỉ lệ cử tri trả lời câu hỏi tương tự vào các năm 1984, 1992, 2004 và 2012, dưới các thời Tổng thống Ronald Reagan, George H.W. Bush, George W. Bush và Barack Obama.
Chủ Nghĩa Trump là gì ?
Tại Hội nghị Hành động Chính trị Bảo thủ (CPAC) ở Orlando, Florida, vào ngày 28/2/2021, lần đầu tiên ông Trump giải thích “Chủ Nghĩa Trump (Trumpism) là gì?” lược dịch như sau:
“Chủ nghĩa Trump là những từ ngữ mới không phải do tôi (ông Trump) nghĩ ra nhưng càng ngày càng được nhiều người nói đến.
“Chủ nghĩa Trump là những thỏa thuận tuyệt vời, những giao dịch thương mại tuyệt vời, mà người Mỹ không phải trả bằng bất cứ giá nào, hay không phải cho đi mọi thứ từ công việc đến tiền bạc (như những thỏa thuận thương mại mà các chính phủ trước đây đã ký với thế giới).
“Chủ nghĩa Trump có nghĩa là thuế thấp và loại bỏ các quy định đã hủy hoại việc làm của người lao động…”
Ông Trump còn cho biết Phong Trào MAGA là để bảo vệ những lợi ích kinh tế, bảo vệ những giá trị văn hóa xã hội của người lao động Mỹ thuộc mọi chủng tộc, màu da và tín ngưỡng.
Như thế khác với những chính trị gia theo chủ nghĩa tân tự do và chủ nghĩa dân chủ xã hội, ông Trump không dựa trên lý thuyết để tranh cãi hay thuyết phục cử tri.
Ông dựa trên kết quả thực tế liên tục quảng bá đến cử tri những thành quả mà Chính phủ do ông lãnh đạo đã thành đạt.
Cách nói của ông Trump rất dễ hiểu với tầng lớp lao động và kết quả việc làm của ông dễ được họ nhìn nhận.
Chủ nghĩa Trump như thế không khác gì Chủ nghĩa thực dụng lấy hiệu quả và kết quả của việc làm để xây dựng triết lý và thu phục niềm tin của cử tri.
Chủ nghĩa thực dụng có ảnh hưởng sâu rộng trong xã hội Mỹ, nhờ thế ông Trump đã nâng số cử tri bầu cho ông lên đến gần 75 triệu người, thêm 10 triệu cử tri so với cuộc bầu cử năm 2016.
Những cuộc thăm dò dân ý gần nhất cho thấy đa số những cử tri đã bầu cho ông năm 2020 đến nay vẫn tiếp tục ủng hộ ông.
Về tương lai, ông Trump cho biết chỉ đề cử những ứng cử viên đảng Cộng Hòa công khai ủng hộ Phong trào MAGA, và các tổ chức hay chính trị gia đảng Cộng Hòa nếu không được ông Trump chính thức cho phép thì không được quyền sử dụng tên ông trong việc gây quỹ tranh cử.
Phản ứng của đảng Dân Chủ
Bấy lâu nay đảng Dân Chủ vẫn được xem là đảng bảo vệ quyền lợi của người lao động.
Ông Trump đã đảo ngược thế cờ, nếu nạn đại dịch không xảy ra kinh tế Mỹ tiếp tục tăng trưởng tạo thêm công ăn việc làm cho người lao động thì ông Biden không dễ gì thắng cử.
Đảng Dân Chủ biết rõ điều này, với tình trạng suy thoái kinh tế do đại dịch gây ra, kinh tế Mỹ khó có thể nhanh chóng phục hồi nói chi đến việc đưa kinh tế đến mức toàn dụng nhân lực.
Vì thế cánh tả cấp tiến đã bắt đầu bàn đến Chương trình New Deal có từ thời Tổng thống Franklin Roosevelt: chính phủ có bổn phận phải tăng ngân sách, tăng chi tiêu, bảo đảm công việc làm (Universal jobs guarantee) cho người lao động.
Còn cánh tân tự do, trong bài phát biểu hôm 3/3/2021 Ngoại trưởng Antony Blinken đã nhìn nhận một số giới chức trong chính phủ Mỹ trước đây đã mắc sai lầm khi tin tưởng các thỏa thuận tự do thương mại sẽ đem lại lợi ích to lớn cho người Mỹ.
Ông Blinken cho biết chính sách ngoại thương của Chính Phủ Biden là giành lại công bằng thương mãi cho nước Mỹ và bảo vệ quyền lợi của người lao động tại Mỹ.
Chính sách ngoại thương này không khác gì chính sách thời Tổng thống Trump, nước Mỹ đang tách dần khỏi chủ nghĩa tân tự do với thương mãi tự do và toàn cầu hóa, để ngả sang chủ nghĩa dân chủ xã hội hoặc sang chủ nghĩa hiện thực Trump.
Nguyễn Quang Duy
Melbourne, Úc Đại Lợi
12/3/2021
Post a Comment