Bác Sĩ Nguyễn Ý Đức
Cận-Tử là thời gian lão đang dần dần bước tới ngưỡng cửa Tử Biệt, của sự
“dùng dằng nửa ở nửa đi”... Mà dùng dằng thì còn đôi chút quyến
luyến, tiếc rẻ, nấn ná, cố kéo dài một it thời gian với cuộc đời. Nấn ná vì
lão vẫn không tin rằng lão chỉ còn dăm tháng để hít thở không khí trần gian,
để được gần gũi người vợ hiền, bầy con cháu. Và bạn bè quyến thuộc gần xa...
Khi được thầy thuốc cho hay bệnh đang đi vào giai đoạn cuối thì lão có những
tâm trạng khác nhau.
Lão ngạc nhiên không tin chuyện đó có thể xẩy ra cho lão. Lão hốt hoảng kêu
lên “Chắc là có sự lầm lẫn nào đây. Ðâu có phải là mình nhỉ”!?. Lão
cho rằng bệnh nhân giường bên kia ra đi sớm mới phải vì đương sự gầy gò ốm
yếu, suốt ngày ho sù sụ, luôn luôn thở dốc, chứ lão đâu đã đến nỗi gì.
Ðây cũng là phản ứng tự nhiên của nhiều người chứ chẳng riêng gì lão. Tự
nhiên vì sắp mất tất cả mọi sự trên đời thì ai chẳng ít nhiều tuyệt vọng,
đau khổ, bất mãn...
Nhưng mỗi lần gặp mặt, thấy ông thầy thuốc nghiêm nghị hơn, dè dặt hơn thì
lão linh cảm là đúng. Ðôi lúc lão cũng đã ấm ức trách vị lương y vì chẳng
chịu khó tìm kiếm phương thức thần diệu hơn để chữa cho mình.
Rồi lão cầu nguyện, mặc cả điều đình với đấng thiêng liêng giúp lão, cứu lão
ra khỏi cơn bạo bệnh này, với lời hứa là từ nay sẽ sống đàng hoàng hơn, điều
độ hơn.
Từ hơn hai năm nay, khi thấy ho nhiều, lão bỏ hẳn rượu, thuốc lá, ăn nhiều
rau trái cây và còn đi bộ mỗi ngày, một việc mà trước đây không bao giờ lão
nghĩ tới. Rồi thì lão được xác định bị ung thư phổi. Chẳng là vì lão hút
thuốc lá từ năm 19 tuổi, hơn một nửa thế kỷ liên tục mang khói vàng của điếu
thuốc vào phổi... Lão bắt đầu ho nhiều, khó thở, kém ăn, xuống cân... Và lão
bắt đầu trị liệu..
Lão mong có phép lạ để lão sống thêm vài năm nữa, cho tới khi đứa con út tốt
nghiệp đại học. Rồi ra đi cũng mãn nguyện...
Ðến khi y giới lắc đầu chịu thua thì lão thấy không còn hy vọng, lão trở nên
buồn rầu, chẳng muốn gặp ai.
Có người nói lão sợ chết. Thời gian đầu khi nghe nói bệnh không chữa được
thì quả tình lão có hoảng hốt sợ hãi thật. Ai mà chẳng sợ mất sự sống, phải
lìa bỏ những gì đã gắn bó với đời mình cả nhiều chục năm. Nói rằng không sợ
thì chỉ là dối lòng, phủ nhận chối bỏ sự thật.
Bây giờ thì lão chấp nhận những giới hạn của chữa chạy. Nhiều lúc, lão cũng
nghĩ là sống tới tuổi ngoài thất tuần của lão hiện nay cũng đã quá nhiều.
Ngày xưa cha mẹ lão chỉ thọ tới sáu chục tuổi. So với bố mẹ, “Bonus” tuổi mà
Thượng Ðế dành cho lão đã quá nhiều... Lão chấp nhận và chỉ mong sao
được ra đi bình an, thanh thản...
Nhưng lão cũng nghĩ tới một số nhu cầu, một số mong muốn được đáp ứng trước
khi tử biệt. Những nhu cầu căn bản của con người nhưng đơn giản hơn, nhẹ
nhàng hơn...
Vì lão nghĩ, dù trong tình trạng cận tử, lão vẫn còn là một sinh vật, vẫn
còn cảm nghĩ, suy tư, rung động, vẫn còn đôi chút nhu cầu vật chất, những
tình cảm thương yêu, tiếp xúc. Vậy thì lão vẫn còn những mong muốn. Y giới
cũng đồng ý với lão rằng người cận tử có quyền được cung cấp một số đòi hỏi.
Lão quyết định sẽ chết đàng hoàng, trong sự tôn trọng. Lão nghĩ là lão may
mắn có được một mái nhà ấm áp để sửa soạn ra đi chứ không cầu bơ cầu bất như
nhiều người bất hạnh, tứ cố vô thân, không người thừa nhận. Lão đang ở trong
một cơ quan chăm sóc người cận tử.
Lão nhớ lại, ngày xưa người ta thường chết ở nhà, nơi mà vợ chồng con cái
sống chung với nhau thế hệ này qua thế hệ khác. Người ta sửa soạn cho sự
chết giữa những người thân yêu, được người thân yêu quây quần chăm sóc. Mọi
người có thời giờ thong thả nói với nhau, bàn bạc cùng nhau về hậu sự,
về chuyện tương lai của các thành viên trong gia đình. Người chết được thân
nhân tắm rửa bằng nước cỏ cây hoa lá nhiều mùi thơm, thân xác nguyên vẹn và
được mặc quần áo mới may thật đẹp. Áo quan là những mảnh gỗ vàng tâm, gỗ gụ.
gỗ lim... sắm sẵn dùng làm phản nằm cho bóng dẩu mồ hôi, để khi hữu sự thì
làm áo quan, mang thân xác ra đi. Người chết được quyến thuộc bạn bè tới tận
nhà để nhìn mặt nhau lần cuối, đưa tới huyệt mộ để vĩnh biệt chia tay...
Ngày nay thì mọi sự đều đổi thay, vì hoàn cảnh, nhu cầu cuộc sống. Người ta
chết ở bệnh viện, ở nhà thương, ở nhà “hospice”, đôi khi trên xa lộ, tại
thương xá, giữa biển cả, trên núi cao... Thôi thì
“gặp thời thế, thế thời phải thế”, chọn lựa làm chi... Chết ở đâu
cũng chỉ là một cách chấm dứt sự sống...
Lão đã làm giấy từ chối mọi phương thức chữa chạy mạnh mẽ như là
“gắn dây chỗ này, cài máy chỗ kia” trên cơ thể. Trong di chúc, lão
ghi rõ rõ ý muốn chăm sóc y tế như thế nào trong trường hợp mình không phát
ngôn được vào giai đoạn cuối cuộc đời, khi không còn hy vọng cứu chữa. Lão
cũng làm giấy ủy quyền cho một thân nhân quyết định phương thức điều trị khi
lão hết sáng suốt. Lão đã tìm hiểu về chương trình chăm sóc cận tử -hospice-
nên lão xin vào đây để hy vọng được nhẹ nhàng ra đi không đau đớn vì những
biến chứng của ung thư...
Trước hết lão muốn được gặp gỡ tất cả thân bằng quyến thuộc nhất là người
bạn trăm năm với các con các cháu. Hơn mấy chục năm chung sống với biết bao
kỷ niệm buồn vui có nhau. Lão đã làm hết nhiệm vụ cho gia đình và lão cũng
muốn nhân dịp này nhìn lại các thành quả đó trên gương mặt mọi người với
những lời nhắn nhủ cuối cùng...
Lão cũng cần giải quyết mọi chuyện với người thân thiết để đôi bên chia tay
trong bình an... Và lão cũng được nắm bàn tay những người thân yêu lần
cuối, bàn tay đón lão vào đời, bàn tay tiễn đưa lão vĩnh viễn ra đi...
”Xin chia tay, và nếu là mãi mãi, thêm một lần, xin mãi mãi chia tay”, một nhà thơ nào đó đã viết...
Lão mong muốn được đối xử như người còn sống. Theo lão, cận tử mới chỉ là
gần chết, sẽ chết vì sự sống chỉ ngưng sau khi lão không còn hơi thở, tim
ngưng đập, não tê liệt. Lão vẫn còn là một sinh vật với mọi ý nghĩa của
nó, như là có suy tư, cảm xúc, quyền hạn như mọi người. Có vui, có
buồn, có hy vọng, có thương yêu...
Lão cần được duy trì các hy vọng dưới mọi hình thức. Hy vọng có thuốc tiên,
có phương thức kỳ diệu để lão lành bệnh. Mặc dù biết rằng bệnh của lão đang
đi vào giai đoạn cuối, những hung bào ung thư đã xâm lấn nơi xa, nhưng
“còn nước còn tát”, lão vẫn hy vọng ở một phép lạ đến với lão. Lão
đang cầu nguyện ơn trên. Rồi lão hy vọng những cơn đau không hành hạ mình.
Hy vọng con cái gần mình. Hy vọng không chết đơn côi. Xin ai đó đừng làm
tiêu tan hy vọng của tôi với lời an ủi xã giao, có lệ,
“hãy nhìn vào sự thật, đừng mong ở phép lạ”... Hy vọng có thể
lành. Hy vọng chết không đau đớn. Hy vọng vợ hiền, con cháu ở lại bình an.
Hy vọng mình được về nơi vĩnh phúc... Xin đừng thổi tắt những ngọn lửa hy
vọng của tôi!
Dù thời gian không còn bao lâu, nhưng lão vẫn mong muốn tiếp tục được chăm
sóc bởi những người có khả năng, hiểu biết, thông cảm với hoàn cảnh, bệnh
tình của lão. Lão vẫn muốn tiếp tục nhận dịch vụ y tế, dù mục tiêu bây giờ
là làm nhẹ bệnh thay vì chữa khỏi... Những giải thích về bệnh của tôi từ bác
sĩ, những hướng dẫn ăn uống từ điều dưỡng viên, sự chăm sóc vệ sinh cá nhân
của người y công... đều làm ấm lòng tôi hơn, thoải mái hơn... Dù biết rằng
sắp chết, tôi cũng vẫn cần... xin đừng cô lập tôi, bỏ tôi một mình trong sợ
hãi!!! Lão nhớ có một tác giả nào đó đã viết:
“Chết không phải là kẻ thù; sống với ám ảnh sợ hãi nó mới là kẻ
thù...”
Lão cũng muốn được tham dự vào các quyết định liên quan tới lão. Về các
phương thức trị liệu; cách ăn uống, sinh hoạt hàng ngày. Ngay cả hình thức
ma chay, chôn cất mà lão đã sắp đặt đâu vào đó. Ðôi khi thân nhân không muốn
kẻ sắp vĩnh biệt ra đi bận tâm với thủ tục, chi tiết rườm rà, nên quyết định
hộ. Làm vậy là ta đã phủ nhận quyền quyết định của họ, coi họ như bất lực và
vô hình dung giảm giá trị của họ...
Lão cần được giải thích đầy đủ và ngay thẳng cũng như có quyền nêu ra những
thắc mắc về sự chết. Nhiều khi thầy thuốc không muốn nói tới chết chóc với
bệnh nhân đau nặng, vì muốn để họ còn hy vọng. Hoặc cho rằng bệnh nhân đã
biết rồi. Vì khó nói làm sao ấy. Lão cũng thông cảm với hoàn cảnh khó xử của
người thầy thuốc đang chăm sóc lão. Nhiều lúc lão thấy ông ta dường như muốn
nói với lão một điều gì quan trong, nhưng lại ngập ngừng. Chắc lại là
chuyện “vô phượng trị liệu” về bệnh của lão chứ gì!?
Thực tội nghiệp cho ông bác sĩ! Ðược huấn luyện để xua đuổi tử thần xa sự
sống, chứ đâu có được hướng dẫn để nói về sự chết với bệnh nhân...
Từ lúc sinh thời, lão vẫn có một đức tin tôn giáo thì giờ đây lão cần sự
chăm sóc tâm linh, để linh hồn lão có nơi tá túc bình an. Người ta muốn được
lên cõi Thiên Ðàng, tiêu diêu miền Cực Lạc thì lão cũng muốn được về nơi
vĩnh cửu mà lão đã từng ấp ủ. Lão muốn được tâm sự với vi lãnh
đạo tinh thần mà lão đã quen biết từ nhiều chục năm nay, để sửa soạn cho
linh hồn lão...
Lão cũng cần được giải thích về diễn tiến của sự chết; Vì lão nghe nói khi
chết thì sẽ có những khó khăn, những thay đổi về thể xác cũng như linh hồn.
Liệu lão có bị những cơn đau bệnh hoạn xâu xé cơ thể!? Liệu những hoảng
loạn, ác mộng có đến với lão? Lão có mất ngủ, kém ăn, bí đại tiểu tiện...
bác sĩ sẽ làm gì để giúp lão ra đi nhẹ nhàng?
Lão cần sự giải thích thành thực, sự thông cảm của thầy thuốc. Lão không
muốn sống trong u mê, lo sợ của sự chờ chết... Lão nhớ lời nhắn nhủ của Nữ
tu đáng kính Theresa “Ðừng sợ hấp hối vì nó rất giản dị...”
Lão chỉ cần có vậy.....
Bác sĩ Nguyễn Ý Ðức
Texas-Hoa Kỳ
Subscribe to:
Post Comments
(
Atom
)
Post a Comment