Vương Trùng Dương
Như thường lệ, mỗi khi năm hết, Tết tới, báo chí Việt ngữ ở Little Saigon đều
thực hiện Giai Phẩm Xuân. Viết thì dễ nhưng chọn đề tài không trùng lặp với 12
con giáp (12 chi) cầm tinh xoay vần nên mất thời giờ sao lục.
Bước vào năm Canh Tý 2020, báo chí trong nước rầm rộ tung hê hình ảnh
“Con Chuột Vàng” đắc tài đắc lợi “chuột sa hũ nếp”.
Tháng 10 năm 2019, tôi viết bài Ông Năm Chuột & Số Phận Phan Khôi cho Giai
Phẩm Xuân của tuần báo Saigon Nhỏ. Tưởng nhớ 60 năm, ngày mất của cụ Phan Khôi
(1959-2019) và đề cập lại bài viết Ông Năm Chuột cũng là bài kết thúc sự
nghiệp sáng tác và cuộc đời Phan Khôi trên báo Văn số 36 ra ngày 10/1/1958.
Nhập đề bài viết:
“Nếu tác phẩm Dịch Hạch (La Peste) của nhà văn Pháp Albert Camus
(1913-1960) ấn hành năm 1947, tác phẩm Của Chuột & Người (Of Mice And
Men) của nhà văn Mỹ John Steinbeck (1902-1968) ấn hành năm 1937 góp phần
trong sự nghiệp sáng tác mang đến niềm vinh dự cho Albert Camus với Nobel
Văn Chương năm 1957 và John Steinbeck Nobel Văn Chương năm 1962 thì ngược
lại Ông Năm Chuột (truyện/ký) trên báo Văn đầu năm năm 1958 của nhà văn Việt
Nam Phan Khôi lại mang đến nỗi bất hạnh, nghiệt ngã trong sự nghiệp sáng tác
nhà văn dưới chế độ Cộng Sản”.
Bài viết cho báo Xuân mà đem tác phẩm Dịch Hạch có vẻ bi quan ra dẫn chứng cho
năm tới của con giáp đứng đầu trong “sổ phong thần” ra lạm bàn! Theo
truyền thuyết dân gian, chuột ma mãnh, láu cá… khi lội qua sông chầu Ngọc
Hoàng, sợ nước nên năn nỉ trâu cho đứng ở trên đầu, khi gần bờ thì nhảy phóc
lên trước nên đứng đầu sổ. Loài chuột chẳng hữu ích gì mà trở thành kẻ thù của
con người. Sống thì phá hoại mùa màng, nhà cửa… còn gây ra mối họa gieo rắc
rất nhiều những căn bệnh truyền nhiễm cho con người. Người ta ước tính chuột
có thể gây nên khoảng 35 căn bệnh khác nhau do virus từ chuột, trong đó nguy
hiểm nhất là bệnh dịch hạch.
Dịch hạch là căn bệnh do một loại virus có tên Yersinia pestis gây ra. Loại vi
khuẩn này được truyền từ chuột sang người qua trung gian bọ chét. Bọ chét và
vật ký sinh trên cơ thể chuột, hút máu chuột rồi nhiễm bệnh, sau đó chúng nhảy
sang ký sinh trên cơ thể người và gây bệnh.
Ở thế kỷ 14 dịch hạch đã gây nên thảm họa kinh hoàng, giết chết khoảng 30-40%
dân số của Châu Âu. Năm 1665 ở Anh dịch hạch đã gây nên cái chết cho 60.000
người… Tác phẩm La Peste (Dịch Hạch) của Albert Camus được dịch ra nhiều thứ
tiếng trên thế giới.
Câu chuyện xảy ra vào thập niên 1940, ở thành phố nhỏ Oran và chỉ là một tỉnh
của Pháp trên bờ biển Algérie bên bờ Ðịa Trung Hải. Tác giả mượn lời kể của
bác sĩ Bernard Rieux mô tả thủ phạm của phi lý và kinh hoàng vi trùng bệnh
dịch Nazi. Oran bị dịch hạch gây nên, cắt đứt với thế giới bên ngoài và ném
người dân chồng chất lên nhau mà chết, người nọ đè lên người kia, trong cô
đơn, không lối thoát.
Giữa cái không khí chết chóc bi thảm ấy và bất chấp hiểm họa bị lây nhiễm, bác
sĩ Rieux cùng đồng nghiệp và bạn bè lao vào cuộc chiến đấu để cứu vớt
người dân thành phố. Trước thảm cảnh bi thương, tang tóc, có những kẻ lợi dụng
cơ hội để mánh mung nhưng ca ngợi những tâm hồn cao thượng đầy tình người đã
bất chấp hiểm nguy đã tận tình xả thân cứu chữa.
Dịch bệnh giết người trôi theo thời gian nhưng nhờ tác phẩm của Albert Camus
đã cảnh báo cho nhân loại biết mối hiểm họa nầy.
Với tác phẩm Of Mice And Men (Của Chuột & Người) của John Steinbeck,
truyện vùa, chỉ có 6 chương, lấy tựa đề từ bài thơ To a Mouse của Robert
Burns. Được xem là tác phẩm kinh điển của văn học Mỹ vì được giảng dạy ở bậc
trung học của Mỹ. Bối cảnh xảy ra ở giai đoạn đại suy thoái, đại khủng hoảng
(the great depression) ở thập niên 1930, khoảng bảy triệu người chết vì nạn
đói. Đây làm thảm họa lớn nhất của xứ sở nầy!
John Steinbeck miêu tả tình bạn giữa Lennie và George như là một mối tình cảm
đẹp đẽ, hiếm hoi trong một thế giới mà người với người nghi ngờ canh chừng lẫn
nhau. Hai người trong cảnh khốn cùng thân nhau nhưng hành động bắn chết Lennie
của George ở cuối tác phẩm biểu hiện tình cảm anh em trong thế giới đầy thù
hận và bất trắc. Vả chăng George mang đến cho bạn mình cái chết nhẹ nhàng, tự
tay bắn chết Lennie để tránh cho Lennie khỏi cái chết thảm khốc, bị hành hạ
trong cuộc hành hình thảm khốc bởi bàn tay thù hận của Curly!
“Bức tranh vân cẩu vẽ người tang thương” như lời thơ trong Cung Oán
Ngâm Khúc.
Ông Năm Chuột của Phan Khôi xuất hiện, Đảng bắt Hội Văn Nghệ đình bản tờ Văn.
Ông và vợ con bị đuổi ra khỏi nhà, phải tìm nơi tá túc ở số 10 Nguyễn Thượng
Hiền, rồi căn nhà nhỏ tồi tàn 73 phố Thuốc Bắc… Ông bị hùa nhau đánh phá, đả
kích của những kẻ bồi bút. Tố Hữu lên án
“Bọn phá hoại dùng những thủ đoạn thâm độc, phao đồn tin nhảm, gieo hoang
mang, gây mâu thuẫn giữa các văn nghệ sĩ…. Chúng là những tên phản trắc, có
kẻ như Phan Khôi một đời đã năm lần phản bội Tổ Quốc”
(Học Tập, tháng 4, 1958). Dưới sự chỉ đạo của Tố Hữu, Hồng Quảng (bí danh của
lãnh đạo văn nghệ CS) gọi “Phan Khôi là kẻ phản quốc”, Nguyễn Công Hoan
xuyên tạc là “Hoạt động nằm vùng cho Mật thám Pháp”, Nguyễn Đổng Chi
quy kết “vong bản, phản dân tộc”, Tế Hanh mỉa mai:
“Há mồm lại nói nền dân chủ. Đạo đức ba que quả trái mùa”…
Phan Khôi viết Ông Năm Chuột thuật lại câu chuyện nơi cố hương liên quan đến
một người thợ bạc, tên là Năm Chuột vốn là người quen biết với gia đình Phan
Khôi. Năm Chuột bị người trong làng ghét vì họ cho rằng Năm Chuột là người
khoác lác. Tuy nhiên, khi có dịp tiếp xúc với Năm Chuột, Phan Khôi biết Năm
Chuột là người cương trực và có học nên Phan Khôi quí mến. Điều đáng tiếc,
thiện cảm của Phan Khôi với Năm Chuột bị những người trong gia đình và trong
làng khó chịu. Họ bực mình vì Năm Chuột biết quá nhiều cái xấu, cái sai của
họ. Khi viết lại truyện này, Phan Khôi quyết định đặt tựa đề truyện ngắn là
Ông Năm Chuột để tỏ lòng quí mến đối với nhân vật đó.
Tuy ghi lại những chuyện liên quan đến gia đình Phan Khôi, nhưng tác phẩm viết
với lối ẩn dụ đã bị giới chức cầm bút của Cộng Sản xem là nguy hiểm vì ám chỉ
rằng những người cầm quyền có nhiều thối nát, dầu có tìm cách che giấu những
sai lầm thì người dân thường vẫn biết. Cuối truyện có nhắc đến bài thơ Mại
Trúc Diêu nói về thân phận của người dân bị quan quyền ức hiếp. Người dân rất
uất ức nhưng không nói ra được. Nội dung câu chuyện Ông Năm Chuột, cộng với
việc ghi lại bài thơ, đã dẫn đến tờ Văn bị đóng cửa, tác giả lâm vào hoàn cảnh
nghiệt ngã!
Đoạn kết:
“Năm 1944, tôi ở Hà Nội, về nhà được mấy hôm thì thầy tôi mất. Làm đám
xong, tôi ở luôn trong nhà ba bốn tháng không ra khỏi cổng. Buồn quá, một
hôm tôi đi tìm anh ta. Ðến nơi, cái túp tranh không có nữa. Hỏi thì người ta
nói Năm Chuột dọn đi đâu đã lâu rồi. Từ đó tôi mất Năm Chuột của tôi.
Một lần, trước mặt ông Tú già, anh Giáp trong làng gọi Năm Chuột bằng ông,
ông Tú già đập bàn quở: 'Mày gọi thằng Năm Chuột bằng ông, thì gọi tao bằng
gì?' Tôi nghe mà tức mình, cho nên bài này, tôi nêu đầu đề là Ông Năm
Chuột”.
Câu nói của Ông Năm Chuột, tay chuyên về làm vàng bạc giả
“Có những kẻ ăn cướp thì không ai nói đến”… có lẽ đụng chạm đến Tuần Lễ
Vàng năm 1945… Kết quả trong 6 ngày đầu Tuần Lễ Vàng phong trào Quỹ Độc Lập -
Tuần Lễ Vàng ở Hà Nội đã thu được trên 2,300 lạng vàng, chưa kể các của cải
khác. Hà Đông thu được 399 lạng. Bình Định thu được 400 lạng, Đà Lạt 103 lạng,
Bắc Ninh 282 lạng, Thái Bình 370 lạng, Quảng Ngãi 44 kilô… Dĩ nhiên số vàng đó
cũng lọt vào những tay phù thủy cán bộ, không có ai dám đụng đến! Sau nầy
những ân nhân trong Tuần Lễ Vàng trở thành nạn nhân trong các vụ đấu tố kinh
hoàng, dã man… nhất là vào thời điểm 1955, 1956 với bao tội ác dã man nhất
trong lịch sử.
oOo
Đúng là năm con chuột 2020, không xảy ra bệnh dịch hạch mà bởi corona-virus
xảy ra từ Vũ Hán rồi từ đó lây lan khắp nơi gieo rắc nỗi kinh hoàng, chết chóc
trên toàn thế giới. Trong lịch sử nhân loại, chưa có bệnh dịch nào nguy hiểm,
lây lan nhanh chóng và đe dọa mạng sống trầm trọng như vậy. Ngoài tên gọi
Covid-19 còn có những tên gọi khác cũng gây tranh cãi như virus Vũ Hán, China
virus, Chinese virus… trên chính trường. Ở Mỹ lại càng xôn xao đỗ lỗi cho nhau
dịch bệnh vì đó cũng là đề tài cho thời điểm tranh cữ tổng thống. Tháng 3/2021
bệnh dịch hoành hành, nhiều giới chức tiểu bang, địa phương ban bố tình trạng
“Lockdown”, “Stay-at-home”, “Shelter-in-place”, “Safer-at-home”… cô lập ở nhà
cũng gây tranh cãi với chính quyền liên bang. Có khi quán xá bị đóng cửa,
đường phố vắng tanh… Buồn lơi! Chào mi!. Rồi chuyện tranh cãi về khẩu trang bị
Trung Cộng phỗng tay trên thu mua trước nên thiếu hụt trầm trọng, quan trọng
nhất ở bệnh viện, bác sĩ, nhân viên y tế chữa trị cho bệnh nhân… loạn xà ngầu!
Với bản thân, hầu như sáng nào cũng ra ngồi tán gẫu với bạn bè bên ly cà phê.
Trời mưa thì nhớ lại Đà Lạt, Pleiku; trời nắng thì nhớ Sài Gòn, Nha Trang, Đà
Nẵng… Hôm nào thức khuya dậy trễ thì nghe điện thoại gọi “báo thức”.
Đấu láo với nhau, chuyện chính trị ở xứ Cờ Huê chẳng có gì sôi nổi để lạm bàn
mà đem chuyện 3 trăm năm trước với Đặng Trần Thường sách mé
“Ai công hầu, ai khanh tướng, trong trần ai, ai dễ biết ai?” bị Ngô
Thời Nhiệm đáp trả
“Thế Chiến quốc, thế Xuân Thu, gặp thời thế, thế thời phải thế!” cho
nhân vật trên chính trường xứ Cờ Huê cũng lỗi thời.
Với công việc đảm trách tờ báo từ bài vở, layout chỉ mất 2 tuần lễ, thời gian
còn lại gặp bạn bè chén tạc chén thù cho ngày tháng qua nhanh. Thế mà bị
“cấm trại tại gia” nên chán ngấy. Không lẽ suốt ngày xem phim, nghe
nhạc… đọc báo thì phe nầy, cánh nọ gấu ó nhau, tiêu cực. May mà còn nhiều tác
phẩm được thân hữu tặng, đọc lại để “trả nợ tình xa”. Có 2 quyển sách
dự trù ấn hành nhưng còn dang dở, mà cũng chẳng thú vị gì chuyện sách vở khi
mọi người đang lo âu, phập phồng với bệnh dịch!
Để ngốn bớt thời gian, tôi viết loạt bài “Viết trong mùa đại dịch” điển
hình như: Từ tác phẩm Dịch Hạch đến dịch Covid-19, Chuyện Ruồi Bu:
“Văn Hóa” Khẩu Trang, Trong mùa dịch Covid-19 đọc lại Trăm Năm Cô Đơn,
Khẩu Chiến “Khẩu Trang Trung Quốc”: gậy ông đập lưng ông, Chết Dưới Tay
Trung Quốc: quá khứ & hiện tại… Trên chính trường với bài viết Ngọn Lửa
Hận Thù “Cuốn Theo Chiều Gió”…
Năm 1990 được định cư tại Mỹ, năm 1996 được vào quốc tịch, có quyền công dân,
cơ hội để làm bổn phận cử tri trong các kỳ bầu cử chính thức (tổng thống).
Năm 1996, giữa 2 ứng cử viên tổng thống Bill Clinton (Dân Chủ) và Bob Dole
(Cộng Hòa), tôi bầu ông Clinton vì thấy ông điển hình cho khuôn mặt tổng thống
của một siêu cường.
Năm 2000 George W. Bush (Bush con, CH) và Al Gore (DC), năm 2004 George W Bush
và John Kerry (DC), tôi bầu ông Bush con vì ngưỡng mộ hình ảnh ông Bush cha.
Năm 2008 Barack Obama (DC) và John McCain (CH), tôi bầu ông McCain vì ông tham
chiến và bị tù trong chiến tranh VN. Năm 2012 Barack Obama và Mitt Romney
(CH), tôi bầu ông Mitt Romney.
Năm 2016 Hillary Clinton (DC) Donald Trump (CH), tôi bầu ông Donald Trump, và
năm 2020 Donald Trump và Joe Biden (DC) tôi bầu ông Donald Trump.
Khi tôi được nhập tịch, người bạn thân cùng khóa, nằm cạnh nhau trong quân
trường, bạn ta là khuôn mặt khá quen thuộc của đảng Cộng Hòa ở Quận Cam. Có
lần bạn hỏi, “Có thích vào đảng Cộng Hòa không?”. Tôi trả lời, ngụ ý,
sau năm 1975 bị đảng dập cho tan nát nên nghe chữ đảng thì bị dị ứng. Hơn nữa,
làm thân tị nạn, nhỏ như hạt cát trong sa mạc, bản thân còn lo chưa xong thì
chuyện đảng phái như “người đi trên mây”. Lỡ trót theo nghề báo thì giữ
khách quan để có dịp hỗ trợ cho các ứng cử viên gốc Việt trong cộng đồng ở địa
phương.
Khi cộng tác với các tuần báo Tình Thương, Đất Nước, KBC Hải Ngoại, Trách
Nhiệm… và cả tờ Cali Weekly của tôi, trong các cuộc bầu cử dân cử ở tiểu bang
California, Quận Cam, thành phố Westminster, Garden Grove, Fountain Valley,
Santa Ana… với ứng cử viên thế hệ thứ hai của Quân Cán Chính VNCH, các báo và
tôi góp phần quảng bá.
Hè năm 2008, nhật báo Saigon Nhỏ ra đời, tôi đảm trách Section B, chị chủ
nhiệm Hoàng Dược Thảo (hình như ở đảng Dân Chủ) nhưng trong các lần bầu cử địa
phương, chị vẫn khách quan khi tôi giới thiệu các khuôn mặt tranh cử thế hệ
trẻ, con em Quân Cán chính VNCH, không phân biệt Dân Chủ hay Cộng Hòa, chị
cũng biết tính tôi, không bao giờ nhận tiền, quà biếu để viết bài giới thiệu.
Ngoài ra, các báo cũng nhận quảng báo, không phân biệt là thành viên Cộng Hòa,
Dân Chủ.
Tôi chưa thấy quảng cáo nào của ứng cử viên tổng thống từ sơ bộ đến chính thức
trên báo chí Việt ngữ, có lẽ ban vận động của 2 chính đảng chẳng quan tâm đến
cộng đồng thiểu số này?
Trong mùa đại dịch năm nay, ở nhà quẫn trí, đôi khi
“nhàn cư vi bất thiện”, nhân dịp bầu cử tổng thống 2020, theo đuôi
truyền thông Hoa Kỳ, nhảy vào trận chiến. Ngay cả ông/bà ở tận trời xa, chưa
biết rõ thể thức bầu cử ở Mỹ cũng hùa nhau xung đột. Nếu ủng hộ ứng cử viên
tổng thống của Cộng Hòa, Dân Chủ thì dẫn chứng, nêu ra thành tích, lập trường
của ứng cử viên đó trong quá khứ, hiện tại để cử tri gốc Việt nhận chân để bàu
chọn hợp lý. Nhưng, xảy ra tình trạng “hổ lốn” đả kích lẫn nhau, dùng
ngôn ngữ “chợ búa” miệt thị người ủng hộ ƯCV khác quan điểm.
Đã trải qua 45 năm sống trên xứ người, hấp thụ nếp sống văn minh, được hấp thụ
nền giáo dục thời VNCH nhưng nay xảy ra tình cảnh
“gà nhà bôi mặt đá nhau”!
Buồn thay, ngay trong đám bạn bè, đã một thời sinh tử bên nhau, đồng môn, đồng
hương, đồng nghiệp… vì người chọn ƯCV nầy, người chọn ƯCV kia nên bất đồng,
bất hòa không nhìn mặt nhau. Điều nầy tôi đã viết bài phiếm Ngẫm Chuyện:
Cuồng. Nghĩ cho cùng, thật vô lý giữa cái tình
“tha hương ngộ cố tri” sống nơi xứ người, cõi tạm… sao lại nỗi hứng đối
đầu với nhau. Ta viết, ta đọc, ta chửi, ta nghe… mà trong quá khứ chưa bao giờ
xảy ra tệ trạng này! Đến nỗi trong gia đình, người thân với nhau cũng chia là
hai phe!
Với thân phận của người Việt tị nạn “nhập gia tùy tục” nên có cơ hội
gióng lên tiếng nói để chia sẻ, đóng góp sao cho hợp tình, hợp lý, biết tôn
trọng lẫn nhau… hầu làm tấm gương cho thế hệ mai sau.
Tôi đảm trách nguyệt san Chiến Sĩ Cộng Hòa, với tờ báo lính, để giữ sự khách
quan và trung thực nên trong mục Chính Trị & Diễn Đàn, không đăng bài viết
nào ủng hộ ƯCV tổng thống thống và 2 chính đảng.
Trước đây, tôi viết về lập trường cá nhân, với Trung Hoa từ ngàn xưa đã gây
mối thù truyền kiếp với đất nước ta và nay là Trung Cộng. Chúng ta hận nhưng
không bao giờ làm được điều gì để chống hiểm họa phương Bắc và hình ảnh 74 tử
sĩ QLVNCH trong trận chiến Hoàng Sa năm 1974 thường được nhắc đến vào tháng
Giêng mỗi năm nơi xứ người. Nay có người chống mưu đồ của Trung Cộng nên ủng
hộ, chỉ đơn giản thế thôi trong tâm thức người lính với Thánh Tổ Nguyễn Trãi
qua Bình Ngô Đại Cáo. Vì vậy tôi viết các bài ủng hộ TT Trump, điển hình như
TT Trump, người lội ngược dòng, và TT Trump, vị Tổng Tư Lệnh tôn vinh Quân Đội
Mỹ… nhưng bài viết chỉ phổ biến trên các trang website, không đăng vào tờ báo.
Vì tôi nghĩ rằng khi đăng các bài nầy, có bài viết feedback khác quan điểm mà
không phổ biến thì thiếu sự khách quan của tờ báo lính.
Năm con chuột này sao tai họa dịch bệnh ập đến trong đời sống con người trên
thế giới mà ngay xứ Cờ Huê nầy vừa dịch bệnh đe dọa mạng sống vừa xảy ra biến
động trên chính trường! Đến lúc nào mới được thở phào, nhẹ nhõm, bình yên?
Có lẽ bài viết Viết Cuối Năm Con Chuột là bài viết cuối cùng của cuộc đời liên
quan đến con giáp nầy. Có lẽ đến năm Nhâm Tý 2032, không còn viết nữa vì sẽ là
người thiên cổ, trở về hư vô & cát bụi.
Little Saigon, Feb 07, 2021
Vương Trùng Dương
Subscribe to:
Post Comments
(
Atom
)
Post a Comment