Header Ads

Thời Sự Cuối Năm: 2020 Một Năm Đầy Biến Động


Bùi Phạm Thành

Xin chào quý đọc giả của Đặc San Lâm Viên và quý thính giả của Radio Lâm Viên.

Thưa quý vị,

Hôm nay, ngày 27 tháng 12, là ngày Chủ nhật cuối cùng của năm 2020, một năm đầy sóng gió, biến động, và thảm hoạ.



Coronavirus (COVID-19) Phát Xuất Từ Vũ Hán Bên Tàu

Sự thảm hoạ của năm 2020 khởi đầu từ Vũ Hán, thủ phủ của tỉnh Hồ Bắc, là một trung tâm thương mại rộng lớn bên sông Dương Tử, nằm ở giữa nước Tàu.

Ngày 16 tháng 12 năm 2019, một bệnh nhân ở Vũ Hán nhập viện với một bệnh cúm phổi do một con vi khuẩn khác lạ so với các loại vi khuẩn gây bệnh cúm phổi đã có từ trước. 

Ngày 29 tháng 12 năm 2019, có thêm một số bệnh nhân cùng mắc loại bệnh mới này, và đặc biệt là họ đều có liên hệ đến khu chợ buôn bán thịt cá ở Vũ Hán. 

Ngày 31 tháng 12 năm 2019, giới chức có thẩm quyền trong ngành y khoa của Tàu cộng ra lệnh cấm nhân viên y tế và bác sĩ bàn luận về căn bệnh mới này với người ngoài, nhất là giới y khoa quốc tế. 

Ngày 31 tháng 12 năm 2019, nhà cầm quyền Tàu cộng tuyên bố:
  • Tổng số bệnh nhân nhập viện với loại bệnh cúm mới này là 27 người
  • Số người bị nặng, ở tình trạng nguy hiểm là 7 người
  • Số người được khỏi bệnh là 2 người
  • Không có người nào chết vì loại bệnh cúm mới này.
Ngày 11 tháng 1 năm 2020, giới truyền thông của chính phủ Tàu cộng loan tin một bệnh nhân của loại cúm phổi mới này vừa bị chết. Đây là một người đàn ông 61 tuổi, khách hàng thường xuyên của khu chợ thịt cá ở Vũ Hán. Thế nhưng chính phủ Tàu cộng vẫn tiếp tục truyền thống cho người dân về quê ăn Tết. Trong số đó, có rất nhiều người dân Tàu làm việc ở ngoại quốc cũng về nước để đón Xuân.

Ngày 20 tháng 1 năm 2020, một người đàn ông ở tuổi 30 ở Washington State được chẩn đoán bị nhiễm loại bệnh cúm mới này, sau một cuộc du lịch ở Vũ Hán.

Ngày 23 tháng 1 năm 2020, nhà cầm quyền Tàu cộng ra lệnh phong toả Vũ Hán.

Ngày 30 tháng 1 năm 2020, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tuyên bố tình trạng khẩn cấp về sức khoẻ đang xảy ra trên thế giới.

Ngày 31 tháng 1 năm 2020, chính phủ của ông Trump ra lệnh giới hạn qua lại với nước Tàu. Đồng thời không cho phép nhập cảnh với những người ngoại quốc đã du lịch qua Tàu trong 14 ngày trước đó. Trong thời gian này, thì trên thế giới đã có 213 người chết và gần 9,800 người bị lây nhiễm.

Ngày 5 tháng 2 năm 2020, du thuyền Diamond Princess, có trên 3,600 người, đã đi qua khu vực Đông Nam Á, đã bị cách ly để kiểm dịch ở hải cảng Yokohama, Nhật Bản. Đến ngày 13 tháng 2 thì đã có 218 du khách được khám nghiệm là đã bị dương tính. Ngày 19 tháng 2, khi hành khách được rời tàu, thì đã có trên 600 người bị nhiễm bệnh.

Ngày 7 tháng 2 năm 2020, một biến chuyển quan trọng với tin vị bác sĩ Tàu tên Li Wenliang (Lý Văn Lượng), người đã báo động với giới y khoa về sự nguy hiểm của con vi khuẩn mới này đã bị nhiễm bệnh và chết. Hồi tháng 1, nhà cầm quyền Tàu cộng đã trừng phạt vị bác sĩ này, và buộc ông ta ký giấy chối bỏ lời báo động về sự nguy hiểm của con vi khuẩn mới. Cái chết của Bác sĩ Li Wenliang đã gây ra sự tức giận và thất vọng trong nước Tàu và toàn thế giới về cách chính phủ Tàu cộng đã hành động sai lầm đối với căn bệnh mới này. 

Ngày 11 tháng 2 năm 2020, Tổ chức Y tế Thế giới đặt tên cho con vi khuẩn mới này là COVID-19. Trái với nguyên tắc thông thường là mang tên thú vật hay nơi chốn đã phát hiện, như cúm gà, cúm heo, cúm Brazil, cúm Hong Kong ...
 
Ngày 23 tháng 2 năm 2020, bệnh dịch COVID-19 bùng phát ở Ý với hơn 150 người bị lây nhiễm. Chính phủ Ý đã ra lệnh phong toả 10 thành phố, đóng cửa trường học, ở khu vực Lombardy, phía Đông Nam của Milan. Đây là điều dễ hiểu, vì Lombardy và Milan là nơi có nhiều hãng may quần áo của Ý đã bán cho Tàu, và có rất đông công nhân Tàu đã trở lại làm việc sau khi "về quê ăn Tết." Tiếp theo đó là các quốc gia Trung Đông có nhiều nhân công Tàu như Iran, và các tiểu vương quốc Ả rập Thống nhất đã bùng phát sự lây nhiễm với con vi khuẩn mới này. 

Những công nhân Tàu làm việc ở ngoại quốc như những chiến binh được gài bom vi trùng đem đi reo rắc tai hoạ cho thế giới. Đây là việc "vô tình hay cố ý" của chính phủ Tàu cộng thì là một nghi án không hiểu đến bao giờ mới được phơi bày ra ánh sáng.

Ngày 29 tháng 2 năm 2020, một người Mỹ đầu tiên ở Seattle, tiểu bang Washington, bị chết vì COVID-19. Vào thời điểm này trên thế giới đã có gần 87,000 người bị lây nhiễm. Trước tình trạng này, chính phủ của ông Trump ra khuyến cáo "Không Du Lịch" đến các quốc gia đang có lây lan mạnh như Ý và Nam Hàn.

Ngày 11 tháng 3 năm 2020, Tổ chức Y tế Thế giới tuyên bố COVID-19 (coronavirus) là trận đại dịch toàn cầu. Vào thời điểm này đã có 118,000 người nhiễm bệnh trong 110 quốc gia trên toàn thế giới.

Ngày 13 tháng 3 năm 2020, tổng thống Trump tuyên bố tình trạng khẩn cấp trên toàn quốc, đồng thời dùng 50 tỉ đô-la trong ngân quỹ liên bang để cung cấp cho các tiểu bang trong việc phòng chống coronavirus.

Ngày 15 tháng 3 năm 2020, Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) khuyến cáo dân chúng không nên tụ họp quá 50 người, sau đó rút xuống còn 10 người và chuẩn bị đóng cửa trường học.

Ngày 16 tháng 3 năm 2020, chính phủ của ông Trump bắt đầu tổ chức các cuộc họp báo hàng ngày của lực lượng đặc nhiệm phòng chống dịch, nhưng sau đó đã giảm dần và đến ngày 25 tháng 4 thì không còn cuộc họp báo nào nữa. 

Ngày 24 tháng 3 năm 2020, ban tổ chức Tokyo Olympics tuyên bố dời ngày tổ chức qua năm 2021. Trong lịch sử, Olympics chỉ bị gián đoạn 3 lần vào các năm 1916, 1940 và 1944 vì lý do hai cuộc Đại chiến Thế giới.

Ngày 5 tháng 5 năm 2020, ông Trump nói rằng lực lượng đặc nhiệm sẽ "tiếp tục vô thời hạn" nhưng sẽ tập trung vào việc đưa quốc gia trở lại hoạt động bình thường.

Ngày 27 tháng 5 năm 2020, số người chết vì coronavirus ở Mỹ vượt quá 100,000 người, nhiều nhất trên thế giới.

Tính đến nay thì trên thế giới đã có trên 79 triệu người bị nhiễm bệnh và hơn 1 triệu 800 ngàn người chết. Riêng tại Hoa Kỳ thì đã có trên 18 triệu người bị lây nhiễm và hơn 320 ngàn người đã chết.

_________________________

Timeline from Newyork Times

WHO Early warning

The World Health Organization (WHO) on March 11, 2020, has declared the novel coronavirus (COVID-19) outbreak a global pandemic.



Va Chạm Giữa Cảnh Sát Và Người Mỹ Da Đen

Ngày 25 tháng 5 năm 2020, George Floyd, một người Mỹ da đen 46 tuổi bị chết khi cảnh sát của thành phố Minneapolis, thuộc tiểu bang Minnesota bắt vì tội dùng tiền giả. Trong một video của người qua đường dài 8 phút 46 giây, cho thấy một vài cảnh tượng của cuộc bắt giữ người của cảnh sát, đã được đăng trên YouTube và phổ biến trên tất cả các đài truyền hình của Mỹ.

Lợi dụng tình hình, những người da đen lại tổ chức biểu tình chống cảnh sát và đốt phá, cướp bóc các khu phố thương mại, không những ở tiểu bang Minnesota, mà còn lan tràn qua nhiều tiểu bang khác. Vì đang trong mùa tranh cử, các cuộc biểu tình và bạo động dân sự đã nhanh chóng trở thành vũ khí cho các chính trị gia. Ở những tiểu bang có thống đốc thuộc đảng Dân Chủ hoặc các thành phố lớn có Thị trưởng thuộc đảng Dân Chủ thì cảnh sát bị bó tay, không dám can thiệp vào các cuộc biểu tình cũng như bạo đông. Các đài truyền hình có khuynh hướng chống đối ông Trump cũng tiếp tay giải thích, bình luận theo kiểu

"Trăm dâu đổ đầu tằm,
Ngàn tội đổ đầu Trump."

Họ xem đây như là "lỗi tại Trump" tuy rằng việc bạo động dân sự của người Mỹ da đen đã từng xảy ra dưới hầu hết các đời tổng thống Hoa Kỳ, bất kể thuộc đảng nào. Thế nhưng lần bạo động dân sự này được ủng hộ rõ rệt bởi đảng Dân Chủ và giới truyền thông dòng chính. Họ cố tạo ra hỗn loạn để làm đề tài chỉ trích chính phủ của ông Trump. Với cơn dịch đang hoành hành, người dân bị ngăn cấm việc di chuyển, hàng quán, trường học, phố xá đóng cửa ... người dân chỉ còn ngồi trong nhà để nhìn vào màn ảnh TV hay computer để theo dõi các cuộc biểu tình, bạo động, đốt phá, hôi của ... và nghe hay đọc lời bàn luận quy lỗi vào ông Trump. Họ muốn người dân thấy nước Mỹ đang bị hỗn loạn và chính phủ của ông Trump không giải quyết được. Trong khi đó, người dân quên rằng chính các Thống đốc tiểu bang hay Thị trưởng thành phố đang có bạo động mới chính là những người có lỗi. Chính họ đã không cho phép cảnh sát hoặc vệ binh quốc gia can thiệp. 

Cuộc bạo động dân sự mạnh đến nỗi các người biểu tình đã chiếm cứ cả một khu phố Capitol Hill ở Seattle, tiểu bang Washington, gọi tên là CHOP (Capitol Hill Occupied Protest) làm khu tự trị, vô chính phủ. Thị trưởng thành phố chính thức cấm cảnh sát can thiệp và nhất là không được dùng hơi cay để giải tán đám đông. Cảnh sát đã phải rút lui khỏi khu phố ngày 8 tháng 6, và khu vực vô chính phủ này chỉ bị giải tán vào ngày 1 tháng 7, sau khi xảy ra các cuộc bạo hành, và nổ súng chết người của những kẻ đang chiếm giữ khu phố.

Từ các cuộc biểu tình, bạo động dân sự, đã khơi dậy phong trào "Black Lives Matter (BLM)", một phong trào của người Mỹ da đen được thành lập từ năm 2013 nhưng không gây được sự chú ý đáng kể nào của giới truyền thông dòng chính và mạng lưới xã hội. Cái chết của George Floyd trong mùa bầu cử là cơ hội cho phong trào BLM bùng phát.

_________________________




Phong Trào Black Lives Matter và Sự Phá Huỷ Văn Hoá và Lịch Sử

Được khoác lên chiếc áo chính trị, "chống kỳ thị", phong trào BLM đã nhanh chóng lan tràn ra nhiều tiểu bang của Hoa Kỳ và cả ngoại quốc. Nó được khoác thêm một chiếc áo "phong trào chống nô lệ", mặc dù việc này đã chấm dứt từ hơn 150 năm về trước. Trên nước Mỹ, các bức tượng của các danh nhân miền Nam trong thời nội chiến đã bị đập phá. Ngay cả tượng của Washington và Christopher Columbus cũng bị phá huỷ hoặc làm ô uế bằng sơn và chữ viết. Trong một vài thành phố của ngoại quốc như ở Bỉ và Anh cũng bị lây tệ trạng này.

Sự phá hoại vô ý thức này đã bị hầu hết các báo chí lên tiếng chỉ trích, vì "Phá huỷ tượng đài hay di tích lịch sử không thể thay đổi được lịch sử, nó chỉ là lập lại sự phá hoại văn hoá quốc gia như Hitler và Mao Trạch Đông đốt sách mà thôi." 

Chính phủ của ông Trump đã huy động vệ binh quốc gia canh giữ các khu tượng đài quan trọng như đài tưởng niệm Lincoln và núi Rushmore, đồng thời tuyên bố phá huỷ tượng đài là hình tội, thế cho nên việc phá hoại này đã mau chóng chấm dứt. Tuy nhiên việc xoá tên các địa danh mang tên của các danh nhân miền Nam thời nội chiến và giảm hoạt động của cảnh sát vẫn còn được nhắc đến. 

Việc đổi tên địa danh hoặc căn cứ quân sự thì còn có thể chấp nhận được, chứ việc giảm hoạt động của cảnh sát thì chắc sẽ gây ra nhiều tội ác, biến loạn, có thể đưa đến nội chiến ở nhiều tiểu bang trên nước Mỹ. 

Có lẽ vì lo sợ về việc này, nên số lượng súng được bán ra trong năm 2020 vượt hẳn lên đến mức khan hiếm. Hầu hết việc mua súng, và nhất là đạn, đều phải đặt hàng từ trước, hay phải ghi danh để được báo tin khi có hàng, và dĩ nhiên, giá sẽ tăng lên nhiều, vì một lẽ rất giản dị của nguyên tắc thương mại là "số người muốn mua nhiều hơn số hàng có thể được cung cấp". Và lý do là đạn cần hơn súng là vì nếu không có đạn, hay hết đạn, thì cây súng chỉ là một khúc củi đắt tiền mà thôi.

_________________________

List of monuments and memorials removed during the George Floyd protests



Hỗn Loạn Pháp Lý Trong Cuộc Bầu Cử

Cuộc bầu cử năm 2020, chắc sẽ được ghi vào lịch sử Hoa Kỳ là một cuộc bầu cử sôi động, hỗn loạn, và rắc rối nhất.

Việc hỗn loạn pháp lý trong cuộc bầu cử thì có lẽ không thể diễn tả cho rõ ràng, vì nó giống như một truyện trinh thám, bí mật, đầy uẩn khúc ... và cho đến những ngày cuối năm, vẫn đang còn trong vòng tranh cãi, thưa kiện, và trên phương diện pháp lý thì vẫn chưa có kết quả chính thức. Chúng ta hãy kiên nhẫn chờ xem kết quả. 

Đối với vấn đề tìm hiểu sự thật về những bí ẩn bên trong hậu trường chính trị như: bỏ phiếu bằng thư, đếm phiếu bằng máy ... thì là chuyện của nhiều năm sau, hoặc không bao giờ được đưa ra ánh sáng. Nhưng sau này có được giải mật thì "cũng chẳng thay đổi được gì - what difference does it make?"



Cháy Rừng Ở Nam California

California là một trong những tiểu bang lớn của nước Mỹ, đồng thời có nhiều cái nhất, thí dụ như:
  • Giàu nhất nước Mỹ. Nếu là một quốc gia riêng biệt thì sẽ đứng hạng 5 trên thế giới. Đứng đầu vẫn là Hoa Kỳ (cho dù không có California), thứ nhì là Tàu, thứ ba là Nhật, thứ tư là Đức, và California đứng hàng thứ 5.
  • Về bầu cử thì có nhiều phiếu Cử tri đoàn nhất: 55 phiếu.
  • Có "Thung lũng điện tử - Silicon valley", không những đứng đầu nước Mỹ mà còn đứng đầu thế giới về phương diện phát triển và sản xuất của ngành điện tử về cả hardware lẫn software.
  • Tuy đứng hạng nhì, sau Alaska, về động đất, thế nhưng nếu kể về thiệt hại do động đất gây nên thì California sẽ đứng hạng nhất.
  • Đứng hạng nhất trên toàn nước Mỹ về cháy rừng. Có lẽ California là địa danh duy nhất trên thế giới có "mùa cháy".
Xem ra có những cái mà được xếp hạng nhất lại là điều không tốt, như cháy rừng và động đất. Năm 2020 không có động đất lớn, nhưng lại có nhiều vụ cháy rừng lớn khiến hàng trăm ngàn người phải di tản. 

California là vùng đất nằm giữa biển và sa mạc, thế cho nên nếu gió thổi từ biển vào thì khí hậu rất ôn hoà và dễ chịu. Thế nhưng, khi gió đổi chiều, từ sa mạc thổi vào thì khí hậu sẽ nóng và khô, nên sinh ra "mùa cháy". Gọi là cháy rừng, nhưng thật ra hầu hết là những đồi cỏ và bụi cây, đến mùa hè bị khô, úa vàng, chỉ chờ gió sa mạc thổi vào và một mồi lửa là bùng cháy ngút trời.

Ông bà ta nói "đất lành, chim đậu", nhưng xem ra thì đất California không mấy "lành", nhưng dân số lại đông nhất và phát triển nhất trên nước Mỹ. Có lẽ California là nơi duy nhất trên thế giới mà "Buổi sáng lên núi trượt tuyết, buổi trưa đi tắm biển, buổi chiều đi dạo phố, xem movie, hay mua sắm ở các shopping đồ sộ với đèn màu sáng rực, và buổi tối thì về nhà mở TV hay computer để xem tin tức có động đất hay cháy ở đâu không?"

_________________________





Điểm qua tất cả những sự kiện trong năm 2020, chúng ta chắc sẽ đồng ý rằng có những người cần được cám ơn, ghi nhớ và tuyên dương, là những người đã đứng trên tất cả những tranh chấp, bàn cãi. Hàng ngày, không màng hiểm nguy, họ đã tận tâm săn sóc, cứu giúp và bảo vệ cho những người khác. Lẽ dĩ nhiên, họ không phải là các chính trị gia, mà là các nhân viên y tế và cứu hoả, họ mới chính là những người phải được ghi nhận là "Người Của Năm 2020". 




Thưa quý vị,

Năm 2020 khởi đầu bằng con vi khuẩn coronavirus ở Vũ Hán bên Tàu, tàn phá kinh tế, giết hại hàng triệu người và gián đoạn sinh hoạt xã hội trên toàn thế giới. Riêng Hoa Kỳ thì tai hoạ dồn dập đổ xuống, khiến sinh hoạt của dân chúng bị dồn vào trong nhà và cửa sổ để nhìn ra thế giới bên ngoài là màn hình của chiếc TV hay computer. Có lẽ sự gò bó đó, cộng chung với biến động dân sự và sự sôi động của mùa tranh cử, đã khiến người Việt tị nạn cộng sản ở Hoa Kỳ, và một vài quốc gia khác, bị lôi cuốn vào vòng thảo luận qua email hay các diễn đàn xã hội. Sự thảo luận đã trở thành tranh luận, và sau cùng trở thành cãi vã với những ngôn từ không còn lịch thiệp, nhã nhặn, xã giao, hay thân thiện nữa, thế cho nên dễ sinh ra bất hoà, đổ vỡ. 

Trong những ngày cuối năm, chúng ta hãy thử dừng lại trong giây phút để đếm xem chúng ta đã mất đi bao nhiêu người bạn trong năm qua, chỉ vì về vấn đề bầu cử. Và rồi ai thắng, ai thua, thì chúng ta ... vẫn là kẻ thua cuộc và mất mát. Có lẽ bởi chúng ta không hiểu rõ "trò chơi chính trị", nhất là trò chơi này lại ở một vị thế rất cao là quốc gia và quốc tế. Hy vọng rằng đây là một bài học đáng ghi nhớ.

Nhân dịp cuối năm, chúng tôi xin chúc quý vị một năm mới an lành, trong niềm hy vọng năm 2021 sẽ tươi sáng hơn.

Cám ơn quý vị đã theo dõi.

Bùi Phạm Thành

Mời quý vị nghe bào đọc trên YouTube:





No comments

Powered by Blogger.