Xin chào quý đọc giả của Đặc San Lâm Viên và quý thính giả của Radio Lâm Viên.
Thưa quý vị,
Trước hết, như chúng ta đều biết thì cho đến ngày hôm nay, trên phương diện
pháp lý, vẫn chưa có kết quả về cuộc bầu cử tổng thống Hoa Kỳ cho nhiệm kỳ
2021-2024.
Theo lịch trình thì ngày 14 tháng 12 năm 2020, các Đại Cử Tri
(Electors) sẽ họp và bỏ phiếu tại tiểu bang của họ, để chứng nhận ai là người
đắc cử Tổng Thống và Phó Tổng Thống. Sau đó sẽ ký sáu chứng chỉ chứng nhận:
Một bản gửi cho Chủ tịch Thượng viện (Đương kim Phó Tổng thống).
Hai bản gửi cho Bộ trưởng Ngoại giao của tiểu bang mà các Đại cử tri nhóm
họp.
Hai bản gửi cho vị quản thủ Văn khố để lưu trữ.
Một bản gửi cho vị Thẩm phán của toà án quận, nơi các Đại cử tri nhóm họp.
Sau ngày này thì kết quả mới được xem là chính thức. Như thế thì cũng chỉ còn
một tuần lễ nữa mà thôi.
Cho dù vị tổng thống Hoa Kỳ của nhiệm kỳ 2021-2024 là ai thì cũng sẽ phải
đương đầu với hai tai hoạ toàn cầu, đều phát xuất từ Tàu cộng
Đại dịch COVID-19.
Sự bành trướng của Tàu cộng về mọi mặt từ kinh tế, khoa học, cho đến chính trị và
quân sự.
Thưa quý vị,
Qua tin tức được loan truyền trên các trang báo điện tử trên khắp thế giới,
thì châu Âu có vẻ hoan nghênh về việc thay đổi chính phủ của Hoa
Kỳ, thế nhưng, châu Á lại rất lo sợ về việc này. Lý do
Cho dù Hoa Kỳ là một hợp chủng quốc, thế nhưng đa số giới lãnh đạo vẫn là
dân có nguồn gốc từ châu Âu, không quá xa cách về hình dạng cũng
như phong tục và tập quán. Thế cho nên họ dễ hoà hợp và thông cảm nhau.
Sau Thế chiến thứ nhì, họ có cả một khối NATO làm thành trì bảo vệ châu Âu
chống lại sự bành trướng của Nga.
Cả châu Á thì có thể nói chỉ có Nhật, Nam Hàn và Đài Loan thực sự là đồng
minh tương đối vững chắc của Hoa Kỳ, nhưng chưa chắc đã có thể bảo vệ nổi
quốc gia của họ, nói chi đến việc ngăn chặn sự bành trướng của Tàu cộng.
Các quốc gia lớn khác như Úc và Ấn Độ thì liên minh lỏng lẻo với Hoa Kỳ trong
nhóm Đối thoại An ninh Bốn Quốc Gia (the QUAD). Nhưng hiện nay thì Ấn Độ
đang bị áp lực quân sự của Tàu cộng ở biên giới, và Úc thì đang bị áp lực
nặng nề về kinh tế và chính trị của Tàu cộng.
Còn lại là các
quốc gia nhỏ, yếu kém, không dám lựa chọn đứng hẳn về phía bên nào, tuy
rằng rất cần sự bảo vệ của Hoa Kỳ vì vẫn thường xuyên bị đe doạ và bắt nạt
bởi Tàu cộng. Họ không dám chọn đứng về phía Hoa Kỳ, vì trong lịch sử, mỗi
khi Hoa Kỳ thay đổi chính phủ thì vận mạng quốc gia của họ lại bị đem ra
trả giá. Nhưng theo về phía Tàu cộng thì quyền tự chủ của quốc gia kể như
không còn tồn tại. Điều đáng lo ngại hơn cả là cho đến ngày nay, vẫn không có một khối
liên minh quân sự châu Á nào để chống lại sự bành trướng của Tàu cộng.
Ngoài
ra, các quốc gia đảo ở Thái Bình Dương đang bị Tàu cộng mua chuộc để thuê
hải cảng dài hạn, 99 năm, nhằm bành trướng quân sự ở khu vực Nam Thái Bình
Dương.
Xem ra, các quốc gia nhỏ chỉ là những quân cờ không mấy quan trọng
trên bàn cờ chiến lược của vùng châu Á. Và những kẻ đánh cờ là ai thì
chúng ta đều biết rõ.
Trong lịch sử thì vào tháng 9 năm 1954, Hoa Kỳ, Pháp, Anh, New Zealand, Úc,
Philippines, Thái Lan và Pakistan thành lập Tổ chức Hiệp ước Đông Nam Á, hay
còn gọi là SEATO, để chống lại sự bành trướng của chủ thuyết cộng sản trong
khu vực, tuy rằng chỉ có hai quốc gia, Philippines và Thái Lan, thuộc vùng
Đông Nam Á.
Với sinh hoạt lỏng lẻo, đến đầu thập niên 1970, Pakistan và Pháp rút khỏi tổ
chức này, lấy cớ không ủng hộ sự can thiệp của Mỹ vào Việt Nam. Pakistan chính
thức rời SEATO vào năm 1973, vì tổ chức này đã không ủng hộ Pakistan trong
cuộc xung đột đang diễn ra với Ấn Độ. Khi chiến tranh Việt Nam kết thúc vào
năm 1975, lý do nổi bật nhất cho sự tồn tại của SEATO đã không còn. Do đó,
SEATO chính thức tan rã vào năm 1977.
Như thế thì thấy rằng chính sách đối ngoại của Hoa Kỳ là quan trọng,
nhưng thi hành thì lại thay đổi theo chính phủ, nên các quốc gia trông cậy vào
sự giúp đỡ của Hoa Kỳ rất e ngại mỗi khi có sự thay đổi chính phủ ở Hoa Kỳ.
Trong tình huống Hoa Kỳ có thể thay đổi chính phủ và chính sách sẽ chuyển từ
cứng rắn qua ngoại giao hoà hoãn, Tàu cộng tiếp tục mạnh tay xâm lăng, đàn
áp các quốc gia châu Á như để thử phản ứng của Hoa Kỳ. Xem ra thì ông Biden,
cùng với sự trợ giúp của giới truyền thông dòng chính của Hoa Kỳ, vẫn có vẻ
không muốn nói về Tàu cộng, về tình hình cũng như chính sách của Hoa Kỳ về
châu Á. Đó là điều khiến cho các nhà nghiên cứu về tình hình châu Á lo lắng, và là
nỗi hoang mang và lo sợ của các nhà lãnh đạo các quốc gia châu Á hiện đang bị
áp lực kinh tế và quân sự của Tàu cộng.
Đáng buồn cho thân phận của quốc gia nhược tiểu, trước móng vuốt tham lam của
con rồng đỏ đang lăm le thành lập một "đế chế đỏ" mới ở châu Á.
oOo
Thưa quý vị,
Sau đây chúng tôi xin gửi đến quý vị những tin tức quan trọng đang xảy ra trên
bàn cờ châu Á.
Tàu Cộng Bắt Giam 3 Nhà Tranh Đấu Trẻ Của Hong Kong
Ngày 2 tháng 12 năm 2020, trang báo điện tử Washington Post đăng tin nhà cầm
quyền Hong Kong, dựa theo luật An ninh mới ban hành của chính phủ Tàu cộng,
tuyên án ba nhà tranh đấu cho dân chủ của Hong Kong là Joshua Wong, Ivan Lam
và Agnes Chow (hình trên) từ 7 đến 13 tháng rưỡi tù giam với tội
"tổ chức biểu tình trái phép" trong những năm tháng vừa qua ở Hong
Kong. Điều đáng chú ý là cả ba nhà tranh đấu trẻ này đều ở lứa tuổi 20.
Đây là tấm gương sáng cho thanh niên Việt Nam và các quốc gia đang bị cai trị
bởi chế độ độc tài hay cộng sản. Tuổi trẻ không vùng lên tranh đấu đòi hỏi tự
do, dân chủ, nhân quyền thì tương lai sẽ đắm chìm trong tăm tối, tù đày ngay
chính trên quốc gia của họ.
"Ông Trump Tốt Hơn": Ở châu Á, Lực Lượng Ủng Hộ Dân Chủ Lo Lắng Về Biden
Ngày 1 tháng 12 năm 2020, trang báo điện tử nổi tiếng kình chống ông Trump là
tờ New York Times đăng một bài nói về chính sách đối ngoại được gọi là "trở
lại bình thường" của ông Biden đã khiến những nhà tranh đấu bảo vệ nhân quyền
ở châu Á kinh hoàng. Những nhà tranh đấu này vẫn coi Tổng thống Trump là người
đối đầu với các chính thể độc tài, cộng sản. Trong khi các nhà tranh đấu cho
dân chủ ở Hong Kong họ hy vọng rằng ông Trump sẽ tái đắc cử. Các nhà tranh đấu
cho nhân quyền và tôn giáo ở Việt Nam và Myanmar (Miến Điện) đang bày tỏ sự dè
dặt về khả năng của ông Biden trong việc ngăn chặn các nhà độc tài và chính
phủ cộng sản.
Các nhà hoạt động của châu Á tin rằng Biden, giống như cựu Tổng thống Barack
Obama, sẽ theo đuổi sự điều đình, thương thảo, hơn là đối đầu với những hành động
ngang ngược của Tàu cộng.
Elmer Yuen, nhà kinh doanh và tranh đấu cho dân chủ ở Hồng Kông, đã đăng một video
trên YouTube chỉ trích Đảng Cộng sản Tàu, với câu
“Biden là tổng thống thì cũng giống như Tập Cận Bình ngồi trong Toà Bạch
Ốc. Ông Biden là người muốn sống chung với Tàu cộng. Nên nhớ rằng, bất cứ ai
sống chung với Tàu cộng đều sẽ thất bại dưới tay chúng.”
Biden và Thuế Quan Đối Với Hàng Tàu Cộng
Ngày 2 tháng 12 năm 2020, trả lời một câu hỏi của báo New York Times, Biden
tuyên bố sẽ
"Không chấm dứt ngay lập tức thuế quan của chính phủ ông Trump áp đặt lên hàng hoá nhập cảng của Tàu cộng." Trong khi đó "sẽ nghiên cứu chung với đồng minh châu Âu và châu Á về một 'kế hoạch rõ ràng' để đối phó với sự bành trướng kinh tế, thương mại của Tàu cộng." Hiển nhiên đây là luận điệu và ngôn từ cố hữu của một chính trị gia chuyên
nghiệp. Nghe rất kêu nhưng rỗng tuếch, bởi vậy không một nhà bình luận về kinh tế nào
có thể đoán ra được ý nghĩa của câu nói trên. Xem ra đó chỉ là một câu nói rất
hoa mỹ để tránh phải nói thẳng ra là "Hiện nay thì chẳng có chính sách hay kế hoạch gì cả." Bởi thế các trang báo dòng chính chỉ có thể bàn quanh với nội dung là đồng
ý với việc không nên chấm dứt thuế quan ngay lập tức.
Xem ra dù có chống đối
ông Trump cỡ nào chăng nữa, họ cũng phải công nhận phương pháp "đối đầu" với
Tàu cộng của ông Trump là đúng.
Hạ Viện Sẽ Chấp Thuận Dự Luật Về Hãng Tàu Và Thị Trường Chứng Khoán Hoa Kỳ
Ngày 1 tháng 12 năm 2020, trang báo điện tử của hãng thông tin Reuters cho
biết, trong tuần này, Hạ Viện sẽ chấp thuận dự luật cấm một số công ty của Tàu
trao đổi trên Thị trường Chứng khoán của Mỹ, cho đến khi họ đồng ý và tuân
theo với các tiêu chuẩn kiểm toán tài chánh của Hoa Kỳ. Dự luật này sẽ ảnh hưởng đến các
công ty lớn của Tàu như Alibaba, Pinduoduo Inc. và tập đoàn dầu khí khổng lồ
PetroChina Co Ltd.
Trong thị trường chứng khoán của Hoa Kỳ, tất cả các công ty trong danh sách
được trao đổi, phải tuân theo một thủ tục kiểm toán căn bản về tài chánh, để
tránh trường hợp gian dối về tài chánh để thu hút và tăng giá của trái phiếu.
Danh từ chuyên môn gọi là "cook the books" có nghĩa là gian dối về sổ sách tài chánh, thí dụ như tuyên bố lời trong khi bị lỗ, hoặc tăng số tiền
lợi nhuận của công ty lên nhiều lần so với thực tế để thu hút người đầu tư, và như thế, giá của cổ phần chứng khoán sẽ tăng.
Dân Biểu Thuộc Đảng Cộng Hoà Đề Xướng Luật Chống Tàu Cộng
Ngày 3 tháng 12 năm 2020, trang báo điện tử National Review đăng bài viết cho biết vì lo ngại về việc chính phủ mới có thể đảo ngược các điều lợi ích đã đạt được của chính phủ ông Trump, 150 Dân biểu thuộc đảng Cộng Hoà đề xướng luật trực tiếp nhắm vào Tàu cộng.
Dân biểu Jim Banks nói "Đảng Cộng hòa phải đoàn kết để duy trì mức độ gây áp lực lên Tàu cộng như chúng ta đã có dưới thời tổng thống Trump trong bốn năm qua, và những luật này do Ủy ban Nghiên cứu của Đảng Cộng hòa đề xướng trước tiên, là một phần trong kế hoạch của chúng ta để thực hiện điều đó.”
Các đề nghị bao gồm nhiều lãnh vực từ trộm cắp tài sản trí tuệ đến việc cấm dùng tiền trợ cấp của chính phủ Hoa Kỳ để mua hàng hoá của các doanh nghiệp có liên hệ với quân đội Tàu cộng.
Giám Đốc Cơ Quan Tình Báo Mỹ Tuyên Bố Tàu Cộng Là Mối Đe Doạ Hàng Đầu Của Mỹ
Ngày 3 tháng 12 năm 2020, ông John Ratcliffe, đương nhiệm Giám đốc Cơ quan Tình Báo, đăng một bài viết trên trang báo điện tử Wall Street Journal, đã tuyên bố mạnh mẽ rằng Tàu cộng là mối đe doạ hàng đầu của Mỹ. Ông viết:
“Thông tin tình báo cho thấy rất rõ ràng: Bắc Kinh dự định thống trị Hoa Kỳ và thế giới về mặt kinh tế, quân sự và kỹ nghệ. Nhiều dự án công cộng lớn và các công ty nổi tiếng của Tàu cộng chỉ là lớp ngụy trang cho các hoạt động của Đảng Cộng sản Tàu.
Tôi gọi cách hoạt động gián điệp kinh tế là ‘cướp, tái tạo và thay thế ’. Tàu cộng cướp tài sản trí tuệ của các công ty Hoa Kỳ, sao chép và tái tạo sản phẩm kỹ nghệ, và sau đó, thay thế các công ty Hoa Kỳ trên thị trường thế giới.”
Ông Ratcliffe cho biết Bắc Kinh đang chuẩn bị cho một cuộc đối đầu công khai với Mỹ. Thế cho nên ông đã chuyển 85 triệu đô-la trong ngân sách hàng năm của cơ quan tình báo để giải quyết các mối đe doạ của Tàu cộng. Việc làm của ông Ratcliffe được các bình luận gia đánh giá rằng ông lo ngại nếu ông Biden đắc cử thì sẽ nhẹ tay với Tàu cộng, để mặc chúng tung hoành, khống chế Hoa Kỳ và thế giới.
Hoa Kỳ Áp Đặt Giới Hạn Thị Thực Chiếu Khán Đối Với Các Thành Viên Của Đảng Cộng Sản Tàu
Ngày 3 tháng 12 năm 2020, một bài báo đăng trên US News & World Report cho biết chính phủ của ông Trump đã ban hành các quy tắc hạn chế việc đi lại đến Hoa Kỳ của các thành viên cầm quyền của Đảng Cộng sản Tàu và gia đình của họ, nhằm đẩy lùi các hoạt động của Tàu cộng trên nước Mỹ.
Hôm thứ Năm vừa qua, Bộ Ngoại giao cho biết thời hạn hiệu lực tối đa của thị thực nhập cảnh du lịch và kinh doanh không định cư cho giấy chiếu khán B1 / B2 cho các đảng viên cộng sản Tàu và thành viên gia đình trực hệ của họ bị giảm từ 10 năm xuống còn 1 tháng.
Một trong những lý do chính là Tàu cộng thường cử đảng viên của họ qua Mỹ dưới hình thức du lịch hoặc kinh doanh để theo dõi, kiểm soát, đe doạ người dân Tàu làm việc ở Mỹ và ngay cả người Mỹ gốc Tàu.
Lẽ dĩ nhiên là chính phủ Tàu đã lên tiếng phản đối về quy tắc mới này, và cho đó là hành động chống Tàu một cách cực đoan.
Hải Quân Hoa Kỳ Tái Tạo Đệ Nhất Hạm Đội
Ngày 3 tháng 12 năm 2020, trang báo điện tử Navy Times cho biết Bộ trưởng Hải quân Hoa Kỳ, ông Kenneth Braithwaite, công bố chương trình tái tạo Đệ Nhất Hạm Đội, với tầm hoạt động là khu vực Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương, một nửa vùng lãnh hải trách nhiệm của Đệ Thất Hạm Đội.
Tưởng cũng nên nhắc lại là Đệ Nhất Hạm Đội trước kia thuộc Hạm Đội Thái Bình Dương đã bị giải tán vào năm 1973
oOo
Thưa quý vị,
Chúng ta đều biết rằng tất cả sinh vật, và cả thực vật cây cỏ, đều bị chi phối bởi một định luật sinh tồn của thiên nhiên là "mạnh được, yếu thua", ngay cả dưới nước thì cũng "cá lớn nuốt cá bé".
Trong lịch sử lập quốc thì nước lớn xâm chiếm nước nhỏ, nước mạnh chinh phục nước yếu. Và nếu không xâm chiếm được thì cũng tìm cách ăn cắp, ăn trộm. Bởi vậy cá nhân cũng như quốc gia lúc nào cũng phải đề phòng, củng cố sức mạnh để đối đầu với kẻ xâm lăng. Yếu đuối thì chỉ trở thành món mồi ngon cho kẻ khác, hay trở thành vật trao đổi hoặc con cờ trên bàn cờ quốc tế. Thành ngữ có câu "không thể nào bảo vệ được kẻ không muốn tự vệ" và "không thể có tự do nếu không tranh đấu để giành hay giữ lấy nó." Và nhất là không thể sống chung với cộng sản, vì bản chất của cộng sản là độc tài, chiếm đoạt để phục vụ cho giai cấp lãnh đạo và đảng viên mà thôi.
Lịch sử của 20 năm miền Nam Việt Nam chống lại sự xâm lăng của cộng sản miền Bắc cho thấy rằng "cộng sản chỉ thương thuyết, chỉ dừng bước xâm lăng khi chúng ở thế yếu." Với chính phủ của ông Trump thì Tàu cộng chịu ngồi vào bàn thương thảo, chịu lép vế, vì chúng bị dồn vào thế yếu. Nhưng các nhà phân tích về tình hình của châu Á lo sợ rằng với sự thay đổi chính phủ của Hoa Kỳ cùng với chủ trương mềm yếu, thì Tàu cộng lại thừa dịp để tự tung tự tác từ châu Á qua châu Phi, thành lập một "đế chế đỏ", dồn tây phương vào ngõ cụt không có lối thoát, trừ một cuộc đại chiến hay đổi chác, để giải quyết quyền lực. Không hiểu khi đó quốc gia nào sẽ là những con cờ thí, hay vật trao đổi trong ván cờ chia chác địa dư để cai trị.
Post a Comment