LS. Ngô Tằng Giao
Mỗi khi “xuân vừa về trên bãi cỏ non…” lòng xuân phơi phới, bốn trò
tiêu khiển “Cầm, Kỳ, Thi, Tửu” thường được dịp…
“leo thang.” Các Cụ ta ngày xưa luôn ca tụng bốn món này là:
“Cầm, Kỳ, Thi, Tửu, đường ăn chơi mỗi vẻ một hay.”
“Hay” ở đâu thì không rõ nhưng trong sách Giáo Khoa Thư dạy học trò
tiểu học thuở trước đã vạch rõ ra cái “không hay” trong bài
“Người say rượu”:
Các anh hãy trông người kia đi ngoài đường. Mặt đỏ gay, mắt lờ đờ,
quần áo xốc xếch, chân đi xiêu bên nọ, vẹo bên kia, múa chân múa tay,
mồm nói lảm nhảm, chốc lại ngã chúi một cái. Lũ trẻ đi theo sau, reo
cười chế nhạo. Thỉnh thoảng anh lại đứng lại, nói những chuyện gì ở
đâu đâu. Người qua lại, trông thấy cũng phải tránh xa.
Người ấy vừa ở hàng rượu ra. Chỉ tham mấy chén rượu mà thành ra say
sưa, mất cả tư cách con người, có khi như là con vật vậy, thật là đáng
khinh bỉ. Hỡi các anh, các anh đã trông thấy người say rượu như thế,
thì nên lấy đó làm gương mà giữ mình.
Ở phương trời Tây, thi sĩ Shakespeare cũng từng nghiêm khắc phê phán chuyện
nghiện rượu:
“Thượng đế ôi! Con người đã đặt một kẻ thù ở trong miệng họ để lấy cắp
trí não họ đi! Thế mà chúng ta lại hoan hỉ, vui thú, hớn hở và tán dương
để tự biến chúng ta thành những thú vật” (transform ourselves into
beasts).
oOo
Tuy thế nhiều người lại ca tụng rằng người phong lưu phải biết uống rượu
và con người lịch sự thì phải “tửu tam bôi”, nghĩa là rượu ba chén.
Nhất là đàn ông, con trai mà không biết uống rượu thường bị chê là
“nam vô tửu như kỳ vô phong”, trai mà không uống rượu như là cờ
không có gió. Chao ôi! Cờ mà không có gió thì nó teo lại và rũ xuống như
“kim đồng hồ chỉ sáu giờ rưỡi”, trông... mất hào khí và mất thẩm mỹ
vô cùng.
Để phản đối lời thi sĩ Shakespeare nói trên, dân làng nhậu viện dẫn lời V.
Hugo nói:
“Thượng Đế chỉ sáng tạo nước, con người đã chế ra rượu” và tiếp đó
là liệt kê tên tuổi các quý vị nổi danh như Lý Bạch, Edgar Allan Poe,
Raymond Carver, F. Scott Fitzgerald và William Faulkner v.v… và nói rằng
chính các vị này cùng tuyên phán rằng cần phải uống rượu để tìm cảm hứng.
Baudelaire còn nói lả lướt hơn:
“Chiều nọ, linh hồn của rượu hát trong chai” (Un soir, l’âme du vin
chantait dans les bouteilles).
Vậy thì xin
“ngày Xuân nâng chén, ta chúc nơi nơi…” cho thêm phần “hưng phấn.”
Hãy nhớ châm ngôn của bợm nhậu là:
“If you drink, you will die. If you don’t drink, you will die, too. So,
let’s drink and die. And die happy.” (Nếu anh uống rượu, anh sẽ toi. Nếu
anh không uống, anh cũng sẽ ngỏm. Cho nên, ta hãy uống đi và chết tiêu.
Nhưng chết sung sướng).
Nhiều bợm nhậu khác lại tuyên bố:
“Rượu bất khả ép, mà ép thì bất khả từ”. Nhưng nếu đến Nhật Bản
thời xin cẩn thận nhé!, Đừng mang theo thói quen mời rượu, ép rượu bởi vì
căn cứ vào điều luật
“phòng ngừa say rượu gây rối loạn an ninh trật tự” thời hành vi ép
người khác uống rượu sẽ bị phạt giam giữ 48 tiếng và phạt tiền với mức cao
nhất lên đến 10.000 yên. Nếu như người bị ép say rượu gây chuyện phạm pháp
thì người ép rượu cũng bị tội theo.
Có người rất thích uống rượu như Trương Hàn, nói trong sách Tấn thư rằng
“Sử ngã hữu thân hậu danh, bất như tức thời nhất bôi tửu”, có nghĩa
là
“Cho ta cái danh sau khi chết không bằng cho ta một chén rượu ngay bây
giờ”. Cứ tưởng anh Tàu nói chuyện chơi ai dè lại có một chàng Mỹ bị ảnh hưởng
bởi câu này. Thật vậy! Cuối năm 2013 báo Washington Post cho biết Thiếu
Tướng Không Quân Mỹ là Michael Carey có trách nhiệm về võ khí nguyên tử đã
bị giải nhiệm vì uống rượu quá nhiều, lại cặp kè với hai phụ nữ đáng nghi
ngờ ở Nga khi ông gặp họ tại quầy rượu khách sạn trong chuyến công tác ở
Moscow. Nhìn ảnh ông thì thấy cũng đẹp lão, ngực lại đầy huy chương. Đáng
buồn vì có thể chiến thắng tại chiến trường nhưng lại khó thắng nổi chút
quyến rũ của ma men và người đẹp trường túc!
Lắm người uống rượu thường muốn trở thành… nổi danh. Tin tại Paris, Pháp
vào tháng 11-2014 cảnh sát phải mở cuộc điều tra về cái chết của một người
đàn ông tuổi ngoài 50, sau khi ông này nốc đến cốc rượu thứ 56 trong một
cuộc đọ sức tại một quán rượu. Ông này muốn vượt kỷ lục 55 cốc trước đây.
Ông làm một hơi 30 cốc chỉ trong một phút. Vua “lưu linh” được chở
về nhà trong tình trạng say khướt rồi sau đó thì xe cấp cứu đến đưa vào
bệnh viện, nơi ông qua đời vào hôm sau. Con gái ông, cho biết ông trải qua
một cơn hôn mê và trụy tim trước khi tắt thở.
oOo
Thời xưa có người trước khi ra trận mạc cũng muốn uống rượu, rót rượu bồ
đào vào chén lưu ly nhưng bị tiếng đàn tì bà giục giã phải lên ngựa ra đi
như trong bài “Lương châu từ” của Vương Hàn:
“Bồ đào mỹ tửu dạ quang bôi.
Dục ẩm tì bà mã thượng thôi.”
Thời nay nào còn nghe đâu thấy tiếng “tì bà” giục ta đi nữa, họa
chăng chỉ còn tiếng... “quý bà” giục chồng ngưng uống để còn tỉnh
táo mà lái xe về! Điều này cũng “tốt thôi!” Nâng ly rượu dù là ngày
thường hay đầu Xuân quả là thú vị nhưng “chén chú, chén anh” đến
nỗi “xỉn” lên, “xỉn” xuống thì cũng phiền toái vô cùng. Cứ muốn làm... anh
hùng xa lộ, cứ loạng quạng đổi “lane”, lấn vạch, tăng giảm tốc độ bất
thường là lộ ngay. Chắc chắn ta sẽ bị nhân viên công lực chặn lại và bị
bắt làm nhiều trò lắm. Thử hơi thở để đo nồng độ rượu là một trong những
trò chính. Ta phải thở hơi vào một cái máy có... hỗn danh là
“breathalyzer”. Máy này đo nồng độ rượu trong cơ thể. Nếu máy chỉ .10 (một
phần mười của một phần trăm) là có chuyện... “khổ đế” đấy.
Ta có quyền từ chối không chịu thử nghiệm. O.K.! Không sao cả! Theo Hiến
Pháp Hoa Kỳ thì không ai có quyền đụng chạm vào thân thể ta nếu ta không
đồng ý, nhưng bằng lái xe của ta có thể bị “treo giò” trong một
thời gian đấy. Người bị chận xét có quyền từ chối phương pháp thử nghiệm
này. Nhưng họ cần biết rằng, hành động từ chối thở vào máy thử hơi rượu đã
là một bằng chứng để cơ quan DMV tự động rút bằng lái xe của họ trong thời
gian 6 tháng, có khi cả năm trời. Hầu như có một sự
“thỏa thuận ngầm” về vấn đề thử nghiệm này. Luật cho rằng khi ta
xin cấp phát bằng lái xe là đã đương nhiên đồng ý chịu thử hơi thở hay
ngay cả thử máu, thử nước tiểu khi cần rồi (presumed to have consented to
taking the test and refusal to take the test may result in the automatic
loss of one’s driver’s license.)
Các nhân viên công lực này còn nhiều trò nữa. Yêu cầu ta cúi xuống nhặt
một đồ vật ở dưới đất lên xem ta có định hướng được hay không. Yêu cầu ta
chỉ đứng một chân xem có vững không. Đi theo một đường thẳng xem có chệch
không. Nhắm mắt, ngửa đầu, dang hai tay xem có giữ được thăng bằng không.
Đọc bảng chữ cái A,B,C... theo kiểu “đố vui để... chọc” xem ta có
bị líu lưỡi không. Làm vài bài toán cộng trừ... của con nít xem ta có tỉnh
táo không. Thôi thì đủ chuyện cả. Chẳng còn ra cái thể thống gì nữa! Loạng
quạng có vẻ “xỉn” là lập tức được thân ái tặng ngay một cái còng... số 8
vào cổ tay để đón Xuân ở một nơi khác, chứ không phải dưới “mái ấm gia
đình” của mình nữa. Mất mặt... “anh hùng” hết!
Người phạm tội “xỉn” khi lái xe thôi thì đủ mặt. Tháng 5-2013 tại xứ Cờ
Hoa, Giám mục Robert J McManus, 61 tuổi, trưởng một Giáo Phận, bị cảnh
sát bắt về tội say rượu lái xe, rời khỏi hiện trường sau khi xảy ra
tai nạn, và từ chối không cho thử máu. Sau đó phát biểu qua một văn bản,
ông nói:
“Tôi đã xét đoán hết sức sai lầm vì cầm lái sau khi vừa uống rượu trong
buổi ăn tối… Điều quan trọng là, tôi xin những giáo dân gương mẫu mà tôi
đang phục vụ hãy tha thứ cho tôi, kể cả gia đình và bằng hữu của
tôi...”
Chẳng phải chỉ là nam nhi mới bị tội “xỉn”. Hoa hậu Mỹ với chiều cao 1,73
m (các cụ thường phán là trường túc bất chi lao) và gương mặt đẹp huyền bí
kiểu phụ nữ Trung Đông cũng đã từng bị bắt giam vì lái xe khi say rượu. Mỹ
nhân 26 tuổi Rima Fakih -người nắm giữ vương miện Miss USA năm 2010- bị
cảnh sát bắt giữ vì lái xe khi nồng độ cồn trong máu cao gấp đôi mức cho
phép. Nàng bị cảnh sát bắt giữ vào một buổi sáng sớm khi đang lái xe qua
công viên Highland ở Michigan, Mỹ. Lúc bị bắt, nồng độ cồn trong hơi thở
của nàng ở mức .20 tức là cao gấp đôi so với lượng cồn cho phép đối với
người tham gia giao thông tại tiểu bang Michigan. Nàng phải trải qua vài
giờ ngồi sau song sắt nhà tù. Người đẹp có buổi tiệc tùng, vui chơi bên
bạn bè trong tối hôm trước và dường như đã uống rất nhiều.
Lái xe khi say rượu là tội “Drive Under the Influence” (D.U.I). Ta
cũng nên biết “D.U.I” không chỉ là uống rượu lái xe, mà còn áp dụng trong
những trường hợp người lái xe bị ảnh hưởng bởi các loại ma túy, các loại
thuốc có thể gây buồn ngủ khiến không kiểm soát được tay lái. Có hai cách
phân biệt giữa D.U.I vì rượu, vì ma túy hay vì uống thuốc là thử máu và
thử hơi thở. Cảnh sát, sau khi chận xét một người vì ngờ rằng người đó
trong tình trạng D.U.I, sẽ dùng dụng cụ thử máu để xác định xem mức độ
rượu (có hay không và nếu có là bao nhiêu phần trăm) trong máu người đó.
Ngoài ra, cảnh sát cũng có thể yêu cầu người lái xe thở vào một dụng cụ đo
nồng độ rượu trong hơi thở.
Cũng cần lưu ý thêm là nếu ta lái xe gây tai nạn mà “dzọt” luôn thì phạm
tội “hit-and-run”. Nếu vì say rượu mà “hit-and-run” thì hậu
quả nghiêm trọng lắm vì có thể bị truy tố về tội “đại hình” (felony). Luật
pháp buộc người lái xe gây ra tai nạn phải ngừng tại chỗ và đứng lại
“nói chuyện phải quấy” với người lái xe đối phương cũng như khai
trình mọi chi tiết liên hệ cho nhân viên công lực. Có người cho rằng phạm
tội... “kiss-and-run” còn tạm tha được chứ phạm tội
“hit-and-run” thì... hết thuốc chữa!
Các bậc phụ huynh đời nay có con ưa uống rượu có thể sử dụng một loại vòng
đo hơi rượu để theo dõi. Vòng đeo điện tử này có tên là Scram. Vòng sẽ
kiểm soát mồ hôi của người đeo và sẽ dò ra hơi rượu xuyên qua làn da, nếu
quá một mức độ quy định, vòng này sẽ báo về công ty và viên chức tòa án để
báo động, nhằm ngăn cản người này lái xe.
oOo
Nhân nói chuyện uống rượu cũng cần nói thêm về “chỗ” để uống rượu
và tuổi để uống rượu nữa. Luật pháp không cấm ta uống rượu miễn là uống
tại nơi riêng tư, thí dụ như tại nhà riêng chúng ta trong những buổi
“party” đãi đằng khách khứa. Luật chỉ cấm uống nơi công cộng. Hơn
nữa muốn uống rượu thì người uống phải đủ một số tuổi nào đó, thường là
18.
Các cụ nhà nho ta thời trước không biết có học... luật hay không mà thấy
các cụ khôn quá. Chẳng uống rượu nơi công cộng để thêm rắc rối với luật
pháp. Các cụ nằm khàn trong nhà, vừa để tránh khỏi nghe tiếng chủ nợ “réo nợ”
vào ngày 30 Tết, vừa “lai rai ba sợi” tại gia cho an toàn. Cụ Tam
Nguyên Yên Đổ vừa... nhậu vừa làm “câu đối”:
“Tối ba mươi, nợ réo tít mù, ấy mới Tết!
Sáng mồng một, rượu tràn Quí Tị, ái chà Xuân!”
Cụ Nguyễn Công Trứ cũng là một... “hàn nho”. Cụ chắc cũng từng nhiều phen
bị chủ nợ đến đòi tiền, réo nợ vào chiều ba mươi Tết nên Cụ đặt rất nhiều
hy vọng vào sáng mồng một Tết trong năm mới. Cụ cũng làm câu đối và tất
nhiên cũng không dại gì mà ra uống rượu nơi công cộng:
“Chiều ba mươi, công nợ réo tít mù, co cẳng đạp thằng Bần ra cửa!
Sáng mồng một, rượu chè say tuý lúy, giơ tay bồng ông Phúc vào nhà...”
Tục truyền rằng cái ông thi sĩ nổi danh Lý Bạch một đêm khi chơi thuyền
trên sông Thái Thạch (khúc sông Dương Tử ở chỗ có hòn Thái Bạch), trong
khi say rượu thấy bóng trăng ở lòng sông ông nhảy choàng xuống để đòi ôm
trăng đến nỗi phải chết đuối. Ông cùng với trăng vĩnh viễn an giấc ngàn
thu! Người đời sau dựng một cái đài ở đấy gọi là
“Tróc nguyệt đài” (Đài bắt trăng). May mà ông ấy chết đuối lúc đó
chứ không thì cũng bị ở tù vì tội uống rượu nơi công cộng mất thôi.
Nhưng cũng có người thắc mắc rằng Lý Bạch tưởng lầm trăng dưới lòng sông
là trăng thật nên mới chết đuối, hay chính Lý Bạch vì đã thấy rõ rằng cả
trăng trên trời lẫn trăng dưới lòng sông đều là trăng giả và tất cả mọi sự
trên cái cõi ta bà này đều là giả tạm, đều là ảo hóa. Nếu hiểu như vậy thì
cái chết của Lý Bạch chính là một hành động “tự tử” tuyệt đối phủ nhận
cuộc đời chứ chẳng phải Lý Bạch đã chết vì say rượu, vì nhận lầm. Giữa say
với tỉnh, điên với không điên, mộng với thực... biên giới quả là mong
manh.
Nhân nói về nơi uống rượu có lẽ cũng phải đề cập tới một nhân vật đặc
biệt. Thưa đó là chàng Aaron Collins, 38 tuổi. Vào tháng 7-2015 cảnh sát
New York cho hay chàng này say khướt vào buổi tối và nằm lăn ra ngủ giữa
đường rầy. Không rõ chàng có ngồi “độc ẩm” tại nơi này không! Đoàn
xe lửa chở hàng của công ty Pan Am dài hơn 1.6 km tiến tới vào lúc khoảng
10 giờ 30 phút tối. Người lái đoàn tàu nhìn thấy chàng Collins nằm trên
đường rầy và tìm cách thắng lại nhưng không kịp, khiến hai đầu máy đầu
tiên vượt qua người chàng này. Các đầu máy sau đó được tách rời ra để đưa
chàng Collins ra ngoài. Chàng may mắn không bị hề hấn gì nhưng vẫn trong
tình trạng say rượu chưa tỉnh. Chàng được đưa đến một bệnh viện để khám
nghiệm trước khi cho về nhà. Thật hú vía! Anh chàng thật… cao số!
Đọc truyện Kiều của cụ Nguyễn Du có ai ngờ nàng Thúy Kiều của chúng ta
cũng là một dân làng nhậu! Mới
“xuân xanh sấp sỉ tới tuần cập kê” tức là nàng mới sấp sỉ gần 15
tuổi thế mà “ngày vừa sinh nhật ngoại gia” tức là vừa gặp ngày bên
họ ngoại ở xa có tiệc mừng sinh nhật, cha mẹ và hai em đều sắm sửa một
chút lễ vật để đem dâng biếu, nàng đã lén qua nhà hàng xóm tìm anh Kim
Trọng và nhậu nhẹt. Anh chị uống rượu với nhau đã say say:
“Lòng xuân phơi phới chén xuân tàng tàng.”
Quay về nhà thấy cha mẹ và 2 em đi chưa về thế là nàng lại vội vàng quay
lại qua nhà chàng và nhậu tiếp:
“Chén hà sánh giọng quỳnh tương.” Vừa mới uống rượu say tàng tàng
với nhau ban chiều, đêm lại uống rượu nữa. Sự đó đối với chàng Kim Trọng
đa tình có lẽ không chi lạ, nhưng đối với nàng Thúy Kiều thì cái vụ chè
rượu của nàng khiến chúng ta thấy dễ nể! Có cụ mắng là… đồ gái hư! Hư thật
đấy! Vừa hư vừa… vi phạm pháp luật!
oOo
Năm mới “Tân Sửu” (2021) là năm Trâu nên bà con ta lại nhớ đến
bài “Chăn trâu” trong sách Quốc văn giáo khoa thư dùng cho học
sinh Tiểu học Việt Nam trước kia. Bài văn kèm theo một bức tranh minh
hoạ nhỏ, xinh xắn vẽ một em bé đội nón ngồi trên lưng trâu ở ngoài cánh
đồng có khóm tre vươn cao và đàn chim bay lượn trên không. Bài văn đã để
lại những ấn tượng sâu sắc cho nhiều thế hệ học sinh thuở ấy. (Nay các
cụ đã bước vào quá lứa tuổi “thất thập cổ lai hi” rồi!). Câu thường được
hát hò mãi là:
“Ai bảo chăn trâu là khổ, chăn trâu sướng lắm chứ
Ngồi mình trâu, phất ngọn cờ lau, và miệng hát nghêu ngao.”
Nói chuyện vui thế thôi chứ vào những ngày đầu Xuân ta cứ việc giải trí
thoải mái cho đủ... bốn món ăn chơi là: Cầm, Kỳ, Thi, Tửu. Chính bốn món
này cũng đã được Cụ Nguyễn Công Trứ ca tụng hết mình và đặt bút viết bài
thơ với đầu đề là “Cầm Kỳ Thi Tửu” trong đó câu:
“Dở duyên với rượu không từ chén”
và
“Ai say, ai tỉnh, ai thua được,
Ta mặc ta, mà ai mặc ai.”
Còn nữ sĩ Hồ Xuân Hương lại còn hăng hái hơn nữa nên đặt bút xúi thiên
hạ:
“Chơi xuân kẻo hết xuân đi.
Cái già xồng xộc nó thì theo sau!”
Nhưng người viết cũng thấy có bổn phận nhắc nhở các bạn đọc là hãy coi
chừng, đừng quá chén, kẻo phải ra hầu tòa và đứng trước…
“vành móng ngựa” đấy nhé:
“Vui Xuân xin chớ quá đà
Kẻo mà vác chiếu ra tòa thì nguy!”
LS. Ngô Tằng Giao
Feb 2021, USA
Subscribe to:
Post Comments
(
Atom
)
Post a Comment