Trần Phố Hội
Sau mấy ngày xáo trộn, buồn bã, thất vọng, chán chường, lo âu... Đạt đành chấp nhận thực tế và trở lại công ty trình diện như nhiều người khác. Trên đường đến sở, Đạt nhớ lại buổi sáng 30/4/75 ở đường Võ Di Nguy, Phú Nhuận, hình ảnh người ta ăn mừng chiến thắng, mấy xe vận tải Zil của Nga chở đầy bộ đội chạy về phía cầu Kiệu, những thứ đó báo cho Đạt một thực tại phũ phàng và một tương lai vô cùng đen tối!
Cấp trên của Đạt đã may mắn thoát được trước khi Sài Gòn thất thủ, nên nay công ty chỉ còn lại những người chức vụ thấp, cao nhất là chánh sở. Đạt phải thay mặt Nha Dụng Cụ bàn giao cơ giới. Gọi là bàn giao nghe cho đúng thủ tục hành chánh nhưng thật ra Đạt đến sở để báo cáo số cơ giới và nhận lệnh mới. Cấp trên của Đạt bây giờ là Sáu Trọng, một cán bộ lâu nay ở trong rừng, chẳng biết gì về hành chánh hay kỹ thuật.
Cả tháng sau đó Đạt thấy họ chú tâm nghiên cứu về lý lịch của đám nhân viên trong này hơn là tìm hiểu về các vấn đề kỹ thuật. Làm việc thì chẳng có gì nhưng học tập chính trị thì nhiều, anh em nhân viên cũ gọi đó là “đi nghe chửi”. Môi trường làm việc rất là ngột ngạt, phần thì sợ cán bô, phần thì e dè đám “30”. Rồi cuộc sống mỗi lúc một khó khăn nhưng Đạt chịu được, tuổi thơ của Đạt là những ngày đói khổ nên quen với những thiếu thốn của một xã hội nghèo nàn. Điều mà Đạt không chịu nổi là làm việc với cấp trên ngu dốt, tàn ác mà lại có toàn quyền về mọi việc, kể cả việc họ quyết định đời sống của mình. Đạt làm việc cho có lê, chẳng tha thiết gì đến xí nghiệp đôi khi còn muốn xí nghiệp xập tiệm vì mong có sự thay đổi, Đạt nghĩ bất cứ sự thay đổi nào cũng tốt hơn cái hin tại tăm tối này. Đạt cần thấy thay đổi mà không cần biết sự thay đổi sẽ đưa mình đến đâu. Không phải chỉ có Đạt mới mong cho xí nghiệp của mình không khá, lần nọ một thằng bạn làm cho công ty TaLuCo đến mượn cuốn sách “Élément de Construction” Đạt hỏi hắn tên tiếng Việt của TaLuCo là gì, hắn đáp ngay “Tàn Lụi Công Ty”.
Một hôm đi công tác đến công ty Mai Long, một công ty thầu khoán ở Thủ Đức trước đây, nay trở thành một đơn vị của xí nghiệp, thấy anh Giám Đốc cũ làm việc hăng say, Đạt mỉa mai hỏi:
- Thấy ai cũng xuống tinh thần sao anh hăng hái quá vậy?
- Tôi làm cho họ biết khả năng của các công ty mình trước đây.
Đạt chán nản, không ngờ anh này lại khờ dại đến thế, họ đã biết ngay khi mới vào đây nhìn các cao ốc, đi ngang qua các xa lô, tiếp quản các nhà máy v.v...
Tối 27/4/1976 Đạt nghe tin thuyền Kiên Giang vượt biên và đến hải cảng Darwin của Úc ngày 26/4/1976, người cầm lái là anh Lâm Bình chỉ mới 20 tuổi, trốn đi với người em trai và ba người bạn. Tin này làm cho Đạt vui và thấy có chút hy vọng. Điều làm cho Đạt ngạc nhiên và vô cùng ngưỡng mộ là anh Bình không phải dân hàng hải, anh tự học cách đi biển và bản đồ của anh chỉ là một trang xé ra từ cuốn Atlas.
Chuyện vượt biên thành công của chiếc tàu Kiên Giang là động cơ làm cho Đạt nghĩ đến vượt biên. Đạt tin rằng nếu nghiên cứu chu đáo cách đi biển và có một cái la bàn (compass) tốt thì Đạt sẽ có đủ khả năng để hướng dẫn một chiếc thuyền đánh cá đi đến Mã Lai hay Singapore. Dự tính của Đạt là xin nghỉ việc rồi đi tìm một ngư dân để hợp tác, chứ tiếp tục làm việc cho xí nghiệp thì khác chi ở tù, làm ăn gì được.
Xin nghỉ việc ở một xí nghiệp quốc doanh là cả một vấn đề, họ nghĩ mình bất mãn chế độ không muốn hợp tác, hoặc nghỉ việc để tìm đường trốn; thật ra thì cũng đúng như vậy vì có ai thích hợp tác với chính quyền CS này đâu, có ai muốn ở lại đâu. Nhưng xin nghỉ việc với lý do gì đây? Suy nghĩ mãi vẫn không tìm được lý do chính đáng ngoại trừ bị bệnh, nhưng Đạt không có bệnh.
Cuối cùng Đạt quyết định khai bị lao phổi để xin nghĩ việc. Đạt đã mất ngủ nhiều đêm về quyết định này vì Đạt không muốn nói dối hay lừa đảo, nhưng suy đi nghĩ lại thì Đạt thấy không cần thành thật với Việt cộng, bọn người gian ác đã lừa bịp cả nước và thế giới, với họ thì mọi thủ đoạn đều nên dùng để được ra đi.
Tìm mãi mới biết được một anh bị lao ở cùng xóm với người bạn, Đạt liền nhờ bạn giới thiệu nên anh ta chịu tiếp chuyện. Đạt đề nghị anh ta giúp bằng cách theo Đạt đến phòng quang tuyến Lý Hồng Chương chụp hình phổi, Đạt sẽ chở anh ta đến đó, Đạt lấy phiếu nhưng khi họ gọi vào chụp hình thì anh ta vào thế cho Đạt. Đề đền ơn Đạt sẽ biếu anh ta một số tiền bằng một nửa tháng lương của Đạt, anh ta bằng lòng.
Đạt khai với trưởng phòng là ho ra máu nên xin nghỉ buổi sáng ngày mai để đi chụp hình phổi. Đúng giờ hẹn Đạt đến đưa tiền và đón anh bệnh lao đi, mọi việc xảy ra đúng như dự tính nhưng khi chụp hình phổi xong anh ta muốn về trước, rồi xin tiền xe ôm và tiền ăn phở.
Sáng thứ Hai, sau khi làm việc được chừng nửa giờ thì Đạt nói với ông Hại, trưởng phòng, là bị lao và xin nghỉ việc. Xem đơn xong ông Hại bảo Đạt đem đơn và tấm phim lên phòng Tổ chức. Xem đơn và mở phong bì nhìn phim xong thì trưởng phòng Tổ chức là Ba Cược bảo Đạt về làm việc như thường chờ xí nghiệp cứu xét.
Hai ngày sau Ba Cược gọi Đạt lên làm việc. Đạt bước vào phòng Tổ chức, vừa ngồi xuống thì Ba Cược nói ngay:
- Hình phổi chụp ở Lý Hồng Chương không hợp lệ vì đó là tư nhân, anh phải đi chụp ở bệnh viện Hồng Bàng.
Đạt trở lại gặp người bệnh để nhờ chụp hình và anh ta nhận lời, với giá cũ; anh ta còn nói thêm:
- Chụp xong tôi về trước và xin anh tiền xe và tiền điểm tâm
Sáng thứ Sáu Đạt đón anh bệnh lao đi bệnh viện Hồng Bàng. Khi họ gọi Đạt thì anh ta vào chụp hình, xong anh ta về, Đạt ngồi chờ. Ngồi cũng khá lâu thì nhân viên bảo Đạt vào gặp bác sĩ. Ông BS bảo hình phổi có đấu hiệu bị lao nhưng không rõ lắm, cần phải chụp lại một tấm hình khổ lớn để kiểm tra; xong ông đưa Đạt một mảnh giấy bảo sang phòng quang tuyến đưa cho họ .
Lần này không phải chờ, chụp hình xong thì họ bảo ra phòng bên ngoài đợi phim. Bất ngờ với cái tin quái ác này Đạt bối rối và lo âu, nay ngồi đợi phim Đạt lấy lại bình tĩnh, nghĩ rằng có bị chất vấn vì sao hai tấm hình phổi cho thấy hai người khác nhau thì Đạt sẽ đổ lỗi cho phòng quang tuyến, chuyện lộn phim là thường.
Đạt chào BS và đưa phong bì lớn đựng phim, BS bảo Đạt ngồi rồi ông lục tấm phim nhỏ ra so sánh với tấm phim lớn, ông xem tấm này rồi sang tấm kia, ba lần như thế, xong ông kết luận:
- Anh bị lao, nhẹ thôi; tôi sẽ cho toa thuốc một tháng, sau đó chụp hình phổi để kiểm tra lại.
Đạt xin BS viết trên toa “lao phổi” để về cơ quan xin nghỉ bệnh và ông bằng lòng.
Về lại cơ quan Đạt trình diện trưởng phòng Hại, báo cáo bị lao và BS cho toa thuốc một tháng, xong đến phòng Tổ chức trình toa thuốc cho Ba Cược xem và yêu cầu cứu xét đơn xin nghỉ việc. Sáng thứ Tư tuần sau Ba Cược gọi Đạt lên, y mời Đạt ngồi rồi giải thích:
- Khi nhân viên gặp khó khăn thì nhà nước luôn luôn động viên và giúp đỡ, tôi đã làm việc với đồng chí Hại và chấp thuận cho anh nghỉ việc một tháng để dưỡng bệnh.
Rồi Ba Cược chìa ra cho Đạt tờ giấy phép, xong nói tiếp:
- Trong thời gian nghỉ việc, mỗi ngày anh đến trình diện công an phường một lần; ngày mai anh đến trình diện thì đưa cho họ cái này.
Nói xong Ba Cược đưa cho Đạt một phong bì dán kín.
Đạt đã biết chế độ này tàn ác và thâm độc nhưng không ngờ tới mức này, thế là kế hoạch nghỉ việc để lo vượt biên bất thành. Đạt chán nản nhưng tự nhủ phải tìm cách khác, không bỏ cuộc, và chuyện trình diện công an mỗi ngày làm cho ý chí vượt biên trở nên mãnh liệt hơn.
Một tháng sau trở lại làm việc, cuối ngày Đạt thường ghé qua chợ trời bán sách và vật dụng hải hành đề tìm sách và la bàn. Sau vài tháng thì Đạt đã biết kha khá về hai khu chợ trời này và làm quen với ông Đạm bán sách ở chợ Cũ. Quầy sách của ông Đạm khá nhiều sách kỹ thuật, Đạt tìm thấy cuốn “Basic of Navigation” khoảng 300 trang, mở ra xem “table of contents” thì thấy nhiều chương rất hay, rất thực dụng. Hỏi mua thì ông cho giá 90 đồng, quá đắc so với ước tính của Đạt. Ba ngày sau trở lại thì cuốn sách vẫn còn đó và ông Đạm vẫn giữ giá cũ, ông cho hay sách của người quen gửi, ông chỉ bán giùm và ăn hoa hồng thôi. Sau vài phút mặc cả không thành công Đạt đành bấm bụng mua, lúc trả tiền ông Đạm bớt 5 đồng, ông nói “Tôi cũng biết giá cuốn sách quá đắt nhưng thấy anh cần nó và trở lại nên tôi cắt bớt tiền hoa hồng cho anh vui”.
Giữa năm 1976 thì đời sống ở miền Nam rất căng thẳng, cả về vật chất lẫn tinh thần. Tương lai càng lúc càng đen tối, tinh thần dễ bị sa sút. Cả năm rồi Đạt buồn phiền vì suy tư nhiều về những thay đổi trong xã hội, nay Đạt thấy nhớ bạn bè nên cuối tuần hay đi thăm bạn cũ. Mấy thằng bạn đều cùng cảnh ngộ bi đát nên gặp lại thấy thương mến nhau hơn trước, và tâm sự chân thành về những dự tính của mình. Cuối năm 1976, nhờ liên lạc lại với bạn nên Đạt mua được cái la bàn nhỏ, loại bỏ túi. Đạt biết đây chưa phải là la bàn đi biển thứ thiệt nhưng cứ mua, sau này tìm được la bàn tốt hơn thì bán cái này, vì tìm mua một cái la bàn không dễ, món hàng này ngày càng hiếm.
Một hôm nọ trong tháng 3/1977, Đạt trốn sở ra uống cà phê thì gặp anh Hòa, ngạc nhiên và mừng lắm. Đạt quen với anh Hòa trong thời gian làm việc ở Đà Nẵng, không ngờ nay gặp lại anh ở Sài Gòn. Là một thương gia ở Đà Nẵng anh thường vào Sài Gòn, khi Đà Nẵng mất, anh bỏ hết chạy vô đây. và anh có mua một căn nhà ở đường Trương Minh Ký, gần nhà thờ Ba Chuông. Sau chừng 5 phút trò chuyện thì có người đến đón anh Hòa, nên anh và Đạt trao đổi địa chỉ và hẹn sẽ thăm nhau.
Chiều Chủ nhật tuần đó Đạt đến thăm anh Hòa và trò chuyện khá lâu. Kể cho nhau những thảm họa, những chuyện nghịch đời trong năm qua, rồi nhắc lại những ngày vui khi Đạt làm việc ở Đà Nẵng, và cuối cùng là chuyện vượt biên. Đạt khoe là đã nghiên cứu đường đi và đã có la bàn, nay có khả năng làm hoa tiêu cho tàu đi biển và đang tìm ngư phủ để cộng tác. Anh Hòa cũng đang tìm đường vượt biên nên coi Đạt là bạn đồng hành tin cậy được và đề nghị Đạt phụ với anh để đi chung một chuyến.
Trở lại công việc nhàm chán hàng ngày, nhìn những khuôn mặt nham hiểm, dốt nát đang cai quản xí nghiệp Đạt nản chí vô cùng, cột chân ở cái chỗ này hoài thì làm sao tìm được ngư phủ. Đối diện với cái thực trạng không khá này mà bi quan, than thở thì được gì? Tự hỏi vậy rồi Đạt nhắc nhở mình hãy cố lên, hãy tiếp tục việc chuẩn bị cho hoàn hảo và chờ cơ hội. Nhiều khi tan sở Đạt ghé qua các khu chợ trời và cuối cùng cũng mua được một chiếc la bàn loại đi biển thứ thiệt, tốt hơn, đáng tin cậy (reliable) hơn; đó là chiếc la bàn hiệu Ritchie, kiểu mới, được thiết kế giữa thập niên 1960’s với nhiều bộ phận làm bằng nhựa có sức chịu cao (high-strength plastics) thay thế các bộ phận bằng kim loại đúc (metal castings) nên nhẹ hơn, nhưng chính xác hơn.
Khi làm việc ở sở, hay ngồi ở nhà, hay đang trò chuyện với bạn ở quán cà phê Đạt đều nghĩ đến chuyện vượt biên, mơ ước một ngày được bước lên chiếc tàu đánh cá ra khơi. Mục đích của Đạt khi xin nghỉ việc là trở thành ngư phủ, nay vẫn mong trở thành ngư phủ, và đó là giấc mơ của một anh kỹ sư, ôi có xứ nào thăng tiến khi chuyên viên muốn bỏ việc để đi đánh cá? Tối nào Đạt cũng ôm chiếc radio nghe BBC, VOA để biết tin tức vượt biên, khi nghe có người đến nơi an toàn thì mừng cho họ và hy vọng cho mình, khi nghe tin tàu bị đắm nhiều người chết thì buồn cho họ và lo cho mình. Dựa vào những tin này thì tỉ lệ người chết khá cao, nhưng Đạt vẫn không nản lòng, vẫn quyết tâm ra đi, và sự lựa chọn vẫn là “tự do hay chết”.
Xí nghiệp của Đạt có một đơn vị là “Cảng Dầu Khí” ở Vũng Tàu, và thằng Tiến hay được cử đi công tác ngoài đó. Tiến là bạn học cùng lớp với Đạt ở Phú Thọ, thân nhau từ khi đi học và ra trường làm chung một công ty. Chuyện vượt biên hai thằng đều cho nhau biết và mỗi lần công tác về Tiến đều kể cho Đạt chuyện đi tìm đường giây ngoài đó.
Hầu như cuối tuần nào Đạt cũng đến nhà anh Hòa để hâm nóng chuyện vượt biên và bàn chuyện thời sự. Có một lần đến thì anh đang có khách, anh liền giới thiệu Đạt cho người bạn:
- Đây là kỹ sư Đạt, bạn tôi khi anh ấy làm việc ở Đà Nẵng, và đây là ông Hưng Phát ở chợ An Đông, bạn trong thương nghiệp, quen nhau khá lâu và đã giúp tôi trong những năm đầu vào Sài Gòn mua hàng.
Cả ba ngồi nói chuyện vui vẻ và thân mật, khi biết ông Hưng Phát chuyên bán cơ phận máy tàu đánh cá và dụng cụ đi biển thì Đạt hỏi:
- Anh có la bàn không?
- Hiện giờ thì không, nhưng tháng trước có 2 chiếc.
- Phải được gặp anh sớm hơn thì tôi khỏi tốn thì giờ tìm mua.
- Anh cũng cần la bàn?
- Thưa anh đã mua được rồi, chiếc Ritchie, kiểu mới, nhẹ và chính xác.
- Anh mua được la bàn Ritchie là hay quá, hiệu đó hiếm lắm; anh cũng tính đi à?
Anh Hoà xen vào:
- Có ai muốn ở cái xứ này đâu.
Hôm ấy là thứ Sáu, 26/8/77, Tiến ở Vũng Tàu về thì hắn tạt qua rủ Đạt đến nhà hắn sau khi tan sở. Khi
Đạt bước vào nhà thì Tiến cho hay là đã tìm được một ông chủ tàu đánh cá ở Vũng Tàu, ông ta cũng muốn vượt biên và cần một một hoa tiêu. Tiến kể tiếp:
- Tao quen và tìm hiểu ông này hơn sáu tháng nay, rất tin tưởng. Có đôi lần tao tính cho mày biết nhưng nghĩ lại thì nên chờ cho đến khi có kết quả rồi mới kéo mày vào. Ông ta biết tao rành về cơ phận máy tàu, nghe tao kể chuyện mày đã nghiên cứu đường đi và đã mua la bàn đi biển thứ thiệt thì ông ta muốn gặp mày để bàn chuyện hợp tác. Tao hẹn ông ta trưa mai đến nhà tao, vậy mày đến nghe, nhớ đem theo la bàn.
Đạt phân vân giây lát rồi hỏi:
- Làm sao mày biết ông ta thật sự muốn đi? Coi chừng bị gài đó vì tao nghe có người bị công an gài bắt ở Vũng Tàu.
- Công an chỉ gài những gia đình có máu mặt để hốt của chứ gài chi cái thằng mạng mộc như tao, yên tâm đi.
Ông Mạnh, chủ tàu, đến hơi sớm, nhưng Đạt cũng đã có mặt. Sau vài lời giới thiệu và chào hỏi thì ông Mạnh đi ngay vào vấn đề. Ông hỏi Đạt có đi tàu trên biển chưa, rồi hỏi về chuyện nghiên cứu đường đi, rồi xin coi chiếc la bàn. Cuộc gặp gở rất cởi mở và thân thiện, ông có vẻ tin tưởng về những chi tiết Đạt trình bày và hài lòng với chiếc la bàn. Khi chia tay thì ông xin cho thời gian để bàn với vợ con rồi sẽ trả lời khi Tiến đi công tác lần tới. Đạt đi về nhà để Tiến đưa ông ra bến xe. Trên đường về Đạt thấy vui và tin tưởng là cơ hội đã đến.
Tiến ở Vũng Tàu về thì ghé Đạt nói nhỏ “Chiều nay tan sở mày đến nhà tao nghe”. Chỉ còn vài giờ là tan sở mà sao Đạt thấy lâu quá, đầu óc thì suy nghĩ mông lung về kết quả lần gặp ông Mạnh. Khi đến nơi thấy Tiến ra đón mà không vui mừng chút nào khư những lần hẹn nhau đi uống cà phê, linh tính cho Đạt biết là không xong. Mà thật vậy, Tiến cho biết ông Mạnh không muốn hợp tác, Đạt buồn và thất vọng quá, hỏi Tiến:
- Ông Mạnh có cho mày biết lý do không?
Tiến nhìn bạn một cách thương hại, do dự một chút rồi mới nói:
- Tao rất ngạc nhiên, ông Mạnh nói ông tin tưởng vào sự hiểu biết của mày, và thích chiếc la bàn đó lắm, nhưng mày chưa hề đi biển, những gì mày biết chỉ là lý thuyết, ông ta muốn tìm người trong giới hàng hải, hay ít ra là dân Hải Quân, có kinh nghiệm thực tế với biển.
Đạt ít đến thăm anh Hòa và bạn bè vì buồn chán về chuyện bị ông Mạnh từ chối. Nỗi ưu tư phải sống cuộc đời còn lại với VC làm cho Đạt phải cố gắng vận động trí óc để tìm một giải pháp khác. Đạt không hối tiếc đã bỏ công học hỏi cách đi biển và bỏ tiền ra mua chiếc la bàn đắt giá vì hai thứ này sẽ là lợi điểm trong tương lai, có thể một tổ chức đi chui nào đó cần chiếc la bàn và Đạt sẽ không bán mà dùng nó mặc cả để được đi.
Thứ Tư, 12/4/1978, Đạt đi làm về đến nhà chừng mười lăm phút thì Hùng, cháu anh Hòa, tới cho hay anh Hòa cần gặp, Đạt nói ăn tối xong sẽ đến.
Vừa ngồi xuống ghế thì anh Hòa vui vẻ vào đề:
- Cơ hội mà anh em mình chờ nay đã đến, anh còn nhớ ông Hưng Phát, bạn tôi mà anh có gặp ở đây một lần?
- Nhớ chứ anh, mà sao?
- Gia đình ông ta đi ở Gò Công chín ngày rồi, trước khi đi thì ông giới thiệu người tổ chức cho tôi, một thợ máy sửa chữa tàu và là khách hàng của Hưng Phát gần hai mươi năm qua, hai bên thân nhau lắm.
- Người tổ chức cho ông Hưng Phát không đi sao?
- Anh ta nói làm vài chuyến kiếm tiền rồi sẽ đi, có thể sau chuyến của mình là họ đi.
Anh Hòa cho biết có gặp Chánh, người tổ chức, ở nhà ông Hưng Phát hai ngày trước khi gia đình Hưng Phát đi. Anh và Chánh đã nói chuyện rõ ràng về số người đi, phí tổn, những việc đôi bên phải làm, và những giai đoạn thanh toán tiền; nếu cần liên lạc thì anh Hòa cử người ra gặp Chánh hoặc Chánh vào nhà thằng Hùng. Anh Hòa không muốn Chánh biết nơi anh ở và cũng không muốn gặp Chánh nhiều, nên nhờ Đạt thay anh lo việc tổ chức với Chánh.
Được tham gia vào việc tổ chức Đạt mừng lắm, nhưng có vài điểm cần làm sáng tỏ ngay bây giờ để khỏi hiểu lầm về sau nên Đạt hỏi:
- Phí tổn một người là bao nhiêu vậy anh? em muốn biết để xem có đủ khả năng không.
- Bảy cây một người, anh có bao nhiêu thì đóng, phần còn lại tôi cho anh mượn, sang bên đó anh đi làm trả lại cho tôi; có bằng chuyên môn như anh thì qua bên đó tìm việc chắc cũng dễ.
- Cám ơn anh rất nhiều, em có phải cho Chánh biết nơi ở không?
- Không cần đâu.
- Vậy thì khi nào bắt đầu?
- Hôm qua Chánh đến nhà thằng Hùng nói cần gặp, tôi đến nói chuyện thì anh ta cho hay là đã thu xếp để mình ra coi tàu Chủ Nhật này; hôm nay là thứ Tư, bốn ngày nữa, anh đi được không?
- Dạ được, có chuyện gì khác em cũng bỏ để lo chuyện này.
Đạt đến nhà Chánh khoảng 10:30 sáng Chủ Nhật, 16/4/1978, bước vào nhà thấy hai thiếu niên đang đánh cờ, một ăn mặc chỉnh tề và một mặc quần đùi áo thun. Đạt hỏi:
- Có phải đây là nhà anh Chánh không?
Em áo thun trả lời:
- Dạ phải, anh tìm ba em có chuyện gì?
- Tôi là Đạt, ở Sài Gòn, có hẹn với anh Chánh để bàn chuyện làm ăn.
- Ba em có việc phải đi, chắc cũng sắp về; mời anh ngồi chơi.
Đạt hơi bực mình nhưng cũng đành ngồi xem hai đứa đánh cờ. Chờ chừng mười phút mà thấy lâu như cả giờ nên Đạt đề nghị:
- Có quán nào gần đây mình ra uống cà phê, em nói với người nhà khi anh Chánh về thì ra đó gặp.
Khi cậu áo thun vào trong thay đồ thì người thiếu niên kia hỏi nhỏ Đạt:
- Anh tìm ông Chánh để vượt biên phải không?
Câu hỏi bất ngờ và trúng ngay tim đen nên Đạt hơi bối rối, rồi Đạt nhanh chóng trả lời:
- Anh chỉ làm môi giới để kiếm tiền chứ không vượt biên đâu.
- Ông Chánh gài bắt một gia đình cách đây hai tuần.
- Vậy à, cám ơn em nhiều.
Trên đường đi đến quán, Đạt vừa trò chuyện vừa suy nghĩ tìm cách đối phó với Chánh để không lộ chuyện bí mật mà Đạt vừa biết. Đến quán, hai cậu thiếu niên gọi cà phê sữa đá còn Đạt gọi một chai beer. Đạt biết mình uống vài ba chai vẫn tỉnh táo nhưng chỉ cần nửa chai là mặt đỏ ngay, Đạt lo ngại sự suy nghĩ của mình sẽ hiện ra trên mặt, và lo sợ sẽ làm tái mặt nên uống beer cho đỏ mặt.
Chánh đến quán lúc gần trưa nên anh không vào, anh mời Đạt về nhà; Đạt trả tiền rồi theo Chánh, hai em kia ngồi lại. Theo chương trình thì hôm đó Chánh đưa Đạt đi coi tàu nhưng hôm đó không coi được vì tàu đi đánh cá về không kịp. Chánh phân trần:
- Tôi đã nói với chủ tàu rằng anh từ Sài Gòn ra nên phải hẹn cho đúng, sáng nay tôi cẩn thận đến xem trước cho chắc, ai ngờ ông ta không làm đúng lời hứa.
Đạt làm như tin lời Chánh, rồi trấn an Chánh:
- Nhiều khi chuyện xảy ra ngoài ý muốn của người ta, mình cũng nên uyển chuyển một chút; lần này không thành thì chắc lần sau sẽ thành.
- Anh hiểu cho như vậy thì tốt quá, tôi sẽ làm hết sức để lần tới có tàu cho anh coi.
Chánh rủ Đạt đi ăn hủ tiếu trước khi đưa Đạt ra bến xe, Đạt nhận lời vì khi ấy muốn tỏ ra thân tình với Chánh, và bụng cũng đói. Trong tiệm ăn Đạt chỉ nói chuyện đá banh, cải lương v.v..., tránh chuyện liên quan đến biển. Đạt cố gắng giữ câu chuyện tự nhiên và trong không khí bạn bè, để chứng tỏ cuộc hợp tác còn dài nên khi Chánh đưa Đạt ra bến xe thì Đạt đề nghị cho đi xem những điểm hẹn lần tới để tiết kiệm thì giờ cho lần sau, và Chánh bằng lòng.
Trên đường về Đạt suy nghĩ rất nhiều về cách rút lui và nhất là phải nói với anh Hòa như thế nào để bảo vệ vị ân nhân trẻ đã cứu cả nhóm trong chuyến đi chui này. Càng suy nghĩ về người thiếu niên đã tiết lộ tin để cứu mình Đạt càng thấy mình quá may mắn và càng biết ơn; chỉ gặp Đạt lần đầu, không biết Đạt là ai mà vị ân nhân trẻ này đã thương người và can đảm cứu giúp, ơn ấy lớn quá và Đạt biết mình không cách gì đền ơn được. Đạt cám ơn Trời Phật đã phù hộ cho mình và cầu xin Trời Phật phù hộ cho vị ân nhân.
Khoảng mười ngày sau Hùng đến nói với Đạt là anh Hòa cần gặp, Đạt đi ngay. Anh Hòa cho biết là tin gia đình ông Hưng Phát bị bắt là có thật; rồi anh, Hùng và Đạt tính kế hoạch rút lui.
Một buổi tối cuối tháng 9/78 vợ chồng Đạt ngồi bàn chuyện đi bán chính thức thì vợ Đạt đưa ra một vấn đề nghiêm trọng:
- Em nghĩ mình phải chuyển hộ khẩu trước khi đi, anh biết đó, người nào bỏ đi thì tụi nó đến tịch thu nhà, anh đứng tên chủ hộ thì chắc chắn chúng sẽ lấy nhà, đẩy Ba Má và mấy em đi kinh tế mới.
Đạt chới với vì việc chuyển hộ khẩu rất khó, mà không làm được thì không nên đi. Ý kiến của vợ Đạt là điều hợp lẽ phải, là trách nhiệm của con đối với cha mẹ; Đạt không thể vì mình mà để Ba Má và mấy em lâm vào cảnh màn trời chiếu đất.
Đạt mất ngủ nhiều đêm liền, ý chí muốn đi rất mãnh liệt nhưng trách nhiệm với Ba Má và mấy em thì rất nặng, phải chu toàn trước khi ra đi. Cuối cùng Đạt quyết định vừa lo việc chuyển hộ khẩu vừa lo vượt biên.
oOo
Chưa đầy một năm sau Đạt và vợ con đến Canada. Một buổi chiều thứ Sáu đẹp trời của tháng 6/1979 Đạt đặt chân xuống phi trường Mirabel, Quebec, Canada; trong túi có chừng mười dollars, không nhà, không việc, nợ chính phủ Canada gần một ngàn năm trăm dollars tiền vé máy bay, vậy mà Đạt thấy mình là người sung sướng nhất trên trần gian này.
Bốn mươi hai năm qua đã có nhiều lần Đạt nhớ lại ngày gặp vị ân nhân trẻ, đã có nhiều lần Đạt băn khoăn về số phận của vị ân nhân, đã có nhiều lần Đạt hình dung lại nét mặt và hình dáng của người thiếu niên đã cứu mình, bây giờ anh ấy cũng gần sáu mươi tuổi, Đạt cầu mong anh có một mái ấm gia đình, sống an vui bên con cháu, Đạt cũng cầu mong anh thoát khỏi Việt Nam để được sống trong tự do, trong một xã hội nhân bản phù hợp với anh; anh quá xứng đáng để được hưởng những thứ đó. Ngày cứu Đạt, anh còn nhỏ nhưng trái tim anh rất lớn, lòng thương người của anh bao la, sự can đảm của anh rất phi thường, có như thế anh mới bình tĩnh nói cho Đạt biết chuyện làm ác đức của Chánh mà không quan tâm đến tai họa có thể xảy đến cho anh.
Những năm gần đây, Đạt lại nhớ nhiều về vị ân nhân trẻ đã cứu Đạt ở Gò Công năm 1978, chắc Đạt không còn cơ hội để gặp lại anh, nên mỗi lần nhớ đến anh Đạt chỉ biết cầu nguyện mọi sự an lành cho anh và thầm nói “Xin chân thành biết ơn anh, vị ân nhân trẻ đã cứu Đạt khỏi bị tù đày và cứu đại gia đình Đạt khỏi bị tán gia bại sản”.
Trần Phố Hội
Tháng 11/2020
Subscribe to:
Post Comments
(
Atom
)
Post a Comment