Header Ads

Tóc Mai Sợi Vắn Sợi Dài


Bùi Quý Chiến

Bài ca "Tóc mai sợi vắn sợi dài" của Phạm Duy là câu chuyện tình của đôi trai gái vừa tới tuổi dậy thì. Tình yêu lúc đầu còn vụng dại, nhưng dần dần trở nên thắm thiết. Rồi có lẽ là điềm xấu, đôi tình nhân thường ca câu mẹ dạy:

Lan huệ sầu ai lan huệ héo
Lan huệ sầu đời trong héo ngoài tươi.

Thế là tan vỡ tình yêu. Em về nhà chồng, anh trở thành nghệ sĩ. Em yên vui chồng con, anh dù phải lo cơm áo nhưng vẫn đàn ca và gieo rắc tình yêu khắp nơi. Tuy nhiên anh vẫn nhớ thương người tình đầu và mỗi khi ca bài mẹ dạy "lan huệ sầu đời trong héo ngoài tươi" nước mắt anh lại lăn trên má.

Kết thúc bài nhạc là câu ca:

Tóc mai sợi vắn sợi dài
Lấy nhau chẳng đặng thương hoài ngàn năm.

Mỗi khi nghe bản nhạc này tôi lại thắc mắc: mối tình lỡ dở có liên quan gì tới tóc mai sợi vắn sợi dài?

Cho tới khi tình cờ đọc được một câu ca dao trong cuốn Tục ngữ phong dao Việt nam của Nguyễn văn Ngọc, điều tôi thắc mắc bấy lâu mới được giải đáp.

TRÚC MAI

Qua thi văn và ca dao ta thường gặp từ "trúc mai".

Trúc là cây tượng trưng cốt cách của người quân tử. Con dấu của Tổng thống Ngô đình Diệm có bụi trúc với ý nghĩa này.

Trúc trong nhóm chữ "mai lan cúc trúc" tượng trưng cho mùa đông trong 4 mùa xuân hạ thu đông.

Mai trong từ "trúc mai" không phải cây mơ nở hoa trắng vào mùa xuân. Trong rừng Bắc Việt có một giống thuộc họ tre nhưng thân lớn và cao dùng làm cột nhà hoặc cột buồm. Loại này gọi là bương hoặc mai. Trong bài ca dao "Lính thú đời xưa" có câu:

Miệng ăn măng trúc măng mai
Những giang cùng nứa lấy ai bạn cùng.

Hán tự có câu "vật dĩ loại tụ" nghĩa là những vật cùng loại thì tụ họp với nhau. Trúc và mai cùng là họ tre thường mọc gần nhau. Do đặc tính này người xưa dùng từ "trúc mai" tượng trưng cho tình vợ chồng hoặc tình trai gái yêu nhau.

Bài kinh nghĩa với đề tài "Mẹ ơi con muốn lấy chồng", Lê quý Đôn viết:

Mà duyên phận vuông tròn thì sum vầy cành trúc tựa cành mai.

Truyện Phan Trần, Phan sinh tỏ tình với Kiều Liên nhưng bị nàng cự tuyệt; nếu chàng nài ép, nàng sẽ nhảy xuống giếng tự tử:

Dù chàng ép trúc nài mai
Tìm nơi giếng cạn thấy người hồng nhan.

Truyện Kiều, Thúc sinh chuộc Kiều về làm thiếp:

Một nhà sum họp trúc mai
Càng sâu nghĩa bể càng dài tình sông.

Ca dao có câu:

Ai đi đường ấy hỡi ai
Hay là trúc đã nhớ mai đi tìm
Tìm em như thể tìm chim
Chim ăn bể bắc đi tìm bể đông.

Qua mấy dẫn chứng trên đây, "trúc mai" rõ ràng tượng trưng tình nghĩa vợ chồng và tình yêu trai gái.

THỀ NGUYỀN

Ngày xưa trai gái yêu nhau thường thề nguyền sẽ nên vợ nên chồng và ăn ở với nhau trọn đời. Cách thề khác nhau tùy theo giai cấp.

Kiều và Kim Trọng:

Tiên thề cùng thảo một chương
Tóc mây một món dao vàng chia đôi
Vầng trăng vằng vặc giữa trời
Đinh ninh hai miệng một lời song song.

(tiên thề = lời thề viết trên giấy hoa tiên)

Kiều và Thúc sinh:

Cùng nhau căn vặn đến điều
Chỉ non thề biển nặng gieo đến lời.

Ca dao:

Gió vàng hiu hắt đêm thanh
Đường xa dặm vắng xin anh đừng về
Mảnh trăng đã trót lời thề
Làm chi để gánh nặng nề riêng ai.

(gánh nặng nề = sầu tương tư)

Cả 3 trường hợp thề nguyền trên đây đều có vầng trăng chứng kiến hoặc người thề phải chỉ non, chỉ biển.

Tuy nhiên có một câu ca dao mô tả cách thề của một cặp trai gái rất lạ kỳ:

Đôi ta đã trót lời thề
Con dao lá trúc đã kề tóc mai
Dặn rằng ai chớ quên ai.

Hóa ra "con dao lá trúc" tượng trưng cho cây trúc (dao có lưỡi mỏng và dạng giống lá trúc) và "tóc mai" tượng trưng cho cây mai vì đồng âm "trúc mai".

Chàng kề dao lá trúc vào tóc mai của nàng rồi cả hai cùng thề: cây trúc và cây mai sẽ ở bên nhau trọn đời.

Cho nên "lấy nhau chẳng đặng" khiến cây trúc (con dao lá trúc) phải ra đi, bỏ lại cây mai (tóc mai sợi vắn sợi dài) với nỗi "thương hoài ngàn năm".

Có lẽ đây là cách chơi chữ của mấy anh đồ ngày xưa. Lúc đầu là trò chơi, sau dần dần trở thành ca dao và ngày nay trở thành lời ca khó hiểu.

Người xưa còn chơi chữ bằng cách dùng vật cụ thể thay cho ý trừu tượng nếu vật và ý có tên đồng âm.

  • Thí dụ: Chữ "phúc" nghĩa là đời sống sung sướng đồng âm với phúc nghĩa là con dơi; người xưa lấy hình con dơi tượng trưng cho hạnh phúc. Do đó phù điêu chạm trổ trên những đồ nội thất như bàn thờ, tủ thờ, tủ chè, câu đối, sập gụ và tràng kỷ đều có hình con dơi dang 2 cánh.
  • Thêm một thí dụ: Chữ "khánh" có nghĩa là chúc mừng nhưng cũng có nghĩa là một nhạc cụ được dùng cùng với chiêng, trống và chuông trong cuộc tế lễ ở đền, chùa, miếu, đình. Khánh bằng đồng có dạng như vầng trăng đêm mùng năm hoặc sáu và được treo trên giá gỗ như chuông.
    Vì đồng âm nên khánh tượng trưng cho lời chúc mừng, do đó đồ mừng sang trọng nhất trong dịp khánh thọ là chiếc khánh bằng vàng treo trong hộp kính.

KHÔNG GIỮ TRỌN LỜI THỀ 

Bài ca "Đưa em tìm động hoa vàng" do Phạm Duy phổ nhạc từ thơ của Phạm thiên Thư, trong đó nhà thơ có ý thơ rất lạ.

Ngày xưa có gã buồn vì bạn đời mất sớm nên từ quan lên núi tìm động hoa vàng để tưởng nhớ bạn đời.

Gã trách bạn đời bỏ gã ở lại là không còn yêu gã:

Thôi thì em chẳng còn yêu tôi
Leo lên cành bưởi khóc người dưng dưng
Thôi thì thôi, mộ người tà dương 
Thôi thì thôi nhé đoạn trường thế thôi.

Chưa hết! Gã còn trách bạn đời không giữ trọn lời thề với gã:

Nhớ xưa em xõa tóc thề
Nhìn trăng sao nỡ để lời thề bay
Hẹn nhau tàn cuộc hoa này
Chập chờn cánh bướm đồi tây hững hờ.

Bạn đời và gã đã thề sống bên nhau trọn đời (tàn cuộc hoa này) vậy mà bạn đời nỡ bỏ bỏ gã ở lại một mình như cánh bướm chập chờn bên xác hoa rơi.

Cuộc chia ly kẻ âm người dương coi như kẻ âm không còn yêu và không giữ trọn lời thề với người dương.

Bài ca "Mình ơi" của nữ nhạc sĩ Diệu Hương cũng có ý tương tự như Phạm thiên Thư.

Ngày xưa yêu nhau phải thề giữ lời cam kết với nhau. Ngày nay chỉ cam kết cũng đủ tin cậy.

Nội dung bài ca "Mình ơi" là những lời tác giả thay lời thiếu phụ khóc chồng với nỗi buồn và oán trách:

Mình đi, đi mãi quên lời
Quên lời ước hẹn một đời sắt son.

Chồng khóc vợ và vợ khóc chồng, ai sầu hơn ai?

Bùi Quý Chiến

--------------------------------------------------

Tham khảo
-Tục ngữ phong dao Việt nam của Nguyễn văn Ngọc.
-Từ điển văn liệu của Nguyễn văn Minh.
-Chữ nghĩa Truyện Kiều của Lê văn Hòe.
-Việt nam thi văn hợp tuyển của Dương quảng Hàm
-Truyện Kiều của Nguyễn Du.
-Thi văn bình chú của Ngô tất Tố.
-YouTube Tình ca Diệu Hương, Music Box số 21 của Paris by night.



No comments

Powered by Blogger.