Thiền là gì và du nhập vào Việt Nam từ bao giờ? Theo tôi, đó là một câu hỏi
khá bất ngờ và không dễ để trả lời. Trong quá trình nghiên cứu về sự phát
triển các Thiền phái Việt Nam, mặc dù có rất nhiều nhà nghiên cứu đã từng bỏ
nhiều thời gian, công sức để tìm tòi, khảo cứu về ảnh hưởng của Thiền qua kho
tàng văn học sử và tôn giáo của dân tộc để thẩm định. Nhưng tất cả kết luận
chỉ dừng lại ở sự ước định và phỏng đoán. Một điều chung nhất và được nhiều
học giả chấp nhận là Thiền đã vào Việt Nam qua ngã Phật giáo và song hành theo
quá trình phát triển nền văn minh và văn hóa dân tộc. Nói khác đi, sự phát
triển của các Thiền phái Việt Nam tùy thuộc phần lớn vào quan điểm về tôn giáo
của các triều đại vương quyền, thể chế chính trị trong quá trình lịch sử Việt
Nam.
Thiền, về bản chất đã vượt xa những khuôn sáo của khái niệm quy ước và vượt
lên trên những biểu tượng mang tính hình thức. Đối với Thiền, những khuôn mẫu
định kiến chỉ có tính ước lệ, không có bản chất thực sự. Mỗi cá nhân là một
thế giới thu nhỏ, và là một thực thể sống động nên Thiền luôn thể hiện tinh
thần bình đẳng khi đề cập đến vị trí của con người trước hoàn cảnh. Do vậy,
Thiền sẽ trợ lực cho những thay đổi toàn diện tri thức, nhận thức của con
người về quan niệm sống.
1. Những Thiền sư nổi tiếng trong quá khứ:
Thiền sư Vạn Hạnh: (? – 1018)
Theo tôi, giai đoạn thịnh hành nhất của Thiền và đã ghi lại nhiều dấu ấn trong
quá trình lịch sử dân tộc Việt là giai đoạn xuyên suốt các triều đại Đinh, Lê,
Lý, Trần.
Hình ảnh Thiền sư Vạn Hạnh thời tiền Lê nổi bật trong lịch sử không phải vì
ông là một Thiền sư danh tiếng lúc bấy giờ, mà vì ông đã có công mang Thiền từ
Đạo vào Đời. Vì sao và từ đâu? Từ một nhà sư đạo hạnh của Phật giáo thời tiền
Lê, thiền sư Vạn Hạnh nhận chân được sự suy vong của triều đại nhà Lê có thể
kéo theo sự suy vong của đất nước. Cái nhìn xuyên suốt tình trạng đất nước như
vậy là một cái nhìn viễn kiến, thể hiện lòng yêu nước cao độ dù ông đang mặc
trên người chiếc áo tu hành. Thiền sư cho rằng một triều đại vương quyền hưng
thịnh sẽ dẫn dắt một đất nước huy hoàng, vững bền và nhân dân sống hạnh phúc,
ấm no. Có thể vì lẽ ấy, thiền sư đã dấn thân vào đời, âm thầm nuôi dưỡng và
rèn luyện một Lý Công Uẩn văn võ toàn tài để tạo nghiệp lớn cho nhà Lý về sau,
và xa hơn nữa là bảo vệ giang sơn nước Việt trước tham vọng bá quyền của nhà
Tống phương Bắc và những sách nhiễu dân lành do Chiêm Thành gây hấn ở phương
Nam.
Mặc dầu từ Đạo dấn thân vào Đời với một vai trò đầy quyền uy như vậy, lịch sử
về sau vẫn mặc nhiên nhìn nhận Thiền sư Vạn Hạnh là một thiền sư đạo hạnh cao
vời và đầy tính dân tộc. Là một quốc sư nhiều quyền uy nhưng cũng là một nhà
sư đầy đạo hạnh, Thiền sư đã gầy dựng và vun đắp nên một triều đại nhà Lý
cường thịnh và huy hoàng. Một xã hội kỷ cương và nền nếp. Ở khía cạnh tư duy
về lịch sử, con người, và trong cái nhìn về vũ trụ quan, Thiền sư thấy rõ một
điều là một triều đại vương quyền chỉ có tính cách giai đoạn. Nếu hưng thịnh,
vương quyền sẽ dài lâu. Nếu suy yếu, vương quyền sẽ tàn lụi mau chóng. Chỉ có
đất nước mới trường cửu nhưng cũng chỉ tương đối. Thiền sư nhìn cuộc thế như
một bóng mây không hơn không kém, tan rồi hợp, hợp rồi tan, như nội dung bài
kệ của thiền sư gởi đệ tử trước khi ông viên tịch.
Thân như bóng chớp có rồi không
Cây cỏ xuân tươi, thu đượm hồng
Mặc cuộc thịnh suy đừng sợ hãi
Thịnh suy như cỏ hạt sương đông.
Thiền sư Mãn Giác (1052 – 1096)
Thành danh sau Thiền sư Vạn Hạnh 4 thập niên. Ông không có tham vọng nhập thế
và một đời hành thiền theo đúng giáo huấn của thiền môn. Mãn Giác thiền sư
thuộc đời 18 của Thiền môn Vô Ngôn Thông. Thiền sư vừa là nhà tư tưởng vừa là
một thi nhân. Chỉ một bài thi kệ Cáo Tật Thị Chúng đã hình thành một tư tưởng
triết học ẩn ngữ. Dưới cái nhìn đầy đạo lý của ông, cuộc sống là một thực tại
không có mới cũng không có cũ, không có đi và cũng chẳng có về, nó chỉ là một
vòng quay khép kín của tạo hóa cho nên vũ trụ mới có:
Xuân khứ bách hoa lạc
Xuân đáo bách hoa khai
Xuân đi trăm hoa rụng
Xuân đến trăm hoa cười.
(Bản dịch của Ngô Tất Tố)
Tính thiền trong bài thi kệ khai mở sự vô biên của tạo hóa. Nó diễn tả vòng
sinh diệt của tạo hóa là một chu kỳ khép kín của vũ trụ cho nên cái nhìn của
thiền sư Mãn Giác về vòng tròn sinh diệt là cái nhìn của giải thoát. Đường đi
đến Thiền cũng là đường giải thoát, quay về với thanh tịnh là trở về với tánh
không của vạn pháp.
“Đừng nghĩ xuân tàn hoa rụng hết vì đêm qua ngoài sân một cành mai đã
nở”. Chiếc vòng của tạo hóa quả nhiên là bất diệt và vô cùng.
Mạc vị xuân tàn hoa lạc tận
Đình tiền tạc dạ nhất chi mai.
Thiền sư Từ Đạo Hạnh: (1072 – 1116)
Thiền sư Từ Đạo Hạnh thuộc thế hệ sau Thiền sư Mãn Giác. Cho đến nay hình
tượng của ông vẫn được người đời thờ phụng trang trọng tại chùa Thầy và Chùa
Láng gần Hà Nội. Sách vở viết về ông nhiều vô kể, đa số xoay quanh những mẩu
chuyện về việc tu luyện pháp thuật. Nhiều chuyện kể tuy hơi có vẻ hoang đường
nhưng xoay quanh phạm trù nhân quả. Ông tu luyện pháp thuật cao cường với mục
đích tiêu diệt pháp sư Đại Điên, kẻ đã giết chết cha ông rồi ném xác dưới sông
Tô Lịch. Nhưng cũng chính Thiền sư Từ Đạo Hạnh, sau khi trả được thù cho cha,
mối oán thù đã không còn, tâm ông đã tĩnh lặng. Thiền sư bắt đầu vân du tứ hải
để giúp đời, ông chiêm nghiệm mọi việc trong đời đều có nhân có quả nhưng cuối
cùng vẫn chỉ là “sắc sắc không không”. Có cũng là không và không cũng
là có như nội dung mấy dòng thơ của thiền sư để lại cho đời:
Tạc hữu trần sa hữu,
Vi không nhất thiết không.
Hữu, không như thuỷ nguyệt,
Vật trước hữu không không.
Tôi xin mạo muội tạm dịch:
Những gì có tại trần gian
Ví như không có, có toàn không không
Kìa xem trăng chiếu lòng sông
Có rồi không có, như không có gì.
2. Những Thiền sư điển hình hôm nay.
Thiền dù cho xuất phát từ Thiền phái Vô Ngôn Thông, Trúc Lâm Yên Tử, Thiền
viện Thanh Minh, Bát Nhã hay bất cứ môn phái Thiền nào thì cũng phải hiểu một
điều: Bản chất của Thiền là vô niệm và cứu cánh của Thiền là sự giác ngộ. Thời
gian năm mươi năm trở lại đây, lịch sử Việt Nam bước vào giai đoạn đầy những
biến động về chính trị dẫn đến những hệ lụy đau thương từ chiến tranh, đã ít
nhiều làm biến dạng khuôn mặt xã hội. Ảnh hưởng nhiều đến sinh hoạt văn hóa và
tôn giáo và nhất là cuộc sống của gia đình và mỗi một cá nhân.
Thiền Sư Nhất Hạnh
(Thế danh Nguyễn Xuân Bảo, sinh năm 1926 tại Huế).
Õng là người đưa đã ra khái niệm “Phật giáo dấn thân” (Engaged
Buddhism). Khái niệm nầy được diễn đạt trong cuốn sách
Vietnam: Lotus in a Sea of Fire. Ngoài ra, Thiền sư còn viết hơn 100
cuốn sách vừa văn học, vừa triết học trong đó có hơn 70 cuốn là Anh ngữ.
Ông trở thành một nhân vật gây ảnh hưởng rất lớn đến sự phát triển của Phật
giáo phương Tây trong nửa thế kỷ nay.
Thập niên 1960, tại Sài Gòn, ông thành lập Trường Thanh niên phụng sự xã hội,
nhà xuất bản Lá Bối ở Sài Gòn và là Giáo sư tại Trường Đại học Vạn Hạnh trước
khi rời Việt Nam.
Sau hơn 30 năm rời Việt Nam vân du tu học và hành thiền. Năm 2005, thiền sư
trở về Việt Nam theo lời mời của Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất và
cũng để tìm hiểu thêm sự phát triển của các Thiền viện trong nước. Đến năm
2009, thiền sư Nhất Hạnh đã đưa hơn 200 thiền sinh mang nhiều quốc tịch khác
nhau từ Thiền viện Làng Mai do chính Thiền sư xây dựng tại Pháp về Việt Nam
trong một chuyến hành hương lớn có tổ chức. Chuyến hành hương đó dĩ nhiên có
sự chấp thuận của chính quyền Việt Nam cũng như có sự sắp xếp với Giáo Hội
Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất với mục đích xiển dương những tinh hoa của Phật
học và Thiền phái Việt Nam. Mục đích khác là Thiền sư Nhất Hạnh muốn chứng
nghiệm một phương cách hành thiền mới cho các thiền viện trong nước. Điển hình
là Thiền viện Bát Nhã tại Lâm Đồng. Nhưng rất tiếc chuyến hành hương đã thất
bại mặc dầu mang ý nghĩa tìm về văn hóa cội nguồn dân tộc, tu học Phật pháp và
hành Thiền. Có tin hơn 200 đệ tử thiền sinh nam nữ của thiền sư Nhất Hạnh bị
đánh đuổi (có bạo hành) khỏi Thiền viện Bát Nhã, không cho tá túc và tu tập.
Thiền sư Thích Nhất Hạnh, thường được gọi là Sư Ông Làng Mai, đã trải qua cơn
đột quỵ hồi năm 2014, sau đó đã hồi phục nhưng chưa được bình phục. Từ đó đến
nay, ông vẫn phải ngồi xe lăn và không thể nói chuyện được nhiều mặc dù tinh
thần được cho là vẫn rất tỉnh táo. Cách nay gần ba năm, Thiền sư đã đáp chuyến
bay từ Bangkok, Thái Lan, nơi ông đã tĩnh dưỡng kể từ tháng 12 năm 2016, để về
lại Việt Nam trong chuyến đi được nhiều người mô tả là
“lần về quê cuối cùng”.
Kể từ đó, Thiền sư Thích Nhất Hạnh, hiện gần 96 tuổi, đã trở về sống những năm
cuối đời tại Tổ đình Từ Hiếu ở phường Thủy Xuân, thành phố Huế, nơi ông đã thọ
giới xuất gia từ năm 16 tuổi, để an dưỡng theo ước nguyện
“lá rụng về cội”. Mới đây, tháng 8/2020, Chính quyền Việt Nam vừa cho
phép năm (5) đại đệ tử của Thiền sư Thích Nhất Hạnh, người sáng lập môn phái
Làng Mai nổi tiếng thế giới, về Huế thăm viếng trong lúc sức khoẻ của ông đang
ngày một suy yếu.
Thời gian cuối của một đời người. Trước khi giã từ cuộc sống đầy hệ lụy, bất
trắc và những tranh cãi khôn lường về những câu nói mang tính chính trị của
ông trong giai đoạn chiến tranh Việt Nam trước 1975. Điển hình, trong một lần
thuyết pháp tại Nữu Ước, Hoa Kỳ năm 2001. Trước một số đông cử tọa người Mỹ
đang nghe thuyết pháp, Thiền sư đã cường điệu quá mức khi cho rằng, trong vụ
Tổng công kích Mậu Thân 1968 của Cộng sản Bắc Việt, không quân Mỹ đã ném bom
tàn phá, hủy diệt Thị xã Bến Tre, gây thương vong cho hơn 300,000 gia đình
người Việt tại đó. Thực tế, lúc ấy (1968), toàn thị xã Bến Tre chỉ có khoảng
hơn bảy mươi lăm ngàn người (75,000). Hiện tại, với tuổi gần 96, Thiền sư Nhất
Hạnh để lại một di nguyện cho các đệ tử như một nhắn nhủ mang tính triết học
về thân phận con người. Tôi mạn phép trích 3 đoạn mà tôi nghĩ là cô đọng nhất
trong cái nhìn của một Thiền giả có ít nhiều ảnh hưởng với tôn giáo và văn học
Việt Nam cận đại:
"Thầy không muốn sau này quý vị xây cho Thầy một ngôi tháp ở Tổ Đình. Xây
tháp như thế sẽ không có ý nghĩa gì nếu ngày hôm nay quý vị không nối tiếp
được những gì Thầy đang trao truyền.
Nếu có một tảng đá có sẵn thì để vào trong hốc đá bản thảo của một cuốn
sách của Thầy như cuốn Phép Lạ Của Sự Tỉnh Thức thì tảng đá đó có Thầy nhiều
hơn là một cái tháp trong đó có một nắm tro.
Đem tro mà rải hết ra ngoài để nuôi cây nuôi cỏ, cho cỏ cho cây lớn lên.
Đừng có ngăn ngừa sự tiếp nối của nắm tro ấy.”
Thiền Sư Tuệ Sĩ
(Thế danh Phạm Văn Thương, sinh năm 1943).
Đã có nhiều học giả gọi thầy Tuệ Sĩ như là một Thiền sư điển hình cho Phật
giáo Việt Nam cận đại. Thiền sư Tuệ Sĩ tu học trong các viện Phật học tại Lào
từ khi còn rất nhỏ. Về Việt Nam lúc trưởng thành, thiền sư tu học tại Viện
Phật Học Hải Đức Nha Trang. Thông minh và uyên bác, hòa hiếu và xuất chúng.
Nhiều người biết ông đều xem ông như một trí tuệ vô sư trí. Một vị tăng lữ
không sư thầy đã
“một mình đột phá nền triết học tánh không, giải trình thông suốt giá trị
sâu thẳm tư tưởng Trung quán, Trí độ luận”.
Từ năm 1970, thiền sư Tuệ Sĩ đã là giáo sư Triết nổi tiếng của Viện Đại Học
Vạn Hạnh Sài Gòn. Ông dạy cả triết Tây lẫn Đông phương.
Nếu chỉ đứng trong phạm trù tôn giáo hoặc góc độ riêng về Thiền, không đề cập
đến vấn đề ý thức hệ hoặc quan điểm chính trị. Lắng chút tâm tư để
“Tìm về núi cũ xem hoa nở” như tựa đề một bài viết về thiền sư Tuệ Sĩ
thì quả nhiên Thiền Sư Tuệ Sĩ là một nhà tu hành uyên bác và trầm mặc như
chính những câu thơ của ông:
Bướm vàng trên vách đá
Tịch mịch cảnh chùa xưa
Chim chóc từ viễn phố
Tĩnh không rặng núi mờ.
Nhưng ông lại là người trực tiếp chứng kiến những đau thương mất mát từ cuộc
nội chiến trên quê nhà (1954-1975). Thiền sư có tư tưởng nhập thế, muốn dấn
thân để xoa dịu vết đau của dân tộc. Chúng ta sẽ không ngạc nhiên nếu biết
Thiền sư ngoài một trí năng uyên bác xuất chúng, ông còn là một nhạc sĩ. Cao
hơn, ông còn là một nhà thông thái biết rất nhiều ngoại ngữ và là một nhà thơ
đầy dân tộc tính với tài sử dụng ngôn ngữ thi ca cao siêu. Hơn bốn mươi năm
trước, nhà thơ lớn Bùi Giáng đã không tiếc lời ca tụng thi tài và cỏi thơ của
Thiền sư Tuệ Sĩ trong nhiều bài viết. Xin mời đọc tiếp cõi thơ rất thông tuệ
của Thiền sư.
Đôi mắt ướt tuổi vàng cung trời hội cũ
Áo màu xanh không xanh mãi trên đồi hoang
Phút vội vã bỗng thấy mình du thủ
Thắp đèn khuya ngồi kể chuyện trăng tàn.
Thiền sư Tuệ Sĩ thắp đèn khuya ngồi kể chuyện trăng tàn hay chuyện điêu tàn
của một quê hương bất hạnh vì chiến tranh. Hãy nghe tiếp Thiền sư kể chuyện âm
vang núi rừng Trường Sơn mà thiền sư là một chứng nhân của lịch sử.
Mười năm sau anh băng ngàn vượt suối
Tìm quê hương trên vết máu giữa đồng hoang
Chiều khói nhạt như hồn ai còn hờn tủi
Từng con sông từng huyết lệ lan tràn.
Rồi ngày ấy anh trở về phố cũ
Giữa con đường còn rợp khói tang thuơng
Trong mắt biếc mang nổi hờn thiên cổ
Vẫn chân tình như mưa lũ biên cương.
(Tuệ Sĩ - Mười năm trong cuộc lữ)
Dưới nhãn quan của thiền sư thì những tang thương nếu có cũng chỉ là vệt khói
giữa trời cao, cũng chỉ là “hạt xả không trí” không cần phải lưu tâm.
Nhưng thực tế, mười năm sau cuộc lữ, rồi sau đó là hơn 14 năm qua các trại tù
của cộng sản Việt Nam, thiền sư đã tìm ra được hình bóng quê hương sau khói
nhạt tủi hờn và nhất là chân tình sau “mưa lũ biên cương”.
Cần lưu ý một điều là những đoạn thơ trích dẫn trên đều do Thiền sư viết trong
giai đoạn miền Nam chưa bị cộng sản phương bắc xâm chiếm. Và một điều cần biết
thêm. Tên tuổi Thiền sư Tuệ Sĩ nổi tiếng khắp thế giới vì bản án tử hình “lạ
đời” của chính quyền Cộng sản Việt Nam đương thời. Đó cũng là một sự kiện lớn
và đáng quan tâm trong cuối thế kỷ 20 tại Việt Nam. Ông bị bắt từ 1/4/1984 và
bị kết án tử hình ngày 30/9/1988 cùng với Cư sĩ Trí Siêu Lê Mạnh Thát với bản
cáo trạng chống và âm mưu lật đổ chính quyền Cộng Sản Việt Nam! (???)
Nhưng trước áp lực của dư luận báo chí quốc tế về vấn đề nhân quyền và tự do
tôn giáo tại Việt Nam. Chính quyền cộng sản đã phải giảm án cho 2 ông xuống tù
chung thân. Và sau hơn 14 năm tù giam tại miền Bắc, cả 2 ông được thả ngày
1/9/1998. Giam cầm, tù đày, khủng bố chỉ là những hệ lụy của trần gian. Rõ
ràng, trong cái nhìn rất thiền và xuyên suốt của Tuệ Sĩ, những tang thương nếu
có, cũng chỉ là những vệt khói giữa trời cao. Trước sau cũng chỉ là
“hạt xả không trí” mà thôi. Hãy nghe Thiền sư Tuệ Sĩ trả lời Chủ tịch
nước CHXHCN Việt Nam Trần Đức Lương lúc ấy, khi nhà cầm quyền cộng sản Việt
Nam muốn Thiền Sư ký tên vào đơn xin khoan hồng trước khi ông được thả. Ông đã
không ký mà còn nói rõ ràng:
“Không ai có quyền xét xử tôi. Không ai có quyền ân xá tôi…” Thiền tính
thể hiện rất rõ trong câu trả lời của Thiền sư Tuệ Sĩ vì Thiền luôn đề cao
tinh thần bình đẳng khi đề cập đến vị trí con người trong xã hội.
3. Kết
Khi viết về quý Thiền sư nổi tiếng trong Văn học sử Việt Nam thuở xưa và thời
kỳ cận đại. Người viết không mang ý niệm chọn lựa, so sánh vì những ý niệm đó
sẽ đi ngược với tinh thần vô niệm của Thiền. Chữ vô niệm trong Thiền là cắt
đứt sự suy tư, dù là bất cứ sự suy tư nào vì Thiền tối kỵ sự lý luận. Càng ít
nói càng tốt, và nếu phải nói thì phải nói bằng hình thức phi lý luận. Sự im
lặng của tư tưởng tiềm ẩn trong sự im lặng của vô ngôn.
Người hành thiền, khi tâm còn nghi vấn là MÊ, nhưng khi giải tỏa được nghi
vấn là NGỘ. Con đường từ Mê đến Ngộ không có cấp bậc, càng không có biệt
lệ cho bất cứ ai.
Thiền có thể hiểu là trạng thái tâm linh cao vợi của một thiền giả đã chứng
ngộ. Trạng thái ấy không có tính so sánh, không có biểu tượng triết học để
hình dung, không gò bó trong nghi thức tôn giáo để tu tập, càng không có tính
lý luận và phương pháp trình bày. Thiền luôn đề cao vị trí con người trong
tinh thần bình đẳng.
Thiền nhìn dưới lăng kính triết học Đông Phương bao gồm cả triết học Trung
Hoa, Ấn Độ, Nhật Bản, Việt Nam… hình như không thể thoát khỏi ảnh hưởng của
Phật giáo. Nếu chúng ta hiểu thiền là vô niệm thì con đường để đi đến vô niệm
chính là những công án thiền. Chỉ khi nào ta đến được khu vườn thiền thì mới
chứng ngộ để thấy được Thể tánh. Nhưng khổ nỗi con người đa phần còn nặng tính
sân, si nên thường chỉ đi tìm cái Tướng, do đó đường đi trở thành vô định.
Ngài Liễu Quán mất năm năm diện bích mới tìm được sự giác ngộ. Thời gian ấy
không lâu cũng không mau. Lâu hay mau chỉ là ý niệm về thời gian và tùy
“duyên” của mỗi người. Có nhiều người suốt một đời hành thiền vẫn không tìm
được chữ Ngộ vì không có duyên. Người hành thiền, khi tâm còn nghi vấn là MÊ,
nhưng khi giải tỏa được nghi vấn là NGỘ. Con đường từ Mê đến Ngộ không có cấp
bậc, càng không có biệt lệ cho bất cứ ai.
Lê Tấn Dương
Trung Thu 2020
Danh mục sách tham khảo:
- Lịch Triều Hiến Chương Loại Chí. Phan Huy Chú. Nhà XB/KHXH 1989
- Thiền Luận. D.T Suzuki, dịch giả Trúc Thiên. Nhà XB. TP/HCM 1992
- Vườn Thiền.
-
Vietnam: Lotus in a Sea of Fire. Thich Nhất Hạnh. New-York, Hill &
Wang
- Lịch sử Thiền Tông Việt Nam. Thiền sư Thích Thanh Từ. Nguồn Web
- Bách Khoa Toàn Thư Mở, Wikipedia.
- Mười Năm Trong Cuộc Lữ. Thiền sư Tuệ Sĩ
- Tô Đông Pha, Những Phương trời viễn mộng. Tuệ Sĩ, NXB An Tiêm.
- Việt Nam Sử Lược. Trần Trọng Kim. Nhà XB Xuân Thu 1990
Post a Comment