Bùi Phạm Thành
Xin chào quý đọc giả của Đặc San Lâm Viên và quý thính giả của Radio Lâm Viên.
Thưa quý vị,
Cuộc bầu cử tổng thống Hoa Kỳ năm 2020 đã kết thúc, thế nhưng lại có quá nhiều
rắc rối về pháp lý, nên cho đến nay vẫn chưa có thể biết chắc rằng liên
danh nào sẽ đắc cử. Giới truyền thông dòng chính thì vẫn như thường lệ là chỉ
loan những tin mà họ suy luận, chứ không phải là tin chính thức. Thêm vào đó
là tin tức phát xuất từ cộng đồng mạng xã hội chỉ làm sự việc trở nên "rối như
tơ vò"...
Chúng ta vẫn biết rằng trong bất cứ một cuộc tranh đua nào thì cuối cùng cũng
có người thắng, kẻ thua. Sự thắng hay thua, nhiều khi chỉ có một khoảng cách
thật ngắn, một vài phần trăm của giây hay phút trong các cuộc tranh đua thể
thao của Thế Vận Hội, hoặc vài trăm phiếu như Bush thắng Gore ở Florida năm
2000. Dễ hiểu hơn thì có thể xem cuộc bầu cử 2020 như đang xem một trận banh chung kết của giải quốc gia, trước khi trọng tài thổi còi kết thúc trận đấu thì số bàn thắng của đôi bên vẫn chưa phải là kết quả sau cùng, đặc biệt là khi số bàn thắng lại quá gần nhau, và trận đấu vẫn còn đang tiếp diễn trong những phút đá thêm, thì chưa thể phân thắng bại, đồng thời với những cú chơi xấu, những quả phạt đền khiến trận đấu trở nên gây cấn và xôi động hơn với lời hò reo, la hét vang lừng của khán giả đôi bên...
Thành ngữ có câu "Không lấy chuyện thắng bại mà luận anh hùng." Bởi vì
một lẽ rất đơn giản là người thắng cuộc, nhiều khi, chỉ nhờ vào may mắn. Thế
nhưng, thắng cuộc nhờ vào gian trá, mưu mô, thì hiển nhiên là sẽ bị người đời
nguyền rủa. Là người Việt Nam tị nạn cộng sản, thì chúng ta vẫn biết rằng kết
quả của ngày 30 tháng 4 năm 1975 đã được định đoạt trên bàn hội nghị, là cuộc
trao đổi chính trị giữa các cường quốc, và hai miền Nam Bắc Việt Nam chỉ là
hai con cờ trên bàn cờ quốc tế. Chuyện chẳng may là phía Việt Nam Cộng Hoà chỉ
là con chốt thí.
Nói đến tranh đua và thắng hay thua, thì chúng ta ước gì mọi tranh chấp đều
giống như cuộc tranh tài trong Thế Vận Hội. Thế nhưng, trên thực trạng của
tranh giành quyền lực, nhất là quyền lực chính trị thì hoàn toàn khác hẳn.
Trong cuộc tranh giành quyền lực chính trị thì các phe đều dùng mọi thủ đoạn,
cho dù dơ bẩn đến đâu chăng nữa, để đoạt thắng lợi, thì họ vẫn cứ làm.
Hiện nay, trước mắt chúng ta là một cuộc tranh giành chức vụ tổng thống Hoa Kỳ
đang ở trong tình trạng rắc rối nhất. Một nguồn tin từ giới truyền thông dòng chính
tuyên bố rằng liên danh Dân Chủ đã thắng. Và những nguồn tin từ phía ông Trump thì đưa ra những tố
giác và kiện thưa về bầu cử gian lận. Trong khi đó, chưa một ban bầu cử của
tiểu bang nào chính thức tuyên bố kết quả của cuộc kiểm phiếu, hạn chót là
ngày 14 tháng 12 năm 2020.
Theo luật định, thì ngày 6 tháng 1 năm 2021 sẽ có phiên họp chung của lưỡng
viện Quốc hội để tuyên bố ai là người đắc cử chức vụ tổng thống. Trước ngày
đó, tất cả mọi tin tức đều chỉ là dự đoán của giới truyền thông mà thôi.
Thưa quý vị,
Có lẽ chúng ta đều đồng ý rằng giới truyền thông giữ một vị trí rất quan trọng
trong xã hội. Bởi thế đã có sự so sánh cho rằng giới truyền thông là "quyền
lực thứ tư" trong tổ chức phân quyền của một quốc gia tự do. Thế nhưng, khi
quyền lực thứ tư này không giữ được sự công bình, vô tư và trung thực trong
việc truyền bá tin tức thì sẽ trở nên vô dụng; nhiều khi trở thành trò cười
cho dân chúng.
Trong thời buổi này, với mạng lưới thông tin xã hội, thì ai cũng có thể trở
thành ký giả hay bình luận gia để tung ra những tin tức trái ngược nhau. Có
thể nói đây là thời kỳ "Trăm Hoa Đua Nở" của ngành truyền thông. Thế cho nên
người đọc phải tự tìm hiểu và suy xét để tìm ra sự thực; bởi vì đúng hay sai,
thực hay giả chỉ cách nhau một cái "click" trên các trang web mà thôi.
Thưa quý vị,
Như chúng tôi đã trình bày ở trên thì cuộc bầu cử năm 2020 của Hoa Kỳ chưa thực sự kết thúc, vì còn đang ở trong thời kỳ tranh cãi pháp lý.
Tuy thế, giới truyền thông dòng chính của Mỹ đã tuyên bố rằng liên danh Dân
chủ đã thắng. Bởi vậy đã có vài nguyên thủ quốc gia trên thế giới lên tiếng chúc mừng "bên
thắng cuộc", đáng chú ý là:
Angela Merkel của Đức, Emmanuel Macron của Pháp, Boris Johnson của Anh, Justin Trudeau của Canada, Giuseppe Conte của Italy, Volodymyr Zelensky của Ukraine, Moon Jae-in của Nam Hàn, Narendra Modi của Ấn Độ, Yoshihide Suga của Nhật, và người sau cùng là Tập Cận Bình của Tàu cộng, qua lời của của người phát ngôn hôm thứ Sáu. Tuy nhiên Vladimir Putin, tổng thống Nga, và Andrés Manuel López Obrador, tổng thống Mexico, thì nói rằng sẽ chỉ lên tiếng chúc mừng tân tổng thống khi tất cả mọi "thủ tục pháp lý" đã hoàn tất.
Có thể nói Tàu cộng mới chính là "kẻ thắng cuộc" và vui mừng hơn cả. Vì nếu không có ông Trump thì sẽ
- Không còn "chiến tranh thương mại"
- Không còn chương trình rút hãng xưởng Mỹ ra khỏi lục địa Tàu cộng
- Không còn cấm dùng Tik Tok, WeChat ...
- Không còn cấm dùng hệ thống 5G của Huawei
- Không còn tuần tiễu trên Biển Đông
- Và nhất là không còn Bộ trưởng Ngoại giao Mike Pompeo thì lời tuyên bố của Mỹ không chấp nhận đường lưỡi bò của Tàu cộng ở Biển Đông sẽ bay theo gió.
Xem ra thì phen này chúng ta sẽ lại tiếp tục phải đóng thuế nhiều hơn để chính phủ đem nuôi thiên hạ, và con cháu chúng ta sẽ đem xương máu đi đánh giặc cho các quốc gia trên thế giới. Trong khi đó thì đồ "Made-in-China" sẽ lại tràn ngập ở khắp các siêu thị, và Biển Đông sẽ thành cái hồ sau nhà của Tàu cộng. Có lẽ chiếc Air Force One sẽ được tân trang để làm cửa sau to bằng cửa trước để không bị Tàu cộng gọi là "cửa hậu" một cách chế giễu nữa.
Nếu Biden đắc cử tổng thống
Thưa quý vị,
Một câu hỏi được đặt ra trên nhiều trang báo điện tử của thế giới là "Tình trạng thế giới sẽ thay đổi ra sao, nếu Biden đắc cử tổng thống?"
-
Iran muốn Hoa Kỳ quay trở lại với Thoả thuận Nguyên
tử Vienna ngày 14 tháng 7 năm 2015.
-
Israel và các tiểu vương quốc ở Trung Đông hy vọng rằng các thoả
thuận hoà bình vừa ký kết sẽ vẫn được Hoa Kỳ yểm trợ để duy trì hoà bình.
-
Pháp muốn Hoa Kỳ quay trở lại với Thoả thuận
Paris về thay đổi khí hậu, và bãi bỏ thuế quan lên hàng hoá của vài quốc gia của Liên hiệp Âu châu, trong đó có Pháp.
-
Đức và Âu châu muốn Hoa Kỳ quay trở lại với việc giúp đỡ tài
chánh và quân sự cho khối NATO như cũ.
-
Tổ chức Y tế Thế giới (World Health Organization - WHO) muốn Hoa Kỳ
quay trở lại với việc tiếp tục yểm trợ tài chánh.
-
Tàu cộng muốn thương thảo lại với Hoa Kỳ về trao đổi thương mại
cũng như kỹ thuật điện tử.
-
Biden muốn Hoa Kỳ quay trở lại với Thoả thuận Đối tác xuyên Thái
bình dương (Trans-Pacific Partnership - TPP) của thời Obama.
Tất cả những thoả thuận nói trên đều bất lợi và tốn kém cho Hoa Kỳ mà chính
phủ của ông Trump đã tìm cách để thay đổi. Theo như những lời tuyên bố trong
khi tranh cử của ông Biden thì ông ta sẽ làm ngược lại với tất cả những thay
đổi của ông Trump, trong đó có tất cả những điều ghi trên cùng với nhiều thoả
thuận bất lợi và tốn kém khác cho Hoa Kỳ.
Nhìn kỹ lại thì thấy rằng cho dù Âu châu đả kích chính sách "Nước Mỹ trước hết" của ông Trump, nhưng chính họ, lúc nào cũng lo cho chén cơm, manh áo và an ninh cho quốc gia của họ trước hết; và nhìn chung thì đều nhắm vào tài chánh và nhân lực của Hoa Kỳ.
Nhìn về Á châu thì chúng ta sẽ thấy những lo ngại của một số quốc gia về việc
Hoa Kỳ thay đổi chính phủ và chủ trương "nhẹ tay" với Tàu cộng.
-
Úc là quốc gia đang bị áp lực kinh tế mạnh mẽ của Tàu cộng, và gần
đây đã quyết định tham gia cuộc tập trận Malabar 2020 với Nhật, Ấn độ và
Hoa Kỳ, khiến tình trạng căng thẳng chính trị và kinh tế giữa Úc và Tàu
cộng càng trở nên mãnh liệt. Nếu không có sự trợ giúp tích cực của Hoa Kỳ,
tình trạng kinh tế và chính trị của Úc sẽ bị xụp đổ một cách nhanh chóng,
cho dù Đức đang có ý định giúp đỡ Úc, đồng thời tạo ảnh hưởng và chỗ đứng
ở khu vực Thái Bình Dương.
-
Đài Loan thì hy vọng rằng sẽ không có thay đổi nhiều về việc hỗ trợ
của Hoa Kỳ trước đe doạ của Tàu cộng. Nhất là không có thay đổi gì về thoả
ước Đài Loan mua vũ khí phòng thủ của Hoa Kỳ vừa mới được chính phủ của
ông Trump chấp thuận.
Qua
giọng điệu của Biden trong thời gian tranh cử có vẻ hoà hoãn với Tàu cộng,
chính phủ Đài Loan lo ngại rằng đó sẽ là cái giá rất đắt mà Đài Loan phải
trả. Nhất là nếu Biden dùng lại các nhân viên thời Obama. Tưởng cũng nên
nhắc lại là chính phủ Obama trì hoãn việc bán vũ khi cho Đài Loan là một
sự nhượng bộ lớn của Hoa Kỳ đối với việc Tàu cộng xâm chiếm Biển Đông.
-
Hong Kong hy vọng Hoa Kỳ sẽ tiếp tục ủng hộ phong trào dân chủ,
chống lại "luật an ninh" mới của Tàu cộng nhằm đàn áp dân Hong Kong.
-
Việt Nam thì hy vọng rằng mối giao hảo với Hoa Kỳ qua chính phủ của
ông Trump sẽ không bị giảm sút. Nhất là sự hiện diện của Hải Quân Hoa Kỳ
sẽ không bi giảm xuống như thời của chính phủ Obama. Đây là vấn đề quan
ngại hàng đầu của Việt Nam và các quốc gia trong khu vực, trước sự xâm
lăng của Tàu cộng trong khu vực Biển Đông. Sự vắng mặt của Hải Quân Hoa Kỳ
sẽ là chiến thắng của Tàu cộng với con đường 9-đoạn (còn gọi là đường lưỡi
bò) để Tàu cộng làm chủ hơn 90% Biển Đông, kiểm soát một lộ trình hàng hải
trị giá trên 3,000 tỉ đô-la hàng năm. Đó là chưa kể đến những tài nguyên thiên
nhiên như dầu hoả và khí đốt dưới đáy biển, cùng với một phần lớn hải sản
của thế giới.
oOo
Thưa quý vị,
Sau đây chúng tôi xin gửi đến quý vị một số tin tức quan trọng đã và vẫn đang xảy ra trong mấy ngày qua.
Tuần qua vừa có tin Phi Luật Tân sẽ ủng hộ ứng cử viên của Tàu cộng để
điền vào ghế trống trong năm tới của Tòa án Công lý Quốc tế (International
Court of Justice). Ông Harry Roque, phát ngôn viên của chính phủ Phi Luật Tân,
cho biết lý do là Tàu cộng và Phi Luật Tân có một mối qua hệ "rất chặt chẽ",
cho dù Tàu cộng đã xâm chiếm biển đảo và đàn áp ngư dân Phi Luật Tân.
Cũng trong tuần qua, Tàu cộng đã thông qua đạo luật cho phép Lực lượng Tuần duyên (Coast Guard) sử dụng vũ khí trong khu vực mà Tàu cộng xem là chúng có chủ
quyền, có nghĩa là trong 90% khu vực Biển Đông. Đây là một hành động rất nguy
hiểm cho ngư dân Việt Nam và các quốc gia khác trong vùng. Mặc dầu chính phủ
của ông Trump đã tuyên bố không chấp nhận chủ quyền của Tàu cộng trên Biển
Đông, thế nhưng sự thay đổi chính phủ của Hoa Kỳ là một lo ngại lớn không chỉ
cho Việt Nam, mà cả các quốc gia trong khu vực. Đạo luật mới này cho thấy Tàu cộng nhất định sẽ dùng vũ lực để nắm chủ quyền trên Biển Đông. Một khi súng đã nổ, chiến tranh rất dễ xảy ra.
Để đáp lại với luật mới của Tàu cộng cho dùng vũ khí trên Biển Đông, chính phủ Mỹ dự tính đưa Lực lượng Tuần duyên (Coast Guard) đến các vùng mà Tàu cộng vẫn thường xuyên tuần tiễu. Cố vấn An ninh Quốc gia Robert O’Brien cho biết Coast Guard dự tính sẽ điều động các tàu “Fast Response Cutter” đến Biển Đông (Mỹ gọi là vùng Tây Thái Bình Dương) để thực hiện các hoạt động bao gồm "kiểm soát hải cảng, đường thủy và an ninh ven biển, kiểm soát ngư dân đánh cá, tìm kiếm cứu nạn và an ninh quốc phòng." Đây không phải là lần đầu tiên Coast Guard được điều động đến Á châu. Năm ngoái, hai tàu tuần tiễu đã có mặt tại đây trong 10 tháng để kiểm soát việc cấm vận kinh tế với Bắc Hàn.
Ngày 7 tháng 11 năm 2020, trên trang báo điện tử STL News có đăng một tin ngắn
cho biết Tàu cộng điều động các đơn vị quân đội, sẵn sàng chống lại Hoa Kỳ nếu xảy ra tranh chấp ở Đài Loan cũng như các khu vực khác ở Biển Đông. Đây chỉ là loại "võ mồm" của Tàu cộng, vì trên thực tế, thì không chỉ hải quân của Tàu cộng, mà của cả thế giới gộp chung lại, cũng
không thể so sánh với Hải Quân Hoa Kỳ. Tuy nhiên, quân lực mạnh là một chuyện, tham
gia chiến tranh lại là một chuyện rất khác. Chỉ mong rằng Hoa Kỳ không cắt
giảm lực lượng hải quân trong khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương để ngăn cản sự
xâm Lăng của Tàu cộng.
Thành ngữ Latin có câu "Si vis pacem, para bellum" (si vis ˈpaːkẽm ˈpara ˈbɛllũm) có nghĩa là "Nếu muốn hoà bình, chuẩn bị cho chiến tranh". Thành ngữ của Hoa Kỳ cũng có câu "Pray for Peace, Prepare for War - Cầu nguyện cho Hoà Bình, chuẩn bị cho chiến tranh." Hai câu thành ngữ này cho thấy để có thể duy trì hoà bình thì quốc gia phải chuẩn bị vũ trang để tự bảo vệ. Thế cho nên, trước sự hung hăng của Tàu cộng, nhất là cách đối sử với Hong Kong và mới đây là luật cho phép dùng vũ khí trên Biển Đông, khiến các quốc gia trong vùng phải chuẩn bị quân đội, tăng cường vũ khí, và liên kết đồng minh để bảo vệ quốc gia.
Hôm thứ Ba, ngày 10 tháng 11 năm 2020, trang báo điện tử Daily Express đưa tin Úc và Nhật vừa đồng ý ký kết một thoả thuận quân sự cho phép quân đội, khi cần thiết, có quyền đổ bộ lên đất của đôi bên. Thoả thuận này là một tín hiệu mạnh mẽ nhắm vào Tàu cộng, cho thấy Úc và Nhật quyết tâm chống lại sự hung hăng của Tàu cộng trong vùng. Cũng nên nhắc lại rằng, sau Thế chiến thứ Nhì, Hiến pháp của Nhật chỉ cho thành lập quân đội tự vệ, hoạt động trên lãnh thổ và lãnh địa của Nhật mà thôi. Đây là lần đầu tiên, Nhật cho phép quân đội của họ đặt chân lên lãnh thổ của một quốc gia khác, khi có chiến tranh. Hai năm trước, dưới sự trợ giúp và huấn luyện của Mỹ, Nhật cũng đã thành lập một lữ đoàn Thuỷ Quân Lục Chiến, và đã mở các cuộc tập trận về phương pháp tái chiếm đảo, khi bị địch quân chiếm đóng. Nhật và Úc là hai thành viên của "Liên hiệp 4 quốc gia - the Quad", trong đó có Úc, Nhật, Ấn Độ và Hoa Kỳ.
Ngày 11 tháng 11 năm 2020, trang báo điện tử The Diplomat loan tin một toán thuộc Trung đoàn Đột kích của Thuỷ Quân Lục Chiến (TQLC) Hoa Kỳ đã đến Đài Loan, ngày 9 tháng 11, để phụ trách việc huấn luyện cho TQLC Đài Loan trong một tháng về kỹ thuật đột kích bằng cách sử dụng tàu cao tốc và các loại tàu tấn công nhanh và nhẹ tại Căn cứ Hải quân Tsoying ở Cao Hùng. Cũng cần nói thêm là Lực lượng Đặc biệt Mũ Xanh (Green Berets) của Hoa Kỳ và Lực lượng Đặc nhiệm của Đài Loan vẫn có các cuộc tập trận thường niên ở Đàl Loan.
Cũng trong ngày 11 tháng 11, trang báo điện tử Nikkei Asia có đưa tin về ông Bộ trưởng Quốc phòng của Indonesia, ông Prabowo Subianto, đang đi vòng quanh các quốc gia như Hoa Kỳ, Áo, Pháp và Thổ Nhĩ Kỳ để tìm mua phản lực cơ chiến đấu mới để thay thế cho những chiến đấu cơ đã quá cũ của Không quân Indonesia. Mặc dù năm 2018 Indonesia đã đồng ý mua 11 chiếc Sukhoi Su-35 của Nga, thế nhưng lại e ngại về lời đe doạ cấm vận của Hoa Kỳ nếu mua vũ khí của Nga. Ông Subianto sẽ dùng việc trên để trả giá với Hoa Kỳ, vì Hoa Kỳ chỉ muốn bán cho Indonesia loại F-16 thế hệ thứ tư được trang bị thêm những dụng cụ tân tiến, thế nhưng ông Subianto lại muốn mua loại chiến đấu cơ tối tân và đắt giá nhất của Hoa Kỳ là chiếc F-35, nhưng với giá không quá đắt so với giá của chiếc Su-35 của Nga.
Thưa quý vị,
Có lẽ chúng ta đều đã nghe nói về 3 trạng thái tinh thần có hại, còn gọi là "Tam Độc": Tham, Sân, Si. Trong đó "Tham" là cái độc hại đứng hàng đầu. Tánh tham lam, bao gồm công danh, quyền uy và cả tiền tài, vật chất, không biết khi nào là đủ. Lòng tham đã khiến con người, hay nói rộng ra là quốc gia, tranh nhau quyền làm chủ, chiếm đoạt tài sản của nhau, và những sự tranh giành này không bao giờ ngừng vì lòng tham không có đáy. Bởi vậy, con người, hay quốc gia lúc nào cũng phải tìm cách tự vệ, để hy vọng rằng không bị kẻ khác dòm ngó, toan tính chiếm đoạt, hay xâm lăng. Chúng ta chỉ hy vọng rằng các lãnh tụ quốc gia nhìn lại lịch sử để thấy sự tàn phá, đổ vỡ do chiến tranh gây nên trong hai cuộc đại chiến thế giới vừa qua, sẽ tạm ngưng lòng tham trước khi có thể gây nên chiến tranh, và như thế chúng ta vẫn còn hưởng được chút không khí Hoà Bình, cho dù mỏng manh và vẫn có phần lo sợ.
Bùi Phạm Thành
Tham khảo:
Russia And China Among Countries Holding Off On Congratulating Biden
China Declines To Congratulate Biden; Says His Victory Should Have Legal
Endorsement
As Putin and Xi bide their time, which world leaders have and have not
congratulated Biden?
Australia will not be invisible to Joe Biden, especially when it comes to
China and climate change
Weak, compromised Biden will ruin us
Will Joe Biden alter US policy in the Middle East?
After Joe Biden election win, China will seek to renegotiate trade deal,
Beijing advisers say
Biden to change US tune on climate, China
Biden owes Taiwan reassurances
South China Sea: Taiwan fears Biden would bring LOSS of US support against
Beijing
Military analyst says arms sales to Taiwan under Biden will not change
much
What does Biden presidency hold for Vietnam?
New Law Would Let Chinese Coast Guard Use Weapons In South China Sea
Vietnam wary of China's possible weapons use
PH to support China candidate to int’l justice court
China Deploys Military, Ready to Fight US...
Australia-China warning: Canberra strikes pact with Japan in 'strong message' to Beijing
US Marine Raiders Arrive in Taiwan to Train Taiwanese Marines
Indonesia's Prabowo trots globe to cut fighter jet deal
US Plans to Send Coast Guard to Seas Near China
Post a Comment