LS. Ngô Tằng Giao
Bài thơ “Tình Già” của nhà văn nhà thơ Phan Khôi là một bài thơ nổi tiếng được
công bố lần đầu năm 1932. Tác phẩm này được xem như là bài thơ tự do đầu tiên
mở đường cho phong trào Thơ Mới ở Việt Nam. Bài thơ nói về một chuyện tình đôi
lứa, yêu nhau tha thiết, cùng thề non hẹn biển. Nhưng sự đời khiến cho họ phải
xa nhau. 24 năm sau, họ tình cờ gặp mặt nhau và chỉ biết liếc nhìn nhau:
“Hai mươi bốn năm sau.
Tình cờ đất khách gặp nhau.
Đôi cái đầu đều bạc.
Nếu chẳng quen lung đố nhìn ra được.
Ôn chuyện cũ mà thôi.
Liếc đưa nhau đi rồi,
Con mắt còn có đuôi.”
Ngày nay khi nhớ tới bài thơ “Tình Già” nói trên khiến nhiều người lại ngậm
ngùi vì chuyện vợ chồng trẻ chia tay nhau được coi là… chuyện dài “nhân dân tự
vệ.” Nhiều trai trẻ than rằng mối tình đẹp với "con nai vàng ngơ ngác" buổi
ban đầu tan mất rồi? Chẳng còn bóng dáng nai vàng ngơ ngác đâu cả. Sau khi
cưới nàng về được một thời gian chỉ thấy… sư tử Hà Đông xuất hiện mà
thôi!
Người ta còn nhắc chuyện ở nước Cu Ba rằng ông chồng thú nhận:
“Hôn nhân là một điếu xì gà. Càng ngon ta càng hút nhiều, càng hút nhiều
càng ngắn đi!”. Thời vợ ông ấy nói:
“Hôn nhân đúng là một điều xì gà, và tất cả có thể đốt cháy chỉ bằng một
que diêm thôi!”.
Đấy là chuyện thường tình của bọn trẻ! Nhưng chuyện vợ chồng già mà còn bỏ
nhau khiến nhiều người lấy làm lạ. Người ta vẫn cứ nghĩ rằng sau hôn nhân,
nhất là khi về già, dù hai vợ chồng có trở nên hai mặt của một đồng tiền, tuy
không nhìn nhau nữa nhưng cũng vẫn kề lưng nhau chứ? Lời cựu Phó Tổng Thống Al
Gore của nước Mỹ đấy!
(After marriage, husband and wife become two sides of a coin; they just
can't face each other, but still they stay together). Nhưng hiện nay điều đó không còn là... chân lý nữa rồi vì tại Hoa Kỳ, có
tin chính vợ chồng cựu Phó Tổng Thống Al Gore & Tipper chia tay sau 40 năm
mặn nồng chăn gối cũng đã làm nhiều người thắc mắc
(“40 more years? Not for Al and Tipper Gore, who’ve announced their
separation”)
Rồi sau đó lại có tin ông Tổng Thống Putin của nước Nga cũng vừa ly dị vợ sau
đúng… 30 năm thành hôn. Lấy nhau tháng 7-1983, tan hàng tháng 6-2013
(Putin announced that their marriage was over).
Nhân đó có người còn kể chuyện nằm mơ thấy người bạn thân qua đời hiện về khoe
rằng:
“Tớ được đưa ra trước tòa phán xét của Thượng Đế. Có tiếng loa: ‘Ai có vợ,
và đã sống với vợ từ 30 năm trở lên, hãy đứng sang bên phải!’ Tớ theo tiếng
loa, chạy vội đứng sang bên phải. Đông người lắm! Ai trông cũng thiểu não
quá sức. Chừng mấy phút sau, bỗng lại nghe có tiếng vọng từ trên trời cao:
‘Các con yêu quý, lúc còn sống, các con có vợ và đã ở với vợ được trên 30
năm, như thế các con được coi như đã ở luyện ngục cả mấy trăm năm rồi, các
con coi như đã gột được sạch mọi tội lỗi và đáng được lên Thiên Đàng ngay
lập tức để hưởng Thiên Nhan Chúa!’. Tớ mừng quá xá!”.
Ngày nay tại các xã hội Tây phương, vụ vợ chồng già bỏ nhau sau ba, bốn chục
năm sống chung trong hòa bình chen lẫn với chiến tranh lạnh cũng đã trở nên
khá quen thuộc. Đối với các cặp vợ chồng già Việt Nam thì không rõ lắm, nhưng
có nhiều người “báo cáo” rằng cảnh khá phổ biến là khi ông leo lên tầng trên
thì bà xuống tầng dưới; ông chuồn vào trong phòng ngồi gõ computer check “meo”
thì bà né ra ngoài phòng khách một mình ngồi xem TV, Asia hay Paris By Night
hoặc phim bộ… Hàn Quốc; bà cất giọng lải nhải thì ông làm thinh như đang tập
trung tâm trí vào cõi… thiền.
Theo Giáo sư Pepper Schwartz của đại học Sociology Univ of Washington, các cặp
vợ chồng già tưởng họ hiểu rõ nhau hơn theo năm tháng, xích lại gần nhau hơn
theo thời gian nhưng thật sự ra không phải như vậy đâu. Không ai hiểu ai hết.
Giáo sư Schwattz cho rằng ngày nay tiến bộ khoa học và ngành y khoa đã giúp
con người sống thọ hơn xưa rất nhiều. Những năm bonus dư thừa đã tạo điều kiện
cho quý cụ ông và cụ bà có cơ hội để hưởng thụ cuộc sống cho đúng nghĩa của
nó.
Theo US Census thì lối 50 phần trăm các cặp vợ chồng già đã quyết định chọn
giải pháp rã đám. Tây họ gọi những chuyện bực dọc qua lại giữa ông và bà là
những “irritants” (nhức nhối) làm hại thần kinh. Ngày nay ly dị không còn được
xem như vấn đề “taboo” (cấm kỵ) nữa. Các cặp vợ chồng già có khuynh hướng bắt
chước bọn trẻ, ở không được thì “Bye! Bye!” bỏ nhau. Như câu thơ: “Anh đi đường anh, tôi đường tôi / Tình nghĩa đôi ta có thế thôi!”. Hay như lời bài hát của Lam Phương:
“Thôi là hết anh đi đường anh / Tình duyên mình chỉ bấy nhiêu thôi…”
Xưa các cụ phải chịu đựng để tránh rắc rối cũng như để giữ thể diện gia đình
và muốn được bình an cho đến lúc qua đời. Ngày nay họ nghĩ rằng mình chỉ có
một đời sống mà thôi, tội gì không sống cho đáng sống.
Cần kể thêm ở đây về trường hợp của cụ ông Lawrence John Ripple 71 tuổi. Một
ngày đẹp trời vào tháng 9 năm 2016 cụ bước chân vào một nhà băng ở Kansas City
và đưa cho người thâu ngân một mảnh giấy trong đó có ghi rõ:
“Tôi có súng đấy hãy đưa ngay tiền mặt cho tôi!”. Nhân viên ngân hàng
vội gom tiền đưa cho cụ tổng cộng là 2,924 đồng. Lấy được tiền rồi thay vì bỏ
chạy thì cụ lại ra ngồi ngoài hành lang vẫn còn ở trong nhà băng (to a lobby
area still inside the bank) và chờ nhân viên cộng lực tới bắt mình. Cụ cho
biết lý do cướp ngân hàng là để muốn được vào tù và thoát ly khỏi bà vợ. Cụ
khai là cuộc sống chung của cụ gay cấn quá. Hôm đó sau khi cãi cọ với bà vợ ở
nhà cụ bèn lấy một mảnh giấy và viết những hàng chữ cướp nhà băng như kể trên
ngay trước mặt bà vợ và nói cụ thà vào ở trong tù còn sướng hơn ở chung nhà
với bà vợ. Cụ sau đó thực hiện vụ cướp này. Cụ bị tòa tuyên phạt sáu tháng bị
giam giữ trong nhà và 50 giờ làm việc công ích (Man Gets Home Confinement
After Robbing Bank to Get Away from Wife.)
oOo
Oscar Wilde từng nói:
“Ðàn ông lập gia đình vì mỏi mệt, đàn bà vì tò mò, cả hai đều thất
vọng.”
Nhưng tuy nói thế chứ thời nay người ta vẫn thấy còn có những cảnh “chồng già vợ trẻ là tiên”. Chắc quý vị này phần nào bị ảnh hưởng của lời văn hào William Shakespeare
hăm he:
“Giống như sóng tiến về bờ đá sỏi, giây phút của chúng ta cũng vậy, lao
nhanh tới điểm cuối cùng.”
Và lời của Xuân Diệu dụ dỗ:
“Ðời không ái ân, đời vô vị / Kiếp sống không yêu, kiếp sống thừa”
Điển hình là cụ ông triệu phú Hugh Hefner trùm tạp chí Playboy đón năm mới
2013 bằng lễ cưới với người tình trẻ kém cụ chỉ có… 60 tuổi thôi. Cụ 86 trong
khi Crystal Harris mới 26. Không lâu sau đám cưới, có nguồn tin cho biết, cặp
vợ chồng chênh lệch tuổi tác nhất làng giải trí thế giới này lại còn mong muốn
sớm có con chung. Cụ này khoe đã từng ăn nằm với cả hơn ngàn phụ nữ. Buồn thay
cụ đã qua đời ở tuổi 91 tại biệt thự Playboy trị giá 200 triệu USD ở Los
Angeles.
Vào năm 2014 người mẫu Cathy Schmitz, 24 tuổi, của Playboy kết hôn với tỷ phú
người Áo Richard Lugner 81 tuổi. Nàng từng tuyên bố là tình yêu bất phân tuổi
tác “Love knows no age.” Lại nữa, nào là cuộc hôn nhân của nữ danh ca
Celine Dion, 44 tuổi và Rene Angelil, 70 tuổi đã kéo dài tới 19 năm. Rene
Angelil là người quản lý của Celine Dion từ khi nàng mới 12 tuổi. Nào là đạo
diễn Clint Eastwood, 82 tuổi có vợ là phóng viên người Mỹ Dina Ruiz Eastwood,
47 tuổi. Họ kết hôn năm 1996. Cũng phải kể tới chuyện diễn viên Dick Van Dyke,
86 tuổi, kết hôn với chuyên gia trang điểm Arlene Silver, 40 tuổi, vào tháng
3-2012 v.v…
Một trường hợp hy hữu nữa, mới thực sự đúng là… tình già! Ðó là trường hợp của
cụ ông Paul Walker, 88 tuổi, quyết định làm đám cưới với cụ bà Ann Thayer, 87
tuổi, tại một trung tâm phục hồi sức khỏe ở Lewiston, tiểu bang Main. Hai
người gặp nhau lần đầu tiên ở một nhà thờ cách đây 17 năm và bắt đầu hẹn hò từ
đó. Cả hai quyết định làm đám cưới sau khi bị một số nhân viên bệnh viện chọc
ghẹo ít tuần trước đó. Mỗi ngày, cụ bà Thayer đều ghé thăm cụ ông Walker tại
bệnh viện nơi cụ ông đang tập phục hồi sức khỏe. Cụ bà nói cụ có
“những năm tháng rất đẹp” với cụ ông. Cụ ông và cụ bà từng lập gia đình
trước đây. Giám đốc bệnh viện nói với báo Sun Journal rằng đây là lần đầu tiên
cơ sở y tế này có đám cưới. Cụ bà Thayer nói khi cụ ông khỏe mạnh trở lại thì
hai cụ sẽ đi hưởng tuần trăng mật. Không biết có còn chút mật nào không, hồi
hộp quá? Có người lên tiếng biện hộ:
“Dê càng già sừng nó càng cứng và gừng và quế càng già thì càng cay!”
Họ còn viện dẫn câu nói của đại sư Pablo Picasso:
“Sự trẻ trung không có tuổi!”. Nghe cũng… chí lý!
Sau đây là một câu chuyện “Tái hồi Kim Trọng” cũng rất hiếm có! Ở nước
Anh vào năm 2013 có một cặp vợ chồng cưới nhau lại sau gần 50 năm ly dị nhau.
Bà Ingram ly dị ông chồng Holmes vào năm 1965. Sau đó cả hai người đều đã lập
gia đình với người khác. Rồi người chồng mới của bà qua đời và bà vợ thứ ba
của ông cũng qua đời. Một ngày đẹp trời, bà Ingram, tuổi 76 cùng ông Holmes,
tuổi 79 cùng đoàn tụ trong một buổi họp gia đình nhân dịp lễ Giáng Sinh do cô
con gái của hai người tổ chức. Ai ngờ hai ông bà chợt muốn nối lại
“tình xưa nghĩa cũ”. Ông vội cầu hôn và đưa ngay cái nhẫn xưa mà ông đã
mua cho bà khi bà mới 17 cái xuân xanh! Bà thổ lộ:
“Tại sao lần kết hôn trước không được lâu dài nhỉ? Chúng tôi lấy nhau được
10 năm và có với nhau 2 mặt con nhưng hồi đó chúng tôi còn trẻ người non dạ
quá nên hôn nhân tan vỡ.”
Còn ông tuyên bố:
“Kỳ này chúng tôi sẽ duy trì cuộc sống vợ chồng thật là tốt đẹp mãi
mãi!”
Mới đây một cặp vợ chồng người Ecuador đã được sách kỷ lục Guinness thế giới
vinh danh là cặp vợ chồng già nhất thế giới. Hai cụ Mora và Quintera có tổng
số tuổi cộng lại là 214 tuổi. Cụ ông 110 tuổi và cụ bà 104. Hai cụ kết hôn vào
năm 1941 và đến nay (2020) đã trải qua 79 năm hôn nhân. Hai cụ tin rằng
"công thức bí mật" cho một cuộc hôn nhân lâu dài và hạnh phúc là
“tình yêu, sự trưởng thành và tôn trọng lẫn nhau.”
oOo
Câu chuyện của cụ ông George Sanders, một cựu quân nhân, 86 tuổi, bị can tội
giết vợ tại Arizona là một câu chuyện tình già thật đặc biệt. Cụ bà
Ginger bị bệnh đa xơ cứng (multiple sclerosis) từ năm 1969 và sau một thời
gian ngắn bà phải đi xe lăn. Ông là người săn sóc cho bà: nấu ăn, dọn nhà,
giặt đồ và giúp bà trang điểm. Thời gian trôi qua, cụ ông cũng già đi. Tim ông
bị yếu và phải dùng máy trợ tim (pacemaker). Tình trạng sức khoẻ của cụ bà
cũng tệ đi. Bà bị thêm chứng bệnh gọi là gangrene (bệnh hoại thư), một chứng
bệnh lở loét da rất trầm trọng. Bác sĩ muốn bà nhập bệnh viện để cắt đi những
ngón chân bị gangrene hủy hoại, và sau đó đưa bà vào viện dưỡng lão (nursing
home) để bà có thể được nhân viên chăm sóc cho đến khi chết.
Tuyệt vọng, bà không muốn vào bệnh viện. Bà muốn được chết bên người chồng yêu
quý. Bà năn nỉ cụ ông làm cho bà chết nhưng ông nói là ông không thể giết bà
được. Bà nói... ông có thể làm được. Sau đó cụ ông lấy khẩu súng lục, quấn
khăn tắm chung quanh để không bị lạc đạn. Bà hỏi ông:
"Cái nầy có đau lắm không?" Ông trả lời:
"Không đau đâu. Bà sẽ không có cảm giác gì hết." Thế là bà nói:
"Vậy ông làm đi, làm đi, làm đi"... và như thế... cụ ông đã bóp cò và
cụ bà đã ra đi. Sau đó cụ George đã bị bắt và bị truy tố về tội giết người có
chủ ý. Một tội danh có thể bị kết án tử hình hay chung thân.
Khi ra toà, người con của cụ ông nói với Toà là gia đình không muốn cụ ông bị
truy tố. Con trai cụ nói với Toà:
"Cha mẹ tôi sống với nhau hơn 62 năm, và cha tôi phải nuôi dưỡng, săn sóc
mẹ tôi ngày này qua ngày khác. Tôi tin là cha mẹ tôi làm một quyết định
chung... Tôi không quy lỗi ở cha tôi... Ai cũng có hình ảnh một anh hùng
trong cuộc đời, người anh hùng trong cuộc đời tôi là cha tôi."
Cụ ông George có khoảng một phút để nói về tình yêu của cụ dành cho người vợ:
"...Tôi gặp Ginger khi nàng 15 tuổi và tôi yêu nàng kể từ ngày ấy. Tôi yêu
nàng tới khi nàng 81 tuổi... Đó là nguồn ân phước và tôi rất sung sướng được
săn sóc cho nàng... Tôi rất lấy làm tiếc và buồn vì tôi đã gây ra cái đau
thương này..."
Công tố viên đã yêu cầu Toà đừng phạt cụ vào tù và đề nghị tù treo vì đây là
một trường hợp rất đặc biệt. Khi Toà đọc bản án, cả gia đình cụ ông ngồi yên
lặng để nghe. Còn cụ ông đứng bất động, run rẩy trước vành móng ngựa. Quan Toà
nhìn thẳng vào mắt của bị cáo, tuyên bố với giọng nhẹ nhàng, tuyên phạt bị cáo
2 năm tù treo không có giám sát. Quan Toà nói:
"Quyết định của ông đã vi phạm công lý với lòng thương xót (tampers justice
with mercy)."
oOo
Tuổi tuy già nhưng máu ghen đôi khi thời vẫn còn nguyên như hồi trẻ. Báo The
Telegraph tại nước Anh đưa tin một cụ ông nộp đơn ly dị sau khi khám phá những
lá thư trong cuộc tư tình của bà vợ mình hơn 60 năm trước. Cụ ông 99 tuổi và
cụ bà 96 tuổi. Hai người chung sống với nhau từ 77 năm trước. Cụ bà thú nhận
chuyện ngoại tình nhưng không thể thuyết phục cụ ông ở lại. Đây là trường hợp
ly dị cao tuổi nhất thế giới - kỷ lục trước, năm 2009, là giữa một đôi vợ
chồng người Anh 98 tuổi.
Thêm một nguồn tin từ Kanagawa cho biết một bà cụ sống tại Nhật đã bị bắt sau
khi dùng một cây gậy dài để đánh chồng mình đến chết. Cụ bà Yoshiko Suzuki, 79
tuổi, cụ ông Masaharu, 79 tuổi. Nguyên nhân được cho là vì cụ bà tức giận khi
tranh cãi với chồng về việc cụ ông đã ngoại tình với một phụ nữ khác từ cách
đây 40 năm và vì thế ông đã bị mất việc.
Nhân nói chuyện “tình già” cũng không nên chỉ đề cập tới trường hợp các cụ ông
tóc bạc lấy vợ “nhí” mà cần kể thêm ở đây một chuyện yêu đương tại Pháp, chàng
thời còn trẻ và nàng lại già hơn chàng. Xin nhìn vào cuộc đời tổng thống nước
Pháp thời nay là Emmanuel Macron, được đắc cử vào năm 2017 và là vị tổng thống
trẻ nhất nước Pháp, vì chỉ mới 39 tuổi đầu. Chàng kết hôn với bà Brigitte
Trogneux, lớn hơn chàng những… 24 tuổi. Bà là cô giáo cũ của chàng tại trường
trung học. Hai người gặp nhau lần đầu khi chàng còn là một học sinh 15 tuổi
trong lớp học của bà. Bà là cô giáo, nhưng họ chỉ chính thức hẹn hò khi chàng
được 18 tuổi (lại thêm chuyện thuộc loại “Vòng tay học trò” đây mà!) Cả hai ở
với nhau rồi kết hôn vào năm 2007 nhưng cả chục năm nay mà chưa có con chung.
Còn bà vợ chàng thời đã có sẵn ba người con riêng từ cuộc hôn nhân trước trong
đó người con trai lớn tuổi nhất, lại lớn hơn Macron tới 3 tuổi.
Không biết có phải những “tư tưởng nhớn” thường gặp nhau không mà các nhà thơ
của nước ta cũng đã từng thổ lộ bằng thơ. Như Xuân Diệu:
“Tình không tuổi và Xuân không ngày tháng”. Như Vũ Hoàng Chương:
“Tuổi đó tuổi vàng hay tuổi ngọc / Yêu nhau ai tính tuổi bao giờ”.
Và cũng xin đừng quên một ngạn ngữ của người Mỹ:
“Người khéo ngoại giao là người đàn ông luôn nhớ ngày sinh nhật của đàn bà,
nhưng đừng bao giờ nhớ tuổi của người đó.”
Và Goethe, được coi là một trong những vĩ nhân trong nền văn chương thế giới,
cũng khuyên mấy ông bạn già là:
“Đừng nên để tuổi tác làm mình buồn. Tóc bạc trắng hay không ta vẫn là một
tình nhân” (Don’t let age get you down. White hair or not. You can still be
a lover).
Có lẽ vì thế mà tại nước Mỹ ông John Penzera, tuy đã 72 tuổi vẫn đang mong
ngóng được tổ chức hôn lễ với cô Rachael Chenault, mới có 27 tuổi. Chính cô
gái trẻ đã có màn cầu hôn táo bạo người đàn ông hơn mình 45 tuổi tại một câu
lạc bộ thoát y vào tháng 5 năm 2018.
Và cuối năm 2017 ở Thái Lan, một bà 65 tuổi gây chú ý khắp mạng xã hội nước
này khi treo tấm biển tuyển bạn trai trước cổng nhà. Bà viết trên bảng:
"Nữ 65 tuổi cần một bạn trai 60-70 tuổi, đã về hưu và có lương, tốt bụng,
chân thành và khỏe mạnh. Ai quan tâm xin liên hệ tại đây".
Cuối cùng xin kể chuyện về hai tù nhân, một già 90 tuổi, một trẻ khoảng hai
mươi mấy, ngồi hàn huyên tâm sự. Cụ tù già hỏi:
“Mày làm gì mà bị ở tù như thế này?” Anh tù trẻ đáp lời:
“Thưa tại con bỏ dzợ...” Cụ tù già ngắt lời:
“Tao chưa nghe luật pháp nào lạ kỳ vậy, bỏ dzợ mà cũng đi tù à?” Anh tù
trẻ:
“Con chưa nói dứt mà cụ đã hớt lời con rồi!. Con bỏ mụ dzợ con… từ trên lầu
ba xuống đất, cụ nội à! Còn cụ sao đi tù dzậy?”
Cụ tù già:
“Tao bị con nhỏ trong xóm, đáng tuổi cháu nội, thưa tội hiếp dâm nó.”
Anh tù trẻ: “Chời! Cụ còn xí quách đâu nữa mà hiếp dâm!” Cụ tù già:
“Thế mới có chiệng! Bị bà con lối xóm chê tao già, cho nên lúc con nhỏ hàng
xóm vu khống, tao mừng quá nhận tội luôn cho con đào tao nó tởn... hì hì
hì!”
LS. Ngô Tằng Giao
Subscribe to:
Post Comments
(
Atom
)
Post a Comment