Header Ads

101 Truyện Thiền: 1. Tách Trà

Đại Sư Trúc Lâm (Trần Nhân Tông) xuống núi
Tranh vẽ từ thế kỷ thứ 14, treo ở viện bảo tàng Liaoning, China

Không nhớ từ lúc nào tôi đã đọc được bài “Cư Trần Lạc Đạo Phú" của vua Trần Nhân Tông. Qua lời dịch nghĩa, tôi rất ngạc nhiên về quan niệm sống của Thiền tông. Đơn giản quá, thực tiễn quá, cũng như thiền sư Bankei Yōtaku (1622-1693) của Nhật sau này cũng nói “Phép lạ của tôi là khi tôi đói tôi ăn, và khi tôi khát tôi uống.” Nhưng qua cái đơn giản, thực tiễn đó lại là một nguyên lý thâm sâu của Thiền. 

Sống một đời sống bình thường như mọi người, nhưng làm thế nào để mà “Đối cảnh vô tâm", ngoại cảnh không chi phối tâm trí. Như thế mới gọi là đạt được Thiền. Thôi thì cứ để “tuỳ duyên", có duyên thì đạt, vô duyên cũng đành.

Trong khi chờ duyên đạo thì cuộc sống đời cũng nên cần có chút hiểu biết về Thiền qua sách vở, văn thơ. Và rồi, trong những lúc ngẫu hứng, viết vội vài câu để khi có dịp thì đọc lại, hoặc để lại cho đời sau tìm hiểu. Vì nếu mình không đạt được gì, mà người khác đọc lại đạt được Thiền thì cũng là điều hạnh phúc cho công trình tìm tòi, biên soạn. Quả như lời “Cư trần lạc đạo thả tùy duyên”.

Kệ văn (Cư Trần Lạc Đạo Phú)

Cư trần lạc đạo thả tùy duyên,
Cơ tắc xan hề khốn tắc miên.
Gia trung hữu bảo hưu tầm mịch,
Đối cảnh vô tâm mạc vấn thiền.

Trần Nhân Tông 
(7 tháng 12 năm 1258 – 16 tháng 12 năm 1308)

Dịch nghĩa:

Sống giữa phàm trần, hãy tùy duyên mà vui với đạo
Đói thì ăn, mệt thì ngủ
Trong nhà có sẵn của báu, đừng tìm đâu khác
Đối diện với mọi cảnh giới mà lòng không bị ngoại cảnh chi phối, thì cần gì phải hỏi đến thiền nữa.

Bùi Phạm Thành dịch thơ:

Bài Kệ (Bài Phú Sống Trần Vui Đạo)

Đời trần, kiếp đạo để tùy duyên,
Khi đói thì ăn, mệt ngủ liền.
Nhà đầy báu vật tìm đâu khác,
Thản nhiên ngắm cảnh, hỏi chi thiền.

Thể Lục Bát:

Sống đời, sống đạo tùy duyên,
Đói ăn, mệt hãy ngủ liền một khi.
Trong nhà của báu thiếu gì,
Thản nhiên ngắm cảnh hỏi chi đến thiền.

Trong lúc tìm tòi để đọc thêm về thiền thì gặp một trang wikipedia nói về Công Án

Đọc qua thì cũng như là lược sử về công án của từng tông phái thiền. Kế tiếp thì tìm thấy trang nói về  sách “101 Zen Stories", thì được biết đây là một bản tổng hợp năm 1919 của các công án, bao gồm các giai thoại của thế kỷ 19 và đầu thế kỷ 20 do Nyogen Senzaki biên soạn, và bản dịch của Shasekishū, được viết vào thế kỷ 13 bởi thiền sư Nhật Bản Mujū (Vô Trú - người không có nơi để ở). Cuốn sách được Paul Reps tái bản như một phần của Zen Flesh, Zen Bones (Thịt Thiền, Xương Thiền - ngụ ý là căn bản, cốt lõi của Thiền). 

Một điều thích thú là Công Án Thiền không giống như một bài toán chỉ có một lời giải, mà gần gũi với đời sống của con người với những nỗi khó khăn gặp phải. Cùng một khó khăn, tùy vào hoàn cảnh, sự hiểu biết, tâm tánh ... để mỗi người tìm ra một lời giải hay một lối thoát khác nhau. Không có cái đúng hoặc cái sai tuyệt đối. Bởi thế, qua lời giải của công án Thiền người ta có thể nhận thức được tâm tính và sự hiểu biết của một người.

Sau khi đọc qua 101 Công Án Thiền thì muốn viết qua tiếng Việt bằng thơ 5 chữ cho có âm điệu của những bài kệ.

Ngẫu hứng, viết bốn câu để mở đầu câu chuyện vào ngày 14 tháng 6 năm 2019.

Mở đầu

Khi đến từ cõi không
Lúc về nơi cõi không
An trú trong hiện tại
Không tiếc và không mong.

Bùi Phạm Thành
(Ngày 14 tháng 6 năm 2019) 








1. Tách Trà



Thời Minh Trị Thiên Hoàng (1868-1912), có một vị thiền sư tên Nan-in, một hôm tiếp đón một vị giáo sư đại học đến tham vấn về Thiền.

Thiền sư Nan-in rót trà mời khách. Nhưng khi tách trà của vị giáo sư đã đầy, thiền sư không ngừng mà vẫn tiếp tục rót.

Vị giáo sư nhìn trà tràn ra ngoài cho đến lúc ông không nhịn được nữa, nói to “Này Thiền sư, tách trà đã đầy tràn ra ngoài rồi, ông không thể rót thêm được nữa đâu!”

“Như là tách trà này,” Nan-in nói, “trong đầu ông đầy ý kiến và phỏng đoán. Làm sao tôi có thể giảng Thiền cho ông, nếu ông không đổ sạch tách của ông trước đã?”




A Cup of Tea

Nan-in, a Japanese master during the Meiji era (1868-1912), received a university professor who came to inquire about Zen.

Nan-in served tea. He poured his visitor’s cup full, and then kept on pouring.

The professor watched the overflow until he no longer could restrain himself. “It is overfull. No more will go in!”

“Like this cup,” Nan-in said, “you are full of your own opinions and speculations. How can I show you Zen unless you first empty your cup?”




Tách Trà

Thời Minh Trị Thiên Hoàng
Có một vị thiền sư
Tên gọi là Nan-in
Tiếp một vị giáo sư.

Vị giáo sư đại học 
Có rất nhiều ý kiến
Muốn gặp mặt Nan-in
Để tham vấn về Thiền.

Trước khi vào câu chuyện
Nan-in rót mời trà
Tách đầy nhưng vẫn rót
Nước tràn ra chan hòa.

Vị giáo sư kêu to:
“Nước tràn ra ngoài rồi
Tách đầy mà cứ rót
Làm sao tách chứa nổi.”

Sư Nan-in trả lời:
“Cũng giống như ngài đây
Trong đầu đầy ý kiến
Như tách trà quá đầy.

Nếu ngài muốn hỏi Thiền
Thì công việc đầu tiên
Hãy dẹp hết ý kiến
Để có chỗ cho Thiền.”

              oOo

Trong lòng đầy tạp niệm
Như tách nước đã đầy
Đã không còn chỗ chứa
Chỗ nào cho thiền đây?

Bạn muốn hiểu được Thiền
Thì việc làm đầu tiên
Hãy bỏ hết thiên kiến
Rồi đọc tiếp truyện Thiền.

Bùi Phạm Thành
(Ngày 14 tháng 6,  2019)



No comments

Powered by Blogger.