Lê Tấn Dương
Lạy Chúa con là lính trận ngoài biên.
Vì xa thành phố, xa quá nên quên…
Phượng thân yêu,
Đó là hai câu hát mở đầu trong một bài ca Giáng sinh năm xưa của Nhạc sĩ Hoài
Linh, lúc cuộc chiến Quốc-cộng trên quê nhà đang trong giai đoạn khốc liệt
nhất (1968). Có thể em sẽ mỉm cười hỏi:
Ngày ấy còn là lính chiến, anh có nhiều điều để thiết tha xin, như xin yên
bình cho quê hương, xin hoà bình cho đất nước, xin an lành cho mọi người.
Nhưng bây giờ, mọi việc đã khác, chiến tranh đã đi qua, không biết anh sẽ
còn ước xin điều gì nữa không.
Dĩ nhiên anh vẫn còn nhiều điều để thiết tha xin, như ước mơ cho nụ cười rạng
ngời của trẻ thơ, hạnh phúc cho đôi lứa, yên lành cho đất Mẹ, hạnh phúc cho
người dân... Ngày nào còn hơi thở, còn trí nhớ là còn nhiều điều để mơ ước, và
đặc biệt là cầu mong cho em mãi được yên lành trong giai đoạn đầy biến động
hiện tại.
Anh nhớ ngày xưa Phượng từng theo học nhiều năm ở Sao Mai Đà Nẵng. Những ngày
hoang dại đó chắc vui lắm và mênh mông một trời kỷ niệm phải không. Tiếc là
những kỷ niệm đã qua sẽ không bao giờ trở lại dù chỉ một lần. Một đời người
không bao giờ tắm được hai lần trên cùng một dòng sông. Sông xưa không thể đợi
người vì dòng đời không ngừng nghỉ bao giờ. Anh cũng nhớ là Phượng đã được
sống một thời tuổi vàng trên biển Mỹ Khê nước xanh cát trắng. Biển ở đó đẹp vô
cùng. Anh đã đến nơi đó nhiều lần. Nhưng tiếc là không có nhiều kỷ niệm với Mỹ
Khê để kể cho Phượng nghe. Ngày anh rời miền Trung để về Sài Gòn tiếp tục đèn
sách, lòng trống vắng một cách kỳ lạ. Không mang theo hình ảnh quyến rũ tà áo
dài thướt tha trên phố chiều nhạt nắng. Không mang theo hình ảnh cô nàng Diễm
dễ thương như như nét nhạc đắm say của anh chàng nhạc sĩ họ Trịnh thuở trước.
Cũng không có được suối tóc mềm mại thướt tha của cô gái bến sông xưa trong
nét nhạc sang trọng pha cổ điển của nhạc sĩ Văn Phụng và Hoàng Trọng ngày ấy.
Nhớ lại thấy cũng ngạc nhiên đôi chút, nhưng anh không tìm được lý do để trả
lời. Có thể vì những kỷ niệm của anh trong lứa tuổi học trò không sâu đậm,
không đau buồn và bi thương bằng những kỷ niệm một đời lính chiến. Làm sao anh
có thể quên được những tức tưởi nghẹn ngào mỗi khi phải nhớ lại một ngày cuối
tháng tư năm xưa. Ngày phải buông súng tan hàng trong uất hận. Rồi tiếp theo
những năm tháng bị đối phương đọa đày trong các trại tù khổ sai từ Nam chí Bắc
mà họ dám bạo mồm bạo miệng đánh lừa dư luận thế giới bằng mỹ từ
“trại tập trung cải tạo”. Thực chất đó là những trại tù khổ sai để đoạ
đày và trả thù người lính miền Nam cùng gia đình họ. Sau gần bảy năm chống
chọi với tử thần trong các trại tù rừng già, anh được trở lại nhà với một án
tù mới, quản chế hai năm tại địa phương.
Thật không có gì đau xót và buồn cười cho bằng khi mình chỉ được “sống tạm trú” với vợ con mình trong chính ngôi nhà riêng của mình do mình sở hữu. Chuyện
có vẻ khôi hài và lố bịch quá phải không em. Nhưng đó lại là điều có thật trên
đất nước chúng ta sau 1975.
Và anh đã về…
Ta về như bóng chim qua trễ,
Cho vội vàng thêm gió cuối mùa.
Ai đứng trông vời mây nước đó,
Ngàn năm râu tóc bạc phơ phơ.
(Tô Thuỳ Yên – Ta về)
Em biết không. Anh rời trường Đại học Chiến Tranh Chính Trị Đà Lạt những ngày
đầu Xuân 1971 có nắng ấm chan hòa sau hơn hai năm thụ huấn. Tham gia chiến
trường miền Đông thuộc khu 31 Chiến Thuật nổi tiếng về hầm chông và mìn bẫy
của cộng quân. Đụng trận thường xuyên và cũng từng bị thương vài lần nhưng tất
cả chỉ là chuyện rất bình thường trong chiến tranh. Nhưng đến mùa Hè 1972, cả
miền Nam nhuộm một màu đỏ rực vì nhịp độ chiến tranh lan rộng khắp nơi. Mặt
trận bùng nổ ngay trong lòng thủ đô Sài Gòn. Áp lực của quân địch ngày càng
gia tăng. Trong một trận đánh lớn suốt tuần ở mặt trận Bàu Me, Trảng Bàng
thuộc Tiểu Khu Hậu Nghĩa. Lực lượng chính quy cộng sản thuộc phân khu miền
Đông từ các mật khu Hố Bò, Bời Lời cố sức đánh chiếm Trảng Bàng trong ý đồ
chia cắt Quốc Lộ 22 để uy hiếp trực tiếp Thủ đô Sài Gòn. Anh bị thương nặng
sau một trận đánh ác liệt ở đây, viên phi công trực thăng tản thương đã rất
gan dạ, liều lĩnh đáp xuống ngay trận địa để đưa anh và mấy thương binh bay
thẳng về Tổng Y Viện Cộng Hòa để cứu chữa kịp thời. Anh được điều trị và dưỡng
thương hơn một năm mới trở lại đơn vị cũ.
|
Photo by Nick Ut 1972
|
Hình như trong một lá thư gởi cho em tháng trước, anh có kể cho em một vài kỷ
niệm vui buồn đời lính ở đó. Phượng còn nhớ tấm hình nổi đình nổi đám mấy chục
năm nay của thông tín viên Nick Ut chụp em bé gái 9 tuổi Phan Thị Kim Phúc
đang chạy trần truồng, vừa chạy vừa dang hai tay với vết thương phỏng nặng
trên người. Tấm hình mô tả rất trung thực cảnh cô bé gắng sức chạy thoát khỏi
trận chiến tàn khốc đang hừng hực lửa đạn giao tranh. Em biết không, giữa lúc
chiến trận Bàu Me đang mịt mù khói lửa, thì cô bé Phúc và cả gia đình đang trú
ngụ ở đầu xóm Cây Da nằm hơi sâu phía sau Thánh Thất Cao Đài Trảng Bàng. Súng
nổ vang trời. Lửa cháy khắp nơi do đạn pháo hai bên, do bom xăng từ máy bay
thả xuống bao trùm cả khu vực và đã táp cháy lên người Kim Phúc khiến cô bé bị
phỏng nặng. Mặc dù đau đớn, Kim Phúc đã cùng vài đứa trẻ khác, can đảm chạy
cặp theo con lộ nhỏ trong xóm, vượt ra khỏi Thánh Thất Cao Đài, băng lên quốc
lộ để thoát về Thị trấn Trảng Bàng chỉ cách đó vài trăm mét dưới sự bảo vệ của
các đơn vị QL/VNCH.
Trận chiến Bàu Me năm ấy dữ dội và kinh hoàng vô cùng. Bom napan đỏ rực một
góc trời. Trận địa pháo của địch và pháo hỏa tập của mình nổ đinh tai nhức óc,
át cả tiếng gầm rú của phi tuần oanh tạc Skyraider đang quần trên bầu trời đất
Trảng. Tấm ảnh chụp cô bé Kim Phúc ngay sau đó đã nhanh chóng được các hãng
thông tấn báo chí tung ra khắp thế giới. Bé Kim Phúc sau giai đoạn cấp cứu tạm
thời, đã được chuyển xuống tàu bệnh viện Hope để điều trị và chỉnh hình. Vết
thương trên cơ thể cô bé đã lành sau thời gian chữa trị, nhưng vết tích do
chiến tranh để lại trên cơ thể của cô thì có thể mãi mãi không lành. Vết tích
đó sẽ vẫn còn đeo đẳng, ám ảnh đời sống cô nhiều năm. Là một người lính từng
vào sinh ra tử, từng bỏ lại một phần máu thịt trên quê hương nên anh rất hiểu
và cảm thông với những đớn đau về thể xác lẫn tâm hồn của cô bé tội nghiệp Kim
Phúc.
Trong tấm hình do phóng viên Nick Út chụp, ngoài bé Kim Phúc, còn vài em nhỏ
khác nhưng không ai bị thương nặng như Phúc. Tấm hình phản ảnh rất rõ sự tàn
khốc của chiến tranh, ai xem qua cũng phải ngậm ngùi và thương xót cho cô bé.
Nhưng mặt khác, bức ảnh tội nghiệp của cô bé cũng đã được nhiều phe phái,
nhiều tổ chức chính trị tại Hoa Kỳ và nhiều nước khác lợi dụng suốt mấy chục
năm nay chỉ vì một lý do duy nhất. Cô bé trong bức ảnh còn sống. Họ khó có thể
lợi dụng được những người đã chết. Vì những người chết đâu còn tiếng nói. Đúng
không em.
Sẽ có người đặt câu hỏi sao anh lại biết sự việc đã xảy ra trong quá khứ để
diễn tả những chi tiết trên. Em biết không, đơn vị của anh lúc xưa là đơn vị
tham chiến trực tiếp tại mặt trận Trảng Bàng. Và anh cũng bị thương ngay tại
chiến trường Bàu Me, Trảng Bàng thì làm sao anh lại không biết. Hơn nữa, gia
đình của Kim Phúc cũng không xa lạ đối với anh. Quán ăn Thanh Tùng của gia
đình Kim Phúc tại ngã tư Trảng Bàng rất nổi tiếng và đông khách từ nhiều năm
trước. Thời gian đóng quân tại đó, hầu như không tuần nào anh không ghé ăn
cùng với bạn bè trong đơn vị. Đó là cách trả lời rõ ràng nhất cho câu hỏi nếu
có.
Điều lạ lùng là sau nầy, khi câu chuyện đã trở thành nổi tiếng thì có nhiều
người ở xa, từ nhiều nước khác nhau, kể cả Việt Nam, không biết thực hư câu
chuyện ra sao, không phải là nhân chứng, cũng không tham dự vào chiến cuộc ở
đó thì lại nói thao thao bất tuyệt về nó. Họ không biết rằng ông Quận trưởng
kiêm Chi Khu trưởng Trảng Bàng ngày ấy, hiện vẫn còn vui sống cùng gia đình ở
Los Angeles, California. Mấy vị Tiểu Đoàn trưởng, nhiều sĩ quan và binh sĩ
trực tiếp tham dự cuộc hành quân ngày ấy, vẫn còn đây. Họ là chứng nhân của sự
kiện ngày ấy mà còn chưa lên tiếng. Mấy ông nhà báo viết phóng sự sau nầy chỉ
nghe chuyện kể, thì lại ưa bình phẩm thế nầy thế nọ những chuyện mình không
biết. Lạ thiệt !
Em thân yêu,
Không biết em có còn nhớ một tấm ảnh khác cũng nổi tiếng không kém. Nổi tiếng
vì cũng bị đám đầu cơ chính trị và phản chiến Mỹ lúc ấy lợi dụng cho mưu đồ
phe nhóm. Chuyện như thế nầy: Cuối thập niên 60, lợi dụng thời gian hưu chiến
dịp Tết cổ truyền dân tộc mà hai bên đã cam kết trước đó. Cộng quân trắng trợn
chà đạp lời cam kết hưu chiến, đơn phương phát động cuộc Tổng công kích dịp
Tết Mậu Thân 1968 trên toàn miền Nam với ý đồ thôn tính. Lúc đó, Thiếu Tướng
Nguyễn Ngọc Loan của Quân Đội Việt Nam Cộng Hòa đang chỉ huy cuộc hành quân
phản kích tại nội đô Sài Gòn thì ông nhận được hung tin toàn bộ gia đình của
Trung Tá Thiết Giáp hồi hưu Nguyễn Tuấn gồm 8 người đang sống tại trại gia
binh Phù Đổng trực thuộc Bộ Chỉ Huy Thiết Giáp ở Gò Vấp bị đặc công CS thảm
sát chỉ vì ông nhất quyết từ chối không cho chúng biết những chi tiết kỹ thuật
vận hành trên chiến xa M48 của Quân lực VNCH. May mắn là một cháu nhỏ 9 tuổi
tên Nguyễn Từ Huấn, bị thương vào đầu và đã được cứu sống kịp thời như một
phép lạ.
|
Photo by E. Adams 1968
|
Khi bắt được tên chỉ huy đặc công CS Bảy Lốp, kẻ đã trực tiếp ra lệnh thảm sát
gia đình người bạn mình, cơn giận dữ lên cực điểm không còn kiềm chế nổi,
Tướng Loan đã chỉa súng bắn chết tên chỉ huy Bảy Lốp ngay hiện trường lúc ấy.
Phát súng trực tiếp giết chết tên sĩ quan đặc công Việt cộng nhưng cũng gián
tiếp kết thúc cuộc đời binh nghiệp của chính ông. Tướng Loan biết điều đó
nhưng ông chấp nhận hậu quả, chấp nhận những chỉ trích, soi mói từ mọi phía.
Phóng viên Mỹ Eddie Adams của hãng thông tấn AP lúc ấy đang quay hình và đã
gởi ngay tấm hình đó cho báo chí truyền thông Mỹ. Anh phóng viên bỗng chốc
được nổi danh và đã nhận được giải thưởng lớn từ ngành truyền thông báo chí
Hoa Kỳ. Nhưng tấm ảnh vô tình đã giết hại cuộc đời vị Tướng. Mặc dù là một
tướng lãnh có tài và có công với đất nước, nhưng dưới áp lực của dư luận được
hướng dẫn bởi nhóm truyền thông phản chiến Mỹ lúc ấy, Tướng Loan cũng bị thân
bại danh liệt và phải giải ngũ. Nhiều năm sau ngày mất nước, ông sống lặng lẽ,
âm thầm ngay trên đất Mỹ dưới những ánh mắt soi mói không thân thiện của một
số ít người Mỹ bản xứ. Anh còn nhớ năm 1976, một vài nhà lập pháp trong Quốc
Hội Mỹ còn muốn lợi dụng tấm hình trong thời gian tranh cử. Họ lấy danh nghĩa
một nhóm thiểu số đặt yêu cầu Bộ Tư Pháp Mỹ trục xuất ông khỏi Hoa Kỳ. Nhưng
yêu cầu của họ đã không được chấp thuận.
Tướng Loan buồn nhưng không than vãn vì biết nhiều người Mỹ vẫn còn những định
kiến từ bức ảnh. Điều đáng nói nhất là sau khi ông qua đời (14 July 1998),
người ân hận nhất lại chính là tác giả của bức ảnh. Chàng phóng viên Eddie
Adams năm xưa đã viết và gởi đăng trên báo chí lá thư tạ lỗi của mình nhân
ngày giỗ đầu của vị Tướng. Em có biết vì sao lại có bức thư tạ lỗi muộn màng
như vậy. Thì ra sau khi Việt Nam chấm dứt chiến tranh, nhìn dòng người lũ lượt
vượt biển tìm tự do mỗi ngày mỗi nhiều dù phải chết trên biển Đông. Adams âm
thầm tìm hiểu và đã nhận ra sự lừa dối, độc ác và bất công của chính quyền mới
đang áp đặt trên đời sống dân chúng miền Nam. Cuối cùng thì chàng phóng viên
cũng đã làm được một việc rất dũng cảm mà không phải ai cũng làm được. Lời tạ
lỗi dù muộn màng nhưng đã biểu lộ được sự can đảm, tính nhân bản của người làm
báo và là phóng viên chiến trường.
Đối với đám chính trị hoạt đầu, chúng không tha bất cứ ai và chỉ có người chết
may ra mới không bị những tổ chức đó lợi dụng được. Trận chiến ở Bàu Me thực
sự đã cướp đi biết bao sinh mạng lẫn thương vong của cả hai bên lâm chiến,
không loại trừ một số ít người dân hiền lành, vô tội. Nhưng như em thấy đó,
không ai nhắc đến những người đã chết dù chỉ một lần, ngoại trừ chính gia đình
của họ.
Không ai khóc thương cho một nạn nhân chiến tranh bình thường ngoại trừ chính
thân nhân, vợ con của họ. Đó là quy luật muôn đời của chiến tranh. Thứ quy
luật đầy tính tàn bạo và khắc nghiệt. Câu chuyện cô bé Phan Kim Phúc của Trảng
Bàng. Chuyện về bức ảnh Tướng Loan bắn tên đặc công Bảy Lốp trong cuộc chiến
tại miền Nam Việt Nam trước đây, rồi sẽ vẫn còn là đề tài tranh cải của nhiều
phe nhóm, đảng phái chính trị trong nhiều năm nữa.
Trở lại vụ tàn sát man rợ đau thương năm 1968 mà cộng sản đã gây ra cho gia
đình Trung Tá Thiết Giáp Nguyễn Tuấn. Chú bé 9 tuổi Nguyễn Từ Huấn được sống
sót như một phép lạ. Phép lạ như một huyền thoại dẫn cậu bé Nguyễn Từ Huấn đến
câu chuyện thật của đời người, đã đi những bước dài như Phù Đổng Thiên Vương
trong chuyện cổ tích Việt Nam đầy hương thơm. Hơn 40 năm sau, cậu bé sống sót
ngày nào đã trở thành vị Tướng của Quân đội Hoa Kỳ. Phó Đề Đốc Nguyễn Từ Huấn
thuộc Quân chủng Hải quân.
Phượng thân yêu,
Ta về cúi mái đầu sương điểm,
Nghe nặng từ tâm lượng đất trời.
(Tô Thùy Yên – Ta về)
Rồi anh cũng đã trở về sau nhiều năm bị giam cầm trong các trại tù tập trung
của Cộng sản. Hơn mười năm sống vật vờ trong muộn phiền và lo toan những bất
trắc của kẻ sa cơ thất thế. Rủi may trong cuộc đời rồi cũng có lúc viếng thăm
từng người. Vận may rồi cũng đã mĩm cười với anh. Và cuối cùng, anh cùng gia
đình đã được đến Hoa Kỳ sau nhiều năm miệt mài trong chờ đợi.
Em biết không. Thuở chào đời, anh đã không được may mắn nghe tiếng con thoi
xuyên khung cữi dệt lụa bên bờ sông quê Ngoại, cũng không được nghe mùi hương
rơm rạ đồng lúa của quê Nội mến yêu. Tiếc nhớ vô cùng vì anh ra đời gần miền
Nam cũng trên một bãi biển có nước xanh cát trắng giống quê em. Ngay từ tuổi
ấu thơ, anh đã không lưu giữ được một hoài niệm rõ rệt nào về nơi chôn nhau
cắt rốn của chính mình. Trong hồi ức còn lại rất nhỏ nhoi của anh hiện tại.
Anh chỉ còn nhớ là Ba Má anh có xây một căn nhà rất lớn tại mảnh vườn quê Nội.
Tường dày gạch đôi, mái lợp ngói đỏ. Nền nhà rất cao, có lẽ vì sợ nước ngập
vào mùa lũ. Hai cầu thang xi măng với 5 bậc thang hai bên hông nhà dẫn lên khu
bàn cờ sân trước. Nền tráng xi măng và không có cột trong nhà như kiểu nhà
thường xây ở miền quê lúc đó. Nhà không bị hư hại gì nhiều trong suốt cuộc
chiến 9 năm chống Pháp (1945-1954) nhưng lại bị tàn phá trong cuộc nội chiến
tương tàn Quốc-Cộng năm 1968. Căn nhà xưa như một vùng trú ẩn của tuổi thơ,
vẫn thường hiện về trong trí tưởng tượng của anh mỗi khi quay lại nhìn những
ngày tháng hoang dại xưa cũ. Mặc dù gia đình anh không ở đó thường
xuyên.
Từ sau năm 1954, khi Ba anh trở lại làm việc cho các Bệnh Viện, gia đình anh
xem như đã vĩnh viễn không còn trú ngụ ở đó. Ngoại trừ lần tổ chức Đám Cưới
cho một người chị, một năm sau ngày đất nước bị chia đôi. Lớn lên, mỗi khi nhớ
lại căn nhà xưa. Trong giấc ngủ chập chờn những đêm trăng sáng, anh hay mường
tượng có mấy vị Tiên Ông râu tóc bạc phơ đang ngồi đánh cờ tướng tại khu bàn
cờ trước cửa chính dẫn vào nhà. Anh chỉ nhớ là sau đó Ba Má anh giao nhà cho
gia đình một người Chú trông nom trước khi bị tàn phá vào năm Mậu Thân 1968 do
chiến tranh.
Lần cuối về thăm quê năm 1993, ngôi nhà cũ đã hoàn toàn mất dạng. Không còn
một dấu tích gì của căn nhà kỷ niệm thời thơ ấu. Không còn cây khế ngọt đầu
hè. Không còn cây mít thơm giữa vườn. Chỉ còn lại mảnh vườn xưa với hàng tre
tỏa bóng mát chung quanh. Người xưa nói vật đổi sao dời, thương hải biến vi
tang điền. Cả hai câu nói hoàn toàn đúng khi anh đứng lặng ngắm khung cảnh
ngày cũ. Cả con sông nhỏ xinh xắn gần nhà cũng đổi dạng bên bồi bên lở khác
xưa nhiều lắm. Nói gì một ngôi nhà, một hàng cây, kể cả một đời người. Có còn
chăng là tiếng gió rì rào trên hàng tre xanh lá quanh khu vườn tuổi thơ. Và
còn đó, mây trắng bay hoài trong bầu trời xanh thẳm, mang theo nỗi nhớ nghìn
trùng. Lúc xưa anh đọc Hoàng Hạc Lâu của Thôi Hiệu để thấy bóng chiều trên
sông vắng gợi cảm giác sầu muộn đau thương cho kẻ xa nhà. Có ngờ đâu hôm nay
anh cũng đang phải chịu cảnh “Quê hương khuất bóng hoàng hôn. Trên sông khói sóng cho buồn lòng ai"
(Tản Đà dịch Hoàng Hạc Lâu của Thôi Hiệu) như người xưa đã từng gặp.
Ðã bao nhiêu năm rồi, cứ đến những ngày cuối năm anh lại nao nao nhớ thương về
quá khứ, tuổi thơ và kỷ niệm. Mỗi lần như vậy, anh lại nhớ như in bài thuộc
lòng năm xưa thời tiểu học. “Buổi chiều cuối năm. Buổi chiều êm như một giấc mộng, mấy cây thông đầu hè
đứng lặng im đợi gió”. Em biết không, chung quanh nhà anh đang ở cũng có rất nhiều cây thông xanh
và có lẽ chúng cũng đang lặng yên đợi gió về từ phương xa ru giấc ngủ muộn
phiền cuối năm. Nắng quái buổi chiều đang lụn tàn trên những cành thông xanh
mượt lá. Bốn giờ chiều mà vùng Tây Bắc như đã muốn vào đêm. Buổi chiều êm ả
nhưng âm thầm và lạ lẫm.
Mùa Xuân đang đến rất gần. Và thường trong phút giao mùa đó, anh lại cảm thấy
thiếu vắng và cô đơn hơn bao giờ. Sẽ viết tiếp cho em khi mùa đào bắt đầu rụng
cánh. Khi ấy, những con đường anh đi sẽ ngập tràn một màu hồng xác pháo, gợi
tiếc thương trong anh những mùa Tết thời ấu thơ có mai vàng rực rỡ, có ước
vọng muôn trùng đã vĩnh viễn trôi theo dòng đời.
Tây Bắc Hoa Kỳ
Lê Tấn Dương
Post a Comment